Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Kính Chuyển Những Tin Nóng Vào Những Ngày Cuối Năm 2022! - Lê Văn Hải


Lời Chúc Mừng Năm Mới! Happy New Year 2023!
- Năm hết Tết đến! Cùng nhau, vẫy tay giã từ “ông già” của năm 2022, với nhiều chuyện buồn, dịch bệnh, thiên tai, viễn ảnh chiến tranh nguyên tử…..Xuân về! Đất Trời đổi thay, bừng sức sống! Cùng hân hoan giang tay đón chào “em bé” năm mới Dương lịch 2023! vui vẻ đang tới! (cuối tuần này!) với nhiều niềm hy vọng tốt đẹp, sáng sủa hơn! Ngoài trời nắng ban mai bắt đầu ấm áp trở lại, hoa cúc, hoa mai hé nở rồi, rượu ngon cùng mở sẵn, pháo hoa rực sáng chào đón đêm giao thừa 2023 đã sẵn sàng! Nào hãy cùng vui mừng đón chào năm mới 2023, với nhiều điều hy vọng tốt đẹp, kèm theo những lời chúc tụng, nổ vang… như Pháo Tết (cho vui) nhé!
<!>

- Trước thềm năm mới 2023, Kính Chúc tất cả Quý Niên Trưởng, Quý Chiến Hữu, Văn Thi Hữu, Gia Đình, Bạn Bè và Thân Hữu:
*Một năm mới: Tiền vào bạc…tỷ! tiền ra rỉ rỉ, miệng cười hi hi, vạn sự như ý, cung hỉ, cung hỉ!
*Thành công luôn tới, sức khỏe tuyệt vời, may mắn khắp nơi, làm nhiều điều mới.
*Công thành danh toại, trẻ mãi không già, phúc lộc trường tồn, tấn tài, tấn lộc.
*Riêng các nàng Mèo hai chân: Ăn nhiều không béo, tiền vào như kéo, tình chặt như keo, dẻo dai như Mèo, sức khỏe như voi! Vồ được nhiều…(chàng) chuột!



Chúc Mừng Năm Mới!
Happy New Year 2023!

Tin Vui! Hoa Kỳ Đón Mừng Năm Mới 2023, Lộc Đến! Tài Vào: Tối Thứ Sáu (Hôm Nay!) Ai Cũng Mong Trúng Giải Lô Độc Đắc Mega Millions Lên Tới $640 Triệu Đô La! Chưa Có Người Trúng Sau 21 Lần Quay Số!


(Hình: Vé số Mega Millions lên đến 1,28 tỉ Mỹ kim được quảng cáo tại thành phố New York, ngày 29/7/2022.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của hãng thông tấn AP cho hay giải độc đắc Mega Millions khổng lồ đã tăng lên vào thứ Tư (28/12/2022), ước tính lên tới 640 triệu Mỹ kim sau một kỳ quay số nữa mà vẫn không có người trúng thưởng.

Không ai giành được giải thưởng cao nhất của trò chơi xổ số vào tối thứ Ba (27/12), khiến nó có 21 lần quay liên tiếp mà không có ai trúng cả 6 con số. Lần quay số tiếp theo sẽ là tối thứ Sáu 30/12.

Giải độc đắc khổng lồ đến chưa đầy 2 tháng sau giải xổ số lớn nhất từ trước đến nay, giải Powerball trị giá 2,04 tỉ Mỹ kim đã có người trúng vào ngày 8/11 tại California. Cho đến nay, người trúng lô độc đắc đó vẫn chưa xuất hiện để nhận giải thưởng.

Tỷ lệ trúng giải độc đắc Mega Millions là một trên 302,6 triệu.
Giải độc đắc được quảng cáo trị giá 640 triệu Mỹ kim dành cho người trúng; và người này có quyền chọn được trả một số tiền cố định hàng năm, kéo dài 29 năm. Nhưng gần như tất cả người trúng độc đắc đều chọn lấy tiền mặt ngay trong một lần. Với cuộc xổ vào thứ Sáu này, nếu chọn lấy tiền mặt một lần, người trúng giải sẽ mang về nhà 328,3 triệu Mỹ kim.

Mega Millions được chơi ở 45 tiểu bang, bao gồm cả thủ đô Hoa Thịnh Ðốn và Quần đảo Virgin thuộc Mỹ.


Hoa Kỳ: Sau Bao Lần Tranh Cãi, Chính Quyền Biden Thì Muốn Hủy Bỏ, Nhưng Cuối Cùng, Tối Cao Pháp Viện Duy Trì Chính Sách Trục Xuất Di Dân của Chính Quyền Trump!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 27/12/2022, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã quyết định giữ nguyên Sắc lệnh “Title 42”, một chính sách y tế phòng chống đại dịch được chính quyền Donald Trump ban hành, cho phép trục xuất vô điều kiện tất cả các di dân ở biên giới Mỹ, chủ yếu ở phía Nam.

Đây cũng là chính sách mà chính quyền Biden đang cố gắng hủy bỏ và các tiểu bang thuộc đảng Cộng hòa thì muốn giữ. Thông tín viên Loubna Anaki của Đài RFI tại New York cho biết thêm thông tin:

Biện pháp đã được ông Donald Trump đưa ra hồi tháng 3/2020 nhằm đối phó với đại dịch Covid-19. Chính quyền Biden giờ muốn hủy bỏ quyết định đó, nhưng nhiều tiểu bang thuộc phe Cộng hòa không chấp nhận. Họ cho rằng làm như vậy sẽ gây khủng hoảng nghiêm trọng hơn nữa ở biên giới khi người nhập cư ồ ạt kéo tới.
Tối cao Pháp viện trong những tháng tới sẽ ra phán quyết về vấn đề này, nhưng trong khi chờ đợi, 5 trong số 9 Thẩm phán quyết định giữ nguyên biện pháp trên.

Một trong số các Thẩm phán bảo thủ đã bỏ phiếu như các đồng nghiệp thuộc phe cấp tiến giải thích: “Title 42 đã được ban hành để đối phó với khủng hoảng y tế và khủng khoảng di dân không phải là khủng hoảng y tế”. Đạo luật Title 42 cho phép chính quyền trục xuất ngay lập tức những người nhập cư ở biên giới, kể cả những người có thể có quyền xin tị nạn.

Theo số liệu chính thức, biện pháp này đã được sử dụng hơn 2 triệu lần từ khi có hiệu lực. Theo các tổ chức bảo vệ di dân, đây là một sự vi phạm luật pháp quốc tế.

Hôm qua, Tòa Bạch Ốc đã phản ứng ngay tức thì với quyết định của Tối cao Pháp Viện, đánh giá rằng Title 42 sẽ không thể được kéo dài vô thời hạn. Chính quyền kêu gọi Quốc hội thông qua các cải cách về di dân do Tổng thống Biden đề xuất.


Thế Vận Hội 2024 (Năm Tới!): Sân Chơi Thể Thao của Thế Giới, Nhưng Không Phải của Người Dân Pháp!

- Về thời sự nước Pháp, nếu như báo Le Figaro quan tâm đến cuộc khủng hoảng “giao thông” và tình trạng xuống cấp của nhiều tuyến đường, đặc biệt là sự bất cập của các chuyến tàu kết nối thủ đô Paris với các tỉnh thành khác, thì hai báo Libération và Le Monde đề cập đến khả năng của Pháp đón tiếp Thế Vận hội 2024.

Theo thống kê, khoảng 80.000 cơ sở thể thao ở Pháp cần được tu sửa, đặc biệt là về hệ thống sưởi và cách nhiệt. Trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, chi phí sưởi ngày càng đắt đỏ. Nhiều nơi đã quyết định đóng cửa các sân trượt băng, hay bể bơi. Chi phí để cải tạo, sửa chữa hệ thống sưởi của các sơ sở này lên đến hàng triệu Euro, ngoài tầm với của nhiều địa phương. Vào cuối tháng 11 vừa qua, khi biểu quyết để thông qua ngân sách cho năm 2023, Thượng Nghị sĩ của đảng Những Người Cộng hòa Michel Sauvin đã nêu ra nghịch lý, chất vấn chính phủ: “Thế Vận hội 2024 có thể tạo ra những di sản gì,nếu như mà tất cả người Pháp không thể tham gia các hoạt động thể thao tại nhiều nơi?”. Trong khi đó, theo báo Le Monde, Thế Vận hội là dịp mà chính quyền đưa thể thao thành một vấn đề quốc gia, là sự kiện để khuyến khích phát triển các hoạt động thể thao

Thế Vận hội Paris, diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8/2024, cũng đang là chủ đề tranh luận sôi nổi trong giới nghệ sĩ. Theo báo Libération, chính phủ Pháp đã để ngỏ thông tin về nguy cơ hủy hoặc trì hoãn nhiều lễ hội âm nhạc tổ chức trong dịp này, ước tính lên đến 2600 lễ hội âm nhạc. Viên chức Pháp muốn huy động tối đa nhân lực trong lĩnh vực tổ chức sự kiện cho Thế Vận Hội. Nhiều ban tổ chức lễ hội âm nhạc bất bình vì chính phủ “nhập nhằng”, không có thông tin rõ ràng và có khả năng đưa ra quyết định vào phút cuối, trong khi mà mỗi một lễ hội âm nhạc cần nhiều tháng, có khi vài năm, để chuẩn bị.


Từ Biệt, Người Lính VNCH, Được Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại “Thương Mến” Nhất Trong Năm 2022, ‘Người Tù Thế Kỷ’ Nguyễn Hữu Cầu!


(Hình: Ông Nguyễn Hữu Cầu được xem là tù nhân thâm niên nhất Việt Nam.)

Ông được biết là người bị giam giữ lâu nhất trong nhà tù của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, từng bị “học cải tạo” hơn 5 năm vì là cựu đại úy quân đội Việt Nam Cộng Hòa, và sau đó bị án tù chung thân vì được cho là dùng thơ ca tố cáo các viên chức chính quyền tham nhũng, bao che cho công an phạm tội. Tuy nhiên trước áp lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ chính phủ Hoa Kỳ, ông được phóng thích năm 2014.

Ông chính thức bị kết án với tội “phản động”, một cáo buộc nghiêm trọng, đặc biệt là trong thập niên 1980 khi Việt Nam là một quốc gia gần như còn đóng cửa; Công tố viên trong phiên tòa xét xử ông là một trong những viên chức mà ông đã tố cáo tham nhũng. Chính quyền địa phương sử dụng các bài hát và bài thơ do ông sáng tác làm bằng chứng cho các hoạt động “phản động” của ông.

Ông là Nguyễn Hữu Cầu, là nhà thơ, nhạc sĩ, người bảo vệ nhân quyền và nhà hoạt động chống tham nhũng.

Gia đình ông cho Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) biết ông qua đời tại quê nhà ở Rạch Giá, Kiên Giang, hôm 19/12/2022 và được hỏa táng hôm 22/12, hưởng thọ 76 tuổi.

Ông Trần Ngọc Bích, con trai ông Cầu, nói với VOA:
“Tôi nghĩ ba tôi bị giam như vậy là rất lâu. 37 năm là vừa thời gian cải tạo, vừa thời gian ở tù. Như vậy là quá nữa đời người.
“Như vậy là cả hết tuổi thanh Xuân ba ở trong tù. Khi ba ra ngoài cũng chưa được bao lâu.
“Từ lúc ra trại vào năm 2014 đến sau này thì sống trong bệnh tật, mắt bị mờ, bệnh tim, bệnh tiểu đường… đủ thứ bệnh”.

Theo thông tin của tổ chức Văn Bút Quốc tế, ông Nguyễn Hữu Cầu bị công an tỉnh Kiên Giang bắt tại nơi cư trú vào ngày 9/10/1982 vì là tác giả của một bản thảo bài hát và bài thơ “tố cáo” các đảng viên của Đảng Cộng sản cầm quyền tham nhũng ở địa phương này.

Ở mặt sau của những trang trong cuốn sách gốc của mình, ông Nguyễn Hữu Cầu ghi nhận những cáo buộc về hành vi hiếp dâm và hối lộ của hai công an. Tuy nhiên, bản thảo này không được sử dụng làm bằng chứng trong phiên tòa xét xử ông, nhằm bảo vệ hai công an có liên quan. Vào ngày 23/5/1983, ông Cầu bị kết án tử hình vì tội “phản động”, “phá hoại chính sách đoàn kết”, sau đó ông kháng cáo và bản án được giảm xuống tù chung thân.

Ông cương quyết không nhận tội và cùng thân nhân liên tiếp làm đơn kháng cáo nên bản án giảm xuống còn tù chung thân khi xử Phúc thẩm năm 1985. Ông được cho là bị biệt giam tại khu giam tù chính trị ở trại tù Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai.


(Hình: Ông Nguyễn Hữu Cầu trong trại giam.)

Ông Tom Malinowski, cựu Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ, vào năm 2012 gọi ông Nguyễn Hữu Cầu là một trong những “anh hùng thầm lặng”, là một trong những nhà bất đồng chính kiến dũng cảm nhất thế giới đã theo đuổi cuộc chiến chống lại sự bất công mà ít được thế giới bên ngoài chú ý.

Tại một phiên điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ ngày 11/4/2013, ông John Sifton, Giám đốc Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát biểu về trường hợp ông Cầu: “Sức khỏe của ông ấy đã xấu đi gần đây”, đồng thời kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ vận động để chính quyền Việt Nam “đảo ngược các cuộc đàn áp của họ và bãi bỏ các luật hà khắc của họ, ít nhất họ cũng đồng ý với chúng tôi rằng các tù nhân rất già hoặc bệnh nặng… sẽ không thể gây ra mối đe dọa nào đối với chính phủ, đảng, hoặc người dân Việt Nam”.

Trước khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Hà Nội từ ngày 14 đến 17 tháng 12/2013, ông Brad Adams, Giám đốc của HRW, viết thư kêu gọi chính phủ Mỹ gây áp lực để chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Hữu Cầu, cùng các tù nhân khác như Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ, Mai Thị Dung, và Nguyễn Văn Lý.

Nhưng mãi đến sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến Hà Nội vào tháng 3/2014, thì ông Cầu mới được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho “đặc xá”. Ông Cầu được thả vào ngày 23/03/2014.

Trong báo cáo nhân quyền năm 2014, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận việc chính quyền CSVN đặc xá cho ông Nguyễn Hữu Cầu, trong số tất cả 10 tù nhân lương tâm được phóng thích trước thời hạn. “Chính quyền trả tự do cho 10 tù nhân lương tâm được xét đặc xá. Ngày 21/3, Chủ tịch nước Sang đã đặc xá cho ông Nguyễn Hữu Cầu, một cựu sĩ quan quân đội miền Nam Việt Nam sau khi thụ án 32 năm tù”, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.

Ông Bích cho biết về việc an ninh địa phương theo dõi ba mình, sau khi ông được phóng thích.
“Vào năm 2014, 2015, khi ba đi đâu hay làm gì thì cũng có người theo dõi. Cuộc sống cũng hơi bị gò bó, nhưng mãi sau này thì nới lỏng chút xíu”.

Từ San Jose, ông Nguyễn Hữu Nhân, người bạn từng là học viên Khóa 5/68 trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức với ông Cầu, chia sẻ với VOA:
“Cho dù nói bao nhiêu đi chăng nữa cũng không đủ bằng sự can trường của một người bạn của chúng tôi đã ở tù đến 37 năm.
“Chúng tôi có viết một phân ưu gửi đến gia đình anh Cầu. Chúng tôi chỉ ghi là “Anh hùng tử, khí hùng bất tận”.
“Chúng tôi chỉ nói vỏn vẹn như vậy, nhưng chắc quý vị cũng hiểu được rằng sự can trường, sự chịu đựng của anh Cầu trong suốt thời gian đó xứng để để chúng ta tôn vinh anh là Người tù thế kỷ, Người tù bất khuất”.

Cô Trần Phan Yến Nhi, cháu nội ông Cầu, người trước đây viết hàng trăm đơn thư kêu gọi cho ông được ra tù để trị bệnh, chia sẻ với VOA:
“Được mọi người phong cho ông nội là “Người tù thế kỷ” thì như vậy cũng quá đúng đối với ông vì bị giam cầm quá lâu. Khi sống thì ông mang bệnh rất nhiều, còn giờ thì ông đã được giải thoát”.

Ông Cầu là cựu đại úy Địa Phương Quân, quân đội Việt Nam Cộng Hòa, được thả về vào cuối năm 1981, sau hơn 5 năm học tập cải tạo kể từ khi chính quyền mới tiếp quản miền Nam Việt Nam năm 1975.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ việc giam cầm tù nhân lương tâm hay tù nhân chính trị, mà chỉ bắt giam và xét xử những người “vi phạm pháp luật”.


Bộ Trưởng Tài Chánh Nga: Tương lai U Ám Cho Ngân Sách 2023, Có Thể Thâm Hụt Thêm Nữa Do Giới Hạn Giá Dầu!


(Hình: Bộ trưởng Tài chánh Nga Anton Siluanov.)

Thâm hụt ngân sách của Nga có thể lớn hơn mức dự kiến 2% GDP vào năm 2023 do giới hạn giá dầu làm giảm thu nhập xuất cảng, Bộ trưởng Tài chánh Anton Siluanov nói, thêm một khó khăn tài chánh cho Mạc Tư Khoa giữa lúc Nga đang phải chi tiêu rất nhiều cho các hoạt động quân sự ở Ukraine.

Nhận định của ông Siluanow thể hiện sự thừa nhận rõ ràng nhất của Mạc Tư Khoa rằng mức giá trần 60 Mỹ kim/thùng - do Nhóm G7, Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Úc Ðại Lợi áp đặt vào ngày 5/12/2022 với mục đích hạn chế khả năng của Nga về cung cấp tiền cho chiến dịch quân sự - thực sự có thể ảnh hưởng đến tài chánh của nước này.

Tuần trước, Nga nói rằng khi có giới hạn giá đối với các sản phẩm dầu thô và tinh lọc của họ, Nga có thể đáp trả bằng cách cắt giảm sản lượng dầu từ 5%-7% vào đầu năm tới. Nhưng cho dù có cắt giảm sâu đến mức nào, ông Siluanov cho biết các cam kết chi tiêu sẽ vẫn được đáp ứng, và nếu cần, có thể sử dụng đến thị trường vay nợ và quỹ dự phòng khẩn cấp của đất nước.

Tổng thống Vladimir Putin hôm 9/12 gọi việc áp giá trần là “ngu xuẩn”, nói rằng mức trần 60 Mỹ kim tương ứng với mức giá mà Nga đang bán rồi và nói thêm rằng “Đừng lo lắng về ngân sách”.
Ông Siluanov cho biết việc cắt giảm khối lượng xuất cảng năng lượng là điều có thể xảy ra do một số quốc gia xa lánh Nga và nước này đang tìm cách phát triển các thị trường mới, một quá trình sẽ quyết định lợi nhuận xuất cảng.

Bộ trưởng Tài chánh Nga nói: “(Mức giá trần) có ý nghĩa ở chỗ các quốc gia đã đặt ra giá trần sẽ không có nguồn cung”.
Ông nói thêm rằng: “Điều này có nghĩa là sẽ có các quốc gia khác. Vâng, chi phí hậu cần sẽ tăng lên. Kết quả là chiết khấu có thể thay đổi”.

Nếu khối lượng giảm đi, theo lời ông Siluanov, Nga sẽ có hai nguồn ngân quỹ bổ sung: Quỹ Tài sản Quốc gia (NWF), là nơi tích lũy dự trữ nhà nước; và các khoản vay.
Chính phủ Nga đã vay rất nhiều trong quý này sau nhiều tháng Mạc Tư Khoa quyết định điều hàng chục ngàn quân vào Ukraine cho cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Nga hiện dự kiến sử dụng hơn 2 ngàn tỉ Rúp (29 tỉ Mỹ kim) từ NWF vào năm 2022 khi tổng chi tiêu vượt quá 30 ngàn tỉ Rúp, nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu của năm.

Chi tiêu của NWF trong tháng 12 có thể lên tới 1,5 ngàn tỉ Rúp. Tính đến ngày 1/12, tài sản lưu động trong NWF đạt tổng cộng 7,6 ngàn tỉ Rúp, tương đương 5,7% GDP của Nga.

Nga đang chuyển hướng ngân sách sang cho an ninh nội địa và quốc phòng. Điều này sẽ khiến nguồn ngân quỹ cho các trường học và bệnh viện bị cắt giảm vào năm tới. Nước này cũng đang vay mượn rất nhiều để đạt được mục tiêu trên.

Chỉ riêng trong quý này, Bộ Tài chánh Nga đã huy động được hơn 3 ngàn tỉ Rúp tại các cuộc đấu giá nợ của chính phủ.

Nước này cũng đã nới lỏng các hạn chế đối với việc phát hành trái phiếu với lãi suất thả nổi, vốn đã giúp Nga vượt qua nhiều khó khăn trong khoảng thời gian vay mượn gần đây, nhưng không có mục tiêu cụ thể cho khoản này, hiện ở mức 38%, trong danh mục nợ.

Lãi suất của Nga đã giảm dần kể từ khi tăng lãi suất khẩn cấp lên 20% vào tháng 2, nhưng lạm phát trên mức mục tiêu có thể sẽ hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất thêm nữa trong năm tới.


Xuân Mang Niềm Hy Vọng Cho Năm Mới: Ngoại Trưởng Ukraine Nhắm Đến Hội Nghị Thượng Đỉnh Hòa Bình Vào Tháng 2/2023!


(Hình: Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, ông Dmytro Kuleba.)
Hôm 26/12/2022, Ngoại trưởng Ukraine nói rằng nước ông muốn có một hội nghị thượng đỉnh để chấm dứt chiến tranh nhưng ông không kỳ vọng Nga sẽ tham gia. Hãng thông tấn AP cho rằng tuyên bố này cho thấy cuộc xâm lược tàn khốc khó có thể sớm kết thúc.

Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba nói với hãng thông tấn AP rằng chính phủ của ông muốn có một hội nghị thượng đỉnh “hòa bình” trong vòng 2 tháng tới tại Liên Hiệp Quốc với Tổng Thư ký António Guterres làm trung gian hòa giải.

Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một phản ứng rất thận trọng. “Như Tổng Thư ký đã nói nhiều lần trước đây, ông chỉ có thể hòa giải nếu tất cả các bên muốn ông làm trung gian”, đồng phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Florencia Soto Nino-Martinez nói hôm 26/12.

Ông Kuleba nói rằng Nga phải đối mặt với tòa án về tội ác chiến tranh trước khi nước ông đàm phán trực tiếp với Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, ông nói rằng các quốc gia khác nên thoải mái trao đổi với phía Nga, như đã từng làm trước khi có thỏa thuận ngũ cốc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn AP ít nhiều cho thấy tầm nhìn của Ukraine về cách thức cuộc chiến với Nga một ngày nào đó có thể kết thúc, dù bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào cũng sẽ diễn ra trong nhiều tháng và phụ thuộc rất nhiều vào các cuộc đàm phán quốc tế phức tạp.

Ông Kuleba cũng nói rằng ông “hoàn toàn hài lòng” với kết quả chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy vào tuần trước, đồng thời tiết lộ rằng chính phủ Mỹ đã lên một kế hoạch đặc biệt để đưa hệ thống phi đạn Patriot sẵn sàng hoạt động tại nước này trong vòng chưa đầy 6 tháng. Thông thường, quá trình đào tạo kéo dài tới một năm.
Ông Kuleba nói trong cuộc phỏng vấn tại Bộ Ngoại giao rằng Ukraine sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giành chiến thắng trong cuộc chiến vào năm 2023.
“Mọi cuộc chiến đều kết thúc theo cách thức ngoại giao”, ông nói. “Mọi cuộc chiến đều kết thúc bởi các hành động được thực hiện trên chiến trường và trên bàn đàm phán”.

Bình luận về đề xuất của ông Kuleba, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti rằng Nga “không bao giờ tuân theo các điều kiện do nước khác đặt ra. Chỉ tự chúng tôi và sự suy xét”.

Một phát ngôn viên của Ðiện Cẩm Linh nói tuần trước rằng không có kế hoạch hòa bình nào của Ukraine có thể thành công nếu không tính đến “thực tế hiện thời không thể bỏ qua” – ám chỉ yêu cầu của Mạc Tư Khoa rằng Ukraine công nhận chủ quyền của Nga đối với Bán đảo Crimea, được sáp nhập vào năm 2014, cũng như các vấn đề lãnh thổ khác.

Ông Kuleba nói rằng chính phủ Ukraine muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh “hòa bình” vào cuối tháng 2.
“Liên Hiệp Quốc có thể là địa điểm tốt nhất để tổ chức hội nghị thượng đỉnh này, bởi vì đây không phải là để ủng hộ một quốc gia nào đó”, ông nói. “Đây thực sự là việc đưa tất cả mọi bên cùng tham gia”.

Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 ở Bali vào tháng 11, ông Zelenskyy đã trình bày từ xa về công thức hòa bình 10 điểm, trong đó bao gồm việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, rút binh sĩ Nga, trả tự do cho tất cả tù nhân, xét xử những người chịu trách nhiệm gây ra cuộc xâm lược và bảo đảm an ninh cho Ukraine.

Khi được hỏi liệu Ukraine có mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh hay không, ông nói rằng Mạc Tư Khoa trước tiên sẽ phải đối mặt với việc bị truy tố về tội ác chiến tranh tại một tòa án quốc tế.
“Họ chỉ có thể được mời đến bước này theo cách này”, ông Kuleba nói.

Về vai trò của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Kuleba nói: “Ông ấy đã chứng minh mình là một nhà hòa giải và đàm phán hiệu quả, và quan trọng nhất, là một người có nguyên tắc và chính trực. Vì vậy, chúng tôi hoan nghênh sự tham gia tích cực của ông ấy”.

Văn phòng phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc không có bình luận tức thời.
Các nhà lãnh đạo thế giới khác cũng đã đề nghị làm trung gian hòa giải, chẳng hạn như viên chức Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi.

Ông Kuleba một lần nữa hạ thấp bình luận của chính quyền Nga rằng họ đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán.
“Họ (người Nga) thường xuyên nói rằng họ sẵn sàng đàm phán, điều đó không đúng, vì mọi thứ họ làm trên chiến trường đều chứng minh điều ngược lại”, ông nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vài ngày trước tuyên bố rằng nước ông sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, nhưng cho rằng chính Ukraine mới là phía từ chối thực hiện bước đi đó. Dù ông Putin có những bình luận như vậy, các lực lượng của Mạc Tư Khoa vẫn tiếp tục tấn công Ukraine - một dấu hiệu cho thấy không sớm có hòa bình.

Chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Zelenskyy là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào ngày 24/2. Ông Kuleba ca ngợi các nỗ lực của Hoa Thịnh Ðốn và nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm.

Trong chuyến đi này, Ukraine đã nhận được cam kết về gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,8 tỉ Mỹ kim, bao gồm cả hệ thống phi đạn Patriot. Ông Kuleba nói rằng động thái này “mở ra cơ hội cho các quốc gia khác làm điều tương tự”.
Ông nói rằng chính phủ Hoa Kỳ đã phát triển một chương trình để quân nhân Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện nhanh hơn bình thường “mà không gây ra bất kỳ thiệt hại nào đối với chất lượng loại vũ khí này trên chiến trường”.

Mặc dù ông Kuleba không đề cập đến khung thời gian cụ thể, nhưng ông chỉ nói rằng “khoảng chưa đầy 6 tháng”. Và ông nói thêm rằng khóa đào tạo sẽ được thực hiện “bên ngoài” Ukraine.
Trong cuộc chiến trên bộ và trên không của Nga ở Ukraine, ngoài ông Zelenskyy, ông Kuleba là người thứ hai truyền tải thông điệp cũng như nhu cầu của Ukraine tới cộng đồng quốc tế, dù là qua Twitter hay qua các cuộc gặp với các viên chức ngoại quốc cảm thông với Ukraine.

Ukraine hôm 26/12 đã kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tước bỏ tư cách thành viên thường trực của Nga trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và loại Nga khỏi tổ chức này. Ông Kuleba nói rằng họ lâu nay đã “chuẩn bị cho bước đi này để phanh phui sự lừa đảo và tước bỏ tư cách của Nga”.

Bộ Ngoại giao nói rằng Nga chưa bao giờ thông qua thủ tục pháp lý để trở thành thành viên và thay thế Liên Xô tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau khi Liên Xô sụp đổ
“Đây là khởi đầu của một trận chiến đầy khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ chiến đấu, vì không gì là không thể”, ông nói với hãng thông tấn AP.


Tin Không Vui Cho Người Công Giáo Vào Những Ngày Cuối Năm: Cựu Giáo Hoàng Benedict ‘Bệnh Nặng’, Giáo Hoàng Francis Kêu Gọi Cầu Nguyện!


(Hình: Giáo hoàng danh dự Benedict XVI.)

Cựu Giáo hoàng Benedict “bị ốm nặng”, người kế vị của ông, Giáo hoàng Phanxico, cho biết hôm thứ Tư (28/12/2022), và kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho ông.

Cựu Giáo hoàng Benedict được xem là một anh hùng đối với những người Công giáo bảo thủ. Vào năm 2013, ông đã trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên từ chức trong suốt lịch sử 600 năm qua.
Các Giám mục từ Âu Châu, Hoa Kỳ và các nơi kêu gọi tín hữu hãy cầu nguyện cho cựu Giáo hoàng Benedict, sau khi Vatican đưa ra thông cáo sau theo thông báo của Giáo hoàng Francis, nói rằng sức khỏe của cựu Giáo hoàng Benedict đột ngột “xấu đi”.
“Tôi muốn xin tất cả anh chị em một lời cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo hoàng danh dự Benedict, người đang âm thầm nâng đỡ Giáo hội”, Giáo hoàng Francis nói trong thông báo bất ngờ hôm thứ Tư được đưa ra vào cuối buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài.
“Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài. Ngài đang bị bệnh nặng, xin Chúa an ủi và nâng đỡ ngài trong chứng tá tình yêu dành cho Giáo hội cho đến cùng”, Giáo hoàng Francis nói bằng tiếng Ý Ðại Lợi.

Thông cáo của Vatican cho biết cựu Giáo hoàng Benedict XVI đã được chăm sóc y tế liên tục và tình trạng của ngài đã được kiểm soát.

Giáo hoàng Phanxico đã đến thăm cựu Giáo hoàng sau khi đưa ra thông báo. Ông thường ca ngợi cựu Giáo hoàng Benedict, nói rằng ông cảm thấy giống như có một người ông ở trong nhà. Tuy nhiên, Reuters nói rằng sự hiện diện của hai người đàn ông mặc đồ trắng của Giáo hoàng ở Vatican đôi khi gây ra rắc rối.

Những người bảo thủ coi cựu Giáo hoàng là một người chuẩn mực. Một số người theo chủ nghĩa truyền thống cực đoan thậm chí còn từ chối thừa nhận Giáo hoàng Francis là một Giáo hoàng hợp pháp.

Họ đã chỉ trích Giáo hoàng Francis vì cách tiếp cận cởi mở hơn của ngài đối với những người đồng tính nam, những người Công giáo đã ly dị và tái hôn bên ngoài Giáo hội, nói rằng cả hai đều làm suy yếu các giá trị truyền thống.

Trên mạng xã hội, các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo từ Đức, Anh, Hoa Kỳ và các nơi khác kêu gọi tín hữu tham gia cầu nguyện cho cựu Giáo hoàng Benedict, người đã làm Giáo hoàng gần 8 năm trước khi ngài nghỉ hưu.

Cho đến cách đây vài tuần, những người đã từng gặp cựu Giáo hoàng Benedict nói rằng cơ thể ngài rất yếu ớt nhưng tâm trí ngài vẫn còn minh mẫn.

Các bản tin của Ý Ðại Lợi cho biết ông đã gặp các vấn đề về hô hấp trong thời gian Giáng sinh.
Vatican không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về tình trạng của ông. Không có phản hồi ngay lập tức đối với yêu cầu bình luận từ thư ký riêng của ông.

Một trong những bức ảnh mới nhất được biết về cựu Giáo hoàng Benedict được chụp vào ngày 1/12, khi ngài gặp những người đoạt giải thưởng dành cho các nhà thần học mang tên ngài. Ảnh chụp ngài đang ngồi và trông yếu ớt bất thường.

Kể từ khi từ chức, cựu Giáo hoàng Benedict XVI đã sống trong một tu viện cũ bên trong khu vườn của Vatican, cùng với thư ký của ngài, Tổng Giám mục Georg Ganswein, và một số Phụ tá và nhân viên y tế.
Cựu Giáo hoàng Benedict đã gây sốc trong một cuộc họp của các hồng y khi ông công bố ý định từ chức vào ngày 11/2/2013. Ông nói rằng ông không còn đủ khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần để điều hành Giáo hội.

Ông chính thức từ chức vào ngày 28/2 năm đó, và tạm thời chuyển đến dinh thự mùa Hè của Giáo hoàng ở phía Nam Rome trong khi các hồng y từ khắp nơi trên thế giới đến Rome để chọn người kế vị ông.

Giáo hoàng Francis là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Châu Latinh đã được bầu chọn kế vị ông vào ngày 13/3/2013.

Cựu Giáo hoàng Benedict là vị Giáo hoàng người Đức đầu tiên sau 1.000 năm. Ông đã được bầu chọn vào ngày 19/4/2005 để kế vị vị Giáo hoàng nổi tiếng John Paul II, người đã trị vì Giáo triều Vatican 27 năm.


Chuyện Đang Được Cả Thế Giới Chú Ý! Covid-19: Dân Trung Quốc Được “Tự Do Khóc Thương Cho Người Quá Cố!”

- Vào những ngày cuối năm 2022, tình hình Covid-19 tại Trung Quốc là chủ đề lớn được nhiều báo Pháp số ra hôm 28/12/2022, quan tâm.

Sau 3 năm áp dụng chính sách Zero-Covid với những hạn chế nghiêm ngặt, chính quyền Bắc Kinh thông báo kể từ ngày 8/1/2023 sẽ ngừng cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh Trung Quốc. Báo Le Monde chạy tựa lớn trang nhất “Số ca nhiễm Covid-19 bùng nổ, Trung Quốc mở cửa biên giới”.

Kể từ ngày 27/3/2020, Trung Quốc đã ngừng cấp visa cho người ngoại quốc, 98% các chuyến bay quốc tế bị hủy. Những người hiếm hoi được nhập cảnh vào Trung Quốc thì phải trải qua quá trình cách ly nghiêm ngặt trong “bong bóng y tế”, ngay cả các lãnh đạo thế giới như Thủ tướng Đức Olaf Scholz hay Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu Charles Michel cũng không được hưởng ngoại lệ. Phóng sự của báo La Croix cho thấy nhiều người vui mừng vì sẽ có thể đi du lịch ngoại quốc. Một số khác thì tính đến việc xuất ngoại để đi chích vắc-xin của Hoa Kỳ, ví dụ như sang Macao. Tuy nhiên, việc xuất ngoại có thể không dễ dàng vì tình trạng tiếp nhận khách du lịch từ Trung Quốc của một số nước. Báo Le Monde nêu ra trường hợp của Ấn Độ, mới đây vừa đưa ra yêu cầu xuất trình xét nghiệm âm tính với Covid-19 (PCR) đối với du khách từ Trung Quốc, và cả Nhật Bản hay Nam Hàn.

Báo Libération cũng dành hồ sơ lớn về chủ đề này. Xã luận của nhật báo thiên tả dùng một từ trong tựa đề để miêu tả tình hình ở Trung Quốc: “bi kịch”. Số ca nhiễm tăng vọt. Từ bệnh viện, nhà thuốc, cho đến các nhà hỏa táng đều quá tải. Theo báo Libération, trước khi chính quyền nới lỏng hạn chế di chuyển, dịch vụ hỏa táng ở nghĩa trang Bát Bảo Sơn ở Bắc Kinh tiếp nhận khoảng 150 thi hài, nay phải giải quyết đến 600. Nhân viên làm việc tại các cơ sở này không xác định được những người này chết là do Covid hay không, vì không có thông tin trên giấy chứng tử.

Xã luận báo Libération kết luận rằng, chính quyền Bắc Kinh đã đáp lại phản ánh bất bình của người dân, dỡ bỏ chính sách Zero Covid. Người dân Trung Quốc nay đã tìm lại được tự do, nhưng đó là tự do khóc thương cho người thân của họ: “Một tấn bi kịch của lịch sử”.

Covid-19 nay chính thức được coi là một căn bệnh truyền nhiễm, ít nguy hiểm hơn, và không còn là bệnh về phổi. Kể từ ngày 25/12, chính phủ Trung Quốc không còn cung cấp thông tin về số ca nhiễm, cũng như ca chết vì Covid-19 thường nhật như thông lệ từ 3 năm qua. Tuy nhiên, theo số liệu của tỉnh Chiết Giang, có đến khoảng 1 triệu ca nhiễm mỗi ngày và con số này có thể lên đến 2 triệu ca vào dịp năm mới. Một số hãng thông tấn thì ước tính khoảng 18-20% dân số Trung Quốc đã bị nhiễm Covid-19.

Sau các cuộc biểu tình với quy mô lớn nhất từ nhiều thập kỷ, người dân phẫn nộ với cảnh phong tỏa, chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng nới lỏng các hạn chế. Nhưng việc dỡ bỏ bị cho là “quá nhanh” mà chưa có sự chuẩn bị. Trung Quốc vẫn cấm sử dụng các loại vắc-xin của quốc tế. Mặc dù Trung Quốc được cho là nhà sản xuất paracetamol lớn nhất thế giới, nhưng nhiều dây chuyền sản xuất paracetamol cũng như các loại thuốc trị cúm khác đã bị ngưng trệ do đại dịch. Nhiều loại thuốc trở nên khan hiếm.

Theo thông tín viên của báo Le Monde từ Tokyo, những người Trung Quốc ở hải ngoại, như ở Nhật Bản, Nam Hàn, Úc Ðại Lợi hay Tân Gia Ba “đổ xô” đi mua thuốc trị cúm gửi về nước cho người thân. Một số nhà thuốc tại một số quốc gia này đã phải hạn chế số lượng thuốc bán ra cho mỗi khách hàng.

Không chỉ nói đến cú “lội ngược dòng”, quay ngoắt 180 độ trong chính sách tuyên truyền về Covid-19 của Trung Quốc, báo Libération cũng đề cập đến nguy cơ xuất hiện biến thể mới. Nhật báo thiên tả trích dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Yannick Simonin, thuộc Viện Nghiên cứu Y học và Sức khỏe Quốc gia của Pháp (INSERM), cho rằng việc virus lây lan nhanh trên diện rộng và không được kiểm soát có thể dẫn đến nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, như trường hợp của biến thể xuất phát từ Omircon BA.5 hay BQ.1.1. Một điều đáng lo ngại khác là chính quyền Bắc Kinh ngừng đưa tin về số ca nhiễm. Nếu không được cung cấp thông tin để truy vết cũng như nghiên cứu, thì rất khó có thể dự báo sự xuất hiện của các biến thể nguy hiểm.


Covid-19: Mỹ Ra Quyết Định, Siết Thật Chặt Kiểm Soát Dịch Tễ Với Khách từ Trung Quốc!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Hoa Kỳ lo ngại về làn sóng khách Trung Quốc sau khi Bắc Kinh hủy chính sách Zero-Covid, dỡ bỏ quy định cách ly bắt buộc với người nhập cảnh.

Hôm 28/12/2022, chính quyền Mỹ cho biết xem xét siết chặt kiểm soát dịch tễ đối với khách từ Trung Quốc, để tránh bùng phát một đợt dịch mới tại Mỹ. Giới chuyên gia Hoa Kỳ, Âu Châu và nhiều nơi khác lo ngại từ Trung Quốc sẽ xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, nhất là vì Bắc Kinh che giấu thông tin về dịch.

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một số giới chức Hoa Kỳ xin ẩn danh, nhấn mạnh là “cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về các làn sóng dịch Covid-19 tại Trung Quốc, và việc chính quyền Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa thiếu minh bạch dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu về giải trình tự gien virus”. Các giới chức Mỹ dẫn lại các lo ngại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng thời cho biết là Mỹ có thể áp dụng các biện pháp tương tự như Nhật Bản, Ấn Độ và Mã Lai Á, cụ thể là buộc khách Trung Quốc phải xét nghiệm PCR khi nhập cảnh.

Ngay sau quyết định của Bắc Kinh tối thứ Hai 26/12 giảm nhẹ tối đa các biện pháp phòng dịch đối với người nhập cảnh kể từ ngày 08/01/2023, số người Trung Quốc mua vé bay ra ngoại quốc tăng vọt. Quyết định của Bắc Kinh gây phấn chấn tại Trung Quốc sau 3 năm giao thông hàng không với bên ngoài gần như tê liệt.

Ngoài Hoa Kỳ và các nước Á Châu nêu trên, nhiều chuyên gia ở Âu Châu ủng hộ kiểm soát Dịch tễ đối với khách đến từ Trung Quốc. Theo nhà Dịch tễ học Antoine Flahault, Đại học Genève, Thụy Sĩ, “toàn bộ không gian đi lại tự do Schengen cần thiết lập nhanh chóng trở lại việc kiểm soát dịch tễ, với việc xét nghiệm và giải trình tự gien virus”. Nhà Dịch tễ học Thụy Sĩ lưu ý: “Chỉ có như vậy mới có thể ghi nhận được kịp thời sự xuất hiện của các biến thể mới mà chúng ta đang lo ngại. Và điều này cho phép chuẩn bị sớm và tốt hơn các biện pháp đối phó”.

Đài France 24 cũng dẫn lời chuyên gia Dịch tễ học Pháp Mircea Sofonea, Đại học Montpellier, cho biết rõ hiểm họa đáng sợ là “việc xuất hiện của một biến chủng mới, khác xa với biến chủng Omicron phổ biến hiện nay, sẽ vô hiệu hóa cơ chế miễn dịch thông qua vắc-xin và con đường miễn dịch tự nhiên”. Việc dịch bệnh bùng phát mạnh tạo cơ hội cho virus dễ dàng đột biến. Nhà Dịch tễ học Antoine Flahault nhấn mạnh: “Nguy cơ này là hiển nhiên khi virus lan truyền tại một đất nước 1,4 tỉ dân, và trong một cộng đồng dân cư còn rất ít được miễn dịch”


SOS! Bệnh Viện, Nhà Tang Lễ Trung Quốc ‘Cực Bận!’ Tăng Năng Suất Hoạt Động Tối Đa, Giữa Lúc COVID Lây Lan Không Kiểm Soát!


(Hình: Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ chăm sóc bệnh nhân tại phòng khám sốt của Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản, giữa bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 27/12/2022.)

Các bệnh viện và nhà tang lễ Trung Quốc đã chịu áp lực nặng nề vào thứ Tư (28/12/2022) khi làn sóng COVID-19 dâng cao làm cạn kiệt nguồn dịch vụ, giữa lúc quy mô của đợt bùng phát và những nghi ngờ về dữ liệu chính thức đã khiến một số quốc gia xem xét lại các quy định du lịch mới đối với du khách Trung Quốc.

Trong một sự thay đổi chính sách đột ngột, Trung Quốc trong tháng này bắt đầu dỡ bỏ chế độ phong tỏa và xét nghiệm rộng rãi COVID nghiêm ngặt nhất thế giới, đưa nền kinh tế đang bị tàn phá của nước này chuẩn bị mở cửa trở lại hoàn toàn vào năm tới.

Theo một số chuyên gia y tế quốc tế, việc dỡ bỏ các hạn chế, được đưa ra sau các cuộc biểu tình rộng rãi chống lại các biện pháp đó, có nghĩa là COVID đang lây lan phần lớn không được kiểm soát và có khả năng lây nhiễm cho hàng triệu người mỗi ngày.

Trung Quốc là quốc gia lớn cuối cùng trên thế giới tiến tới việc coi loại virus này là bệnh đặc hữu, nhưng tốc độ dẹp bỏ các quy định về COVID đã khiến hệ thống y tế mỏng manh của nước này bị quá tải.

Trung Quốc đã báo cáo 3 trường hợp tử vong mới liên quan đến COVID vào thứ Ba, tăng lên từ một trường hợp vào thứ Hai. Tuy nhiên, con số này không tương thích với những báo cáo từ các nhà tang lễ, cũng như với kinh nghiệm của các quốc gia ít dân cư hơn sau khi họ mở cửa trở lại.

Nhân viên tại Hoa Tây, một bệnh viện lớn ở phía Tây-Nam thành phố Thành Đô, cho biết họ “rất bận rộn” với các bệnh nhân COVID.

Nhiều hàng dài người xếp hàng bên trong, ngoài khoa cấp cứu của bệnh viện và tại một phòng khám sốt liền kề vào tối thứ Ba. Hầu hết những người đến từ xe cấp cứu đều được cung cấp oxy để trợ thở.
“Hầu như tất cả bệnh nhân đều mắc COVID”, một nhân viên khoa cấp cứu cho biết.

Nhân viên này nói bệnh viện không có dự trữ thuốc đặc trị COVID và chỉ có thể cung cấp thuốc điều trị các triệu chứng như ho.

Các bãi đỗ xe xung quanh nhà tang lễ Đông Tiêu, một trong những bãi đỗ xe lớn nhất ở Thành Đô, đã chật cứng. Đám tang diễn ra liên tục trong khi khói bốc lên từ lò hỏa táng.

Một nhân viên tang lễ cho biết: “Chúng tôi phải làm việc này khoảng 200 lần một ngày. “Chúng tôi bận đến nỗi không có thời gian để ăn. Tình trạng này xảy ra kể từ khi mở cửa. Trước đó là khoảng 30-50 một ngày”.
“Nhiều người đã chết vì COVID”, một công nhân khác cho biết.

Tại một lò hỏa táng khác ở Thành Đô, thuộc sở hữu tư nhân Nam Lăng, nhân viên cũng bận rộn không kém.
“Gần đây có rất nhiều người chết vì COVID”, một công nhân cho biết. “Các chỗ hỏa táng đều đã kín chỗ. Bạn không thể tìm được một chỗ cho đến sang năm mới”.

Trung Quốc nói họ chỉ tính những trường hợp tử vong của bệnh nhân COVID do viêm phổi và suy hô hấp là có liên quan đến COVID.
Zhang Yuhua, một viên chức tại Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh, cho biết hầu hết các bệnh nhân gần đây đều là người già và mắc bệnh hiểm nghèo. Bà cho biết số bệnh nhân được chăm sóc khẩn cấp đã tăng lên 450-550 mỗi ngày, từ khoảng 100 người trước đó, theo truyền thông nhà nước.

Phòng khám sốt của Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản ở Bắc Kinh cũng “chật cứng” bệnh nhân cao tuổi, truyền thông nhà nước đưa tin.

Các y tá và Bác sĩ đã được yêu cầu làm việc trong khi các nhân viên y tế bị ốm và đã nghỉ hưu ở các cộng đồng nông thôn được thuê lại để giúp đỡ. Một số thành phố đã phải vật lộn với tình trạng thiếu thuốc.
Trong một bước quan trọng hướng tới du lịch tự do hơn, Trung Quốc sẽ ngừng yêu cầu khách du lịch trong nước phải cách ly từ ngày 8/1, các nhà chức trách cho biết trong tuần này.

Trung tâm tài chánh toàn cầu của Hồng Kông cũng cho biết vào thứ Tư rằng họ sẽ loại bỏ hầu hết các hạn chế COVID cuối cùng còn lại.
Việc tìm kiếm trực tuyến cho các chuyến bay ra khỏi Trung Quốc đã tăng đột biến vào thứ Ba từ mức cực thấp, nhưng người dân và các công ty du lịch cho rằng việc trở lại mọi thứ như bình thường sẽ mất vài tháng, vì hiện tại vẫn cần thận trọng.
Hơn nữa, một số chính phủ đang xem xét các yêu cầu đi lại bổ sung đối với du khách Trung Quốc.

Các viên chức Hoa Kỳ trích dẫn “việc thiếu dữ liệu minh bạch” là nguyên nhân khiến họ làm như vậy.
Ấn Độ, Đài Loan và Nhật Bản sẽ yêu cầu xét nghiệm COVID âm tính đối với du khách đến từ Trung Quốc đại lục. Những người xét nghiệm dương tính ở Nhật Bản sẽ phải trải qua một tuần cách ly. Tokyo cũng có kế hoạch hạn chế các hãng hàng không tăng chuyến bay đến Trung Quốc.

Phi Luật Tân cũng đang xem xét áp đặt yêu cầu xét nghiệm.

Nền kinh tế trị giá 17 ngàn tỉ Mỹ kim của Trung Quốc dự kiến sẽ bị suy giảm sản lượng tại nhà máy và tiêu dùng trong nước do công nhân và người mua sắm bị đau ốm.
Tin tức về việc mở lại biên giới đã khiến cổ phiếu hàng xa xỉ toàn cầu tăng cao hơn, nhưng phản ứng ở các góc khác của thị trường lại im ắng hơn.

Nhà sản xuất xe hơi Hoa Kỳ Tesla dự tính giảm lịch trình sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải vào tháng 1, theo lịch nội bộ mà Reuters xem được, nhưng không đưa ra lý do.
Một khi cú sốc ban đầu về các ca nhiễm mới qua đi, một số nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại trong năm nay nhưng mức dự đoán lại là tỷ lệ thấp nhất trong gần nửa thế kỷ, chỉ khoảng 3%.

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley kỳ vọng mức tăng trưởng 5,4% vào năm 2023, trong khi Goldman Sachs dự đoán 5,2%.


Có Chuyện Gì Quan Trọng? Dù Rất Bận Rộn Vào Những Ngày Cuối Năm, Nhưng Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng và Quốc Hội, Vẫn Tiến Hành Hội Nghị Bất Thường!

- Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Quốc hội sẽ tiến hành hội nghị bất thường trong những ngày tới.

Truyền thông nhà nước ngày 28/12/2022 dẫn lịch công tác của lãnh đạo cấp cao cùng nhiều nguồn khác cho biết Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường vào ngày 30/12 tới đây.
Cuộc họp này không nằm trong chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII. Theo lịch, đến tháng 5/2023 mới tổ chức Hội nghị Trung ương đảng lần thứ bảy, vì hội nghị trung ương 6 mới diễn ra vào tháng 10 vừa qua.

Đây là hội nghị bất thường lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII. Hội nghị bất thường lần thứ nhất diễn ra vào ngày 6/6 vừa qua vào dịp kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV.

Vào dịp đó, Ban Chấp hành Trung ương khai trừ ông Nguyễn Thanh Long - cựu Bộ trưởng Y tế và ông Chu Ngọc Anh - cựu Bộ trưởng Khoa học-Kỹ thuật, cựu Chủ tịch Hà Nội.
Trong cùng ngày 28/12, Tổng Thư ký Quốc hội Khóa XV, ông Bùi Văn Cường, cho biết đã gửi văn bản đến các đại biểu thông báo Ủy ban Thường vụ quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ hai.

Thời gian kỳ họp bất thường là từ ngày 4/1 đến ngày 9/1 tại Nhà Quốc hội. Trong ngày khai mạc Quốc hội dành thời gian cho một phiên họp riêng.

Nội dung chương trình kỳ họp bất thường của Quốc hội lần này được ông Bùi Văn Cường thông báo cụ thể; tuy nhiên vấn đề nhân sự không được đề cập đến.
Trên mạng xã hội đang có những đồn đoán trường hợp các Phó Thủ tướng Chính phủ Hà Nội gồm Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam và Lê Văn Thành.


Nhiều Câu Hỏi? Nhiều Thắc Mắc? Vì Sao Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng và Quốc Hội Phải Họp Bất Thường?


(Hình: Quốc hội Việt Nam họp ở Hà Nội hôm 20/10/2022.)

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vào ngày 23/12/2022 thông báo Quốc hội khóa XV sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào sáng ngày 5/1/2023. Nội dung được cho biết về công tác nhân sự.
Đến ngày 28/12/2022, theo thông tin từ báo chí nhà nước, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường vào ngày 30/12/2022 tới đây.

Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 28/12:
“Sau thông báo của Quốc hội họp bất thường vào ngày 5/1, thì hôm nay báo Pháp Luật Tp. HCM có đưa tin chiều 30/12 Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN sẽ họp bất thường, để giải quyết một số vấn đề về nhân sự. Tin tức cụ thể thì chưa được báo chí Việt Nam đăng tin, nhưng trên mạng xã hội trong và ngoài nước có nhiều tin đồn là sẽ có sự thay thế một số lãnh đạo cấp cao của Việt Nam ở Bộ, ở chức vụ Phó Thủ tướng của ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Vấn đề này cũng chỉ là tin đồn trên mạng, chưa có một cơ quan chính thức là của Việt Nam xác nhận”.

Theo ông Phúc, đây cũng là cách làm việc lâu nay của Việt Nam, không bao giờ công bố trước về nhân sự, khi có kết quả rồi thì toàn dân mới biết công tác nhân sự của đảng. Ông nói tiếp:
“Tôi thì không có được thông tin nhiều về hai nhân vật này có can dự trực tiếp vào khuyết điểm những vụ án của Việt Á hay là chuyến bay giải cứu hay không? Nhưng tôi nghĩ rằng với trách nhiệm của người đứng đầu, phụ trách ngành ngoại giao và ngành văn hóa, xã hội thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Tôi cũng đang chờ xem cách giải quyết như thế nào?”

Dư luận mạng xã hội nêu rất nhiều câu hỏi, cụ thể nếu trách nhiệm người đứng đầu thì không thể giải quyết cho thôi việc được. Vì cho thôi việc Ủy viên Trung ương không phải chuyện dễ, còn nếu có khuyết điểm can dự vào vụ án thì tại sao không truy tố?

Vào ngày 26/12/2022, trên mạng xã hội có bài viết của tác giả Lê Văn Đoành được báo Tiếng Dân đăng tải cho biết, cuộc họp Bộ Chính trị hôm 24/12/2022 đã bỏ phiếu trong Bộ Chính trị với kết quả ‘kết liễu’ số phận chính trị của cả hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.

Cụ thể theo tác giả Lê Văn Đoành, ông Phạm Bình Minh sẽ thôi giữ chức Uỷ viên Trung ương đảng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; thôi Đại biểu Quốc hội khóa XV. Và ông Vũ Đức Đam thôi giữ chức Uỷ viên Trung ương đảng khóa 13, Uỷ viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình hôm 28/12, nhận xét:
“Những biến động trong nội bộ của đảng với viên chức cao cấp thì mình cũng không quan tâm lắm… nhưng gần đây mình đọc được văn bản tiết lộ ra về việc ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam bị sẽ bị cho thôi chức vụ và đến 2024 về hưu. Mình nghĩ những đồn đoán đó là có cơ sở, bởi vì hai ông ấy là phụ trách cao nhất thứ nhất về đại dịch là Vũ Đức Nam, còn Phạm Bình Minh là về chuyến bay giải cứu, cho nên là có liên quan và mình thấy là có cơ sở”.

Theo ông Bình, nếu đã có cơ sở thì việc thay đổi hai vị trí lớn như hai Phó Thủ tướng là một vấn đề rất lớn trong đảng:
“Cho nên theo mình nghĩ việc họp bất thường của Bộ Chính trị và Quốc hội là hoàn toàn có khả năng rất lớn xảy ra với hai vị trí đó. Còn nếu như vị trí Bộ trưởng bị bắt thì vẫn theo những quy trình về chống tham nhũng và các quyết định trong đảng thôi. Nhưng đây là hai vị trí chủ chốt, một người là Bộ Chính trị, một người là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ cựu lâu năm, nên việc họp bất thường về hai người này cũng đúng”.


(Hình: Một chuyên gia y tế mở bộ xét nghiệm tại trung tâm xét nghiệm nhanh COVID-19 ở ô Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2020.)

Theo thông tin của Bộ Công an, từ đầu mùa dịch COVID, Việt Nam đã tổ chức khoảng 2.000 chuyến bay “giải cứu” với số tiền nghi đưa, nhận hối lộ lên đến hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn Mỹ kim.
Liên quan vụ án các chuyến bay giải cứu trong mùa dịch COVID-19, tính đến nay đã có 38 người bị khởi tố, bắt tạm giam. Trong số những người bị khởi tố có những viên chức cấp cao của Chính phủ như ông Tô Anh Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Nguyễn Quang Linh - Phụ tá Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh.

Mới nhất là vào ngày 22/12/2022, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cũng đã bị khởi tố, bị bắt tạm giam, bị khám nhà và nơi làm việc do có dính líu đến vụ án các chuyến bay giải cứu trong mùa dịch COVID-19.

Đến ngày 27/12/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ‘phê bình nghiêm khắc’ vì liên quan các chuyến bay giải cứu.

Liên quan vụ án Việt Á, ông Nguyễn Văn Trịnh, Phụ tá Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vào ngày 16/12 cũng bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam. Lý do được nêu ra là ông này suy thoái về tư tưởng, chính trị, nhận hối lộ. Cụ thể biên bản kỷ luật được truyền thông nhà nước đăng tải cho biết, ông Nguyễn Văn Trịnh đã lợi dụng vị trí công tác can thiệp, tác động các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tại Bộ Y tế để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành Kit xét nghiệm COVID-19 trái quy định pháp luật, giúp Công ty Việt Á tiêu thụ sản phẩm Kit xét nghiệm COVID-19 tại các đơn vị, địa phương, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Công ty Cổ phần Việt Á bị cáo buộc đã thổi giá bộ xét nghiệm lên khoảng 45% và đút lót cho các đối tác khoảng 800 tỉ đồng.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, từ Sài Gòn hôm 28/12, nhận định:
“Về việc ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh thì dư luận ở Việt Nam đồn đãi rất nhiều trong mấy ngày qua, vì việc bê bối này quá lớn, ảnh hưởng đến danh dự của đảng CSVN và ảnh hưởng cả nhà nước Việt Nam. Với hàng chục nhân vật tai to mặt lớn bị bắt, khởi tố vừa rồi thì tôi tin chắc chắn hai ông Đam và Minh cũng phải chịu trách nhiệm, dù chưa biết mức độ như thế nào? Do đó đối chiếu với thông báo số 20 ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị khuyến khích tự nguyện từ chức trước khi đưa ra công khai để miễn nhiệm… thì tôi nghĩ rằng việc rời khỏi chức vụ trong êm thắm của ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh là có căn cứ để tin đó là sự thật”.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho biết, theo câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính: ‘chống dịch như chống giặc’… thì cái cách làm việc đó không có học, đạo đức giả, là cơ hội để cho người CSVN ở cấp cao moi tiền của dân:
“Tôi muốn nhấn mạnh sự moi tiền của người dân trong lúc người dân đang hoảng loạn, hoảng sợ với hàng chục ngàn người chết và triệu người bị bệnh, cùng với tình hình kinh tế xã hội bi đát chưa từng thấy trong một phần tư thế kỷ qua kể từ ngày Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận. Điều đó đã phô bày ra bộ mặt quản trị quốc gia của nhà cầm quyền rất xấu xí, lạc hậu và vong bản đối với người dân chúng tôi…. Tôi nghĩ rằng đây là nỗi ô nhục lớn nhất mang tính lịch sử, mà rất khó xóa nhòa được trong tâm tưởng của người dân Việt Nam”.

Do đó ngoài việc kỷ luật, khởi tố, bỏ tù hàng chục nhân vật cao cấp… thì ông Già cho rằng Bộ Chính trị cần phải có một cái kế hoạch ăn năn, sám hối và đền bù cho việc ‘chống dịch như chống giặc’ gây ra nỗi thảm thương cho gần 100 triệu người dân Việt Nam.

Không có nhận xét nào: