Trân Trọng Giới Thiệu Một Chương Trình Nhạc, Đã Được Chuẩn Bị Công Phu, Với Nhiều Nghệ Sĩ Có Tấm Lòng Với Quê Hương! Cho Việt Nam! Sẽ Diễn Ra Vào Chiều Chủ Nhật Tuần Này, Tại San José. Nhóm “Hát Cho Giấc Mơ Việt Nam” trân trọng kính mời quý đồng hương đến tham dự một chương trình đặc biệt:
HÁT CHO QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM
-- Địa điểm: Issac Newton Senter Auditorium
70 West Hedding St., San Jose, CA 95110;
-- Ngày giờ: Chủ nhật 04 tháng 12 năm 2022; từ 2:30PM đến 4:30PM.
Vào cửa miễn phí, có nước uống và bánh ngọt tại bàn tiếp tân.
Tin Quốc Tế Đó Đây:
Tin Mừng! Hy Vọng Một Mùa Giáng Sinh An Bình! Có Dấu Hiệu Tích Cực, Chấm Dứt Chiến Tranh Nga & Ukraine!
Ðiện Cẩm Linh Xuống Nước: Tổng Thống Putin ‘Sẵn Sàng Đàm Phán’ Về Ukraine!
(Hình AP: Phát ngôn nhân Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov ở bên trái Tổng thống Nga Vladimir Putin.)
- Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng đàm phán về một giải pháp khả dĩ ở Ukraine nhưng phương Tây phải chấp nhận các yêu sách của Mạc Tư Khoa, Ðiện Cẩm Linh cho biết hôm 2/12/2022, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông sẵn sàng nói chuyện với Putin về việc chấm dứt chiến tranh.
Thể hiện mặt trận thống nhất trong các cuộc hội đàm hôm 2/12 tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết họ sẽ buộc Nga phải chịu hậu quả về hành động của nước này ở Ukraine nhưng nhà lãnh đạo Mỹ dường như cũng chìa cành ô liu cho Mạc Tư Khoa mặc dù ông nhấn mạnh ông không thấy có dấu hiệu nào ông Putin thay đổi lập trường.
Ông Biden đã không nói chuyện trực tiếp với ông Putin kể từ khi Nga phát động xâm lược Ukraine vào ngày 24/2. Hồi tháng 3, ông Biden đã gọi ông Putin là ‘đồ tể’, và ‘không thể tiếp tục nắm quyền’.
Trong phản ứng công khai đầu tiên của Mạc Tư Khoa trước lời đề nghị của Biden, phát ngôn nhân Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói trước báo giới: “Tổng thống Liên bang Nga đã, đang và vẫn để ngỏ khả năng đàm phán để bảo đảm lợi ích của chúng tôi”.
Ông Peskov cho biết việc Mỹ từ chối công nhận lãnh thổ bị Nga sáp nhập ở Ukraine đang gây trở ngại cho việc tìm kiếm cách chấm dứt chiến tranh. Mạc Tư Khoa trước đây đã từng muốn có các bảo đảm an ninh sâu rộng bao gồm đảo ngược việc Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, trong một bài phát biểu qua video được phát vào tối ngày 1/12, lưu ý rằng ngày này là cũng là ngày kỷ niệm 31 năm cuộc trưng cầu dân ý mà người dân Ukraine đã bỏ phiếu áp đảo ủng hộ nước này ra khỏi Liên Xô do Mạc Tư Khoa làm đầu não.
“Khao khát được sống tự do của chúng ta... sẽ không bị đè bẹp. Người dân Ukraine sẽ không bao giờ là hòn đá nhỏ trong một đế chế nào đó”, ông Zelenskiy nói.
Giao tranh hiện đang diễn ra ác liệt ở miền Đông Ukraine, với thị trấn Bakhmut là mục tiêu chính của đạn pháo Nga, trong khi quân Nga tại Kherson và Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine vẫn ở thế phòng thủ, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết trong cập nhật chiến trường mới nhất.
Nga Bác Bỏ Yêu Sách của Phương Tây, Là ‘Phải Rút Quân Mới Đàm Phán’!
(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ điều kiện tiên quyết để đàm phán của phương Tây.)
- Hôm 2/12/2022, Nga cho biết yêu sách của phương Tây rằng họ phải quân rút hoàn toàn khỏi Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai để chấm dứt chiến tranh trên thực tế đã loại trừ khả năng đàm phán, khi các cuộc tấn công của Nga tiếp diễn và một viên chức Ukraine đã cho biết tổn thất nhân mạng trong chiến đấu của nước này lên tới 13.000 quân.
Phát ngôn nhân Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov cũng nhắc lại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn để ngỏ khả năng đàm phán nhưng yêu sách của phương Tây rằng Mạc Tư Khoa trước hết phải rút quân mới đàm phán là không thể chấp nhận được.
Phát biểu của ông Peskov được đưa ra khi Tổng thống Putin điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào sáng ngày 2/12. Văn phòng của Scholz cho biết ông đã nói rõ với ông Putin ‘cần phải có giải pháp ngoại giao càng sớm càng tốt, bao gồm việc rút quân Nga’.
Một tuyên bố do Ðiện Cẩm Linh đưa ra sau cuộc điện đàm với ông Scholz cho biết ông Putin một lần nữa đổ lỗi cho phương Tây vì đã giúp Ukraine kéo dài cuộc chiến bằng cách cung cấp vũ khí cho nước này.
Ông Putin cũng cho biết các cuộc tấn công của Nga gần đây để làm tê liệt cơ sở hạ tầng của Ukraine là việc họ ‘bị bắt buộc phải làm và không thể tránh khỏi’ sau khi Ukraine bị cáo buộc đánh bom một cây cầu quan trọng nối bán đảo Crimea – mà Nga chiếm được từ Ukraine vào năm 2014 – và các cơ sở năng lượng.
Quân Nga đã oanh kích cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine kể từ tháng 10, khiến hàng triệu người không có điện trong bối cảnh mùa Đông lạnh giá. Văn phòng của ông Scholz cho biết trong cuộc điện đàm với ông Putin, ông đã ‘đặc biệt lên án các cuộc không kích của Nga vào cơ sở hạ tầng dân sự’ ở Ukraine và nói Đức cam kết tiếp tục giúp Ukraine tự vệ.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã dẫn lời các chỉ huy quân đội nước này cho biết kể từ khi Nga xâm lược vào ngày 24/2, đã có từ 10.000 đến 13.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong chiến đấu. Đây là phát biểu hiếm hoi về thương vong quân sự của Ukraine và nó thấp hơn nhiều so với ước tính của các lãnh đạo phương Tây.
“Chúng tôi có số liệu chính thức từ Bộ tổng tham mưu, chúng tôi có số liệu chính thức từ bộ chỉ huy cấp cao nhất và các thông tin này cho thấy có tới từ 10.000 đến 12.500-13.000 người thiệt đã mạng”, ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn của Tổng thống Ukraine, cho biết vào tối 1/12 trên Kênh 24 TV. Ông cũng cho biết thương vong của dân thường là ‘to lớn’.
Quân đội Ukraine đã không xác nhận những con số thương vong như vậy và đây là lần hiếm hoi một viên chức Ukraine đưa ra con số như vậy. Lần gần đây nhất Ukraine thông báo con số thương vong là hồi cuối tháng 8, khi lãnh đạo quân đội cho biết gần 9.000 quân nhân đã thiệt mạng.
Kyiv Xác Nhận, Chắc Chắn “Tối Đa” 12.000 Binh Sĩ Ukraine Chết Từ Đầu Cuộc Chiến!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 1/12/2022, Cố vấn của Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, ông Mykhailo Podolyak xác nhận thiệt hại quân sự về phía Ukraine từ đầu chiến tranh tới nay ước tính từ 10 ngàn đến 12 ngàn quân nhân.
Về phía Mạc Tư Khoa, bộ Quốc đưa ra con số 5.937 binh sĩ Nga thiệt mạng. Tư lệnh Mỹ, tướng Mark Milley trong tháng 11/2022 nói đến hơn 100 ngàn lính Nga thương vong hay bị thương từ khi Tổng thống Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraine.
Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen đưa ra con số thiệt hại 100 ngàn binh sĩ khiến Ukraine rất khó chịu vì đối với Kyiv thông báo về số lính chết là một điểm nhậy cảm như giải thích của thông tín viên Stéphane Siohan của Đài RFI:
“Sau thẩm định không chính xác của bà Ursula von der Leyen, Giám đốc phụ trách truyền thông của quân đội Ukraine, Bohdan Senyk, cho biết không thể bình luận về những con số mà Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu đã nêu lên, bởi thiệt hại của bên Ukraine là những thông tin bí mật, giới hạn phổ biến.
Dù vậy hôm 1/12, Cố vấn của Tổng thống Zelensky về quốc phòng, Oleksiy Arestovych trong cuộc trả lời nhà báo Nga Ioulia Latynina cho biết 10.000 lính Ukraine chết. Con số này như vậy thấp hơn 8 lần so với số lính Nga tử trận. Đến cuối ngày một Cố vấn khác của phủ Tổng thống Ukraine là Mykhailo Podolyak lại đưa một thẩm định khác theo đó, có từ 10 đến 12 ngàn lính Ukraine đã thiệt mạng.
Cho đến lúc này, thật khó đưa ra một cách chính xác về số nạn nhân, cả binh lính và thường dân. Hồi đầu tháng 11, tướng Mỹ Mark Milley thẩm định có khoảng 100 ngàn quân nhân Nga bị loại khỏi vòng chiến đấu, tức là tử trận hoặc bị thương. Theo vị tướng này, thiệt hại về phía Ukraine cũng tương tự.
Dù sao đi nữa, trong 9 tháng qua, cuộc chiến của Nga tại Ukraine quả thực là cuộc xung đột gây ra nhiều thiệt mạng nhân mạng nhất trong một thời gian ngắn ngủi như vậy, kể từ khi kết thúc Ðệ nhị Thế chiến”.
Tổng thống Zelensky trên mạng Telegram hôm 01/12/2022 cho biết từ đầu cuộc chiến đến nay, Ukraine và Nga đã có nhiều đợt trao đổi tù binh. Tổng cộng đã có hơn 1.300 quân nhân Ukraine đã được trả tự do và được “trở về nhà”.
Trả Giá! Liên Hiệp Âu Châu, Muốn Dùng Hơn 300 Tỉ Euro Tài Sản Bị Phong Tỏa của Nga, Để Bồi Thường Cho Ukraine!
- Ngày 1/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay Liên Hiệp Âu Châu (EU) chuẩn bị 2 mặt trận để buộc “Nga phải trả giá cho những tội ác kinh hoàng của họ”: ủng hộ lập tòa án đặc biệt xét xử tội ác của Nga ở Ukraine và bồi thường tổn thất chiến tranh cho Kyiv.
Ngày 30/11, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu đề xuất dùng tài sản của giới tài phiệt và Ngân hàng Trung ương Nga bị phong tỏa để bồi thường cho Ukraine.
Phát biểu trong buổi họp báo, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết: “Ukraine phải gánh chịu thiệt hại khoảng 600 tỉ Euro. Nga và các nhà tài phiệt Nga phải bồi thường cho Ukraine những tổn thất mà họ phải chịu và thanh toán chi phí tái xây dựng đất nước”.
Số tài sản của Nga bị Liên Hiệp Âu Châu phong tỏa rất lớn, có thể bù một nửa tổng thiệt hại của Ukraine. Kể từ khi Mạc Tư Khoa phát động chiến tranh tại Ukraine ngày 24/2, Brussels “đã phong tỏa 300 tỉ Euro dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga và 19 tỉ Euro tài sản của các nhà tài phiệt Nga”.
Bà Ursula von der Leyen đề xuất sử dụng số tài sản này thông qua “một cấu trúc” nhưng không nêu chi tiết về hình thức, sau đó sẽ chuyển tiền vào cho Ukraine để tái thiết đất nước, bồi thường nạn nhân chiến tranh. Mục đích là sử dụng số tài sản đó để bồi thường về lâu dài, kể cả trong trường hợp “dỡ bỏ trừng phạt” đối với Nga.
Theo thông tấn xã AFP, biện pháp này hiện trong giai đoạn đề xuất. Tuy nhiên, Ủy Ban Âu Châu đã làm việc để đạt được “một thỏa thuận quốc tế với các đối tác nhằm thực hiện đề xuất”. Vào tháng 4, Hoa Thịnh Ðốn cũng đã nêu đề xuất tương tự, nhưng chưa được thông qua thành luật. Bộ Tài Chính Mỹ cho biết đang phong tỏa 330 tỉ Mỹ kim tài sản của Nga.
Chiến tranh tại Ukraine cũng khiến tình hình nhân đạo trên thế giới bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngày 1/12, ông Martin Griffiths, lãnh đạo cơ quan nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho biết năm 2023 sẽ cần đến 49,6 tỉ Euro để tài trợ cho các chương trình hỗ trợ 230 triệu người khó khăn ở khoảng 68 nước trên thế giới, trong đó có Ukraine. Con số này tăng 25% để đáp ứng “chương trình nhân đạo lớn nhất” chưa từng được khai triển trên toàn cầu.
Không Phải Dễ! Chủ Tịch Ủy Ban Âu Châu Kêu Gọi Lập Tòa Án Xử Tội Phạm Chiến Tranh ở Ukraine!
- Ngày 2/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 30/11 vừa qua, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, bà Ursula von der Leyen đã kêu gọi thành lập một tòa án xét xử tội phạm chiến tranh ở Ukraine.
Để biện hộ cho lời kêu gọi này, bà đã nói hớ, nêu ra con số 100.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng, trong khi đối với Kyiv, tổn thất quân sự là bí mật quốc phòng. Tuy nhiên, thông điệp của bà Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu đã được lắng nghe và cuộc tranh luận về một tòa án như vậy đã được khởi động trở lại. Từ thủ đô Brussels của Bỉ, thông tín viên Pierre Benazet của Đài RFI tường trình:
Câu nói hớ của bà Ursula von der Leyen về số binh sĩ thiệt mạng ở Ukraine đã làm cho lời kêu gọi của bà càng được chú ý. Ví dụ, bộ Ngoại giao Pháp đã ra thông cáo chính thức ủng hộ dự án này. Pháp như vậy đã hưởng ứng lời kêu gọi của Ukraine vốn được hậu thuẫn bởi 3 quốc gia vùng Baltic.
Bà Ursula von der Leyen nói: “Nga phải trả giá cho những tội ác khủng khiếp của mình, trong đó có tội ác chống lại một quốc gia có chủ quyền. Và đó là lý do tại sao, trong khi tiếp tục hậu thuẫn Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), chúng tôi đề xuất thành lập một tòa án đặc biệt với sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc, để điều tra và truy tố tội ác xâm lược của Nga”.
ICC có thẩm quyền truy tố các tội phạm chiến tranh, tội ác chống nhân loại và tội diệt chủng. Nhưng cần phải thành lập một cơ quan tài phán đặc biệt như tòa án Nuremberg về “tội ác xâm lược” chống lại một quốc gia có chủ quyền, mà trước đây gọi là “tội ác chống lại hòa bình” và tiến hành xét xử lần cuối cách đây 70 năm.
Lãnh Đạo Mỹ, Pháp, Thề Sẽ Buộc Nga Chịu Trách Nhiệm ‘Tội Ác Chiến Tranh’ ở Ukraine!
(Hình: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp nhau tại Tòa Bạch Ốc ngày 1/12/2022.)
Hôm 1/12/2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái cam kết chống lại cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine trong một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc, nơi hai đồng minh cũng thừa nhận những căng thẳng trong việc giải quyết áp lực kinh tế của cuộc chiến.
Ông Biden đón tiếp ông Macron trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhậm chức vào đầu năm 2021. Ông Biden và phu nhân Jill đã chào đón ông Macron và phu nhân Brigitte bằng những cái ôm, nụ hôn và nụ cười rạng rỡ khi họ kỷ niệm hơn 200 năm quan hệ Hoa Kỳ-Pháp.
Trong một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục, hai nhà lãnh đạo cho biết họ cam kết buộc Nga phải chịu trách nhiệm “về những hành động tàn bạo và tội ác chiến tranh đã được ghi nhận rộng rãi, do cả lực lượng vũ trang chính quy và các lực lượng ủy nhiệm của Nga gây ra” ở Ukraine.
Hai ông tuyên bố sẽ phối hợp giải quyết những lo ngại liên quan đến “thách thức của Trung Quốc đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm tôn trọng nhân quyền và hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu quan trọng như biến đổi khí hậu”.
Ông Biden chào đón Pháp với tư cách là “đồng minh lâu đời nhất của chúng tôi, đối tác kiên định của chúng tôi vì chính nghĩa tự do” tại buổi lễ ở Sân cỏ phía Nam. Cả hai nhà lãnh đạo đều ăn mừng liên minh của họ chống lại Tổng thống Nga Putin và với tư cách là những người bảo vệ nền Dân chủ.
“Pháp và Hoa Kỳ đang đối mặt với tham vọng chinh phục của ông Vladimir Putin” và “bảo vệ các giá trị dân chủ và nhân quyền phổ quát vốn là trái tim của cả hai quốc gia chúng ta”, ông Biden nói.
Ông Macron tuyên bố hai quốc gia có trách nhiệm chung trong việc bảo vệ các nền Dân chủ ở cả hai bờ đại dương và cùng nhau đối mặt với những hậu quả trực tiếp và gián tiếp của cuộc chiến ở Ukraine.
Ông nói: “Một nền kinh tế trung hòa carbon, tạo ra nhiều việc làm, nghĩa là đầu tư nhiều vào nền kinh tế của chúng ta, và chúng ta phải hành động đồng bộ về vấn đề này”.
Tổng thống Pháp đến Hoa Thịnh Ðốn hôm 29/11 trong chuyến thăm cấp nhà nước thứ nhì của ông tới Hoa Kỳ kể từ khi nhậm chức vào năm 2017.
Ông Biden, 80 tuổi, và ông Macron, 44 tuổi, đã có nhiều cuộc gặp gỡ tại các sự kiện quốc tế nhưng chuyến thăm lần này sẽ là khoảng thời gian họ gặp nhau nhiều nhất. Một đêm quốc yến rực rỡ đã được lên kế hoạch, với 200 con tôm hùm trứ danh của tiểu bang Maine đã được vận chuyển tới Tòa Bạch Ốc.
Trả Thù! Trung Quốc Bắt Đầu Truy Lùng Gắt Gao Người Biểu Tình Phản Đối Chính Sách Zero Covid!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay với hơn 34.000 bệnh nhân Covid trong một ngày, kể từ 2/12/2022, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng một số các biện pháp y tế nghiêm ngặt tại một số nơi. Nhưng cùng lúc, chính quyền Trung Quốc tiến hành các đợt truy lùng những người biểu tình tại hàng chục thành phố hồi cuối tuần qua, phản đối chính sách zero Covid.
Theo thông tấn xã AFP, kể từ hôm 2/12, dân cư tại Thành Đô, Tây-Nam Trung Quốc, không còn bắt buộc phải trình kết quả xét nghiệm y tế khi lui tới các nơi công cộng hay sử dụng hệ thống metro. Họ chỉ cần có giấy chứng nhận đã chích ngừa là đủ.
Tại Bắc Kinh kể từ hôm 1/12/2022, các bệnh viện được lệnh đón nhận trở lại các bệnh nhân ngay cả trong trường hợp các ca này không có xét nghiệm PCR trong 48 giờ qua.Mặc dù nhiều thành phố ghi nhận số ca nhiễm Covid tăng lên trở lại, nhưng hàng quán, trung tâm thương mại và trường học vẫn được phép hoạt động. Tương tự như vậy tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương.
Một thay đổi quan trọng khác là một nhóm chuyên gia Trung Quốc chủ trương cho phép bệnh nhân dương tính với Covid-19 được tự cách ly tại nhà.
Thế nhưng, cùng lúc, chính quyền tiến hành truy lùng những người tham gia các cuộc biểu tình hồi cuối tuần qua phản đối chính sách zero Covid của Bắc Kinh. Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh cho biết cụ thể:
“Đi dạo bên con kênh ở khu vực phía Nam Bắc Kinh. Có thể ở đây không có camera theo dõi. Chúng tôi có hẹn với một phụ nữ 35 tuổi. Cô đã tham gia cuộc xuống đường tối Chủ Nhật vừa qua tại Bắc Kinh. Ngay hôm sau công an đến nhà và đã gặp mẹ cô. Nhân chứng này kể lại: “Công an đến tìm tôi nhưng không gặp. Họ đã tìm đến nhà mẹ tôi vào lúc 2 giờ sáng, dọ hỏi bà xem tôi đang ở đâu. Khi tới nhà tôi, họ đã biết hết tất cả các hoạt động đi lại của tôi, mấy giờ tôi ra khỏi nhà, tôi đã tới phố nào tối Chủ Nhật. Họ buộc tôi phải nhận là đã tham gia biểu tình”.
Như rất nhiều người biểu tình khác, công an đã tới gặp người phụ nữ này nhưng cô không bị bắt trên đường phố. Các tín hiệu điện thoại đã cho phép công an tìm ra tông tích của phụ nữ này. Một Luật sư bảo vệ người biểu tình đã cho biết: điện thoại của người biểu tình bị tịch thu, một số người mất tích, như trường hợp của một nữ sinh viên ở Nam Kinh. Cô này là người đầu tiên giương cao một tờ giấy trắng. Theo lời vị Luật sư này, hiện giờ không biết nữ sinh viên đó đang ở đâu. Một số khác thì đã bị câu lưu vì gây rối trật tự công cộng.
Trấn áp, mất tích và hù dọa: Phụ nữ mà chúng tôi gặp được đã phải ký tên vào một văn bản cam kết từ nay trở đi sẽ không tham gia các các cuộc tập hợp trái phép. Cô nói “tôi hơi sợ, tại vì bây giờ tôi bị ghi danh, theo dõi, và mỗi lần trông thấy xe của công an là tôi cảm thấy bất an. Tôi phải cẩn thận khi ra khỏi nhà và xóa hết các vết tích trên các ứng dụng lạ trên điện thoại. Tôi rút cả thẻ sim để tránh bị theo dõi qua điện thoại”.
Điện thoại và các kỹ thuật nhân diện khiến mọi người lo sợ. Nhiều người biểu tình cho biết giờ đây họ rất thận trọng với chiếc điện thoại di động vì cho rằng điện thoại của họ đã bị tin tặc thâm nhập”.
Trước Áp Lực Biểu Tình: Trung Quốc Có Dấu Hiệu Sắp Nới Lỏng Các Biện Pháp Chống Dịch COVID-19
(Hình: Các biện pháp chống dịch hà khắc của Trung Quốc đã gây bất bình cho người dân. Trong ảnh là người dân Thượng Hải đang giằng co với các nhân viên chống dịch.)
Trung Quốc chuẩn bị tuyên bố nới lỏng các quy trình kiểm soát dịch COVID-19 trong những ngày tới và giảm xét nghiệm đại trà, các nguồn tin nói với thông tấn xã Reuters, đây là sự thay đổi chính sách rõ rệt sau khi người dân phẫn nộ về các biện pháp hạn chế hà khắc nhất thế giới, dẫn đến các cuộc biểu tình lan rộng.
Các ca nhiễm trên toàn quốc vẫn gần mức cao kỷ lục nhưng những thay đổi này xảy ra khi một số thành phố đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong những ngày gần đây và một viên chức hàng đầu cho biết khả năng lây bệnh của virus đang suy yếu.
Giới chức y tế không đề cập đến các cuộc biểu tình – màn thể hiện bất tuân dân sự lớn nhất ở Trung Quốc trong nhiều năm – bao gồm những buổi thắp nến ở Bắc Kinh đến đụng độ trên đường phố với cảnh sát ở Quảng Châu.
Các biện pháp sẽ được công bố bao gồm giảm xét nghiệm đại trà cũng như xét nghiệm axit nucleic thường xuyên và các động thái để cho các ca dương tính và tiếp xúc gần được cách ly tại nhà dưới một số điều kiện nhất định, các nguồn tin nắm rõ vấn đề cho biết.
Điều đó khác xa so với cách làm trước đây vốn dẫn đến sự bất mãn của công chúng khi toàn bộ cộng đồng bị phong tỏa, đôi khi trong nhiều tuần, thậm chí chỉ sau khi phát hiện có một ca dương tính.
Vào tối 1/12, những người đi lại bằng xe điện ở Thượng Hải cho biết họ đã nhận được một tài liệu tự động gửi đến điện thoại của họ nói rằng cuộc sống ở Trung Quốc chỉ trở nên tốt hơn nếu lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hoàn toàn và ông Tập từ chức – chiến thuật mới trong bối cảnh công an hiện diện dày đặc ở một số thành phố trước cuối tuần.
Chưa đầy 24 giờ sau các cuộc biểu tình bạo lực ở Quảng Châu hôm 29/12, chính quyền ở ít nhất bảy quận cho biết họ đang dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa tạm thời. Một quận cho biết họ sẽ cho phép các trường học, nhà hàng và doanh nghiệp bao gồm cả rạp chiếu phim mở cửa trở lại.
Các thành phố bao gồm Trùng Khánh và Trịnh Châu cũng tuyên bố nới lỏng chống dịch.
Hôm 1/12, đã có cảm giác về thời cơ chính thức đã đến để có thay đổi mang tính bước ngoặt khi Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan, người phụ trách chống dịch COVID, nói trong cuộc họp với các chuyên gia tuyến đầu rằng biến thể Omicron đang suy yếu khả năng gây bệnh, và điều này cho phép Trung Quốc cải thiện các nỗ lực chống dịch.
“Sau gần ba năm chiến đấu chống dịch, hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe của chúng ta đã chịu được thử thách”, bà nói trong lời phát biểu được Tân Hoa Xã đưa tin.
“Tỷ lệ chích ngừa của toàn bộ dân số vượt quá 90% và nhận thức cũng như chất lượng y tế cộng đồng đã được cải thiện đáng kể”, bà Tôn nói.
Truyền thông nhà nước đưa tin bà Tôn đã nói một ngày trước đó rằng Trung Quốc đang đối mặt ‘tình huống mới’ trong phản ứng với COVID, đồng thời kêu gọi ‘tối ưu hóa’ hơn nữa các chính sách xét nghiệm, điều trị và cách ly.
Việc đề cập sự suy yếu của nguồn bệnh COVID trái ngược với các phát ngôn trước đây của bà Tôn vốn thường rất cứng rắn về mức độ chết chóc của virus.
“Bài phát biểu (trước đó) của bà Tôn, bên cạnh việc nới lỏng đáng chú ý các biện pháp kiểm soát COVID ở Quảng Châu ngày hôm qua, đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ nữa rằng chính sách Zero COVID sẽ kết thúc trong vòng vài tháng tới”, các nhà phân tích tại hãng Nomura cho biết.
Tại thủ đô Bắc Kinh, một số cộng đồng dân cư đã bắt đầu chuẩn bị cho các thay đổi.
Một cộng đồng ở phía Đông thành phố đã tổ chức một cuộc thăm dò trực tuyến về khả năng các ca dương tính được cách ly tại nhà, người dân cho biết.
Dưới Chế Độ Độc Tài Gian Dối: Trung Quốc Nới Lỏng Phong Tỏa COVID, Người Dân Vừa Mừng Vừa Lo!
(Hình: Trung Quốc là một trong những quốc gia thực thi lệnh phong tỏa chống COVID hà khắc nhất thế giới.)
Việc nới lỏng hơn nữa các yêu cầu xét nghiệm và cách ly COVID-19 ở một số thành phố của Trung Quốc hôm 2/12/2022 đã được đón nhận bằng cảm giác lẫn lộn vừa thấy nhẹ nhõm xen lẫn lo lắng, khi hàng trăm triệu người dân đang chờ đợi có thay đổi dự kiến trong các chính sách chống dịch toàn quốc sau khi bất ổn xã hội lan rộng.
Người cao tuổi, nhiều người trong số họ vẫn chưa được chích ngừa, cảm thấy dễ bị tổn thương nhất.
Các chính sách chống dịch COVID của Trung Quốc đã bóp nghẹt mọi thứ, từ tiêu dùng trong nước, đến năng suất nhà máy và chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời gây căng thẳng tinh thần nghiêm trọng cho hàng trăm triệu người.
Sự phẫn nộ đối với các biện pháp chống dịch hà khắc nhất thế giới đã dẫn đến hàng chục cuộc biểu tình ở hơn 20 thành phố trong những ngày gần đây – màn thể hiện bất tuân dân sự chưa từng có ở Trung Quốc đại lục kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012.
Chưa đầy 24 giờ sau khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động trong trang phục bảo hộ trắng ở Quảng Châu hôm 29/11, trung tâm sản xuất chế tạo lớn ngay phía Bắc Hồng Kông, thành phố này đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở ít nhất bảy quận.
Hôm 2/12, một số khu dân cư ở thủ đô Bắc Kinh đã đăng các hướng dẫn trên mạng xã hội về cách các ca dương tính có thể được cách ly tại nhà, một động thái bước ngoặt.
Điều này trái ngược với sự hỗn loạn hồi đầu năm khi các ca nhiễm bị khẩn trương đẩy vào các cơ sở cách ly tập trung trong khi khu phố của họ bị phong tỏa, đôi khi trong nhiều tuần. Hồi tháng trước, chính quyền đã ra các quy tắc dễ dàng hơn vốn chỉ yêu cầu phong tỏa một số tòa nhà cụ thể.
Một số nơi hiện cũng yêu cầu xét nghiệm ít thường xuyên hơn và đang cho phép những người tiếp xúc gần với các ca nhiễm được cách ly tại nhà, theo truyền thông nhà nước, các biện pháp dự kiến sẽ được khai triển trên toàn quốc trong những ngày tới.
Thành Đô và Thiên Tân, nằm trong những thành phố lớn nhất của Trung Quốc, tuyên bố họ sẽ không yêu cầu hành khách đi xe điện ngầm xuất trình các xét nghiệm COVID âm tính từ ngày 2/12, nới lỏng một biện pháp hạn chế được áp dụng để ngăn chặn virus lây lan trong không gian công cộng đông đúc. Bắc Kinh sẽ bỏ yêu cầu này từ ngày 5/12.
Một số siêu thị ở Bắc Kinh hôm 2/12 cũng ngừng đòi hỏi phải có kết quả xét nghiệm âm tính như là điều kiện để được đi vào.
Một cộng đồng dân cư ở phía Đông Bắc Kinh hôm 2/12 đã gửi thông báo cho biết những người ‘không có hoạt động xã hội’, chẳng hạn như người già và trẻ sơ sinh ở nhà, không còn cần phải đi xét nghiệm thường xuyên.
Một số quầy xét nghiệm trong khu vực đã ngừng hoạt động và số người được xét nghiệm đã giảm tới 30%, một nhân viên cho biết. Tuy nhiên, công viên gần đó vẫn đóng cửa, trong khi các quán ăn và quán nước chỉ bán mang về.
Hồi đầu năm, toàn bộ các khu dân cư đã bị phong tỏa chỉ sau một ca dương tính, với những người bị kẹt trong nhà bị mất thu nhập, khó tiếp cận nhu yếu phẩm cơ bản và phải vật lộn để đối phó với sự cô lập.
Một số khu vực ở Quảng Châu đã cho nối lại dịch vụ ăn uống trong nhà và người dân không còn bị yêu cầu xuất trình xét nghiệm PCR âm tính mới được vào, truyền thông nhà nước đưa tin.
Thành phố cũng loại bỏ quy định chỉ những ai có kết quả xét nghiệm COVID âm tính mới có thể mua thuốc sốt tại quầy, một chính sách nhằm ngăn chặn những người mắc COVID giấu bệnh.
Ở thành phố Thâm Quyến gần đó, một số người sẽ được cách ly tại nhà. Cách khoảng 1.000 cây số về phía Tây, tại Trùng Khánh, một loạt các doanh nghiệp từ tiệm cắt tóc đến phòng gym đã được phép mở cửa trở lại.
Nhưng nhiều khu vực được xem là có nguy cơ cao ở nhiều thành phố vẫn bị phong tỏa và nhiều người vẫn được yêu cầu xét nghiệm hàng ngày.
Sắp Xếp Lại Hàng Ngũ: Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ, Bầu Lãnh Đạo Mới Tại Hạ Viện, Để Thay Bà Nancy Pelosi!
(Hình: Ông Hakeem Jeffries là người da màu đầu tiên lãnh đạo một chính đảng lớn tại Quốc hội Mỹ.)
Phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ hôm 30/11/2022 đã giới thiệu thế hệ lãnh đạo mới với Dân biểu Hakeem Jeffries trở thành người Mỹ da màu đầu tiên lãnh đạo một đảng chính trị lớn trong Quốc hội vào thời điểm then chốt khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và những người thân cận của bà từ chức vào đầu năm sau.
Thể hiện sự đoàn kết hiếm hoi của đảng sau thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ, các đảng viên Dân chủ trong Hạ viện đã chọn vị Dân biểu 52 tuổi đến từ New York, người cam kết sẽ ‘mang lại kết quả’ trong Quốc hội khóa mới, làm lãnh đạo của họ ở Hạ viện. Ông đã được nhất trí bầu lên trong một cuộc bỏ phiếu kín.
“Chúng tôi đứng trên đôi vai rộng của họ”, ông Jeffries nói về bà Pelosi và đội ngũ của bà sau khi được bầu.
Trước đó, ông phát biểu rằng “Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm nhờ vào sự trang trọng và nghiêm túc của thời khắc này là nắm bắt cơ hội ngay và làm việc tốt nhất mà chúng ta có thể làm cho người dân”.
Hiếm khi một đảng thua trong bầu cử giữa kỳ lại dễ dàng tập hợp lại. Điều này trái ngược hoàn toàn với sự náo loạn trong đảng Cộng hòa, hiện đang chật vật để đoàn kết xung quanh nhà lãnh đạo của họ là ông Kevin McCarthy với tư cách là Chủ tịch Hạ viện mới vào lúc phe Cộng hòa chuẩn bị nắm quyền kiểm soát Hạ viện khi Quốc hội khóa mới họp vào tháng 1 năm sau.
Các cuộc bỏ phiếu kín trong nội bộ đảng Dân chủ hôm 30/11 để bầu ông Jeffries và các lãnh đạo hàng đầu khác diễn ra mà không có đối thủ.
Bộ ba lãnh đạo mới, với ông Jeffries đứng đầu, cũng bao gồm Dân biểu Massachusetts, Katherine Clark (59 tuổi), người giữ kỷ luật đảng tại Hạ viện và Dân biểu California 43 tuổi Pete Aguilar làm Chủ tịch hội các thành viên Dân chủ tại Hạ viện.
Các tân lãnh đạo Dân chủ dự kiến sẽ lấp vào các vị trí của bà Pelosi và các Phụ tá hàng đầu của bà – Lãnh đạo đa số Steny Hoyer, Dân biểu từ Maryland, và Dân biểu South Carolina James Clyburn, người giữ kỷ kuật đảng – khi các nhà lãnh đạo trong độ tuổi 80 này nhường chỗ cho thế hệ tiếp theo.
“Đó là thời điểm quan trọng đối với phe Dân chủ - khi chúng ta có thế hệ lãnh đạo mới”, Dân biểu Chris Pappas phát biểu trước cuộc bỏ phiếu.
Dân biểu Dân chủ Cori Bush từ tiểu bang Missouri gọi cuộc bầu cử lãnh đạo này là ‘lịch sử’ và là ‘thời điểm để thay đổi’.
Măc dù đảng Dân chủ sẽ trở thành phe thiểu số Hạ viện tại Quốc hội khóa 118, họ sẽ có một số đòn bẩy nhất định vì thế đa số của đảng Cộng hòa dự kiến sẽ rất mỏng và sự kiểm soát của ông McCarthy trong đảng của ông rất mong manh.
Ông Jeffries từng là quản lý cuộc luận tội cựu Tổng thống Donald Trump đầu tiên tại Hạ viện.
Ông Jeffries hôm 30/11 nói rằng ông sẽ làm việc với các phe Cộng hòa ‘bất cứ khi nào có thể nhưng chúng tôi cũng sẽ phản công sự cực đoan bất cứ khi nào cần thiết’.
Bà Pelosi và ông Hoyer dự định tiếp tục sẽ ở lại Quốc hội, điều bất thường nhưng không phải là chưa từng có mà ông Jeffries gọi là ‘điều may mắn’ khi các lãnh đạo mới có thể được họ tư vấn.
Chủ Tịch Hội Đồng Âu Châu Tới Bắc Kinh Thăm Dò Lập Trường Trung Quốc Về Các Hồ Sơ Lớn
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu Charles Michel công du Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Trung Quốc ngày 1/12/2022 theo lời mời của ông Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20.
Chuyến đi của ông Charles Michel là bước tiếp theo của “thảo luận chiến lược về Trung Quốc” được các nhà lãnh đạo Âu Châu họp bàn tại thượng đỉnh tháng 10.
Chiến tranh Ukraine, khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 và lợi ích của Âu Châu là những chủ đề chính được Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu đề cập trong chuyến công du. Một viên chức Âu Châu ẩn danh cho thông tấn xã AFP biết là ông Charles Michel “đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng ảnh hưởng để chấm dứt cuộc xâm lược của Nga”, đồng thời “giải thích cho ông Tập về những biện pháp trừng phạt do Liên Hiệp Âu Châu ban hành”.
Ông Charles Michel cũng “bảo vệ những lợi ích của Âu Châu” trong các cuộc đối thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc. Tại cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 10, các nhà lãnh đạo Âu Châu đã thảo luận về việc Bắc Kinh từ chối lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine, thâm hụt thương mại ngày càng tăng của Âu Châu với Trung Quốc và nhận thức về sự phụ thuộc lớn của Liên Hiệp Âu Châu vào Bắc Kinh về kỹ thuật và nguyên liệu thô.
Các vấn đề nhân quyền và những quyền tự do cơ bản cũng được ông Charles Michel đề cập, vào lúc chính quyền Trung Quốc trấn áp phong trào phản đối biện pháp nghiêm ngặt phòng chống Covid-19 và bị chính quyền coi là “lực lượng thù nghịch”. Trước những chỉ trích cho rằng chuyến công du của ông Charles Michel diễn ra “không đúng lúc”, thông cáo của Hội Đồng Âu Châu khẳng định “trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế căng thẳng, chuyến công du này là cơ hội tốt cho Liên Hiệp Âu Châu và Trung Quốc đối thoại”.
Năm 2019, Liên Hiệp Âu Châu coi Trung Quốc là “một đối tác, một nước cạnh tranh kinh tế và là một đối thủ có hệ thống”.
Biển Đông: Phi Luật Tân Sẽ Khai Thác Dầu Khí Ngay Cả Khi Không Đạt Thỏa Thuận Với Trung Quốc
- Tổng thống Phi Luật Tân tuyên bố Manila sẽ phải tìm cách để khai thác dầu khí ở Biển Đông, bất chấp việc không có được một hợp đồng với Trung Quốc.
Báo Hồng Kông South China Morning Post dẫn lời Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr, trong một phát biểu hôm 1/12/2022, với báo giới, khẳng định việc khai thác dầu khí ở Biển Đông “là một vấn đề lớn đối với chúng tôi, đó là lý do tại sao chúng tôi cần tranh đấu (cho những gì thuộc chủ quyền của chúng tôi) và tận dụng các lợi thế nếu thực sự có dầu mỏ ở đó”.
Trước đó, các đàm phán về thăm dò dầu khí chung giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông đã phải chấm dứt, theo một tuyên bố của chính quyền tiền nhiệm, do các bó buộc của Hiến pháp Phi Luật Tân và các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia. Tổng thống Phi Luật Tân cho biết, hiện chưa biết sẽ phải làm cách nào để vượt qua các rào cản về pháp lý, nhưng Phi Luật Tân sẽ kiên quyết tìm giải pháp khác, “không nhất thiết phải là một thỏa thuận song phương giữa chính phủ hai nước”.
Phi Luật Tân phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu nhập cảng. Đợt tăng giá năng lượng hiện nay đang đẩy lạm phát ở nước này lên mức cao nhất từ gần 14 năm nay. Hồi tháng 8 vừa qua, chính quyền Manila tuyên bố sẵn sàng đàm phán tiếp với Trung Quốc về thăm dò dầu khí, nhưng mọi thỏa thuận với Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác phải tuân thủ luật pháp Phi Luật Tân. Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về thông tin nói trên.
Trong chuyến công du vào tháng trước, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tái khẳng định các cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ đối với Phi Luật Tân, cũng như sự ủng hộ của nước Mỹ đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 bác bỏ các yêu sách về chủ quyền Bắc Kinh ở Biển Đông.
Pháp-Mỹ Đấu Dịu Về Bất Đồng Thương Mại
- Ngày 2/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay trên hồ sơ thương mại, đạo luật chống lạm phát của Mỹ Inflation Reduction Act (IRA) là cái gai trong quan hệ song phương. Paris coi đây là một biện pháp bảo hộ trá hình. Tổng thống Macron tin tưởng đôi bên sẽ tìm ra đồng thuận về chính sách đầu tư trong một số lĩnh vực then chốt.
Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh đến những “mục đích chung đôi bên cùng theo đuổi” và để ngỏ khả năng sẽ có một số “điều chỉnh” khi thực hiện, tránh để Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Mỹ lao vào một cuộc chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên theo các giới quan sát được thông tấn xã Reuters trích dẫn, ngoài những lời lẽ hòa hoãn như trên Hoa Thịnh Ðốn không đưa ra những đề xuất cụ thể để xua tan lo ngại của Pháp nói riêng, của Liên Hiệp Âu Châu nói chung.
Như để xoa dịu những bất đồng với Paris, chủ nhân Tòa Bạch Ốc đã danh nhiều vinh dự trong nghi lễ tiếp đón Tổng thống Macron và phu nhân mà đỉnh điểm là buổi dạ tiệc tối 1/12. Đặc phái viên RFI Valérie Gas tường thuật:
“Trang phục dạ tiệc, quý bà váy dài, quý ông smoking, là điều bắt buộc tại Tòa Bạch Ốc trong buổi dạ tiệc cấp Nhà nước nhân chuyến công du Hoa Kỳ của Tổng thống Emmanuel Macron. Một chiếc lều được dựng lên trên sân cỏ trong khuôn viên phủ Tổng thống, để đón khoảng 350 khách mời được lựa chọn kỹ càng, trong số này có đạo diễn Claude Lellouche hay nhà tỉ phú Bernard Arnaud.
Tất cả đã được mời đến dự tiệc cùng hai cặp Tổng thống Pháp và Mỹ, với những món ăn thịnh soạn nhất; những nụ cười trên môi, rồi Joe Biden và Emmanuel Macron nâng ly. Tổng thống Hoa Kỳ nói “Pháp là quốc gia bằng hữu số một của chúng tôi”. Emmanuel Macron thân mật gọi Tổng thống Hoa Kỳ bằng tên riêng, “Joe thân mến”. Tổng thống Macron tỏ ra hài lòng về thái độ gần gũi giữa hai nhà lãnh đạo. Đôi bên đã có những trao đổi thẳng thắn.
Nguyên thủ Pháp nhân dịp này đã đề cập đến hậu quả đối với các tập đoàn của Âu Châu về chính sách trợ giá của Mỹ cho các doanh nghiệp. Joe Biden không nhượng bộ bất kỳ điều gì. Ông nói “Mỹ không phải xin lỗi về đạo luật này”, nhưng Tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng điều chỉnh trong việc áp dụng luật IRA. Đây là cách để Hoa Thịnh Ðốn chứng tỏ lắng nghe tiếng nói của “người bạn Emmanuel Macron”, người đầu tiên mà Tổng thống Biden tiếp với nghi lễ của một chuyến viếng thăm cấp Nhà Nước”.
Trong ngày cuối cùng chuyến công du Hoa Kỳ, trước khi trở lại Paris, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ viếng thăm New Orleans để quảng bá văn hóa của Pháp.
Vũ Khí Tàn Phá Kinh Khủng Ác Liệt! Northrop Grumman Sẽ Ra Mắt Máy Bay Ném Bom Nguyên Tử B-2! Cho Không Quân Mỹ!
(Hình: Mẫu máy bay tàng hình B-21 Raider.)
- Tập đoàn Northrop Grumman dự kiến sẽ tung ra mẫu đầu tiên của phi đội máy bay ném bom nguyên tử tàng hình tầm xa mới cho Không quân Hoa Kỳ tại một buổi lễ ở Palmdale, tiểu bang California, hôm 2/12/2022.
Có hình dạng tương tự như chiếc B-2, thiết kế ‘cánh bay’ đã có trong tập hợp chiến đấu cơ của Không quân, B-21 ‘Raider’ (tức ‘Kẻ oanh kích’) cũng có thể đem vũ khí nguyên tử đi khắp thế giới vì nó có khả năng tiếp nhiên liệu tầm xa và trên không.
Mỗi chiếc B-21, vốn có thể thả cả bom quy ước và bom nguyên tử, dự kiến có giá khoảng 550 triệu Mỹ kim theo thời giá năm 2010, tương đương khoảng 750 triệu Mỹ kim sau khi điều chỉnh theo mức lạm phát ngày nay. Không quân Mỹ đã lên kế hoạch mua ít nhất 100 chiếc máy bay loại này và bắt đầu thay thế máy bay ném bom B-1 và B-2.
Tập đoàn Northrop đã đánh bại liên minh giữa Boeing và Lockheed Martin khi họ giành được hợp đồng sản xuất máy bay ném bom hồi năm 2015 cùng với các nhà cung cấp bao gồm hãng sản xuất động cơ Pratt & Whitney, Collins Aerospace, GKN Aerospace, BAE Systems và Spirit Aerosystems.
Northrop gọi mẫu máy bay này là máy bay thế hệ thứ sáu do khả năng kết nối với các máy bay khác và dễ dàng tích hợp các loại vũ khí tương lai vào hệ thống của nó. Nó cũng có vật liệu bề mặt ít bị phát hiện cho phép khả năng tàng hình chắc chắn hơn, vốn cần bảo trì ít hơn và giữ chi phí vận hành và thời gian vô ích ở mức tối thiểu, Doug Young, Phó Chủ tịch chuyên trách lĩnh vực và Tổng Giám đốc tại Northrop Grumman Aeronautics Systems, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
Việc khai triển tại Nhà máy 42 của Northrop ở Palmdale sẽ cung cấp những bức ảnh đầu tiên về máy bay ném bom mới. Cho đến nay, chỉ có hình vẽ nghệ thuật được công bố.
Sáu trong số các máy bay, sẽ có chuyến bay đầu tiên vào giữa năm 2023, đang trong các giai đoạn lắp ráp. Hơn 8.000 công nhân của Northrop Grumman, các đối tác trong ngành và Không quân đang làm việc trong dự án bao gồm hơn 400 nhà cung cấp tại 40 tiểu bang.
Hoa Kỳ Đăng Nhầm Lên Mạng, Dữ Liệu Cá Nhân của Hàng Ngàn Di Dân!
- Ngày 2/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 30/11 vừa qua, thông tin cá nhân của hơn 6.000 người xin tị nạn đã bị Cảnh sát Nhập cư Hoa Kỳ (ICE) đăng nhầm trên trang web của họ. Điều này có thể đe dọa đến an ninh của dân nhập cư.
Từ Miami, thông tín viên David Thomson của Đài RFI cho biết thêm thông tin:
Đây là một tài liệu Excel bao gồm danh sách tên tuổi, tình trạng xã hội và nơi giam giữ của 6.252 người xin tị nạn mà cảnh sát nhập cư ICE đã đăng nhầm trên trang web của họ. ICE phân trần rằng tài liệu nhạy cảm này dường như đã bị rò rỉ trong một lần cập nhật hệ thống định kỳ.
Các thông tin này đã ở trên mạng trong vòng 5 tiếng, trước khi một tổ chức nhân quyền nhận ra điều đó và đưa ra cảnh báo. Đây là một lỗi ngoài ý muốn, đơn vị thuộc cảnh sát liên bang thường bị chỉ trích vì các phương pháp cứng rắn, cho biết như trên. Phát ngôn viên của Tổ chức phi Chính phủ Immigrant legal ressource center nhận định rằng đây là một ví dụ về việc ICE hoàn toàn coi thường an ninh và cuộc sống của mọi người.
Tất cả những người xin tị nạn này hiện đang bị giam giữ ở California và theo các tổ chức bảo vệ di dân, việc công bố dữ liệu cá nhân của họ có thể gây nguy hiểm: Đây sẽ là mối đe dọa đối với họ cũng như đối với những người thân của họ vẫn ở trong nước, đặc biệt đối với những người chạy trốn chế độ độc tài đàn áp như Trung Quốc, Iran hay Nga mà số lượng di dân tràn vào biên giới phía Nam của Mỹ ngày càng tăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét