Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2022

Kính Chuyển Những Tin Nóng Đang Được Chú Ý Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải



Lời Chúc Hay Lạ  Món Quà Mơ Ước Mùa Giáng Sinh Năm 2022!

Bạn “Già” Thân Thương, Tôi có gọi điện thoại, mời Bạn Giáng Sinh này qua đây chơi với tôi, Bạn nói. Bạn già rồi, không còn có sức để thực hiện nổi. Nghĩ lại thì tôi cũng vậy, không còn có sức để qua thăm Bạn! Nhưng tôi vẫn giữ ý định này!  Tối hôm qua không ngủ được, thấy có tiếng động ở ống khói, hóa ra Ông Già Noel đến thăm tôi! Ông hỏi tôi có mơ ước gì trong mùa Giáng Sinh năm nay? Và đây là điều mơ ước của tôi, xin báo cho Bạn biết:
<!>
Người Bạn thân thương, yêu mến của tôi,

Trong Mùa Giáng Sinh này, nếu bất ngờ bạn bị một ông già mập mạp, râu tóc bạc phơ, bận áo đỏ, tóm đầu, bắt cóc, nhét vào cái bị thật lớn! Mong bạn đừng hoảng sợ, đừng vùng vẫy la hét, có trong tay cái điện thoại, cũng đừng gọi cảnh sát nhé.

Vì đây là lời yêu cầu “kỳ cục” của tôi đấy, mà đã tâm sự với Ông Già Noel. Chính Bạn là món quà mơ ước nhất của tôi! trong mùa Giáng Sinh năm nay!

Bạn là món quà quý báu nhất, đặc biệt nhất, mà tôi ước ao được gần gũi, chia sẻ tình thương mến, trong giây phút thiêng liêng của mùa lễ. Một Tình Bạn quý mến trên nửa thế kỷ, vẫn bền vững, như khi hồi đầu còn xanh, giờ đây, đầu hai đứa đã bạc trắng mà vẫn không thay đổi!

Không được gặp nhau được, chỉ còn có cách nhờ Ông Già Noel, hy vọng mới thực hiện được điều mơ ước của tôi mà thôi.

Nếu Ông không thực hiện được lời yêu cầu, xin giúp tôi, nhét vào chiếc vớ của Bạn tôi treo đầu giường, với lời nhắn:

Chúc Bạn và Gia Đình:
*Một Lễ Giáng Sinh An Lành, Ấm Áp, Hạnh Phúc, tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa từ Trời Cao.
*Một Năm Mới 2023, Sức Khoẻ, Thành Công, May Mắn, An Khang và Thịnh Vượng, ước gì có đó!
Chúc Mừng Giáng Sinh! Chúc Mừng Năm Mới.
Merry Christmas & Happy New Year 2023!



Tin Đang Được Cả Thế Giới Theo Dõi!


Hôm nay, Thứ tư, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ có mặt tại Washington và sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai. (Sau 10 tháng xung đột!)

Trong chuyến thăm đặc biệt này, Tổng thống Zelensky có kế hoạch phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ và tại Tòa Bạch Ốc, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch thông báo, về việc cung cấp hệ thống chiến đấu hỏa tiễn Patriot, để giúp Ukraine phòng không.

Chuyến đi diễn ra sau khi Quốc hội Mỹ, vào sáng sớm ngày 20/12, công bố dự luật chi tiêu bao gồm khoản viện trợ gần 45 tỷ USD cho Ukraine.

Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ukraine tới Washington, sẽ diễn ra khi Quốc hội Mỹ sắp thông qua khoản hỗ trợ 45 tỷ USD mới cho Kiev, nằm trong dự luật chi tiêu mới trị giá 1,7 nghìn tỷ USD cho chính phủ liên bang. Theo các quan chức, Tòa Bạch Ốc cũng dự kiến sẽ công bố một gói viện trợ quân sự khác sớm nhất là vào 21/12, bao gồm hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot.

Tòa Bạch Ốc đã thúc đẩy Quốc hội thông qua khoản viện trợ đáng kể cho Ukraine vào dự luật chi tiêu. Nếu được thông qua, nó sẽ nâng tổng số tiền viện trợ khẩn cấp từ Mỹ cho Ukraine lên hơn 100 tỷ USD.

Tại Mỹ, Tổng thống Zelensky có thể sẽ gặp các nhà lãnh đạo quốc hội và người đứng đầu ủy ban an ninh quốc gia, và có thể phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội. Trong một bức thư ngắn gửi cho các đồng nghiệp, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi kêu gọi các thành viên có mặt trực tiếp vào tối hôm nay, 21/12 để tham dự một “phiên họp rất đặc biệt” với “trọng tâm rất đặc biệt về Dân chủ.”

Sáng sớm hôm qua, ngày 20/12, Tổng thống Zelensky, được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, đã có mặt ở Bakhmut, một thành phố ở miền đông Ukraine đang diễn ra giao tranh ác liệt với lực lượng Nga.

Tổng thống Ukraine đã không thực hiện một chuyến công du nước ngoài nào, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tấn công xâm lược vào Ukraine hồi tháng 2. Tuy nhiên, ông đã nhiều lần phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Mỹ và tại các phiên họp khác quan trọng trên thế giới.

“Tuần này cực kỳ quan trọng đối với Ukraine – để vượt qua mùa đông này và năm tới", Tổng thống Zelensky tuyên bố ngày 20/12. “Hôm nay các quân nhân của chúng tôi đã trao cho tôi lá cờ và yêu cầu chuyển nó cho những người có quyết định rất quan trọng đối với Ukraine, đối với tất cả các quân nhân Ukraine. Chúng tôi chắc chắn sẽ làm được. Chúng tôi nhất định sẽ chịu đựng. Chúng tôi chắc chắn sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết cho Ukraine!”.

Ngũ Giác Đài đã tăng cường chuẩn bị trang bị vũ khí cho Kiev, hoàn thiện kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot, giúp tăng cường đáng kể khả năng tự vệ của Ukraine trước các cuộc tấn công từ trên không, bao gồm cả hỏa tiễn phòng không và máy bay không người lái có vũ trang.

Các viên chức Tòa Bạch Ốc đã thừa nhận riêng trong nhiều tháng qua rằng, chính quyền Mỹ đang thúc đẩy để đảm bảo Ukraine có sự hỗ trợ cần thiết để vượt qua mùa đông, trong bối cảnh các cuộc tấn công của Nga vào lưới điện, đã khiến phần lớn quốc gia chìm trong bóng tối và khiến hàng triệu cư dân không có thiết bị sưởi.

Tổng thống Joe Biden vẫn chưa đến thăm Kiev, do những lo ngại đáng kể về an ninh. Nhưng ông và người đồng cấp Zelensky đã trao đổi thường xuyên và tổng thống Mỹ coi việc hỗ trợ Ukraine là trọng tâm trong chính quyền Mỹ.

Trong khi đó, Nga nhiều lần cảnh báo việc Mỹ và các nước phương Tây đổ vũ khí vào Ukraine, chỉ làm kéo dài thêm cuộc xung đột. Putin cũng tuyên bố những hệ thống vũ khí, trong đó có hệ thống Patriot dự kiến cấp cho Kiev, sẽ là mục tiêu tấn công hợp pháp của các lực lượng Nga!


Lại Động Đất! 2 Người Chết, 12 Người Bị Thương, Sau Trận Động Đất Mạnh 6,4 Độ Richter ở Bắc California Hôm Qua!


Ít nhất hai người chết và 12 người bị thương, sau trận động đất mạnh 6,4 độ richter làm rung chuyển Bắc California vào sáng sớm thứ Ba hôm qua, chính quyền địa phương cho biết.

Trận động đất, trận động đất mạnh nhất mà khu vực này từng chứng kiến trong nhiều năm, cũng làm hư hại cơ sở hạ tầng và cắt điện hàng chục nghìn ngôi nhà và cơ sở kinh doanh xung quanh Hạt Humboldt, cách San Francisco khoảng 250 dặm về phía bắc.

Cảnh sát trưởng Quận Humboldt William Honsal, đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại địa phương vào tối thứ Ba, do thiệt hại lan rộng trong quận. Sau tuyên bố của quận, Thống đốc California Gavin Newsom, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để hỗ trợ ứng phó khẩn cấp.

Văn phòng Cảnh sát trưởng Hạt Humboldt cho biết, hai người "đã chết do cấp cứu y tế xảy ra, ngay sau trận động đất."

Các trường hợp tử vong hôm thứ Ba, đánh dấu những cái chết đầu tiên bắt nguồn từ một trận động đất ở California, kể từ khi một người chết vào năm 2019, trong trận động đất mạnh 7,1 độ richter, làm rung chuyển thành phố Ridgecrest ở khu vực phía Bắc sa mạc Mojave của California.


Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết, trận động đất xảy ra lúc 2:34 sáng theo giờ Thái Bình Dương ở vùng biển Thái Bình Dương cách Ferndale khoảng 7½ dặm về phía Tây, ở độ sâu chỉ hơn 16 dặm. Thành phố cách Eureka khoảng 19 dặm về phía nam, gần ranh giới bang California và Oregon.

Các quan chức tiểu bang cho biết họ đã đóng một cây cầu vào Ferndale đã bị hư hại.

Ở Cali, riết rồi những tin động đất, trở thành những tin ít được ai chú ý!


Ukraine: Kyiv Lại Bị Tấn Công Bằng Drone, Trước Thềm Thượng Đỉnh Nga – Belarus!
- Nhiều viên chức tại Kyiv được AFP trích dẫn cho biết, trong đêm 18 rạng sáng 19/12/2022, thủ đô Ukraine lại bị tấn công bằng drone, một số cơ sở hạ tầng dân sự bị hư hại.

Hôm 19/12, Tổng thống Vladimir Putin đến Minsk hội đàm với người đồng cấp Alexandre Loukachenko để chuẩn bị một cuộc tập trận chung. Kyiv lo ngại Mạc Tư Khoa đang phối hợp với chính quyền Minsk để mở một đợt tấn công mới từ Belarus nhắm vào Ukraine.

Phóng viên của thông tấn xã AFP ghi nhận nhiều đơn vị cứu hỏa đã phải “can thiệp để dập tắt một đám cháy tại một nhà máy điện” ở thủ đô Kyiv vào sáng sớm hôm nay. Thống đốc vùng Kyiv, ông Oleksii Kouleba, cho biết “nhiều cơ sở hạ tầng và nhà ở của tư nhân bị hư hại”, ít nhất hai người bị thương. Lãnh đạo quân đội Ukraine trong vùng, Sergueii Popko qua mạng Telegram tiết lộ đã phát giác 23 drone và 18 trong số đó đã bị bắn hạ, nhưng “nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu” đã bị tấn công. Theo nhiều nguồn tin quân đội Nga sử dụng drone của Iran, loại Shahet 136-131, được phóng đi từ biển Azov.

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin hôm 19/12 đến Minsk hội đàm với người đồng cấp Belarus. Chuyến công du này diễn ra vào lúc quân đội Ukraine đặc biệt theo dõi tình hình ở biên giới sát với Belarus. Một số nguồn tin thân cận trong quân đội thậm chí còn nêu lên khả năng Nga phối hợp với Belarus chuẩn bị tấn công vào thủ đô Kyiv đầu năm 2023. Phát biểu tối 18/12, Tổng thống Volodymyr Zelensky trấn an công luận: Tình hình tại biên giới phía Bắc là một “ưu tiên thường trực”. Các giới chức tại Kyiv đã chuẩn bị để đối phó với mọi tình huống.

Hãng tin Interfax ngày 19/12 trích dẫn Bộ Quốc phòng Nga cho biết Mạc Tư Khoa huy động nhiều đơn vị quân sự để thực hiện các “thao dượt mang tính chiến lược” với Belarus, nhưng hãng tin này không nói rõ về thời điểm và vị trí các cuộc diễn tập.

Tuyên Bố Duy Trì Hòa Bình! Nga và Trung Quốc Tập Trận Hải Quân Chung ở Biển Hoa Đông Trong Tuần Này!


(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin quan sát một cuộc tập trận của Russia, ngày 6/9/2022.)

- Nga và Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc tập trận Hải quân chung từ ngày 21-27/12/2022, thông tấn xã Reuters dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 19/12.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tập trận Hải quân chung, diễn ra hàng năm kể từ năm 2012, sẽ có bắn phi đạn và Pháo binh ở Biển Hoa Đông.
“Mục đích chính của cuộc tập trận là tăng cường hợp tác Hải quân giữa Nga và Trung Quốc, đồng thời duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương”.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2, Mạc Tư Khoa đã tìm cách tăng cường liên kết chính trị, an ninh và kinh tế với Bắc Kinh, đồng thời coi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là đồng minh chủ chốt trong liên minh chống phương Tây.

Hai nước đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược “không giới hạn” chỉ vài ngày trước khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược trên bộ lớn nhất ở Âu Châu kể từ Ðệ nhị Thế chiến vào tháng 2, nhưng Bắc Kinh bày tỏ lo ngại về các hành động của Nga ở Ukraine.

Nga cho biết 4 tàu của họ sẽ tham gia cuộc tập trận này - bao gồm cả tàu tuần dương phi đạn Varyag - trong khi 6 tàu Trung Quốc sẽ tham gia cùng với máy bay và trực thăng của cả hai bên.

Các tàu Nga hôm 19/12 đã khởi hành từ cảng Vladivostok ở Viễn Đông để tham gia cuộc tập trận kéo dài một tuần, bắt đầu vào 21/12.


Trung Quốc Che Dấu Con Số: Cho Lịnh Người Nhiễm Virus Covid-19 Được Quyền Đi Làm!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay ngày 19/12/2022, Trung Quốc thông báo ca chết vì Covid đầu tiên kể từ khi dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.

Tin trên được đưa ra vào lúc các nhà thiêu ở thủ đô Bắc Kinh hoạt động 24/24. AFP cùng ngày ghi nhận chính quyền tại một số nơi ra chỉ thị những người dương tính với virus SARS-Cov-2 vẫn có thể đi làm, ngoại trừ trường hợp của các nhân viên y tế.

Khoảng 30 triệu dân cư tại Trùng Khánh, miền Tây-Nam Trung Quốc, là những người đầu tiên được lệnh vẫn phải đi làm dù có bị nhiễm Covid. Thông cáo ngày 18/12/2022 được thông tấn xã AFP trích dẫn ghi rõ những ca không có triệu chứng hay chỉ bị bệnh nhẹ vẫn được quyền đi làm bình thường. Các giới chức y tế tại Trùng Khánh không đòi khám giấy xét nghiệm tại các công sở, trường học và kể cả tại các trung tâm y tế. Sát cạnh với thành phố Thượng Hải, tỉnh Chiết Giang cũng khuyến khích dân chúng đi làm và duy trì các hoạt động bình thường đối với những người nhiễm virus.

Thủ đô Bắc Kinh từ nhiều ngày qua đang phải đối mặt với “một đợt sóng thần”. Nhiều nhân chứng cho thông tấn xã AFP biết là các viện dưỡng lão phải tự xoay xở. Nhân viên phục vụ “hầu hết đều bị nhiễm Covid”. Dù vậy mãi tới hôm nay, chính quyền Trung Quốc mới thông báo “một vài ca chết đầu tiên” từ hơn một chục ngày qua. Trong ngày có ít nhất hai bệnh nhân thiệt mạng tại thủ đô Bắc Kinh, theo các thống kê chính thức.

Thông tấn xã AFP nhắc lại các bệnh viện thành phố đã bị quá tải, bệnh nhân phải được tiếp nước biển ngay vỉa hè, các nhà tang lễ và công ty mai táng hoạt động ngày đêm. Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Trung Quốc sống tại Tân Gia Ba khẳng định “các con số chính thức không nói lên hết tất cả sự thật”.

Một trong những nhà dịch tễ học của Trung Quốc, Giáo sư Ngô Tôn Hữu, (Wu Zunyou), được thông tấn xã AFP trích dẫn, e rằng đây mới chỉ là “đợt một trong số ba đợt sóng lớn” chờ đợi Trung Quốc. Đỉnh dịch kỳ này được dự trù diễn ra vào dịp Tết Nguyên Đán. Làn sóng thứ nhì là vào tháng 2/2023 sau đợt nghỉ Tết và đợt cuối cùng có thể sẽ diễn ra vào cuối tháng 2 cho đến trung tuần tháng 3/2023.


Dư Âm Giải Túc Cầu Thế Giới 2022

Á Quân Cúp Túc Cầu Thế Giới: Đội Pháp Trở Về Trong Vinh Quang

(Thanh Hà)

Không giữ được chức vô địch, nhường ngôi sao vàng thứ ba trên ngực áo cho Á Căn Ðình, thế nhưng đội tuyển Pháp đã rời sân cỏ Qatar trong vinh quang. Với thêm 3 lần ghi bàn trong một trận chung kết hôm 18/12/2022, tổng cộng là 8 bàn thắng, Kylian Mbappé đoạt danh hiệu vua phá lưới World Cup 2022. Đội tuyển Áo Lam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Didier Deschamps đã thực sự làm giới hâm mộ mê say.

Chiều nay, đội tuyển Pháp sẽ trở về Paris và theo chương trình sẽ hội ngộ với người hâm mộ ở Paris. Bộ trưởng Thể Thao, bà Amélie Oudéa Castéra, cho biết trên nguyên tắc máy bay của Mbappé và các đồng đội của anh sẽ đáp xuống phi trường Roissy – Charles de Gaulle, ngoại ô phía Bắc Paris, vào khoảng 6 giờ chiều. Đội tuyển Áo Lam sẽ không diễu hành trên đại lộ Champs Elysée, nhưng sẽ đến Quảng trường Concorde để cảm ơn nhiệt tình của công chúng đã dành cho đội Pháp trong suốt mùa bóng.

Tổng thống Emmanuel Macron ngay từ chiều qua đã có những lời an ủi đội Pháp để hụt chiếc Cúp vàng và bỏ lỡ cơ hội đi vào lịch sử với tư cách đội tuyển hai lần liên tiếp đoạt chức vô địch thế giới. Dù vậy, theo ông Macron, đội Pháp đã “tiến rất gần đến đích” và trong những tuần qua “đã đem lại cho cả một dân tộc những thời khắc tuyệt đẹp”, “người Pháp rất tự hào” về những thành tích của đội bóng quốc gia, với một trận chung kết đấu hết mình và đầy kịch tính.

Về phần mình, huấn luyện viên Deschamps, tuy thất vọng trước hồi kết quá “nghiệt ngã”, cho dù Kylian Mbappé và đồng đội đã đảo ngược tình huống ở vào phút thứ 80 - 81, nhưng cũng nhìn nhận tài năng rất lớn và dấu ấn lớn không kém của Mbappé tại một giải túc cầu thế giới “đi vào kỷ lục”. Với đội trưởng Hugo Lloris, 35 tuổi, Cúp túc cầu Qatar 2022 là gạch nối giữa hai thế hệ các tuyển thủ Pháp mà Mbappé là gương mặt tiêu biểu nhất của lớp cầu thủ đang lên.

Cổ động viên Pháp đương nhiên thất vọng với kết quả sau cùng, nhưng đã thực sự hạnh phúc vì được xem một trận chung kết “có một không hai”. Các cầu thủ của Didier Deschamps đã cống hiến cho làng bóng thế giới một trận đấu “kinh điển”, một trận so tài “hồi hộp đến ngạt thở”.

Tại Pháp hôm qua có hơn 24 triệu khán giả trực tiếp theo dõi trận đấu qua đài truyền hình. Đài tư nhân TFI nói đến “một kỷ lục chưa từng thấy” thu hút 81% khán giả trên toàn quốc trong thời gian từ 16 đến 19 giờ.


Túc Cầu: Pháp Mất Chức Vô Địch Thế Giới Trong Danh Dự

(Trọng Nghĩa)

Thua Á Căn Ðình trong loạt đá luân lưu chiều 18/12/2022 trong trận chung kết tại Cúp Túc cầu Thế giới 2022 ở Doha, đội tuyển Pháp đã phải nhường chức vô địch cho một “đại gia” Nam Mỹ. Thất bại này để lại nhiều tiếc nuối, nhưng nhìn vào tổng thể, Pháp hoàn toàn không có gì phải hổ thẹn với thành tích đạt được, và nhất là đã chứng tỏ được rằng nền túc cầu của mình đã trở thành cơ sở tham khảo cho thế giới.

Khi Cúp Túc cầu Thế giới 2022 khởi đầu cách nay hơn một tháng, với một loạt khó khăn, trắc trở mà các chú “Gà Trống Gô Loa” - biệt danh của đội Pháp - gặp phải, không ai dám nghĩ là đội quân Áo Lam (Les Bleus) sẽ vào được chung kết và cầm cự ngang ngửa với đội bóng có thể nói là số một thế giới hiện nay, đương kim vô địch Nam Mỹ, dưới sự dẫn dắt của siêu sao Lionel Messi, 7 lần đoạt giải Quả Bóng Vàng.

Việc Á Căn Ðình phải chấp nhận phân định thắng bại trên chấm phạt đền với Pháp vào hôm qua cho thấy là năng lực các tuyển thủ Áo Lam không thua kém các đồng đội của Messi, người được công nhận là huyền thoại của túc cầu hiện nay.

Đối với giới phân tích, trong hơn hai thập niên gần đây, Pháp đã nổi lên là quốc gia luôn luôn xuất hiện ở đỉnh cao nền túc cầu thế giới. Từ năm 1998 đến nay, kể cả lần này ở Qatar, Pháp đã bốn lần giành được vé vào chung kết World Cup, một thành tích mà không một cường quốc túc cầu nào đạt được.

Trong bốn lần đó, Pháp thắng 2 lần (3-0 vào năm 1998 trước Ba Tây, và 4-2 vào năm 2018 trước Croatia), và bị thua hai lần (năm 2006 trước Ý Ðại Lợi và năm 2022 trước Á Căn Ðình), cả hai đều ở loạt đá luân lưu.

Youri Djorkaeff, cựu cầu thủ Pháp vô địch thế giới năm 1998, hiện là Cố vấn túc cầu đặc biệt của Chủ tịch Liên đoàn Túc cầu Thế giới (FIFA), đã kể lại với nhật báo Pháp Le Figaro rằng thành tích nói trên của đội tuyển Pháp là điều gây ấn tượng rất mạnh: “Tôi đã nói chuyện với các cựu cầu thủ ở Doha, họ thực sự ngưỡng mộ những gì Pháp đang làm. Pháp được lấy làm ví dụ, được thế giới túc cầu yêu mến và đó là điều rất đáng mừng”.

Le Figaro nhắc lại, trong những thập niên 1980, 1990, người ta thường nhắc đến câu nói của tiền đạo người Anh Gary Lineker về túc cầu Tây Đức: “Túc cầu là môn thể thao mười một đấu mười một, và cuối cùng, bao giờ Đức cũng thắng”. Theo tờ báo Pháp, câu nói vẫn nổi tiếng này hiện đang rất phù hợp với Pháp, được công nhận là một cỗ máy chiến thắng.

Ông Hubert Fournier, Giám đốc kỹ thuật quốc gia về túc cầu của Pháp cũng công nhận rằng “Có thể là ở Pháp ta không đo lường đủ” thành tích to lớn mà đội tuyển Pháp đạt được khi luôn luôn hiện diện ở đỉnh cao các cuộc thi quốc tế lớn.

Tại Cúp Túc cầu Qatar 2022 vừa kết thúc, đội tuyển Pháp không phải là đã ra về tay không. Ngoài huy chương bạc đầy tiếc nuối, cầu thủ đầy triển vọng của Pháp là Kylian Mbappé đã rất đúng hẹn, đoạt giải Chiếc Giầy Vàng dành cho cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong giải. Tổng cộng Mbappé đã ghi được 8 bàn thắng, hơn Messi một bàn.

Ngoài ra, Mbappé còn lập được thành tích ghi được ba bàn thắng trong một trận chung kết, điều mà cho đến nay chỉ duy nhất cầu thủ Anh Geoff Hurst làm được vào năm 1966.
Nếu tính thêm bàn thắng ghi được trong trận chung kết với Croatia năm 2018, Mbappé đã lập kỷ lục ghi được 4 bàn thắng trong trận chung kết World Cup.

Tóm lại, dù thất bại trước Á Căn Ðình, nhưng đội Pháp và Mbappé vẫn được ca ngợi, không chỉ ở Pháp mà cả ở nhiều nơi khác trên thế giới.


Vì Sao World Cup Qatar Là Giải Vô Địch Túc Cầu Bị Phản Đối Nhiều Nhất?

(Trọng Thành)
Trận chung kết Á Căn Ðình-Pháp khép lại hôm 18/12/2022, với phần thắng thuộc về đội tuyển của Messi, được ghi nhận như là một trận cầu hấp dẫn, xứng với một giải túc cầu đỉnh cao.

Giải Vô địch Túc cầu Thế giới (World Cup) lần thứ 22 được tổ chức tại Qatar cũng được coi là một giải thi đấu được tổ chức hoàn hảo về nhiều mặt. Giải cũng cho phép Qatar hàn gắn quan hệ với nước láng giềng Ả Rập Saudi, giúp cho tiểu quốc Ả Rập vùng Vịnh khẳng định vị thế quốc tế.

Nhưng bên cạnh những thành công nhiều mặt, Giải vô địch tại Qatar ắt hẳn sẽ được ghi vào lịch sử như một World Cup bị phản đối mạnh mẽ nhất trong những thập niên gần đây. Vì sao? Mục Theo dòng Thời sự của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tổng hợp thông tin về chủ đề này.

Hối Lộ, Nô Lệ Lao Động, Thảm Họa Môi Trường

Từ nhiều năm nay, ngay từ khi việc tổ chức Giải Vô địch Túc cầu Thế giới lần thứ 22 được trao cho Qatar, đã có rất nhiều vận động quyết liệt để truất quyền đăng cai của Qatar, vì một số lý do chính, trong đó có nghi án dùng tiền để tranh quyền tiếp đón World Cup, ngược đãi người lao động gây nhiều chết chóc, thương tật cho các công nhân xây dựng sân vận động phục vụ Cúp Túc cầu Thế giới, và vấn đề gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Báo Le Monde, trước thêm giải vô địch, có bài tổng thuật công phu, tóm lược hành trình đầy chông gai của Qatar từ khi được bầu chọn đăng cai Cúp đến khi giải chính thức khai mạc. Bài viết mang tựa đề “Du vote de la FIFA en 2010 à la cérémonie d’ouverture, le roman noir de la Coupe du monde au Qatar” (Từ cuộc bầu chọn của FIFA đến lễ khai mạc, cuốn tiểu thuyết hình sự về Cúp Thế giới ở Qatar) (Le Monde, 19/11/2022).

Tính chung cuộc, Qatar đã đầu tư tổng cộng từ 200 đến 240 tỉ Mỹ kim cho giải vô địch thế giới. Chắc chắn đã có rất nhiều tiền chi cho vận động hành lang. Ngay vào thời điểm tiểu quốc vùng Vịnh được phép đăng cai, nhân vật thứ hai của Liên đoàn Túc cầu Thế giới (FIFA) vào thời điểm đó khẳng định “họ đã mua được quyền tổ chức giải vô địch”. Bị nghi ngờ là hối lộ để giành quyền đăng cai, ngay vào thời điểm đó một cuộc điều tra quốc tế đã được tiến hành năm 2012. Qatar vượt qua thách thức đầu tiên này. Tiếp đến 2013, giới bảo vệ quyền của người lao động vào cuộc. Báo Anh The Guardian tiến hành điều tra, báo động việc 4.000 người lao động chết trên các công trường tại Qatar do các điều kiện làm việc quá khắc nghiệt. Kể từ đó, giải Vô địch túc cầu lần thứ 22 tương lai bị coi là vấy máu người lao động. Năm 2014, đơn kiện của CSI (Liên hiệp nghiệp đoàn quốc tế) được đệ nạp lên Tổ chức Lao động Thế giới (OIT), yêu cầu làm sáng tỏ sự việc. Bê bối chồng chất bê bối. Năm 2015, Chủ tịch FIFA Blaster vào thời điểm đó đã phải từ chức, trong bối cảnh Tư pháp Mỹ đe dọa xếp FIFA vào danh sách “tổ chức tội phạm”. Nước Anh sẵn sàng đăng cai thay thế.

Tuy nhiên, Qatar đã vượt qua tất cả các thách thức. Năm 2017, Tổ chức Lao động Thế giới đã không hội đủ số phiếu thuận, nên buộc phải từ bỏ dự án điều tra về các điều kiện làm việc của công nhân ngoại quốc tại Qatar. Đổi lại việc CSI rút lại khiếu nại, Qatar chấp thuận cho OIT mở văn phòng tại tiểu quốc, và ra lệnh giải thể hệ thống “Kafala” truyền thống, bị coi là một hệ thống nô lệ lao động trá hình. Theo Le Monde, trên thực tế, chỉ đến khi các công trình xây dựng phục vụ giải về cơ bản hoàn tất năm 2020, thì “các cơ sở pháp lý” của hệ thống nô lệ lao động trá hình Kafala mới bị hủy bỏ.

Liên quan đến môi trường, việc tổ chức giải thể thao quốc tế lớn hàng đầu thế giới tại một quốc gia thuộc vùng sa mạc khắc nghiệt, đòi hỏi rất nhiều năng lượng để làm mát, trong bối cảnh thế giới đang vất vả cắt giảm tiêu thụ năng lượng để chống Biến đổi khí hậu, là một chủ đề gây phản đối mạnh mẽ. Theo thẩm định của một số tổ chức bảo vệ môi trường, các con số khí thải do xây dựng sân vận động của Qatar chỉ bằng khoảng 1/10 so với số khí thải thực. Số lượng các sân vận động khổng lồ do Qatar xây dựng tại một đất nước có diện tích tương đương vùng thủ đô Paris cũng được coi là chi phí quá tốn kém, so với khả năng sử dụng về sau. Qatar cũng không đủ số lượng cơ sở hạ tầng khách sạn để tiếp đón 1,2 triệu du khách xem túc cầu. Qatar phải thiết lập cầu không vận để đưa khách từ nơi ở đến chỗ xem đá bóng. Các phương tiện vận chuyển là thủ phạm của khoảng 2,4 triệu tấn khí thải, theo Greenly (“La Coupe du monde 2022 au Qatar, une aberration écologique?”, Greenpeace, ngày 17/11).

Qatar vốn đã được coi là quốc gia sử dụng tài nguyên Trái đất đứng đầu thế giới, căn cứ theo bảng xếp loại của Global Footprint Network (“Ăn lạm” vào nguồn tài nguyên của Qatar là ngày 10/2. “Ngày ăn lạm” là hình ảnh mang tính biểu tượng để nói đến tác động môi trường). Với các tác động môi trường nói trên của các cơ sở hạ tầng phục vụ cho giải túc cầu thế giới nói trên, mức độ gây tổn hại cho môi trường sinh thái của quốc gia vùng Vịnh này sẽ còn trở nên tồi tệ hơn bội phần.


Cựu Chủ Tịch FIFA: “Lẽ Ra Đã Không Nên Để Qatar Đăng Cai Cúp Thế giới”

Nghi án hối lộ quy mô lớn, cáo buộc về hệ thống nô lệ lao động, và những tác động được coi là ghê gớm đến môi trường, rút cuộc đã không buộc tiểu quốc vùng Vịnh phải từ bỏ quyền đăng cai Giải Vô địch Túc cầu Thế giới. Tuy nhiên, về mặt công luận quốc tế, đặc biệt là tại Âu Châu, đã dấy lên một làn sóng kêu gọi tẩy chay giải túc cầu tại Qatar. Ít tuần trước giải, theo một thăm dò dư luận tại Pháp, khoảng 42% dân Pháp muốn tẩy chay giải, 23% trong số giới hâm mộ túc cầu. Tại Đức tỉ lệ người muốn tẩy chay giải lên đến 70%.

Không chỉ có người dân thường, và người hâm mộ, thái độ phẫn nộ cũng phổ biến trong một bộ phận giới cầu thủ, cựu và kim. Một trong những gương mặt nổi bật tẩy chay giải túc cầu tại Qatar là danh thủ Philipp Lahm, 38 tuổi, cựu trung vệ, đội trưởng đội tuyển Đức, đoạt chức vô địch thế giới năm 2014, và Giám đốc Ban tổ chức giải túc cầu Euro năm 2024, tổ chức tại Đức.

Phong trào tẩy chay giải vô địch túc cầu tại Qatar rút cục đã không thành công. Nhưng sự bất bình trong công chúng, đặc biệt là ở các nước Âu Châu, là rất lớn. Trước thềm lễ khai mạc, đương kim Chủ tịch FIFA Giovanni Vincenzo Infantino sống chết bảo vệ nước chủ nhà World Cúp lần thứ 22, với tuyên bố “sẵn sàng lên đoạn đầu đài” để bảo vệ Qatar. Ngược lại, cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blater, gần 90 tuổi, người lãnh đạo FIFA vào thời điểm cấp quyền đăng cai cho Qatar giờ đây đã phải thú nhận: “Lẽ ra đã không nên để Qatar đăng cai Cúp Thế giới”.

“Bước Đệm Trong Kế Hoạch Đầy Tham Vọng” của Quốc Gia Vùng Vịnh

Đối với giới chuyên gia, Giải Vô địch Túc cầu Thế giới lần thứ 22 tại Qatar được coi là một “bước đệm trong kế hoạch đầy tham vọng” của tiểu quốc khí đốt vùng Vịnh, trên đà vươn lên thành một cường quốc khu vực, với sức chi phối ngày càng mạnh mẽ trên trường quốc tế (theo bài “La Coupe du monde, une simple étape de l’ambitieux plan de développement du Qatar”, The Conversation, ngày 18/11/2022, của chuyên gia Laurence Frank, chuyên về quản trị kinh tế, Đại học Strasbourg). Qatar đã chi đến hơn 200 tỉ Mỹ kim cho giải vô địch túc cầu. Số tiền trực tiếp thu về chắc chắn thấp hơn nhiều so với số tiền bỏ ra. Vấn đề là ảnh hưởng về mặt thể thao, cũng có nghĩa là quyền lực mềm. Với việc tổ chức thành công Giải Vô địch Túc cầu Thế giới, bất chấp các trở lực, kinh nghiệm của Qatar dường như khẳng định châm ngôn của một bộ phận giới đầu tư quốc tế: cái gì không mua được bằng tiền, sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.

Về mặt chính thức, Qatar tuyên bố hướng đến một nền kinh tế “hậu năng lượng hóa thạch”, một nền kinh tế dựa vào các năng lượng tái tạo và nền kinh tế trí thức. Trên thực tế, chưa biết quốc gia vùng Vịnh sẽ xây dựng nền kinh tế hậu năng lượng hóa thạch thế nào, nhưng sức mạnh của Qatar trong hiện tại chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên khí đốt dồi dào. Cho đến nay, Qatar vẫn là một cường quốc dựa trên “nền kinh tế hóa thạch”.

Nền kinh tế năng lượng hóa thạch, sử dụng tài nguyên không tính đếm đến các hậu quả môi trường, đi liền với phương cách tổ chức sản xuất dựa trên việc bóc lột người lao động, ngăn chặn giám sát quốc tế, chính là một cội nguồn căn bản khiến giải vô địch túc cầu tại Qatar bị phản đối dữ dội, đặc biệt là ở Âu Châu. Giải Vô địch Túc cầu Thế giới ở Qatar không chỉ là việc riêng của Qatar. Trên thực tế, đằng sau Qatar là hàng trăm công ty, tập đoàn kinh tế (khoảng 800 doanh nghiệp Mỹ, 700 doanh nghiệp Anh, 330 doanh nghiệp Đức… hoạt động tại Qatar). World Cup ở Qatar cũng là biểu tượng của một nền kinh tế thế giới phồn thịnh dựa trên sự khai thác kiệt quệ các nguồn tài nguyên.

Tẩy Chay Giải Qatar Là Tẩy Chay Mô Hình Kinh Tế Gây Đại Hủy Diệt Môi Sinh

Giải World Cup ở Qatar đã diễn ra về cơ bản là suôn sẻ. Các hoạt động tẩy chay không mang lại kết quả đáng kể. Dù sao, cũng đã diễn ra một phong trào phản kháng khá rộng lớn. Một số thành phố ở Âu Châu, trong đó có một số thành phố lớn ở Pháp, như Paris, Strasbourg, Lyon, Grenoble, Lille, Marseille, Bordeaux, Toulouse, Nancy, Reims, Rennes, Brest và Saint-Etienne, đã tẩy chay sự kiện này. Để hiểu đúng các hoạt động phản kháng vì môi trường và quyền của người lao động chống lại việc đăng cai của Qatar, cần đặt phong trào này trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đã thống nhất thừa nhận nguy cơ to lớn của nền kinh tế dựa vào năng lượng hóa thạch và hủy diệt môi sinh. Phản đối cách tổ chức sự kiện thể thao này của Qatar cũng là chống lại mô hình kinh tế nói trên.

Theo nhà xã hội học thể thao Pháp, ông Eric Monnin, cho dù phong trào tẩy chay giải Vô địch Túc cầu ở Qatar lần này không đạt kết quả đáng kể, do “những hệ lụy kinh tế quá lớn” của giải, các nỗ lực này đã có nhiều tiếng vang, và có thể tác động đến các phong trào trong tương lai chống lại các sự kiện thể thao gây tổn hại cho môi trường, và xâm hại quyền của người lao động (“Coupe du monde du Qatar: pourquoi le boycott de la compétition n’a pas marché”, La Depeche, 14/12).


Hải Quân Thái Lan Tìm Kiếm 33 Thủy Quân Lục Chiến Mất Tích Sau Vụ Chìm Tàu Chiến


(Hình: Chiến hạm Thái Lan HTMS Sukhothai trước khi bị chìm ngoài khơi tỉnh Prachuap Khiri Khan, ngày 18/12/2022.)

- thông tấn xã Reuters dẫn thông tin từ Hải quân Thái Lan cho biết hôm 19/12/2022, Quân đội nước này khai triển chiến hạm và máy bay trực thăng để cố gắng xác định vị trí 33 Thủy quân Lục chiến mất tích sau khi một tàu hộ tống bị chìm trong đêm trong vùng biển động ở Vịnh Thái Lan.
Ba tàu Hải quân và hai máy bay trực thăng đã được điều động để tìm kiếm người mất tích ngoài khơi tỉnh Prachuap Khiri Khan, phía Nam Vọng Các, sau khi chiến hạm HTMS Sukhothai bị trục trặc động cơ và chìm ngay trước nửa đêm, cách bờ biển khoảng 20 hải lý.

Hải quân cho biết nhóm cấp cứu qua đêm trong điều kiện thời tiết xấu đã cứu được 73 trong số 106 người trên tàu, 33 người còn lại bị mất tích.

Hải quân đăng những hình ảnh và đoạn video lên tài khoản Twitter của họ cho thấy một nhóm nhân viên mặc áo vest màu cam ngồi trên một chiếc bè bơm hơi màu đen đang di chuyển ra khỏi một chiếc tàu trong bóng tối khi sóng vỗ xung quanh. Hiện chưa rõ có bao nhiêu bè đã được khai triển.

Phát ngôn viên Hải quân Đô đốc Pogkrong Monthardpalin cho biết tàu Sukhothai, một tàu hộ tống do Mỹ chế tạo, được đưa vào sử dụng từ năm 1987, đã bị sóng đánh mạnh hôm 18/12, khiến tàu bị nghiêng sang một bên trước khi chìm trong nước biển.

Một bức ảnh được Hải quân chia sẻ cho thấy chiếc tàu màu xám bị lật nghiêng, trong khi một hình ảnh khác chụp từ màn hình cho thấy mũi tàu và một tháp súng nhô ra trên mặt nước khi nó bị chìm.


Giám Sát Nhân Quyền: Hơn 500 Người Bị Giết Kể Từ Khi Các Cuộc Biểu Tình ở Iran Bắt Đầu


(Hình: Nến và chân dung của cô Mahsa Amini tại lễ tưởng niệm cô được tổ chức ở thành phố Los Angeles, California, Hoa Kỳ, ngày 29 tháng 9 năm 2022.)

- Ít nhất 500 người thiệt mạng ở Iran kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào giữa tháng 9, theo HRANA, cơ quan giám sát nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Tổ chức The Human Rights Activists News Agency (HRANA) cho biết những người thiệt mạng bao gồm 69 người dưới 18 tuổi và chính quyền đã bắt giữ hơn 18.400 người.

Các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra hôm 18/12/2022 với sự tham gia của giới công đoàn, bao gồm cả lính cứu hỏa và công nhân tại một công ty xi-măng ở Tabriz.

Các nhà làm phim đã tập trung trước nhà tù Evin của Tehran để phản đối việc bắt giữ nữ diễn viên Taraneh Alidoosti, người bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình và đăng một bức ảnh cô cầm một tấm biển có khẩu hiệu “Phụ nữ, cuộc sống, tự do”.

Các cuộc biểu tình bắt đầu để phản ứng với cái chết của cô Mahsa Amini, 22 tuổi, người bị cảnh sát giam giữ vì vi phạm quy định nghiêm ngặt về trang phục của Iran. Các cuộc biểu tình cũng bao gồm các khiếu nại phản đối chính phủ.


COP15 Thông Qua Thỏa Thuận “Lịch Sử” Để Bảo Vệ Đa Dạng Sinh Học

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 19/12/2022, đại diện chính phủ của khoảng 190 quốc gia đã thông qua một thỏa thuận “lịch sử” tại Hội nghị đa dạng sinh học COP15 ở Montréal, Gia Nã Ðại. Đây được coi là một thỏa thuận có ý nghĩa nhất trong việc bảo vệ đất liền và các đại dương, cũng như cung cấp nguồn tài chánh để cứu đa dạng sinh học ở các nước đang phát triển.

Theo thông tấn xã AFP, sau 4 năm đàm phán căng thẳng, 10 ngày và một đêm “chạy marathon ngoại giao”, các nước đã đạt được thỏa thuận với tên gọi “Côn Minh-Montréal”. Thỏa thuận được đánh giá có ý nghĩa “lịch sử” đối với việc bảo vệ đất liền và đại dương cũng như các loài sinh vật khỏi ô nhiễm môi trường và khủng hoảng khí hậu. Phần có ý nghĩa lớn nhất trong thỏa thuận đó là cam kết bảo vệ 30% diện tích của Trái đất, được cho là quan trọng đối với đa dạng sinh học của hành tinh chúng ta, từ nay đến năm 2030. Hiện tại, chỉ có 17% đất liền và 8% vùng biển là được bảo vệ.

Trong gói hỗ trợ tài chánh này, các nước cũng cam kết huy động ít nhất 20 tỉ Mỹ kim hàng năm từ nay đến năm 2025 để hỗ trợ các nước nghèo (gấp đôi con số hiện nay). Con số này sẽ tăng lên 30 tỉ Mỹ kim mỗi năm vào năm 2030. Thỏa thuận cũng kêu gọi huy động thêm các nguồn khác nhau, bao gồm khu vực tư nhân, để có ít nhất 200 tỉ Euro hàng năm cho đa dạng sinh học từ nay đến năm 2030, và đặc biệt là cắt giảm 500 tỉ Mỹ kim/năm trợ giá cho các năng lượng hóa thạch từ đây đến 2030.

Theo thông tấn xã AFP, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen hoan nghênh thỏa thuận mang tính lịch sử và đã bổ sung vào Thỏa thuận khí hậu Paris. Bà nhấn mạnh rằng “thế giới kể từ nay có hai cơ may để chúng ta hành động nhằm tiến tới một nền kinh tế bền vững từ nay đến năm 2050”.

Hãng tin AP trích dẫn nhận địch của Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi Khí hậu Gia Nã Ðại Steven Guilbeault cho đây là một thỏa thuận nhằm ngăn chặn sự biến mất của đa dạng sinh học, phục hồi tự nhiên và giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu.

Biến đổi khí hậu cùng với môi trường sống bị biến mất, và tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của Trái đất. Vào năm 2019, một báo cáo cảnh báo rằng 1 triệu loài động thực vật sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong vòng nhiều thập kỷ - tỷ lệ này cao gấp 1.000 lần so với dự kiến. Báo cáo cho biết con người thường xuyên tiêu thụ khoảng 50.000 loài sinh vật hoang dã: Cứ 5 người thì có 1 người trong tổng dân số 8 tỉ người trên thế giới phụ thuộc vào các loài đó để có thực phẩm hoặc có thu nhập.


Ukraine: Người Dân Vùng Sông Dniepr Dưới Chính Quyền Thân Nga

- Ngày 19/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay kể từ khi quân đội Nga rời khỏi Kherson, sông Dniepr trở thành chiến tuyến, đường ranh giới ngăn cách lực lượng Nga và Ukraine.

Trên giòng sông chảy qua vùng Zaporijjia và Kherson, nhiều hệ thống thủy điện được xây dựng, như trạm thủy điện ở Novaya Kakhovka. Vào tháng 11/2022 vừa qua, Nga và Ukraine cáo buộc nhau muốn nã pháo vào đập thủy điện này để nhấn chìm các ngôi làng xung quanh.

Tại làng Novaya Kakhovka do Nga kiểm soát, nhiều người đã di tản, còn những người ở lại tiếp tục cuộc sống. Thông tín viên RFI Anissa El Jabri có mặt tại chỗ và cho biết thêm tình hình:

“Các trận cuồng phong đã dịu đi nhờ vào hơi ẩm nhẹ phả lên từ bờ sông. Tiếng pháo nổ vang dội cách đó vài chục cây số. Cây cầu bắc qua sông Dniepr đã bị phá hủy một phần và không thể sử dụng được từ giữa tháng 11. Với các trận giao tranh dữ dội hơn, lệnh giới nghiêm đã chuyển từ 10 giờ tối thành 7 giờ chiều. Vào lúc trời tối sớm hơn, thành phố gần như vắng bóng người ngay từ giữa buổi chiều.

Đại diện cơ quan báo chí của chính quyền Nga ở ngôi làng này nói: “Hãy nhìn xem, ở phía bên này của con đường đã bị phá hủy nặng. Con đường này gần đây đã bị đánh bom. Tốt nhất là không nên đến đó vì rất nguy hiểm”.

Chính quyền của vùng do Nga kiểm soát đã di dời sâu vào trong (cách xa sông Dniepr), nhưng cơ quan báo chí vẫn đi cùng với chúng tôi, vì lý do an ninh. Một vài người dân chúng tôi gặp trên đường cho biết họ không tuân lệnh chính quyền mới: “Chúng tôi sẽ tiếp tục dùng tiền Ukraine Hryvnya. Chúng tôi vẫn làm theo ý của mình”.

Thế nhưng, chính quyền Nga tại khu vực này đã dự trù ngừng lưu thông tiền của Ukraine kể từ ngày 31/12. Đồng Hryvina sẽ tiếp tục được hoán đổi tại các ngân hàng. Đối với người y tá này, điều này không quan trọng, vì bà đã đổi hết tiền Hryvina sang đồng Rúp của Nga từ lâu rồi, nhưng bà có những mối lo khác:
“Tôi có hai bệnh nhân, họ phải nằm tại giường, không thể di chuyển được. Một người thì có con trai ở Phi Châu, còn người kia thì bị người thân bỏ rơi. Họ đã đề xuất cho tôi đi di tản, nhưng tôi không thể để bệnh nhân của tôi ở đây một mình không ai chăm sóc. Cuộc sống hàng ngày của tôi chỉ là dọn dẹp nhà cửa, làm việc, về nhà, rồi lại đi làm”.

Đáp lại cáo buộc của phía quân đội Ukraine cho rằng Mạc Tư Khoa sẽ bỏ rơi những vùng lãnh thổ này, chính quyền Nga tố cáo quân đội Ukraine muốn gieo rắc sợ hãi và bảo đảm họ sẽ trụ lại đây”.


Anh Quốc Thông Báo Viện Trợ Thêm Đạn Dược Cho Ukraine

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay Anh Quốc sẽ giao “hàng trăm ngàn đạn” cho Ukraine vào năm tới trong khuôn khổ hợp đồng 250 triệu bảng Anh.

Thông báo được Thủ tướng Rishi Sunakđưa ra nhân cuộc họp tại Riga hôm 19/12/2022 quy tụ lãnh đạo các nước Bắc Âu, các quốc gia vùng Baltic và Hòa Lan tham gia Lực Lượng Viễn Chinh Hỗn Hợp (Joint Expeditionary Force - JEF).

Lực lượng JEF bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Estonia, Iceland, Lithuania và Latvia, Hòa Lan, Thụy Điển và Anh Quốc. Chiều nay, lãnh đạo các nước này tập trung thảo luận về những nỗ lực đang khai triển nhằm đối phó với những thách thức mà Mạc Tư Khoa đang đặt ra trong khu vực Bắc Âu và vùng biển Baltic. Theo dự kiến Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ phát biểu qua video với các đối tác tham gia lực lượng JEF.

Từ đầu cuộc chiến Ukraine, Anh Quốc đã huy động nhiều phương tiện quân sự hỗ trợ Ukraine. Luân Đôn đã gửi các dàn pháo đa nòng và đã cung cấp hơn 100.000 đạn cho Ukraine. Thủ tướng Sunak nhấn mạnh Luân Đôn và các đối tác quyết tâm “vãn hồi hòa bình tại tại châu lục” và để đạt được mục tiêu này, các bên cần “ngăn chận mọi hành vi răn đe và khai triển các phương tiện cần thiết chứng minh khả năng phòng thủ của Âu Châu trước những mối đe dọa nguy hiểm nhất”.

Cùng ngày quân đội Nga khẳng định đã bắn hạ 4 phi đạn HARMS của Mỹ trong vùng Belgorod, thuộc lãnh thổ Nga sát biên giới Ukraine.


Tòa Án Tối Cao Anh Ra Phán Quyết Về Kế Hoạch Đưa Người Xin Tị Nạn Tới Rwanda


(Hình: Các nhà vận động phản đối kế hoạch đưa người tị nạn tới Rwanda, ngày 19/12/2022.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ đưa tin cho hay hôm 19/12/2022, Tòa án Tối cao của Anh ra phán quyết rằng kế hoạch gây tranh cãi của chính phủ nhằm đưa những người xin tị nạn tới Rwanda là hợp pháp.

Chính phủ Anh vừa đạt được thỏa thuận với Rwanda sẽ trục xuất những người di cư đến Anh bất hợp pháp trong chuyến bay một chiều đến Rwanda, một quốc gia có hồ sơ nhân quyền đáng ngờ, để giải quyết yêu cầu tị nạn của họ.
Theo thỏa thuận của Anh với Rwanda, những người nộp đơn xin tị nạn sẽ đủ điều kiện ở lại Rwanda nhưng sẽ không đủ điều kiện để quay lại Anh.

Anh phải hủy chuyến bay đầu tiên đến Rwanda vào tháng 6 sau khi Tòa án Nhân quyền Âu Châu ngăn cản động thái này, cho rằng kế hoạch này mang đến “nguy cơ thực sự về tác hại không thể đảo ngược”.

Các nhóm nhân quyền cho rằng Hiệp ước của Anh với Rwanda là vô nhân đạo và quốc gia Phi Châu này không có khả năng giải quyết các yêu sách.
Các chính trị gia cho rằng kế hoạch này sẽ ngăn chặn dòng người di cư vào Anh.

Hơn 40.000 người di cư đã vượt qua eo biển Manche để đến bờ biển của Anh trong năm nay. Tuần trước, bốn người đã chết trong chuyến đi từ Pháp khi chiếc xuồng nhỏ của họ bị lật trong thời tiết lạnh giá.


Bắc Hàn Thử Hệ Thống Vệ Tinh Do Thám

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay trong một thông cáo báo chí, chính quyền Bình Nhưỡng xác nhận hôm 18/12/2022, đã thực hiện một thử nghiệm quan trọng trong việc phát triển vệ tinh do thám.

Hôm 18/12, quân đội Nam Hàn đã phát giác 2 phi đạn-đạn đạo tầm trung được Bình Nhưỡng phóng lên. Hãng tin AFP, trích dẫn thông cáo của hãng tin chính thức KCNA của Bắc Hàn hôm 19/12, cho biết cuộc thử nghiệm được thực hiện từ bãi phóng vệ tinh ở Sohae, vùng Tongchang-ri, “đã xác nhận chất lượng của các yếu tố kỹ thuật quan trọng, nhất là việc chụp hình từ không gian, cũng như giải quyết và truyền tải các dữ liệu thông qua những thiết bị liên lạc”.

Phi đạn đã được phóng lên đến độ cao 500 cây số, mang theo vệ tinh do thám thử nghiệm, có gắn camera, thiết bị truyền phát và tiếp nhận hình ảnh, cũng như các hệ thống kiểm soát và các bình tích điện. Tờ báo chính thức Rodong Sinmun của đảng cầm quyền Lao Động Bắc Hàn đăng 2 hình đen trắng, dường như là chụp lãnh thổ Nam Hàn từ không gian.

Phát triển vệ tinh do thám là một trong số những dự án chủ chốt về quốc phòng của Bình Nhưỡng mà lãnh đạo Kim Jong Un đã tiết lộ vào năm 2021. Theo thông tấn xã AFP, giới chuyên gia cho rằng việc phát triển loại vệ tinh này có thể cách để Bình Nhưỡng che giấu các vụ thử nghiệm phi đạn-đạn đạo liên lục địa (ICBM), vì cả hai phần lớn dùng chung một loại kỹ thuật.


Trung Quốc Ghi Nhận Ca Chết COVID-19 Đầu Tiên Sau Nhiều Tuần; Chuyên Gia Nghi Ngờ Con Số Chính Thức


(Hình: Tại một nhà tang lễ ở Bắc Kinh, ngày 17/12/2022.)

Thông tấn xã Reuters cho hay hôm 19/12/2022, Trung Quốc báo cáo những trường hợp chết đầu tiên liên quan đến COVID-19 trong nhiều tuần giữa bối cảnh ngày càng có nhiều nghi ngờ về việc liệu số liệu thống kê chính thức có nắm bắt được toàn bộ số ca mắc bệnh đang hoành hành khắp các thành phố sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt về COVID-19 hay không.

Hai ca chết hôm 19/12 là trường hợp đầu tiên được Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) báo cáo kể từ ngày 3/12, vài ngày trước khi Bắc Kinh thông báo rằng họ đang dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa phần lớn đã kiểm soát dịch bệnh trong ba năm nhưng đã gây ra các cuộc biểu tình rộng rãi vào tháng trước.

Mặc dù hôm 17/12, các nhà báo của Reuters đã chứng kiến các xe tang xếp hàng dài bên ngoài một lò hỏa táng COVID-19 được chỉ định ở Bắc Kinh và các công nhân trong bộ đồ bảo hộ khiêng người chết bên trong cơ sở này. Reuters không thể xác định ngay liệu các trường hợp tử vong này có phải do COVID hay không.

NHC không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Số người chết thấp kể từ khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ vào ngày 7/12 do không phù hợp với kinh nghiệm của các quốc gia khác sau các động thái tương tự. Con số chính thức của Trung Quốc ghi nhận chỉ có 5.237 trường hợp chết liên quan đến COVID-19 trong đại dịch, bao gồm cả hai trường hợp chết mới nhất, một phần rất nhỏ trong dân số 1,4 tỉ người của nước này.

Nhưng các chuyên gia y tế cho biết Trung Quốc có thể phải trả giá khi thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt như vậy để bảo vệ dân số hiện thiếu khả năng miễn dịch tự nhiên với COVID-19 và có tỷ lệ chích ngừa thấp ở người lớn tuổi.

Một số lo ngại số người chết vì COVID-19 của Trung Quốc có thể tăng lên trên 1,5 triệu trong những tháng tới.

Trang tin nổi tiếng của Trung Quốc Caixin hôm 16/12 đưa tin rằng hai phóng viên nhà nước đã chết sau khi nhiễm COVID-19, và sau đó một sinh viên y khoa 23 tuổi cũng đã chết hôm 17/12. Hiện chưa rõ cái nào, nếu có, trong số những cái chết này được đưa vào số người chết do nhà nước chính thức tổng kết.

Ông Yanzhong Huang, chuyên gia y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, cho biết: “Con số (chính thức) rõ ràng là thống kê thiếu số ca chết do COVID-19”.

Điều đó “có thể phản ánh sự thiếu khả năng của nhà nước trong việc theo dõi và giám sát hiệu quả tình hình dịch bệnh tại chỗ sau sự sụp đổ của chế độ xét nghiệm PCR hàng loạt, nhưng nó cũng có thể được thúc đẩy bởi những nỗ lực nhằm tránh sự hoảng loạn hàng loạt trước sự gia tăng số ca chết do COVID-19”, ông nói.

Hôm 18/12, NHC báo cáo 1.995 ca nhiễm có triệu chứng so với 2.097 ca một ngày trước đó.

Giám đốc dịch tễ học của Trung Quốc Wu Zunyou hôm 17/12 cho biết nước này đang phải đối mặt với đợt đầu tiên trong ba đợt COVID dự kiến vào mùa Đông này, điều này phù hợp hơn với những gì mọi người nói rằng họ đang trải qua trên thực tế.

Viên chức thành phố Bắc Kinh Xu Hejian nói với các phóng viên hôm 19/12 rằng COVID-19 đang lan nhanh ở thủ đô, gây áp lực lên các nguồn lực y tế.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy tỷ lệ chích ngừa của Trung Quốc là trên 90%, nhưng tỷ lệ người lớn được chích nhắc chỉ ở mức 57,9% và con số này đối với người từ 80 tuổi trở lên chỉ có 42,3%.


Sạt Lở Vì Thiếu Cát và Khai Thác Cát Bừa Bãi Gây Hại Khó Lường Cho Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long


(Hình: Sạt lở đất ở Đồng bằng sông Cửu Long.)

Sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày một nghiêm trọng hơn cả về quy mô lẫn tần suất, gây lo ngại cho sự an toàn vùng này.

Một vụ sạt lở ở cù lao Minh thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long hồi ngày 5/12/2022, làm 13 căn nhà và khoảng 15 hecta đất vườn của người dân bị rơi xuống sông Cổ Chiên.
Sau đó tại Buổi Tọa đàm với chủ đề ‘Quản lý cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long’ hôm 19/12, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam - WWF Việt Nam cho biết đã phát giác dưới sông Tiền có hố sâu gần 50m cách cầu Mỹ Thuận 1,2 cây số.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, hôm 19/12 cho biết việc phía thượng lưu của cầu Mỹ Thuận có một hố sâu do khai thác cát, làm cho ông lo ngại:
“Vì khi con sông như vậy thì đáy sông luôn luôn tái phân phối để mang vật liệu chỗ khác đến lắp và như vậy nó sẽ khỏa lấp, làm cho đáy sông bị sâu đều. Thêm nữa, gần đây phía dưới cầu Mỹ Thuận là chỗ sạt lở gần đây ở cù lao Minh, đối diện thành phố Vĩnh Long ở phía hạ lưu… nó làm cho mình phải suy nghĩ đến cầu Mỹ Thuận. Có nghĩa là ở phía thượng lưu đã có hố sâu như vậy thì chắc chắn hạ lưu đáy sông sẽ hạ sâu, như vậy thì ngay dưới cầu Mỹ Thuận sẽ như thế nào?”

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, khi xây những cây cầu to như cầu Mỹ Thuận đã phải đổ cát thêm, phải gia cố thêm… thì lâu nay có được theo dõi hay không? Ông Thiện nói tiếp:
“Chúng tôi đặt câu hỏi cho các cơ quan chức năng tình hình đáy sông ngay dưới cầu như thế nào? Lượng cát xây cầu bồi vô đó có còn hay không? Hay đã mất đi? Nó có thể đe dọa đến những cây cầu khác không chỉ cầu Mỹ Thuận, mình phải dè chừng việc khai thác cát này ảnh hưởng tất cả các cây cầu khác như ở Cần Thơ, Vàm Cống, Cao Lãnh…”.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang, trong khoảng gần 10 năm, sạt lở đã ‘nuốt’ hơn 200 mét đê biển ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, tức bình quân mỗi năm có khoảng 20 mét bờ biển ở khu vực này đã biến mất vì sạt lở.

Tương tự, biển ăn sâu vào đất liền khu vực xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre khoảng 150-200 mét sau chưa đầy 10 năm qua, nhất là khi dự án cống đập Ba Lai được xây dựng, làm giòng chảy xuống hạ nguồn thay đổi, khiến tốc độ sạt lở bờ biển tại khu vực xã Bảo Thuận ngày càng nhanh và nghiêm trọng hơn.

Bà An đã sống tại An Thuỷ, Ba Tri, Bến Tre, cho Ðài Á Châu Tự Do (RFA) biết hiện trạng sạt lở ở địa phương bà sinh sống:
“Nhà tui bị sạt hết rồi tui mới đi, sụp mau quá tui cũng rầu mà không biết làm sao, những người dân lần lần họ đi hết. Hồi đó ở cồn đó có ruộng, rồi mình qua lại đó mần, hồi đó 12 mẫu, giờ còn 1 mẫu chứ bao nhiêu”.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết về nguyên nhân gây sạt lở:
“Sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nhiều là do thiếu phù sa. Những vụ sạt lở gần đây như ở cù lao Minh, diện tích lớn nhất từ trước đến nay cũng cùng nguyên nhân thiếu phù sa và thiếu cát. Ngoài ra, còn do các đập thủy điện chặn cát, phù sa và việc khai thác cát trên sông Mê Kông ở các nước, nhiều nhất là ở Cam Bốt và Việt Nam. Còn những yếu tố khác như nói là địa chất yếu, công trình nhà cửa gần mép sông… thì chỉ làm dễ bị tổn thương, chứ không phải nguyên nhân, nguyên nhân chính vẫn là thiếu phù sa”.

Chính quyền Việt Nam cần phải làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực do sạt lở đối với Đồng bằng sông Cửu Long?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Biến đổi Khí hậu Đại học Cần Thơ, khi trả lời RFA hôm 19/12, cho biết:
“Để hạn chế rủi ro về sạt lở, trước tiên chúng tôi đang xúc tiến việc lên bản đồ sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ở những chỗ đó phải có bảng cảnh báo, nếu cần thì di dời người dân, không cho tàu bè chạy nhanh qua đoạn đó và giới hạn chuyện khai thác cát hay những hoạt động gần những điểm sạt lở đó. Bên cạnh đó, về lâu dài qua những đoạn xung yếu thì phải làm kè để bảo vệ, hoặc lái giòng chảy đi qua một nơi khác, hoặc trồng cây để bảo vệ bờ sông”.

Tuy nhiên theo ông Tuấn, thật ra trồng cây để bảo vệ thêm bờ sông hoặc bờ biển thì ở những nơi trồng được người ta đã trồng rồi, còn những nơi sạt lở dù có trồng thì cây cũng khó mà trụ lại được. Ông Tuấn cho biết thêm, chính quyền địa phương các nơi cũng biết chuyện này nhưng không thể nào mà trồng cây trên một diện tích lớn. Ông nói tiếp:
“Về lâu dài thì khó hơn, vì hiện nay nguồn cát đã bị giữ lại ở các đập thủy điện phía thượng nguồn, cái đó ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam. Tôi nghĩ về lâu dài hơn phải nghĩ đến vấn đề quy hoạch lại những vị trí có nguy cơ sạt lở, đừng bố trí những công trình ở đó hoặc có những hệ thống bảo vệ những chỗ đó… Đồng thời nghĩ đến việc phải nhập cát từ nơi khác về Đồng bằng sông Cửu Long như từ Cam Bốt hoặc là từ miền Trung để thay thế chuyện khai thác cát ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi cũng nghĩ cần phải thay đổi những kết cấu nào ít sử dụng cát, bên cạnh chuyện khai thác quá mức gây sạt lở”.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn những giải pháp mà chính phủ đang thực hiện như xây dựng hệ thống bờ kè để bảo vệ hay quy hoạch những chỗ nguy cơ để di dời người dân đi chỗ khác, chỉ là những giải pháp tình thế, không giải quyết được toàn bộ vấn đề.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện lo ngại trong tương lai sẽ còn khó khăn hơn:
“Bây giờ chúng ta đã rơi vào thế rất là khó, cát ở phía thượng lưu chắc chắn là không về nữa. Bởi vì cát là vật liệu nặng, đi ở dưới đáy sông từ phía thượng nguồn về tới Đồng bằng sông Cửu Long hết mấy chục năm. Trong khi cát mình nhận được trong mấy năm vừa qua là cát đã khởi hành trong quá khứ rất lâu rồi. Những cát nào chưa khởi hành thì nó đang nằm phía trên những cái đập thì không cách nào có thể qua được. Bây giờ có xả đập thì cũng không đi xuống”.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết ông khẳng định trong tương lai sẽ không có cát về nữa, Đồng bằng sông Cửu Long đã rơi vào thế thiếu cát, nhưng việc xây dựng nhà cửa, đường xá không thể dừng được nên vẫn phải cần cát. Cho nên theo ông Thiện, tình hình bây giờ rất khó khăn và cần biết rằng lấy cát để xây dựng phải trả giá rất đắt.


Bắt Tạm Giam Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Chính Sách, Pháp Luật và Phát Triển (PLD) - Hoàng Ngọc Giao


(Hình: Ông Hoàng Ngọc Giao.)

Theo thông tin từ 3 nguồn độc lập, ngày 16/12/2022, Cơ quan an ninh điều tra-Bộ Công an đã bắt giữ ông Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với cáo buộc “Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho ngoại quốc; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để ngoại quốc sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điểm C, khoản 1 của Điều 110 “Tội gián điệp” trong Bộ luật Hình sự.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, một người quen biết với ông Hoàng Ngọc Giao, khẳng định với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại vào trưa ngày thứ Hai (19/12).
“Anh ấy bị bắt vào thứ sáu (ngày 16/12). Hỏi lý do thì người ta bảo vì đưa tài liệu ra ngoại quốc. Cũng không biết ngoại quốc là nước nào và cho ai”.

Phóng viên có gọi điện cho gia đình của ông Hoàng Ngọc Giao nhưng một phụ nữ nghe máy đã từ chối trả lời về thông tin ông này bị bắt. Phóng viên cũng gọi điện vào số máy của Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển nhưng không ai nghe máy.

Truyền thông nhà nước hoàn toàn im lặng về vụ bắt giữ này. Phóng viên có gọi điện cho Văn phòng Bộ Công an Việt Nam nhưng không ai nghe máy.

Theo luật hiện hành, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, người hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), đối mặt với án tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu bị kết tội.

VUSTA là một tổ chức phi chính phủ, thành viên của Mặt trận Tổ quốc.

Ông Nguyễn Khắc Mai cho RFA biết tháng trước ông có tham dự cuộc hội thảo về góp ý cho việc sửa đổi Luật Đất đai tổ chức bởi ông Hoàng Ngọc Giao và Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển tại Nhà khách Chính phủ (37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội).

Theo ông Mai, trong cuộc hội thảo có sự tham dự của nhiều cựu viên chức của Chính phủ như cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Đặng Hùng Võ, ông Hoàng Ngọc Giao đã đề nghị chấm dứt hoặc hạn chế việc lấy đất của dân để giao cho doanh nghiệp làm dự án.

Ông Nguyễn Khắc Mai đánh giá ông Hoàng Ngọc Giao là một Luật sư có tấm lòng tử tế, có đóng góp nghiêm chỉnh, công tâm và khách quan cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi còn Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển là một think-tank có nhiều đóng góp ở Việt Nam.

Ông nghi ngờ việc bắt giữ ông Hoàng Ngọc Giao có liên quan đến việc ông này góp ý về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ông nói với RFA:
“Tôi sợ rằng họ kiếm một cái cớ để ngăn chặn Hoàng Ngọc Giao đi sâu vào vấn đề Luật Đất đai mà họ đang muốn sửa”.

Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ đưa Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ra thảo luận và hy vọng sẽ thông qua trong kỳ họp vào giữa năm 2023. Đây là bộ luật gây nhiều tranh cãi khi không thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, một vấn đề được nhiều chuyên gia đánh giá là nguồn gốc của những tranh chấp về đất đai giữa người dân và chính quyền, gây bất ổn xã hội tại Việt Nam.

Ông Mai cũng nói góp ý của ông Hoàng Ngọc Giao cũng chỉ là một phần của nguyên nhân ông này bị bắt giữ vì buổi hội thảo không có vấn đề gì gay gắt. Ông giải thích về vụ bắt giữ này thêm như sau:
“Ai mà làm trái ý chính quyền, những người lãnh đạo thì người ta tìm cách khống chế. Hoàng Ngọc Giao hay một vài người nào đấy có công tâm, có thẳng thắn, có đề nghị nào đấy nêu bật cái mâu thuẫn nghịch lý hiện nay thì đều có thể nằm trong tầm ngắm của những người họ không thích”.

“Tài liệu gì mà trái ý của họ thì họ đều cho là vi phạm (an ninh) quốc gia chứ còn việc giao lưu trao đổi ý kiến quan điểm hay nghiên cứu với nhau thì bây giờ phải được coi là bình thường đi chứ!”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS - đã tự giải thể), nói với RFA rằng có nghe tin ông Hoàng Ngọc Giao bị bắt nhưng không nắm được chi tiết. Bình luận về vụ bắt giữ này, ông nói với RFA như sau:
“Nhiều ý kiến cho rằng cuối năm họ có chỉ tiêu. Một điều chắc chắn là sự siết chặt càng siết hơn nữa”.

Luật sư Hoàng Ngọc Giao là trọng tài viên lâu năm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tham gia giảng dạy tại nhiều trường luật uy tín ở Việt Nam hàng chục năm.

Đầu tháng 10 vừa qua, ông được bầu là Chủ tịch của Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Việt-Trung (VCITAC). Ông còn là Giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao & Cộng sự.

Trên website của mình, Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển giới thiệu hoạt động của tổ chức này “nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua các hoạt động nghiên cứu–tư vấn, nghiên cứu-đánh giá, nghiên cứu-phản biện và tăng cường năng lực về các vấn đề Chính sách, Pháp luật trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội”.

Tổ chức này cũng “hợp tác cùng với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, các chuyên gia và nhà nghiên cứu” với mục tiêu “tập trung nỗ lực nhằm thúc đẩy việc thực hiện một nền quản trị quốc gia tốt, một nhà nước pháp quyền vững mạnh, hướng tới một xã hội Việt Nam dân chủ, văn minh”.

Đính chính:

Xin cáo lỗi cùng quý độc giả: chức danh của ông Hoàng Ngọc Giao là Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); chứ không phải cựu Vụ Phó Ban Biên giới Chính phủ.

Không có nhận xét nào: