Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY : 05/09/2022


Tình báo Trung Quốc hoành hành dữ dội tại MỹBà Wendi Deng (Đặng Văn Địch) thường xuyên tham gia nhiều sự kiện đình đám ở Mỹ, nay bị FBI nghi ngờ có liên hệ chặt với tình báo Trung Quốc. Trong ảnh, bà dự lễ trao giải phụ nữ can đảm tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York ngày 04/04/2014. Luiz C. Ribeiro/Invision/AP - Luiz C. Ribeiro - Thụy My
Le Figaro nhận định Hoa Kỳ phải đối phó với gián điệp Trung Quốc ngày càng hung hăng, với những hoạt động táo bạo và nguy hiểm chưa từng thấy trên đất Mỹ.
<!>

Từ ngôi chùa ở vị trí lý tưởng để nghe lén…


Theo dự án Vườn Trung Quốc được đặt trong Vườn Bách thảo Quốc gia ở Washington, một ngôi chùa màu trắng sẽ được dựng lên, xung quanh là những ngôi nhà kiểu Trung Hoa mang những cái tên thơ mộng với những hòn non bộ. Dự án được giới thiệu năm 2011 với sự hiện diện của phó tổng thống Joe Biden, ngoại trưởng Hillary Clinton và chủ tịch Trung Quốc thời đó là Hồ Cẩm Đào. Bắc Kinh đề nghị tài trợ toàn bộ, khoảng 100 triệu đô la, và vật liệu xây dựng được đưa sang theo đường ngoại giao, được miễn kiểm tra hải quan.

Nhưng sẽ không bao giờ có Vườn Trung Quốc ở Washington. Năm 2017, FBI đã âm thầm đặt dấu chấm hết cho dự án : ngôi chùa nằm trên điểm cao của thủ đô nước Mỹ là địa điểm lý tưởng để nghe lén vì chỉ cách Nhà Trắng, Bộ Ngoại Giao và Lầu Năm Góc vài kilomet. FBI cũng khuyến cáo ái nữ của tổng thống, cô Ivanka Trump và Jared Kushner nên giữ khoảng cách với Wendi Deng, tên thật là Đặng Văn Địch, vợ cũ người Hoa của tỉ phú truyền thông Úc Rupert Murdoch. Bà này rất hăng hái xúc tiến dự án, và nhiều dấu hiệu cho thấy có quan hệ chặt chẽ với tình báo Trung Quốc.

Đó chỉ là một trong những âm mưu xâm nhập, và người Mỹ còn tiếp tục phát hiện thêm nhiều vụ mới. Đầu năm 2022, giám đốc FBI, Christopher Wray cảnh báo gián điệp Hoa lục hoạt động quy mô và liều lĩnh hơn bao giờ hết, bao trùm lên nhiều lãnhvực, là mối đe dọa chính cho an ninh kinh tế Hoa Kỳ. Sự nhập nhằng giữa các hoạt động hợp pháp và tình báo khiến rất khó phát hiện, nhất là các doanh nghiệp Mỹ không quen đối phó với những thủ đoạn này.

…Đến nhiều hecta đất gần địa điểm quân sự


Chẳng hạn khi Huawei và ZTE ký hợp đồng với nhiều công ty điện thoại tư nhân cỡ nhỏ của Mỹ để dựng lên hàng trăm ăng-ten tại các bang thuộc vùng đại bình nguyên và trung tây nước Mỹ, FBI khám phá chúng được đặt gần các căn cứ quân sự chiến lược, và cũng nằm rất gần những kho tên lửa hạt nhân. Những thiết bị này không chỉ dùng để nghe lén mà còn làm nhiễu các liên lạc của Lầu Năm Góc, nhất là cơ quan giám sát vũ khí nguyên tử.

Năm ngoái, Fufeng USA, chi nhánh của một tập đoàn nông sản Trung Quốc muốn mua 120 hecta đất nông nghiệp ở Bắc Dakota, nhưng dự án này nằm gần căn cứ không quân Grand Forks, nơi xuất phát các drone Global Hawk, một công nghệ quốc phòng nhạy cảm. Ước tính vào năm 2019, Trung Quốc cộng sản sở hữu đến 75.000 hecta đất nông nghiệp Mỹ, trị giá 1,9 tỉ đô la.

Một báo cáo của Thượng Viện tháng trước tiết lộ trong suốt 10 năm qua Bắc Kinh đã tiến hành một chiến dịch gián điệp nhắm vào Quỹ Dự trữ Liên bang. Doanh nghiệp, phòng thí nghiệm, trường đại học, nhà nghiên cứu, nhà lập pháp, công chúng đều là mục tiêu của tình báo Hoa lục nhằm gây ảnh hưởng và cản trở những quyết định không có lợi cho Trung Quốc. Mọi phương tiện đều được huy động, từ điệp viên, tin tặc đến ăn cắp công nghệ. Tình hình căng thẳng hiện nay khiến Washington không còn coi hoạt động tình báo của Bắc Kinh làm hại đến kinh tế, mà còn là thách thức chiến lược chính của Hoa Kỳ.

Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, chuyên gia Matthew Brazil nhận xét tình báo Trung Quốc phức tạp hơn Liên Xô cũ nhiều, sử dụng cả nguồn tư nhân bên ngoài, do mối quan hệ lịch sử với các tổ chức tội phạm. Một trong những điểm yếu là cách phân tích phải phù hợp với đường lối của đảng, thế nên nhiều nhân viên tình báo thường tuyển mộ người nước ngoài viết báo cáo về các chủ đề nhạy cảm như Đài Loan để trình lên cấp trên mà bản thân mình không bị nguy hiểm.

Duy Ngô Nhĩ : Bản báo cáo vào những phút cuối cùng của nhiệm kỳ


Trên lãnh vực nhân quyền, Le Monde phê phán « Duy Ngô Nhĩ : Sự tỉnh thức quá muộn màng của Liên Hiệp Quốc ». Vào lúc còn 13 phút nữa là đến nửa đêm, thứ Tư 31/08, cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet rốt cuộc cũng công bố bản báo cáo về tình hình Tân Cương, với nhận định khó thể tranh cãi về nạn đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Những bằng chứng mà Liên Hiệp Quốc thu thập được cho thấy những vụ tra tấn, bạo lực tình dục, và việc mở rộng hệ thống trại cải tạo « có thể cấu thành tội phạm theo luật quốc tế, đặc biệt là tội ác chống nhân loại ». Với con dấu chính thức của Liên Hiệp Quốc, câu này gây bối rối cho Trung Quốc vốn tự khoe là đại cường có trách nhiệm. Bà Bachelet muốn cứu vãn hình ảnh bốn năm đứng đầu cơ quan bảo vệ nhân quyền, nhưng việc công khai báo cáo vào phút chót cho thấy ảnh hưởng to lớn của chế độ độc tài Bắc Kinh lên các định chế quốc tế. Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã trao cho bà báo cáo trước đó cả năm !

Trung Quốc dùng lời hứa về một chuyến thăm Tân Cương để dẫn dụ, khiến Michelle Bachelet không dám công bố trước, dù biết rằng chuyến đi sẽ được dàn dựng để phục vụ cho tuyên truyền. Bà biện minh rằng cần « tránh một sự rạn vỡ lớn và duy trì một hệ thống toàn cầu ». Đây cũng là lối suy nghĩ của ông tổng thư ký Antonio Guterres - không thể tách rời một Trung Quốc khổng lồ về kinh tế, dân số, khả năng lũng đoạn lá phiếu của những nước nghèo là con nợ. Đối với Bắc Kinh, đây vừa là thất bại nhưng cũng là thành công khi « câu giờ » được lâu như vậy. Việc công bố vào phút chót cho thấy không gian dành cho cuộc chiến bảo vệ những quyền căn bản nhất đang hẹp dần, tại các định chế được thành lập để duy trì những quyền này.

Hồng Kông và ảo vọng tự do

Thông tín viên Le Monde có bài viết dài nhận định, Hồng Kông sau 156 năm là thuộc địa Anh và 25 năm « nhất quốc lưỡng chế », chỉ trong vòng chưa đầy ba năm qua bỗng chốc bị mất đi bản sắc cùng với giấc mơ tự trị. Là mảnh đất duy nhất thuộc Trung Quốc có được Nhà nước pháp quyền, tư pháp độc lập, đối lập đa dạng, tự do tín ngưỡng, báo chí tự do, internet không kiểm duyệt, đại học nổi tiếng quốc tế và biên giới rộng mở, bấy nhiêu ưu điểm đã giúp Hồng Kông giành vị trí đầu trong số « các nền kinh tế tự do nhất thế giới », tính đến năm 2019 là suốt 25 năm liên tục.

Nhưng giờ đây hầu hết các đại diện phe dân chủ đã vào tù. Người dân phải cân nhắc từng lời nói, hành động nơi công cộng, chỗ làm việc, trên các mạng xã hội và thậm chí ở nhà, vì có khi bị cả người thân tố cáo. Từ lâu là điểm đến của hàng trăm ngàn gia đình chạy trốn khỏi Hoa lục sau cuộc Cách mạng Văn hóa, ngày nay Hồng Kông là nơi người ta lần lượt bỏ đi. Một nhân viên mặt đất của Cathay Pacifics cho biết, mỗi ngày đều có những gia đình ra đi với con nhỏ ở tuổi đến trường và rất nhiều hành lý, đôi khi mang cả chó mèo. Họ hiểu rằng những người này « một đi không trở lại », dù có vé khứ hồi. Không ai đi nghỉ một tuần lễ để rồi khi trở về bị cách ly ba tuần !

Covid : Trung Quốc liên tục phong tỏa, bất chấp cái giá kinh tế

Les Echos khi nêu ra sự kiện 21 triệu dân Thành Đô tiếp tục bị phong tỏa dù chỉ có một ít ca dương tính, cho rằng Trung Quốc có thể duy trì chính sách zero Covid đến sau Đại hội Đảng tháng 10. Thành phố lớn thứ 6 Trung Quốc, có nhiều nhà máy xe hơi và điện tử, lại tung ra chiến dịch xét nghiệm đại trà ; công nhân phải ăn ngủ ngay tại xưởng. Tính đến 30/08, đã có 84 thành phố ở Hoa lục (chiếm 1/3 GDP cả nước) bị hạn chế di chuyển hoặc phong tỏa. Trong một phóng sự dài, Les Echos mô tả sự khủng hoảng của những hành khách hiếm hoi bay đến Hoa lục : đo nhiệt độ, xét nghiệm PCR rất nhiều lần, bị buộc cách ly ít nhất một tuần, mọi chi phí khách phải tự trả…Zero Covid ngặt nghèo đã khiến cộng đồng người Pháp ở Trung Quốc vơi đi hẳn, đồng thời bộc lộ những lỗ hổng : tiêm chủng ít, vac-xin nội địa không hiệu quả, hệ thống y tế yếu kém ; và nguy cơ tự tách biệt lâu dài với thế giới.

Số phận mong manh của thường dân Ukraina bị Nga « thanh lọc »

Cũng về nhân quyền nhưng tại các vùng đất của Ukraina bị Nga cưỡng chiếm, hai bản báo cáo khác của trường đại học Yale vào cuối tháng Tám tố cáo « Quần đảo những trại thanh lọc của Nga ». Các nhà nghiên cứu Mỹ dựa vào những nguồn mở, hình ảnh vệ tinh và chương trình bản đồ ESRI, chứng minh quân Nga vi phạm trầm trọng quyền con người. Có ít nhất 21 địa điểm mà công dân Ukraina bị buộc phải qua trước khi di chuyển sang thành phố khác, đến những vùng do chính phủ Kiev kiểm soát hay vào Nga. Những cơ sở thanh lọc này gồm bốn loại : văn phòng đăng ký, trung tâm tạm giữ, nơi thẩm vấn và trại giam.

Báo cáo phân biệt năm kiểu vi phạm nhân quyền : tra tấn và giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt, vô nhân đạo; buộc phải đi sang Nga; tách trẻ em khỏi cha mẹ; cưỡng bức lao động; thu thập hàng loạt dữ liệu cá nhân một cách bất hợp pháp. Những thông tin này phù hợp với những bằng chứng mà Le Monde thu thập được nơi những cư dân Mariupol chạy thoát sang Zaporijia.

Ngày 01/09, đến lượt Human Rights Watch công bố báo cáo có nội dung tương tự dựa trên lời kể của 20 nhân chứng. Thường dân Ukraina phải khai báo cụ thể về gia đình, chính kiến, mối quan hệ với quân đội và chính quyền Ukraina, bị lấy dấu tay, chụp ảnh, tư trang và điện thoại bị lục soát. Những ai không qua khỏi cuộc « thanh lọc » bị giữ lại, không ai biết nay họ đang ở đâu và số phận ra sao.

Lịch sử sẽ trả lại công bằng cho Gorbatchev


Liên quan đến nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô vừa qua đời, Les Echos nhận định Gorbatchev là một nhân vật hoàn toàn trái ngược với Putin. Ông đã trao lại các quyền tự do cho người dân Nga, nhưng việc này không làm ông được họ yêu mến, mà ngược lại.

Tác giả Dominique Moisi nhớ lại đêm giao thừa năm 1989, ông đang ở vùng đất du lịch Souzdal, mừng năm mới với những người bạn xô-viết trong một nhà hàng. Vào nửa đêm, lời chúc tết của Mikhail Gorbatchev vang lên khiến ông xúc động, Moisi muốn lắng nghe con người đã và đang giúp tránh được bao nhiêu là máu đổ. Nhưng thực khách không ai nghe « Gorbi » nói cả. Vài năm sau, với sự sụp đổ của Liên Xô và kinh tế sa sút, sự thờ ơ này biến thành thù địch ; minh bạch và nhân quyền không phải là những giá trị được đa số người Nga nhìn nhận.

Mikhail Gorbatchev đã nhận ra sự suy tàn không thể tránh khỏi của đế chế Liên Xô. Trước hôm trở thành tổng bí thư đảng cộng sản, ông đã nói với vợ là Raissa « Không thể tiếp tục sống như thế này » - có nghĩa là trong sợ hãi và chối bỏ sự thật. Gorbatchev đã can đảm tìm cách cải cách Liên Xô một cách hòa bình. Nhưng củng cố một lâu đài bằng giấy là điều nguy hiểm, có thể làm cho nó sụp đổ ; không thể có chiếc đũa thần để biến hình tròn thành hình vuông. Tác giả bài viết vẫn hy vọng một ngày nào đó nước Nga sẽ trở nên nhân văn hơn, tự do hơn, và lịch sử sẽ trả lại công bằng cho Mikhail Gorbatchev.

86 người chết, 450 bị thương :Phiên tòa khủng bố đẫm máu thứ nhì trong lịch sử Pháp


Tựa chính của Les Echos nhấn mạnh «Đồng đô la ở mức cao nhất từ 20 năm qua», Le Figaro quan tâm đến cuộc chạy đua trong đảng Những người Cộng hòa đã bắt đầu nhằm tranh vị trí ứng cử viên tổng thống Pháp kỳ tới. Riêng phiên tòa xử vụ khủng bố ở Nice khai mạc hôm nay tại Paris chiếm trang nhất của ba nhật báo. Le Monde chạy tựa « Vụ án khủng bố dã man ở Nice », La Croix chú ý đến « Những trẻ em Nice ra khỏi chấn thương », Libération có ảnh bìa là một rừng hoa tưởng niệm với dòng tựa « Hãy băng lại vết thương ».

Le Monde ghi nhận, hai tháng sau phiên tòa đại quy mô về các vụ khủng bố Paris ngày 13/11/2015, phòng xử đặc biệt lại mở ra cho phiên tòa thứ hai về khủng bố, cũng sẽ in hằn dấu ấn vì mức độ tàn bạo của nó. Đây là vụ khủng bố đẫm máu thứ nhì trong lịch sử nước Pháp kể từ sau Đệ nhị Thế chiến. Tên khủng bố người Tunisie, Mohamed Lahouaiej Bouhlel cầm lái chiếc xe tải nặng 19 tấn lao vào đám đông vui tươi 30.000 người dự lễ hội Quốc khánh Pháp, ngày 14/07/2016 ở Promenades des Anglais, Nice, nhằm mang lại cái chết cho càng nhiều nạn nhân càng tốt. Hậu quả : 86 người tử nạn (trong đó có 33 người ngoại quốc thuộc 10 quốc tịch), trên 450 người bị thương. Chỉ trong 4 phút 17 giây, con đường trở thành một nghĩa trang lộ thiên rùng rợn.

Nhưng nếu trong vụ Paris, tên khủng bố duy nhất sống sót là Salah Abdeslam có mặt trước tòa, thì trong vụ ở Nice hung thủ đã bị bắn hạ tại chỗ. Tám bị cáo liên can không phải là đồng phạm trực tiếp, thậm chí có người được cho là bị Bouhlel cố ý gởi « nụ hôn Judas ». Libération nhận thấy « Có rất nhiều nạn nhân nhưng rất ít nguyên đơn » : trong số 2.457 nạn nhân liên quan, chỉ có 865 người khởi kiện, chủ yếu do không muốn gợi lại những kỷ niệm quá sức khủng khiếp đối với tâm trí con người ; vả lại phiên xử diễn ra ở Paris chứ không phải Nice .

Không có nhận xét nào: