Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :26/09/2022


Thủ tướng New Zealand kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân, lên án cuộc xâm lược của Nga Trong bài phát biểu trước phiên họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 24/9, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu và lên án việc Nga xâm lược Ukraine. Bà nói: “Cách duy nhất để đảm bảo an toàn cho người dân của chúng tôi trước những hậu quả thảm khốc của vũ khí hạt nhân là khiến chúng không tồn tại".
<!>
“Đó là lý do tại sao New Zealand kêu gọi tất cả các quốc gia có chung niềm tin này tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (Treaty on the Prohibition of Nuclear Weapons)".

Các bình luận của Thủ tướng New Zealand được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ám chỉ việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh.

“Nếu có một mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga và để bảo vệ người dân đất nước mình, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có sẵn”, ông Putin nói và nói thêm, “Đây không phải là trò lừa bịp”.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng nói rõ ràng rằng vũ khí hạt nhân “có thể được sử dụng để bảo vệ trong trường hợp như vậy”.

Ông Ardern cho biết việc Nga ngăn chặn tiến trình thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân là một bước lùi đối với nỗ lực của mọi quốc gia thúc đẩy giải trừ hạt nhân.

Trong khi thừa nhận rằng giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ là một "thách thức to lớn" ở giai đoạn hiện tại, bà Ardern cũng cho biết rằng, bà sẽ chọn chấp nhận thách thức hơn là đối mặt với hậu quả của một chiến lược răn đe thất bại về vũ khí hạt nhân.

Bà nói: “Chúng tôi sẽ vẫn sẽ ủng hộ mạnh mẽ và nhiệt thành cho những nỗ lực giải quyết các loại vũ khí cũ, cũng như vũ khí mới”.

Bà Ardern cũng chỉ trích cuộc chiến của Nga ở Ukraine là một cuộc chiến “bất hợp pháp”, “vô đạo đức” và là một “cuộc tấn công trực tiếp” vào trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Bà nói thêm rằng, tuyên bố của ông Putin về việc triển khai vũ khí hạt nhân "bất cứ lúc nào theo ý muốn của Nga" cho thấy câu chuyện sai lệch mà Moscow đã coi là cơ sở để tiến hành cuộc xâm lược của mình.

Chiến tranh Ukraina: Mỹ yêu cầu Nga ngưng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân


Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (ngoài cùng bên phải) nghe ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov ( ngoài cùng bên trái) phát biểu tại cuộc họp Hội Đồng Bảo An LHQ, ngày 22/09/2022. AP - Mary Altaffer
Thanh Phương
Hoa Kỳ yêu cầu Nga ngưng đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử trong cuộc chiến tranh Ukraina và cảnh báo là việc sử dụng loại vũ khí này sẽ gây ra những hậu quả “tàn khốc”.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS News tối qua, 25/09/2022, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “ Chúng tôi đã nói rất rõ với phía Nga, nói công khai, cũng như khi nói chuyện riêng, rằng họ phải ngưng nói đến vũ khí hạt nhân”. Ông nhấn mạnh: “ Mọi việc sử dụng vũ khí nguyên tử đều sẽ có những hậu quả tàn khốc đối với nước sử dụng chúng, và dĩ nhiên là đối với nhiều nước khác”.

Trước đó, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan trên đài NBC cũng đã cảnh báo Matxcơva về những hậu quả “tàn khốc” nếu Nga sử dụng vũ khí nguyên tử.

Hôm thứ Tư tuần trước, trong một bài phát biểu trên đài truyền hình Nga, tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố, để đối đầu với phương Tây, mà theo ông đang tìm cách phá hủy nước Nga, Matxcơva sẵn sàng sử dụng “mọi phương tiện” có trong tay, ám chỉ đến việc sử dụng vũ khí nguyên tử. Ông Putin còn nhấn mạnh đây không phải là lời đe dọa suông.

Ngày 16/09 vừa qua, trước khi tổng thống Nga có lời đe dọa như trên, tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắn gởi một thông điệp đến ông Putin: “ Đừng làm như thế. Vì ông sẽ làm thay đổi cục diện chiến tranh một cách chưa từng có từ Thế chiến Thứ hai đến nay.” Ông Biden cũng cảnh cáo là trong trường hợp đó, Hoa Kỳ sẽ đáp trả “rất mạnh”, nhưng không nói rõ về hình thức đáp trả.

Học thuyết quân sự của Nga dự trù khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các lãnh thổ mà Matxcơva xem là thuộc chủ quyền quốc gia bị tấn công. Đây sẽ là trường hợp của các vùng lãnh thổ Ukraina mà Nga đang kiểm soát và hiện đang tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào lãnh thổ Nga.

Tập trận chung hải quân Mỹ-Hàn đầu tiên từ 5 năm qua


Tàu sân bay USS Ronald Reagan rời cảng Busan, Hàn Quốc, ngày 26/09/2022, để tham gia các cuộc tập trận trung Mỹ -Hàn từ ngày 27/09/2022. AP - Sohn Hyung-joo
Thanh Phương |Trần Công

Hôm nay, 26/09/2022, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã mở các cuộc tập trận chung trên biển đầu tiên từ 5 năm qua, một ngày sau khi Bắc Triều Tiên bắn thử một tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Trong một thông cáo, Hải quân Hàn Quốc nhấn mạnh: “ Các cuộc tập trận được chuẩn bị nhằm chứng tỏ quyết tâm của liên minh Mỹ-Hàn đáp trả những hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên”.

Sau vụ bắn tên lửa này, cuộc tập trận chung của Hàn Quốc và Mỹ cũng sẽ có các cuộc thao dượt phát hiện và theo dõi các tàu ngầm có khả năng bắn tên lửa đạn đạo.

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình:

Hôm nay, 26/09/2022, Hàn Quốc thông báo đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động tại khu vực Sinpo của tỉnh Nam Hamgyong, Bắc Triều Tiên. Đây là khu vực mà phía Hàn Quốc nghi ngờ Bắc Triều Tiên sẽ hạ thủy một tàu ngầm mang tên lửa đạo đạo (SLBM).

Mỹ và Hàn Quốc cũng đã khá lo lắng về việc Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị phóng thử tên lửa từ tàu ngầm. Vì vậy, cuộc tập trận chung Mỹ Hàn lần này sẽ tập trung vào việc phát hiện và theo dõi các tàu ngầm hạt nhân của Hoa Kỳ đang hoạt động sâu dưới đáy biển. Cuộc diễn tập này là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Bình Nhưỡng rằng liên minh Mỹ-Hàn có đủ khả năng phát hiện tàu ngầm, đủ khả năng áp chế, và đáp trả các loại tên lửa phóng từ tàu ngầm của Bắc Triều Tiên.

Thông qua cuộc tập trận này, quân đội Hàn Quốc hi vọng các phương pháp phát hiện và theo dõi tàu ngầm của Bắc Triều Tiên được trang bị “SLBM” sẽ được phía Hàn Quốc phát triển độc lập.

Hiện tại, Mỹ yêu cầu giữ bí mật về việc triển khai lực lượng tàu ngầm, họ thậm chí không đề cập đến chủng loại tàu ngầm được sử dụng trong lần tập trận này.

Ngoài tác chiến chống tàu ngầm, các cuộc thao dượt quân sự Mỹ Hàn còn bao gồm tác chiến trên mặt nước, tác chiến phòng không và huấn luyện cơ động chiến thuật. Liên minh quân sự Mỹ - Hàn cũng có kế hoạch chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp và sẵn sàng có phản ứng cao độ nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục bắn một tên lửa khác trong thời gian tập trận.

Mỹ thí điểm ‘‘tên lửa’’ chống thiên thạch để bảo vệ Trái đất


Phi thuyền Dart của NASA "tấn công" thiên thạch Dimorphos. AFP - HANDOUT
Trọng Thành
Đúng vào lúc thế giới đang lo ngại vũ khí hạt nhân nếu sử dụng trong chiến tranh Nga- Ukraina sẽ làm bùng lên một cuộc chiến huynh đệ tương tàn trên Trái đất, ngày hôm nay, 26/09/2022, nước Mỹ khởi sự trắc nghiệm đầu tiên của hệ thống ‘‘lá chắn bảo vệ hành tinh’’.

Theo AFP, Cơ quan Không gian và Vũ trụ Hoa Kỳ - NASA sử dụng một phi thuyền làm ‘tên lửa’’ để chuyển hướng quỹ đạo của một thiên thạch. Sau 10 tháng du hành, phi thuyền - mang tên Dart (có nghĩa là ‘‘mũi tên’’ trong tiếng Anh) dự kiến đâm vào thiên thạch vào lúc 23h14phút, giờ quốc tế hôm nay.

Phi thuyền Dart có kích thước nhỉnh hơn một chiếc xe hơi sẽ đâm vào thiên thạch có đường kính 160 mét (bằng phân nửa chiều cao của Tháp Eiffeil), với vận tốc hơn 20.000 km/h. Toàn bộ vụ bắn thiên thạch sẽ được theo dõi trực tiếp theo một kênh video của NASA. Hình ảnh truyền về Trái đất với độ chênh lệch về thời gian là 45 giây.

Mục tiêu của sứ mạng mang tên Hera không phải là phá hủy thiên thạch, mà điều chỉnh chút ít quỹ đạo thiên thạch. Dân cư Trái đất không phải lo ngại về thiên thạch Dimorphos, hiện cách Trái đất đến ít nhất 7 triệu km. Vụ bắn thiên thạch nói trên hoàn toàn chỉ mang tính thử nghiệm, để biết được khả năng tác động đến các thiên thạch hoạt động gần Trái đất trong tương lai. Nếu vụ bắn thử thất bại, phi thuyền Dart còn đủ năng lượng để tiếp tục thử nghiệm một lần nữa trong hai năm tới.

Theo khoa học gia Nancy Chabot, thuộc Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng (APL), Đại học Johns Hopkins, nếu thực nghiệm thành công, thì đây sẽ là một bước tiến quan trọng hướng đến một hệ thống bảo vệ Trái đất chống lại thiên thạch (trung tâm chế tạo phi thuyền Dart bắn thiên thạch nói trên thuộc Đại học Johns Hopkins).

Ước tính gần 30.000 thiên thạch đủ loại được thống kê tại các khu vực gần Trái đất. Mỗi năm lại có thêm 3.000 thiên thạch mới được phát hiện. Khoảng 40% trong số đó có kích thước hơn 140 mét, có thể tàn phá một khu vực rộng lớn. Theo một số dự đoán, rất ít thiên thạch có khả năng gây nguy hiểm cho Trái đất, và không có thiên thạch nào có thể gây ra tai họa như vậy trong những thế kỷ tới. Tuy nhiên, trong quá khứ hàng tỉ năm qua, Trái đất từng nhiều lần bị thiên thạch tấn công. Theo khoa học gia Nancy Chabot, nhân loại giờ đây có đủ công nghệ để tự bảo vệ chống thiên thạch.

Ngày 14/10 tới, Trung tâm Khoa học và Công nghiệp Pháp (Cité des Sciences et de l’Industrie) (Paris) sẽ tổ chức một hội thảo về « Sứ mạng Dart và Hera : Làm lệch hướng một thiên thạch !’’, với sự có mặt của người phụ trách và nhiều khoa học gia tham gia vào thử nghiệm nói trên.

Dân Nga tiếp tục phản đối lệnh động viên, Putin ký sắc lệnh phạt nặng nếu đào ngũ

 
Cảnh sát Nga bắt giữ một người biểu tình phản đối lệnh huy động lính dự bị ở St Petersburg, Nga, 24/09/2022. AP
Thanh Hà
Ngày 24/09/2022, cảnh sát Nga bắt giữ hơn 700 người biểu tình phản đối lệnh động viên lính dự bị sang chiến trường Ukraina. Tại Matxcơva tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh với hình phạt lên tới 10 năm tù nhắm vào các công dân Nga trốn nghĩa vụ, "đào ngũ".

Chiến tranh Ukraina đã tràn vào từng hộ gia đình ở Nga sau lệnh động viên lính dự bị được loan báo hôm đầu tuần. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra và vẫn tiếp diễn. Theo tổ chức OVD-INFO đặc biệt theo dõi các vụ bắt giữ công dân Nga, riêng hôm 24/09/2022 hơn 700 người biểu tình đã bị câu lưu, một nửa trong số đó bị bắt tại Matxcơva. Thứ Tư vừa qua đã có khoảng 1.400 người chống lệnh động viên đã bị bắt giữ.

AFP tường thuật tại thủ đô Matxcơva, người biểu tình phẫn nộ hô to khẩu hiệu như là : « Chúng tôi không chết vì Putin ! », « Đừng mang chúng tôi ra làm bia đỡ đạn ! ». Tại Saint Petersbourg, quê hương của Vladimir Putin, người biểu tình dương cao biểu ngữ với vỏn vẹn một từ : « Hòa Bình ».

Phát biểu từ Kiev qua video, tổng thống Volodymyr Zelensky trực tiếp cảnh báo các công dân Nga rằng họ đang bị ông Putin « đẩy vào cõi chết ». Ông Zelensky kêu gọi dân Nga hãy « vùng lên » và hứa hẹn Ukraina sẽ đối xử tử tế với những người Nga nếu họ buông súng.

Tại Kremlin, ông Putin ban hành thêm một số các hình phạt nặng hơn nhắm vào những người trốn đi lính hay đào ngũ. Thông tín viên Jean-Didier Revointừ Matxcơva cho biết cụ thể :

« Từ ba đến mười năm tù nhắm vào các đối tượng tự ý ra đầu hàng. Hình phạt tương tự như vậy nhắm vào những ai từ chối thực hiện lệnh động viên. Những trường hợp bỏ nghĩa vụ hay đào ngũ thì sẽ lãnh từ năm đến mười năm tù. Đó là những biện pháp mới, được quy định trọng một bộ luật bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay. Ngoài ra tổng thống Vladimir Putin đã phê chuẩn một loạt các điều khoản tăng cường các hình phạt nhắm vào những ai vi phạm kỷ luật trong khuôn khổ thiết quân luật. Chẳng hạn như trường hợp lính dự bị không ra trình diện chính quyền khi có tên trong lệnh tuyển quân thì sẽ bị phạt 5 năm tù vì có hành vi phá hoại hoặc vi phạm luật hình sự.

Trái lại đối với những người nước ngoài phục vụ trong quân đội Nga tối thiểu một năm, thủ tục xin vào quốc tịch Nga sẽ được thuận lợi. Đây là cách để huy động quân sang Ukraina, đồng thời uy hiếp những người Nga muốn trốn lính. Từ Thứ Tư vừa qua, hàng ngàn người tìm cách thoát khỏi nước Nga. Đường xã tắc nghẽn vì những đoàn xe dài hàng chục cây số nối đuôi nhau trên những ngả ra sân bay và gần khu vực biên giới với các nước láng giềng của Nga như Gruzia, Kazakhstan, Mông Cổ hay Phần Lan ».

Biểu tình nhiều nơi trên thế giới ủng hộ cuộc phản kháng chống ‘‘cảnh sát đạo đức’’ tại Iran


Người biểu tình trước sứ quán Iran tại Luân Đôn, Anh, ngày 25/09/2022, phản đối chế độ Teheran sau cái chết của thiếu nữ Mahsa Amini. AP - Alastair Grant
Trọng Thành
Trong những ngày gần đây, biểu tình đã diễn ra tại nhiều nơi để ủng hộ phong trào phản kháng tại Iran, bùng lên sau vụ cảnh sát "đạo đức " bắt giữ một thiếu nữ và người này đã qua đời. Hôm qua, 25/09/2022, hàng ngàn người đã tuần hành sát sứ quán Iran tại Paris và Luân Đôn.

Tại Paris, người biểu tình đồng thanh hô vang ‘‘Phụ nữ, Sự sống, Tự do !’’. Ba từ nói trên là khẩu hiệu chính của các cuộc tuần hành phản kháng tại Iran diễn ra không ngừng từ hơn mười ngày nay. Đây là ngày biểu tình thứ hai liên tiếp tại Paris.

Theo sở Cảnh Sát Paris, tổng cộng đã có khoảng ‘‘4.000 người’’ tập hợp tại quảng trường Iéna, gần sứ quán Iran, trong cuộc biểu tình thứ hai này. Từ quảng trường Trocadero, đoàn tuần hành hướng về sứ quán Iran. Cảnh sát đã phải dùng lựu đạn cay để ngăn cản đoàn người tiến gần sứ quán Iran.

Những người biểu tình ủng hộ phong trào phản kháng tại Iran chỉ trích việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay người đồng cấp Iran Ebrahim Raïssi trong cuộc gặp bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 20/09. Cuộc gặp chủ yếu với mục tiêu thúc đẩy các nỗ lực tái lập Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tại Luân Đôn, cảnh sát cũng phải triển khai một lực lượng đông đảo để bảo vệ an ninh xung quanh khu vực sứ quán Iran. Biểu tình phản đối chính quyền Iran diễn ra từ nhiều ngày nay tại thủ đô nước Anh. Tối qua sở Cảnh Sát Luân Đôn ra thông báo cho biết, cuộc biểu tình nhìn chung diễn ra ôn hòa, nhưng một nhóm đã tấn công cảnh sát và nhiều người biểu tình khác. Đụng độ bên lề biểu tình khiến ít nhất 5 cảnh sát bị thương nặng, và 12 người bị câu lưu.

Biểu tình ủng hộ phong trào phản kháng tại Iran, chống lại các hành động đàn áp của chính quyền Tehera cũng diễn ra ở nhiều nước châu Âu khác, như Thụy Điển, Hy Lạp. Biểu tình cũng diễn ra ở Úc, Mỹ hay Canada.

Tại thành phố Montréal, tỉnh Quebec, Cadada, theo phóng viên RFI có mặt tại chỗ, ngày 24/09, hàng ngàn người Canada gốc Iran đã tập hợp để ủng hộ cuộc đấu tranh trong nước. Thông điệp chính của nhiều người biểu tình tại Montreal là : cảnh sát ‘‘đạo đức’’ không thể tiếp tục tồn tại ở Iran. Lực lượng này không được phép bắt toàn xã hội thực thi các quy định tôn giáo theo quan điểm của họ.

Bầu cử Quốc Hội Ý: Phe cực hữu giành chiến thắng lịch sử


Lãnh đạo đảng Huynh Đệ Ý, Giorgia Meloni và biểu ngữ "Cảm ơn nước Ý", trước tổng hành dinh chiến dịch tranh cử tại Roma ngày 25/09/2022. AP - Gregorio Borgia
Thanh Phương
Sau Thụy Điển, phe cực hữu vừa có một cú đột phá mới, giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử Quốc Hội tại Ý hôm qua, 25/09/2022.

Hãng tin AFP cho biết, theo các thẩm định đầu tiên, đảng Huynh Đệ Ý ( Fratelli d’Italia) đã thu được đến một phần tư số phiếu bầu, trở thành đảng lớn nhất ở nước Ý và như vậy là lãnh đạo đảng, bà Giorgia Meloni, có thể thực hiện tham vọng lên làm thủ tướng.

Liên minh giữa đảng này với đảng cực hữu khác là đảng Liên Đoàn của Matteo Salvini và đảng bảo thủ Forza Italia của ông Silvio Berlusconi đã thu được đến 43% số phiếu, tức là sẽ nắm đa số tuyệt đối tại Hạ Viện lẫn Thượng Viện. Đây là lần đầu tiên từ năm 1945, một đảng hậu phát xít có khả năng lên cầm quyền nước Ý.

Phó chủ tịch Đảng Dân Chủ, cánh tả, Debora Seracchiani tối qua đã công nhận chiến thắng của liên minh cách hữu của bà Giorgia Meloni

Từ Roma, thông tín viên Juliette Gheerbrant tường trình:

“ Đây một chiến thắng cá nhân đối với Giorgia Meloni, ván bài của bà đã thắng đậm: Đúng như dự báo qua các cuộc thăm dò, Huynh Đệ Ý đã trở thành đảng đứng hàng đầu ở Ý, bỏ xa Đảng Dân Chủ, trong khi cách đây mới một tháng, hai đảng này còn ngang ngửa với nhau.

Một điều khác mà người ta biết chắc chắn ngay từ tối qua: liên minh cánh hữu sẽ chiếm đa số ở cả hai viện của Quốc Hội. Như vậy là con đường đang rộng mở cho Giorgia Meloni. Bà có nhiều cơ may trở thành lãnh đạo chính phủ Ý.

Tuy vậy, còn phải chờ các kết quả chung cuộc để đánh giá tương quan lực lượng bên trong liên minh cánh hữu và nói chung là vẫn phải thận trọng với các kế t quả từng phần được công bố đêm qua. Lý do là vì hệ thống bầu cử của Ý rất phức tạp, vừa bầu theo đa số, vừa bầu theo tỷ lệ, cho nên việc kiểm phiếu rất chậm và như vậy chưa thể biết ngay số ghế của mỗi đảng trong Quốc Hội mới.

Ngoài ra, phong trào Năm Sao, đảng đã làm đổ chính phủ Draghi, dường như đạt kết quả không tệ lắm. Thăm dò trước đó dự báo đảng này thu được 13% số phiếu, nhưng trên thực tế, đảng này có thể đạt được tỷ lệ cao hơn.

Ngược lại, có một điều đã được chờ đợi và đã được xác nhận, đó là tỷ lệ cử tri đi bầu đã giảm nhiều, số người không đi bỏ phiếu hôm qua đã phá kỷ lục. Tỷ lệ không tham gia bầu cử đã tăng liên tục từ năm này qua năm kia, tại một quốc gia mà cho đến cuối thập niên 1990, vẫn có đến hơn 80% cử tri đi bỏ phiếu.”

Không có nhận xét nào: