(hình minh hoạ)
Bên Trời Tưởng Nhớ là chủ đề của một buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật do Câu Lạc Bộ văn Hóa VN Paris thực hiện để nhớ về những bằng hữu văn nghệ sĩ đã có một thời sinh hoạt chung nay đã khuất bóng ! Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris sinh hoạt gần 30 năm là một chặng đường dài đầy khó khăn nhưng cũng đầy kỷ niệm đẹp của một tổ chức sinh hoạt văn hóa vô vụ lợi vì đã có rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ ở Paris đã cống hiến rất nhiều công sức nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc ở hải ngoại mà hôm nay trong số ấy rất nhiều người đã ra người thiên cổ nhưng họ vẫn để lại cho đời những tác phẩm, những kỷ niêm đẹp. Nơi đó còn là điểm hẹn của biết bao trí thức, văn nghệ sĩ hải ngoại đến Paris ra mắt tác phẩm hoặc được mời sang diễn thuyết do CLB Văn Hóa VN Paris tổ chức, trong đó có nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Nhiệm ở Đức vừa tạ thế.
<!>
Có lẽ lần tổ chức đại hội Thu Tao Ngộ vào mùa thu năm 2009 là ghi dấu sâu đậm nhất vì đã quy tụ được một số văn nghệ sĩ ở khắp nơi hải ngoại về thủ đô ánh sáng Paris trình bày tác phẩm và tác giả và thăm những công trình, những di tích lịch sử văn hóa Pháp, nất là thăm các bằng hữu văn nghệ sĩ. Đề tài Thu Tao Ngộ cũng đã được nhiều văn nghệ sĩ tham dự đại hội cảm tác thành văn thơ nhạc, sau đó cho in vào sách, tạp chí, CD, DVD và Youtube, nguồn cảm hứng dạt dào đó dệt cho đời những bức tranh muôn sắc màu về Thu Paris. Ngày đó đến từ miền Đông Hoa Kỳ W.DC các nhà văn : Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phong Thu, danh họa Vũ Hối, Cali nắng ấm : Nhà thơ Phan Ngọc An, Nhà văn Tôn Nữ Mạc Giao, Nhà văn Duy An Đông, Arizona miền xa mạc: Nhà báo Chu Kim Oanh, Xứ lạnh Canada : Nhà văn Nguyễn Tiểu Thu, và Âu Châu bốn mùa : Đức Nhà Nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Nhiệm, Nhà văn Võ Thị Trúc Giang, Thụy Sĩ : Nhà văn Nguyễn Thùy, Bỉ, Hòa Lan..và các tỉnh xứ Pháp : Troyes Nhà văn Hồ Trường An, Họa sĩ Vũ Thái Hòa, Nhạc sĩ Anh Việt Thanh.…. cùng với những khách mời trong giới làm văn hóa và những văn nghệ sĩ nổi tiếng Paris: Trong số người tham dự ngày đó có những người hôm nay đã từ giã bạn hữu vĩnh viễn ra đi về cõi vĩnh hằng: cố GS Học giả Võ Thu Tịnh, cố GS Nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, Học giả TS Thái Văn Kiểm. cố GS Phạm Đình Liên, cố BS nhà thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu, cố GS, nhà thơ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, cố BS Phạm Hữu Trác(Canada), cố GS, Nhà Biên khảo Bùi Sĩ Thành,Cố TS, Nhà thần học Nguyễn Tấn Phước, cố Nữ Điêu khắc gia Anh Trần, cố Nhà văn Tô Vũ, cố Nhà thơ Hồ trọng Khôi, cố Nhà thơ Trọng Lễ, cố nhạc sĩ Lê Trạch Lựu, cố Nhạc sĩ Anh Việt Thanh, cố Nhạc sĩ Vũ Thái Hòa, cố nhạc sĩ Lê Phương, cố nhà báo Phạm Hữu.
Vẫn biết trên cõi đời chẳng có gì tồn tại mãi mãi nhưng sự mất mát nào cũng để lại trong lòng những người thân quen còn ở lại những luyến lưu thương nhớ. Rời bỏ một kiếp người ra đi là rũ sạch bụi trần để chuyển kiếp như những vì sao băng về cõi hư vô không có sự hiện hữu thời gian và sự trầm luân đau khổ. Mười năm sau Thu Tao Ngộ, hôm nay Paris còn trong nắng ngày hạ, mùa thu chưa đến nhưng ở phương trời Đúc đã có chiếc lá vàng lìa cành đó là sự ra đi về miền rất xa của nhà Nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Nhiệm, người đã tận tụy cả đời cống hiến cho văn chương dân tộc. Ông Sinh ngày 25- 01- 1943 tại Long Điền. Tốt nghiệp ĐHKH-Saí Gòn năm 67. Giáo sư Trường Trung Học Bán Công Đệ Nhị Cấp Huỳnh Tịnh Của- Bà Rịa: 1067-69. Cựu SQQLVNCH: 1970- 75. Tù CS: Từ tháng 4- 1975 đến 1981. Định cư tại CHLB Đức Quốc: Từ 1982 đến 04.07 2019.
Những tác phẩm đã viết:
- Đường Vào Triết Việt
- Ca Dao- Con Đường Văn Hóa Việt (xb năm 2012 )
- Văn Hóa Việt- Những Bước Thăng Trầm (Chưa cho in). Ngoài ra ông còn viết biên khảo thường xuyên cho tạp chí văn học nghệ thuật Cỏ Thơm ở Virginia….
Để thực hiện cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Hải Ngoại, theo chương trình của dự án chúng tôi gởi Thư Mời đến các tác giả được tuyển chọn rong danh sách mà sự đóng góp của các vị ấy rất nhiều cho văn hóa dân tộc. Thư mời gởi đi nhưng vẫn không liên lạc được với nhà biên khảo Nguyễn Văn Nhiệm, vì ông bị bệnh ! Cách nay một tháng ông gởi điện thư cho chúng tôi cho biết đang bị bệnh và kèm theo hình ảnh, 3 bài viết để chúng tôi chọn một bài đưa vào Bộ sách : " Minh Triết Qua Ca Dao, Tiếng Việt mến yêu qua ca dao, Truyện Sự Tích Con Dã Tr àng ", tôi không ngờ đó là lời cuối của ông. Trong Bài : Minh Triết Qua Ca Dao, có đoạn ca dao mà tôi không biết đó là hai từ : bên doi, hay: bên đời ? làm doi, hay: làm đôi ? Tôi gởi thư cho ông để xin chỉ rõ
để tránh sự nhầm lẫn cho ban nhuận sắc.
Xin trích đoạn Ca Dao:
Chỉ khi nào gió đứng sóng êm, quân bình tái lập thì mọi sự mới ổn thỏa, êm đẹp. Lúc đó bên lở, bên bồi không còn quá cách biệt nữa, mà có khuynh hướng xích gần lại với nhau trong sự hòa hợp:
« Sóng bên doi bế vòi bên vịnh,
Đôi đứa mình trời định đã lâu.“
„ Nước càng quyến cát làm doi,
Phương chi ta chẳng tài bồi lấy nhau. »
Sau khi nhận được điện thư ông hồi âm:
Kính thưa Anh Bình.
Những câu ca dao dưới đây hình như rất xưa. Càng xa xưa càmg quí, vì chúng mới thậ sự phản ảnh Văn Hóa Việt cổ, đối tượng của sự biên khảo:
„Sóng bên doi bế dòi bên vịnh,
Đôi đứa mình trời định đã lâu.“
„Nước còn quyện cát làm doi,
Phương chi ta chẳng tài bồi lấx nhau“
Doi là phần nhô ra của con sông ( dương ), vịnh là phần lõm vào (âm )
...Càng biến cát làm doi,
...tài bồi lấy nhau „
Cả hai câu đầu: Triết lý tự nhiên, có tính qui luật; Hai câu sau: Triết lý nhân sinh.
Giờ tôi cò yếu, Tel. để từ từ.
Kính Anh
kính chúc Anh và quí quyến Sức Khoẻ.
Nguyễn Văn Nhiệm
Những người có tâm hồn nghệ sĩ hay còn gọi là nghệ sĩ tính chẳng phải đợi đến lúc sáng tác hay trình diễn trên sân khấu lúc đó mới thành nghệ sĩ. Phải chăng đó là những tâm hồn chứa đầy sự tiềm ẩn sâu lắng trong con người nhưng lại chân thật với lòng mình, và biết rung động trước ngoại cảnh để cảm được cái đẹp của thiên nhiên, cái biến ảo của cuộc đời.
Thế giới văn học nghệ thuật hôm nay đầy giai điệu màu sắc làm cho đời thêm hân hoan. Hồn ta nào khác như một ánh sao băng thoáng trên bầu trời thăm thẳm. Nó từ một cõi hư vô của hành tinh xa xăm nào đó lạc xuống trần rồi đọng trên cành cây kẽ lá thành những hạt sương mai lóng lánh muôn sắc. Nhưng dưới nắng hồng chỉ một thoáng những viên ngọc trời đó vỡ thành muôn mảnh, nhưng trước khi tan biến nó vẫn dựng lên cái huy hoàng của bình minh.
Đỗ Bình
Paris
18 tháng 7 năm 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét