Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Viết từ Saigon: DAO RÈN Ngô Đồng

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh một người thợ mài dao, kéo
Có tiếng rao là lạ chen lẫn với tiếng người bán vé số mù và anh đạp xe ba gác đi bán muối chạy tới. Ngày nào cũng từng ấy người từ sáng đến tối đi dạo qua như đèn cù.
-Mài dao, mài kéo. Thay cán dao. Dao rựa búa liềm, cuốc xẻng… bán để xài không thiếu món gì.- Nghe tiếng rao tưởng chừng thấy được không khí của lò rèn có tiếng búa đập xuống mặt đe đều đặn bên cạnh lò lửa bốc hỏa nóng rực và ống thổi bễ kêu phì phì. Ngày trước mỗi khu vực dễ thấy một hàng lò rèn nhưng nay hầu hết hàng hóa đều sản xuất công nghiệp nên lò rèn dần dần biến mất. Xa xa ven đô hay dưới miền quê mới giữ chân được loại nghề đặc biệt này.Anh thợ rèn tướng mạo vừa tầm, vóc đầy đặn, mặc bộ quần áo nhàu nát có vẻ lao động lam lũ nhưng nét mặt nhanh nhẹn vui vẻ.<!>
Trước kia thợ mài dao thường chạy rong các hẻm vừa lớn tiếng rao nhưng nay hầu hết mài theo mối, không cần đi dạo nữa. Mỗi khu vực họ đi một vòng có khi hàng mấy tháng sau mới quay lại. Nhất là tháng Chạp nấu nướng nhiều nên nhà ai cũng cần mài dao ăn Tết. Khách quen đều có số điện thoại, khi cần chỉ cần bấm số gọi, thợ mài dao sẽ đến tận nhà. Khi nhìn thấy người thợ ngồi một góc hẻm, cả xóm sẽ lũ lượt mang dao kéo chất đống. Anh thợ hẹn khách một hay tiếng quay lại lấy, rồi cứ ngồi đó miệt mài với đống dao cả buổi mới xong.
Hàng mài dao đơn giản chỉ có hai hòn đá là đá nhám mài trước rồi đá mịn chuốt lại cho bén. Sau này có máy mài dao tiện lợi rất nhiều. mài sắc và nhanh hơn mài tay..
Hàng dao này cồng kềnh hơn vì yên sau của chiếc xe gắn máy là cả một khung giá bày đủ loại dao. Bên cạnh đó là máy mài, can nước, chuôi gỗ để tra cán dao… tức là vừa mài dao vừa nhân thể sửa dao, bán dao luôn.
Bày bán trong siêu thị hiện nay đều là dao Thái lan, Trung quốc hoặc các loại dao sản xuất công nghiệp với chuôi nhựa và lưỡi inox không gỉ nhìn trắng tinh, bóng loáng khá đẹp mắt. Tuy sản xuất tại VN nhưng người ta vẫn gọi chung là dao Thái vì đầu tiên khi xuất hiện ở VN, kiểu dao này có xuất xứ từ Thái.
Riêng hàng dao này sở dĩ khiến người ta liên tưởng tới lò rèn thuở nào vì chỉ có số ít dao Thái. Còn lại hầu hết lớn nhỏ đều là dao sản xuất thủ công làm từ thép thẫm màu với phần lưỡi mài sáng, chuôi gỗ, đúng điệu những con dao VN từ xưa tới giờ không thay đổi.
Nói cho đúng đa số người dân vẫn chuộng loại dao cổ truyền cầm nặng tay, sống dày và lưỡi bén mặc dù để lâu không dùng, có thể dễ bị rỉ sét. Dù sao dao lụt tới đâu mài tới đó không suy suyển mấy. Khi con dao cùn lụt mà không sẵn thợ, người ta có thể liếc lưỡi dao xuống gờ bếp, cạnh xi măng để dùng tạm trong khi dao inox không liếc như thế được. Hoặc là mua một phiến đá mài ngoài siêu thị để sẵn trong bếp dùng khi cần. Không phải đá mài bán sẵn mà thợ mài dao thất nghiệp. Bởi vì nếu không phải ai cũng mài được con dao sắc bén như thợ chuyên nghiệp được.
Anh thợ rèn dừng chống chiếc xe gắn máy cũ kỹ màu xanh, kéo chiếc máy mài dao chạy rồ rồ. Mỗi hàng có một loại rao khác nhau. Hàng kem lắc chuông leng keng, hàng tẩm quất rung chuỗi nút khoén. Tiếng máy mài vang lên là của hàng mài dao.
Tôi lấy làm lạ nhìn một vật dụng không biết làm gì. Đó là cây sắt gần một thước có cán cầm và gần đầu cán có hai nhánh hai bên, một nhánh dài trên cao và một nhánh dưới ngắn hơn
Anh thợ đang chăm chỉ mài chiếc kéo, dừng tay ngước lên giải thích:
-Đó là cây gậy dùng để máng lồng chim cu.
Tôi ngạc nhiên:
-Ở thành phố ai mua thứ ấy làm gì?
Thực tế có cầu ắt có cung. Phong trào chơi hoa và chim kiểng ngày càng lan rộng. Một số chủ quán nước, quán cà phê có thú chơi chim, thường treo các lồng chim trước quán cũng là một cách lôi cuốn khách hữu hiệu.
Người ta cấm bán gà sống ở thành phố và các chợ là vì sợ lây lan dịch cúm gà. Nhiều độ đá gà tiền triệu, tiền tỷ bị bắt. Riêng đá cu ăn tiền thì chưa thấy nói gì. Ở các phường ngoại ô, người ta vẫn chơi chọi chim chọi cá nhiều lắm. Tất nhiên là chọi lén.
Anh bán hàng giải thích rõ hơn:
-Móc lồng chim cu mồi vào nhánh dài ở đầu gậy, rồi đưa đầu gậy lên máng vào cành cây hoặc bụi tre ngoài đồng. Khi cu mồi cất tiếng gáy, chim hoang đáp xổ xuống chui vào lồng để đá với cu mồi. Thế là sập bẫy. Nguồi ta bắt chim cu ở ven đô, ngoại thành nơi còn nhiều cây cối bụi rậm. Dân thành phố cũng dùng cây sào này để móc lồng chim lên cao.
Anh thợ đưa cho chị hàng xóm cái kéo mài xong lấy hai chục và nói với chị:
-Cây kéo này cũ lắm rồi, nên thay kéo mới. Tôi có cái kéo mới rèn xong bán rẻ cho chị.
Quả thật cái kéo anh ta đưa ra rất “nhà quê”, xấu xí nhưng sắc bén lắm. Anh ta chỉ đòi giá năm mươi ngàn. Chị khách bằng lòng mua ngay.
-Tôi phải khó khăn lắm đi tìm thép ba lô để rèn dao vì loại thép này tốt lắm. Nếu không thì nhíp xe cũng được…
Đúng là trước kia, thợ mộc, thợ cạo mủ cao su… rất chuộng dao chế từ thép ba lô vì rất bén nhưng bây giờ làm gì còn thép ba lô và nhíp xe dành cho dao bán dạo. Những chiếc ba lô chiến trường ngày ấy bây giờ nếu còn, trở thành của hiếm kỷ niệm dành riêng cho dân sưu tầm đặc biệt. Ngay cả vào các nơi bán đồ cũ cũng khó lòng kiếm ra thép ba lô đi vào huyền thoại. Thật ra vì có khách đàn ông đứng nhìn nên anh ta tỏ ra thành thạo chứ thép để làm dao bây giờ cũng bán sẵn cả thôi. Cứ tha hồ mua về mà rèn.
Anh ta chỉ vài con dao nhỏ cán nhựa vàng, nói:
-Đây là loại dao Thái có nguyên bộ dài ngắn. Ít ai mua nguyên bộ. Tôi bán lẻ nên chỉ còn sót vài cái bán rẻ.
Dao công nghiệp mười chiếc y như nhau cả mười nên không cần nói tới. Anh ta chìa một số dao ra chủ yếu khoe những con dao chế tạo thủ công với vẻ hãnh diện không giấu diếm. Loại này trông không bóng bảy như dao inox. Hơi thô mà ghê ghê làm sao.
-Những con dao này toàn tôi tự rèn lấy tại nhà. Đây là loại dao yếm bén lắm, để làm thịt làm cá.
Kế đến là dao phay để chặt xương bò, xương heo cứng.
Rồi tới cây rựa bén ngót như đoản đao được mài giũa cẩn thận nếu dùng làm binh khí để chiến đấu thì không thua gì đao kiếm của các lò võ trong nước trước kia.
Dường như anh này không thiếu loại dao nào cả. Dao nhỏ và ngắn trên giá máng dao. Một bao nhỏ dắt bên cạnh xe, mở ra là vài món cán dài. Không ngờ có cả cào cỏ, lưỡi hái, liềm… Nếu khách cần mua loại nào không sẵn, vài ngày sau anh ta sẽ mang lại. Thành phố mở rộng, những ngôi nhà hay biệt thự có khoảnh vườn nho nhỏ trồng cây cỏ đều cần tới những vật dụng ấy. Thành ra cày, cuốc tưởng chỉ dùng ở thôn quê, lại vẫn bán được lai rai cho dân thành phố là vậy
Anh ta lại kể:
-Đây là nghề ông cha để lại nên tôi không muốn để mất. Trước kia hàng đặt làm không xuể nhưng nay hầu như chẳng mấy ai đặt nữa, người ta toàn mua hàng làm sẵn. Tôi có người anh cũng đi bán dao rong như tôi. Hai anh em mỗi người mua cái máy mài dao vài trăm ngàn rồi mạnh ai nấy chạy rảo khắp Sài gòn. Khi hàng bán bớt chúng tôi lại nghỉ mấy ngày đi mua nguyên liệu để ở nhà rèn. Em gái tôi tuy phụ nữ nhưng khi cần cũng phụ vòng ngoài được. Tuy nhiên tay thợ chính là hai anh em tôi chuyên vác búa đập như người ta nói, thợ rèn đập sắt đập đe đó.
Thời nay nhiều máy móc tân tiến. Dao rèn tay sản xuất nhiều không cạnh tranh nổi với dao inox nhưng chỉ sản xuất ít, chịu khó đi rong đến tận tay người dùng thì lại bán được. Nhiều người dân vẫn ưa thích loại dao thủ công này cho nên cái lò rèn cổ lỗ chuyên rèn con dao, cái cuốc… vẫn còn đất sống, tuy rằng chẳng biết còn kéo dài bao lâu…
Trước kia mài dao thường là người dân Quảng Ngãi. Dân nhập cư tứ xứ mỗi nơi thường có nghề riêng của mình. Dân Quảng bán hủ tíu gõ, Bình Định mua bán phế liệu, Hà Nam bán bắp xào, Phú Yên bán bánh tráng…
Nhưng anh này lại là người miền Tây. Anh ta chỉ vào từng loại dao và nêu rõ giá cả:
-Loại nhỏ và ngắn thì năm, ba chục đồng, Từ dao phay, rựa trở lên thì giá bạc trăm. Ngắn nhưng to bản thế kia thì phải một trăm bảy mươi ngàn trở lên mới bán.
Tôi từ nhỏ đã mê dao rồi đi học võ nên sau này hễ thấy người ta bán dao thì mê mẩn đứng nhìn hoài như mê nhìn gà đá vậy.
Tôi trả anh ta một trăm ngàn cho một cái kéo nhỏ và một con dao yếm. Cái chạc chim nhìn rất thích mắt nhưng từ lâu rồi, tôi không còn nuôi chim nữa. Nhà trong hẻm nhỏ nên buổi sáng, những con chim hót loạn xạ khiến hàng xóm nhức đầu kêu ca.
Sau khi dao Thái một thời làm mưa làm gió ở các khu chợ. Bây giờ lại có các bộ dao rất tân kỳ của Hàn và Nhật: kéo cắt gà, dao đa năng… bán rất đắt hàng.
Các loại dao kéo có vẻ mộc mạc từ hình thức đến giá cả từ lâu chỉ nằm yên lặng ở các gian hàng xén trong các khu chợ sầm uất. May nhờ có những tay nghề thợ rèn còn sót lại này mà xuất hiện trở lại khắp nơi. Hình thức tuy thô sơ nhưng toàn thép tốt và bén ngót, tiện dụng cho các gia đình Việt từ thị thành đến thôn quê. Đồng thời cũng là một cách duy trì nghề cổ truyền của người Việt vậy.


Ngô Đồng

Không có nhận xét nào: