( trích từ Ch.2 Văn Hóa Việt Những Bước Thăng Trầm của N.V.N )
Sở dĩ chọn ca dao làm đề tài nghiên cứu trước tiên là do đặc tính của ca dao : truyền khẩu an toàn, ngắn gọn dễ lưu truyền, hàm xúc như nguyên ngôn, đa diện, phong phú cho nên có thể phản ảnh trung thực, bao quát cái khung văn hóa truyền thống còn ẩn khuất. Sau khi đã xác lập được cái khung này rồi ( Việt lý ) thì sẽ có thêm cơ sở xét tiếp những chủ đề tiếp theo. Đã từ lâu ca dao, tục ngữ được xem là kho tàng phong phú, quý báu của nền văn chương bình dân, phân biệt với văn chương bác học có tính cách thành văn. Chính nhờ những đặc tính như đã nói ở trên mà ca dao, tục ngữ mới tồn tại đến ngày nay qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử. Nay xét thêm lãnh vực văn học này ở khía cạnh triết lý thì thật là may mắn, kỳ diệu thay, ở tận thâm sâu của kho tàng này lóng lánh ánh sáng minh triết, làm lộ rõ bóng dáng của nền văn hóa truyền thống rất tương xứng với truyền thuyết nói về một dân tộc có trên bốn ngàn năm văn hiến.<!>
Bốn câu ca dao sau đây diễn tả cực kỳ tinh tế cái diệu dụng của văn hóa truyền miệng, nói lên hết tất cả ý nghĩa, sử mệnh của hình thức văn vật phi vật chất, lửng lơlưu truyền bằng bia miệng, âm thầm chép lời trung trinh bằng tháp bút lên trên giấy trời , để cho tiếng thơm còn với non sông để đời:
„ Dù không thẻ trúc tượng đồng,
Tiếng thơm còn với non sông để đời.
Lửng lơ bia miệng, giấy trời,
Âm thầm bút tháp chép lời trung trinh.“
( Thẻ trúc: Ngày xưa người ta viết sử trên những thanh trúc, tre, cho nên lịch sử ghi chép như thế được gọi là thanh sử hay sử xanh.)
Nền văn hóa được ghi bằng bút tháp lên trên giấy trời là nền văn hóa giàu chất tâm linh, phi vật chất. Đó là nền văn hóa thuộc về phẩm, mà phẩm càng cao thì lượng càng thu nhỏ lại bằng vài huyền số, biểu tượng và lời cũng được rút gọn thành nguyên ngôn như ở ca dao, tục ngữ.
Huyền số, hình ảnh biểu tượng đã được giới thiệu ở chương 4 trong sách Ca Dao- Con Đường Văn Hóa Việt. Chương này chỉ giới thiệu lại tinh hoa của ca dao, tục ngữ ở hai khía cạnh minh triết và khung Việt lý, khía cạnh giúp bộ môn này trở thành văn vật xứng đáng của văn hóa truyền thống Việt.
Tính minh triết của ca dao, tục ngữ
Ở phần dẫn nhập của sách nói trên, minh triết được giới thiệu theo hai nghĩa: Nghĩa thông thường và nghĩa triết lý. Theo nghĩa thông thường ở đợt dụng thì minh triết là sự khôn ngoan, là ánh sáng do lương tri giúp sắp xếp cuộc sống thế nào cho con người có hạnh phúc. Còn theo nghĩa triết lý siêu hình thì phải xét tận căn cơ đến đợt thể dưới sư soi sáng của ánh sáng trí tuệ, của minh đức là bầu linh lực uyên nguyên, mới có khả năng thống nhất những cặp mâu thuẫn, những đối cực của lưỡng nghi vào thái cực ( nhất nguyên lưỡng cực động ).
Ca dao có tính minh triết theo nghĩa thông thường:
Đặc trưng của văn hóa truyền thống Việt nằm ngay tại ý nghĩa chữ Việt ( chương 13 Ca Dao- Con Đường Văn Hóa Việt ). Để xứng đáng với tính thể Việt, người Việt đã thể hiện phong cách sống có ý thức còn lưu truyền qua ca dao:
„ Làm người phải đắn phải đo,
Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu.“
Con người muốn thành đạt trước hết phải có tư duy chính chắn, phải đắn phải đo. Tư duy thuần túy cũng chưa đủ, con người còn phải trải qua thực nghiệm,cân nặng nhẹ, dò nông sâu để hoàn thành quá trình tri hành hợp nhất. Khi đã nhuần nhuyễn đường lối tri hành rồi thì con người mới có thể thông hiểu sự trời mà sắp xếp việc đời:
„ Biết được sự trời, mười đời chẳng khó. „
hay:
„ Biết được cơ trời, việc đời chẳng khó. „
Sự trời hay cơ trời theo ngôn ngữ ngày nay chính là những qui luật khoa học tự nhiên, khoa nhân văn, được áp dụng vào cuộc sống qua cách lao động sản xuất, làm ăn cũng như thuật xử thế.
Trong ca dao, tục ngữ, luật nhân quả vừa có tính cách qui luật khoa học tự nhiên, vừa có tính nhân văn mang sắc thái luân lý:
„ Gieo gió, gặt bão. „
„ Nhân nào, quả nấy.“
„ Trồng cây chua , ăn quả chua.
Trồng cây ngọt, ăn quả ngọt.“
„ Đời cha trồng cây, đời con ăn quả.“
„ Ăn trái nhớ kẻ trồng cây,
Ăn cơm nhớ Thần Nông cày ruộng. „
Những chữ như gieo, gặt, trồng cây, nhân, quả,cày ruộng, Thần Nông làm nổi bật dấu ấn văn hóa nông nghiệp, mà ông tổ là Thần Nông.
Trông điềm trời, biết sự trời, cơ trời để liệu xoay việc cấy cày, làm ăn:
„Đêm trời tang trăng sao không tỏ,
Ấy là điềm mưa gió tới nơi.
Đêm nào sao sáng xanh trời,
Ấy là nắng ráo yên vui suốt ngày.
Những ai chăm việc cấy cầy,
Điềm trời trông đó, liệu xoay việc làm.“
„ Hễ mà hoa quả được mùa,
Chắc là nước bễ nước mưa đầy trời.
Ai ơi nên nhớ lấy lời,
Trông cơ trời đất liệu thời làm ăn. „
Nắm vững sự trời, lại thêm có kỷ năng, kinh nghiệm thì sẽ có niềm vui ở ngày mùa thu gặt:
„Trời cho cày cấy đầy đồng,
Xứ nào xứ nấy trong lòng vui ghê.
Một mai gặt lúa đem về,
Thờ cha kính mẹ nhiều bề hiếu trung.“
Như vậy ca dao cho thấy văn hóa nông nghiệp gắn liền với Đạo thờ cúng tổ tiên với tấm lòng
hiếu trung. Ngoài ra, ước vọng của người dân trong văn hóa nông nghiệp từ xưa là được sống thảnh thơi trong cảnh thái bình, đón nhận mưa nhân, gió huệ như ở thời các vị vua minh triết huyền thoại:
„ Bao giờ đồng ruộng thảnh thơi,
Nằm trâu thổi sáo vui đời Thuấn Nghiêu.
Mừng nay có chủ Thuấn Nghiêu,
Mưa nhân, gió huệ thảy đều muôn dân.“
Ca dao có tính minh triết theo nghĩa triết lý:
Minh triết theo nghĩa triết lý đòi hỏi phải có sự thống nhất hai đầu mối âm dương, đất trời.
Trong câu: „ Biết được cơ trời việc đời chẳng khó „ thì ai là chủ thể có khả năng biết được cơ trời để sắp xếp việc đời trên mặt đất này? Đó là con người đúng nghĩa Người trong hệ thống Tam Tài: Trời- Người- Đất. Người là trung gian nối kết đất trời.
Ngoài người đại trí biết được cơ trời, những người hào kiệt đầu đội trời, chân đạp đất cũng rất xứng đáng thỏa chí tang bồng cùng với nghĩa giang sơn:
„ Người hào kiệt đội trời đạp đất,
Chí tang bồng là nghĩa giang sơn.“
Là tinh hoa của Đạo thờ cúng tổ tiên, đức hiếu cảm thông tột cùng có khả năng nối kết trời đất thuận hòa:
„ Trăm nết tốt, hiếu là tốt nhất,
Hiếu cảm thông là trời đất thuận hòa.“
Thông thường, trước khi đạt tới cảnh giới của Đạo quân bình ( thái hòa, hài hòa, thuận hòa, giao hòa... ) thì phải có nổ lực vượt qua mâu thuẫn bằng tâm giác ngộ. Ca dao thường dùng hình ảnh biến động trong thế giới hiện tượng để đưa vào diễn biến tâm thức:
„ Đất có bồi có lở,
Người có dở có hay.
Em nguyền một tấm lòng ngay,
Đinh ninh một dạ đến ngày trăm năm.“
Hai câu đầu: Thế giới hiện tượng và con người ở vòng tiểu diễn có mâu thuẫn.
Hai câu sau sau: Đi vào vòng đại diễn tâm linh thì có thể hóa giải mọi mâu thuẫn do tấm lòng ngay để có sự vững bền ngay trong cuộc đời
Đây là hình ảnh của con sông:
„ Con sông kia nước chảy lờ đờ,
Con thuyền lững đững với trăng mờ nào soi.
Con sông kia bên lở bên bồi,
Lở kia lở mãi, bên bồi bồi thêm.
Lúc bao giờ gió đứng sóng êm,
Con thuyền anh xuôi ngược qua đêm lại về.
Với em anh trót nặng lời thề.“
Luật biến động trong thế giới hiện tượng biểu thị qua hình ảnh con sông uốn khúc bên lở, bên bồi như đường biểu diễn vòng lượng giác lồi lên, lõm xuống, nếu cứ mất quân bình mãi thì: “ Lở kia lở mãi, bên bồi bồi thêm. „
Trong xã hội bất công ( mất quân bình ) thì tình trạng giàu nghèo càng ngày càng chênh lệch:
„ Đã giàu thì lại giàu thêm,
Đã khó lại khó cả ngày lẫn đêm.“
Chỉ khi nào gió đứng sóng êm, quân bình tái lập thì mọi sự mới ổn thỏa, êm đẹp. Lúc đó bên lở, bên bồi không còn quá cách biệt nữa, mà có khuynh hướng xích gần lại với nhau trong sự hòa hợp:
„ Sóng bên doi bế vòi bên vịnh,
Đôi đứa mình trời định đã lâu.“
„ Nước càng quyến cát làm doi,
Phương chi ta chẳng tài bồi lấy nhau.“
Trong ca dao, nếu con sông là hình ảnh biểu tượng cho đôi bờ nhị nguyên ngăn cách:
„ Vị vì một dải sông Ngân,
Làm cho Chức Nữ chẳng gần Ngưu Lang. „
Thì chiếc cầu là hình ảnh nối kết đôi bờ :
„ Khi xưa ai biết ai đâu?
Bởi chim Ô Thước bắc cầu sông Ngân. „
Có chiếc cầu rồi cũng không phải dễ dàng đi đứng:
„ Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi. „
Nếu chưa đủ bản lãnh thì cần có người dẫn dắt:
„ Khó đi mẹ dắt con đi...“
Hoặc tự mình tập luyện:
„ Ước gì lấy đặng vợ vườn,
Tập đi cầu khỉ rộng đường dọc ngang.„
Sông sâu ngăn cách đã đành, có cầu rồi mà ý thức nhị nguyên chưa từ bỏ thì vẫn còn chia cách: „ Ai ơi thương lấy lúc ni,
Nhịp cầu kẻ đứng người đi sao đành.“
Những chướng ngại, trở lực như sông sâu, cầu xa là do y thức nhị nguyên phân cách, khi vượt khỏi ý thức này thì mọi sự đều tốt đẹp:
„ Tìm em chẳng thấy em đâu,
Lội sông chẳng tới, qua cầu lại xa.
Bây giờ trông thấy em ra,
Lội sông cũng được, cầu xa lại gần.“
Trong truyền thống văn hóa Việt, quan hệ vợ chồng là Đạo chứ không phải tầm thường, vì có sự kết nối, giao hòa giữa hai phái khác nhau tương tự như luật âm dương của Dịch: „ Nhất âm, nhất dương chi vị đạo „ ( Hệ Từ thượng ). Ca dao nói về nghĩa vợ chồng cũng có căn cứ vào sách xưa:
„ Chữ rằng quân tử tạo đoan,
Vợ chồng là nghĩa đá vàng trăm năm. „
Theo sách Trung Dung: „ Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ, cập kỳ chí giã, sát hồ thiên địa „: Đạo quân tử, chỗ phát khởi thì tầm thường như ở vợ chồng, mà chỗ chí cực thì cho thấy rõ cả trời đất.
Đã là Đạo rồi thì quan hệ vợ chồng siêu vượt thời gian trở thành Đạo cả lẽ hằng:
„ Vợ chồng Đạo cả lẽ hằng,
Một dây một buộc ai chằng cho ra. „
Đạo vợ chồng trong thực tế của đời sống lứa đôi được củng cố, xây dựng trên cặp lưỡng hợp tình nghĩa: Nghĩa thì nặng, tình lại sâu, cho nên Đạo vợ chồng lại càng bền vững:
„ Vợ chồng nghĩa nặng, tình sâu,
Thương nhau đến thuở bạc đầu vẫn thương. „
Tình nghĩa là nội dung của Đạo vợ chồng, cho nên rất được trân trọng giữ gìn:
„ Anh về em mượn khăn tay,
Gói câu tình nghĩa lâu ngày sợ quên. „
Nhưng trước khi có tình nghĩa để trân trọng thì phải tìm cho được người nhân nghĩa:
„ Ruộng sâu cấy lúa đứng chùm,
Biết ai nhân nghĩa chỉ dùm làm ơn. „
Khi đã thành vợ chồng rồi thì phải ăn ở, cư xử với nhau sao cho trọn nghĩa, trọn tình:
„ Trời cao biển rộng thình thình,
Ở sao cho trọn nghĩa tình phu thê. „
Vì quan hệ vợ chồng là Đạo cả lẽ hằng, cho nên lúc mới quen nhau, người ta thường hay thề thốt để bày tỏ quyết tâm chung thủy:
„ Một lời đã quyết tâm giao,
Dưới thề có đất, trên cao có trời. „
„ Tóc mai ngắn lắm không dài,
Lời thề nặng lắm, nhớ hoài không quên. „
Rồi thì ước nguyện chung tình:
„ Trăm năm ước nguyện chung tình,
Trên trời dưới đất, có mình có ta. „
Van vái trời đất để vững lòng tin yêu:
„ Vái trời cho đặng vuông tròn,
Trăm năm giữ vẹn lòng son cùng chàng. „
Đạo vợ chồng là thể hiện mối giao hòa âm dương, rồi nghi thức thề nguyền, van vái đều hướng về trời đất để đạt lý tưởng hoàn hảo qua hình ảnh vuông tròn. Như vậy chứng tỏ ca dao đã phản ảnh xuất sắc tính minh triết của nền văn hóa truyền thống Việt theo nghĩa thông thường cũng như theo nghĩa triết lý.
Minh triết trong văn hóa truyền thống Việt hướng dẫn con người đạt được hạnh phúc chân thật trong phạm vi gia đình, nền tảng của xã hội, bằng việc tu cầu gia đạo theo lý tưởng vuông tròn hoàn hảo về vật chất cũng như tinh thần. Không gì vui bằng khi trong gia đình vợ chồng hòa thuận, con cháu ngoan hiền, hiếu thảo:
„ Tu cầu gia đạo vuông tròn,
Chồng hòa vợ thuận, cháu con thảo hiền. „
Hình ảnh vuông tròn là biểu tượng cho minh triết của văn hóa Việt qua giấc mơ kỳ diệu, theo đó Lang Liêu đã được Tiên ông ( Thần nhân ) mách bảo, làm ra bánh dày, bánh chưng trong cuộc thi chọn hoàng tử nối ngôi. Nhà vua rất tâm đắc về ý nghĩa của lễ vật và quyết định nhường ngôi cho vị hoàng tử có tấm lòng thành thấu tận cõi Tiên, có khả năng đón nhận ánh sáng minh triết để trị vì muôn dân.
Từ đó hình ảnh vuông tròn đã in sâu vào tâm trí dân Việt, trở thành biểu tượng cho lý tưởng sống:
„ Làm người phải có trí khôn,
Nghĩ sao cho hết đất vuông trời tròn. „
Vuông tượng trưng cho đất, thế giới hiện tượng, không gian, vật chất. Tròn tượng trưng cho trời, thế giới tâm linh, tinh thần, thời gian.
Hình ảnh vuông tròn còn liên kết với cặp huyền số 4-3 ( hay 2-3 ) rất có ý nghĩa. Ý thức này đã bắt rễ vào tiềm thức cộng thông dân tộc, hướng dẫn cuộc sống sao cho có hạnh phúc:
„ Năm canh anh ngủ lấy hai,
Ba canh thao thức, nhớ bạn lành khổ chưa.„
Năm canh, đáng lẽ con số ngũ phúc, mà ngủ có hai, lại thao thức đến ba, nghĩa là chăm sóc phần tiềm thức, tâm linh có hai, ý thức ba, cho nên mới khổ. Nếu đổi ngược tỉ lệ 2-3 thành 3-2 thì mới có hạnh phúc:
„ Năm canh thì ngủ lấy ba,
Hai canh lo lắng việc nhà làm ăn. „
Những ý tưởng trên đây qua ca dao nói lên tính minh triết của văn hóa truyền thống dân tộc bao gồm cả từ ( lời ca dao, tục ngữ ), tượng ( hình ảnh vuông tròn, rồng tiên ), số ( những huyền số căn bản từ 1 đến 9, trong đó số chẵn chỉ đất , số lẽ chỉ trời ). Điều này chứng tỏ dân tộc Việt đã có một nền tảng triết lý tiềm ẩn luôn lôi cuốn sự khám phá. Từ, tượng, số có mặt ở khắp các chương trong sách Ca Dao- Con Đường Văn Hóa Việt, còn ý cũng đã được phác họa qua khung Việt lý ở chương 13 của sách nói trên, ở đây xin được tóm lược lại.
Phụ chú:
Minh triết theo nghĩa khôn ngoan thông thường thực ra cũng đã bao hàm ý nghĩa triết lý rồi, vì đã là khôn ngoan để thu xếp cuộc sống có hạnh phúc thì dĩ nhiên những gì có tính cách mâu thuẫn đều đã được giải quyết ổn thỏa, hài hòa. Cho nên không phải ai cũng bằng lòng hiểu minh triết đơn thuần theo nghĩa khôn ngoan thông thường là đủ. Sách “ Fernöstliche Lebensweisheiten “ của tác giả Eberhard Urband có viết: “ Die Auswahl dieses Buches berücksichtigt die berühmten und die weniger bekannten Weisen, Gelehrten, Philosophen und Poeten ebenso wie die Spruchweisheiten des Volksmundes “: Tinh hoa của sách này chú ý đến những nhà thông thái nổi tiếng, những học giả, triết gia, nhà thơ cũng như những câu châm ngôn minh triết truyền khẩu dân gian.
Nói về “ Weisheiten aus dem Buch der Wandlungen “: Minh triết ở kinh Dịch, sách viết:
„ Das Buch der Wandlungen
bringt das Maß für Himmel und Erde.
Darum kann man mit ihm den großen Sinn
von Himmel und Erde umfassen und begreifen.“
( Hệ từ truyện: Dịch dữ thiên địa chuẩn, cố năng di luân thiên địa chi đạo: Kinh Dịch cùng làm chuẩn đích với trời đất. Do đó mà chỉnh đốn, sửa sang được Đạo của trời đất.)
„ Des Himmels Bewegung ist voller Kraft
Der edle Mensch folgt und wirkt stark und stetig “
( Đại tượng của quẻ Kiền: Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức )
„ Es gibt keine Ebene, die ohne Abgang ist,
es gibt kein Vergehen ohne Wiederkunft.
Ohne Fehler ist, wer Gefahren widersteht.
Klage nicht wegen dieser Wahrheiten.
Genieße das Glück, das dir beschieden.“
( Hào từ quẻ Thái : Vô bình bất bí, vô vãng bất phục. Gian trinh vô cửu, vật tuất, kỳ phu, vu thực hữu phúc: Không có gì bằng mãi mà không nghiêng, đi mãi mà không trở lại. Trong cảnh gian nan mà giữ được chính đáng thì không lỗi. Đừng lo phiền, cứ tin ở điều chính thì được hưởng phúc )
„ Unter der Oberfläche der Erde ein Berg,
das ist ein Bild der Bescheidenheit.
So mindert der edle Mensch das Zuviel,
und so vermehrt er das Zuwenig.
Er vergleicht die Dinge und macht sie gleich.“
( Lời tượng quẻ Khiêm: Địa trung hữu sơn: Khiêm, quân tử dĩ bầu đa ích quả, xứng vật bình thi: Trong đất có núi, ấy là Khiêm, người quân tử theo đó mà bớt cỗ nhiều, thêm cỗ ít, cân lường sự vật để cho được thăng bằng )
„ Ist das Feur oben und unter der See,
das ist ein Bild des Gegensatzes.
So bewahrt der edle Mensch in Gemeinschaft
mit den anderen seine eigene Besonderheit.“
( Quẻ hỏa thủy Vị Tế: Trên là Ly ( lửa ), dưới là Khảm ( nước ), đó là quẻ của sự mâu thuẫn, vì lửa có đặc tính bốc lên, nên không gặp được nước ở dưới, không giúp nhau được.
Thoán từ: Vị Tế: Hanh. tiểu hồ ngật tế, nhu kỳ vĩ, vô du lợi: Chưa xong,( sẽ ) được hanh thông. Con chồn nhỏ sửa soạn vượt qua sông mà đã ướt cái đuôi, không có lợi gì cả, chưa qua được.
Vậy người quân tử lo bảo tồn bản tánh của mình mà chờ thời )
Nói về Khổng Tử, sách này viết:
„ Mit fünfzehn Jahren wollte ich lernen,
mit dreißig war ich ein Mann,
mit vierzig waren die Zweifel besiegt,
mit fünfzig kannte ich das Gesetz des Himmels,
mit sechzig öffnete ich mich den anderen,
mit siebzig folgte ich meinen Wünschen ohne maßlos zu sein.“
( Hồi mười lăm tuổi, ta dốc chí học hành
Ba mươi tuổi, ta lập thân
Bốn mươi tuổi, hết nghi hoặc
Năm mươi tuổi, biết mệnh Trời
Sáu mươi tuổi, thuận tai
Bảy mươi tuổi, tâm dầu muốn sự chi cũng không sai phép )
„ Wer die Ehrwürdigen ehrt,
dabei sich unterordnet,
wer Vater und Muter dient,
dabei keine Mühe scheut,
wer dem Herrschenden dient,
dabei uneigennützig ist,
wer seinen Freunden zugeneigt ist,
dabei ihnen immer zur Seite steht;
wenn von einem solchen gesagt wird,
er habe keine Bildung,
so behaupte ich, daß er Bildung hat.“
( Người nào ái mộ người hiền,
hết lòng phụng sự cha mẹ,
đem hết sức mình phục vụ quốc trưởng
giao tiếp thiện cảm với bằng hữu
Người như vậy,dẫu ai nói rằng chưa học, tôi quả quyết đã có học, học Đạo rồi )
Nói về Đạo Đức Kinh của Lão Tử, sách này viết:
„ Weg und Ziel, die sich erklären lassen,
sind nicht der ewige Weg, nicht das ewige Ziel.
Der Name, der sich nennen läßt,
ist nicht der ewige Name...“
( Đạo khả đạo, phi thường đạo
Danh khả danh, phi thường danh )
„ Wenn alle auf der Welt
das Schöne als schön erkennen,
so ist dadurch auch das Häßliche erkannt.
Wenn alle auf der Welt
das Gute als gut erkennen,
so ist dadurch auch das Böse erkannt.
Denn: Sein und Nichtsein
erzeugen sich gegenseitig.
Das Schwere und das Leichte
vollenden sich gegenseitig.
Lang und Kurz bedingen einander.
Hoch und Tief bewirken einander.
Ton und Stimme vermählen sich einander.
Vorher und Nachher folgen einander.
Und so ist der Weise:
Er wirkt, ohne zu handeln.
Er belehrt, ohne zu reden.“
( Thiên hạ đều biết tốt là tốt,
thì đã có xấu rồi.
Đều biết lành là lành;
Thì đã có cái chẳng lành rồi.
Bởi vậy:
Có với Không cùng sanh,
Khó với Dễ cùng thành,
Cao và Thấp cùng chiều,
Giọng và Tiếng cùng họa,
Trước và Sau cùng theo.
Vậy nên, Thánh nhơn
Dùng vô vi mà xử sự,
Dùng bất ngôn mà dạy dỗ )
Nói về Trang Tử, sách viết:
„ Die Beine einer Ente sind kurz.
Wenn man sie strecken wollte,
täte man ihr Schmerzen machen.
Die Beine eines Kranichs sind lang.
Wenn man sie kürzen wollte,
täte man ihm Schmerzen machen.
Also soll man nicht kürzen,
was von der Natur lang gemacht,
soll man nicht strecken,
was von der Natur kurz gemacht.
So verursacht man keinen Schmerz,
den man heilen müßte.
Aber ach, die Moral jedoch,
sie widerspricht der Natur der Menschen,
denen sie große Schmerzen macht.“
( Cẳng vịt ngắn, cố kéo dài ra thì nó khổ.
Giò hạc dài, cố làm cho ngắn thì nó đau.
Cho nên người ta không nên làm ngắn những gì có tánh dài.
Không nên kéo dài những cái có tánh ngắn.
Như vậy làm sao có đau khổ!
Nhưng mà, luân lý đối nghịch với tự tánh con người ,cho nên gây ra đau khổ )
Như thế sách Fernöstliche Lebensweisheiten của Eberhard Urband nói về minh triết nhân sinh ở viễn đông chính là triết lý đông phương mà ta thường quen biết vậy.
Sách này cũng nói về chăm ngôn minh triết Á đông như mấy câu sau đây của xứ Phù Tang:
„ Weil der Bambus geschmeidig ist,
fürchtet er nicht den Sturm “
( Vì cây tre mềm mại, nên nó không sợ bão táp )
„ Wer schnell verspricht, bald vergißt “
( Ai vội hứa, thì mau quên )
„ Der Segen der Eltern ist es,
der den Kindern Hütten erbaut “
( Phúc đức của cha mẹ xây dựng nên căn nhà nhỏ cho các con: Cha mẹ để đức cho con )
...
Nguyễn Văn Nhiệm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét