(hình minh hoạ)
(LTS: Bài viết sau của cụ bà Đinh Thanh Trang kể về một số kinh nghiệm
dùng thuốc Nam, thuốc ta chữa bệnh sau khi bệnh viện và thuốc Tây bế
tắc. Cậu bé 3 tuổi được chữa bệnh trong này hiện là một nhà văn ở Quận
Cam. Dược thảo tất nhiên không phải thần dược, nhưng sẽ hữu dụng cho một
số trường hợp.)
Tôi tên Đinh Thanh Trang, năm nay 75 tuổi. Tôi
sang Mỹ tính đến ngày hôm nay vừa đúng 11 năm 6 tháng 3 ngày. Khi tôi
mới đến Little Saigon năm 2003, tôi chỉ thấy thuốc dược thảo của bác sĩ
Phạm Hoàng Trung quảng cáo trên báo. Vài năm sau có thêm bác sĩ Peter
Morita quảng cáo trên TV, đài phát thanh và báo chí. Có báo lại "khai
thêm lý lịch" của ông Morita đã từng ở tù ở một tỉnh của VN. Ông ta ở tù
có dính líu gì đến việc bào chế thuốc của ông - miễn sao thuốc chữa
lành bịnh cho bệnh nhân là được rồi. Còn hơn không ở tù lại chế thuốc
dỏm để hại người như nhóm người vừa bị bắt, các báo đã đăng tin vừa qua.<!>
Vài
năm gần đây, thôi thì đủ loại dược thảo của nhiều vị bào chế ra. Họ
quảng cáo đến độ nhờ cả các vị tu hành, và có danh phận trong xã hội.
Thật
sự tôi chưa biết dược thảo là gì. Nó thuộc diện thuốc Bắc hay thuốc
Nam" Vì thuốc Bắc không thể uống cùng với thuốc Tây, còn thuốc Nam lại
không kiêng kỵ khi dùng chung với thuốc Tây dược.
Tôi xin đơn cử 3
trường hợp sau đây, nhờ dược thảo được hết bịnh và cứu sống. Tây y bao
giờ cũng mạnh hơn dược thảo, kể cả thuốc Bắc. Nhưng đôi khi Tây y cũng
bó tay không chữa được, còn thuốc Nam nói ra rất tầm thường, nhưng đôi
khi hữu dụng hơn Tây y.
Cách đây 57 năm, lúc ấy tôi còn là cô bé học
cấp I. Tôi có một cậu cháu gọi bằng dì. Chứng bịnh của cháu là cứ gà bắt
đầu gáy sáng, tức là khoảng 4-5 giờ sáng, cháu tôi bắt đầu ho một cách
khốn khổ không ngừng nghỉ. Kéo dài đến 9 giờ sáng mới giảm bớt. Trong
khi ho, đàm giải, mủi và nước mắt ràn rụa thật thảm thương.
Trong một
tháng chị tôi thay 4 ông bác sĩ. Ông thứ tư chẳng những lấy tiền khám,
tiền thuốc đắt hơn 3 ông trước, lại còn xài xể bà chị khi mang con đến
chữa bịnh. Ông ta bảo: "Tôi đâu phải là Tiên Phật, Thần Thánh. Đợi gần
chết mới mang lại đây." Chị tôi buồn nhưng rất hy vọng vào tài danh của
ông theo lời đồn. Ông sẽ chữa khỏi cho cháu tôi. Anh rể tôi với đồng
lương công chức, mỗi tháng chỉ hơn ngàn bạc. Để chữa bịnh cho con, chị
tôi bấm bụng tiêu ra hơn $600 để chữa bịnh cho con. Nhưng tiền hết mà
bịnh của con lại không lành.
Khi rời ông bác sĩ thứ tư, chị tôi bế
con ra đón xe ngựa về nhà. Trên chuyến đi đó có bà cụ nhìn cháu tôi, rồi
bà hỏi chị tôi về bịnh của cháu. Nghe xong bà bảo: "Đi bác sĩ làm gì
cho phí tiền, lại không hết bịnh. Cô về mua lá húng cây không phải húng
quế đâu nhé. Giã húng cây đổ vào ½ ly nước, lọc cho sạch xác, cho vào tí
muối, lấy một túi mật cá lóc hòa chung với nước húng cây, nước vừa đắng
vừa cay, cô cố gắng cho cháu bé uống, một ngày vài ba lần, uống vài
ngày cháu sẽ hết ho.
Chị tôi về làm theo lời bà cụ dặn. Còn tôi có
phận sự đi học về ra ngay chợ cá đứng chờ. Nếu có ai mua cá sẽ xin lấy
mật. Nhưng không phải ai mua cá cũng cho mật. Chị tôi đành mỗi ngày mua
một con cá lóc - trước là lấy mật trị bịnh, sau lấy cá nấu cháo cho cháu
ăn. Mỗi lần cho cháu uống thật tội. Cháu nôn ra hết. Khó cho uống vô
cùng. Để cháu nuốt được một muỗng café, chị tôi phải bóp mũi cháu để
cháu nuốt được. Cháu tôi uống được 2 ngày cơn ho đã giảm. Sáu ngày sau
cháu dứt hẳn cơn ho buổi sáng, và 10 ngày sau cháu hết hẳn. Chị tôi chỉ
tốn hơn $20 vừa rau húng và cá lóc. Và từ đó cho đến bây giờ, tôi không
thấy cháu bị ho dù trời trở lạnh. Năm nay cháu gần 60 tuổi và đang sống ở
Mỹ.
Câu chuyện thứ 2
Cách đây 47 năm, chồng tôi làm việc tại Long
An. Chúng tôi đông con gái, chỉ có một cháu trai duy nhất. Năm 1963
cháu được 27 tháng tuổi. Con tôi bị chứng tiêu chảy không cầm được. Bác
sĩ Trưởng ty Y Tế bảo chồng tôi đưa con tôi lên bệnh viện Grall để trị.
Nơi đây có một vị bác sĩ người Pháp. Ông đã làm tất cả những gì của một
vị bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân. Hai ngày sau, ông lắc đầu bảo chồng
tôi đưa cháu về nhà. Vợ chồng tôi rất buồn đành đưa con về tỉnh. Gần đến
nhà gặp một ông Thiếu Úy, chỉ cho chồng tôi đưa cháu xuống xã Tân Lý
Tây thuộc tỉnh Mỹ Tho để trị bịnh. Nơi đây có một ông cụ chữa bịnh rất
tài. Ông nhận chữa sẽ hết, còn ông lắc đầu là vô phương. Chồng tôi quay
xe và nhờ ông Thiếu úy chỉ đường. Tôi thấy thế cằn nhằn chồng tôi: "Bác
sĩ ta, Tây đều chạy. Anh lại mang con đến thầy lang vườn chữa." Chồng
tôi bảo: "Còn nước còn tát, chả lẽ đem con về nhìn nó chết dần."
Đến
Tân Lý Tây xe dừng ở lộ cái. Tôi bế con đi bộ hơn 100 m. Vào đến nơi
thấy ông cụ già, râu tóc bạc phơ. Ông bảo tôi đặt con lên bộ ván gỗ. Ông
bóp bụng, sờ đầu, xem lưỡi và bắt mạch. Xong ông cụ bỏ đi ra vườn. Cả 3
chúng tôi ngồi chờ ông. Độ 10 phút ông vào với 3 quả khóm (không phải
thơm) trên tay đưa cho chồng tôi, và 3 gói thuốc nhỏ bằng 2 ngón tay.
Ông bảo tôi: "Về để nguyên, rửa sạch cát, bụi, chợt vừa lá, và vỏ kể cả
cọng cây khóm. Bỏ vào siêu đầy nước, nấu cho cạn được một chén ăn cơm.
Tối đem phơi sương sáng hòa 1 gói thuốc với nước khóm, cho uống, uống
dần đến chiều, không được ăn uống gì khác. Tối làm thêm trái khác như
cách làm trái đầu, tiếp tục cho cháu bé uống. Ngày thứ ba đem đến cho
tôi xem lại.
Trên đường về, tôi vừa cằn nhằn ông xã, vừa đau xót cho
con, tôi bảo: "chữa kiểu gì mà tiêu chảy té re, lại bảo cho uống nước
khóm, lại còn phơi sương nữa. Đây là chữa cho chóng chết." Trên đường
về, chồng tôi nét mặt đăm chiêu, không nói một tiếng nào cả.
Về nhà,
tôi lưỡng lự không muốn nấu trái khóm. Chồng tôi nghiêm mặt bảo tôi:
"Nấu và làm theo lời ông Thầy dặn." Đến sáng hôm sau tôi bắt đầu cho
uống mỗi lần 3 muỗng café. Đến 3 giờ chiều con tôi đi tiêu loãng, nhưng
có lẫn phân vàng. Tôi thật mừng và báo tin cho chồng tôi đang công tác ở
quận Cần Giuộc. Sáng hôm sau tôi đem con xuống cho ông cụ xem lại. Và
ông bảo: "Sang ngày thứ 3 cho uống kèm với nước cháo loãng."
Chiều ngày thứ 2, con tôi đã đi phân sệt. Tôi hết sức mừng và thầm cảm tạ ông Thầy.
Đến
ngày thứ 3, và cũng là trái khóm thứ 3 là hết. Tôi cho con tôi uống
nước cháo loãng. Chiều con tôi đi phân đặc. Tôi theo dõi bịnh tình của
con để mỗi tối báo tin chồng tôi rõ qua điện thoại. Ngày thứ tư mang con
đến cho Thầy khám lại. Ông cụ bảo tôi nấu cháo loãng cho cháu ăn. Ông
chỉ đưa cho tôi gói thuốc màu xanh chứ không có khóm.
Chín giờ sáng
con tôi ăn ½ chén cháo. Mười hai giờ trưa tôi cho con ăn thêm ½ chén.
Nhìn gương mặt con tôi đã tỉnh táo. Thật mừng làm sao khi thấy nụ cười
đầu tiên của con tôi qua 9 ngày không hy vọng sống sót. Đến 4 giờ chiều,
tôi cho con tôi ăn 1 chén. Thấy con ăn thật ngon miệng, tôi đút con tôi
ăn muỗng cháo chót. Vừa bỏ muỗng chén xuống, thì tin chồng tôi tử trận
cũng vừa đến. Nỗi mừng con thoát chét chưa kịp báo tin chồng vui, hung
tin chồng chết đè nặng nỗi vui con vừa thoát chết. Tôi chưa kịp báo tin
cho chồng mừng con thoát chết.
Trong tin dữ này, tôi không còn thời
giờ để khóc lóc, gào thét như đa số phụ nữ có chồng tử trận. Vì bổn phận
của chồng giao phó, tôi phải lo cho đứa con trai duy nhất, và 5 đứa con
gái còn bé bỏng, và thai nhi hơn 3 tháng. Đứa con kế cháu trai thoát
chết vừa tròn 6 tháng tuổi. Suốt cả đêm vừa trông nom đứa con trai, vừa
sang tòa tỉnh, ngồi bên máy siêu tầng số để chờ tin tức của chồng.
Và từ đó, con trai tôi sống khỏe mạnh cho đến 10 năm sau.
Con
tôi đang đi học bị sốt cao do nhiễm trùng đường tiểu. Tôi đưa con tôi
vào bệnh viện nhi đồng. Với nỗi lo âu từng ngày, vì chứng sốt cao, ngày
nào cũng từ 38 độ đến 40 độ. Nước tiểu đục như nước gạo vo.
Nằm ở
bệnh viện Nhi Đồng không thuyên giảm, bác sĩ nơi đây chuyển về khu
chuyên khoa tiết niệu bệnh viện Bình Dân. Nằm ở Bình Dân hơn 1 tháng,
sốt cao vẫn không thuyên giảm. Cứ từ 9 giờ sáng đến ngoài 3 giờ chiều,
nhiệt độ cứ tăng dần từ 38 độ đến 40 độ. Có khi qua khỏi con số 40. Mỗi
khi cho uống Aspirin để hạ sốt, con tôi lại lạnh run lên. Thuốc chữa trị
là Collymine Peniciline (chính tả có thể không đúng). Nằm nơi đây con
tôi được tiếp máu 2 lần. Thức ăn chỉ toàn chất lỏng. Không để lộn xác
của thịt rau. Gần như ăn soup nước mà thôi. Mỗi lần cho con tôi ngồi dậy
thì cháu bảo chóng mặt không chịu được. Cho đến một ngày bác sĩ hẹn
ngày để đưa con tôi lên bàn mổ để tìm nguyên nhân căn bệnh. Tôi thật là
lo sợ, vì đứa con trai đầu lòng của tôi, khi lên bàn mổ ở bệnh viện
Grall đã ra đi vĩnh viễn. Nay tôi chỉ còn một người con trai của người
chồng quá cố để lại. Tôi phân vân không biết nên mổ hay không nên mổ.
Hôm đó là ngày thứ 5. Bác sĩ hẹn thứ 5 tuần sau đưa lên bàn mổ.
Ngày
thứ 6 có một bà cụ vào thăm cháu cũng nằm ở khu tiết niệu này. Bà nhìn
con tôi và hỏi qua bệnh trạng. Xong bà bảo tôi ngày mai thứ Bảy đưa cháu
đến một ông Thầy ở cổng xe lửa số 6 đường Trương Minh Giảng. Nếu ông
xem chữa được thì sẽ hết. Nếu ông lắc đầu thì chịu thôi.
Sáng thứ Bảy
tôi xin phép Y tá trưởng cho con tôi về thăm nhà trước khi mổ. Tôi ra
khỏi bệnh viện đi thẳng đến ông Thầy mà bà cụ đã chỉ. Thật ngỡ ngàng khi
tôi nhìn thấy vị sẽ chữa bịnh cho con tôi. Ông ở trần, mình mặc một
chiếc quần cụt đen. Người vừa đen vừa gầy. Ông có nghề chính là vá lu
cho những ai có lu bị nứt. Ông sẽ làm lại chỗ nứt cho khỏi chảy nước.
Ông
bắt mạch, nhìn lưỡi con tôi và bảo: "Cô cho uống thuốc Tây nhiều quá có
phần khó trị." Tôi chưa nói gì cả, sao ông biết tôi cho con tôi trị
thuốc Tây.
Tôi thấy ông bắt một nồi dấm trên lò lửa để ở bàn. Bỏ vào
một quả trứng gà luộc chín, rồi bóc vỏ. Ông bảo con tôi ngồi úp ngực vào
thành ghế, và tôi giữ chặc cháu. Ông lăn trứng gà từ cổ con tôi cho đến
thắt lưng. Quả trứng nhẹ nhàng như vậy, nhưng con tôi thét lên như ai
đâm kim vào người và vùng vẫy rất mạnh. Tôi cố giữ cho con khỏi ngã.
Nhưng thấy con mình đau đớn quá tôi cũng muốn nhưng luôn. Khi ông lăn
rồi bẻ đôi quả trứng cho tôi xem. Tôi thấy thật lạ: lòng đỏ quả trứng
đen như bùn và có mùi hôi. Ông cho nghỉ 15 phút, rồi ông lấy bột mì hòa
với nước dấm làm thành 1 thỏi dài như cây cán bột và bắt đầu lăn lưng và
khắp mình mẩy con tôi. Con tôi cũng đau rên rỉ, nhưng không lớn tiếng
như khi lăn trứng gà. Trước khi về ông bảo: "Cô về không cho ăn gì hết.
Mua bắp non và khoai lang luộc lấy nước cho cháu uống. Đói thì ăn bắp và
khoai. Tuyệt đối không cho ăn cơm cháo gì hết. Bao giờ tôi bảo ăn hãy
ăn."
Đưa con ra về, trong lòng tôi bán tín bán nghi, vì ở bệnh viện
bác sĩ dặn chỉ ăn chất loãng không có xác, còn ông Thầy này lại bảo cho
ăn bắp. Bắp là loại rất khó tiêu. Trong lúc bị sốt cao lại ăn bắp, nhưng
lỡ theo Thầy thì phải nghe Thầy vậy. Đêm hôm đó con tôi rất khó ngủ như
lời Thầy báo trước.
Sáng hôm sau đến 11 giờ trưa, tôi lấy nhiệt độ
cho con thấy sốt 38 độ. Tôi vội vàng mua trứng gà, bột mì và dấm theo
lời Thầy dặn, đưa con lên cho ông trị bịnh. Ngày hôm sau là ngày Chủ
Nhật, ông đưa tôi một gói thuốc bột lớn bằng 2 ngón tay. Ông bảo tôi về
pha chung một lít nước bắp, và cho uống dần trong ngày. Ngày thứ Hai,
tức là 3 ngày sau tôi bỏ nhà thương luôn. Con tôi đã giảm sốt, và nước
tiểu bớt đục. Lực ăn bắp cũng tăng cao. Mỗi ngày tôi phải đi làm. Chiều
tan sở, tôi đi thẳng xuống chợ Cầu Ông Lãnh mua bắp sỉ sộ 100 trái. Tôi
lựa toàn bắp non, hột rất nhỏ cho con tôi để ăn và mau tiêu.
Tôi đưa
con tôi lên Thầy để lăn trứng đến ngày thứ Năm, chiều tôi đi làm về thấy
con tôi ngồi dậy ăn chứ không nằm nữa. Và nhiệt độ đã hạ bình thường.
Đến ngày thứ Bảy là đúng 1 tuần tôi đưa con tôi đi chữa thuốc ta. Và
cũng là một ngày tôi mừng không thể tả sao cho hết. Nước tiểu con tôi
trở lại trong như xưa. Mỗi ngày con tôi ăn ít nhất 25 trái bắp. Đến ngày
thứ 12 ông Thầy cho thêm một gói thuốc, phân ra làm 3 ngày để uống, và
ông bảo tôi cho ăn cháo chút đỉnh được, và tiếp tục ăn bắp uống nước
bắp, bao giờ con tôi ngán là hết bịnh.
Thật may 10 ngày sau, con tôi đã khỏe. Đi ra chơi với các bạn trong xóm được. Và kịp lúc nhập học đầu năm vài ngày sau đó.
Nếu
còn nằm ở bệnh viện Bình Dân thì con tôi không biết đã khỏe chưa, hay
đã chết do sự mổ xẻ. Năm may con tôi đã 50 tuổi và sống khỏe mạnh.
Câu chuyện thứ 3
Một cô bé 13 tuổi phải nghỉ học vì chứng viêm xoan. Nước mũi chảy liên tục không ngừng. Rất là tanh hôi.
Người
cha đem con đi chữa trị nhiều nơi, nhiều bác sĩ. Thuốc trụ sinh uống
cũng khá nhiều. Cháu càng ngày càng xanh xao. Cuối cùng bác sĩ đề nghị
mổ nạo xoang. Cha cô bé rất buồn và lo lắng. Nhà nghèo chạy ăn từng bữa,
kiếm đâu ra tiền để dm con đi mổ. Ông đành nhìn con ông đau xót mà
thôi. Khi ông đi làm thuê gặp một ông cụ già, ông mới than thở về bệnh
của con ông. Ông già bảo dẫn ông về xem con ông như thế nào. Khi vào nhà
trông cháu bé vẫn mũi dải lòng thòng, ông cụ nhìn bên hông nhà, thấy có
một ao nhỏ đầy cây sen đang nở hoa. Ông bảo với cha cháu bé: "Thuốc
ngay trong nhà không chữa trị, đi chạy bên ngoài cho tốn tiền." Ông bảo
cắt 3 cây sen. Một cây cắt ra bằng điếu thuốc rồi đem phơi thật khô cho
cháu bé hút. Ông bảo hút vào bằng miệng, thở khói ra bằng mũi. Hút liên
tục. Bao giờ giảm chảy mũi thì mỗi ngày hút 3-4 lần. Bao giờ dứt hẳn thì
ngưng. Cha cô bé làm theo ông già chỉ. Cháu bé hút cũng khốn khổ, vì
sen rất đắng, lại không biết làm sao để thở ra mũi. Nhờ ông hàng xóm qua
chỉ cách hút vào và thở ra bằng mũi. Tập cả tuần cháu mới thở khói ra
mũi được. Nhưng cọng sen quá đắng, nên ba cháu cho hút kèm với thuốc
Salem có chất the để giảm bớt chất đắng. Một tuần sau cháu cũng ra mũi,
nhưng không nhiều và tanh hôi như khi chưa hút sen. Tiếp tục kéo dài gần
2 tháng cháu hết hẳn. Khổ nổi cháu hết bệnh chảy mũi, lại sanh ra ghiền
thuốc salem. Cha cháu đành phải chấp nhận để cho con hút dù nó là con
gái. Từ đó cháu học đến trung học. Và sau đó cháu lập gia đình, bên
chồng nghe chuyện cháu bị mũi lúc nhỏ, nên họ không cấm cản cháu hút
thuốc.
Năm nay cháu 48 tuổi đang làm việc cho một cơ sở ở Nam Cali
này. Trải qua 35 năm cô không hề bị tái lại chứng chảy mũi, và bây giờ
cô vẫn hút thuốc không bỏ được.
Riêng tôi nghĩ: nếu mổ nạo xoang chưa chắc đã lành hẳn. Nó vẫn tái đi tái lại nhiều lần.
Như
vậy Tây y chưa hẳn 100% chữa lành bịnh. Và dược thảo xem tầm thường,
nhưng nó lại có khả năng cứu người một cách hữu hiệu, tùy theo căn bệnh
và cách chữa của các Thầy thuốc ta.
Phụ thêm cho phần dược thảo đó là
lá dừa và nước dừa. Lá dừa là loại thuốc cầm máu rất nhanh hơn cả
Vitamin K. Còn nước dừa nếu uống nhiều có thể bị băng huyết khi đang có
kinh, hoặc sanh chưa đầy tháng. Người nhờ lá dừa cầm máu khi bị băng
kinh cũng hiện đang ở Mỹ.
Tôi có chút suy nghĩ về dược thảo, nên gởi quý báo để tường.
Kính
chúc quý Báo và tập thể anh chị em tòa soạn luôn mạnh khỏe để đem nhiều
tin tức VN và thế giới cho cộng đồng người Việt ở Mỹ.
Trân trọng kính chào quý Báo.
Độc giả
Đinh Thanh Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét