Ai đi xa, lâu lâu mới về SG đều kêu ca một câu giống nhau: “Nóng quá, bụi quá…”.Nóng quá thì hiển nhiên vì VN là xứ nhiệt đới. SG nóng hơn các tỉnh miền Bắc và miền Trung, nóng quanh năm vì nằm phía Nam trong khi miền Bắc và miền Trung nằm ở vĩ độ cao hơn nên có tháng lạnh hơn.Bụi cũng dễ thấy. Bầu không khí ở thành phố từ lâu, không lúc nào trong mà thường mờ mờ, đục đục như có màn sương mỏng bao phủ.Điều này dễ thấy ở các thành phố lớn. Ô nhiễm bụi ở hai thành phố lớn của VN là Hà Nội và SG hiện chỉ kém Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), New Dehli (Ấn Độ) và Dhaka (Bangladesh).Ô nhiễm không khí là một trong những thứ ô nhiễm môi trường hiện nay bên cạnh rác rến, nước thải công nghiệp, tiếng ồn… mà dân chúng bị bao vây bốn bề không cách nào giải quyết nổi. Muốn phát triển kinh tế phải chịu ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường tới lúc nào chịu không nổi thì tính sau vây.<!>
Sài gòn suốt nhiều năm nay như một đại công trình hối hả không ngưng, chỗ nào cũng đục đẽo xà bần, chỗ nào cũng chất đống vôi vữa, từ tư gia dăm ba tầng đến chung cư mấy chục tầng đua nhau mọc lên khắp nơi. Nơi này xây chưa xong nơi khác đã bắt đầu đập phá. Chung cư nhiều khối sừng sững nhô lên san sát không chỗ hở. Gần những công trường xây dựng, ai nấy khổ sở vì tiếng ồn lẫn bụi bặm mịt mù. Bắt đầu là đập bỏ nhà cũ, gạch vữa rơi lả tả… rồi tới bụi của cát, xi măng…, lúc gần hoàn thiện lại bụi vôi, bụi do gạch đá cắt ra… Mới đây, một thanh niên mặc đồng phục xe ôm, đang chạy xe trên đường, xui xẻo bị tấm ván gỗ dài hai mét từ công trình cao ốc đang xây mười bảy tầng rơi ngay vào đầu, mũ bảo hiểm vỡ tan nát còn nạn nhân bất tỉnh…
Góp phần thêm bụi bặm còn là công việc đào cống, làm đường… Những con đường bị rào chắn một phần, thậm chí nguyên quãng đường, người dân được hướng dẫn dẫn leo lên lề hay luồn vào các con hẻm tìm lối thoát. Từ đó đất đá lổn nhổn và bụi lại tỏa ra.
Ở các đô thị lớn, bụi hầu hết sinh ra từ khí thải giao thông tức là từ xe buýt, xe máy, xe hơi…. Trong đó, sinh bụi nhiều nhất từ xe chạy bằng dầu. Bụi cũng phát sinh ở công trình xây dựng, nhà máy điện, nhà máy công nghiệp, từ đốt gỗ hoặc đốt rác…
Nhà máy thi nhau nhả khói ngùn ngụt. Phần này cũng tội nghiệp khi nhà máy, giống như trại chăn nuôi, phân trần lúc mới xây nhà xưởng, chung quanh họ là đồng không mông quạnh. Chỉ sau một thời gian, dân số thành phố tăng chóng mặt, bành trướng như vũ bão do dân nhập cư tứ xứ ùn ùn đổ về Sài Gòn kiếm sống. Vì thế chẳng mấy chốc những khu vực trại xưởng vắng vẻ trước kia đã thành khu dân cư đường ngang ngõ dọc như bàn cờ. Trước 75 chỉ có một khu Bàn Cờ ở quận 3 nhưng bây giờ nhiều nơi bàn cờ lắm. Và thế là người dân lại rủ nhau đi kiện cáo khói bụi từ nhà máy uy hiếp khu dân cư đông đảo. Mà xưởng trại thì đâu có mỗi lúc di chuyển ngay được.
Vì thế sau này mới có Khu chế xuất, Khu công nghiệp để dồn các nhà máy vào đấy. Thế nhưng các Khu này chỉ mới xuất hiện vài nơi. Còn rất nhiều nơi khác, nhà máy vẫn nằm lẫn giữa nhà cửa dân chúng. Nhất là các nhà máy cũ kỹ vẫn hoạt động theo kiểu cổ lỗ không có hệ thống lọc khí thải, nước thải… mà cứ thế tuôn ra ngoài.
VN có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ chưa lên tới mức nhà máy lớn gây ô nhiễm càng nặng nề. Cơ sở sản xuất hạt nhựa ở Bình Chánh gây mùi hôi nồng nặc, cơ sở dệt nhuộm ở quận 12 xả khói nghi ngút và mùi hôi xộc vào từng nhà, các cơ sở sản xuất ở quận Bình Tân thổi lên từng cuôn khói cộng với bụi vải, mùi hôi, các con kênh quanh đó lúc nào cũng hôi hám… khiến nhiều gia đình chịu không nổi phải bán nhà bỏ đi nơi khác sống.
Chưa phát triển được các loại xe công cộng như xe buýt, xe điện, xe điện ngầm… nên xe cá nhân càng ngày càng gia tăng chóng mặt. Xe gắn máy và mấy năm gần đây là ô tô được nhập cảng ồ ạt vì giá rẻ, mức thuế thấp khiến đường phố luôn xảy ra nạn kẹt xe mà trước kia, người ta cứ tưởng là một hiện tượng chỉ có ở những nước đâu đâu trên thế giới, gần nhất là Thái Lan. Trên những con đường trở nên quá sức chật chội của thành phố đông đúc một cách không kiểm soát nổi, xe cộ ken sát nhau mệt mỏi nhích từng chút hoặc chôn chân một chỗ và tha hồ tống khói bụi vào không trung. Nạn kẹt xe làm máy xe đứng một chỗ rồi ì ì thải ra chất ô nhiễm cực kỳ lớn.
Tại SG, xe gắn máy, xe ô tô chạy dày đặc trong đó không ít xe tuổi đời cả hai, ba chục năm luôn xả khói mù mịt. Xe máy, xe ba bánh, xe ôm, xe tải nhỏ cùi bắp cũ nát đã rệu rã với những phụ tùng lắp ghép tạm bợ dùng để chở hàng hóa như nước đá, rau cỏ, thịt thà… bỏ mối cho chợ. Loại này hầu hết không có giấy tờ, ưa chạy bạt mạng phun ra từng cuộn khói đen xì khi mất dạng vẫn để lại một bầu không khí đen kịt, xông mùi xăng dầu khó thở, khi vi phạm luật giao thông, sẵn sàng bỏ của chạy lấy người vì giá chiếc xe đâu có bao nhiêu.
Xui cho ai chạy sau chiếc xe buýt. Trước khi ngừng và bắt đầu di chuyển, chiếc xe cũ kỹ thở hồng hộc, hắt ra tiếng máy ồ ồ rồi thoát một luồng khói vào mặt khối xe cộ đằng sau khiến ai nấy ho sặc sụa, mặt nám đen, mũi đầy… bồ hóng!
Nhà bà Thanh ở trong hẻm cách mặt đường hai căn, than thở:
– Nhà tôi toàn cửa kính mà mỗi ngày đều phải lau nhà, lau bàn ghế ba chập.
Đó là nhà trong hẻm và bên ngoài cũng không phải đường lớn chứ nhà mặt tiền còn hứng bụi tới đâu. Vì thế không lạ khi kiến trúc hiện tại của những căn nhà mới xây đều dùng cửa kính đóng kín mít, chỉ lấy ánh sáng. Bởi kín bưng như vậy nên sau này, các căn nhà mới xây, dù hẹp, cũng buộc phải chừa một chỗ cho giếng trời. Gió thông thoáng không lấy từ cửa sổ, cửa cái mở toang như trước kia mà thông qua giếng trời thường xây bằng gạch bánh ú hoặc quạt gắn trên nóc. Các nhà tận trong hẻm sâu cũng lắp cửa kính dùng máy lạnh góp phần gây nên hiệu ứng nhà kính.
Bụi nhiều nhất ở những chỗ đông xe cộ qua lại. Các bùng binh, ngã ba, ngã tư giao nhau nhiểu thông lộ như An Sương, Gò Vấp, Phú Lâm… có lượng bụi gia tăng từng năm.
Mức độ ô nhiễm không khí cũng thay đổi tùy từng lúc và từng nơi khác nhau. Cao nhất vào khoảng từ 7 đến 10 giờ sáng, 5, 6 giờ chiều đến 9 giờ đêm là khoảng giờ đi làm, giờ tan tầm tiếp tục mọi người đi học, đi làm thêm, đi chơi… cho tới thấp nhất khoảng từ 2 tới 4 giờ sáng khi mọi người say giấc ngủ, đường sá vắng ngắt ít xe cộ. Lúc đó mới bớt bụi.
VN mới chỉ đo được loại bụi trôi nổi trong không khí, còn với loại bụi mịn và siêu mịn là những hạt bụi nhỏ li ti mà mắt thường không nhìn thấy thì chưa đo được.
Tại các đô thị lớn của VN, các loại bụi này hầu hết sinh ra từ khí thải giao thông như xe buýt, xe máy, xe hơi… tới 70.42% vượt quy chuẩn cho phép. Trong đó, sinh bụi nhiều nhất là từ xe chạy bằng dầu, ở công trình xây dựng, các nhà máy điện, nhà máy công nghiệp, từ đốt gỗ hoặc đốt rác…
Nguy hiểm nhất là bụi siêu mịn có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp, hen suyễn, bệnh vế mắt, họng và mũi… Đây là lý do khiến trẻ em dễ còi cọc, đồng thời làm tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim.
Vì thế ra ngoài đường bây giờ, mười người thì có tới tám, chín người cả nữ lẫn nam đi xe gắn máy hay đi bộ đều dùng khẩu trang che kín mít mũi và miệng như Ninja kiểu Nhật. Ngoài khẩu trang là áo khoác tay phủ hết bàn tay có mũ che kín đầu, cổ, mặt, tai chỉ chừa cặp mắt… đeo kính đen. Trẻ em thì phủ lên mặt chiếc khăn voan. Kín như bưng đến người nhà còn không nhận ra nhau. Các bãi giữ xe sợ nạn trộm xe nên buộc người gửi xe phải tháo khẩu trang lộ mặt mới xé vé.
Võ trang đến tận răng nhưng khẩu trang chỉ có thể chặn phần nào bụi mịn chứ siêu mịn cũng chịu thua.
Từ năm ngoái, Sở Giao thông vận tải đã đề ra mức phạt với những xe có lượng khí thải không đạt chuẩn, nhiều nhất là xe máy do loại xe này chiếm số nhiều và có nhiều xe cũ. Những chiếc xe máy cũ mèm cũ nát thường dùng để chở hàng ít hao xăng hơn ô tô nhưng khí thải từ đó thì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn và gây hại cho sức khỏe con người hơn. Dẹp đám xe cũ xì tuổi đời có khí xuất xưởng mấp mé năm 75, thập niên 80 (xe cub nghĩa địa) chỉ còn trơ máy và khung sắt này rất khó, vì chúng thường qua nhiều đời chủ không hề làm thủ tục sang xe, không kể chủ xe là người lao động thuê nhà ở tạm, địa chỉ không rõ ràng…, nên không thể kiếm chủ xe bắt nộp phạt được.
Quả là khí độc tác hại đến con người đã đến mức báo động
Đó là không kể đến khói mờ mịt từ các quán nướng mọc lên khắp nơi trong thành phố: quán cơm tấm, quán bún chả, dê nướng, heo quay…. Ở những quán này, lò nướng đều được bày trên vỉa hè trước nhà, thậm chí dưới lòng đường quạt khói tỏa ra cả một khúc đường, một quãng phố, nhiếu quán ăn vì giá rẻ nên dùng than tổ ong mà khói bay ra còn độc hại hơn than củi rất nhiều.
Bây giờ đang tháng Ba, cho đến cuối tháng Tư, dân SG còn phải đối phó với cái nắng gay gắt, nóng oi bức cuối mùa khô. Chỉ số tia cực tím ở Sài Gòn đạt mức cực đỉnh trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều.
Nắng chang chang nóng như muốn đốt cháy da. Mà đúng cháy da thật vì tia cực tím quá cao có thể gây ung thư da và ngay cả tổn hại đến mắt nếu tiếp xúc với ánh nắng.
Qua tháng Năm, không còn nắng gắt nữa vì đã sang mùa mưa nhưng mưa có lúc, dân SG vẫn phải gồng mình chịu đựng ô nhiễm bụi chưa thấy cách nào giải quyết trước mắt.
SGCN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét