Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Vé số đây! Gia nhập 'đội quân' vé số dạo - Thanh nien


Đằng sau nghề bán vé số không chỉ là công việc kiếm sống nhọc nhằn mà có cả những câu chuyện, nhân vật lạ đời và kỳ thú.
>> NHƯ LỊCH
Hơn hai tháng gia nhập làng vé số, lang thang bán dạo, PV Thanh Niênphản ánh cận cảnh sinh hoạt, buồn vui của “đội quân” bán vé số và những góc khuất hay chuyện lạ trong nghề: ao ước học võ để phòng hiếp dâm; “Thần tài” phiêu dạt trên đường thiên lý; bán vé số để làm từ thiện; bà cụ mù đổi đời nhờ trúng độc đắc...
<!>

Trong vai người mới vào nghề, tôi nhờ bà Phương (58 tuổi, quê Phú Yên, hơn chục năm sống trong một đại lý ở Q.3, TP.HCM) bảo lãnh để ở lại đại lý vé số.
Trong vai người mới vào nghề, tôi nhờ bà Phương (58 tuổi, quê Phú Yên, hơn chục năm sống trong một đại lý ở Q.3, TP.HCM) bảo lãnh để ở lại đại lý vé số.
Bà Phương cho hay ở đại lý bà tá túc, chỗ nằm được chia theo lượng vé số bán ra. Người nào đạt “sản lượng cao” (bán khoảng 250 vé trở lên/ngày) thường được chủ đại lý ưu tiên xếp chỗ ở những vị trí thoáng hơn. Người bán “sản lượng thấp” (dưới 150 vé/ngày) bị xếp nằm gần lối đi, nhà vệ sinh hay những chỗ bức bí. Bán dưới 100 vé, đóng 10.000 đồng/ngày.
Tại đây có quy định bất thành văn ai cũng phải tuân thủ: Khi ế ẩm, mỗi người chỉ được trả lại tối đa 10% tổng số vé họ đã nhận (nếu ngày nắng) và khoảng 20 - 30% (ngày mưa). Thời gian trả vé thường trước 2 giờ chiều.
Chiều 8.1, tôi xin vào một đại lý vé số khác nằm cuối con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM). Dọc bờ tường dẫn vào nhà dựng vài chiếc xe lăn và phơi quần áo đủ chủng loại. Bà Hai, chủ đại lý cũng là chủ nhà, hỏi tôi tên tuổi, quê ở đâu, con mấy đứa, để ở nhà cho ai, trước giờ có bán vé số chưa...
Chỗ ở của tôi (phần bên ngoài) và số vé số ngày đầu tôi nhận bán
Bà ái ngại: “Bây có giận chồng đi không? Cái này tao hỏi thiệt, chứ thằng chồng bây vô tìm là quánh chết đó. Có giận chồng thì tạm thời ở đây, nguôi nguôi về cũng được. Tại tao cũng có con gái, tao hiểu”. Rồi bà tiếp: “Tháng này bán rất khó. Một là thiếu vé, hai là rất đông người bán do ai cũng vô Sài Gòn kiếm tiền ăn tết. Giờ có tiền mà không có vé cũng ngồi đó ngó. Hay là bây ra khu chung cư, xin bưng bê quán ăn hoặc giúp việc nhà?”.
Sau khi nghe tôi năn nỉ, bà Hai bảo tôi đi nhận phòng, để bà “nghiên cứu” thêm.
Căn nhà của chủ đại lý vé số được tận dụng đến từng... milimet. Vợ chồng bà Hai ngăn từng ô nhỏ xíu, thấp tè dành cho hơn 20 người trú ngụ. Khoảng sáu cặp vợ chồng quây màn sinh hoạt hoặc sống trên những căn gác kín đáo. Hằng đêm, chủ đại lý trải ghế bố ngủ giữa nhà. Cách này vừa tiết kiệm diện tích ngủ nghỉ cho gia đình bà, vừa giúp bà dễ quan sát người ra kẻ vô, nhất là những người bán về khuya.
“Phòng” tôi ở là mấy ô gạch vừa đủ trải hai chiếc chiếu cá nhân, lọt giữa cầu thang gỗ và căn buồng của một người đàn ông khuyết tật. Ai đó đã trải sẵn manh chiếu cũ cùng bừa bộn gối, mền. Bà Hai cho hay người ở chung với tôi là cô bé 16 tuổi, đi bán tận khuya mới về. Rồi bà bảo tôi dọn mớ gỗ vụn ở góc phòng, xếp dưới gầm cầu thang để có chỗ nằm.
Chiều tối tới khuya, căn nhà chộn rộn hẳn bởi những người bán vé số lục tục trở về sau một ngày rạc cẳng. Một số người không kịp tắm rửa (một trong những lý do là phòng tắm giờ cao điểm kẹt cứng), sà vào bếp bưng những phần cơm được chủ nhà chia sẵn. Tôi thuộc vài trường hợp cá biệt khác tỉnh, còn lại (kể cả chủ đại lý) đều chung quê Phú Yên nên họ thân thiện, cởi mở với nhau. Thấy tôi co ro trên sàn nhà, chị Hiền đưa cho cái mền. Còn chị Chung tặng túi xách nhỏ chuyên dụng để tôi đeo cho an toàn.
Biết tôi là “lính mới”, một người đàn ông trạc 50 tuổi ghẹo: “Em giận chồng hả? Vô đây có anh, anh lo cho”. Còn chị Chung ra vẻ nghiêm trọng: “Mày ngủ dưới chân cầu thang, nhớ chú ý ông Bảy tóc bạc nửa đêm hay mò xuống lắm. Ổng là chúa dê đó! Khuya, mày canh chừng ổng nghe”. Ngó mặt tôi bán tín bán nghi, chị Chung cười phá lên: “Quỷ, tao giỡn thôi mà”.
Chập tối, đôi vợ chồng trẻ buồng đối diện bỗng cãi nhau, khiến nhiều người xúm vào khuyên can. Cô vợ vẫn ấm ức, chì chiết: “Anh nghĩ sao mà tát vợ? Vì anh cho là tui làm mất 50.000 đồng phải không? Anh chẳng đáng mặt đàn ông!”.
Tắm giặt, ăn uống trong đại lý sau một ngày bán vé số
22 giờ 30, người đàn ông khuyết tật ở buồng cạnh chúng tôi đi bán về, ngồi đếm kiểm tiền và vé số một chặp rồi xuống bếp lục cơm nguội ăn.
Gần 1 giờ sáng, cô bé 16 tuổi chung phòng mới về tới. Không quan tâm sự có mặt của tôi, cô kéo mền che toàn thân rồi lăn ra ngủ, mấy phút sau, đã nghe tiếng ngáy... Cha cô bé cũng là người khuyết tật, sống trên gác. Mỗi ngày, hai cha con bán miệt mài từ sáng tới khuya được khoảng 500 tờ vé số.
Gần 1 giờ sáng, cô bé 16 tuổi ở chung với tôi bán vé số trở về và lăn ra ngủ mê mệt
Khuya lắc lơ mà ai đó còn mở radio, giọng ca cải lương nghe sao mà thê thiết... Tôi thiếp đi lúc nào không hay. 4 giờ 30, chị Chung đá chân tôi: “Dậy! Dậy nhanh!”. Cha của cô bé cùng phòng tôi cũng có mặt, ông kéo con ngồi dậy: “Đi bán con ơi!”. Cô bé van nài: “Cho con ngủ chút nữa đi ba”. Người cha kiên quyết: “Không được! Vé số còn nhiều”.
Chụp giỏ đồ nghề, tôi cuống cuồng chạy theo những bóng người tất tả phía trước... (còn tiếp)
Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Như Lịch | Trác Rinh

Không có nhận xét nào: