Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2018

Ngôi Nhà Thờ Chưa Có Tên - Phạm Đào Nguyên

(hình minh hoạ)


Trung tuần tháng ba năm 2018, tôi về Việt Nam nhân ngày giỗ mẹ. Tình cờ tôi nghe được một câu chuyện rất thu vị, vì nó gần gũi với chúng tôi. Đó là câu chuyện Nhà Thờ Tam Vị Tiền Hiền làng cũ Hương Quế, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quãng Nam, gồm có Tộc Phạm, Tộc Nguyễn và Tộc Trần. Họ Trần, do ông Trần xuân Thọ hướng dẫn, sách động, bác bỏ tài liệu, sử liệu, nói rằng ngày xưa ông Phạm đình Túc lợi dụng quan hệ thế lực của chính quyền Ngụy, đã thay đổi lịch sử, đưa Họ Phạm đứng đầu làng Hương Quế, gợi cho tôi một kỷ niệm đáng nhớ, một câu chuyện đầy thú vị.
<!>
 Họ Trần hay cá nhân ông Thọ đang kiện chính quyền Tỉnh Quảng Nam, kiện chính quyền Huyện Quế Sơn, kiện cả chính quyền xã Quế Phú. Chuyện xãy ra gần một năm rồi, đôi khi dẫn đến một số trẻ em hai họ đánh nhau vì tự ái. Vài người dân làng xì xầm rằng ông Phạm đình Túc sinh năm 1925, thì làm sao sửa đổi lịch sử? Và họ Trần không đưa ra bất cứ bằng chứng lịch sử hay gia phả của giòng họ Trần? Các ông không cho phép đặt tên nhà thờ. Không biết bên trong bàn thờ có được an vị như cũ không, tôi không biết. Đây là điều rất thú vị.
Là con của ông Phạm đình Túc, tôi có quyền lên tiếng, nói ra một sự thật, minh oan cho ba tôi, và cho nhà thờ vừa mới tu sửa, có được một cái tên chính đáng, hầu giúp các thế hệ con cháu nhiều đời sau hãnh diện vì Tổ tiên. Xin nhớ rằng, thế hệ ông Phạm đình Túc không phụng lập nhà thờ Tam Vị, mà chỉ di dời và tu sửa nhà thờ Tam Vị Tiền Hiền mà thôi.
Trong câu chuyện lại có một câu chuyện khác. Sự thật của câu chuyện bắt đầu như sau: Vào khoảng tháng 11 năm 1957, hồi 6:30 tối, tại Đình Hương Quế, có một cuộc mít ting do ông chủ tịch xã Phú Hương, ông Trần đình Kháng chủ toạ. Sau nhiều vấn đề đặt ra, đến cuối giờ ông tuyên bố về việc tịch thu ruộng tư điền của Họ Phạm để chia cho dân. Ba tôi, ông Phạm đình Túc đã đứng lên đòi hỏi văn bảng chứng từ, và bác bỏ ý kiến của ông chủ tịch xã. Ông chủ tịch liền ra lệnh bắt ba tôi trói tay ra sau lưng, dẫn ba đi trong đêm tối. Má tôi nghĩ rằng ba tôi đã bị giết vì sáng ra bà đến cơ quan xã hỏi tin chồng, và được trả lời là không ai biết. Má tôi về nhờ các cậu tôi và ông Ngoại với chú Dương Phương cùng bác Phạm Lượng đi tìm xác ba từ bãi cát Hương An đến Hà Lam, bãi cát Mông Nghệ, và triền Núi Quế, nhưng chưa tìm được. Hàng ngày bốn tới năm người âm thầm đi tìm vì sợ chó đào lên tha đi, nhưng vẫn chưa tìm được xác. Chiều chủ nhật (5ngày sau), ông Quận Phó Bửu Ứng đích thân tìm đến nhà ba tôi, nói với má tôi rằng, “Ông Túc sống khoẻ ở nhà tù Quận lỵ, bà đừng lo, vài hôm nữa làm xong thủ tục giấy tờ ông ấy sẽ về, ông ấy to gan kiện đến Phủ Tổng Thống đấy.” Má tôi hoãng sợ, chắp tay vái ông Bửu Ứng. Thật ra tối đó họ trực tiếp chở ba tôi đẩy vào nhà tù quận lỵ Quế sơn, ba tôi thức cả đêm vì lạnh không mền chiếu, và cũng thức để viết một lá Đơn Khiếu Nại gởi cho Bộ Văn Hoá và đồng kính gởi Phủ Tổng Thống, ông khiếu nại hai vấn đề: 1.- Tịch thu đất tư điền của Tộc Phạm (đất do Tổ Tiên để lại), và 2.- Bắt cá nhân ông bỏ tù.
Bộ Văn Hoá thời bấy giờ là ông Mai Thọ Truyền làm bộ trưởng, ba tôi yêu cầu: “Theo chủ trương của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà là Nhân Bản, Khai Phóng và Dân Tộc; Vậy trước khi thực hiện những điều này, tôi, Phạm đình Túc, thay mặt con dân Tộc Phạm làng cũ Hương Quế, quận Quế Sơn, tỉnh Quảng nam, yêu cầu chính phủ và Bộ văn hóa hãy nhớ đến Tổ Tiên của chúng tôi là những người đã hy sinh hiến thân đi Dựng Nước và Giữ Nước trong công cuộc Phá Tống Bình Chiêm.” Ba tôi yêu cầu chính quyền địa phương phải đưa ra chứng từ cụ thể như nghị định, sắc lệnh nào tịch thu đất Họ Phạm nếu có, và lập tức thả ông ra khỏi nhà tù vì ông vô tội. Trong đơn khiếu nại ba tôi viết hai văn bảng, một bằng chứ Nho, và một bằng chữ Quốc Ngữ. Trong đó có hai câu đối, một câu khắc trên bia mộ Ông Phạm Nhữ Dự, do vua Lê Lợi chấp bút, Người từng giúp vua Lê đánh đuổi quân Minh ra khỏi nước, và câu thứ hai của vua Lê Thánh Tông chấp bút khi ngự linh cửu ông Phạm Nhữ Tăng an táng tại làng Hương Quế, Ông đã có công đánh chiếm lại từ Đèo Hải Vân tiến đến Bình Thuận năm 1471. Đền thờ ông Phạm Nhữ Tăng vẫn còn tại Hà Nội. Xin nói thêm, ông Phạm nhữ Tăng khai khẩn năm xã tại Hương Quế, đó là đất họ Phạm làng Hương Quế là không sai.
Câu Điếu Văn thứ nhất của Vua Lê Lợi ai vảng ông Phạm Nhữ Dự khắc trên bia mộ là:
Thiên Điạ Thử Giang Hoàn Cựu Vật (Trời Đất Thuở Này Hoàn Vật Cũ)
Giang Sơn Chung Cổ Biểu Tiền Công (Nước Non Muôn Thuở Rạng Công Xưa)
Câu Điếu Văn của Vua Lê Thánh Tông ai vảng ông Phạm Nhữ Tăng khắc trên bia mộ là:
Nghĩa Sĩ Uẫn Mưu Cơ, Hiệp Lực Nhất Tâm Bình Chiêm Quốc
Miếu Đài Khai Tráng Lệ, Hương Hồn Thiên Cổ Hiển Nam Bang.
Xin tạm dịch:
Nghĩa Sĩ Đủ Cơ Mưu, Chí Cả Một Lòng Bình Chiêm Quốc
Miếu Đài Xây Tráng Lệ, Hồn Thiêng Muôn Thuở Rạng Trời Nam.

Thời kỳ 1957 chưa có cầu tiêu cho nhà tù ở cấp quận, nên sáng ra ba tôi được lính dẫn tù nhân đi cầu. Sau khi băng qua quận lộ, là tới bưu điện, ba tôi xin phép gởi thư. Người lính cứ nghĩ ba gởi thư về nhà, nhưng bốn ngày sau, ông Quận Phó Bửu Ứng nhận được điện văn từ Bộ Văn Hoá, ông đã trực tiếp tìm đến nhà ba tôi báo tin. Khi ba tôi được tha, ba không chịu ra tù, chính quyền quận Quế sơn phải mời chi hội Phật giáo Quế Sơn nhờ giúp đở. Ba tháng sau, một phái đoàn gồm 14 người của Bộ Văn Hoá đến nhà chúng tôi xin được sao chép lại những Sắc Phong, Điện Chiếu, Đại Ấn, Gia Phả của giòng họ Phạm còn lưu giữ, và yêu cầu dẫn đến Nhà Thờ họ Phạm cùng phần mộ của ông Phạm Nhữ Tăng, và họ hứa hẹn sẽ tìm mọi cách để giúp đỡ. Trong phái đoàn có một người họ Phạm, ông Phạm đình Khiêm sinh quán Hải Dương, hiện làm trong Ngành Sử Học, ông nói với ba tôi rằng, chúng ta cùng giòng họ, cùng gốc, quê ông cũng có đền thờ ông Phạm nhữ Tăng, nên chúng ta là anh em. Ông gọi ba tôi là anh vì ba lớn tuổi hơn. Khoảng hai tháng sau, một số tiền được gởi tặng cho Tộc Phạm để tu sửa các phần mộ và nhà thờ tộc Phạm là hai chục ngàn (20.000$) Họ Phạm đã cử ra một ban tu sửa nhà thờ và phần mộ từ Hương Quế, Đồng Tràm, đến Bình Giang. Từ khi có tiền, họ Phạm làng Hương Quế tu sửa mộ phần, tu sửa nhà thờ thật khang trang, mọi người trằm trồ, tiếng vang dội khắp nơi. Cũng từ đó, ba tôi lại nghĩ đến công ơn của ba vị Tiền Hiền làng Hương Quế, với ngôi nhà thờ quá cũ kỹ và nghèo nàn. Trước tiên, ông thăm dò ý hai ông ngoại, hầu có thể xin chính phủ và bộ văn hoá giúp đỡ để có một ngôi nhà thờ mới khang trang hơn trong việc thờ tự Tam Vị Tiền Hiền làng Hương Quế. Do đó mới có dự án DI DỜI NHÀ THỜ TAM VỊ.
THỰC HIỆN VIỆC DI DỜI NHÀ THỜ TAM VỊ TIỀN HIỀN LÀNG CŨ HƯƠNG QUẾ - (Được gọi tắc là nhà thờ TAM VỊ, hay còn gọi nhà thờ Tam Tộc.)
Nhân có đám giỗ tại nhà ông Ngoại tôi, ba tôi hội ý riêng với hai ông Ngoại là ông Phó Sĩ (Nguyễn Sĩ), và ông Giáo Thời (Nguyễn Thời), là dựa vào sắc phong của ông Nguyễn Ngọc Lang, và sắc phong của tộc Phạm, chúng ta có thể xin trợ cấp để tu sửa căn nhà thờ Tam Vị, làm rạng danh Tổ Tiên; Ngoại Thời nghe xong, ông sung sướng mừng rỡ ra mặt. Những người tiếp theo còn mừng rỡ hơn có ông Nguyễn Toàn, ông Biểu Quát, ông Cửu Phu, ông Cửu Chúng, có mặt dự đám giỗ. Thế là đến ngày Tế xuân năm 1959, tại nhà thờ Tam Vị ở Đồng Sau, ba tôi đề nghị và hỏi ý kiến một số nhân sĩ về việc di dời nhà thờ Tam Vị lên Đình Hương Quế và sẽ xin ngân quỹ từ Bộ văn Hoá. Sau đó cuộc họp hàng tuần được thực hiện.

Nhân sĩ Tộc Phạm gồm có, Phạm Nhiễu tộc trưởng, Phạm Chúng, Phạm Trí, Phạm Tỵ, Phạm đình Túc. Tộc Nguyễn, Nguyễn Toàn tộc trưởng, Nguyễn Quát, Nguyễn Phố, Nguyễn Phu, Nguyễn Sĩ, Nguyễn Thời. Tộc Trần, Trần Liền, Trần Đôn, Trần Ái, Trần Lan làm Thư Ký kiêm Thủ Qũy…Một lần nữa ba tôi viết đơn giới thiệu ba giòng họ đầu tiên theo đoàn quân chinh Nam, chinh phạt Chiêm Thành, đến khai khẩn vùng đất Quảng Nam, dựa theo một số Sắc Phong từ giòng Họ Phạm và họ Nguyễn, nên xin Chính Phủ và Bộ Văn Hoá thời bấy giờ cấp cho chúng tôi một số ngân khoảng để có phương tiện di dời căn “Nhà Thờ Tam Vị,” còn được gọi là “Nhà Thờ Tam Vị Tiền Hiền” đã có từ hàng trăm năm trước.
Nhà thờ rộng khoảng 100 mét vuông, hiện đang cần tu sửa, vì toạ lạc vùng ruộng cấy (Đồng Sau), thấp lụt, và bị lụt lội nên hàng năm, con dân đóng góp tu sửa. Tôi không còn nhớ rõ số tiền, nhưng được cấp thêm bảy mẫu nhất đẳng điền, cho con dân ba tộc làng cũ Hương Quế tế tự, được đem ra đấu giá công khai (chỉ có con dân ba tộc được đấu). Từ một ngôi từ đường một trăm mét vuông, nay được làm mới hoàn toàn, khoảng hơn bốn trăm mét vuông xây dựng tại Đình Hương Quế (đất tư điền của làng Hương Quế) trên vùng đất cao và rộng khoảng hai mẫu tây (20000mét vuông) cửa nhìn về hướng Núi Quế. Có cỗng ngõ, có bình phong, trên cỗng ngõ là Nhà Thờ Tam Vị Tiền Hiền.
Lễ khánh thành tổ chức Tết Nguyên Đán năm 1961, 12 ngày Tết ăn chơi, thịt 5 con bò, 50 heo, và mời một đoàn hát bộ, hát mười hai ngày đêm để đãi con dân ba tộc và khách khứa. Sau đó ông Quận trưởng Nguyễn Lê Thọ mời ba tôi, (dịch từ chữ Nho ra chữ quốc ngữ) cùng giáo sư Võ Văn Mạo viết một quyển sách để giới thiệu về cuộc Nam Tiến lần thứ ba (tựa Cuộc Di Dân Nam Tiến của Tiền Nhân) và do ông xuất bản tại Sàigòn với tên tác giả là Lâm Hoài Nam.
Năm 2016 tôi về Việt Nam, cũng nhân ngày giỗ mẹ, tôi góp ý với các em họ tôi giòng Họ Nguyễn là sao không cổ động đóng góp tu sửa lại nhà thờ Tam Vị, vì hơn 42 năm hoà bình, nhà thờ các Tộc đã tu bổ khang trang, chỉ còn ngôi Nhà Thờ Tam Vị vẫn tiêu điều vì 42 năm dùng làm nhà kho chứa cho Hợp Tác Xã nông nghiệp Quế Phú. Tôi chỉ nói vậy, nhưng năm 2018 tôi về lại, chính cậu em dắt tôi ra nhìn ngôi Từ đường TAM VỊ được sơn sửa phiá ngoài hoàn toàn mới, có thêm ranh giới là hàng rào bằng gạch rất khang trang, rất đẹp, nhưng đất hai bên và sau nhà thờ thì hẹp lại rất nhiều, chỉ còn đủ một căn nhà thờ. Rất tiếc, ngôi Nhà Thờ vẫn chưa có tên…Vì sự tranh chấp vô tình hay cố ý, hay vì thế lực cường quyền đã làm mất đi sự tôn nghiêm, cùng tình người của dân làng Hương Quế dính liền với ngôi NHÀ THỜ TAM Vị đã có từ hàng trăm năm trước.
Thêm vào đó, bên trái Nhà Thờ Tam Vị lại có ngôi nhà mới, xây chồm hổm phía trước nhà thờ khoảng 4-5 mét, che khuất mặt tiền nhà thờ Tam Vị. Tôi hỏi em tôi tại sao đất nhà thờ mà chính quyền còn cấp cho dân, nhà ai lại xây vô phép vô thiên như vậy, thì em tôi nói đó là nhà thờ Tộc Trần mới xây mấy năm trước. Tôi thấy lạ nên trầm ngâm suy nghĩ là ngôi nhà thờ tộc Trần trước đây xây bên cạnh nhà ông Trần Ái, sao bây giờ lại ở đây, mà lại xây chồm hổm phiá trước, che khuất một phần mặt tiền nhà thờ Tam Vị. Phải chăng là thể hiện cường quyền và gia tộc, mà không kiêng kỵ phép nước luật dân? Tại sao ngôi nhà thờ tộc Trần lại đứng trước ngôi nhà thờ Tam Vị Tiền Hiền làng Hương Quế?

Tục ngữ có câu: "Phép Vua Thua Lệ Làng." Làng Hương Quế có ba tộc, vậy thì Tộc Phạm và Tộc Nguyễn cũng di dời nhà thờ về xây phía trước, giống như ngồi chồm hỏm trước nhà thờ Tam Vị được chăng? Dân làng Hương Quế thật sự đã khiếp sợ cường quyền nên không một ai dám lên tiếng? Tôi mong rằng con dân làng Hương Quế nên mạnh dạn đứng lên kiện tới chính phủ và bộ văn hoá, như ngày xưa ba tôi làm, thì họ sẽ có phương án giải quyết, đòi phải dời nhà thờ tộc Trần đi nơi khác, vì không thể làm nhà thờ che khuất mặt tiền của nhà thờ Tam Vị, và không được phép xây trên đất dành cho nhà thờ Tam Vị Tiền Hiền làng cũ Hương Quế được. Tộc Trần kiện đến chính quyền tỉnh Quãng Nam, thì dân làng Hương Quế nên kiện lên Phủ Thủ Tướng, và Bộ Văn Hoá buộc lòng họ sẽ giải quyết. Tôi nhớ không lầm là tộc Nguyễn làng Hương Quế có một vị đương kim Thủ Tướng kia mà? Có lẽ ông vì lo việc nước bận rộn nên dân làng Hương Quế nên kiện để nhắc ông nhớ lại là quê nhà còn có một nhà thờ Tam Vị Tiền Hiền.
Lúc tôi khoảng 10 tuổi, có đọc qua quyển Cuộc Di Dân Nam Tiến của Tiền Nhân, tôi thắc mắc hỏi ba rằng, sao con không thấy viết gì về tổ tiên cuả họ Trần, ai là Tiền Hiền họ Trần? Ba tôi nói gia phả họ Trần thất lạc hay bị tiêu huỷ vì chiến tranh. Tuy nhiên, ba tôi lại nói rằng, biết đâu người họ Trần này lại không phải là chắt ngoại của họ Phạm? Theo lịch sử thì sau khi họ Hồ cướp ngôi, một số con cháu nhà Trần cũng như con cháu họ Phạm vì chống lại họ Hồ thất bại, nên bỏ kinh đô chạy vào Hoá Châu (châu Rí), để dựa thế lực quân đội của ông Phạm nhữ Dự. Một số con dân Họ Phạm đã thất lạc, một số chết và số khác thay tên đổi họ để trốn thoát sự truy đuổi của họ Hồ. Các triều đại cuối đời nhà Trần và nhà Hậu Trần, không còn có binh hùng tướng mạnh như thời trước có Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần nhật Duật, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng nữa.
Thật ra thời kỳ đầu của Hồ qúy Ly, nước Việt Nam biên cương được mở rộng về phía Nam đến Quảng Ngãi, gọi Tư, Nghĩa, nhưng sau đó phương bắc bị giặc Tàu đánh liên miên, nên Chiêm Thành chiếm lại. Ngay cả hai châu Ô, Rí, Chiêm thành cũng đã chiếm lại. Khi nhà Minh chiếm Việt Nam, họ Hồ mất ngôi, Ông Phạm nhữ Dự đã theo Lê Lợi mười năm kháng chiến chống Minh, và sau đó ông được phong Quan dưới thời nhà Lê. Ông Phạm nhữ Dự làm quan trấn ở Thăng Ba Phủ, và mộ ông Phạm nhữ Dự an táng tại xã Bình Giang huyện Thăng Bình bây giờ.
Tiền hiền họ Trần đến Hương Quế là ai, vẫn còn là dấu hỏi vì gia phả đã bị chiến tranh thất lạc, hay họ Trần ở làng Hương Quế không có gia phả? Ngày xưa họ Trần làm Vua, nhưng người họ Trần đến làng Hương Quế không phải Vua, không phải Tướng cũng không phải là Quan, vì không có sử liệu chứng minh. Nhưng ai cấm họ Trần lại không là suôi gia với họ Phạm, hay họ Nguyễn, có thể mạng nhện hôn nhân nầy ràng rịt liên hệ nhau, mới có cái nhà thờ được gọi là: “Nhà Thờ TAM VỊ TIỀN HIỀN Phạm Nguyễn Trần.” Tôi không ngụy biện, vì chính bác gái tôi là bà Chánh Trí, là người họ Trần, lại là bà nội cô của ông Trần xuân Thọ. Mới đây cháu nội bác Chánh tôi và em hay cháu ông Thọ đánh nhau, gây ra cảnh nồi da xáo thịt. Thôn xóm xì xầm, bàn tán, tai tiếng, gây cho làng xóm bất hoà chia rẻ.
Họ Trần kết án ông Phạm đình Túc sai những điểm sau đây:
1- Ông Phạm đình Túc không làm chính quyền lúc bấy giờ làm sao lợi dụng?
2- Ông Phạm đình Túc không có thế lực làm sao lợi dụng chính quyền?
3- Lịch sử là những biến cố xãy ra theo từng đơn vị thời gian, ai có thể sửa lịch sử?
4-Thế hệ ông Phạm đình Túc không làm nhà thờ Tam Vị, chỉ di dời nhà thờ Tam Vị.
Ba tôi, ông Phạm đình Túc, một người nhà quê, không học vị, không quyền thế, không có khả năng dựng lên những nhân vật lịch sử như ông Phạm nhữ Tăng Bình Chiêm Hưng Quốc, hay ông Phạm nhữ Dự theo Lê Lợi Phá Tống, hay Phạm ngũ Lão đánh đuổi Nguyên Mông, để qua mặt cả một bộ Văn Hoá, và Chính Phủ Miền Nam có hàng ngàn học giả uyên thâm kim cổ, vào thời kỳ cực thịnh của chính quyền miền Nam lúc bấy giờ? Chỉ có người vô học, thiếu văn hóa, dốt nát mới cải bậy, cải càn dù vô lý, vì họ thiếu khả năng phán đoán, phân biệt đúng sai, ngay cả lễ nghĩa hay thiện ác..

Tôi đề nghị họ Trần làng Hương Quế nên tìm kiếm, thâu lượm thêm phần gia phả để làm bằng chứng? Hiện nay họ Trần có các ông Trần Phiến, Trần Thông, Trần Tiếp, Trần Hoa còn sống gần nhà thờ cũ (Đồng Sau) lại có thể quên đi thời điểm di dời nhà thờ Tam Vị hay sao? Các vị là những nhân chứng sống, biết rõ vấn đề DI DỜI NHÀ THỜ TAM VỊ, xin qúy Ngài đứng lên làm sáng tỏ sự thật hay chính các Ngài cũng là nạn nhân sợ thế lực cường quyền?
(Ông Trần Liền là anh ông Thông Lương, trước làm Thông Ngôn, năm 1960, ông ta làm Nghị Viên Quốc Hội, đơn vị Quảng Nam.) Ngoài ra, ông Trần Lan làm Thơ Ký kiêm Thủ Qũy thực hiện đề án di dời nhà thờ Tam Vị hai năm, bản thân ông Trần Lan là một giáo viên, mấy năm sau, ông Trần Lan làm ủy viên kinh tài xã Phú Hương. Họ Trần lúc bấy giờ không phải vô học, kém cỏi bị ăn hiêp. Không ai có thể thay đổi được lịch sử, ba tôi, ông Phạm đình Túc cũng thế, vì lịch sử là những biến cố xãy ra theo từng đơn vị thời gian. Thêm vào đó, ông Mai Thọ Truyền là Bộ trưởng BỘ VĂN HOÁ thời đó là một Lão tiến sĩ uyên thâm cả Nho học lẫn Tây học. Ngoài ra còn có cả hàng ngàn học giả uyên thâm kim cỗ trong bộ văn hoá, làm sao ba tôi có thể qua mặt, hoạ chăng ông Phạm đình Túc là một người có thể-thôi miên toàn bộ 20 triệu dân miền Nam thời bấy giờ?.
Ông Phạm đình Túc đã đem hết tâm huyết, tấm lòng, và khả năng để xứng danh Tổ Tiên, không những cho một dòng họ Phạm, mà ba dòng họ PHẠM, họ NGUYỄN, và họTRẦN.
Tôi xin kết luận bài viết này bằng câu đối thờ trên mộ ông Phạm nhữ Dự:
Trời Đất Thuở Này Hoàn Vật Cũ
Nước Non Muôn Thuở Rạng Công Xưa
Xin cảm ơn các bạn đọc.
28-4- 2018
Phạm đào Nguyên -

Khi viết bài này vừa xong, tình cờ tôi đọc một bài báo ở trang ĐàNẳng online, http://www.baodanang.vn/
…/201707/hai-ngoi-mo-co-o-que-son-…/
Do ông Lê Thí viết. Bài “Hai Ngôi Mộ Cổ” một ngôi ở làng Đồng Tràm của ông Phạm nhữ Dực, và một ở làng Hương Quế của ông Phạm nhữ Tăng. Mộ ông Phạm nhữ Dực bị đập phá hoang tàn? Đây là sự thật ư?
Năm 1990, vài người gặp tôi nói rằng, có một số mộ phần của họ Phạm ở làng Đồng Tràm, chỉ vì có tên ông Phạm đình Túc phụng lập, đã bị một số người quá khích đập phá đổ nát vì ông Túc theo Ngụy.
Năm 2016, tôi có trực tiếp hỏi các em họ tôi là Nguyễn Kim Tuấn, và Nguyễn văn Tiến, là có đúng sự thật như thế không, thì chính miệng Kim Tuấn nói là họ đồn nhảm chứ làm gì có? Thế mà bây giờ trên báo tôi mới thấy là thật. Tấm bia và thành mộ bị đập tan hoang. Tấm bia bị đập không hết, chị bể hết một bên.
Xây mộ là cử chỉ, là nghiã cử tỏ lòng Nhớ ơn, Biết ơn, và Cảm ơn Tiền Nhân, Tổ Tiên, chứ người lập mộ nào có tội tình gì mà qúy vị đập phá đến nỗi hoang tàn như vậy?
Xin hãy đối xử với người sống cũng như người chết bằng tình người, bằng thương yêu, và bằng sự tôn trọng, trong tình đoàn kết. Xin qúy vị đừng đem chính trị vào văn hoá thờ cúng tổ tiên, tạo ra hành vi phá hoại, để lại sự đau lòng không những cho con cháu, những người sống và cả Tổ Tiên những người đã chết.
Ngôi mộ hay ngôi Nhà Thờ chỉ là biểu tượng của YÊU THƯƠNG, TÔN KÍNH, BIẾT ƠN VÀ CẢM ƠN. Xin nhớ cho rằng, ông Phạm đình Túc thời kỳ làm mộ không làm chính quyền, không có quyền và cũng không có thế, và bị chính quyền Sàigòn bắt trói đem bỏ tù ban đêm năm 1957.
Thế gian là vô thường, xin qúy vị phải biết tôn trọng mình, và tôn trọng người ngay cả người chết trong việc xử thế. Có như vậy thì mới có thể xây dựng một Việt Nam trường tồn, hùng mạnh và phú cường. Xin cảm ơn ông Lê Thí viết bài Hai Ngôi Mộ Cổ, đưa ra một hình ảnh đau lòng, và hình như tôi còn nhớ là ông Phạm nhữ Dực là con thứ năm của ông Phạm Ngũ Lão, còn ông Phạm nhữ Tăng là cháu bốn đời của ông Phạm nhữ Dực? Tôi không dám mạo muội viết vào đây, nên xin để dấu chấm hỏi. Dù đúng hay sai tôi xin cảm ơn ông Lê Thí đã đưa lên bức hình đau lòng, sự thiếu sót bỏ quên của con cháu, gia tộc, và các vị có trách nhiệm.
.
Phạm Đào Nguyên

Không có nhận xét nào: