Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Bàn về chuyện "đi ngoài" và sức khỏe - BS Hồ Ngọc Minh

Trước đây, tôi có viết một bài y khoa với tựa đề “Xem phân định bệnh”. Tuy nhiên, gần đây có nhiều kiến thức mới liên quan đến tầm quan trọng của những vi khuẩn tốt sống trong đường ruột. Vì thế, bài viết nầy để bổ sung thêm cho đề tài “Xem phân định bệnh”.
<!>
Chuyện đi ngoài là hoạt động rất cơ bản của đời sống con người. Cho dù sự thật là ai ai cũng phải… đi, nhưng đây là đề tài khá tế nhị, ít ai muốn nói đến. Gần đây, càng nhiều người muốn biết thêm về vấn đề này, ví dụ, mấy lần là bình thường, giả sử không được đều hòa thì có tai hại gì không, và làm cách nào để thay đổi thói quen, hay thành phần, chất lượng của phân, phản ánh tình trạng tốt của sức khỏe?
Khoảng cuối thập niên 1980s, Giáo Sư Ken Heaton, Anh Quốc, đưa ra một nghiên cứu cho biết, 99% đi ngoài từ ba lần mỗi ngày cho đến ba lần mỗi tuần đều kể là bình thường. Trong khi đó, đa số đi ngoài một lần mỗi ngày; tuy gọi là đa số, nhưng chỉ chiếm khoảng 40% mà thôi.
Thật ra, theo phản xạ tự nhiên, vẫn còn tồn tại trong các loài động vật, một khi có thức ăn vào trong bao tử, hệ thống đường ruột dưới sự chi phối của hormone sẽ làm việc và đẩy chất phế thải ra ngoài, phía dưới. Với một người bình thường, nghiên cứu cho thấy trung bình tốn khoảng 8 tiếng đồng hồ để thức ăn đi từ đầu này đến đầu kia. Tuy nhiên từ khi loài người biết đi, song song với tiến trình của văn minh, văn hóa, xã hội, phản xạ nầy được kiềm chế xuống một lần mỗi ngày hay ít hơn.
Thành phần chính của phân người là nước, chiếm khoảng 75% trọng lượng. Phần còn lại là chất bả, 50% vi khuẩn cùng với các tế bào chết của đường ruột cũng như thức ăn thừa không tiêu hóa được.
Nói riêng về vi khuẩn ký sinh trên thân thể và đường ruột, tỷ số vi khuẩn nhiều hơn là tế bào của cơ thể khoảng 1.3 lần. Có nghĩa là, tế bào của cơ thể chỉ chiếm 43% tổng số 3..8 triệu tỷ ( 13 con số không) tế bào. Từ trong ra ngoài, khắp nơi trên cơ thể, có đủ loại vi khuẩn, siêu vi khuẩn, và các loại nấm sống ký sinh. Một số vi khuẩn có thể là độc nếu sinh sản quá độ khi môi trường bị mất cân bằng, tuy nhiên, hầu hết các vi khuẩn có tác dụng giúp đỡ cho cơ thể chống lại bệnh tật, hấp thụ dinh dưỡng.
Một phần vi khuẩn do cơ thể thu thập được từ môi trường sống chung quanh, nhưng phần lớn, số vi khuẩn “gieo giống” đầu đời khi em bé được sanh qua cửa mình của người mẹ. Có thể vì vậy, em bé được sanh mổ trên lý thuyết, yếu hơn là được sanh tự nhiên, dễ bị một số bệnh như hen suyễn, dị ứng chẳng hạn.
Sau khi sanh, tổng sản lượng vi khuẩn tiếp tục gia tăng khi em bé được cho bú sữa mẹ hay tùy theo thức ăn được nuôi dưỡng. Một khi ta tới tuổi biết nhai và ăn đồ ăn bình thường thì tổng sản lượng vi khuẩn đã đạt đến mức độ cao nhất của một người lớn bình thường.
Tùy mỗi nơi trên cơ thể, mật độ cũng như thành phần vi khuẩn cũng khác nhau. Riêng về vi khuẩn đường ruột, chúng giúp cho ta tiêu thụ đồ ăn, tăng chất bổ hấp thụ được, và bảo vệ cho cơ thể không bị nhiễm khuẩn độc, cũng như tăng cường hệ thống miễn nhiễm, đề kháng của cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi mất cân bằng trong môi trường vi khuẩn tốt của đường ruột sẽ dễ tăng bệnh béo phì, bệnh tiểu đường, cao huyết áp, thậm chí cả các bệnh tâm thần, bệnh tự kỷ.
Thức ăn của chúng ta ăn vào có ảnh hưởng đến mật độ và thành phần vi khuẩn trong đường ruột. Ví dụ, đồ ăn có chất xơ, thực phẩm lên men như dưa muối, chất béo, đường thật và cả đường giả đều có ảnh hưởng đến vi khuẩn và cuối cùng chi phối tình trạng sức khỏe của chính chúng ta.
Các nghiên cứu gần đây còn cho thấy khi ăn các loại thức ăn có nhiều chất xơ, các vi khuẩn đường ruột sẽ tiết ra các chất hormone làm cho ta biết no, và bớt ăn lại. Một nghiên cứu khác cho thấy, khi uống thuốc trụ sinh, vi khuẩn bị hủy diệt, làm thay đổi mùi vị khi ta nếm thức ăn, khiến ta thích hay không thích một số thắc ăn nào đó, làm ảnh hưởng đến cân lượng của cơ thể.
Một số trường hợp, để “gầy giống” môi trường vi khuẩn đường ruột, phải cần đến cấy ghép phân. Có nghĩa là, phân của người mạnh khỏe, được bơm vào hậu môn và trực tràng của người nhận phân. Thoạt nghe thì có vẻ không thanh tao cho lắm, nhưng đây là phương pháp chữa trị tốt nhất để chữa rất nhiều bệnh kể cả bệnh nhiễm trùng ruột già, bệnh tiểu đường, và cả bệnh họai thần kinh multiple sclerosis.
Trong khi chờ đợi một ngày kia ta có thể mua “phân tốt” ở ngoài siêu thị để về xài, ta có thể tăng cường phẩm chất của phân cũng như tình trạng vi khuẩn tốt của đường ruột bằng cách ăn uống lành mạnh hơn.

Không có nhận xét nào: