Họ đều được sinh ra trong những gia đình giàu có và quyền lực, được dạy dỗ để trở thành nhà lãnh đạo. Nhưng họ lại đi theo 2 con đường hoàn toàn khác nhau.
Họ đều đã chạm tới những nấc thang quyền lực cao nhất, một người là tổng thống Mỹ, người kia là công tố viên đặc biệt được bổ nhiệm để điều tra tổng thống có cấu kết với Nga trong cuộc bầu cử 2016 hay không. Họ ăn mặc chỉnh tề hơn những người xung quanh, đầu tóc ngay ngắn. Họ đều giành được sự trung thành một mực từ những người ủng hộ. Họ đều học những trường dự bị đại học hàng đầu, giỏi thể thao và đậu các đại học Ivy League danh giá nhất nước Mỹ. Hơn nữa, cả hai đều bị tác động mạnh bởi cái chết của một người họ kính trọng.
<!>
Thế nhưng, Robert Swan Mueller III và Donald John Trump, 2 người sinh cách nhau chỉ 22 tháng cùng ở thành phố New York, cũng dường như đến từ 2 thế giới khác nhau. Mueller lịch sự, kiệm lời, còn Trump bặm trợn, nóng nảy.
Vào những thời điểm quyết định trong cuộc đời, họ đi theo 2 con đường khác nhau, khi họ đều là những chàng sinh viên trong một thế hệ phải đối diện với cuộc chiến tranh ở Việt Nam xa xôi. 2 chàng trai tham vọng này đã phải quyết định xem sẽ đặt sức lực của mình vào đâu.
Giờ đây, khi họ không tránh khỏi một cuộc chạm trán quyền lực mà hậu quả có thể càng chia rẽ người Mỹ, và làm lung lay ghế tổng thống, Trump, 71 tuổi và Mueller, 73, vẫn giống như con người của họ trong suốt cuộc đời. Trong khi tổng thống nổi điên về cuộc điều tra ông gọi là “cuộc săn phù thủy” và xả cơn giận trước đám đông người ủng hộ, công tố viên đặc biệt vẫn im hơi lặng tiếng, thay lời nói bằng các cuộc thẩm vấn và lệnh truy tố.
Sau nhiều tháng, cuộc chạm trán đã tới gần giữa Mueller và Trump, một người được phong là anh hùng chiến tranh, người kia trốn nhập ngũ. Họ đều dậy sớm, làm việc cả ngày trong văn phòng, và họ đều xả stress trên sân golf. Họ theo dõi động tĩnh của nhau từ xa. Cố vấn của họ thi thoảng nói bóng gió về một cuộc gặp trực tiếp, nhưng chưa chắc chắn. Vì vậy, họ đi tiếp con đường riêng của mình, Trump luôn lớn tiếng, Mueller lại thầm lặng. Không ai biết hồi kết sẽ thế nào.
Mueller xuất thân trong gia đình quyền quý thuộc tầng lớp WASP (người Anglo-Saxon da trắng theo đạo Tin lành, được coi như nhóm quý tộc lâu đời nhất ở Mỹ) giờ gần như không còn tồn tại. Những gia đình này gửi con vào các trường dự bị đại học ở vùng đông bắc do nhiều thế hệ cha ông giàu có lập nên.
Cha của Mueller là giám đốc của DuPont, thuộc một gia đình có chỗ đứng trong tầng lớp giàu có trên cả nước Mỹ. Mueller lớn lên ở Princeton, bang New Jersey, và ngoại ô Philadelphia, theo học ở trường nam sinh St. Paul ở New Hampshire, nơi mà những gia đình dòng dõi giàu có nhất ở Mỹ lúc đó như Astor, Vanderbilt và Mellon gửi gắm con trai. Mueller trở thành đội trưởng của đội bóng đá, hockey và bóng vợt. Ông chơi hockey với John. F. Kerry, ngoại trưởng Mỹ tương lai, và một trong ba cựu học sinh của St. Paul sau này tranh cử tổng thống.
Mueller là tấm gương cho một hình mẫu có tên “học sinh Công giáo cường tráng” ở các trường dự bị hàng đầu, tức các nam sinh vừa khỏe mạnh vừa “tốt bụng, tôn trọng người khác và có đạo đức”, Maxwell King, 73 tuổi, bạn cùng lớp với Mueller ở St. Paul. “Bob được quý mến trong lớp. Cậu ấy được nhận xét là người luôn nghĩ cho người khác trong đội và luôn gương mẫu”.
King, cựu biên tập viên của báo Philadelphia Inquirer và quản lý một quỹ từ thiện, nói Mueller “có tính hài hước, nhưng cậu ta không khôn lỏi. Cậu ta nghiêm túc, nhưng theo một cách khiến mọi người quý mến và thích gần”.
Mueller ngay từ đầu đã luôn gương mẫu. Một lần, một nhóm học sinh tụ tập, và một bạn đã nói xấu bạn khác không có mặt ở đó. “Bob nói cậu ấy không muốn nghe điều đó”, King kể với Washington Post. “Thực ra, chúng tôi cũng thường nói lời xúc phạm trước mặt nhau. Nhưng nói về một người không có mặt khiến Bob không hài lòng, nên cậu ấy nói thẳng và bỏ đi”.
Ở Đại học Princeton, nơi cha ông từng học, Mueller gia nhập một hội kín gồm các sinh viên thường ăn uống cùng nhau, và các bạn thấy cậu thường chơi bài bridge gần lò sưởi củi trong phòng khách. Mueller định học trường Y, nhưng một bạn học kể lại, Mueller chật vật với hoá hữu cơ. Mueller đầu hàng môn này và nhận ra mình sẽ không trở thành bác sĩ.
Vài tuần sau khi Mueller học xong Princeton chuyên ngành chính trị năm 1966, cậu nhập ngũ Thuỷ quân lục chiến, lựa chọn hiếm hoi với người tốt nghiệp Ivy League trong bối cảnh các thanh niên khác bảo nhau cách trốn nghĩa vụ. Mueller từ chối phỏng vấn của báo Washington Post, và thường nói động lực để nhập ngũ là đồng đội trong đội bóng vợt David Hackett, người tốt nghiệp Princeton trước ông một năm và rời nhà sang Việt Nam chiến đấu.
"Khi tốt nghiệp, chúng tôi ... khó xử trước cuộc chiến đang diễn ra ở Việt Nam", Mueller nói trong một bài phát biểu năm ngoái. "Khi một nhóm bạn của Hackett gia nhập Lính thuỷ đánh bộ vì ông ấy, tôi cũng làm theo". Tháng 4/1967, khi Hackett dẫn một trung đội vào giải cứu những lính thuỷ đã ngã xuống, Hackett trúng đạn vào sau đầu. Mueller tới ngày nay vẫn nói cái chết của Hackett là một bước ngoặt thúc đẩy ông theo đuổi một sự nghiệp có ích cho xã hội.
Trước khi huấn luyện cho quân đội, trong khi chờ khỏi chấn thương đầu gối, Mueller học quan hệ quốc tế ở Đại học New York. Sau đó, cậu bắt đầu huấn luyện sĩ quan ở Quantico, Virginia, và đạt nhiều điểm cao dù bị D môn giao phó nhiệm vụ. Mueller tiếp tục học trường biệt kích và trường không quân. Ông đã học nhiều khóa huấn luyện hơn người bình thường, báo hiệu một tương lai rộng mở.
Tới tháng 11/1968, ông đã dẫn đầu một trung đội súng trường chiến đấu trong các cánh rừng Việt Nam.
Giống Mueller, Trump lớn lên trong nhung lụa. Gia đình ông có đầu bếp và lái xe riêng, nhưng chưa hề coi mình thuộc tầng lớp cai trị ở Mỹ. Họ mang dòng máu nhập cư, đến từ Đức và Scotland, là những doanh nhân cứng cỏi chinh phục những vùng đất mới bằng hàng loạt các khoản đầu tư nhà hàng, khách sạn và bất động sản.
Cha của tổng thống Mỹ, Fred Trump, tự làm nên gia tài cho mình nhờ xây nhà ở cho các công nhân và công chức ở các quận xung quanh New York. Ngay cả sau khi tạo được chỗ đứng trong số các công ty xây dựng lớn nhất New York, Fred Trump vẫn luôn chân luôn tay, đưa cậu bé Donald đi theo vào những buổi cuối tuần, gõ cửa từng nhà ở Khu phố Trump ở Brooklyn để thu tiền thuê nhà.
Donald Trump lớn lên ở một dinh thự cổ 23 phòng ở Queens, với chiếc limo hiệu Cadillac đậu trước cửa. Từ mẫu giáo trở đi, ông đã được học trường tư. Trump nói với Washington Post năm 2006 ông dành hết tâm trí vào “bày trò nghịch ngợm, vì chẳng hiểu sao, tôi thích trêu mọi người và thử họ… không phải vì ác ý, mà là nghịch ngợm”.
Lên lớp 2, cậu học sinh Trump đấm vào mặt giáo viên âm nhạc. Cậu thường xuyên bị kỷ luật. Trước năm học lớp 8, cha cậu chuyển cậu sang trường của quân đội.
Ở Học viện Quân đội New York, nổi tiếng nghiêm khắc tới mức một học sinh đã nhảy xuống sống Hudson bên cạnh để chạy trốn, Trump lại xếp loại tốt. Mặc dù giờ đây cậu ăn trong nhà ăn thay vì được đầu bếp gia đình phục vụ bò bít tết, và mặc dù ngủ trong doanh trại thay vì phòng riêng trong biệt thự, Trump lần đầu tiên tự hào về điểm số của mình. Cậu được khen thưởng vì ngăn nắp và nề nếp. Cậu cũng gây chú ý vì thường khoe của cải gia đình và khoe “một ngày nào đó tôi sẽ nổi tiếng”.
Trump ganh đua để trở thành đội trưởng và thích ra lệnh. Cậu ra lệnh đánh vào mông một học viên khác vì làm hỏng hàng ngũ. Một lần khác, trong khi kiểm tra ký túc xá, Trump thấy học viên Ted Levine chưa gấp chăn gối, cậu nổi khùng, rút tấm ga giường vứt xuống sàn, Levine kể lại. Levine ném chiếc giày tập vào Trump và đánh lại với cái chổi. Trump điên tiết, tóm lấy Levine và cố đẩy bạn mình ra ngoài cửa số tầng 2.
Trump được sự kính nể của các học viên nam khác, những người đều nói họ không muốn làm Trump thất vọng. Trump bày nhiều trò vui cho họ, tự làm một buồng nhuộm da ngay trong ký túc xá, mời được các cô gái xinh đẹp về trường, và dẫn dắt tuyển bóng chày giành chiến công.
Nhưng những học viên khác nói Trump trù dập những người không theo ý của mình. Trong năm lớp 12, sau khi một học viên do Trump quản lý đẩy một học sinh mới vào tường vì không đứng nghiêm ngay lập tức, Trump bị đình chỉ nhiệm vụ, theo lời kể của Lee Ains, học sinh bị đẩy.
Nhưng Trump lại phủ nhận việc bị giáng chức, mà nói ông thực ra được lên chức. Sau đó Trump được phụ trách đội diễu hành ngày lễ Columbus ở New York. “Nếu đúng thế thì sao tôi còn được làm như vậy”, Trump nói với Washington Post năm 2016.
Chiến trường ở Quảng Ngãi hiểm trở và khốc liệt như một cối xay thịt là nơi lính Mỹ đã giành giật nhiều năm trời, chiếm rồi lại bỏ các căn cứ, trong chiến dịch dai dẳng nhằm cắt tuyến chi viện cho miền Nam.
Năm này qua năm khác, dãy núi nằm giữa vùng phi quân sự chia cắt Bắc – Nam này chứng kiến sự giết chóc thảm khốc.
Ngày 11/12/1968, Mueller chỉ huy một trung đội lính thủy đánh bộ chiến đầu 8 tiếng xung quanh các cứ điểm và boong-ke của đối thủ đang “dội hỏa lực khủng khiếp vào lính của Mueller bằng súng, vũ khí tự động và súng phóng lựu”, theo một ghi chép của Thủy quân lục chiến Mỹ.
Trong chiến đấu, Mueller dẫn một nhóm lính qua địa hình đầy khói lửa để giải cứu một đồng đội khác bị thương gần chết. Mueller được trao tặng huân chương Sao Bạc hạng ‘V’ dành cho lòng dũng cảm trên mặt trận, và được thăng chức lên trung úy.
Năm chiến đấu ở Việt Nam là bước ngoặt với Mueller, theo bạn bè của ông. “Anh ấy không bao giờ nhắc tới sự kinh hoàng hay những gì anh ấy trải qua”, theo Thomas B. Wilner, một người bạn lâu năm, luật sư ở Washington.
Một người bạn lâu năm nói sau Việt Nam, Mueller thay đổi từ “một chàng trai tốt bụng, dễ tính, giỏi thể thao” thành “một người có tinh thần thép như ngày nay”. Nhưng Mueller không nói về những năm tháng chiến đấu đáng sợ trong rừng. “Đó là tính của anh ấy, không thích khoe khoang về bản thân mình”.
Nước Mỹ gần như đang tan rã. Ở Đại học Pennsylvania, nơi Trump chuyển tiếp sau 2 năm ở Đại học Fordham ở New York, các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam đang lớn hơn và đầy phẫn nộ. Có những buổi tọa kháng, thắp nến cầu nguyện, và tuần hành phản đối việc đại học hợp tác với quân đội, giữa một thế hệ mới chống lại chiến tranh, phân biệt chủng tộc, lệnh giới nghiêm hay các kiểu ăn mặc cũ.
Trump thờ ơ với tất cả. Cậu sinh viên này cũng không để tâm tới học hành, các bạn học kể lại. Cậu dành nhiều thời gian vào việc kinh doanh nhà đất của cha hơn là ở trên trường. Ông nói ông bỏ nhiều thời gian rảnh tìm mua nhà quanh trường để có thể cho sinh viên thuê.
Trump chưa bao giờ đốt giấy gọi nghĩa vụ quân sự như ngôi sao quyền anh Muhammad Ali, nhưng ông cũng chưa hề nhập ngũ. Ông tìm cách hoãn nghĩa vụ 5 lần từ 1964 tới 1968, 4 lần nhờ đang theo học đại học và 1 lần do sức khỏe không đạt.
Trump nói ông bị gai xương ở gót chân. Tuy nhiên khi tranh cử, Trump lại không nhớ nổi mình bị ở chân nào. Sau này, chiến dịch tranh cử lại nói ông bị ở cả 2 chân. Trong một dịp khác, họ lại nói ông hoàn toàn đủ sức khỏe để nhập ngũ và “nếu được gọi thì sẽ đi”.
Mueller dành 2 thập kỉ đầu tiên của nghề luật sư để truy tố tội phạm. Ông là công tố viên ở San Francisco và Boston. Ở Washington, ông đứng đầu Vụ Hình sự của Bộ Tư pháp, dưới thời Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha), phụ trách các vụ án được chú ý nhiều như vụ truy tố độc tài Panama Manuel Antonio Noriega hay vụ khủng bố chuyến bay Pan Am 103.
Nhưng tới năm 1995, ông còn sung túc hơn trong vị trí luật sư tranh tụng có lương 400.000 USD/năm ở văn phòng Washington của công ty luật Hale & Dorr. Nhưng ông không cảm thấy hạnh phúc.
“Anh ấy ghét công việc đó”, Wilner, bạn lâu năm của Mueller, nói với Washington Post. “Anh ấy khó chịu vì phải bào chữa cho những người mà anh ấy nghi có tội… và Bob không ngần ngại bỏ công việc lương ngất trời đó… để làm việc khác mà anh ta cho rằng sẽ giúp ích cho cuộc đời”.
Vì vậy một ngày, Mueller nhấc máy gọi công tố viên liên bang của thủ đô Washington D.C., Eric Holder Jr., để xin việc, không phải để làm những vụ tầm cỡ quốc gia, mà là những vụ án mạng ngoài đường phố của thủ đô. Ông không đòi hỏi chức vị hay quyền uy. Ông nói với Holder ông cảm thấy kinh hãi trước làn sóng giết người ở Washington D.C., điểm nóng của cả nước Mỹ khi đó, và ông chỉ muốn truy tố những vụ án mạng.
“Tôi thấy khó hiểu,” Holder nhớ lại. Ông nhắc Mueller rằng tới làm việc ở văn phòng “3 đồng 5 xu” – vì địa chỉ là số 555 đường số 4 NW – đồng nghĩa lương của Mueller sẽ chỉ còn 25% mức lương hiện tại. Thủ đô D.C. bị cơn đại dịch ma túy đá kèm 400 vụ án mạng mỗi năm, là cơn ác mộng của các công tố viên, những người phải chống chọi với các vụ án chất đống và các nhân chứng sợ hãi không dám khai báo.
Mueller nói ông biết rõ công việc mình đang xin. Holder nhận Mueller về làm việc, và sau này giao cho ông đứng đầu bộ phận án mạng. Tuy vậy, ngày qua ngày, Mueller chỉ như là “một chuyên viên bình thường”, Holder nói. “Anh ta luôn đích thân đến những khu ở Washington D.C. chịu đau thương nhất do bạo lực… Anh ta luôn tự đi phỏng vấn ở hiện trường, tới nhà người dân để thu thập tự liệu, cộng tác với cảnh sát bám đường phố”.
Ông cảm thấy tự hào khi trả lời điện thoại “Phòng Án mạng, Mueller đây!”.
“Tôi yêu thích mọi mặt của việc điều tra”, Mueller nói nhiều năm sau khi trả lời phỏng vấn tạp chí của Trường Luật Virginia, nơi ông lấy bằng luật. “Tôi thích pháp y. Tôi thích vân tay, vỏ đạn và đại loại như thế”.
Ông dẫn đầu truy tố các vụ nổi tiếng như vụ 3 nhân viên quán cà phê Starbucks bị sát hại dã man ở Georgetown. Cảnh sát D.C. ngần ngại, nhưng Mueller mời một đặc vụ ngôi sao của FBI giúp điều tra. 3 năm sau vụ giết người, thủ phạm ở D.C. lãnh án chung thân.
“Nếu không nhờ Mueller, vụ đó chắc đành chịu”, theo James Trainum, thám tử án mạng lâu năm cùng điều tra vụ đó với Mueller. “Ông ta chèo lái cuộc điều tra một cách khéo léo, không ồn ào”.
Mueller thường nói làm việc gì cũng không quan trọng bằng “làm như thế nào”. Ông nói trước sinh viên sắp tốt nghiệp năm 2013: “Các bạn chỉ giỏi giang như lời nói của các bạn mà thôi. Các bạn có thể thông minh, táo bạo, lưu loát và đanh thép, nhưng nếu không trung thực, uy tín của các bạn sẽ chết, và khi đã mất thì không bao giờ lấy lại được”.
Trump quyết tâm vươn xa hơn lãnh địa bất động sản của cha mình ở vùng ven New York để làm lớn ở quận trung tâm Manhattan. Ông không đủ kiên nhẫn và thời gian để leo từng nấc thang một. Ông tin vào những bước nhảy vọt táo bạo, kể cả phải phá vỡ quy tắc hay luật lệ.
"Tôi đánh bóng tên tuổi của mình chủ yếu nhờ táo bạo", ông viết trong cuốn "Trump: Nghệ thuật Đàm phán". "Tôi đánh vào sự mơ mộng của con người. Người ta có thể không suy nghĩ lớn, nhưng họ vẫn thích những người suy nghĩ lớn. Cho nên tôi nói quá một chút cũng chẳng sao".
Lẽ ra anh trai của Trump, Fred Jr., là người kế thừa cơ nghiệp gia đình. Nhưng Freddy, tính tình hiền hoà và theo Donald là không đủ mạnh mẽ để thành công, luôn không đạt được kì vọng của cha. Năm 1981, ở tuổi 43, Fred chết vì đau tim sau nhiều năm nghiện rượu. Donald rất mực yêu quý anh, và quyết tâm sẽ không bao giờ uống rượu để ghi nhớ bài học từ cái chết của Freddy: "đề phòng 100%... cuộc đời là một chuỗi tranh giành chỉ có thắng hoặc thua. Không thể để người khác làm nhục mình".
Trái ngược với anh trai, Donald sẵn sàng làm mọi thứ để thành "kẻ chiến thắng", như cha ông luôn kỳ vọng. Khi thực hiện dự án khách sạn đầu tiên năm 1976, Trump thuyết phục một phóng viên New York Times mô tả ông là một "nhà xây dựng lớn ở New York" mặc dù ông chưa xây được gì và chưa kêu gọi được đầu tư.
Ông cũng rất hay "nổ" về quan hệ với các lãnh đạo. Trong những năm 1970, khi muốn mua Trung tâm Thương mại Thế giới, Trump ăn trưa với Peter Goldmark, giám đốc Port Authority ở New York, cơ quan sở hữu toà tháp đôi. Goldmark kể lại Trump doạ "ông không giữ ghế được lâu đâu nếu Thống đốc Hugh Carey phát hiện ông không làm điều mà ông nên làm. Tôi có nhiều quan hệ ở Albany lắm". (Albany là thủ phủ bang New York.)
Goldmark nói ông không muốn thảo luận gì sau đó nữa. Trump phủ nhận lời kể của Goldmark "tôi có ăn nói kiểu vậy đâu".
Tài gây chú ý của Trump có lúc đã khiến các quan chức xấu hổ và phải nhượng bộ. Khi các quan chức thành phố New York muốn phản đối ưu đãi thuế cho Trump tổ chức họp báo bên ngoài khách sạn Commodore đã đóng cửa, Trump xuất hiện và đe doạ sẽ bỏ dự án nếu thành phố không ưu đãi thuế.
Trump chuẩn bị cho màn kịch đó bằng cách chỉ đạo thợ xây của ông thay thế các tấm ván che cửa sổ của khách sạn với các tấm gỗ phế thải, khiến công trình đã cũ trông còn thảm hại hơn. Màn kịch đó đã kết thúc như mong đợi, ông được ưu đãi thuế.
Sau khi Mueller làm công tố viên liên bang ở San Francisco một thời gian, Tổng thống George W. Bush (Bush con) đề bạt ông làm giám đốc FBI. Ông nhậm chức ngày 4/9/2001, một tuần trước khi 2 máy bay lao vào toà tháp đôi.
Trong 12 năm tiếp theo, trong cả chính quyền Dân chủ lẫn Cộng hòa, Mueller đưa FBI qua thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử. Cục Điều tra này chuyển hướng từ cơ quan thực thi pháp luật nội địa, tập trung các tội hình sự, thành tổ chức tình báo toàn cầu có sứ mệnh chống khủng bố.
Mặc dù mối đe dọa khủng bố ngày càng nhiều, Mueller quyết tâm không hi sinh quyền tự do cá nhân của người Mỹ, theo những người từng làm việc cho ông. "Ông ấy không để các đặc vụ FBI thời hậu 11/9 sử dụng các chiêu thức không phù hợp luật pháp và giá trị của nước Mỹ", theo Holder. Holder chính là sếp của Mueller lần thứ 2 vì ông là Bộ trưởng Bộ Tư pháp dưới thời Obama.
Mueller lúc nào cũng làm việc, đi từ nhà ở Georgetown tới trụ sở FBI trong chiếc xe SUV màu đen trước 6 giờ sáng và về nhà rất muộn. Ông luôn mặc “đồng phục” kinh điển của FBI: áo vest sẫm màu, cà vạt đỏ hoặc xanh và áo sơ mi trắng - luôn là áo trắng.
"Ông ta không bao giờ mặc áo sơ mi xanh", Wilner nói. "Ông ta chỉnh tề lắm, luôn mặc áo trắng. Ông ta nghiêm nghị tới nỗi nhiều khi làm tôi bực mình... vì ông ấy biết mình là người nổi tiếng và không muốn điều gì ảnh hưởng tới sự thanh liêm của mình, kể cả áo sơ mi xanh".
Xung quanh văn phòng FBI, một số người gọi ông là "Bobby 3 cái que", ý nói số III La mã ở cuối tên ông và kiểu chào của hội nam thiếu niên Boy Scouts với 3 ngón tay. Nhưng không ai dám nhắc tới biệt danh đó trước mặt ông, các cựu quan chức Bộ Tư pháp cho biết.
Mueller luôn tránh ánh nhìn của dư luận. Ông khiến người viết diễn văn phải vất vả khi gạch hết các chữ "tôi" trong bài phát biểu họ viết. Ông nói với họ ông "phát biểu không phải về tôi, mà là về tập thể".
Trong lúc Mueller cặm cụi làm việc trong hệ thống chính quyền, và được lòng mọi người nhờ tránh sự chú ý, Trump nhảy vào hết các lĩnh vực, từ sòng bạc tới bò bít tết tới giáo dục và cuối cùng là chính trị. Điểm chung duy nhất trong sự nghiệp của Trump là cái thương hiệu mang tên ông.
Dường như trên mọi khía cạnh từ việc nhà cho tới việc nước, hai người đàn ông này đều trái ngược. 3 tháng sau khi tốt nghiệp đại học, Mueller cưới bạn gái của mình, Ann Standish. Hai người gặp nhau năm 17 tuổi, và có 2 con gái, nhưng một cô bị mắc tật nứt đốt sống, và có thời kỳ Mueller làm việc ở phòng công tố Boston để gần nơi con gái chữa bệnh.
Mueller đã yêu cầu các phóng viên không viết về đời sống gia đình. Còn Trump từ hàng chục năm đã tìm cách để các cuộc tình của ông được lên báo lá cải, và kể lại chuyện hẹn hò và chăn gối của chính mình với phát thanh viên Howard Stern.
Trump có 5 người con với 3 người vợ. Không người con nào lớn lên trong hưởng thụ. Cũng giống cha mình, Trump tạo khoảng cách với các con khi chúng còn nhỏ, nhưng gần gũi hơn khi chúng đủ trưởng thành để học hỏi công ty gia đình và đi gặp khách hàng với ông.
Mueller là người ủng hộ Đảng Cộng hòa, đã làm việc cho chính quyền của cả 2 đảng, còn Trump lớn lên trong gia đình Cộng hòa, và cha ông thường tới thăm các hội Dân chủ ở Brooklyn, tạo quan hệ với các chính khách có thể giúp ông trong các dự án xây dựng.
Hơn 40 năm, Trump đùa giỡn với ý tưởng bước vào chính trường. Ông thay đổi đảng phái 7 lần trong giai đoạn 1999-2012. Một lần, khi được hỏi trên TV tại sao ông lại theo đảng Cộng hòa, Trump nói "tôi cũng không biết".
Ngày 21/6/2013, Obama tuyên bố James B. Comey sẽ thay Mueller làm giám đốc FBI. "Giống như một lính thủy đánh bộ mà ông từng làm, Bob chưa bao giờ lơ là nhiệm vụ", Obama nói. "Bob khiêm tốn tới mức hầu hết người Mỹ không nhận ra ông, nhưng cuộc sống chúng ta tốt đẹp hơn nhờ sự tận tụy của ông".
4 năm sau, tháng 5 năm ngoái, tân tổng thống Mỹ mời Mueller trở lại Nhà trắng. Trump đã đột ngột sa thải Comey và bây giờ, theo đề nghị của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, Mueller tới để trao đổi về vị trí giám đốc FBI mà ông từng đảm nhiệm.
Mueller và Trump nói chuyện khoảng 30 phút, theo một người biết về cuộc phỏng vấn. Đó là một cuộc nói chuyện thân thiện, nhưng dường như chỉ là hình thức, vì Mueller đã nói rõ ông không muốn nhận lại công việc mình đã làm trong 12 năm.
Trump thích Mueller, người này cho biết. "Ông nghĩ Mueller thông minh và rắn rỏi", mẫu người mà Trump mến mộ hơn cả.
Nhưng cục diện thay đổi chỉ trong vài ngày, khi Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein bổ nhiệm Mueller làm công tố viên đặc biệt để điều tra liệu chiến dịch tranh cử của Trump có cấu kết với Nga hay không. Trump nghe tin và hỏi cố vấn "chẳng phải ông ta vừa ở đây phỏng vấn hay sao".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét