Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

TẤM LÒNG QUÊ VIỆT - Nguyễn Nhơn

Hai thế hệ, ngày Bắc đêm Nam
Một bầy con vong quốc, ngày Hoa Kỳ, đêm Quê Việt
Cuộc hội thảo của Tù nhân chính trị Bắc Cali vừa qua quả có nhiều nước mắt. Tuy nhiên nếu có ai ngồi tưởng lại những ngang trái chánh trị từ 1945 đến nay đã gây đau thương và làm tuôn đổ biết bao nước mắt của nhiều thế hệ thanh niên Việt:

<!>
Nước mắt của thế hệ cha anh, những người kháng chiến miền Nam, vì ngang trái chánh trị phải buộc lòng tập kết ra Bắc.
Nước mắt của thế hệ 1975 đi đày ra Bắc.
Nước mắt của hàng triệu người bỏ nước ra đi khắp phương trời từ 1975 đến nay.
Bao nhiêu nước mắt đó đem đong lại cũng đổ thành sông suối. Còn chất đau thương của những dòng nước mắt ấy xông lên cũng bốc tận trời xanh.

Hai thế hệ Ngày Bắc, Đêm Nam

Thế hệ I: Nhóm nhân sĩ miền Nam tập kết ra Bắc.

Mấy dòng này được viết ra chỉ dành cho những người kháng chiến chân chính của Miền Nam, lâm cảnh lưỡng nan: Không chấp nhận chủ nghĩa CS, lại không muốn mang tiếng “đầu Tây” (đầu hàng giặc Pháp). Cuối cùng đành gạt nước mắt tập kết ra Bắc, sống mỏi mòn cảnh “ngày Bắc đêm Nam”, để rồi chết lần mòn, gửi tấm xương tàn trên đất Bắc. Số rất ít còn lại may mắn hơn, sau 75 được về chết âm thầm ở quê nhà. Những vị này có đủ liêm sỉ, từ ngày về Nam sống lặng lẽ, không hề hở môi nói tiếng gì về chánh trị. Có vị còn đau xót hơn vì bản thân vô quyền, đành nhìn cảnh con cái là sĩ quan cao cấp QLVNCH bị tù đày, chết cô đơn trên núi rừng Việt Bắc, mà bất lực không sao che chở được. Cái nghĩa kháng chiến dành độc lập dân tộc, cảnh ngang trái khổ đau đó, đáng được ghi nhớ, trang trọng.

Chớ còn bọn thất phu “Nam gian” rước VC vào tàn phá miền Nam và mười sáu năm nay a tòng CS áp bức, cướp giựt đồng bào, thì bọn ấy có tưởng gì đến quê nhà miền Nam. Bọn này chỉ đáng nguyền rủa và phỉ nhổ thôi.

Thế hệ II: Trăm ngàn quân chính miền Nam tù đày trên đất Bắc.
Đây mới là trọng tâm của bài viết này. Kể từ tháng 4/76, hai chiếc tàu Hồng Hà và Sông Hương, tức là hai chiếc Nhật Tảo, Trực Lệ của miền Nam trước đây được VC sơn lại tên, liên tục chở tù cải tạo miền Nam ra Bắc.

Nhóm chúng tôi ra đi vào tháng 12/76 trên chiếc tàu Hồng Hà, gồm 2.000 nhân mạng. Một ngàn từ khám Thủ Đức và một ngàn từ trại Long Thành (Biên Hoà). Cả hai ngàn nhân mạng được nhồi nhét vào 2 khoang tàu chật hẹp như bầy súc vật. Tất cả anh em ngồi bó gối, chen vai thích cánh như vậy suốt 3 ngày đêm lênh đênh trên biển. Đặc biệt trong nhóm chúng tôi có cả Đức Cha Nguyễn Văn Thuận. Đức Cha được anh em dành cho hai sự ưu đãi. Thứ nhứt là Đức Cha được dành cho một khoảng trống trước mặt, đủ để đặt bàn tay có đeo nhẫn bằng thiếc do anh em tù làm cho Đức Cha để thay thế cho chiếc nhẫn thụ phong Giám Mục đã bị công an VC tước mất rồi. Anh em tù Công Giáo lặng lẽ lách bò tới đặt tay lên chiếc nhẫn để xin lễ, rồi lách ra nhường chỗ cho anh em khác. Không một ai dám cúi xuống hôn lên chiếc nhẫn phép như thông lệ, vì trên đầu gác chéo 2 khẩu trọng liên RPD, với nhiều cặp mắt CA lom lom theo dõi. Trong khoang tàu chứa một ngàn tù nhân mà chỉ độc có một thùng đi cầu. Trong lúc đó hầu hết anh em ai cũng đau bụng vì say sóng nên lúc nào trên thùng cầu cũng ngồi chễm chệ một vị và trước mặt thì một chuỗi dài đang nối đuôi chờ giải quyết “cái sự đời”. Hoá cho nên Đức Cha lại được anh em dành cho ưu đãi thứ hai là ưu tiên “thượng đài” khi đau bụng.

Mùa đông năm 76 ở nơi gọi là “trại cải tạo trung ương số 1” Lào Cai thật là khắc nghiệt. Ban ngày còn được trên dưới 10 độ C, ban đêm có khi xuống dưới 0 độ C, thế mà từ sáng sớm tù nhân đã phải xua ra khỏi trại vài ba cây số, lặn lội trèo đèo vượt suối đến mấy ngọn đồi trọc đào lỗ trồng sắn. Đất rắn như đá, cuốc tung sỏi bụi mà không xuống lại thêm gió hú vi vút lạnh buốt xương, đôi khi chảy cả máu mũi. Những khi được ngồi nghỉ đỡ mệt, anh em ví von nơi đây là “Đỉnh Gió Hú”. Ban ngày khổ cực là thế, đêm đêm có bao nhiệu áo quần chăn chiếu đều phủ lên người. Thế mà đói lạnh không sao ngủ được, thường là ngồi dựa vách run rẩy cho đến khi mỏi mệt thiếp đi, mơ màng về một miền Nam chan hòa nắng ấm.

Mùa hè năm 78 ở nơi “Trại Tân Lập, mồ chôn cải tạo miền Nam” tỉ lệ tử vong 1 ngày/1 mạng, còn khổ sở hơn. Ở đây ban ngày làm lụng cực nhọc, trên đầu nắng đổ lửa đến nỗi cột kèo bằng tre nứa thỉnh thoảng nứt nổ đôm đốp, lại không đủ nước uống thật là khốn khổ. Đặc điểm của trại này là hầu như chỉ ăn toàn “sắn dui”, mỗi bữa ăn được lưng lửng một chén đá nhỏ xíu. Anh em gọi món sắn băm này là “sắn buồn”. Vì thế mà khi một đợt “chết đói” vào mùa hè 78, đốn gục một lúc hàng trăm anh em, đem chôn khắp đồi sắn K1, K2 Tân Lập. Vụ này gây náo động đến nỗi Bộ Nội Vụ Hà Nội phải cấp tốc gởi 1 phái đoàn y tế xuống thanh sát và họp toàn trại xác nhận là không có dịch tả hoặc ngộ độc, mà chỉ là “suy dinh dưỡng”. Chữ nghĩa “y khoa XHCN” hay ghê!

Mấy dòng này được viết ra cũng để tưởng nhớ các anh em đã vĩnh viễn nằm lại trên núi rừng Trường Sơn. Người “đi không về” đầu tiên ở Trại số 1 mùa đông năm 77 là Đại tá Hồ Đắc Trung, cựu dân biểu đơn vị Tây Ninh. Bác Trung và tôi cùng ra đi từ khám Thủ Đức, cùng được khoá tay chung bằng một đoạn “dây xích chó” vì không đủ còng tay. Mùa đông năm 78 ở trại Tân Lập, Đại tá Nguyễn Văn Của, cựu Tỉnh trưởng Bình Dương, ra đi sau một cơn đau phổi. Thẩm phán Lưu Đình Việp đã nằm lại trên đồi chè Tân Lập trước đó. Nghe nói cụ Vũ Tiến Tuân, cựu chủ tịch Tối cao pháp viện, cũng đã “ra đi” tại trại này. Và còn bao nhiêu anh em nữa không nhớ hết. Đêm hè ở thung lũng Tân Lập cũng gian nan lắm . Bao nhiêu sức nóng ban ngày được mấy ngọn núi xung quanh tích tụ lại, đến đêm tỏa xuống, hấp nóng bầy tù cải tạo đến nghẹt thở. Có anh không chịu nổi, gần suốt đêm đứng mãi mãi bên song sắt, thò mũi ra hít đớp không khí. Những lúc ấy thì thật tha thiết ước mơ về những dòng suối trong lành, dưới rặng trâm bầu mát mẻ ở miền Nam.

Một bầy con vong quốc, Ngày Hoa Kỳ, Đêm Việt Nam

Đã một năm nay rồi, ngày ở Hoa Kỳ, đêm đêm vẫn “thấy” mình điều hành công vụ ở quê nhà, đi công tác bị VC vây bắt. Giật mình tỉnh giấc hồi lâu, nhìn thấy cái lò sưởi lạ lẫm nơi góc phòng, mới biết mình đang ở xứ người. Thậm chí khi đau nặng nằm bệnh viện, nửa đêm vẫn “đi” công tác, bị phục kích, một loạt đạn bắn rát mặt, một viên trúng bụng đau nhói. Giật mình tỉnh dậy, thấy bộ mặt của người nữ điều dưỡng Mỹ đang cúi xem vết mổ nơi bụng, mới nhớ mình đang nằm bệnh viện Mỹ.

Tình cảnh mình chua xót, nhưng được bạn bè thân hữu qua đây trước, an ủi giúp đỡ. Còn chính những anh nầy khi đến xứ nầy năm 75 cũng thật bi đát không kém. Được biết lúc ấy ở đây hầu như chưa có người Việt, chung quanh toàn người Mỹ, thậm chí sponsor cũng người Mỹ. Như thế thì những lúc buồn tủi đâu có ai chia sẻ, đâu biết than thở cùng ai. Vậy sao bầy con Việt lưu lạc xứ người vẫn cứ tị hiềm, chia rẽ?!

Vận nước đang đến hồi hưng thịnh. Bầy chim Việt rồi sẽ hồi xứ. Giấc mơ hồi hương từ 16 năm nay chắc chắn trở thành hiện thực, quí hồ chúng ta biết ngồi lại với nhau, cùng chung lo việc nước.

Và cũng như nàng Scarlett, dẫu trong hoàn cảnh bi đát, lòng vẫn đinh ninh: “Mai ta về…Quê Nam”

Nguyễn Nhơn

Không có nhận xét nào: