Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

Một Người Việt Thầm Lặng - Nguyễn Thanh Hoàng

Trong cộng đồng người Việt ở bất cứ địa phương nào nơi hải ngoại cũng có một số người Việt âm thầm lánh mặt trong bóng tối. Người di dân nghèo thì sống thui thủi trong chung cư bít bùng với hành lang u tối và thang máy cuối ngày đông người, trên sàn còn vứt đầy những cái phiếu chuyển xe buýt. Người giàu thì ngồi nhâm nhi rượu vang trong tháp ngà của những ngôi biệt thự sân cỏ rộng vùng ngoại ô thành phố.  <!>. 
Họ lánh mặt trong các buổi hội họp hội đoàn, các buổi ra mắt sách, các buổi trình diễn nhạc thính phòng, các buổi nói chuyện và quyên tiền, các dịp lễ lạc truyền thống dân tộc, các lễ lạc tôn giáo nơi chùa chiền và thánh đường, các cuộc biểu tình chống Trung Cộng ngang ngược chiếm đảo và xâm lấn lãnh hải Việt Nam, các buổi lễ chào cờ tưởng niệm ngày mất nước Ba Mươi Tháng Tư Bảy Lăm. Sự lánh mặt của họ có nhiều lý do: che đậy một quá khứ có nhiều uẩn khúc hay hành tung bí mật, che giấu những việc làm lén lút phi pháp hiện tại, che đậy hoàn cảnh lục đục và đảo điên của gia đình, mặc cảm thua kém giàu nghèo, khác biệt địa vị xã hội, khác biệt quan điểm chính trị, nhút nhát. Có thể họ từng là một nghiệp chủ giàu có mất hết tài sản và trở thành trắng tay, một tay anh chị nhiều ân oán giang hồ lo sợ bị trả thù, hay một nghệ sĩ thất thời lỡ vận tứ cố vô thân. Họ muốn làm con ốc mượn hồn thu mình trong cuộc sống âm thầm lặng lẽ, hay họ muốn quên bản chất cũ để tan biến vào xã hội mới nơi xứ lạ quê người. Họ không đăng số điện thoại của họ trong điện thoại niên giám để che giấu danh tánh. Họ không muốn ai biết họ là người Việt Nam.  
. 
Trong số những người Việt thầm lặng đó có một người bạn cũ của tôi.  
. 
Tôi gọi anh là một người bạn cũ vì tôi quen biết anh từ lâu lắm rồi. Phải, bốn mươi năm là một quãng thời gian dài; có nhiều cuộc đời còn ngắn hơn thế, nhất là trong thời chiến tranh.  
. 
Tháng 5 năm 1968, giữa lúc những đám cháy của trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân qua nhiều đợt chưa hoàn toàn tàn lụi quanh vùng thủ đô Sàigòn thì tôi nhận được sự vụ lệnh đi tu nghiệp. Trong sự vụ lệnh chỉ có tên tôi và hai người nữa. Một trong hai người đó có cái tên hơi lạ: Hà Kim Giác. Ðến ngày trình diện Trường Sinh Ngữ Quân Ðội thì tôi gặp anh. Anh có dáng người cao lớn khỏe mạnh, mày rậm, râu hàm lún phún và đi đứng oai nghiêm. Chả bù với tôi và anh Nguyễn Công Lập, mảnh khảnh yếu đuối trói gà không chặt.  
. 
Năm ấy, Giác và tôi đều 25 tuổi. Lập 24. Chúng tôi mặc nhiên bầu anh Giác làm trưởng toán. Anh làm trưởng toán cũng xứng đáng vì khả năng Anh ngữ của anh hơn hẳn, Anh dạn dĩ đối đáp với huấn luyện viên người Mỹ, chăm chỉ học hành. Giờ giải lao anh không ngại đến bắt chuyện với họ để thực tập đàm thoại.  
. 
Ðầu năm 1969, chưa kịp ăn Tết, ba đứa chúng tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất lên máy bay PanAm đi Mỹ. Nhận thấy Giác chẳng có thân nhân nào đưa tiễn, tôi hỏi lý do; Giác đáp, "Tớ chỉ có một mình theo gia đình một bà cô vào Nam. Cô ấy bận bịu việc buôn bán, tiễn đưa không tiện." Chúng tôi đến Trường Truyền Tin Bộ Binh Hoa Kỳ ở Fort Monmouth, bang New Jersey khi trời còn lạnh cóng tay. Tuy mặc quân phục mùa đông may bằng nỉ, bên ngoài choàng thêm áo manteau, thế mà chúng tôi vẫn phải co ro trong cơn gió lạnh. Lần đầu tiên không hút thuốc mà vẫn thở ra khói, tôi cũng thấy lạ và vui. Nỗi háo hức cho một khóa học mới nơi quân trường Mỹ khiến cho chúng tôi quên hết nỗi mệt nhọc của một cuộc hành trình dài vừa trải qua. Giác chứng tỏ là một trưởng toán tháo vát và lanh lợi, đưa chúng tôi đi làm mọi thủ tục cần thiết để nhập học.  
. 
Quân trường Mỹ có chương trình Ngày Thân Hữu hàng tháng khuyến khích học viên người Mỹ trong lớp làm bạn với một học viên nước Ðồng Minh và đưa họ đi chơi cuối tuần. Một ông giáo lớp chúng tôi là ông Tchiavone người Mỹ gốc Ý, một dân chính làm việc giảng dạy trong quân trường. Ông đón chúng tôi về nhà ông chơi cả một ngày Thứ Bảy. Giác là người ăn nói dạn dĩ hoạt bát nhất nên mấy đứa con của ông bà Tchiavone cũng bu theo anh mà hỏi chuyện. Tôi và Lập chỉ đối đáp cầm chừng vì bản tính rụt rè. Những cuối tuần khác, chúng tôi đón xe buýt đi dạo chơi ở các thành phố nhỏ gần quân trường là Eatontown và Oceanport. Chúng tôi cũng hay đi mua sắm ở cửa hàng quân đội PX (Post Exchange) mua quà giá miễn thuế để đóng thùng gửi về cho người thân ở quê nhà.  
. 
Một buổi sáng ông huấn luyện viên Tchiavone vào lớp và báo cho chúng tôi hay tin Hồ Chí Minh vừa mới chết. Ông hi vọng chiến tranh Việt Nam sẽ kết thúc sớm. Giác giơ tay lên xin phát biểu ý kiến. Anh nói ông Hồ chỉ là một lãnh tụ bù nhìn chứ không có thực quyền. Anh nói anh không nghĩ là chiến tranh Việt Nam sẽ kết thúc sớm do ảnh hưởng của cái chết của ông Hồ. Anh nói Bộ chính trị của CSBV còn sắt máu và hiếu chiến hơn và chiến tranh Việt Nam sẽ tàn khốc hơn. Ông Tchiavone cám ơn sự nhận xét của anh trong khi các học viên người Mỹ đều tỏ vẽ lo ngại vì không ai biết mình sẽ được bổ nhiệm đi phục vụ chiến trường Việt Nam ngập tràn lửa đạn.  
. 
Khóa học của chúng tôi gồm hai giai đoạn. Sau giai đoạn học lý thuyết ở Fort Monmouth, New Jersey, chúng tôi lên đường đi đến thành phố Nữu Ước, quận hạt Queensborough, nơi có một phim trường lớn của quân đội Mỹ để học giai đoạn hai bằng cách thực tập (On The Job Training). Giai đoạn hai này vui hơn nhiều vì có nhiều lần công tác, chúng tôi được thực tập đi quay phim bằng trực thăng hoặc được mặc thường phục lội bộ qua các quận hạt thuộc thành phố Nữu Ước để chụp ảnh. Ðến cuối tuần lại càng vui hơn. Giác may mắn "bắt cặp" với một quân nhân Mỹ tên Bill Miller quê quán ở Buffalo nên được thăm thác Niagara Falls nhiều lần trong khi Lập và tôi chưa được đi xem thác lần nào. Tôi theo một anh Mỹ về nhà cha mẹ của anh ta ở ngay trên đường số 5 nhìn xuống Central Park quận hạt Manhattan, cho nên cũng chỉ được đi thăm viếng những danh lam thắng cảnh quanh quẩn trong thành phố mà thôi. Lập cũng không khá gì hơn, theo một anh Mỹ về quê anh ta ở Pittsburg bang Pennsylvania, một thành phố kỹ nghệ lọc thép không mấy hứng thú.  
. 
Mãn khóa, chúng tôi được nghỉ phép hai tuần lễ trên đất Mỹ trước khi về nước. Tôi và Lập nhất định phải đi xem thác một chuyến cho biết nên theo Giác. Lúc ấy tôi cũng chưa biết lý do tại sao Giác chỉ đi Buffalo chơi mỗi khi có dịp mà không đi đâu khác. Bây giờ có hai tuần phép, Giác cũng muốn ở Buffalo mà thôi. Sau khi đã được toại nguyện xem thác Niagara Falls, tôi lấy vé máy bay đi San Francisco rồi từ đó đáp máy bay nhỏ đi đến thành phố Fresno để thăm một đứa em họ đang học ở đó theo học bổng USAID. Từ đó, tôi không còn gặp lại Giác, kể cả sau khi tôi đã về nước. Tôi liên lạc với Lập đang làm việc trong Cục Tâm Lý Chiến để hỏi thăm về Giác. Lập cũng không biết. Lập nói sau khi xem thác, Lập đi Hoa Thịnh Ðốn để thăm một người chú họ là một vị trung tướng hiện đang sống lưu vong ở đấy. Lập cho biết dường như Giác vì chẳng có ai là thân nhân ở Mỹ nên đã theo Bill đi du lịch bên Canada suốt hai tuần phép đó. Tôi và Lập đoán Giác sau khi trở về chắc đang phục vụ tại một đơn vị nào đó trên bốn vùng chiến thuật. Và cái tên Hà Kim Giác cũng phai dần trong tâm trí tôi.  
. 
Thế rồi ngày đứt phim tan hàng 30.04.1975 xảy ra; số phận giong ruỗi đưa tôi đến thành phố Toronto này. Tôi xin được việc làm ngay cho một công ty nhỏ trên đường Queen St. gần ngả tư University Ave. có trạm xe điện ngầm Osgoode nên đi làm rất tiện. Tuy vậy, nơi tôi trú ngụ là chung cư số 50 đường Stephanie; tôi chỉ cần đi bộ năm phút rồi băng qua đường Queen là đến sở làm.  
Một hôm, khoảng ba tháng sau khi tôi đến Toronto, tôi đi làm về mở hộp thư thì nhận được một phong bì thư đề tên tôi. Mở thư ra, tôi thấy một ngân phiếu 200 Gia kim đề đúng tên tôi. Trong thư có kèm một mảnh giấy với duy nhất một hàng chữ viết bằng Anh ngữ, "Please accept it as a token of our old time friendship." Tôi ngẩn ngơ nghĩ nát óc nhưng vẫn không thể đoán nó là của ai. Tôi chỉ có một vài người bạn Mỹ, nhưng đây là ngân phiếu của ngân hàng Toronto Dominion. Chữ ký trên ngân phiếu lạ hoắc và khó đọc. Lúc bấy giờ lương của tôi chỉ có 160 Gia kim một tuần; món quà tiền mặt 200 đồng không phải là nhỏ. Tôi nghĩ ngợi mãi và phân vân không biết có nên mang ngân phiếu đó đi lãnh tiền hay không. Giữ nó cả tháng, sau cùng tôi thấy nên bỏ vào trương mục tiết kiệm của tôi để có lời, dù chẳng đáng bao nhiêu.  
. 
Bốn năm sau, tôi vẫn còn làm ở công ty đó và đã lên chức cai. "Production Department" của công ty tôi có bốn phân bộ sản xuất: Photographic Reproduction Section (Phòng Phim Ảnh), Microfiche Section (Phòng Vi Phim), BluePrint Section (Phòng Sơ Ðồ) và Printing Section (Phòng In). Tôi trông coi phân bộ Phim Ảnh gồm tám nhân công vừa người Canada vừa di dân. Trong số thợ gốc di dân có một anh trẻ độ 24 tuổi người Nam Dương gốc Hoa.  
. 
Một ngày Xuân đẹp trời nọ, vào khoảng 11 giờ sáng, tôi đang ngồi ở bàn giấy để viết các tờ lệnh việc (Work Order) ghi ra các công đoạn thực hiện một lệnh đặt hàng của khách hàng. Cô thư ký bàn tiếp tân tên Katie từ ngoài đi vào cùng với hai người đàn ông cao lớn mặc đồ suit như các nhân viên khuyến mãi bên "Sales Department" của công ty. Katie gọi tôi và nói có hai nhân viên công lực muốn gặp tôi. Tôi đứng dậy tiếp họ, lòng phân vân không biết mình có làm gì nên tội. Một người bước đến gần tôi; người kia vẫn đứng chỗ cũ cách xa chừng năm thước. Tôi nhìn ông thám tử cảnh sát ngờ ngợ. Ông ta cũng nhìn tôi chăm chăm. Ông ta thò tay vào túi áo trong móc ra tấm huy hiệu cảnh sát bằng kim loại đưa cho tôi xem và hỏi, "Is there any member of your personnel named Edward Soetanto?" Tôi trả lời là có. Viên cảnh sát hỏi tôi là Edward hiện có mặt ở đây không. Tôi đáp có. Viên cảnh sát bảo muốn gặp Edward. Tôi nói anh ta đang làm việc trong phòng tối. Viên cảnh sát vẫn nghiêm mặt bảo tôi, "Go get him." Tôi bảo hắn chờ tôi một chút rồi bấm máy Intercom gọi Edward ra có việc. Lúc bấy giờ viên cảnh sát đứng phía sau mới tiến lên. Khi gã thợ Edward Soetanto người Nam Dương gốc Hoa vừa từ phòng tối bước ra bằng cánh cửa xoay (revolving door) và còn đang nheo mắt vì chói nắng sáng từ cửa sổ lớn tầng ba hắt vào, hai viên thám tử nhanh nhẹn móc còng ra còng tay Edward lại. "You are under arrest!" một người nói.  
. 
Viên thám tử nói chuyện với tôi lúc nãy bảo người đồng sự của mình hãy đứng chờ vì anh ta muốn nói chuyện với tôi.  
. 
Hắn móc túi lấy ra một tấm danh thiếp đưa cho tôi và hỏi tôi tan sở lúc mấy giờ. Tôi bảo bốn giờ rưỡi. Hắn hỏi tôi gọi cho hắn trước năm giờ được không, tôi bảo được. Hắn dặn hãy gọi hắn ở số điện thoại ghi trong danh thiếp.Tôi đồng ý. 
Khi họ đi rồi tôi mới nhìn tấm danh thiếp thấy ghi tên Jack Hakim, Investigator, RCMP Immigration Task Force. Thì ra thằng Edward bị bắt vì tội nhập cảnh lậu. Ông chủ công ty là Ron Davis từ văn phòng ông ta đến trước mặt tôi và nói, "Anh là di dân hợp pháp có đầy đủ giấy tờ hợp lệ chứ?" Tôi bảo ông khỏi lo vì tôi di dân từ Việt Nam và không có di dân Việt Nam nào nhập cảnh lậu cả. Ông chủ bảo, "Thế thì tốt vì công ty không muốn mất đi một nhân viên đắc lực như anh." Tôi nghĩ ông chủ này khéo quá, biết nói nịnh nhân viên dưới quyền cho nó ráng làm việc siêng hơn nữa.  
. 
Chiều hôm ấy, sau khi về đến nhà, đúng hẹn trước 5 giờ, tôi hồi hộp gọi điện thoại cho Jack Hakim.  
. 
- May I speak to Jack, please.  
. 
Tôi giật mình khi nghe từ đầu giây bên kia giọng nói tiếng Việt trả lời:  
. 
- Giác đây. Hà Kim Giác. Còn nhớ tớ chứ?  
. 
Tôi ú ớ:  
. 
- A...ơ...Giác cùng đi tu nghiệp với mình năm 69 đó hả?  
. 
- Ðúng!  
. 
- Trời! Bất ngờ quá! Không thể ngờ!  
. 
- Thế cậu không nhận ra tớ hở?  
. 
- Không! Làm sao mình có thể nhận ra được cậu. Cậu thay đổi nhiều quá. Mình cứ tưởng cậu là một ông Tây gốc Ấn Ðộ hay gốc Thổ Nhĩ Kỳ nào.  
. 
- Thế lúc cậu nhận cái "bank draft" hai trăm đô của mình gửi, cậu không biết à?  
. 
- Trời ơi! Thì ra cậu gửi cho mình!  
. 
- Ừ. Một chút quà thôi. Tớ thì biết cậu đến Toronto ngày nào, ở đâu, làm gì nữa.  
. 
- Thế thì chết thật. Hoá ra cái bổn mạng của mình là ở trong tay cậu. Cũng may là mình chẳng có ân oán giang hồ gì với cậu cả.  
. 
- Thôi. Mình nói chuyện nhiều qua phôn không tốt. Thứ Bảy này mình gặp nhau có được không?  
. 
- Ðược chứ.  
. 
- Cậu vẫn còn ở địa chỉ cũ?  
. 
- Cậu bảo mình đang ở đâu và làm gì cậu cũng biết, thế sao lại còn hỏi?  
. 
- Hey! Don't give me a hard time, buddy!  
. 
- Ô kê! Ô kê! Ðùa chút chơi vậy mà!  
. 
- Thì tớ cũng đùa với cậu thôi. Sorry.  
. 
- Thưa, tôi không dám đùa với ông cảnh sát.  
. 
- Knock it off, please... And do me a favour. Never mention to anybody that I am a policeman. You got that?  
. 
- Yes, Sir!, tôi làm giọng lính quân trường trả lời thượng cấp.  
. 
- Thế thì sáng Thứ Bảy này lúc 8 giờ cậu đứng trước cửa building nhà cậu; tớ sẽ xách xe đến pick up. O.K.?  
. 
- As you said so, Sir!  
. 
Ðúng hẹn, tôi đứng trong lobby building chờ sẵn thì Giác lái xe đến, một chiếc Buick Skylark màu xanh đậm bóng mới. Tôi cố nhìn Giác để tìm những nét quen thuộc xưa nhưng thật khó mà nhận ra một người bạn cũ. Giờ đây Giác đẫy đà hơn, để râu nhiều hơn, tóc xoắn hơn xưa, không biết là có đi tiệm uốn không, và nước da trắng hồng ra, không biết có phải vì uống sữa ong chúa không, nếu thời đó đã có sữa ong chúa.  
. 
Giác đưa tôi về nhà anh ta ở vùng Brampton, một ngôi nhà khang trang nằm trên một con đường cong ngõ cụt cạnh một mảnh rừng thưa nhỏ. Vào đến nhà, Giác gọi vợ và hai con ra giới thiệu và chào khách. Vợ Giác người Canada da trắng; hai đứa con 8 tuổi và 6 tuổi của Giác hoàn toàn không còn nét gì là Việt Nam. Chúng tôi ăn sáng xong, Giác mời tôi đi theo vào phòng làm việc để kể lại cho tôi nghe chuyện của Giác kể từ mười năm về trước. Sự thật phơi bày, tôi mới biết những ngày ấy Giác thường hay theo Bill đi Buffalo là để cùng nhau đến Toronto dò hỏi tin tức xin ở lại. Thì ra Giác không hề trở về nước sau lần đi phép cuối khoá tu nghiệp. Giác đã ở lại Canada, kết hôn, đi học lại, lấy bằng cử nhân môn hình sự học và đầu quân vào Lực Lượng Cảnh Sát Hoàng Gia theo sự khuyến khích của người anh vợ vốn cũng là một cảnh sát RCMP. Giác ra trường năm 1975, vừa kịp lúc làn sóng người tị nạn Việt Nam bắt đầu đến Canada.  
. 
Kể xong chuyện mình trong mười năm qua, Giác trầm ngâm hỏi tôi:  
. 
- Tớ hỏi thật điều này và tớ cũng mong cậu trả lời thành thật. Cậu có lên án hành động đào ngũ của tớ không?  
. 
Tôi lựa lời đáp:  
. 
- Về mặt lý thì có; nhưng về mặt tình cảm thì không. Vả lại, mình không muốn phán đoán quyết định của bạn mình. Mình tôn trọng sự lựa chọn của bạn.  
. 
- Cậu không khinh bỉ tớ chứ?  
. 
- Sao lại khinh bỉ?  
. 
- Vì tớ hèn nhát đào ngũ.  
. 
- Nhiều khi cần có can đảm mới hèn nhát được đấy. Cậu hẳn không quên vụ Muhammad Ali từ chối nhập ngũ năm 1967 chứ? Ông thà bị bỏ tù hơn là tuân theo lệnh động viên trái với lương tâm và niềm tin của ông. Ngay cả Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ còn phải nhượng bộ ông và tuyên bố ông vô tội. Ông được công chúng ngưỡng mộ và kính trọng hành động và quyết định can đảm đó của ông.  
. 
- Tớ hiểu ý cậu muốn nói gì rồi. Cám ơn cậu đã hiểu tớ.  
. 
Nhìn ra cửa sổ trầm ngâm thêm một lúc nữa, Giác hỏi:  
. 
- Cậu có biết tin tức gì về thằng Lập không?  
. 
- Thằng Lập chết rồi. Năm 1972. Chiếc trực thăng chở phái đoàn báo chí trên đường từ Saigon đi An Lộc trúng B.40 của Việt Cộng rớt cháy ở Xa Cam. Phi hành đoàn cùng sáu phóng viên chiến trường không ai sống sót. Mình xem tin tức báo hằng ngày mới biết. Sau đó mình có chạy vào đơn vị của Lập để hỏi cho biết rõ thêm thì quả đúng như vậy.  
. 
Giác nghiến răng, cằm bạnh ra, hai bàn tay nắm chặt lại. Giác nói như nói với chính mình, giọng vừa buồn bã vừa tức giận:  
. 
- Gee! It could have been me had I returned! Those Viet Cong bastards ! I hate them!  
. 
Thấy Giác đang xúc động mạnh, tôi không nói gì. Giác cúi đầu rơm rớm nước mắt nói:  
. 
- Bố mẹ tớ cũng bị chúng giết ở ngoài Bắc.  
. 
Thì ra là vậy. Giác một thân một mình đã lâu, âm thầm lặng lẽ chôn kín tâm tư. Tôi chỉ biết nói mấy tiếng "I'm sorry". Thật tình trước đó tôi cũng không biết là Giác đào ngũ. Người bạn Mỹ tên Bill ở Buffalo cùng lớp huấn luyện tu nghiệp với chúng tôi sau khi mãn khóa nhận được lệnh đi phục vụ ở Việt Nam nên hắn mới nói với Giác ý định của hắn muốn trốn sang Canada. Hắn bảo hắn không muốn chết vô ích trong một cuộc chiến tranh vô nghĩa lý. Bill bảo hắn biết ở Canada có những tổ chức chủ hòa sẵn sàng đứng ra tiếp nhận và trợ giúp dân Mỹ từ chối lệnh động viên và trốn quân dịch. Bill rủ Giác theo và Giác nhận lời. Giác được một đôi vợ chồng già đơn chiếc người Canada nhận làm con nuôi.  
. 
Hôm ấy tôi ở lại nhà Giác ngồi tắm nắng bên cạnh hồ bơi ở sân sau, nhâm nhi vài chai bia lạnh. Trước mặt người thứ ba, Giác không bao giờ nói tiếng Việt với tôi. Hai người Việt rành tiếng Việt mà nói chuyện với nhau bằng một thứ ngôn ngữ khác hơn tiếng mẹ đẻ của mình; việc đó có vẻ khó coi hay kệch cỡm, nhưng tôi cũng phải chấp nhận vì tôi hiểu Giác đã quen sống và đã quen nghĩ như một người Canada. Ngoài ra còn có vấn đề tế nhị là giữ phép lịch sự tránh cho người không nói và không hiểu tiếng Việt khỏi cảm giác bị gạt bỏ ra ngoài cuộc nói chuyện.  
. 
Tôi hỏi Giác có biết còn ai khác ở Toronto có cùng hoàn cảnh như Giác không. Giác trả lời là có, nhưng Giác không có giao tiếp với họ. Giác cũng không hề liên lạc với bất cứ Việt kiều nào ở Canada, mặc dù Giác biết số sinh viên Việt Nam du học cũng khá nhiều kể cả nhiều lần chạm mặt họ trong thư viện hay ngoài phố.  
. 
Ðưa tôi về, Giác nhắc lại lời yêu cầu là tôi đừng bao giờ nói cho ai biết về hành tung của Giác. Tôi bảo Giác bỏ tôi xuống phố Tàu Spadina vì tôi cần mua sắm một ít thức ăn và vài món đồ dùng. Giác dặn tôi giữ liên lạc và gọi Giác bất cứ lúc nào tôi có việc cần. Tôi hứa giữ lời nhưng tôi cũng không muốn làm phiền bạn bè dù có đôi lần tôi gặp cảnh khốn khó. Tuy nhiên mỗi lần dọn nhà và thay đổi số phôn hay địa chỉ, tôi đều thông báo cho Giác biết.  
. 
Nhưng sau đó, chúng tôi ít có dịp gặp nhau vì Giác thường xuyên đi công tác xa. Giác đi công tác ở Ottawa, Vancouver, và cả Hà Nội hai lần. Thời gian trôi qua, ai ai cũng bận rộn lo cho cuộc sống riêng của mình. Ðến một hôm Giác gọi tôi báo tin là vợ chồng Giác đã ly dị. Giác đã dọn ra ở nhà riêng ở Milton. Tôi hỏi địa chỉ và lái xe đến thăm Giác. Nhà mới xây, đồ đạc chưa sắm nhiều nên trông trống trải. Một phòng chứa toàn dụng cụ máy móc tập thể dục. Nhà không có người đàn bà nên không thể nào vén khéo. Nhưng trong tủ lạnh lúc nào cũng sẵn những lon bia. Giác hỏi tôi:  
. 
- Sao? Cậu thấy nhà này được không?  
. 
Tôi đáp:  
. 
- Nhà thì được lắm nhưng "nhà tôi" của cậu đâu?  
. 
Giác ngẩn người ra một lúc mới hiểu ý tôi muốn nói gì. Giác cười đáp:  
. 
- Nhà tôi đã xa tôi và bây giờ tôi ở nhà một mình.  
. 
Tôi khen:  
. 
- Giỏi. Cậu còn nói tiếng Việt giỏi lắm!  
. 
- Thôi đi ông!  
. 
- Bây giờ cậu tính sao? Lại sống độc thân à?  
. 
- Biết đâu mà tính. Mà tớ cũng chẳng muốn tính gì nữa cả. Mệt lắm rồi. Xem nào, năm nay chúng mình đã trên 50 tuổi. Thằng con trai của tớ đã 24 tuổi rồi. Nó muốn nối gót bố nó nên cũng vào cảnh sát. Con gái tớ 22, làm việc cho Sở Thuế Canada. Này, cậu không có trốn thuế chứ?  
. 
- Tôi đi làm lương ba cộc ba đồng chứ có buôn bán gì hay làm ăn phạm pháp gì mà trốn thuế được hở ông?  
. 
- À! Nhắc đến vụ trốn thuế tớ mới nhớ có vụ này thú vị lắm. Nhưng khoan đã. Ðể tớ gọi pizza rồi chúng mình vừa nhậu vừa nói chuyện.  
Giác nhấc điện thoại gọi pizza. Tôi phụ Giác một tay ráp cái bàn gỗ mua ở IKEA. Mười lăm phút sau, chuông cửa reo; Giác bước ra nhận một hộp pizza và một hộp cánh gà. Hai chúng tôi cảm thấy như sống lại tuổi thanh niên tự do phóng túng. Vừa ăn uống, tôi nhắc:  
. 
- Cậu nói có chuyện thú vị thì kể đi.  
. 
- Tớ vừa mới bắt được một thằng Việt Cộng.  
. 
Tôi há hốc:  
. 
- Cái gì?  
. 
Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, Giác kể tiếp:  
. 
- Gọi nó là cựu Việt Cộng là đúng hơn. Tên này trước đây là thiếu úy bộ đội Bắc Việt. Sau 75, hắn thấy người ta vượt biên đi tị nạn đến Hồng Kông dễ quá nên hắn cũng bỏ đơn vị rồi xuống ghe ở Quảng Ninh đi. Ghe hắn ghé vào đảo Hải Nam được dân địa phương trên đảo cho lương thực nước uống đầy đủ rồi đi tiếp đến Hồng Kông. Trong mấy năm sống trong trại tị nạn, hằng ngày hắn được ra ngoài làm việc phụ bếp trong một nhà hàng Tàu. Hắn học nói tiếng Quảng Ðông nhanh lắm, chắc là còn nhanh hơn tớ học tiếng Anh. Sang đến Toronto, hắn tránh không muốn người ta biết hắn là người Việt vì hắn sợ bị lộ cái gốc Việt Cộng đào ngũ. Hắn lại tiếp tục làm nghề cũ là nghề nấu bếp nhà hàng Tàu. Sau mấy năm dành dụm, hắn hùn hạp với một gã người Tàu khác ra mở nhà hàng riêng bán các món ăn vừa Tàu vừa Việt. Làm ăn nhà hàng đã khấm khá mà hắn chưa chịu an phận. Hắn muốn giàu nhanh nên dính líu vào một tổ chức đưa di dân lậu từ Hoa Lục đến Canada. Giới trồng cỏ rất thích thuê những di dân lậu này vì nếu họ có bị bắt thì họ sẽ bị dẫn độ trở về Hoa Lục là huề.  
. 
Giác kể tiếp:  
. 
- Cậu biết không, một thằng lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đào ngũ giả làm dân Canada là tớ và một thằng lính Cộng Sản Bắc Việt đào ngũ giả làm dân Tàu là hắn gặp mặt nhau nói chuyện thú lắm. Hắn cứ tưởng tớ là khách hàng quen nên tiếp đãi tớ ân cần lắm. Tớ giả vờ hỏi hắn chuyện này chuyện nọ cho vui nhưng thực ra cảnh sát đã theo dõi và biết hết mọi chuyện làm phi pháp của hắn. Thú ở chỗ tớ thì biết hết tẩy của hắn mà hắn thì không hay biết. Một cộng tác viên da đen của cảnh sát còn dụ được hắn mua súng lậu khiến cho tội của hắn nặng thêm khi bị bắt.  
. 
Tôi đùa, "Vậy là cậu đã chuộc được tội đào ngũ rồi đó."  
. 
Giác có vẻ hài lòng về câu nói của tôi nên vui vẻ kể tiếp:  
. 
- Ngoài ra tớ cũng có góp công trong việc trục xuất một tên tham vụ tòa đại sứ Việt Cộng ở Ottawa về tội hăm dọa và tống tiền công dân Canada gốc Việt nữa đấy.  
. 
- "Giỏi", tôi nói, "Chuộc hết tội rồi giờ còn lập thêm công nữa. Cậu được huy chương chứ?".  
. 
- Huy chương thì không nhưng bằng khen thì có. Cậu thấy chuyện đời của tớ cũng ly kỳ đấy chứ nhỉ. Cậu hay viết lách, cậu lấy chuyện của tớ viết ra thành một quyển tiểu thuyết cũng được đấy. Nên đặt cái tựa là gì nhỉ? Hay là Một Người Việt Thầm Lặng? Cậu nghe có được không?  
. 
- Ðược lắm. Có Người Mỹ Thầm Lặng rồi thì bây giờ nên có thêm Người Việt Thầm Lặng.  
. 
- Ê! Nhưng mà đợi khi nào tớ chết rồi hẵn viết nhé.  
. 
- Cậu khoẻ mạnh phây phây thì chết thế chó nào được, trong khi tôi đây hom hem yếu đuối sẽ đi trước cậu là cái chắc.  
. 
- Chẳng biết đâu được ông ơi! Một khi số đã tới thì tránh sao cho khỏi. Tớ làm cho đủ 25 năm rồi tớ cũng xin nghỉ để đi chơi.  
. 
Năm 2002, sau khi đã có đủ thâm niên hơn 25 năm phục vụ, Giác xin giải ngũ để cùng với người anh vợ cũ điều hành một công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ an ninh cho các cơ sở thương mại lớn. Cuộc sống của Giác coi như rất sung túc và thoải mái về mọi mặt. Ngoài ra Giác cũng có đưa cho Bill Miller một trăm ngàn để nhờ Bill đầu tư; số tiền đó chắc bây giờ cũng đã tăng hơn gấp đôi.  
Nhưng quả là con người có số thật. Năm 2006 Giác cảm thấy mình hay mệt bất thường và không đủ sức tập thể dục như trước. Kết quả thử máu cho thấy Giác bị bệnh hoại huyết. Từ đó trở đi, tình trạng sức khoẻ của anh suy nhược dần; mọi phương thức chữa trị trong bệnh viện hầu như vô hiệu. Một lần tôi vào thăm, Giác xanh xao cảm động nắm lấy tay tôi, đôi mắt buồn bã nhìn tôi không nói. Năm ngón tay gầy guộc của Giác trông như những cái ngoe cua ngọ nguậy một cách yếu ớt. Râu của anh dài ra không cạo. Tôi hỏi anh trong người cảm thấy thế nào, anh đáp, giọng yếu ớt:  
. 
- Tớ cảm thấy mệt lắm. Người như không còn sinh lực.  
. 
- "Vậy thì nằm nghỉ đi", tôi nói.  
. 
- Tớ cảm thấy trong người tớ như có hai đạo quân đang giao chiến. Quân của tớ hỗn loạn tự tử tập thể bằng cách chĩa súng vào nhau rồi cùng chết. Quân địch ung dung tiến vào gậm nhấm thân xác tớ như ăn cỗ. Ban đêm tớ còn nghe tiếng của chúng cười hả hê nữa.  
. 
- "Cậu mệt đâm ra nghĩ nhảm. Thôi lo nằm nghỉ đi", tôi nói.  
. 
- Thì giờ an nghỉ tớ sẽ có thật nhiều sau khi chết. Có cậu vào thăm, tớ muốn nói thật nhiều.  
. 
Suy nghĩ một lúc, anh nói tiếp, "Giá mà mình có anh chị em hoặc thân nhân và được ghép tủy thì may ra..."  
. 
Ðiều anh nói khiến tôi nghĩ đến hai đứa con anh. Tôi ngại ngùng hỏi:  
- Gia đình cũ của anh có vào thăm không?  
. 
Anh lắc đầu. Ngày xưa có những cánh tay Canada dang ra để cưu mang anh. Ngày nay có những bàn tay Canada khác vẫy chào anh vĩnh biệt. Ba mươi bảy năm trước anh một mình đến đây. Ba mươi bảy năm sau anh cũng còn lại có một mình. Anh thều thào nói:  
Tớ muốn cho cậu xem cái này.  
. 
- Cái này là cái gì?, tôi hỏi.  
. 
- Cái hộp để trên bàn đó. Cậu mở ra xem đi.  
. 
Tôi mang chiếc hộp đến cạnh giường mở nắp. Bên trên cùng là một phong bì đựng một xấp ảnh. Ảnh của anh mặc quân phục oai nghiêm chỉnh tề đang bắt tay với đại tá chỉ huy trưởng Bowell trong buổi lễ tốt nghiệp. Những tấm ảnh của ba đứa chúng tôi chụp chung với cả lớp. Những tấm ảnh chụp với gia đình ông huấn luyện viên Tchiavone tử tế hiền từ. Những tấm ảnh chụp khi ba đứa chúng tôi đi dạo chơi ở Eatontown, ở Oceanport, ở Nữu Ước. Những tấm ảnh chất chứa và chuyên chở bao nhiêu là kỷ niệm. Tôi rơm rớm nước mắt. Tôi cũng có một số ảnh kỷ niệm của chuyến đi Mỹ đó nhưng gia đình tôi đã đốt hết sau ngày 30.04.1975 vì sợ Việt Cộng hạch sách làm khó dễ. Dưới xấp hình là một tấm thẻ bài, một huy hiệu QLVNCH bằng kim loại, bảng tên để gắn trên nắp túi áo và một sợi giây nịt quân đội cuộn tròn. Sau cùng, dưới đáy hộp là một quyển sổ thông hành Việt Nam Cộng Hòa; bên trong còn kẹp tờ sự vụ lệnh của Bộ Quốc Phòng có tên ba đứa chúng tôi.  
. 
Xem các thứ xong, tôi lần lượt bỏ vào hộp như cũ, lòng bùi ngùi không biết tìm lời gì để nói.  
. 
- Cậu giữ đi. Nó chẳng có giá trị gì với bất cứ một ai khác.  
. 
Một tháng sau, Giác vĩnh viễn ra đi. Trong số mấy chục người đưa đám tang của Giác chỉ có tôi là người Việt duy nhất. Tôi lẳng lặng bốc một nắm đất rải xuống. Những mảnh đất rớt lên nắp quan tài của một người bạn mà tôi phải giữ bí mật suốt bao năm. Những hạt đất nhỏ màu đen xám tức khắc bị những cánh tuyết nhẹ nhàng rơi phủ lên. Khách đưa tang lần lượt ra về. Thân xác bạn tôi một mình nằm lại lẻ loi trong nghĩa trang vườn tưởng niệm. Bây giờ cứ mỗi lần lái xe đi ngang qua một tiệm kính Hakim Optical, tôi lại liên tưởng đến Giác. Tên của một người Việt thầm lặng nhưng lại có mặt ở khắp mọi nơi trên nhiều con đường của thành phố này.  
. 
Nguyễn Thanh Hoàng.

Không có nhận xét nào: