Gò Công bây giờ là thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, nhưng xưa kia đây từng là một tỉnh (từ 1900 đến 1913, 1924 đến 1956 và 1963 đến 1976). Trước năm 1900, Gò Công được người Pháp đặt là hạt tham biện (gần tương đương với tỉnh sau này). Trong thời gian đó, người Pháp cho xây dựng dinh Chánh tham biện Gò Công năm 1885. Khi hạt đổi thành tỉnh, đây trở thành dinh tỉnh trưởng. Không kể Sài Gòn thì đây là dinh thự đồ sộ đầu tiên do người Pháp xây dựng tại Nam kỳ. <!>
Dinh tỉnh trưởng Gò Công có quy mô một trệt, một lầu với diện tích sử dụng 1.400 m2, nằm trong khuôn viên rất rộng, cảnh quan nên thơ.
Mặt trước dinh tỉnh trưởng Gò Công
Nếu nhà đốc phủ Hải (tức nhà cũ của bà Trần thị Sanh, vợ anh hùng Trương Định, xây năm 1860, xin xem tại đây) là ngôi tư gia lớn nhấtthì dinh Chánh tham biện Gò Công (xây năm 1885) là trụ sở cơ quan công quyền lớn nhất ở Gò Công. Thế nhưng số phận 2 ngôi nhà này đối nghịch hẳn với nhau. Nhà Đốc phủ Hải được giữ gìn gần như hoàn chỉnh, kể cả hiện vật bên trong, được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Dinh Chánh tham biện Gò Công thì bên trong không còn gì cả và bản thân ngôi nhà thì sắp sập!
Mặt trước và bên phải
Mặt trước và bên trái
Sau 1975, dinh tỉnh trưởng này được giao cho nhiều cơ quan khác nhau quản lý, hiện giờ là Trung tâm Văn hóa Thể thao thị xã Gò Công.
Năm 1985, phía Pháp có gửi một công văn cho Gò Công đề nghị ngưng sử dụng Dinh tỉnh trưởng Gò Công, lý do là niên hạn sử dụng theo thiết kế là 100 năm, đến thời điểm ấy đã hết. Không có kinh phí, Gò Công không hề có một động thái nào để duy tu, bảo dưỡng ngôi nhà cả.
Đã vậy, điều không ngờ đến lại xảy ra. Không hiểu vì lý do gì, chim yến bay về làm tổ bên trong dinh tỉnh trưởng Gò Công rất nhiều. Của trời cho, năm 2006 dinh được chính quyền ký hợp đồng cho Công ty TNHH Yến Gò Công thuê để... làm nơi nuôi yến!
Về kỹ thuật nuôi yến, nơi ở của chim phải có ánh sáng từ mờ tối đến tối, nhiệt độ không khí khoảng 28ºC, độ ẩm 80%, lại còn phải tạo độ ẩm bằng cách phun sương. Đơn vị thuê đã thực hiện những điều đó, khiến ngôi nhà đã hết niên hạn sử dụng lại càng nhanh xuống cấp. Có thể ví dinh tỉnh trưởng Gò Công như một người già, đã chẳng được chăm sóc đàng hoàng mà lại còn bị hành hạ nữa!
Trước phản ứng của dư luận, cuối năm 2011, chính quyền đã cắt hợp đồng với công ty nuôi yến. Dù sao 5 năm trời cũng đã làm tàn tạ thêm dung mạo và sức khỏe của ông già trên trăm tuổi nhiều lắm.
Ở thời điểm cắt hợp đồng nuôi chim yến cuối năm 2011, chính quyền thị xã Gò Công cho biết đến đầu năm 2012 sẽ tôn tạo lại di tích này.
Dung nhan tàn tạ của dinh tỉnh trưởng Gò Công
Tôi đến thăm dinh tỉnh trưởng Gò Công vào đầu năm 2016. Tất cả các cửa đều khóa, tất cả các lỗ thông với bên ngoài đều bị bít lại để chim yến khỏi bay vô nhà.
Hỏi còn gì trong đó không? Trả lời là chẳng còn gì hết, ngôi nhà bây giờ như là một nhà kho, nơi để các vật dụng linh tinh của Trung tâm Văn hóa Thể thao.
Hỏi từ 2012 đến giờ đã làm gì cho dinh tỉnh trưởng? Trả lời là không có làm gì hết, đóng cửa bỏ đó thôi.
Hỏi khi nào mới tôn tạo? Trả lời là đã dự trù kinh phí khoảng trên 20 tỷ, nhưng không có tiền làm. Chừng nào có thì không biết.
Những hình ảnh xuống cấp của công trình
Nhìn bên ngoài thôi cũng có thể thấy ngôi nhà xuống cấp rất nhiều, lại thêm vẻ hoang phế tiêu điều nữa. Buồn cho một công trình đẹp và cổ kính trên 130 năm tuổi. Không biết rồi sẽ ra sao, dinh tỉnh trưởng Gò Công sẽ được tôn tạo hay một ngày gần đây sẽ đổ sụp, và mọi người sẽ lên tiếng tiếc thương.
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Trên trời chim yến vẫn còn bay. Nhiều lắm.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét