Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

CÂU CHUYỆN TÌNH SÁU MƯƠI NĂM TRƯỚC - Anh Phương

Chuyện đời, người ta thường muốn nhớ lại hay quên, chuyện muốn quên lại càng gợi nhớ, trong khoảnh khắc hay dai dẵng, tiếc nuối, vui buồn…
Một buổi chiều tại một nơi vắng vẻ, tĩnh mịch, nằm ở ranh giới hai quận hạt San Joaquin  và Sacramento, có quốc lộ 99 chạy ngang qua. Đây là vùng quê chuyên trồng nho và sản xuất rượu chát nổi tiếng ở miền Bắc Cali, cách Thủ phủ Sacramento chừng 25 phút lái xe, chỉ sau Napa-Sonoma, gần Bay Area, là cái nôi có nhiều nhãn hiệu rượu chát ngon nổi tiếng trên cả nước Mỹ và thế giới.
<!>
Ánh nắng còn rơi đọng trên con đường làng với hai hàng cây cọ thẳng tắp, một chiếc xe đơn độc từ từ lăn bánh về một nơi chốn xa xa như vô tận gợi lại trong trí của những người cao niên nhớ về dĩ vãng xa xôi…                                                          
Đi về một thế giới hoan lạc bình yên nhất của một chiến sĩ Hải Quân như là một cuộc hải trình xuyên đại dương phẳng lặng của người lính biến năm xưa. Đây là cuộc vượt sóng tít mù khơi cuối cùng, người chiến sĩ lính biển ấy sẽ không bao giờ trở lại với gia đình, với chúng ta cùng chiến tuyến với anh trong thời xếp bút nghiên theo việc kiếm cung, trước năm 1975.
Tình cờ, Hùng, tên cúng cơm của một anh lính già hết thời đang đếm thời gian chờ đến lượt lấy vé tàu suốt như bao đàn anh với tuổi đời nặng trĩu trên đôi vai gầy guộc, kể cả đàn em, tuổi tác còn nhỏ, lại có tánh ba gai cũng quyết hoàn thành nhiệm vụ sớm giã biệt thế gian.

Vài tháng nay vì bận việc, Hừng không đọc báo nên chuyện này chuyện nọ xảy ra trong cộng đồng ở cái xứ thung lũng Sacramento này đang là giữa mùa dị ứng (allergy) của các thứ phấn hoa làm ngất ngư nhiều người, Hừng không biết mô tê ất giáp gì cả nên như kẻ bàng quan tụt hậu, thỉnh thoảng chàng cũng được nghe bạn bè thông báo tin này tin nọ xảy ra trong cộng đồng người Việt mình... Tình cờ, Hừng đọc trên một tờ báo địa phương, một cái cáo phó đăng nguyên một trang thông báo về cái chết của Hải Quân TT Nguyễn P Đ, một cái tên vừa lạ lại cũng vừa quen nữa, Hừng mường tượng, người có cái tên này liên quan đến một gia đình mà Hừng rất quen thân những năm 1957 – 1958 từ Sài Gòn đến tận xứ Tầm Vu của tỉnh Long An.
Đọc lại cáo phó, thấy có tên người có họ và chữ lót giống như người quá cố, Hừng có linh cảm, đúng rồi, câu chuyện tình dở dang của 60 năm xưa đã như cuốn phim quay chậm với gia đình Nguyễn P C….

Trận mưa Ngâu day dứt tháng 7 năm 1957, người thầy giáo tiểu học của một tỉnh lẽ ở vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, có vài  bạn học cũ từ Thủ đô Sài Gòn hoa lệ về quê nghỉ hè. Họ mang theo trong người mảnh bằng tú tài 1, người thì có tú tài 2 và có cả người bạn đã thi đậu vào truờng Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương, cũng là niên học cuối cùng của chương trình đào tạo giáo sư trung học theo mô thức giảng dạy của người Pháp, cổ kính và lịch sử này. Tất cả những người bạn thân ấy, từng mài mòn ghế tiểu học và các lớp của chương trình “Văn Bằng Cao Đẳng Tiểu Học Đông Dương” với cái tên tiếng Tây dài ngoằn Diplôme d’Étude Primaire Supérieuse Indochinoise - viết tắt là D.E.P.S.I. Ông giáo trẻ, Trần Văn Hừng, mới bước qua tuổi 20, bổng nhiên cảm thấy hụt hẩng vì thiếu cái bằng cấp tú tài để còn ăn nói với đời và cũng là cần câu cơm nuôi sống bản thân dễ dàng tốt đẹp hơn.
Thời đó, các cô con gái nhà giàu hay các cô tiểu thơ khuê các, thường có ý nghĩ chọn lựa các chàng trai làm chồng, điều kiện ắt có và đủ là phải có bằng tú tài trở lên  không có bằng tú tài hay đại học thì bất thành phu phụ. Sau này, thời chinh chiến ác liệt, các cô nữ sinh chỉ thích yêu hay ham muốn chọn tấm chồng người chiến sĩ có hoa mai trên vai, trên cố áo hơn là có cánh gà bên tay áo hay người lính trơn. Sự ham muốn và thực tế, toại nguyện hay không lại là chuyện khác.
Hơn 60 năm trước, ở Việt Nam, ai thi đậu đươc một cái văn bằng tiểu học đã là khó rồi, thi quá nhiều môn mà còn thi hạch miệng nữa (Oral). Với mảnh bằng tiểu học gọi là Certificat d’Étude Primaire Complémentaire Indochinoise, viết tắt là C.E.P.C.I., người ta có thể xin vào làm việc tại các công sở, gọi là thầy thông thầy ký hay xin đi dạy học ở các trường làng đang rất cần giáo viên. Bằng cấp từ Diplôme, Brevet (như bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp sau này) hay tốt nghiệp đại học, hồi xa xưa đó, quá qúy hiếm đối với những chàng trai ở tỉnh lẻ và các vùng quê mùa khỉ ho cò gáy.
Bỗng dưng, ông giáo trẻ nổi hứng, cảm thấy các bạn học cùng lớp có đứa còn học kém hơn minh, nay họ có bằng tú tài 2, niên học tới sẽ vào đại học mà học MG cơ, nghĩa là học về toán đại cương. Môn học toán thời thượng lúc đó rất ít người theo học được đến nơi đến chốn, còn các môn học về ngành Y không phải dễ thi vào, nhưng sau 1 năm dự bị, sinh viên chỉ chịu siêng năng, chăm chỉ, qua 6 năm chính thức ra trường cũng không phải là điều khó.
Hồi còn trai trẻ, sức khỏe sung mãn, tuổi vừa qua đôi mươi, với dáng vóc của người huấn luyện viên về thể dục thể thao, ngoại hình của Hừng cũng dễ coi, bô trai là đàng khác.
Lần đầu tiên trong cuộc đời, Hừng bị đôi mắt bồ câu đen láy và làn da trắng hồng mịn màng cùng với đôi môi mọng đỏ của một cô gái ở vào tuổi xuân thì, sanh quán ở Tầm Vu, như là thỏi nam châm có sức thu hút mãnh liệt làm ngất ngây tâm hồn. Những người con gái có gốc gác của cái xứ Tầm Vu mà Hừng từng nghe nhiều thằng con trai ở các nơi khác như Thủ Thừa của tỉnh Long An chọc ghẹo, có lẽ mấy anh chàng này thất tình, đau điếng như bị ngựa đá. Nhiều cô thôn nữ đẹp mặn mà có sức thu hút, thôi miên của xứ Tầm Vu cho leo cây nên tức cảnh sanh tình, sáng tác một câu ca dao miệt thị những người đẹp cho đã tức. Câu ca dao ấy như thế này:
Con gái Tầm Vu, một xu ba đứa,
Con trai Thủ Thừa cỡi ngựa xuống mua.
Các cô gái xứ Tầm Vu, nghe qua tức cành hông, Câu ca dao ấy như cố tình đánh giá thấp, xem thường các cô gái Tầm Vu.
Nhưng, Hừng có lần đi về quê với một người bạn trai, quê ở Tầm Vu, đang cùng học ở Sài Gòn, có thâm tình với chàng. Tình cờ, Hừng gặp hai thôn nữ của Tầm Vu, cô em đang làm việc tại một ngân hàng ở Sài Gòn, còn người chị  có chồng ở gần bến xe Tân An. Trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã mô tả tài sắc của Thuý Kiều, Thúy Vân sao giống y chang hai cô gốc thôn nữ ở Tầm Vu này:
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân,
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người mỗi vẽ mười phân vẹn mười .
Với cô em, Hừng nhận thấy cụ Nguyễn Du tả nhân vật Thúy Vân, sao mà giống với cái nhìn đầu tiên của chàng khi bắt gặp nàng đang cùng người chị kéo ống quần loe đen lội qua chỗ nước lên cao ngập bờ ruộng để lộ làn da trắng nõn nà và ửng hồng của các đầu ngón và gót chân son làm cho trái tim chàng trai trẻ rạo rực, xao động mạnh, dấu ấn đặc biệt nhớ đời:
Vân xem trang trong khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt, đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Còn cô chị, với tuổi vừa qua hai mươi, lại gái «một con trông mòn con mắt». Như cụ Nguyễn Du miêu tả :
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh…
Hừng có cảm nhận, nước da trắng hồng, mịn màng của đôi chân người phụ nữ quả có sức cám dỗ thu hút mãnh liệt làm cho con tim của chàng trai trẻ xao xuyến. Với cái nhìn thiện cảm và chính chắn về người thôn nữ Tầm Vu mà mấy thằng con trai mắc dịch, hận tình nói bừa một đồng xu ba đứa, thật sai bét so với thực cảnh mà Hừng đã  thấy trước mắt mình. Cặp mắt cận với cái kính trắng khá dày, Hừng cố điều chỉnh tầm nhìn quan sát tổng thể thân hình của cô thôn nữ như bị sắc đẹp của nàng thôi miên, trong lòng chàng thấy như có dòng máu ấm chảy về tim làm toàn thân rung động, cảm khoái dâng tràn...
Từ đó, cái xứ Tầm Vu cám dỗ kêu gọi chàng, hễ mỗi lần có cơ hội, Hừng thường rủ bạn mình là Út, một ông chú trẻ của cô gái Tầm Vu về thăm gia đình của bạn. Má của Út và hai bà chị luôn khuyến khích Hừng tiến tới làm quen cũng như hai chị tình nguyện làm mai mối để hai bên gia đình hiểu biết nhau, sẽ kết thành thông gia. Cái gì tới rồi cũng phải tới, Út thường nói như vậy.
Một ngày chủ nhựt đẹp trời, sau Tết năm 1958, từ Sài Gòn, Hừng cùng bè bạn và bà cụ thân sinh đáp xe đò về Tân An và từ đó chuyển qua xe khác về cái xứ Tầm Vu ruộng lúa phì nhiêu để làm lễ ra mắt.
Hồi xưa, tục lệ cưới hỏi qua nhiều giai đoạn nhiêu khê, lần gặp mặt, ra mắt chính thức đầu tiên của hai gia đình đàng trai, đàng gái mà người ta thường gọi là bỏ hàng rào thưa như là xí phần. Từ đó hai đứa trẻ có nhiều cơ hội chính thức, không sợ tiếng dị nghị, đàm tiếu của bà con, láng giềng, tự do tìm hiểu nhau thêm. Sau này, nếu có duyên có nợ mới tính tới lễ hỏi và lễ cưới, do hai bên gia đình bàn bạc, thỏa thuận, chọn ngày lành tháng tốt, hoàn thành hỉ sự cho hai đứa trẻ đã hiểu biết nhau nhiều và đã yêu nhau thực sự.
Chuyện thành vợ chồng chính thức quả có duyên số như người xưa từng quan niệm. Khi về sống và làm việc ở Sài gòn, người thôn nữ chân chất của cái xứ nông nghiệp cổ kính Tầm Vu, nay chân đã bắt đầu sạch phèn. Nàng có thêm học thức, tiếp thu học hỏi văn minh của đô thị nên không thể theo quan niệm cổ xưa của tổ tiên, cha mẹ đặt con đâu ngồi đó trong việc kết hôn, lập gia đình. Theo tục lệ hôn nhân cổ hủ, người con gái không thể cưỡng lại sự áp đặt của gia đình, cha mẹ quyết định tấm chồng cho con gái với khuôn phép áo không mặc qua khỏi đầu của thời quá khứ. Nghĩa là, con cái, nhất là con gái không có quyền từ chối, phản đối việc hôn nhân do gia đình chọn sẵn.
Cái quý của con người là hai chữ tự do, tự do chọn lựa kết hôn đã bị thời phong kiến đó tước đoạt, gây ra biết bao cảnh tượng đau buồn tuyệt vọng làm dở dang nhiều mối tình đẹp tuyệt vời.
Với cái tuổi gần đôi mươi, phơi phới, dù không kiêu kỳ, đẹp lộng lẫy nghiêng nước nghiêng thành, nhưng, với cặp mắt bồ câu đen láy ấy cùng với làn da trắng hồng mịn, thân hình cân đối, chắc chắn đã làm cho nhiều chàng trai chạy theo bén gót. Nàng đang đi làm việc tại một ngân hàng dù với một chức danh  tầm thường, nhưng cũng là một cô gái có công ăn việc làm vững chắc, bảo đảm cho cuộc sống tương lai. Cô nàng lại được ở hẵn trong một phòng sát cạnh chỗ làm việc hàng ngày do ngân hàng ưu ái dành cho. Đó cũng là một hãnh diện của một cô gái gốc gác nhà quê, nay có dịp chen vai với đời tại một đô thị nhộn nhịp nhất của cả nước mà có một chỗ ở đàng hoàng, độc lập không phải dễ tìm.

Thời gian thấm thoát, mới đó mà đã gần hết một năm, Hừng đang miệt mài đi dạy học kèm ở tư gia và cố gắng đi học lớp tam nhị của chương trình Việt, thay cho chương trình học bằng Pháp ngữ trước năm 1954. Với quyết tâm chàng phải lấy cho được bằng tú tài dù gian khổ thế nào cũng phải chấp nhận. Gương chịu đựng và sự kiên nhẫn phi thường của một chàng trai sau ba năm đã đi dạy tiểu học từ lớp ba đến lớp nhứt cũng như đã tốt nghiệp huấn luỵện viên Khóa Thanh Huấn đầu tiên do Bộ Quốc Gia Giáo Dục tổ chức vào mùa hè năm 1955 tại Nha Trang. Hai mùa hè kế tiếp, chàng được cử làm đại diện cho một tỉnh - huấn luyện viên thể dục thể thao - của trại hè học sinh toàn quốc tại Vũng Tàu. Đó quả là một danh dự cho một ông giáo rất trẻ tại một tỉnh lẻ xa xôi.

Cuộc sống của một công chức, đúng hơn là một ông giáo cấp tiểu học, dù lương ít, nhưng, chàng được hưởng nhiều đặc ân ưu ái của nghề gõ đầu trẻ dành cho một người con trai mới vào đời và cũng chưa biết yêu nồng thắm là gì.
Nếu tiếp tục cuộc sống phẳng lặng tại một trường tiểu học ở một tỉnh lẽ. Mỗi mùa hè được cử làm huấn luyện viên thể dục thể thao trại hè học sinh toàn quốc mà biết bao cô thầy giáo cùng trang lứa ao uớc. Cuộc đời của chàng cũng an vui tự tại, không phải chật vật vất vả như hiện nay tại Thủ đô Sài Gòn.
Chuyện một ông giáo trẻ, nổi hứng bất tử, từ một cuộc sống đang êm đềm trôi và đang lên hương với bao sự giới thiệu, mai mối của nhiều ngưòi lớn tuổi quý mến Hừng muốn chàng có vợ đẹp, gia đình bên vợ cũng thuộc vào giới đại điền chủ hay công chức khá giả…Nhưng, không hiểu tại sao Hừng chẳng màng đến việc lấy vợ hay có người yêu để giữ chặt chàng vào cái nghề cao quý mô phạm ở tỉnh lẻ này và bảo đảm cuộc sống tương lai. Cuộc đời của chàng, bỗng dưng thay đổi 180 độ.
Lên Thủ Đô Sài Gòn, vốn liếng của Hừng vỏn vẹn mang theo gần trọn tháng lương, trên dưới hai ngàn, một chiếc Mobylette cũ mà chàng đã mua ba năm trước để làm phương tiện đi dạy học và một túi xách, chừng năm ba bộ đồ mới nhất của một ông giáo tỉnh lẻ.
Sự mạo hiểm của Hừng từ giã ngôi trường tiểu học tỉnh lỵ để dấn thân vào «con đường gió bụi», chưa biết tương lai sẽ ra sao ?
Một buổi chiểu thứ bảy có gió hây hây, những giề lục bình bồng bềnh trên dòng nước lặng lẽ trôi về hướng Nhà Bè. Trên bờ sông Sài Gòn, gần cột cờ Thủ Ngữ, bến đò Thủ Thiêm ở bên kia sông, tàu thuyền đò qua lại tấp nập như mọi ngày. Hừng có hẹn với người đẹp Tầm Vu, gặp nhau để tâm tình và bàn bạc về tương lai của mối tình mà Hừng có linh tính con đường tình mà anh mơ ước sẽ có hoa trái tốt tươi, chỉ là con đường tình một chiều.
Đúng như lời nói của người bạn học, chú của người đẹp Tầm Vu, cái gì đến phải đến và chiều thứ bảy của tháng tư hay tháng 5 năm 1958 vì là Hừng chuẩn bị dự thi Tú Tài 1 nên muốn biết mình có đậu vòng sơ tuyển do người đẹp làm chánh chủ khảo hay không để chàng còn tâm trí tiếp tục cuộc thi cho tương lai sự nghiệp sắp tới.
Sau những câu xã giao chào hỏi của một đôi trai gái với những lời nói ngọt ngào thân thương, Hừng mạnh dạn đặt thẳng vấn đề tình cảm của Hừng đối với người đẹp mà Hừng muốn biết rõ tâm tư của cô nàng có phải lòng với chàng?.
Sau khi ngồi yên lặng trên một băng đá sát bờ sông, những giề lục bình, sao hôm nay lại có nhiều quá, lượn vờn theo sóng nước trôi nhanh về một nơi nào đó mà trong đầu óc của Hừng cảm thấy nơi ấy là nơi xa xăm vô tận mà chàng không còn bắt gặp lại nữa. Những giề lục bình như có tâm hồn, chàng mơ tưởng, đang lượn theo dòng nước biếc sao giống tương lai của chàng không biết trôi giạt về đâu?
Sau khi trao đổi vài câu ngắn ngủi, dù cô nàng không từ chối hẵn mối tình mà Hừng đã trao và đặt tin tưởng vào nàng, nhưng chàng có linh cảm là nàng mượn cớ huởn binh để từ chối mối tình mà chàng đã hết lòng kỳ vọng.
Người đời nói quả không sai, khi người ta sa và lậm vào tình yêu thường mù quáng, dù tình yêu đó có một chiều hay hai chiều. Hừng bỗng nhớ đến một câu ca vọng cổ mà chàng từng nghe những người lớn tuổi hơn chàng thường nghêu ngao khi đêm khuya thanh vắng ở thôn dã:
Một khi đã lậm với tình, dù phải yêu nhau trong những nỗi bất bình thì thử hỏi tâm hồn ta có biết bao nhiêu điều trắc ẩn… ơ ơ ơ… Nội dung câu ca vọng cổ muồi rệu tận mạng này đưa Hừng quay về thực tại.
Với cái tuổi thanh xuân cùng với sắc đẹp thu hút phơi phới ưa nhìn của người đẹp Tầm Vu làm sao mà không có tình yêu với ai đó hay hướng tới một chàng trai hào hoa, có địa vị trong xã hội hay có bằng cấp này nọ mà nàng mơ ước ?. Còn đối với Hừng, chẳng qua là do bạn bè, gia đình chọn lựa, giới thiệu với nàng, dù đối tượng, ngoại hình trông hấp dẫn, nhưng, tương lai sự nghiệp chưa có, bằng tú tài mà chàng đang vật lộn cũng rất khó khăn, yêu chàng quả nàng quá mù quáng như người cõi trên chỉ nhắm mắt yêu càng.
Thực tế phũ phàng đó chợt trở dậy trong đầu óc chàng. Cuộc hẹn hò tâm tình trở nên nhạt nhẽo, hai người cùng im lặng quay nhìn xuống dòng sông nước vẫn chảy, những giề lục bình vẫn trôi...
Bên kia bờ sông, bến đò Thủ Thiêm và bên nây, bến đò, Cột Cờ Thủ Ngữ vẫn nhộn nhịp, nhưng đã đến lúc khách qua lại sẽ vơi dần. Cả hai người trẻ đang có cái nhìn về hai hướng khác nhau, tương lai của mối tình đến hồi kết thúc trong êm đẹp dù Hừng vẫn cảm nhận xót xa, trắc ẩn, nuối tiếc...
Đến nay đã 60 năm dĩ vãng của một thời mộng mơ đã bị thời gian vùi lắp quên lãng, vụt bùng dậy dữ dội và rồi cũng tan biến nhanh theo thời gian, theo cuộc sống mới của người cao niên…Thời son trẻ oanh liệt nay còn đâu - "xếp tàn y lại để dành hơi" !!!
"Trời hết mưa, chưa hẳn tắt nắng - Kết thúc rồi, chưa hẳn hết yêu".?
                                                                                                       Sacramento tháng 11.17

                                                                                                                        Anh Phương

Không có nhận xét nào: