Trong một thế giới với những tình huống khẩn trương, vấn đề lãnh đạo rất quan trọng, và tiếc thay sự thiếu vắng lãnh đạo là điều không thể tránh được trong năm 2016. Thời kỳ khi còn khối G-7 gồm các cường quốc kỹ nghệ, khi đó Hoa Kỳ và Đức hầu như giữ vai trò lãnh đạo về điạ dư chính trị. Ngày nay, vai trò lãnh đạo đó hầu như không còn nữa.
TT Obama vất vã tìm chỗ đứng của mình trong sự lãnh đạo thế giới. Photo courtesy: www.headlinepolitics.com
<!->
Cali Today News - TRONG KỲ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH các nước Á châu Thái Bình Dương, Tổng thống Obama đi tìm hai người để nói chuyện. Ông không tìm Tổng thống Nga Vladimir Putin, hay ông Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình. Hai ông này đều mắc bận với những vấn đề riêng của nước họ. Ông Putin đang vướng mắc vào sự thay đổi chiến lược của Nga ở Syria, còn ông Tập Cận Bình thì đang bận tâm với sách lược kinh tế toàn cầu. Tổng thống Obama nói chuyện với ông Jack Ma, chủ tịch công ty thương mại liên mạng Alibaba, và ông Aisa Mijeno, một nhà sáng chế về môi sinh của nước Phi Luật Tân. Ông Obama đọc bài dìễn văn văn ngắn, rồi ông thảo luận gần nửa giờ với hai nhân vật trong giới kinh doanh.
Thông điệp của ông Obama rõ rệt muốn nói rằng chính quyền và giới kinh doanh phải làm việc với nhau để gỉai quyết những vấn đề về năng lượng, và môi sinh. Lời nhắn nhủ thầm kín cuả ông còn thể hiện rõ ràng hơn tại hành lang khách sạn. Tại đây, có đông đủ các nhà lãnh đạo trên thế giới, Tổng thống Hoa Kỳ cảm thấy phấn khởi nhiều khi đứng trò chuyện với những công dân trong lãnh vực tư nhân, hơn là nói chuyện với những nhà lãnh đạo của các nước đối tác. Và có lẽ ông suy nghĩ như vậy là đúng.
Trong một thế giới với những tình huống khẩn trương, vấn đề lãnh đạo rất quan trọng, và tiếc thay sự thiếu vắng lãnh đạo là điều không thể tránh được trong năm 2016. Thời kỳ khi còn khối G-7 gồm các cường quốc kỹ nghệ, khi đó Hoa Kỳ và Đức hầu như giữ vai trò lãnh đạo về điạ dư chính trị. Ngày nay, vai trò lãnh đạo đó hầu như không còn nữa. Thế giới bây giờ mở rộng ra thành G-20- với những cường quốc mới như Trung quốc và Ấn Độ, mang tiếng là mở rộng thêm, song thực ra lại đồng ý với nhau ít hơn trước. Hậu qủa là rồi đây G-2- sẽ đi đến G-zero, nghĩa là tình trạng các nước trên thế giới họp lại với nhau, nhưng không chia sẻ với nhau những giá trị tinh thần về chính trị, kinh tế giống nhau. Họ không có một viễn kiến chung về tương lai. Sau nhiều năm dọ dẫm hình thành, ngày nay tình trạng G-zero, thiếu vắng lãnh đạo quốc tế, dần dần hiện rõ nguyên hình.
Với những luận điệu của các ứng cử viên tổng thống đưa ra, người ta có thể đoan chắc rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ không còn giả vờ đóng vai trò cảnh sát quốc tế được nữa, bởi vì công luận Mỹ không ủng hộ việc cam kết lâu dài của Hoa Kỳ ở ngoại quốc, về quân sự cũng như tiền bạc. Bạn có thể nghe nói đa số dân Mỹ ủng hộ việc gửi lính Mỹ đi đánh ISIS, nhưng ông Obama biết rõ sự ủng hộ đó sẽ không tồn tại lâu. Phản ứng không đẹp mắt trước vụ thảm sát ở San Bernardino, California, cho thấy rằng phản ứng của công chúng trước những vụ tấn công khủng bố sẽ không còn mang tính chất đoàn kết mạnh mẽ như thời kỳ sau vụ 9/11. Và từ nay Hoa Kỳ sẽ phải hành động, n phải làm lấy một mình khi cần đối phí với khủng bố. Thế giới hiện đang có quá nhiều nước tự coi mình là quan trọng về mặt chính trị và kinh tế, và họ tỏ ra tự tin, muốn hành động lấy một mình, không cần sự lãnh đạo của Hoa Thịnh Đốn.
Tâm lý bất cần kể trên là có thật, dù là giữa những nước đồng minh với nhau. Ông Karl-Theodor zu Guttenberg, cựu Bộ Trưởng Quốc phòng Đức cảnh báo rằng hiện nay lòng tin của Âu châu với Hoa Kỳ đã suy gỉảm đi rất nhiều. Tình trạng mất tin tưởng càng trầm trọng hơn vào mùa bầu cử tổng thống Mỹ. Theo ông Guttenberg, bài quốc ca thường dùng trong mùa bầu cử là “Nên bỏ quên Âu châu.”, không phải chỉ riêng ông Donald Trump là người nói ra điều này.
Không can dự vào Âu châu, không có nghĩa là Hoa Kỳ đang trên đà suy yếu. Nền kinh tế của Mỹ đang phục hồi khá mạnh, trong lúc khả năng canh tân của Mỹ vẫn còn sung sức hơn lúc nào hết. Vào thời điểm khối Âu châu phải đối phó với những rủi ro về an ninh một cách nghiêm trọng, bán cầu phương tây vẫn được coi là vùng thanh bình, và ổn định nhất thế giới.
Trước đây, nước Mỹ có ảnh hưởng,và uy tín đối với ngoại quốc. Song ngày nay tầm ảnh hưởng đó bị mờ nhạt đi rất nhiều. Ở vùng Trung đông, tổ chức khủng bố mạnh nhất trong lịch sử đang chiếm cứ một vùng đất rộng lớn ở Syria và Iraq. Nước Nga đang bị tê liệt ở Ukraine, và ném bom loạn xạ trên đất Syria.Trung quốc đang ra sức thách đố sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông và thách thức Hoa Thịnh Đốn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Ông Obama đang dựa vào những biện pháp trừng phạt về tài chính, sử dụng máy bay không người lái, và ưu thế về tin học để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ. Ông chủ trương dùng những dụng cụ tối tân để giải quyết những vấn đề phức tạp của thế giới. Rất ít quan chức Hoa Kỳ, kể cả những người có lập trường diều hâu nhất, cũng không thể phân giải đuợc vai trò của Mỹ trong tình hình thế giới hiện nay.
Âu châu không thể giúp gì hơn cho tình hình thế giới hiện nay. Các nhà lãnh đạo Âu châu còn đang quá bận rộn với với vấn đề di dân xin tị nạn, phải đương đầu với những chính khách mị dân, cố gắng giữ Anh quốc gia nhập vào Liên Minh Âu châu, và giúp Hy Lạp giải quyết khó khăn tài chính về lâu dài. Trung quốc không thể thay thế khoảng trống lãnh đạo thế giới G-zero hiện nay. Trung Hoa ngày càng tham dự nhiều vào cộng đồng quốc tế, song họ tham gia chỉ để theo đuổi lợi ích riêng của họ. Bắc Kinh hiện đang dành mọi nỗ lực vào việc bài trừ tham nhũng, phục hồi sự cai trị của đảng Cộng Sản, và cố thực hiện những cải cách kinh tế đang có nhiều nguy cơ sụp đổ. Ai sẽ là người lãnh đạo cuộc chiến tranh tiêu diệt ISIS, ổn định vùng Trung đông, kiềm chế nguồn giao lưu vũ khí nguy hiểm, thực hiện những biện pháp ngăn ngừa thay đổi khí hậu, và giải quyết những rủi ro quốc tế ảnh hưởng đến sức khoẻ công cộng? Không một quốc gia nào, một cá nhân nào, có thể đứng ra đảm đương được việc này. Rất nhiều đám cháy xảy ra trên thế giới. Tình hình thế giới sẽ bốc cháy nóng hơn trong năm 2016, bởi vì không có người nào tin rằng mình có đủ khả năng về quân sự, tài chính, và tài lãnh đạo để dập tắt được những đám cháy nổ ra trên thế giới.
Vùng Trung Đông:
Ground zero ám chỉ không nước nào dám đứng ra giải quyết tình hình bất ổn ở đây.
VÙNG TRUNG ĐÔNG là nơi tiêu biểu nhất để nói lên tình trạng thiếu vắng sự lãnh đạo quốc tế. Tại đây, tình hình trở nên tệ hại hơn trước, thay đổi từ những thể chế cai trị độc tài sang một tình trạng đầy xáo trộn. Ở Iran, phe bảo thủ lo ngại rằng việc bỏ cấm vận sẽ khiến nước này mở cửa, đón nhận ảnh hưởng của phe Tây phương, và giới trẻ sẽ nổi lên đòi dành lại quyền hành khỏi tay những nhà lãnh đạo bảo thủ, cứng rắn. Tại Ả Rập Saudi, người ta lo ngại phe Shiite thân Iran sẽ vùng dậy, và được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, chính phủ trở nên lạnh lùng, vô cảm, trong gia đình hoàng gia xảy ra tranh chấp, chưa kể là giá dầu hỏa thấp khiến cho nước này gặp khó khăn về kinh tế. Họ tỏ ra lo âu, và phản ứng quá đáng. Tình hình trở nên khẩn trương qua việc Ả Rập Saudi ngấm ngầm tài trợ những cuộc chiến tranh ở Trung đông để phô bầy sức mạnh của mình.
Chiến tranh đẫm máu xảy ra ở Yemen sẽ tiếp tục kéo dài. Đây là một cuộc chiến nồi da xáo thịt ít được quốc tế biết đến. Ở Iraq, chính phủ thân Shiite sẽ tiếp tục nắm quyền cai trị, xuất cảng dầu hoả, nhưng không đả động gì đến việc chia sẻ quyền bính với phe Sunni để khuyến khích phe này chống lại tổ chức ISIS. Đó là buớc quan trọng để lấy lại vùng lãnh thổ hiện đang do ISIS chiếm đóng. Hoa Kỳ, Nga, Thổ và Pháp sẽ tiếp tục ném bom trên lãnh thổ Syria, song chỉ đem lại hiệu quả rất ít về mặt quân sự. Con số dân tị nạn đông đúc tạm trú trên lãnh thổ Lebanon, và Jordan, sẽ là những thử thách to lớn cho chính quyền của hai nước này.
Tổ chức ISIS sẽ tiếp tục bành trướng ảnh hưởng của mình, không phải về mặt lãnh thổ họ chiếm đóng, mà về uy tín, và trên điạ hạt khác. Về mặt lãnh thổ coi như họ đã bành trướng hết mức, nhưng nhờ số dầu hoả họ bán ra hơn $1 tỉ đô la, và nhờ họ biết sử dụng khéo léo mạng xã hội để chiêu dụ những kẻ quá khích trên toàn thế giới, nên họ sẽ tiếp tục phát triển ảnh hưởng. Nhóm khủng bố này tỏ ra thành công trong việc thuyết phục nhiều tín đồ của họ rằng họ có thể xây dựng được đế quốc Hồi Giáo do những siêu nhân của họ vạch ra từ trước, không phải do chính khách Tây phương đặt ra.
Có nhiều lý do để chúng ta phải lo sợ rằng trong năm 2016 sẽ xảy ra rất nhiều vụ tấn công khủng bố bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức nhập cuộc vào việc đánh ISIS. Điều này khiến cho tổ chức ISIS rất khó tuyển người trên thế giới gia nhập vào tổ chức ISIS ở Syria đi qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Tại vùng Trung đông, cũng như ở nhiều nơi khác, tình hình sẽ khẩn trương, căng thẳng hơn trong năm 2016, và sẽ không có nhà lãnh đạo nào đứng ra giải quyết vấn đề, vì việc này đòi hỏi những nỗ lực lớn lao mới có thể vãn hồi được trật tự.
Âu Châu: Một phương Tây suy yếu.
CÁCH ĐÂY 5 NĂM, các nhà lãnh đạo Âu châu phải đối đầu với một đe dọa duy nhất là cuộc khủng hoảng đồng Euro. Nhờ sự ngoan cường của nhiều nước Âu châu, và sự cương quyết của nước Đức, nên cơn khủng hoảng đã được cứu chữa kịp thời. Ngân hàng trung ương Âu châu đưa ra những biện pháp cần thiết để giúp ổn định về tài chánh.
Nhưng sang năm 2016, Âu châu sẽ phải đối đầu với rất nhiều vấn đề khó khăn, đòi hỏi phải có sự nhất trí của tất cả các nước Âu châu, hiệp sức lại để đối phó. Những rắc rối về tài chánh của nước Hy lạp sẽ bước sang giai đoạn mới, khi chính phủ khuynh tả do đảng Syriza lãnh đạo phải đối đầu với nhiều áp lực từ phía chủ nợ, từ phe đối lập, từ phía cử tri bất mãn. Chính phủ nước Tây ban Nha phải thương thuyết để người dân Catalans không đòi tách rời, tự trị. Cử tri nước Anh sẽ bỏ phiếu quyết định xem nước này có nên gia nhập vào Liên Hiệp Âu châu hay không.
Đối với những khó khăn kể trên, có lẽ theo cái nhìn của các nước Âu châu, họ sẽ có thể tự thu xếp lấy được. Nhưng rồi xảy ra vụ đổ bộ của hơn một triệu người di dân xin tị nạn. Công luận lo ngại trong đám di dân này có cả quân khủng bố gài người vào. Do đó, xu hướng chính trị ở nhiều nước Âu châu ngả sang phiá dân túy, tức là chống người di dân. Nhiều nước Âu châu đề nghị phải kiêm soát chặt việc xâm nhập của người di dân bằng cách lập tường ngăn cách ở biên giới. Nếu còn xảy ra những vụ tấn công của quân khủng bố, e rằng xu hướng bài ngoại, đóng cửa, chống người di dân sẽ có cơ hội bộc phát thêm.
Nhân vật nổi nhất trong cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Âu châu là bà Thủ tướng Đức Angela Merkel. Với tài năng xuất chúng, bà Merkel trở thành một nhân vật đặc biệt được đề cử để giải quyết cuộc khủng hoảng về di dân hiện nay ở Âu châu. Nhưng mặc dù bà Merkel là một nhân vật có uy tin nhất, và không có chọn lựa nào khác ngoài bà Merkel, song uy tín của bà Merkel đang dần dần bị suy giảm vì nhiều người lo ngại trong đám dân tị nạn có bọn quá khích, đoàn quân thánh chiến. Xu hướng không có nhân vật lãnh đạo- hay G-Zero, đe doạ uy tín của bà Merkel khi chính sách mở cửa của Âu châu bị hỏng. Cựu Bộ trưởng Quốc Phòng trong chính phủ của bà Merkel, ông Guttenberg cảnh cáo rằng: “Từ ngữ chính, quan trọng nhất cho Âu châu trong năm 2016 là chữ cooperation hay hợp tác. Đó tuyên ngôn nói lên mẫu số chung trong văn hoá Âu châu.”.
Hiện đang có sự rạn nứt về lòng tin giữa Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo Âu châu. Mối liên hệ xuyên Đại Tây Dương dựa trên những giá trị tinh thần chung của hai phiá. Trong thời bình, mối quan hệ đó khá bền vững, nhưng trong lúc nguy cấp, mỗi nước chỉ lo tìm cách bảo vệ quyền lợi riêng của mình. Lấy trường hợp của nước Anh, theo ông William Hague, cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao Anh: “Nước Anh muốn có quan hệ tốt với cả Hoa Kỳ và khối Âu châu, vì quyền lợi của nước này. Nhưng do tình hình không có sự lãnh đạo quốc tế, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Âu châu suy giảm là điều đáng tiếc cho nước Anh, nhưng không gây thiệt hại lớn cho nước này.”.
Một tin nhỏ đáng mừng là ông Putin sẽ không còn giữ thái độ đối đầu, thù nghịch trong năm 2016. Ông ta đã thắng trong ván bài ở Âu châu, và ông tin rằng ông sẽ tiếp tục giữa vai trò quan trọng ở Syria, để rồi việc cấm vận nước Nga sẽ phải kết thúc. Nhưng nền kinh tế Nga bị co cụm, lạm phát gia tăng, và giá dầu hỏa còn xuống thấp thêm sẽ làm cho dân chúng nước Nga gặp nhiều khó khăn. Khi đó, ông Putin sẽ phải đi tìm một con dê tế thần khác ở ngoại quốc để xoa dịu tình hình trong nước.
Trung Quốc: Ngày càng mạnh thêm, nhưng từ chối đảm nhận vai trò lãnh đạo.
TIN TỐT NHẤT TRONG NĂM 2016 cho an ninh quốc tế là vùng Đông Á vẫn tiếp tục tương đối yên tĩnh trong năm 2016. Các nhà lãnh đạo chính trị của Trung quốc, Nhật Bản, và Ấn độ còn phải bận tâm đối phó với những cải tổ kinh tế quan trọng trong nước, và họ không thể chấp nhận để xung đột, chiến tranh xảy ra. Điều đó sẽ bất lợi cho kinh doanh. So với Âu châu, và Trung đông, vùng Đông Á sẽ tiếp tục yên lặng. Ngoại trừ trường hợp Bắc Hàn làm chuyện điên khùng khiến mọi người phải ngạc nhiên.
Trung quốc sẽ tìm ra những phương cách khác để thách đố sự thống trị của Hoa Kỳ. Bắc Kinh sẽ dùng khối dự trữ ngoại tệ $3.5 trillion để tài trợ kế hoạch đầy tham vọng của họ là lập ra định chế mới thay thế Qũy Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới của phe Tây phương. Trung quốc sẽ trở thành nước cho vay đầu tiên dành cho chính phủ của những nước đang phát triển, không muốn chiều theo đòi hỏi của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và các nước đồng minh như Anh và Đức sẽ tìm cách đa dạng hoá việc hợp tác kinh tế, để mưu lợi trong lúc sức mạnh kinh tế của Trung quốc tăng cao. Rồi đây, đấu trường kinh tế và thương mại toàn cầu sẽ được quyết định ở Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh.
Một Trung quốc hùng mạnh vẫn không muốn trám chỗ cho khoảng trống quyền lực phát sinh từ tình trạng G-Zero, hay không nước nào đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới. Bắc Kinh sẽ không tham gia vào việc đánh ISIS, hay giúp tái thiết nước Syria. Trung quốc sẽ không giúp gì cho việc làm gỉảm căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Trung quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có một sách lược toàn cầu. Nhưng sách lược đó chỉ liên quan đến những vấn đề của Trung quốc, không dính líu gì đến những vấn đề của thế giới.
Tuy nhiên, theo cựu ngoại trưởng Hague, sách lược đó cũng có khi đem lại lợi lộc cho nước khác: “Một nước Trung Hoa hùng mạnh sẽ tạo cơ hội làm ăn cho nước Anh.”.
CÒN CÓ NHỮNG TIN VUI KHÁC TRONG NĂM 2016. Nhiều cải cách được mong chờ từ nhiều năm nay sẽ tiếp tục tiến hành ở Ấn độ và Mexico, hai nền kinh tế đang lên, rất hùng mạnh. Những nhà lãnh đạo giỏi ở Đông Á sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định, ngăn ngừa những tranh chấp không trở thành nguy hiểm. Những sửa sai trong chính sách kinh tế ở Brazil và Á căn đình sẽ đem lại kết quả tốt, dù cho quá trình sửa sai đem lại một số điểm khó coi. Những nước trong vùng sub-Sahara ở Phi châu, và Đông Á sẽ hưởng lợi nhờ sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ, Trung quốc, Âu châu và Nhật Bản trong việc đầu tư canh tân hạ tầng cơ sở.
Nhưng tất cả những tin tốt lành kể trên không thể giải quyết được vấn đề thiếu lãnh đạo trong cộng đồng quốc tế. Chỉ khi nào thế giới này phải đối diện với những trường hợp cực kỳ khẩn cấp, trên qui mô rộng lớn, khi đó mới thấy xuất hiện sự hợp tác toàn cầu, dựa trên sự cân bằng quyền lực thực sự của thế giới. Có thể tình trạng khẩn cấp đó là một cuộc chiến tranh qui mô, một cuộc khủng hoảng tài chánh, một đe doạ về y tế công, một vụ khủng bố thảm khốc, hay một thiên tai phá hoại môi sinh. Có lẽ trong năm 2016, chúng ta sẽ chưa thấy thảm hoạ đó xảy ra. Đến khi thảm hoạ thực sự xảy ra, nó sẽ trở thành câu chuyện lớn nhất trong thời đại của chúng ta.
Bài phân tích của Ian Bremmer trên báo TIME ngày 28/12/2015
Nguyễn Minh Tâm dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét