Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

May mắn... dẫn đến thành công..- Liên Thành

clip_image004

Tôi nhớ sau Mậu Thân khoảng cuối tháng 8/1968, vào một buổi sáng, Trung Sĩ Nguyễn Trọc, trưởng toán 2 bảo vệ an ninh, đem xe của tôi đi rửa tại bến Đập Đá gần khách sạn Hương Giang và Cuộc Cảnh Sát Đập Đá, đã gọi máy cho tôi với giọng hết sức hốt hoảng:
-Trình thẩm quyền Tango tôi đang rửa xe ở bến Đập Đá, tôi vừa phát giác trong thùng xe dưới ghế ngồi của Ôn có cục chất nổ lớn lắm, chừ làm răng đây Ôn?
<!->
Tôi bình tĩnh trả lời anh ta:
- Chừ cái ông nội Ôn! bỏ xe chạy gấp đi, đứng đó là tan xác, chạy ngay đi.
Chạy vào Cuộc Cảnh Sát báo cho ông Cuộc Trưởng biết, nói với ông Cuộc Trưởng lệnh của tôi phong tỏa khu vực đó ngay, không cho đồng bào và xe cộ lưu thông ngang qua khu vực đó. Tôi đến ngay.
Tôi gọi Biên Tập Viên Trần Văn Trinh (thời gian nầy Lực Lượng CSQG chưa mang cấp bậc như quân đội. Sau nầy Biên Tâp Viên CSQG mang cấp Đại Úy. Đại Úy Trần Văn Trinh hiện định cư tại Seallte, WA) Trung tâm trưởng Trung tâm Hành Quân Cảnh Lực:
- Trinh, gọi cho Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu nhờ họ xin một toán tháo gỡ đạn dược của Quân Cụ đến ngay bến Đập Đá tháo gỡ chất nổ trên xe tôi, xe tôi bị bọn VC gài chất nổ.
- Tôi gọi ngay Tango!
Tôi đến bến Đập Đá thì Biên Tập Viên Trương Công Ân (Hiện định cư tại Nam California) trưởng phòng CSĐB và thẩm sát viên Phạm Cần (tử trận ngày 28 tháng 3 năm 1975 tại bờ biển Thuận An) Chỉ Huy Trưởng BCH/CSQG/Quận III cũng vừa đến.
Chỉ mười lăm phút sau toán tháo gỡ đạn dược của Quân Cụ đến, làm xong công việc chuyên môn, họ cho chúng tôi biết ngòi nổ trong khối hợp chất C3 không kích hỏa, bằng không thì lớn chuyện rồi, vì với khối lượng hợp chất C3 nầy, khi nổ chiếc xe Jeep của tôi chỉ còn là một đống sắt vụn.
Cuộc điều tra để tìm ra thủ phạm đặt chất nổ rất may mắn không gặp khó khăn. Tôi và Ân bắt đầu từ hai trung sĩ Trưởng Toán An Ninh của tôi đó là Trung Sĩ Nguyễn Đình Ánh phụ trách 24 giờ trước, và Trung Sĩ Nguyễn Trọc đổi phiên với Trung Sĩ Ánh.
Theo trình bày của Trung Sĩ Ánh, chiều hôm trước khi đưa tôi đi họp Ủy Ban An Ninh tỉnh, vì phiên họp thường kéo dài từ ba đến bốn giờ  nên anh ta lái xe về BCH. Tại BCH người bạn của anh mời anh ra quán uống bia, chỉ khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ ăn uống với người bạn xong anh lái xe về BCH và sau đó đến giờ lên Tòa Hành Chánh Tỉnh đón tôi về.
Trung Sĩ Nguyễn Đình Ánh cho biết tên người bạn của anh ta là Hùng, cảnh sát viên Trần Văn Hùng là Cảnh Sát Dã Chiến Đại Đội 102.
Ban Hoạt Vụ của phòng CSĐB cũng như ban An Ninh Nội Bộ (Phản Gián, bộ phận chống xâm nhập) có hồ sơ của Cảnh Sát Dã Chiến Trần Văn Hùng, y hiện đang bị đặt trong tình trang theo dõi, bởi lẽ gia đình của Trần Văn Hùng hiện ở vùng bất an ninh (vùng D) y lại thường xuyên về thăm gia đình và ngủ lại ban đêm.
Tôi chỉ thị cho Biên Tập Viên Trương Công Ân phối hợp chặt chẽ với Trưởng Ban An Ninh Nội Bộ điều tra vụ này và cho tôi biết kết quả càng sớm càng tốt. Tôi dặn Trương Công Ân rất kỹ, tạm thời  gọi Trần Văn Hùng trình diện Ban An Ninh Nội Bộ, Thẩm Sát Viên Lê Khắc Kỷ (hiện định cư tai thành phố Rosemead, California) giữ đương sự tại Ban An Ninh Nội Bộ để thẩm vấn. Nếu tìm ra được manh mối gì liên quan đến nội vụ, trình tôi ngay, tôi sẽ ký giấy câu lưu đương sự và sau đó đưa về Trung Tâm Thẩm Vấn.
Khoảng 8 giờ tối cùng ngày, chúng tôi đã có kết quả:  Theo lời khai của Trần Văn Hùng thì thủ phạm vụ đặt chất nổ trên xe tôi không phải là anh ta, mà là một cơ sở khác. Anh ta chỉ có bổn phận tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đặt chất nổ là dụ Nguyễn Đình Ánh đem xe tôi đi nhậu với anh ta, để cho một cở sở khác thi hành gài đặt chất nổ.
Trần Văn Hùng đã khai anh ta bị móc nối hoạt động cho tổ chức nội thành của Việt Cộng đã gần 8 tháng qua. Cán bộ chỉ đạo anh ta là ông Văn.
Được hỏi lần tiếp xúc cuối cùng với ông Văn vào ngày, giờ, nào?
Trần Văn Hùng cho biết:
Mới hồi chiều nầy.
- Mục đích gì?
Trần Văn Hùng trả lời:
- Để báo cáo công tác, và đem thuốc tây chữa bệnh cho ông ta, ông ta đang bị bệnh nặng lắm.
- Bệnh gì?
- Sốt rét rất nặng.
- Chiều nầy đã gặp ông ta tại đâu?
Trần Văn Hùng trả lời:
- Tại nhà một người tôi không quen, ở tại một xóm nhỏ thuộc vùng Dương Trường gần đầm Thanh Lam,  Quận Phú Vang.
Anh nghĩ ông ta còn tại đó không?
- Còn.
- Tại sao?
- Vì ông ta sốt nặng lắm không đi đâu được.
Sau khi đọc xong bản cung của Trần Văn Hùng, tôi phản ứng ngay tức thời. Tôi nói với Trung Úy Ân và Trung Úy Trưởng Ban An Ninh Nội Bộ.
- Mình đi ngay.
- Đi mô Ôn?
Ân hỏi tôi. 
- Thì đi bắt thằng Việt cộng đó. Tôi quyết định mở cuộc đột kích chớp nhoáng bắt tên Việt Cộng nầy.
Tôi gọi Biên Tập Viên Trinh, trung tâm trưởng Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực lệnh cho Biên Tập Viên Tôn Thất Lãnh (Hiện định cư tại Úc Châu) Đại đội trưởng Cảnh Sát Dã Chiến 102 trong vòng ba mươi phút nữa có mặt tại Bộ Chỉ Huy cùng với một trung đội trang bị tác chiến để đi công tác với tôi.
Gần một giờ sau, vào khoảng 9 giờ tối chúng tôi xuất phát từ BCH Tỉnh. Đoàn xe trực chỉ quận Phú Vang gồm có năm xe, 3 xe Jeep:  tôi, Ân và Đại đội trưởng Tôn Thất Lãnh, theo sau là 2 xe Dodge chở Trung Đội CSDC. Chúng tôi dừng lại Quận, Chi Khu Phú Vang liên lạc với Trung Tâm Hành Quân Chi Khu để xin vào vùng và xin yểm trợ khi cần.
Để bảo mật chúng tôi đổ quân và đi bộ khoảng hơn 30 phút mới đến mục tiêu. Mục tiêu là một trong 6 căn nhà tranh nằm cô quạnh giữa cánh đồng, may là chúng tôi đột kích ban đêm, nếu ban ngày sẽ bị lộ ngay. 
Tôn Thất Lãnh với trung đội CSDC bao vây và làm nút chận phía mặt sau căn nhà. Tôi chỉ huy tiểu đội “biệt kích” của tôi cộng thêm 7 nhân viên Cảnh Sát Đặc Biệt. Trương công Ân tấn công thẳng vào cửa trước căn nhà.
Qua hệ thống truyền tin FM-1, Lãnh gọi tôi giọng rất nhỏ:
-Tango, Tango,  ông nghe tôi được không?
- Tôi nghe anh rõ, nói đi.
-Tôi rải anh em sau này xong rồi. 
- Nhận rõ, nhắc lại, nếu nó chạy thoát ra phía anh, cố gắng bắt sống.
   - Nhận rõ.
Tôi và tiểu đội “biệt kích” cùng Ân và 7 nhân viên CSDB của Ân chúng tôi chỉ chạy một đoạn ngắn, đạp cửa chính xông vào nhà.
Một bộ bàn bằng tre èo ọp ngay giữa căn nhà, trong ánh sáng của ngọn đèn dầu leo lét không đủ sáng căn phòng, hai người đàn bà một già, một trẻ, đang ngồi bất động vì quá sợ, mét mặt hốt hoảng trước gần 20 mũi súng của chúng tôi đang chỉ vào họ. Họ đang ăn cơm, chỉ có hai người nhưng trên bàn tre lại có 3 chén cơm đang ăn dỡ dang. Tôi biết ngay là có tên Văn trong nhà nầy.
Tôi bỗng chợt thấy có một chút bất nhẫn và hơi xấu hổ khi gần 20 họng súng chĩa về 2 người đàn bà tay yếu chân mềm nên vội hỏi họ:
- Ông Văn đâu?
Cả hai có lẽ vì quá sợ không nói được.
Tôi xoay nhìn qua căn phòng nhỏ thì đã thấy Trung Sĩ Ánh đứng ngay cửa phòng chĩa mũi súng vào trong phòng với tư thế yểm trợ. Bỗng có tiếng la lớn từ trong phòng của trung sĩ Trương Văn Diệp (hiện đang định cư tại thành phố Denver, Colorado):
- Ôn ơi! Có hai cái chân dưới gần giường.
- Hắn đó, dang ra coi chừng hắn tung lưu đạn chết cả đám.
Hơi có rối loạn trong toán vì nhà quá chật chỉ đủ chứa khoảng sáu bảy người, vách nhà bằng đất trộn với rơm lấy gì đỡ đạn, thật là lúng túng, nhưng rất nhanh một số anh em đã lui ra phía ngoài, còn lại tôi và tiểu đội “biệt kích”, chúng tôi xông thẳng vào trong phòng, tên Việt Cộng đang chui trốn dưới gầm giường tre, tôi la lớn:
- Tôi Trung Úy Liên Thành Trưởng Ty Công An (danh từ của bọn chúng), tôi cho anh đầu hàng, đôi vũ khí ra trước.
Trung sĩ Trương Văn Diệp đứng phía dưới nắm 2 chân tên Việt Cộng lôi y ra khỏi gầm giường.
Đó là một người đàn ông khoảng 45 tuổi, thấp, ốm, mặt xanh như lớp rêu xanh mọc nơi bờ giếng, có lẽ vì vừa bệnh và vừa sợ. Đặc biệt là môi thâm đen.
Trung Sĩ Diệp rút còng số 8 còng tay y và dẫn ra xe, 2 anh em khác nhấc chiếc giường tre lên khỏi mặt đất để quan sát phía dưới đất, mọi người đều la lớn: “có súng.” Đó là một khẩu súng AK-47 báng xếp và một cây súng lục K-54 của Trung Cộng, chiến lợi phẩm trong vụ đột kích nầy. Tôi nói nhỏ với  Trung Úy Trương Công Ân bắt giữ hai người đàn bà kia luôn vì cần khai thác tin tức liên hệ đến tên Việt Cộng mà họ đã chứa trong nhà, và cũng để bảo mật vì sợ họ sẽ thông báo cho đồng bọn biết là tên Việt Cộng nầy đã bị chúng tôi bắt.
Chúng tôi ra khỏi căn nhà, rời khỏi vùng đột kích.
Tôi vào tần số nội bộ Chi Khu Phú Vang thông báo kết quả cho Thiếu Tá Trừng Quận/Chi khu trưởng và cảm ơn ông ta. Sau nầy ông được thăng Trung Tá, thuyên chuyển về làm Quận Trưởng/Chi khu trưởng Hương Thủy. Trung Tá Trừng bị tử trận vì lọt vào ổ phục kich của Cộng quân trên đoạn đường ông về thăm nhà tại tỉnh Quảng Ngãi.
Trên đường về tôi vẫn dẫn đầu đoàn xe, quyết định về thẳng Trung Tâm Thẩm Vấn chứ không về Bộ Chỉ Huy. Khoảng hơn 4 giờ sáng thì về đến Trung Tâm Thẩm Vấn, chúng tôi bắt tay vào công việc ngay.
Khó khăn đầu tiên là chúng tôi chưa biết tên nầy tên thật là gì, chức vụ gì trong tổ chức nào của Việt cộng, mà chỉ biết hắn tên Văn theo như Trần Văn Hùng khai báo. Tạm thời cứ gọi hắn là Văn cho đến khi tìm ra “tên cúng cơm”của hắn thì khi đó mới có thể tính sổ với hắn mới được. 
Trương Công Ân bắt đầu thẩm vấn tên Văn. Tôi thẩm vấn hai người đàn bà kia mục đích là để tìm tông tích lý lịch của tên Văn.
Gần ba nươi phút sau tôi buớc sang phòng kế bên, nơi Ân đang thẩm vấn tên Văn. Bây giờ thì dưới ánh đèn sáng trong phòng thẩm vấn tôi nhìn rõ mặt tên nầy. Đúng, như tôi đã trình bày ở phần trên y khoảng trên 45 tuổi, khuôn mặt ốm, xanh xao, môi tím ngắt.
Tôi nói với Ân gọi Thẩm sát viên Hồ Lang, Trung Tâm Trưởng Trung tâm Thẩn vấn  vào thay anh, tôi cần bàn với anh chút việc.
Hai chúng tôi sang phòng trống kế bên, tôi nói ngay:
- Thằng nầy thuộc loại cán bộ cao cấp bởi lẽ vũ khí của nó vừa là AK-47 báng xếp, ngoài ra còn có súng lục K-54. Hai người đàn bà kia khai hắn tên là Hồ Tỵ, hồ sơ trận liệt Việt Cộng Quận Hương Thủy đâu, lấy ra sưu tra xem có tên hắn không và có thì hắn giữ chức vụ gì.
- Đúng rồi, anh hay thật. Anh đợi tôi về bên Bộ chỉ Huy lấy sang.
Chỉ hơn 10 phút sau Ân trở lại, chúng tôi dò trong hồ sơ trận liệt địch thuộc quận Hương Thủy, hai chúng tôi cùng la to:
“Đúng là Ôn rồi!”.
Xin độc giả hãy vui cùng với chúng tôi, bởi vì Ôn nầy chính là: Hồ Tỵ bí danh Sơn Lâm, Trưởng Ban An Ninh huyện Hương Thủy
Trong suốt thời gian Mậu Thân, y là viên chức phụ tá đắc lực cho Tên Đại Tá Trưởng Ty Công An Việt Cộng Thừa Thiên-Huế Nguyễn Đình Bảy tự Bảy Lanh. Hồ Tỵ bí danh Sơn Lâm đã phối hợp với đoàn Vũ Trang Thanh Niên của Nguyễn Đắc Xuân đã bắt và giết quá nhiều đồng bào vô tội tại Quận III, Quận II Thị xã Huế, và Quận Hương Thủy.
Tôi nói Ân đưa thẩm vấn viên khác vào thế Thẩm Sát Viên Hồ Lang, gọi Hồ Lang ra họp bàn cách thẩm vấn tên nầy.
Sau  khi bàn thảo, tôi quyết định hai ưu tiên khẩn cấp:
1- Buộc y phải khai hết đường dây và cơ sở an ninh nội thành, cơ sở nội tuyến trong BCH/CSQG/Thừa Thiên Huế, các cơ sở trong  quận Hương Thủy của y.
2- Phải hỏi cho ra thật kỹ, số nạn nhân bị bắt đi trong suốt thời gian Mậu Thân thuộc 3 Quận trong Thị xã Huế đã đem đi đâu? và hiện giam giữ tại đâu.
Những vấn đề khác sẽ hỏi sau.
Phương thức thẩm vấn:
1- Dùng chiến thuật xa luân chiến, liên tục thay phiên nhau thẩm vấn,  không cho y ngủ một giây phút nào cả.  
2- Hắn là tên sát nhân đã giết hại quá nhiều đồng bào, vì thế nếu lễ nghĩa với y không xong, chúng ta qua giai đoạn II, tôi cho phép. Tôi chịu trách nhiệm chuyện đó.
3- Tôi, rồi anh Ân, kế đến anh Lang, và 10 nhân viên thẩm vấn  thượng thặng của trung tâm luân phiên thẩm vấn y.
4- Thẩm Sát Viên Dương văn Sỏ trưởng G-2 và 10 nhân viên cộng thêm 1 trung đội CSDC tăng cường trực 100% đợi lệnh, sẳn sàng đi bắt các cơ sở nội thành mà tên nầy khai báo.
Như vậy tạm đủ, tôi sẽ là người đầu tiên thẩm vấn y. Vào lại phòng thẩm vấn, ngồi đối diện, tôi nhìn thẳng vào mặt y:
- Tôi đã giới thiệu tôi với anh từ hồi đêm rồi, bây giờ đến phiên anh.
- Tôi tên Văn, du kích huyện Hương Thủy, trên đường đi công tác bị sốt rét nên vào nhà đồng bào xin tá túc.
- Tôi không có thì giờ và anh cũng chẳng còn có cơ hội nữa nếu anh và tôi cứ đi loanh quanh như thế nầy.  Thật ra trước khi đi bắt anh chúng tôi đã nắm vững lý lịch về anh, sở dĩ tôi hỏi anh là để anh tự nguyện nói ra mà thôi, vì chúng ta vẫn còn có cơ hội hợp tác với nhau, có phải không ông Hồ Tỵ Bí danh Sơn Lâm, Trưởng ban An Ninh Huyện Hương Thủy?
Tôi vừa dứt câu nói, mặt tên nầy vốn đã xanh xao bạc nhược bây gời lại còn xanh hơn. Hắn lạnh lùng nói với tôi:
- Đúng, tôi là Hồ Tỵ, bí danh Sơn Lâm, Trưởng Ban An Ninh Huyện Hương Thủy. Tôi đã rơi vào tay các ông rồi, tùy các ông xử trí, tôi chẳng có gì khai báo với các ông.
- Có chứ! Anh có rất nhiều chuyện phải nói với chúng tôi, nhưng trước tiên chúng tôi muốn biết chỉ hai việc thôi:
1- Cơ sở nội ngoại thành của anh.
2- Thời gian Mậu Thân vừa qua, anh là Phụ tá cho Trưỏng Ty Công An Nguyễn Đinh Bảy. Các anh đã bắt rất nhiều Dân, Quân, Cán, Chính, VNCH. Các anh đã dẫn họ đi đâu? Hiện tại các anh giam giữ họ tại đâu?
Tôi mong anh suy nghĩ kỹ, đằng nào thì hợp tác làm việc với nhau vẫn thoải mái hơn, và với tư cách người có thẩm quyền ở đây, tôi hứa với anh: Anh sẽ được đối xử đàng hoàng nếu anh chịu hợp tác.
Tôi phải về lại BCH để giải quyết công việc hằng ngày, tất cả giao lại cho Đại Úy Ân.
Khoảng bốn giờ chiều cùng ngày, Trương Công Ân trình tôi bản thẩm cung đầu tiên người đàn bà trẻ. Bà ta đã nhìn nhận là nữ giao liên của Hồ Tỵ, và đã khai một số cơ sở trong Quận III và Quận II Thị xã Huế.
Chúng tôi phản ứng ngay, vì trong thành phố không có gì nguy hiểm tôi giao cho Ân chỉ huy cuộc hành quân bắt giữ các cơ sở nội thành nầy. Tổng cộng có khoảng 12 cơ sở nội thành bị bắt giữ trong đó kể cả tên học sinh đặt chất nổ trong xe tôi.
Riêng đối với tên Trưởng Ban An Ninh Hồ Tỵ, ngoài kế hoạch xa luân chiến, với Ân, Hồ Lang, và 10 thẩm vấn viên hỏi cung hắn liên tục, có lẽ hắn đã mờ người, mệt lã, cộng vào chúng tôi dùng chiến thuật chụp hình những cơ sở của hắn đã bị chúng tôi bắt và yêu cầu hắn xác nhận danh tánh và nhiệm vụ hắn đã giao cho họ. Đây chỉ là đòn tâm lý, ngầm nói với hắn là những người nầy đã bị bắt và đã khai hết rồi.
Cuối cùng sau gần một ngày một đêm chống đỡ, hắn ngã gục, khai hầu hết các cơ sơ của hắn đã tổ chức trong nội thành. Nhưng điều quan trọng và vui mừng nhất là hắn khai và chỉ cho chúng tôi những địa điểm mồ chôn tập thể ở các quận ven thành phố, đặc biệt là Quận Hương Thủy, và chính hắn xác nhận:
“Mấy ngàn người bị bắt đi trong thời gian Mậu Thân 1968, không một ai còn sống, tất cả đã bị giết chết hoặc dùng súng bắn, nhưng đa số là bị chôn sống”.
Được hỏi tại sao lại không bắn mà lại dã man chôn sống tù nhân như vậy?
Hồ Tỵ Trưởng ban An ninh trả lởi:
- Có hai lý do:
1- Tiếng súng nổ và ánh lửa phát ra khi bắn súng dễ làm lộ vị trí vị trí của chúng tôi. Chúng tôi sợ phi pháo của các anh.
2- Tiết kiệm đạn. Đạn nào bắn cho vừa, bắn cả mấy ngàn người làm sao đủ đạn.
- Tại sao lại bắn hết, chôn hết, giết hết không chừa một ai, các anh có biết rằng, hầu như gần một trăm phần trăm những người bị các anh bắt là thường dân vô tội?
Hồ Tỵ trả lời:
- Có những lý do sau đây:
1- Trên đường rút lui còn phải tác chiến với Ngụy Quân các anh, và “Lính Thủy Đánh Bộ” của đế quốc Mỹ xâm lược thì làm gì có thì giờ lo cho tù nhân.
2- Với số lượng tù nhân đông như vậy làm sao biết được ai oan, ai không oan. Tốt hơn hết là: giết lầm còn hơn bỏ sót”.
Qua lời khai của tên Hồ Tỵ tôi làm phiếu trình Đại Tá Tỉnh Trưởng, khi ấy là Đại Tá Lê Văn Thân, với lời đề nghị xin Đại Tá chỉ thị cho các vị Quận Trưởng liên hệ tổ chức tìm kiếm mồ chôn tập thể theo chỉ dẫn của tên Hồ Tỵ. Tôi cũng đánh điện lệnh cho các Chỉ Huy Trưởng CSQG các quận, các cuộc Cảnh Sát Xã phối hợp với chính quyền Quận, Xã, giúp đỡ tối đa cho đồng bào đi tìm kiến mồ chôn tấp thể, tìm kiếm thân nhân.
Riêng tại BCH Tỉnh, tôi thành lập tiểu ban theo dõi và thống kê nạn nhân bị chết và mất tích. Tiểu ban nầy đặt tại Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực dưới quyền BTV Trần Văn Trinh, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực. Tiểu ban có nhiệm vụ thu thập tin tức, kết quả công việc tìm kiếm xác nạn nhân do các cuộc Cảnh Sát Xã, Các BCH/Cảnh Sát Quận báo cáo lên BCH Tỉnh, sau đó đúc kết báo cáo lên:
1- Đại Tá Tỉnh Trưởng.
2- Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia Vùng I
3- Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia tại Sàigòn 
Vì vậy con số tổng kết 5327 nạn nhân bị giết và 1200 người bị bắt đi mất tích do Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên Huế đưa ra là con số chính xác nhất có thể chấp nhận được.
Nhân đây, tôi xin kể câu chuyện bên lề vụ tên Trưởng Ban An Ninh Hồ Tỵ nầy là nguyên nhân chính gây ra vụ xích mích giữa tôi và Đại Tá Tỉnh Trưởng Lê Văn Thân, đến độ sau đó tôi đã gặp quá nhiều khó khăn và trở ngại với Đại Tá Tỉnh Trưởng trong công việc.
Do chỉ điểm của tên Hồ Tỵ, việc tìm kiếm hầm chôn tập thể nạn nhân Mật Thân có kết quả rất tốt đẹp. Nhiều hầm chôn tập thể đã được khám phá. Dân chúng Huế thân nhân của trên 6000 ngàn nạn nhân (chết+mất tích) đổ xô đi tìm xác thân nhân. Đại Tá Tỉnh Trưởng Lê Văn Thân cho thành lập Ủy Ban Mai Táng Nạn Nhân Mậu Thân 1968, và Chủ Tịch là Nghị Viên Võ Văn Bằng (hiện định cư tại Westminter, nam California). Dân chúng Huế, thân nhân của 5327 nạn nhân bị Cộng Sản thảm sát không bao giờ quên ơn Đại Tá Tỉnh Trưởng Lê Văn Thân và ông Nghị Viên Võ Văn Bằng.
Cũng vì việc chỉ điểm có hiệu quả tốt, vì thế mà liên tục trong vòng nhiều tuần lễ, hằng đêm khoảng sau 8 giờ tối Đại Tá Tỉnh trưởng lại yêu cầu tôi đem tên Hồ Tỵ lên tư thất của ông để ông gặp.
Phòng làm việc của Đại Tá Tỉnh trưởng vào ban đêm là một trailer đặt trong vườn của dinh Tỉnh trưởng. Đêm nào cũng vậy, tôi ngồi với tên Hồ Tỵ và Đại Tá Thân hỏi nó rất nhiều câu hỏi hầu như đều liên quan đến kế hoạch tấn công Huế trong Mậu Thân, hướng tiến quân, đường rút lui của Cộng Quân, vân vân … và vân vân…cuối cùng của buổi gặp mặt là những câu hỏi của Đại Tá Thân về những hầm chôn tập thể. Ngay sáng hôm sau lại bay trực thăng cùng Đại Tá để cho Hồ Tỵ chỉ vị trí các hầm chôn tập thể. Những vị trí phát hiện được tôi đánh dấu trên bản đồ và sau đó, theo lệnh Đại Tá Tỉnh Trưởng, ngay trên trực thăng tôi gọi máy thông báo ngay cho các giới chức Quận/Chi Khu và BCH/CSQG Quận liên hệ để bắt đầu đào xới tìm kiếm thi thể nạn nhân.
Một số hầm chôn tập thể mà tên Hồ Tỵ đã chỉ:
 - Trong vùng Lăng Xá Bàu, Lăng Xá Cồn đã tìm ra khoảng trên 400 thi thể, trong đó có thi hài của Thượng Nghị Sĩ Trần Điền. Tất cả 400 thi hài nầy bị chết vì bị bắn vào đầu và gáy, đa số bị chôn sống nằm rải rác khắp hai vùng trên có khoảng 15 hầm chôn tập thể.
- Tại Lương Viện thuộc quận Phú Thú, đã tìm được mật mồ chôn tập thể thi hài của Linh Mục Bửu Đồng, Linh Mục Hoàng Ngọc Bang ông đã 73 tuổi, và hai sư huynh dòng tu La San là sư huynh Agribert và sư huynh Sylvestre.
- Trong vùng rộng lớn giới hạn từ Đàn Nam Giao, nhà máy nước Vạn Niên, chùa Tường Vân, chùa Từ Hiếu, đồi thông Quảng Tế, lăng Vua Tự Đức, lăng Vua Đồng Khánh, bọc về dòng tu Thiên An, Cầu Lim, có khoảng trên mười hầm chôn tập thể và số tử thi lên đến trên 1000 người.
- Các Cha người Pháp thuộc Dòng tu Thiên An như Cha: Don Romain Guillaune, cha Urbain, Cha Guy cũng đã tìm được xác trong vùng lăng Vua Đồng Khánh.
- Vùng tam giác chùa Từ Hiếu, nhà máy nước Vạn Niên, chùa Tường Vân cũng đã tìm thấy mồ chôn tập thể ba vị giáo sư Y Khoa người Đức và bà vợ.
- Vùng lăng Vua Gia Long, sau làng Đình Môn thuộc quận Nam Hòa có 4 hầm chôn tập thể, và đã tìm ra trên 100 thi hài.
- Tại Vùng khe Đá Mài thuộc Quận Nam Hòa, đã tìm được 428 sọ người và bộ xương nằm rải rác dọc khe Đá Mài. Xác nhận trong 428 bộ xương và sọ người nầy có 300 thanh niên Phú Cam đã bị bọn chúng bắt và sát hại. (vụ nầy do dân đi làm gỗ tình cờ phát hiện và báo cho lực lượng quân đội VNCH đang hành quân trong vùng đó).

 Nghĩa tử nghĩa tận, tất cả các nạn nhân dù được nhận diện hay không đều được chính phủ VNCH và chính quyền Thừa Thiên Huế, Ủy Ban Truy Tầm& Cải Táng Nạn Nhân lo cho mồ yên mả đẹp
Ngoài ra Hồ Tỵ còn chỉ rõ vị trí khoảng gần 50 hầm bí mật chung quanh vòng đai thành phố Huế. Lực lượng CSQG chúng tôi đã khui hết số hầm bí mật trên, chỉ tim thấy vũ khí chứ không bắt được tên nào.
Tóm lại việc làm của Đại Tá Tỉnh Trưởng thật đáng kính phục, một số không nhỏ các nạn nhân được mồ yên mả đẹp, dân Huế mang ơn ông, nhưng chỉ có một điểm tôi và ông không đồng tình với nhau để đi đến xích mích trầm trọng đó là:
- Trung Úy Thành, chú làm thủ tục cho anh ta (Hồ Tỵ), biến cải từ tù nhân qua quy chế chiêu hồi.
Tôi trả lời rất kỷ luật với Đại Tá Tỉnh Trưởng:   -Trình Đại Tá, không thể được, bởi lẽ hắn là tay sát nhân man rợ. Gần 400 Dân, Quân, Cán, Chính, trong đó có thượng nghị sĩ Trần Điền bị hắn và đám công an của Nguyễn Đình Bảy bắt tại Dòng Chúa Cứu Thế dẫn đi chắc chắn là đã đã chết. Tổng số nạn nhân bị bọn chúng bắt trong hai Quận II và III, thống kê đã lên đến mấy ngàn, chắc chắn cũng đã chết rồi.
Tội hắn như vậy, sau khi công việc hoàn tất, tôi sẽ lập thủ tục đưa hắn ra tòa với đề nghị bản án tử hình. Thằng nầy không thể tha được Đại Tá!
Nghe tôi nói như vậy, Đại Tá cau mặt có vẻ không vui nhưng chẳng nói gì thêm. Những ngày kế tiếp Đại Tá Tỉnh trưởng lại tiếp tục đề cập đến chuyện cho tên nầy chiêu hồi. Tôi vẫn lễ độ Đại Tá Tỉnh Trưởng:
- Trình Đại Tá không thể được!
- Trung Úy Trưởng Ty, nếu đây là lệnh của Đại Tá Tỉnh trưởng chú có thi hành không?
- Thưa Đại Tá, tôi thi hành, nhưng bằng bút lệnh, chứ không bằng khẩu lệnh, vì tôi còn có trách nhiệm với ngành dọc của tôi là Bộ Chỉ Huy CSQG Vùng I, và Bộ Tư Lệnh CSQG tại Sàigòn.
- Được rồi, tôi sẽ lệnh cho chú bằng bút lệnh.
Tôi đem chuyện nầy bàn với ban tham mưu của tôi. Trương Công Ân hơi có vẻ lo lắng:
- Nếu ông ta ra lệnh bằng bút lệnh thì sao? Mình phải thi hành? Cho thằng sát nhân đó hưởng quy chế chiêu hồi?
Tôi trả lời Ân và anh em trong ban tham mưu của tôi:
- Theo tôi, có hai cách giải quyết:
1- Trước khi nhận được văn thư bút lệnh của Đại Tá Tỉnh Trưởng, Càng nhanh càng tốt, kết thúc hồ sơ nội vụ tội phạm của đương sự chuyển toàn bộ sang tòa án ngay. Chúng ta để tòa án và Đại Tá Tỉnh Trưởng nói chuyện với nhau, chúng ta vô can.
2- Nếu bút lệnh của Đại Tá Tỉnh Trưởng đến trước khi chúng ta kết thúc hồ sơ tội phạm của đương sự thì… chúng ta làm phiếu trình gởi ông Biện Lý, và Đại Tá Tỉnh Trưởng với nội dung như sau:
Trân trọng kính trình Ông Biện Lý
Trân trọng kính trình Đại Tá Tỉnh Trưởng.
Thưa nhị vị,
   “Vì nhân viên an ninh của Ty tôi hồi đêm nhậu say bí tỉ, bất cẩn, không khóa cửa phòng giam của tên Hồ Tỵ bí danh Sơn Lâm, Trưởng Ban An Ninh huyện Hương Thủy nên đêm khuya thanh vắng hắn vượt ngục định trốn về lại với Bác và Đảng nên bị lính canh của Ty tôi bắn chết, hiện hắn đang nằm vắt trên bờ rào…”
Xin nhị vị ban chỉ thị cho Ty tôi thi hành. Chấm và hết!”
Có lẽ cả ông Biện lý và Đại Tá tỉnh trưởng sẽ ban khẩu lệnh: Đem chôn.”
Ban tham mưu của tôi rất đồng ý với phiếu trình nầy. Nhưng rồi những tuần lễ kế tiếp tôi không còn nghe Đại Tá Tỉnh Trưởng nhắc đến chuyện cho tên Hồ Tỵ chiêu hồi nữa.
Chúng tôi đã vắt chanh đến tận cùng, không còn một giọt nào nữa, chúng tôi đã có được những tin tức cần thiết. Tôi lệnh cho Trung Tâm Thẩm Vấn đúc kết hồ sơ Tên Hồ Tỵ bí danh Sơn Lâm, chuyển hồ sơ nội vụ sang Tòa, với đề nghị bản án trừng phạt tối đa cho Hồ Tỵ là: Tử Hình.
 Liên Thành
 (Trích Huế Thảm Sát Mậu Thân 1968. Trang 173-291)

Không có nhận xét nào: