Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Chiếc xe cũ và người chủ già - Phan Hạnh


Đúng tám giờ sáng, người thợ máy Tony vừa bước ra khỏi xe thì đã thấy "Babu" đứng chờ sẵn ở đó rồi. Tony mau mắn lên tiếng chào:
 
- Babu! Khoẻ không?
 
"Babu" là tiếng xưng hô mà Tony gọi ông khách hàng người Á Đông với mái tóc bạc phơ và dáng người ốm yếu mệt mỏi thường mang xe tới tiệm Micky Auto Repair của Tony để làm các dịch vụ bảo trì. Ông khách đáp:
 
- Cũng tàm tạm như thường. Cậu tới đúng giờ quá.<!->
 
Tony cười đáp:
 
- Làm ăn cần phải giữ uy tín babu ơi.
 
Tony tới gần ông già, xoa vai ông nhè nhẹ:
 
- Tay tui sạch. Không sạch vợ không cho đụng tới đâu.
 
Hắn cười đưa hai hàm răng trắng đều nổi bậc trên da mặt sậm đen.
 
- Babu đem xe tới đây hôm nay cần tui làm gì đây?
 
- Kiểm tra tổng quát và thay nhớt.
 
- Babu sắp sửa đi xa nữa hả?
 
- Ừ.
 
- Được rồi. Babu khỏi lo. Để tui mở cửa shop, dọn dẹp chút xíu rồi tui làm cho xe babu trước. Babu ngồi tạm nghỉ đi.
 
- Cám ơn cậu nhiều.
 
Micky Auto Repair là một tiệm sửa xe nhỏ chỉ có 3 giàn đội xe và 3 người thợ máy gồm thợ chánh Tony, thợ phụ Wasam và ông chủ Miki, vừa quản lý vừa sửa xe luôn. Cả ba đều là người tị nạn xứ Eritrea Phi Châu may mắn được Canada đón nhận.
 
Wasam cũng vừa tới tiệm, tay cầm ly cà phê và một bao giấy dầu, có lẽ là thức ăn trưa. Miki chưa thấy đâu, có thể vì là chủ nên hơi tà tà. Nhưng có thể hắn bận công việc quan trọng khác phải lo; đừng vội nghi oan cho người ta.
 
Ông già là khách hàng quen của tiệm sửa xe này, từng nói chuyện với Tony nhiều lần nên quen Tony hơn quen hai người kia. Gần mười năm nay, ông già thường đem chiếc xe Hyundai Elantra của ông tới đây cho các dịch vụ bảo trì hay sửa chữa. Tony còn trẻ, khoảng chừng bốn mươi là cùng, nhỏ tuổi hơn người con út của ông nữa. Tony quen gọi ông già là babu, theo ngôn ngữ dân tộc Tigre ở xứ Eritrea có nghĩa là ba, tiếng người con gọi cha. Tony nói ông khách hàng già gợi nhớ hình ảnh của cha cậu còn ở quê nhà.
 
Nhờ lần đầu ông già mang xe đến đây sửa một ngày cuối đông, Tony thấy ông chống gậy. Tuy mặc áo khoác ngoài, ông vẫn co ro vì cái lạnh Tháng Ba. Thấy ông đứng xớ rớ, Tony mời ông ngồi nơi chiếc băng nệm trong phòng đợi nhỏ hẹp có đặt một cái TV kiểu cũ.
 
- Babu bấm TV xem đi. Nhiều đài quốc tế đủ hết.
 
Nói xong, Tony còn cắm điện một cái lò sưởi điện nhỏ và kéo nó gần lại bên chân ông khách. Ông cám ơn và bấm nút cái hộp điều khiển tầm xa để bật thử TV. Hình ảnh hiện ra không rõ nét lắm, tiếng nói là thổ ngữ của một sắc dăn Phi châu nào đó. Ông bấm đổi qua nhiều đài khác nhưng chẳng có chương trình nào tạm cho là xem được cả. Ông tắt TV, nghe làn hơi ấm từ chiếc lò sưởi điện cá nhân bé tí tẹo lan tới ống chân. Những cọng lò xo điện trở sáng đỏ lên mấy giây rồi tắt mấy giây rồi lại cháy lên và cứ thế.
 
Cánh cửa phòng đợi đóng không đủ kín để ngăn tiếng động từ ngoài xưởng. Tiếng khua vỗ, tiếng va chạm các dụng cụ sửa xe, tiếng máy áp suất thổi hơi, tiếng người nói lớn giọng để đủ nghe qua khoảng cách chướng ngại là mấy chiếc xe nằm ụ. Mấy năm rồi vẫn vậy. Cuộc đời cơ cực với những bàn tay lem luốt lâu lâu cầm ly cà phê đưa lên miệng hớp để lại vết dơ. Cũng mấy ngón tay đó bốc lấy một chiếc bánh còng donut khi một khách hàng quen mở hộp đưa mời. Sức lao động đổ ra sáu ngày mỗi tuần làm quần quật để đổi lấy đồng lương, một phần trang trải chi tiêu phí tổn cho đời sống bên này, một phần gởi về nuôi thân nhân ở quê nhà lục địa đen xa tít.
 
Họ là những người thợ máy, yêu thích những chiếc xe đời cũ hơn. Chúng không quá tân tiến với những cơ phận điện tử rắc rối khó chẩn đoán nếu không đủ trình độ học vấn theo học các khóa kỹ thuật ở trường cao đẳng.
 
Sau khi mở cánh cửa sắt, Tony lo dời vài chiếc xe đậu trước tiệm và trong tiệm để lấy chỗ trống. Xong xuôi, hắn lái xe của ông già vào tiệm. Tony nhớ rồi; ông già khách hàng đó người Việt Nam vì ông thường đội cái nón có hình cờ vàng ba sọc đỏ. Hắn cũng biết sơ sơ về chiến tranh Việt Nam, phần nhiều qua lời kể của ông già này. Trao đổi đối thoại, hắn kể thân phận tị nạn chạy trốn chết chóc do chiến tranh triền miên nơi quê hương Eritrea của hắn, ông già nói ông thông cảm vì ông cũng từng trải qua chiến tranh.
 
Cậu thợ máy Wasam trẻ nhứt, có vẻ là đang học việc, tiếp tục công việc sửa chữa một chiếc xe khác còn dang dở, thỉnh thoảng hỏi vọng sang Tony xin lời hướng dẫn.
 
Ông già ngồi trên một cái thùng nhựa úp ngược tựa lưng vào tường. Ông nghĩ ngợi mông lung. Tiếng "babu" mà người thợ máy di dân xa lạ xưng hô với ông khiến cho ông tưởng nhớ tới ba đứa con ruột của ông nhưng chúng đều ở xa cả, mỗi đứa một nơi. Sở dĩ hôm nay ông xách chiếc xe cũ đã 10 năm đi kiểm tra và thay nhớt là để chuẩn bị cho một chuyến đi xa mà ông nghĩ sẽ là chuyến cuối cùng tự lái xe một mình. Ông sẽ đi thăm người cô ruột, cư ngụ tận Florida, cách xa ông hai ngàn hai trăm cây số, lái xe mất nguyên một ngày. Ông dự định khởi hành sáng sớm và tới nơi sáng ngày hôm sau.
 
Cô ông là người cô út, chỉ lớn hơn ông sáu tuổi. Khi ông còn nhỏ ở quê nội, cô út là người trông giữ anh em ông trong khi mẹ ông và các cô lớn lo công việc sinh nhai khác. Hiện tại cô chỉ sống một mình vì chồng cô mất cũng đã lâu, các con đều đã lập gia đình sống riêng. Cô là người thân họ hàng duy nhất của ông ở hải ngoại. Cả hai cô cháu đều đã lớn tuổi, mỗi năm mỗi già yếu hơn, ông nghĩ nếu không thăm cô bây giờ thì e về sau sẽ không còn có cơ hội nữa. Lần đi thăm cô trước đây cũng đã hai năm.
 
Gần một tiếng sau, Tony đánh xe ra, hai bàn tay lấm lem, mặt lấm tấm mồ hôi mà vẫn nhe răng cười:
 
- Tất cả xong rồi babu. Tui thay bằng dầu nhớt tổng hợp loại tốt, kiểm soát bốn vỏ bánh xe, kiểm bố thắng, thăm chừng mức dầu thắng, dầu hộp số, châm thêm nước rửa kính, mọi thứ an toàn.
 
- Cám ơn Tony. Tôi tin cậu luôn luôn làm việc cẩn thận. Cậu nghĩ chiếc xe nầy còn tốt hả?
 
- Quá tốt đó babu. Nó mới chạy có hơn một trăm ngàn cây số mà, gấp đôi như vậy nữa cũng còn được.
 
Ông già ngắm nghía chiếc xe mười tuổi nhưng nó trông còn mới lắm; đầu xe bóng láng phản chiếu ánh sáng ban mai, bầu trời xanh mây trắng hiện rõ như gương. Ông tỏ vẻ hài lòng.
 
- Tôi thiếu cậu tất cả bao nhiêu?
 
- Bảy chục, babu.
 
- Như vậy có thiệt thòi cho cậu không?
 
- Không sao. Babu là khách hàng quen mà.
 
Ông già móc bóp lấy bốn tờ 20 đưa Tony:
 
- Cầm hết đi. Khỏi thối lại.
 
- Cám ơn babu. Babu đi đường bình yên nha.
 
- Bye Tony. Đừng làm việc quá sức nha.
 
Ông già chìa tay. Người thợ máy nói "Xin lỗi babu, tay tôi dơ" và khuỳnh cánh tay ra cho ông già nắm. Ông già lên xe, đóng cửa lại. Tony vỗ nhẹ lên mui chiếc xe như hiệu lệnh từ giã. Tony nghĩ ông già là một khách hàng trung thành, hiền lành dễ mến. Gần quanh vùng này có mấy tiệm sửa xe khác do người Việt làm chủ mà ông vẫn đem xe tới cho Tony sửa. Ngoài ông ra, Tony có thấy khách hàng người Việt nào khác đem xe tới đây đâu.
 
Nghĩ rằng giờ này chợ Tàu đã bắt đầu mở cửa, ông già lái xe đi chợ, làm bổn phận đối với gia đình. Nói vậy chớ gia đình ông chỉ có vợ chồng ông sống trong một căn nhà nhỏ, các con đã trưởng thành, đã đi xa lập thân và đã có gia đình riêng. Tiếng Anh có chữ "empty nest", ổ trống, để chỉ những gia đình mà con cái đã ra riêng và chỉ còn có cha mẹ sống lẻ loi. Cái ổ của vợ chồng ông đã trống gần hai chục năm nay.
 
Chợ Tàu ngày thường lại vào buổi sáng nên thưa khách. Ông già thích như vậy vì ông đỡ phải bon chen. Ông bỏ đồng "loonie" (đồng tiền một đô la) để lấy một chiếc xe đẩy, vừa chứa đồ vừa làm điểm tựa cho đôi chân yếu của ông. Tuy ông có giấy phép đậu xe dành cho người yếu kém thể chất - từ ngữ mới lịch sự thay thế cho người tàn tật trước đây - nhưng ít khi nào còn chỗ trống cho ông đậu. Dường như xã hội này ngày càng có nhiều người già yếu bệnh tật như ông, những người lái xe hơi lạng quạng dễ cọ quẹt gây ra tai nạn nhỏ. Cũng vì thường xách xe đi chợ Tàu có bãi đậu xe chật chội lộn xộn này mà chiếc xe Hyundai Elantra của ông trầy trụa móp méo lung tung. Ông nghĩ như vậy cũng hay vì cho dù lỡ ông quên khóa xe thì cũng chẳng có ma nào thèm lấy chiếc xe cũ đáng giá chẳng bao nhiêu này làm gì.
 
Đống đồ mua không nhiều lắm nhưng chuyển nhiều chuyến cũng làm ông thấm mệt. Từ kệ hàng bỏ lên xe đẩy, từ xe đẩy bỏ lên quầy tính tiền, bỏ đồ lên xe đẩy trở lại, đẩy ra bãi đậu xe, chất vào thùng xe, tới nhà lấy đồ ra xách vô nhà. Lắm khi cố cất đồ vào tủ lạnh xong, ông ra phòng khách ngã mình trên ghế sofa nằm thở. Ông nghĩ rồi mấy năm nữa khi ông đã yếu hơn nữa rồi sẽ ra sao, ông lo sợ và cảm thấy buồn. Ông sợ một ngày ông không đủ sức lái xe nữa, chừng đó vợ chồng ông sẽ xoay sở ra sao. Ông đã soạn sẵn bản nháp di chúc nhưng chưa đưa cho vợ con xem. Ông bám lấy hy vọng là điều đó chưa cần thiết.
 
Ông thường bị ám ảnh bởi cái chết, nhất là những lúc ông nằm bệnh. Mấy năm gần đây ông thường bệnh kể từ sau cú té quá bạo suýt chết trên nước đóng băng. Cú té khiến cho ông bị xuất huyết trong đầu do một số mạch thần kinh nhỏ bị vỡ; vai bên mặt thì bị tét gân. Đã trên bảy mươi tuổi, dù ông không té bị chấn thương thần kinh đi chăng nữa thì các bộ phận trong cơ thể cũng đang yếu dần. Kể ra ông sống đến tuổi này là đã thọ hơn các bậc tiền bối trong giòng họ.
 
Mấy hôm trước, lúc ngồi đợi ở phòng mạch bác sĩ đông khoảng gần hai chục bệnh nhân, ông giật mình nhận ra mình là bệnh nhân già nhất. Ông ngồi tư lự, mắt lơ đãng nhìn quanh quất, những khuôn mặt quen nhưng lạ. Quen vì họ cũng là những con người thuộc nhiều màu da mà ông thấy hằng ngày mỗi khi ra phố. Có đôi vợ chồng người Tàu nói bô bô, hình dáng bề ngoài có sao để vậy không một chút chăm sóc thêm thắt nào. Người vợ cắt tóc ngắn theo kiểu nữ lao động thời cách mạng văn hóa dưới quyền Mao Trạch Đông. Nhìn bà ta, ông bắt liên tưởng đến khuôn mặt của Mao lãnh tụ. Bà ta khoảng 50 tuổi, thế mà trên mái tóc muối tiêu một bên trán vẫn còn có một cái kẹp nhỏ như cây tăm xỉa răng. Nhưng tăm xỉa răng có lẽ là thứ bà không bao giờ cần tới. Hàm răng bà nhô ra phía trước và có kẽ hở, bà tha hồ ăn thịt bò, thịt gà, khô mực. Bà nói bô bô với chồng ngồi ngay bên cạnh. Bà mặc bên trong một cái áo len đã dầy rồi, bên ngoài lại còn khoác một cái áo choàng bự sự không cài nút.
 
Người chồng trông có vẻ trẻ hơn bà, da mặt hồng hào hơn, mặc áo mới hơn, trên đầu đội cái nón len lận mí che phủ hai tai, trên chóp nón có một cục len lúc lắc khi đầu ông cử động làm cho ông giống một gã hề. Người chồng ít nói hơn, nhưng cũng lớn tiếng, chắc tại cái nón len che bít hai tai. Vả lại biết đâu bên trong tai ông còn nhét bông gòn nữa không chừng. Ông không thể đoán trong hai người đó ai là bệnh nhân và ai là người đi theo hộ tống vì cả hai trông chẳng có vẻ gì là bệnh cả. Nếu bệnh thì đã ngồi im rầu rĩ giống như ông đây nầy.
 
Đây là phòng mạch bác sĩ chuyên khoa gan ruột; mỗi lần hẹn là mỗi lần khó nên ông phải cố chờ dù sốt ruột. Bác sĩ gia đình giới thiệu ông đến gặp bác sĩ chuyên khoa gan ruột vì kết quả thử máu có dấu hiệu đáng nghi ngờ ông bị viêm gan và sưng ruột. Nếu cộng thêm tim lớn bẩm sinh, thần kinh bị tổn thương, huyết áp cao, đường máu cao, mỡ máu cao thì có lẽ số năm còn sống của ông có thể đếm trên đầu các ngón tay. Ông thường nghĩ tới cái chết là phải, chỉ nghĩ tới tôi chớ chưa hẳn là sợ. Ông chỉ sợ bịnh hoạn đau đớn chớ không sợ chết. Chữ tiếng Anh của sự sợ chết là thanatophobia, đối với ông khá dễ nhớ, ông chẳng hiểu tại sao nữa, có lẽ tại nó vần với câu "thà nà tô phở bia".
 
Ông hay nghĩ khi ông chết rồi thì vợ ông sẽ sống ra sao. Nhà chỉ có hai vợ chồng già sống nương tựa lẫn nhau. Sức khoẻ tổng quát vợ ông khá hơn, sức chịu đựng của bà bền bỉ hơn tuy bà có thân hình nhỏ nhắn và không có sức mạnh thể chất. Mỗi lần cần mở nắp lọ hũ thủy tinh có nén hơi, bà phải nhờ tới ông. Bà bị bệnh xốp xương, cổ tay yếu. Mỗi lần tưới mấy chậu hoa trong nhà, bà phải dùng bình tưới nhỏ một lít đổ lưng chưa đầy.
 
Ông thường khuyên bà nên thu vén lại, loại bỏ bớt những vật dụng nào không hoặc ít còn cần thiết. Nhưng tính bà thích giữ của, cái gì cũng giữ, không muốn quăng bớt món gì cả, từ quần áo cũ không còn mặc nữa cho tới chậu thau lon hũ và cả những bao ny lông và dây thun. Bao ny lông và dây thun lâu ngày không dùng cũng quá hạn, đụng tới là rệu rã.
 
Khoảng không gian của tổng diện tích 120 m2 của căn nhà 3 tầng nầy chứa nhiều nhứt là cây kiểng. Nhiều lắm. Ba tầng đều có. Tầng trên cùng, một phòng ngủ bỏ trống để chứa hoa lan, 15 cây tất cả. Cửa sổ không rộng lắm nên cây thiếu ánh sáng, ra hoa không thường xuyên và cũng không sai hoa. Tầng giữa chứa cây nhiều nhất. Dọc theo hai cửa sổ phòng khách, trên mấy chiếc bàn thấp có hơn mười chậu cây đủ loại đủ cỡ. Tược cây hoa quỳnh vượt vùn vụt gần đụng trần nhà. Cây bông bụp cũng không vừa, cao nghễu nghện. Dưới sàn gỗ thì đặt chậu cây "palm" cũng trỗ chùm hoa li ti như chùm hoa cau tí hon. Cây "palm" này thân khẳng khiu ốm nhom nhưng xum xuê cành lá xòa ra choáng nhiều diện tích, che khuất cả màn ảnh tivi. Mỗi lần bước gần nó, ông sợ đụng nó ngã là mang họa. Muốn tầm nhìn khỏi bị che khuất khi xem ti vi, ông chỉ có thể ngồi ở một vị trí cố định là góc sa lông.
 
Ban công phía sau, từ bếp đẩy cái "sliding door" ra, lại thêm mấy chậu xương rồng có gai nhọn tua tủa. Vào mùa đông, bà lôi chúng vào để trên sàn bếp cạnh bên thùng rác, ông đi gần lơ mơ không khéo sẽ bị gai đâm chân.
 
Tầng dưới cùng là phòng làm việc của ông có một chậu trúc cao đến vai và hai chậu lá trầu bà chẳng thay đất bao giờ mà cứ xanh tươi mườn mượt.
 
Tất cả hơn ba chục chậu hoa kiểng trong nhà, ông không đụng tới. Mọi việc chăm sóc chúng do bà lo tất. Lâu lâu bà kêu năm lần bảy lượt ông mới phụ bê vài chậu dời ra sân vào đầu mùa xuân khi thời tiết bắt đầu ấm lên.
 
Bà than phiền luôn miệng về cái tính lười ngó ngàng đến cây cối của ông. Bà hối tiếc là đã lấy phải một ông chồng không có cùng sở thích với bà. Bà kể lể rằng thằng hàng xóm bên cạnh nhà người Phi luật tân, nó cũng là đàn ông mà sao nó mê hoa kiểng cách gì! Nhà của nó còn nhiều cây hơn nhà ông. Nó ở chỉ có một mình. Vợ và năm đứa con còn ở bên Phi. Nó đã làm đơn xin bảo lãnh cho vợ con nó qua Canada đoàn tụ gia đình nhưng đơn cứ bị bác hoài. Khiếu nại tới khiếu nại lui vẫn bị từ chối dài dài. Lý do cũng chỉ vì khi xin vào Canada đi làm với tính cách là thợ chuyên môn, nó khai độc thân cho dễ được chấp thuận. Bởi vậy bây giờ mới kẹt. Nó buồn nên nó trồng hoa kiễng cho đỡ buồn. Vào nhà nó mới khiếp. Tầng dước cùng có nó chỉ để chứa cây. Hàng mấy chục chậu bày la liệt. Nó không kỹ như vợ ông, nó cứ đặt các chậu cây thẳng trên mặt thảm, lâu ngày thảm đầy vết ố của nước và đất.
 
Sân trước và sân sau nhà ông tuy nhỏ xíu nhưng cũng có trồng hoa hồng, hoa tulip, hoa daffodil, hoa columbine, hoa geranium, hoa impatiens, hoa clematis, hoa daylily, hoa crocus, hoa chuông bleeding hearts. Bà thuộc tên hầu hết các loài hoa mà bà trồng, tên Việt cũng như tên Anh ngữ. Một người bạn của ông biết bà rành tên các loài hoa cho nên ông ta nói đùa rằng nếu sau này ông ta có về nước làm thủ tướng thay cho Nguyễn Tấn Dũng thì ông ta sẽ giao cho bà chức thứ trưởng canh nông và hoa kiễng. Đương nhiên là điều này sẽ không bao giờ xảy ra.
 
Thấy vợ từ trên lầu đi xuống sau khi đã chăm tưới mấy chậu lan, ông phân trần kể chút công lao với vợ:
 
- Các món em dặn, anh kiếm mua đủ hết rồi đó. Kiếm không phải dễ đâu nha, phải đi qua chợ khác nữa kiếm mới có.
 
Bà thường đáp như trách lấy lệ:
 
- Em dặn hờ vậy, có sẵn thì mua, không thì thôi, kiếm làm chi, cũng không cần gấp.
 
Ông thừa hiểu bà nói vậy mà không phải vậy. Những món bà dặn ông mua chẳng phải là cao lương mỹ vị hiếm hoi gì, có điều cần phải đúng hiệu mà bà đã quen. Ví dụ bún thì phải hiệu trái núi, bánh tráng phải hiệu hoa sen, đậu xanh phải hiệu con công, vân vân. Ông thì theo triết lý "Thuốc chí trừ chí, thuốc rệp trừ rệp, xài hết thuốc chí, lấy thuốc rệp trừ chí cũng được."
 
Ông bà ăn uống đơn giản, rau cải trái cây nhiều hơn thịt cá. Khi đi ăn ngoài, ông bà không chê các món thịt cá, chỉ chê ở nhà vì làm cực và không chịu được mùi tanh. Đây là một trường hợp chọn lựa có điều kiện.
 
Vì có tính nhút nhát hay lo sợ đủ điều bất trắc và lại có thân hình nhỏ nhắn cân nặng chỉ khoảng 90 cân Anh, bà không bao giờ dám lái xe. Bà cũng rất ngại đi đường xa, dù chỉ có vợ chồng ông bà thôi. Ngược lại, ông là người thích lái xe đi chơi xa. Không rủ rê được bà cùng đi, ông đi một mình. Nhưng sức khỏe tuổi già mỗi năm mỗi tệ, ông hay nghĩ dại biết đâu đi chuyến xa này sẽ là chuyến chót. Điều ông sợ nhất là một ngày nào đó ông không được phép lái xe nữa. Mắt kém, đầu óc tính toán không còn nhanh nhẹn bén nhạy, phản ứng chậm chạp, chưa kể các tai họa có thể xảy đến từ các chứng bệnh cao huyết áp, tiểu đường, cao mỡ. "Bị rút bằng lái thà chết sướng hơn", ông luôn bị ám ảnh bởi điều đó. Ông lệ thuộc vào chiếc xe đã quen rồi. Với ông, chiếc xe vừa là phương tiện di chuyển mà cũng vừa khẳng định cương vị của một người tự lập. Lái một chiếc xe, ông cảm thấy nhân phẩm vẹn tròn.
 
Chiếc xe này so ra còn phong độ hơn chủ của nó nhiều. Nếu thời gian hữu dụng trung bình của một chiếc xe là hai mươi năm hoặc hai trăm ngàn cây số, con ngựa chạy bằng xăng của ông chỉ mới nửa đời, mười năm, một trăm ngàn cây số. Nếu tuổi thọ trung bình của con người là 80 tuổi, thế thì xem như ông đang ở vào những năm tháng cuối đời. Có phần chắc đây sẽ là chiếc xe cuối cùng mà ông sở hữu và lái. Như một đôi bạn đồng hành hợp tính, nó và ông đã từng trải qua những chuyến đi xa thích thú. Nó luôn luôn ngoan ngoãn chuyên cần và bền bỉ. Có nó, ông yên tâm. Xa nó, ông sẽ tiếc và ngậm ngùi. Dù gì, nó đã từng chia xẻ cùng ông nhiều kỷ niệm. Những lần ông bất cẩn khi điều khiển và gây thương tích trên thân thể nó, nó âm thầm chịu đựng, chẳng phiền hà trách móc gì. Nó trầy xướt mang thẹo, ông xót xa cho nó, vợ ông thì có cớ để trách ông về cái tánh lái xe không cẩn thận. Ông tự bào chữa rằng thử hỏi lái một chiếc xe trên đường phố đông xe cộ suốt mười năm thì làm sao tránh khỏi những va chạm nhỏ, nhất là tại các bãi đậu khu chợ Tàu vừa chật chội vừa có nhiều di dân đậu xe bừa bãi bất chấp phép lịch sự.  
 
Trong bữa cơm chiều, ông nói với bà:
 
- Sáng sớm anh khởi hành sớm nha em. Khoảng 6 giờ. Các món gì em gởi cho Cô Tám thì cứ bỏ hết vô một cái túi xách rồi để sẵn ở đầu cầu thang đó cho anh. Đồ đạc của anh thì chẳng có gì nhiều, đựng chỉ đầy một vali nhỏ cộng với cái túi mang vai, tất cả đều sẵn sàng hết rồi.
 
- Nếu sáng em dậy kịp thì em tiễn chào; bằng không thì mai anh đi bình yên. Nhớ chạy xe cẩn thận, lúc nào cảm thấy mệt thì ngừng lại nghỉ chớ đừng chạy cố. Nhớ passport, giấy bảo hiểm sức khỏe du lịch, thuốc men nhớ đem cho đủ.
 
Lời dặn dò của bà làm ông cười thầm vì cái tật chạy cố của ông nào có bỏ được đâu. Một khi đã đi thì bao giờ ông cũng muốn đi nhanh cho mau tới nơi, cứ như chạy đua để đoạt giải không bằng. Ông đã ăn giấy phạt về cái tội chạy quá tốc độ rồi mà vẫn chưa tỡn. Passport cất chung với bằng lái không thể quên; bảo hiểm cũng vậy, không có là nguy vì phí tổn nhà thương bên Mỹ mắc kinh khủng lắm.
 
Nôn nả bởi chuyến đi xa, mới bốn giờ sáng ông đã thức, tắm rửa cạo râu rồi xách hành trang xuống nhà. Bà đã ngồi nơi bàn ăn trong bếp. Bữa ăn sáng của ông đã sẵn trên bàn, hai lát bánh mì nho, một trái chuối và một ly sôcôla nóng. Kiểm lại hai ba lượt đủ các món phải đem theo xong, ông ra xe khởi hành trước sáu giờ khi cả xóm nhà còn im lìm lúc đèn đường chưa tắt. Bà im lặng nhìn theo.
 
Xe chạy bon bon trên xa lộ. Tại trạm biên giới vào nước Mỹ, ông chỉ được hỏi vài câu theo thông lệ: tới thành phố nào, để làm gì, ở bao lâu, có món gì phải khai quan thuế không. Thế là xong. Thông tin lưu trữ cho thấy ông già Á đông này vào nước Mỹ cả mấy chục lần suốt 40 năm nay rồi và chưa hề vi phạm luật lệ quan thuế biên giới. Chiếc xe 10 tuổi và người chủ hơn 70 tuổi lại thong dong lên đường suốt 3 giờ nữa rồi ngừng lại nạp năng lượng: xăng cho con ngựa bốn bánh và bữa trưa ăn nhanh cho người chủ già, cả hai nghỉ ngơi một lúc rồi lại lên đường. Lái đến khuya, ông tấp vào khu nghỉ ngơi "Rest Area" dọc xa lộ, bật ghế dài ra nằm nhắm mắt cho đỡ mệt. Nôn nóng muốn cho mau tới, ông nằm nghỉ không lâu, lại ngồi thẳng dậy rồ máy xe chạy tiếp.
 
Qua khỏi Georgia và vào tới địa phận Florida, ông vui mừng cứ như là đã tới nơi. Nhưng thật ra ông phải lái thêm ba tiếng nữa mới tới thành phố nhỏ New Port Richey là nơi cô ông ở.
 
Mới sáng sớm dậy ngồi thiền, cô ông nghe có tiếng chuông cửa, cô bước ra, reo lên sững sốt "Mầy hả Hoàng!" Ông già dằn nỗi mệt nhọc, mĩm cười: "Còn ai trồng khoai đất nầy!" Hai cô cháu cùng trong vòng tay nhau mừng rỡ. Chiếc xe cũ đậu ở lối đi, dửng dưng sau một chuyến đi dài.
 
Phan Hạnh.
PH-HCA

Không có nhận xét nào: