Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Giới Thiệu Sinh Hoạt Cộng Đồng: Thánh Lễ và Phút Thắp Nến Nguyện Cầu cho Các Linh Hồn Thuyền Nhân Việt Nam. Các Sinh Hoạt Khác và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Công Giáo: Thứ Bảy, ngày 2 Tháng 11, Lễ Các Đẳng (hay còn gọi Lễ Các Đẳng Linh hồn)-Theo Công Giáo Rôma, đây là ngày dành cho việc cầu nguyện và là ngày dùng để tưởng nhớ những người đã qua đời, những người được xem là đang ở trong luyện ngục. Công Giáo Rôma cho rằng, những lời cầu nguyện của các tín hữu trên trần thế, sẽ góp phần đắc lực, giúp tẩy rửa những linh hồn này. Để tưởng nhớ gần nửa triệu Thuyền Nhân Việt, đã bỏ mình trên biển cả mênh mông, trên đường đi tìm tự do.
<!>

Nên Cha Chính Xứ Có Ý Phối Hợp Với Ban Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân VN, Tại San Jose. Thực Hiện Một Thánh Lễ và Phút Thắp Nến Nguyện Cầu cho những Linh Hồn không may này.


Thánh lễ sẽ được cử hành,
Lúc: 5 Giờ 30 Chiều Thứ Bảy, Ngày 2 Tháng 11 Năm 2024 (Tuần Này!)
Tại: Đền Thánh Tử Đạo Việt Nam, 685 Singleton Rd., San Jose, CA 95111
Phần văn nghệ tưởng nhớ, đặc biệt có sự góp mặt của Ca sĩ Diệu Linh (Trung tâm Thúy Nga) và Ca Đoàn Xóm Nhỏ


Theo đức tin Công Giáo, vào ngày đặc biệt này, các nơi thánh lễ sẽ được cử hành cầu nguyện cho người đã qua đời, chưa kể nhiều người sẽ đến viếng thăm và trang trí phần mộ của những người thân yêu. Tại một số nơi công cộng, nó có thể được dùng để mời mọi người tham gia tưởng niệm những người đã mất, bằng cách đặt hoa, nến, ảnh hay vật lưu niệm. Ở nhiều nước khác trên thế giới, nhiều nơi có thể sẽ diễn ra các cuộc diễn hành và các lễ hội lớn, để kính các Linh Hồn.


Trân Trọng Kính Mời
Thay mặt Ủy Ban
Lê Văn Hải


(Một Vài Hình Ảnh Thuyền Nhân VN, theo thống kê Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, gần nửa triệu Thuyền Nhân, đã lấy đại dương mênh mông, làm mồ chôn!)







Giới Thiệu Nhiều Sinh Hoạt Cộng Đồng:
Chào Cờ Vườn Truyền Thống Việt


Ra Mắt Tác Phẩm Tôi Phải Sống (Ấn Bản Tiếng Anh) của LM Nguyễn Hữu Lễ


Các Sinh Hoạt Khác:


Chủ Nhật Tuần Này Đổi Giờ! Đổi Giờ!


Thưa tất cả quý vị:
Theo thông lệ tại Hoa Kỳ ngày chủ nhật đầu tháng 11 sẽ đổi giờ!


Từ 2:00 am, sẽ thành 1:00 am (lùi lại 1 giờ) Đó là ngày 3 November 2024.

Do đó Thứ Bảy tuần này, trước khi đi ngủ, quý vị nhớ vặn đồng hồ mình Lui, Xuống một giờ! Nhớ nhé, Lui lại một giờ!
Xin được thông báo


Bài Đọc Thêm: Đổi Giờ Hè-Đông Vẫn Không Thống Nhất Trong Liên Hiệp Âu Châu


(Hình AP - Michael Probst, minh họa, chụp tại một công viên ở Travemuende, miền Bắc Đức, ngày 26/10/2024.)
-Từ hôm 27/10/2024, nước Pháp và nhiều nước Âu Châu đổi sang giờ mùa Đông (lùi lại 1 tiếng đồng hồ).
Biện pháp đổi từ giờ mùa Hè sang giờ mùa Đông và ngược lại được thực hiện 2 lần một năm, nhằm tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên việc làm này gây nhiều tranh cãi trong Liên Hiệp Âu Châu (EU). Nghị Viện Âu Châu (EP) năm 2019 đã thông qua quyết định bỏ việc đổi giờ, gia hạn đến năm 2021 tất cả các nước thành viên thống nhất áp dụng. Nhưng đến giờ các nước vẫn không thể nhất trí. Thông tín viên Pierre Benazet của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại thủ đô Brussels của Bỉ cho biết thêm thông tin:
Không có gì thay đổi sau 3 năm. Tuy nhiên, một cuộc tham khảo ý kiến dân trong Âu Châu đã cho thấy 80% trong số họ không muốn đổi giờ nữa. Năm 2019, Nghị Viện Âu Châu đã thông qua Nghị quyết hủy bỏ việc đổi giờ. Hơn nữa, việc tiết kiệm năng lượng nhờ đổi giờ cũng không đáng kể. Mặc dù vậy, 27 nước Liên Hiệp Âu Châu vẫn không bỏ được việc đổi giờ. Đó là việc mỗi nước tự chọn, Liên Hiệp Âu Châu chỉ đóng vai trò điều phối thời điểm.

Vấn đề là ở chỗ không ai đồng ý. Các nước bắc Âu thích giữ lại giờ mùa Đông, còn các nước phía Nam thì lại muốn giờ mùa Hè. Như thế không còn là quy định chung để phối hợp giữa các nước mà hiện đại đa số ở trong cùng múi giờ.
Kết cục là vấn đề bị xếp xó. Ban đầu người ta giải thích là vì lý do dịch Covid, sau đó là phải lo phục hồi kinh tế, rồi lý do tình hình Ukraine. Giờ đây, có lẽ người ta lại chờ có cuộc khủng hoảng mới để đổ lỗi cho việc duy trì đổi giờ.
Việc đổi giờ đã bắt đầu ở Pháp từ năm 1916 và bị gián đoạn trong ba thập kỷ (1945-1976). Đến giờ, không có vẻ gì việc đổi giờ sẽ bị bỏ.


Tin Quốc Tế Đó Đây
Mỹ Bàng Hoàng Trước Cuộc Tấn Công Đẫm Máu của Do Thái ở Gaza


(Hình REUTERS - Abdul Karim Farid: Một khu nhà dân bị Do Thái oanh kích tại Beit Lahia, Bắc Gaza, ngày 20/10/2024.)
-Hôm 29/10/2024, chính quyền Hoa Kỳ bày tỏ sự bàng hoàng sau cái chết của gần 100 người Palestine, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, trong một cuộc oanh kích đẫm máu của quân đội Do Thái ở Beit Lahia, dải Gaza. Hoa Thịnh Ðốn đã yêu cầu Nhà nước Do Thái giải trình.
Hãng tin AFP, dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, bày tỏ "quan ngại sâu sắc về thương vong của dân thường" trong "cuộc tấn công kinh hoàng gây ra hậu quả khủng khiếp này".
Ông Miller không cho biết Do Thái sẽ phải chịu những hệ quả gì sau cuộc tấn công, nhưng tái khẳng định lời kêu gọi của Hoa Kỳ về việc tiến hành đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Gaza. Ông nói rằng "cái giá dân thường phải trả" sau cuộc tấn công mới nhất của Do Thái "một lần nữa nhắc nhở các bên phải kết thúc cuộc chiến này".
Vẫn về tình hình Trung Đông, chính quyền Na Uy, hôm qua 28/10, tuyên bố sẽ yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ra phán quyết về các nghĩa vụ nhân đạo của Do Thái đối với người dân Palestine, sau khi Nhà nước Do Thái bỏ phiếu cấm Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) hoạt động trên lãnh thổ của mình.
Trước đó một hôm, Nam Phi cũng đã cáo buộc Nhà nước Do Thái vi phạm Công ước về Diệt chủng ở Gaza và kiện Do Thái lên ICJ. Mười quốc gia khác cũng đã nối gót Nam Phi, trong đó có Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Mễ Tây Cơ và Tây Ban Nha.


Hamas Nói Sẵn Sàng Bàn Thảo Thỏa Thuận Chấm Dứt Chiến Tranh Gaza Nhưng Do Thái Phải Rút Quân


(Hình AP: Phát ngôn viên của Hamas, Sami Abu Zuhri.)
-Ngày 29/10/2024, một viên chức cấp cao của Hamas tuyên bố Hamas đang nghiên cứu các đề nghị mới từ các nhà hòa giải để chấm dứt chiến tranh ở Gaza nhưng nhắc lại rằng các đề nghị này phải bao gồm việc Do Thái rút quân hoàn toàn khỏi vùng đất này.
"Phong trào đã xác nhận rằng họ sẵn sàng chấp nhận bất kỳ thỏa thuận hoặc ý tưởng nào chấm dứt nỗi thống khổ của người dân chúng tôi ở Gaza và đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, cũng như việc quân chiếm đóng rút khỏi toàn bộ Dải Gaza", ông Sami Abu Zuhri phát biểu trên truyền hình.
Ông cũng nói một thỏa thuận phải chấm dứt lệnh phong tỏa do Do Thái đứng đầu đối với vùng đất ven biển này, cho phép cứu trợ không hạn chế và tái thiết Gaza, đồng thời đạt được thỏa thuận trao đổi con tin Do Thái ở Gaza lấy tù nhân Palestine ở Do Thái.

Tuyên bố của ông Abu Zuhri không báo hiệu bất kỳ thay đổi nào đối với các điều kiện còn tồn tại của phe này. Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu cho biết cuộc chiến chỉ có thể kết thúc khi Hamas bị xóa sổ.
Qatar sẽ làm trung gian hòa giải cùng với chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden "cho đến phút cuối cùng" trước cuộc bầu cử Tổng thống ngày 5 tháng 11 để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Qatar cho biết ngày 29/10.
"Chúng tôi không thấy bất kỳ kết quả tiêu cực nào của cuộc bầu cử Mỹ đối với chính quá trình hòa giải. Chúng tôi tin rằng chúng tôi đang giải quyết với các thể chế, và ở một quốc gia như Hoa Kỳ, các thể chế đang đầu tư vào việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng này", phát ngôn viên Majed Al-Ansari nói tại một cuộc họp báo.


Bầu Cử Quốc Hội Gruzia: Cơ Quan Công tố Mở Điều Tra Về "Gian Lận" Quy Mô Lớn


(Hình AP - Zurab Tsertsvadze: Người biểu tình phản đối kết quả bầu cử Quốc hội Gruzia, tại Tbilisi, ngày 28/10/2024.)
-Kết quả bầu cử Quốc hội Gruzia ngày 26/10/2024, với chiến thắng của đảng cầm quyền Giấc Mơ Gruzia, bị đối lập phản đối. Hôm 30/10, cơ quan Công tố Gruzia thông báo mở điều tra về "các nghi ngờ gian lận".
Theo thông tấn xã AFP, từ trưa 29/10, việc kiểm lại phiếu bầu tại 14% phòng phiếu đã bắt đầu được tiến hành. Hiện tại chưa rõ khi nào kết quả sẽ được công bố. Ngày 31/10, Tổng thống Salomé Zourabichvili được triệu mời lên cơ quan Công tố để trình bày về vấn đề này. Theo cơ quan Công tố, Tổng thống "có thể nắm giữ nhiều bằng chứng về khả năng gian lận bầu cử".
Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, các đảng phái đối lập, trước hết là Tổng thống Zourabichvili, đã lên án đảng cầm quyền "thao túng hoàn toàn" cuộc bầu cử. Trả lời thông tấn xã AFP hôm 28/10, Tổng thống Gruzia đã tố cáo một hệ thống gian lận "tinh vi" theo "phương pháp Nga", đã cho phép đảng Giấc mơ Gruzia giành chiến thắng, đặc biệt qua việc "mua phiếu bầu", hay gây áp lực với cử tri.

Thông tín viên Regis Gente của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Tbilisi cho biết việc thu thập các bằng chứng về gian lận phiếu bầu và các hành động thao túng khác là thách thức hàng đầu với đối lập Gruzia hiện tại:
"Đây chính là điều ưu tiên. Một phần là do báo cáo của phái đoàn quan sát viên của OSCE, đã chỉ ra sự bất bình đẳng rất lớn giữa phe cầm quyền và các đối thủ, áp lực đối với cử tri hoặc những điều bất thường mà cuối cùng sẽ "làm mất niềm tin vào kết quả". Mặc dù vậy, báo cáo rất được mong đợi này được xem như là một đòi hỏi phải có thêm bằng chứng về các gian lận bị tố cáo.
Đây là nhiệm vụ mà phe đối lập và hàng chục tổ chức phi chính phủ trong nước đặt ra hôm Chủ Nhật nhờ các video, ảnh chụp màn hình, tin nhắn, lời chứng…. Trong thời gian tranh cử, đã có nhiều áp lực từ đảng cầm quyền đặc biệt thông qua hệ thống quản lý nơi làm việc, nhất là đối với các nhân viên Nhà nước.
Cá nhân tôi cũng đã thu thập được những lời chứng như vậy. Trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy, các tổ chức phi chính phủ của Gruzia, chẳng hạn như hiệp hội "Phiếu bầu của tôi", đã vạch ra thủ đoạn tịch thu giấy tờ tùy thân của hàng ngàn cử tri với mục tiêu bỏ phiếu thay. Trên cơ sở đó, tổ chức phi chính phủ này đã yêu cầu hủy kết quả của gần 200 điểm bầu cử, nơi có hơn 300.000 người dân Gruzia bỏ phiếu, chiếm 10% tổng số cử tri.
Các tổ chức phi chính phủ khác ghi nhận các hành vi vi phạm bí mật bầu cử, các vấn đề về danh sách cử tri, áp lực và bạo lực xung quanh một số phòng bỏ phiếu hôm thứ Bảy".
Hiện tại đối lập Gruzia chưa đưa ra thông báo thời điểm biểu tình tiếp theo, sau cuộc tập hợp lớn tối thứ Hai, 28/10.


Ukraine Huy Động Thêm 160.000 Binh Sĩ


(Hình REUTERS - Ukrainian Armed Forces, minh họa: Các tân binh của một đơn vị quân đội Ukraine đang luyện tập tại một địa điểm không được xác định, ngày 14/10/2024.)
-Hôm 29/10/2024, chính quyền Ukraine công bố một chiến dịch động viên mới trong cuộc chiến chống Nga.
Cụ thể, Kyiv muốn huy động thêm 160.000 binh sĩ. Tuy nhiên, dường như đây không phải là điều đơn giản vì hơn một triệu người đã được huy động vào quân đội. Từ Kyiv, thông tín viên Emmanuelle Chaze của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
Trong phiên họp Quốc hội, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine hôm 30/10 đã công bố kế hoạch huy động thêm 160.000 binh sĩ, cho phép quân đội đạt 85% quân số trong các đơn vị.

Biện pháp mới này được đưa ra trong bối cảnh Kyiv tìm nhiều cách mới để thu hút những người trong độ tuổi chiến đấu vào quân đội, nhằm bù đắp những tổn thất, như người chết hay bị thương, trong khi hơn 1 triệu người đã được huy động kể từ khi quân đội Nga tiến hành cuộc xâm lược quy mô lớn.
Đầu năm nay, nam giới trong độ tuổi chiến đấu cũng như nhân viên y tế đã phải cập nhật thông tin cá nhân qua một ứng dụng tuyển quân, có dữ liệu của hơn 4,5 triệu người.
Những ai muốn tự nguyện nhập ngũ có thể nộp đơn trực tiếp vào các đơn vị họ ứng tuyển và chọn lĩnh vực chuyên môn sau đó, nhưng do không có nhiều ứng viên, việc tuyển mộ trực tiếp hay thông qua lệnh động viên vẫn còn chậm, trong khi nhu cầu của quân đội rất cấp bách.


Nga: Tổng Thống Putin Thị Sát Tập Trận Nguyên Tử "Răn Đe Chiến Lược"


(Ảnh AP, do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 2/2/2024: Binh sĩ đang lắp phi đạn mang đầu đạn nguyên tử Iskander lên bệ phóng di động trong một cuộc tập trận diễn ra tại địa điểm bí mật ở Nga.)
-Quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tập trận vũ khí nguyên tử chiến lược ngày hôm 29/10/2024, dưới sự giám sát của Tổng thống Vladimir Putin.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, được thông tấn xã AFP trích dẫn, nội dung tập trận bao gồm "các cuộc bắn phi đạn-đạn đạo và liên lục địa" với sự tham gia "của các lực lượng răn đe chiến lược trên bộ, trên biển và trên không". Và cuộc tập trận đã "hoàn thành xuất sắc tất cả các mục tiêu", "tất cả các phi đạn đều bắn trúng đích".
Theo hãng thông tấn AP, tập trận bao gồm bắn thử nghiệm phi đạn-đạn đạo liên lục địa (ICBM) Yars từ bán đảo Kamchatka và từ các tàu ngầm nguyên tử Novomoskovsk và Knyaz Oleg. Quân đội Nga cũng thực hiện các vụ phóng thử phi đạn liên lục địa tầm xa từ máy bay ném bom chiến lược Tu-95 có khả năng mang vũ khí nguyên tử.
Phát biểu lúc mở màn cuộc tập trận, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, đối với Mạc Tư Khoa, việc sử dụng vũ khí nguyên tử vẫn là "một biện pháp bất thường", tuy nhiên "trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và sự trỗi dậy của các đe dọa và hiểm họa mới bên ngoài, điều quan trọng là phải có được các lực lượng chiến lược hiện đại và luôn được đặt trong tư thế sẵn sàng chiến đấu". Một nội dung chính của diễn tập là "để mô phỏng một cuộc tấn quy mô lớn, đáp trả một đòn tấn công nguyên tử của kẻ thù".

Hồi tháng 5/2024, Tổng thống Nga ra lệnh tổ chức "trong tương lai gần" nhiều cuộc tập trận nguyên tử, bao gồm các đơn vị đồn trú gần Ukraine, để sẵn sàng đáp trả "các đe dọa" từ phương Tây. Cuối tháng 9/2024, nguyên thủ Nga muốn điều chỉnh học thuyết về vũ khí nguyên tử, để sẵn sàng sử dụng loại vũ khí này đáp trả một cuộc "tấn công phối hợp" của cường quốc nguyên tử hậu thuẫn một quốc gia phi nguyên tử.
Đây là một cảnh báo trực tiếp gửi đến Ukraine và các đồng minh phương Tây, nhằm răn đe ý định của Mỹ và các nước Âu Châu cho phép Kyiv dùng vũ khí phương Tây cung cấp tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tổng thống Putin nói rõ là một quyết định như vậy tương đương với việc các nước Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) trực tiếp tham chiến chống Nga. Chủ Nhật (26/10), nguyên thủ Nga tuyên bố: "Tôi hy vọng họ đã hiểu điều này".
Tháng 10/2023, Tổng thống Nga từng thị sát một cuộc tập trận phi đạn-đạn đạo mô phỏng một cuộc tấn công nguyên tử trả đũa quy mô lớn.


Đưa Quân Sang Nga: Tham Vọng của Bắc Hàn Trên Trường Quốc Tế


(Ảnh do KCNA công bố, via REUTERS: Lãnh đạo Kim Jong Un tới thị sát sở chỉ huy quân đoàn 2, quân đội Bắc Hàn, ngày 17/10/2024.)
-Mặc dầu thông tin vẫn bị Bình Nhưỡng cực lực bác bỏ và phía Mạc Tư Khoa phủ nhận (tuy yếu ớt hơn), ngày càng có nhiều nguồn tin xác nhận hàng ngàn binh lính Bắc Hàn đã được gởi sang Nga để được huấn luyện chuẩn bị tham chiến chống Ukraine, thậm chí một số binh lính hiện đã có mặt ở vùng biên giới Kursk.
Lính Bắc Hàn được khai triển ở Nga vào lúc Viện Duma, tức Hạ viện Nga hôm 24/10/2024 vừa thông qua Hiệp ước về "đối tác chiến lược toàn diện" giữa Nga và Bắc Hàn. Hiệp ước này dự trù là nước này sẽ ứng cứu nước kia trong trường hợp bị một quốc gia thứ ba tấn công.
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên thập niên 1950 cho tới nay, quân đội Bắc Hàn, với quân số lên đến 1,2 triệu người, chưa tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột lớn nào. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, trong khi Nam Hàn huy động đến 320.000 quân tới miền Nam Việt Nam để hỗ trợ quân đội Mỹ, Bình Nhưỡng chỉ cử phi công đến Miền Bắc Việt Nam, chứ không điều động Bộ binh. Như vậy, chiến trường Ukraine sẽ là nơi đầu tiên mà binh lính Bắc Hàn trực tiếp trải nghiệm một cuộc chiến tranh hiện đại.
Đây là lần đầu tiên một quốc gia gởi quân chính quy đến hỗ trợ quân đội Nga, vì cho tới nay chỉ mới có lính đánh thuê từ một số nước đến tham chiến ở Ukraine. Theo nhận định của ông Andrei Lankov, chuyên gia về Bắc Hàn, trả lời trang mạng NK News, sự yểm trợ của Bình Nhưỡng chắc là sẽ không làm thay đổi tương quan lực lượng trên trận địa, nhưng ít ra có thể giúp quân đội Nga lên tinh thần và nhờ vậy mà Ðiện Cẩm Linh không cần phải mở một chiến dịch động viên mới mà chắc chắn sẽ khiến dân Nga bất bình.

Ngũ Giác Đài và chính quyền Kyiv khẳng định lính Bắc Hàn hiện đã được khai triển ở vùng biên giới Kursk của Nga, nơi mà quân Ukraine đã đánh chiếm được hàng trăm cây số vuông lãnh thổ của Nga trong chiến dịch đột kích từ tháng 8. Nhưng hiện chưa rõ là lính Bắc Hàn có sẽ được khai triển sang lãnh thổ Ukraine hay không và nếu có, thì khi nào.
Theo nhận định của Philippe Pons, thông tín viên của nhật báo Pháp Le Monde tại Tokyo, thông qua sự hiện diện của quân đội tại một nơi cách căn cứ của họ đến 7.000 cây số, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có vẻ như đang muốn trở thành một tác nhân chính thức trên trường quốc tế.
Nói cách khác, việc khai triển quân trên mặt trận Ukraine để hỗ trợ đồng minh Nga là yếu tố thể hiện rõ nhất việc tái định vị chiến lược của Bắc Hàn trong khuôn khổ "quan hệ đối tác chiến lược" được ký kết vào tháng 6 tại Bình Nhưỡng giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un. Từ thế phòng thủ nhằm răn đe bằng cách trang bị phi đạn-đạn đạo và vũ khí nguyên tử chống lại Mỹ, Bình Nhưỡng đã chuyển sang chuẩn bị hành động ngăn ngừa chống lại Nam Hàn, nay đã trở thành kẻ thù chính của họ.
Việc khai triển quân đội Bắc Hàn trên mặt trận Ukraine có thể khiến Nam Hàn gia tăng cung cấp cho Ukraine vũ khí không chỉ để phòng thủ mà còn cả vũ khí tấn công. Cho đến nay, Hán Thành đã cung cấp cho Kyiv các thiết bị quân sự không sát thương như thiết bị rà phá bom mìn. Nam Hàn có kế hoạch cử sĩ quan tình báo quân sự đến Ukraine để quan sát chiến thuật tác chiến của quân đội Bắc Hàn và tham gia thẩm vấn tù binh Bắc Hàn, nếu bắt được. Trước mắt, trong cuộc điện đàm hôm qua, lãnh đạo Ukraine và Nam Hàn đã quyết định sẽ tăng cường hợp tác an ninh để đối phó Bắc Hàn.


Kyiv và Hán Thành Sẽ Tăng Cường Hợp Tác Chống Quân Bắc Hàn Tham Chiến ở Ukraine


(Hình AP - Ahn Young-joon: Người biểu tình Nam Hàn tập hợp trước dinh Tổng thống phản đối chính phủ có kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine, ngày 23/10/2024, tại Hán Thành.)
-Lãnh đạo Ukraine và Nam Hàn thỏa thuận sẽ tăng cường hợp tác an ninh, gia tăng liên lạc giữa hai nước ở mọi cấp để đối phó với quân Bắc Hàn tham chiến bên cạnh quân Nga ở Ukraine.
Theo hãng tin Reuters, trên mạng X, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết trong cuộc điện đàm hôm 29/10/2024, với Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol, lãnh đạo hai nước cũng đã quyết định sẽ tăng cường trao đổi tin tình báo.
Ông Zelensky còn thông báo Kyiv chia sẻ cho Hán Thành những dữ liệu về việc khai triển khoảng 3.000 lính Bắc Hàn tại các quân trường gần vùng chiến sự. Theo dự báo của Tổng thống Ukraine, số quân Bắc Hàn đến Nga để được huấn luyện sẽ tăng lên thành 12.000 người.

Hôm 29/10, Ngũ Giác Đài xác nhận là một số binh lính Bắc Hàn đã có mặt tại vùng Kursk ở biên giới Nga, nơi mà quân Ukraine đã đột kích từ tháng 8 và đã đánh chiếm được hàng trăm cây số vuông lãnh thổ của Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ mối quan ngại về sự hiện diện của quân Bắc Hàn tại vùng Kursk và tuyên bố là Kyiv phải đánh trả nếu lực lượng Bắc Hàn xâm nhập lãnh thổ Ukraine.
Vào lúc phương Tây lên án Bình Nhưỡng gởi quân đến tham chiến ở Ukraine, Ngoại trưởng Bắc Hàn Choe Son Hui hôm 29/10 đã đến vùng Viễn Đông Nga và đến Mạc Tư Khoa hôm nay để thăm chính thức nước Nga. Chuyến đi của lãnh đạo ngoại giao Bắc Hàn diễn ra sau khi các Dân biểu Viện Douma (Hạ viện Nga) tuần trước, đã thông qua " Hiệp ước về đối tác chiến lược toàn diện" giữa hai nước, trước khi đưa lên Thượng viện Nga để xem xét. Hiệp ước đã được ký kết nhân chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tại Bình Nhưỡng vào tháng 6/2024, đánh dấu việc tăng cường quan hệ giữa hai nước. Hiệp ước quy định hai nước hỗ trợ quân sự cho nhau ngay lập tức nếu một bên bị một quốc gia thứ ba tấn công.


Đánh Thuế Xe Hơi Điện: Trung Quốc Kiện Liên Hiệp Âu Châu Ra Tổ Chức Thương Mại Thế Giới


(Hình REUTERS - Benoit Tessier: Xe hơi điện của hãng BYD Trung Quốc trưng bày tại triển lãm xe hơi tại Paris, 14/10/2024.)
-Hôm 30/10/2024, Trung Quốc thông báo đã kiện Liên Hiệp Âu Châu (EU) ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sau khi Ủy Ban Âu Châu (EC) thông qua quy định về đánh thuế bổ sung đối với các xe hơi điện nhập từ Trung Quốc, một quyết định mang tính chất "bảo hộ mậu dịch" đối với Bắc Kinh.
Bất chấp sự chống đối của Đức, Ủy Ban Âu Châu hôm 29/10 đã quyết định là ngoài mức thuế 10% đã được áp dụng, sẽ áp mức thuế bổ sung lên tới 35% đối với xe hơi điện của Trung Quốc. Quyết định này đã được đăng trên Công Báo hôm 29/10 và chính thức có hiệu lực kể từ 30/10. Từ thủ đô Brussels của Bỉ, thông tín viên Pierre Benazet của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
Cho đến giờ chót, các nhà thương thuyết Âu Châu đã cố đàm phán với các đồng nhiệm Trung Quốc nhằm đạt được một giải pháp cho vấn đề vẫn gây khó chịu cho Liên Hiệp Âu Châu, đó là các trợ cấp của Nhà nước cho các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc.

Trong vòng ba năm, thị phần của xe hơi điện Trung Quốc đã tăng từ 4% lên 25%. Liên Hiệp Âu Châu đã thiết lập các công cụ bảo hộ để ngành công nghiệp xe hơi Âu Châu không bị tràn ngập xe hơi Trung Quốc như trường hợp của tấm pin năng lượng Mặt trời.
Từ nay, vấn đề trợ cấp được xem xét kỹ lưỡng. Liên Hiệp Âu Châu đã thi hành các biện pháp tạm thời từ tháng Bẩy và hải quan đã thu trước theo mức thuế được thông báo. Kể từ hôm nay, mức thuế này chính thức có hiệu lực.
Nước Đức đã không hội đủ một đa số để chống lại việc ban hành thuế bổ sung mà về mặt lý thuyết sẽ có hiệu lực trong 5 năm. Các nhà sản xuất xe hơi của Đức rất quan ngại cho thị phần của họ. Riêng hai hãng BMW và Dacia lo ngại về việc nhập cảng các phụ tùng. Còn các nhà sản xuất rượu cognac, các sản phẩm chế biến từ sữa, các loại thịt nguội thì lo ngại về các biện pháp trả đũa mà Trung Quốc đã bắt đầu thi hành.
Theo thông tín viên Clea Broadhurst tại Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ nhanh chóng thi hành các biện pháp trả đũa quyết định nói trên của Ủy Ban Âu Châu. Hiện giờ các loại rượu nhập từ Liên Hiệp Âu Châu đã chịu mức thuế mang tính trừng phạt, lên tới 39%. Các cuộc điều tra chống phá giá cũng đang được tiến hành đối với thịt heo và sản phẩm chế biến từ sữa nhập từ Liên Hiệp Âu Châu.
Các biện pháp trả đũa của Trung Quốc có thể gây tổn hại cho các ngành xuất cảng thiết yếu của Liên Hiệp Âu Châu, gây thêm căng thẳng kinh tế giữa hai bên.


Hội Nghị Đa Dạng Sinh Học Thế Giới: Tổng Thống Colombia Cảnh Báo Nguy Cơ "Tuyệt Chủng" Nhân Loại


(Hình AP - Fernando Vergara: Một họa sĩ vẽ tranh tường cổ động nhân dịp diễn ra Hội nghị quốc tế về đa dạng sinh học COP16 tại Cali, Colombia, ngày 19/10/2024.)
-Lần đầu tiên một hội nghị của Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học có sự tham gia của 6 nguyên thủ quốc gia, đa số đến từ Mỹ châu Latinh. Lãnh đạo nhiều nước có mặt ở Cali, Colombia, vào hôm 29/10/2024, ngày thứ hai của tuần lễ thứ hai của COP16, để thúc đẩy các thảo luận về phương thức thực thi những cam kết được đưa ra tại COP15 ở Montreal, với mục tiêu chính là chặn đứng đà hủy diệt của sinh giới.
Lãnh đạo quốc gia chủ nhà Colombia nói đến nguy cơ "tuyệt chủng" của nhân loại như tiếng chuông cảnh báo hành động khẩn cấp trước khi quá muộn. Đặc phái viên Lucile Gimberg của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Cali:
"Chúng ta đang ở điểm khởi đầu của quá trình tuyệt chủng của loài người". Nhận định gây sốc của Tổng thống cánh tả đầu tiên của Colombia, ông Gustavo Pétro, mở đầu cho thời điểm mang đậm tính chính trị trong các đàm phán tại COP16.

Diễn đạt nói trên được đưa ra để nhắc đến tính cấp bách của việc bảo tồn đa dạng sinh học, bởi đa dạng sinh học là nền tảng của cuộc sống con người và nhiều hoạt động của chúng ta, từ nông nghiệp đến đánh bắt cá cũng như ngành dược phẩm.
Tổng thống Colombia cũng chỉ trích chủ nghĩa tư bản: "việc tìm kiếm lợi nhuận tối đa dẫn đến tàn phá thiên nhiên tối đa". Tại hội nghị Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học, thu hút nhiều đại diện của giới doanh nghiệp, lãnh đạo Colombia nhấn mạnh: chúng ta phải áp dụng "một cách sản xuất khác".
Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, nói về một "cuộc khủng hoảng sinh tồn". Ngoài lãnh đạo Guinea Bissau và Armenia, một số nhà lãnh đạo của các quốc gia khác từ Mỹ Châu, như Ecuador, Suriname và Haiti, cũng có mặt. Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp Haiti, Leslie Voltaire, kêu gọi "tăng cường hợp tác" trước tình trạng bạo lực của các nhóm vũ trang, đặt căn cứ ngay trong các khu rừng bảo tồn của đất nước.
Hội nghị ở Cali thiếu Tổng thống Lula của Ba Tây, không thể dự hội nghị sau cú ngã.Và không có nguyên thủ quốc gia nào đến từ các nước giàu.

Không có nhận xét nào: