Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Giáng Sinh Vui Vẻ - Phan Hạnh (dịch)

Lời giới thiệu: Nhà văn Canada Stephen Leacock (30 December 1869 – 28 March 1944) vốn nổi tiếng với óc khôi hài tế nhị. Nhưng qua truyện ngắn Merry Christmas, đặc biệt ông biểu lộ một góc khuất của tâm hồn ông. Ông mượn hình ảnh ông già Noel – Cha Giáng Sinh trong truyện - để cất lên tiếng khóc cảm thương cho hàng triệu mạng sống thanh niên trai trẻ thuộc thế hệ con ông đã bị tước đoạt trong nỗi kinh hoàng của Thế Chiến Thứ Nhất. Ông già Noel không phải lúc nào ông cũng hồn nhiên cười vang những tiếng “Hô hô hô” cho ấm lòng nhân thế trong ngày lễ Giáng Sinh. Nhà văn dùng hình ảnh Ông già Noel như biểu tượng người bảo vệ cho tất cả sự vô tội của chúng ta, những nạn nhân đã bị chiến tranh tàn nhẫn làm cho khốn khổ. <!>
Hai nhân vật Cha Thời Gian và Cha Giáng Sinh trong truyện là hai linh hồn đến viếng thăm nhân vật “tôi”, người kể chuyện, trong một đêm tháng 10 như trao một thông điệp hòa bình. Nhà văn dùng truyện ngắn Merry Christmas này để chuyển đi thông điệp đó, một thông điệp có giá trị mãi trong mọi khoảnh khắc của thời gian, của một trăm năm trước (1918) hay của bây giờ.) (Phan Hạnh). ......
Một đêm Tháng Mười trời se lạnh, tôi đang ngồi chìm trong suy tư nơi bàn viết. Bỗng tôi nghe một giọng nói cất lên: 
- “Bạn trẻ à. Bạn hoàn toàn sai rồi”. 
Đó là Cha Thời Gian. Ông nhẹ đặt bàn tay ông lên vai tôi. Tôi hơi giật mình ngước nhìn lên, mặc dù tôi biết, đúng hơn là tôi đã linh cảm, rằng ông đang đứng đâu đó gần tôi, ít nhất là trong nửa giờ qua.
 Chắc các bạn đang đọc truyện ngắn này cũng đã từng vài lần trong đời có trải nghiệm giống như tôi hiện giờ, nghĩa là có cảm giác kỳ lạ rằng dường như có một ai đó hiện diện bên cạnh mà bạn không nhìn thấy trong một căn phòng tối tăm với một ngọn lửa đang tàn khi đêm đã muộn và gió Tháng Mười vi vu bên ngoài. Trong một khoảnh khắc, Thực Tế tạm biến đi và Thế Giới Vô Hình bắt đầu rõ dần lên theo linh cảm mộng mị của chúng ta. 
 Tôi nói có đúng không? Bạn đã có trải qua như vậy chứ? Vâng, tôi biết bạn có. Nhưng bạn đừng bận tâm kể lại cho tôi nghe bây giờ. Khỏi cần. Để tôi kể chuyện của tôi trước đã.
- "Bạn khá sai, khá nhầm lẫn đó, bạn trẻ thân yêu của tôi à," Cha Thời Gian lặp lại. 
- "Bạn trẻ?" Tôi nói, tâm trí tôi tự nhiên bắt nghĩ đến một chi tiết không quan trọng. "Tại sao ông bảo là tôi trẻ?" 
- "Tôi xin lỗi. Đó là vì trong cái nhìn mờ yếu của tôi. Nhìn bạn lần đầu tiên, tôi nghĩ bạn dưới một trăm tuổi”. Ông trả lời nhẹ nhàng. Ông có phong cách thư thái dịu dàng vì ông là Cha Thời Gian. 
- "Dưới một trăm tuổi? Chà! Chắc tôi nên nghĩ vậy!” 
- "Tôi xin lỗi một lần nữa. Lỗi là trong trí nhớ của tôi. Tôi quên mất. Thời buổi này bạn hiếm khi vượt qua tuổi đó, phải không? Cuộc sống của bạn rất ngắn ngủi."
 Tôi nghe ông buông một tiếng thở dài trống rỗng. Ông đang đứng bên cạnh tôi mặc dù tôi không nhìn thấy rõ. Tôi không quay lại nhìn ông. Tôi không cần. Tôi biết hình dạng của ông qua tưởng tượng. Tôi có thể nghe ông thì thầm bên cạnh tôi, "Ngắn ngủi, cuộc đời ngắn ngủi"; cho đến khi âm thanh đó dường như hòa quyện với tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ trong căn nhà im lặng.
 Rồi tôi nhớ những gì ông đã nói. Tôi hỏi: 
- "Làm sao ông biết là tôi sai? Và làm sao ông biết những gì tôi suy nghĩ?" 
Cha Thời Gian trả lời: 
- "Bạn hãy nói to lên nào. Nhưng không sao. Bạn nói rằng Giáng Sinh kể như đã xong rồi và không còn ý ngfhĩa gì nữa chứ gì."
 Tôi thừa nhận: 
- "Vâng. Đó là những gì tôi nói." 
 Cha Thời Gian cúi xuống gần hơn bên vai tôi và hỏi: 
- "Và điều gì khiến bạn nghĩ như vậy?" 
 Tôi đáp: 
- “Vì tôi đã ngồi đây cả mấy giờ đồng hồ rồi; tôi không biết là đêm đã cạn được bao nhiêu; tôi vắt óc suy nghĩ là tôi phải viết cái gì cho bài báo Giáng Sinh đây. Tôi không thể nghĩ ra được trong những ngày khủng khiếp (giai đoạn cuối Thế Chiến Thứ Nhất) này.” 
- "Một câu chuyện Giáng sinh à?"
 Bằng sự ngốc nghếch của một người làm nghề viết lách, tôi vui mừng giải thích với hy vọng rằng ông sẽ mớm cho tôi một cái ý gì đó mà tôi nghĩ rằng nó ngộ nghĩnh hay hay: 
- "Vâng, thưa Cha Thời Gian." Tất cả những thứ cho chủ đề Giáng Sinh - những bài viết, những câu chuyện kể, truyện cười, hình ảnh – như ông biết là phải được thực hiện xong vào Tháng Mười."
 Tôi nghĩ nó sẽ khiến ông ngạc nhiên, nhưng tôi đã nhầm. Ông nói: 
- "Bạn trẻ à. Không phải chờ đến Tháng Mười đâu. Như vậy gấp vội quá! Tôi nhớ rõ thời Ai Cập cổ đại - tôi nghĩ bạn gọi nó như vậy – tôi thấy người ta đem những món đồ Giáng Sinh của họ ra, tất cả được cắt thành những hình thù, luôn luôn từ hai hoặc ba năm trước. " 
- "Trước hai hoặc ba năm?" Tôi kêu lên.
 Cha Thời Gian nói: 
- “Đúng. Cái đó đã thấm thía nhầm nhò gì. Ở Babylon, người ta còn làm sẵn xong những trò Giáng Sinh của họ - tất cả đều được nướng trong đất sét - trước lễ còn lâu hơn. Họ nói công chúng ưa thích như vậy."
 Tôi nói: 
- "Ai Cập? Babylon? Nhưng thưa Cha Thời Gian, chắc chắn thời đó thì làm gì có Giáng Sinh. Tôi nghĩ... “ 
Tôi chưa nói hết câu thì ông đã ngắt lời tôi và nói một cách nghiêm túc: 
- "Cậu bé thân yêu của tôi à, cậu không biết rằng Giáng Sinh luôn luôn hiện hữu với chúng ta từ xưa đến giờ sao?"
 Tôi im lặng.. Cha Thời Gian đi xuyên qua căn phòng và đến đứng bên cạnh lò sưởi, dựa vào khung lò. Những vòng khói nhỏ từ ngọn lửa nhạt mờ dường như hòa trộn với cái bóng của ông. Ông nói: 
 "Ừm, có gì sai với Giáng Sinh chứ?" 
Tôi trả lời như muốn trút hết mọi ý nghĩ rối ren trong đầu:
- "Tại sao tất cả sự lãng mạn, niềm vui, vẻ đẹp của nó đã biến mất, đã bị nghiền nát và bị giết chết bởi lòng tham thương mại và nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Tôi không một trăm tuổi như ông nghĩ, nhưng tôi cũng như bất cứ ai khác có thể gợi lên một bức tranh Giáng Sinh trong những ngày xưa của một trăm năm trước: những ngôi nhà cổ kính xinh đẹp ẩn hiện sâu trong khu vườn đầy những cây xanh, với tuyết sáng lấp lánh từ khung cửa sổ bên ngoài; với sự ấm cúng thoải mái bên trong, những đốm lửa than reo lách tách trên lò sưởi, những khách khứa vui vẻ tụ họp quây quần và những đứa trẻ với ánh mắt long lanh nhảy múa reo vui trong ánh sáng Giáng Sinh, chờ đợi sự xuất hiện của Cha Giáng Sinh trong trang phục màu đỏ và bông len trắng để đưa những món quà từ cây thông giáng sinh. Tôi có thể mường tượng thấy cảnh tượng đó như thể mới ngày hôm qua vậy."
 Cha Thời Gian nói; giọng nói của ông dường như dịu lại với trí nhớ của những năm qua: 
- "Thì đó là ngày hôm qua. Tôi nhớ rất rõ." 
 Tôi tiếp tục nói: 
- "À. Đó mới đúng là Giáng Sinh thực sự. Hãy cho tôi trở lại những ngày như vậy, với những tiếng cổ vũ nồng nhiệt, những cổ xe song mã lóc cóc gõ nhịp trên mặt đường, những nhà trọ lịch sự quyến rũ và những ly rượu vang đỏ ấm, những chậu hoa kim ngư thảo (snapdragon, còn gọi là hoa đầu rồng hay hoa mõm chó) và cây Giáng Sinh, và tôi sẽ tin vào Giáng Sinh một lần nữa, vâng, với sự hiện diện của chính Cha Giáng Sinh."
 Cha Thời Gian trầm ngâm nói: 
- "Tin vào ông ấy à? Bạn có thể gặp ông ấy không khó. Cũng may là tình cờ ông ấy đang đứng co ro ngoài đường phố kia kìa." 
 Tôi kêu lên: 
- "Ở ngoài? Sao ông ấy không vào đây?" 
 Cha Thời Gian đáp: 
- "Ông ấy sợ không dám vào, trừ khi bạn mời ông ấy. Tôi có thể gọi ông ấy vào đây không?"
 Tôi đồng ý. Cha Thời Gian đi đến cửa sổ một lúc và vẫy ra ngoài con phố tối tăm. Sau đó, tôi nghe thấy tiếng bước chân, nghe có vẻ vụng về và do dự trên cầu thang. Và trong giây lát, một nhân vật với hình dáng bệ vệ đã hiện ra nơi khung cửa: Cha Giáng Sinh. Ông đang đứng chà chà đôi giày xuống tấm thảm lót ở cửa; một cái nhìn nhút nhát, hối lỗi trên mặt ông.
 Ông thay đổi và khác quá với hình ảnh ghi khắc trong tâm trí tôi! Tôi biết ông từ tận đáy tâm hồn tôi, từ thời thơ ấu, khuôn mặt và hình dạng của Cha Giáng Sinh. Mọi người ai cũng đều biết ông, ít ra là một lần - một người đàn ông tròn trịa vui tính với một cái khăn choàng to quấn quanh cổ, một túi bự đựng đồ chơi trên lưng ông. Với đôi mắt lấp lánh hớn hở và đôi má lúc nào cũng hồng hào do tuyết bay tạt chạm trúng bởi sự tinh nghịch của Gió Bấc. Tại sao, đã từng có một thời gian cách đây chưa lâu lắm, tiếng chuông của chiếc xe trượt tuyết do đám tuần lộc kéo của ông sưởi ấm tim tôi.
 Nhưng bây giờ đã thay đổi. Ông đứng đó lấm lem nước mưa và bùn đất như thể không có ngôi nhà nào che chở ông cả ba năm qua. Chiếc áo màu đỏ của ông rách ở hàng chục chỗ, chiếc khăn choàng của ông sờn xỉn bạc màu.
 Cái bao lưới đựng mớ quà đồ chơi mà ông kéo lê lết dường như cũng ướt rách; các hộp bằng giấy cứng cũng bị trầy trụa. Trong số đó có những chiếc hộp trông cũ mèm, tôi đoán rằng chắc ông mang nó theo trong suốt ba năm qua.
 Nhưng cái mà tôi lưu ý nhất chính là sự thay đổi trên khuôn mặt của Cha Giáng Sinh. Cái nhìn dũng cảm của niềm tự tin vui vẻ khi xưa đã biến mất. Tiếng cười rộn rã cùng với tia nhìn trìu mến ấm áp dành cho vô số trẻ em quanh những cây thông Giáng Sinh cũng không còn nữa. Thay vào đó là một cái nhìn e dè nhút nhát kèm một chút sợ hãi của một kẻ bị người đời xua đuổi, không còn được cung cấp cho một nơi ẩn trú an toàn ấm áp. Sự tàn ác khắc nghiệt của thế giới này đã đóng dấu trên khuôn mặt của một người bị đời hất hủi.
 Vì thế, Cha Giáng Sinh vẫn đứng ngần ngừ lúng túng nơi ngưỡng cửa; tay không ngừng mân mê chiếc mũ rách nát. Ông hướng mắt nhìn Cha Thời Gian như van nài rồi ngượng ngùng hỏi: 
- "Tôi vào được chứ?" 
Cha Thời Gian nói: 
- “Mời ông vào.” 
Xong Cha Thời Gian quay sang tôi:
- "Căn phòng của bạn trẻ hơi tối đấy. Bật đèn lên đi. Ông ấy đã quen với ánh sáng lung linh của bầu trời đầy sao, ánh sáng rực rỡ của những phòng khách trưng bày cây thông Giáng Sinh lấp lánh đèn.. Bóng tối đã làm cho ông ấy sợ hãi ba năm qua."
 Tôi bật đèn lên, ánh sáng chói lóa làm lộ ra tất cả những dấu vết tàn nhẫn trên khuôn mặt ông và trên thân hình ông. Ông tiến một bước nhút nhát trên sàn. Rồi ông dừng lại, như thể sợ hãi và đột ngột hỏi: 
- "Sàn gỗ này có bị gài mìn không?" 
- "Không, không đâu”, Cha Thời Gian dịu dàng trấn an Cha Giáng Sinh rồi quay sang tôi nói thì thầm: 
- “Ông ấy sợ. Ông ấy đã bị thổi bay trong một vụ mìn nổ ở vùng đất không người giữa các chiến hào vào dịp Giáng Sinh năm 1914. Nó đã làm tổn thương và phá vỡ dây thần kinh của ông ấy."
 Cha Giáng Sinh ngơ ngác hỏi: 
- "Tôi có thể đặt bao đồ chơi của tôi trên khẩu súng máy đó được không?" 
 Cha Thời Gian nhẹ nhàng nói: 
- "Đó không phải là một khẩu súng máy. Thấy không, nó chỉ là một đống sách trên ghế sofa." 
 Và với tôi, Cha Thời Gian thì thầm: 
- "Họ quay một khẩu súng máy chỉa mũi vào ông trên đường phố Warsaw Ba Lan. Kể từ đó, ông bị ám ảnh nên ở đâu ông cũng thấy nó.”
Tôi đến lò sưởi để thêm củi cho ngọn lửa cháy bùng thêm, xong tôi cố gắng hết sức vui vẻ nói: 
- "Thưa Cha Giáng Sinh, cha hãy yên tâm. Không có súng máy nào và cũng không có mìn nào ở đây cả. Đây chỉ là nhà của một nhà văn nghèo."
 Cha Giáng Sinh đưa tay nắm viền chiếc mũ rách và định làm một cử chỉ ngã mũ chào khiêm tốn. Ông nói: 
- “À.... Hân hạnh được biết nhà văn. Có lẽ ông là Hans Andersen, có phải vậy không?” (Hans Christian Andersen (1805 – 1875) là nhà văn người Đan Mạch chuyên viết truyện cổ tích cho thiếu nhi. Truyện “Cô bé bán diêm quẹt” là một câu chuyện rất cảm động xảy ra trong bối cảnh đêm Giáng Sinh).
 Tôi vội đáp: 
- Dạ thưa ông, không phải ạ”. 
Bằng sự lịch sự khiêm tốn mà ông đã học được, có thể là từ nhiều thế kỷ trước trong mùa đông nơi ngôi nhà ở Bắc Cực, ông nói: 
- "Nhưng chắc bạn cũng là một nhà văn vĩ đại; tôi không nghi ngờ điều đó. Thế giới này mang nợ rất nhiều đối với những cuốn sách tuyệt vời. Tôi luôn luôn mang theo mình một số sách hay nhất. Tôi có chúng đây này..."
 Ông bắt đầu lục lạo những gói đồ mà ông mang theo, lôi ra vài cuốn đưa cho tôi xem và bảo: 
- "Hãy nhìn xem! ‘Ngôi Nhà Jack Xây Dựng’ - một quyển kỳ diệu, sâu sắc, thưa ông - và này nữa, ‘Những Đứa Bé Trong Rừng’. Ông nhận nó chứ, thưa ông? Tôi tặng ông đấy. Chỉ là một món quà nghèo nàn, nhưng vẫn là một món quà - cách đây không lâu tôi đã phát chúng cho mọi người hàng ngàn quyển sách vào dịp Giáng Sinh. Bây giờ có vẻ dường như không ai còn muốn nhận sách nữa."
 Ông liếc nhìn Cha Thời Gian cầu cứu như một kẻ yếu đang tìm sự hỗ trợ của kẻ mạnh để được giúp đỡ và hướng dẫn. 
- "Bây giờ không ai còn muốn đọc sách nữa sao?" 
 Ông lặp lại, và tôi có thể nhìn thấy ông chớp mắt rưng rưng. 
- "Tại sao vậy? Có phải thế giới đã quên đi sự thông cảm với những đứa trẻ bị đi lạc lang thang trong rừng?" 
 Lúc ấy tôi nghe tiếng Cha Thời Gian thì thầm thở dài: 
- "Tất cả thế giới đều đang lang thang trong rừng."
 Rồi ông nói to lên với Cha Giáng Sinh trong lời khuyên vui vẻ: 
- "Ha ha... Ông Giáng Sinh. Tốt lắm. Ông phải vui lên chứ. Ông lại đây, ngồi trong chiếc ghế lớn nhất này để gần ngọn lửa cho ấm. Chúng ta hãy khơi khuấy ngọn lửa bùng lên nào, cho thêm củi vào lò đi. Và Ông Giáng Sinh người bạn quý của tôi ơi, hãy lắng nghe xem tiếng gió bên ngoài, dường như đó là gió Giáng Sinh, phải không ông? Nghe nó có vẻ vui vui làm sao ấy! Nó hơi ồn ào một chút tại vì có những ngày buồn trộn trong đó đấy mà!” 
Cha Giáng Sinh ngồi bên cạnh lò sưởi; hai bàn tay ông duỗi thẳng ra đưa gần về phía ngọn lửa bập bùng. Dường như sự ấm áp của ngọn lửa đã khiến cho sự vui vẻ hồn nhiên cố hữu của ông xuất hiện trở lại, nhấp nháy như những hạt kim tuyến trên mặt ông.
 Ông nói, giọng còn pha chút bẽn lẽn: 
- "Đỡ rồi. Lúc nãy tôi lạnh quá ông ạ, lạnh thấu xương. Từ xưa tôi chưa bao giờ cảm thấy lạnh như vậy, bất kể gió mạnh đến đâu chăng nữa. Thế giới ngày xưa dường như lúc nào cũng sưởi ấm lòng tôi. Còn thế giới bây giờ sao không được như vậy."
 Cha Thời Gian nói nhỏ riêng với tôi: 
- "Bạn trẻ thấy đấy, ông ấy đã bị đối xử tệ bạc đến bơ phờ thể xác lẫn tinh thần.. Bạn liệu có thể giúp được gì cho ông ấy không?" 
 Tôi đáp: 
- “Tôi rất vui lòng giúp ông ấy, thưa Cha. Nhưng giúp bằng cách nào đây?”
Trong khi đó, Cha Giáng Sinh hướng nhìn về phía tôi với ánh mắt phân vân nghi vấn nhưng có kèm chút nét tươi vui. Ông rụt rè hỏi: 
- “Thưa ông nhà văn, chẳng hay trong nhà ông có “schnapps” không? 
- “Cái gì ạ?” 
- “Schnapps” đó. Tôi nghĩ lúc đang lành lạnh mà có một ly “schnapps” uống vào người là ấm ngay.” 
- “À... “schnapps”! Đồ uống?”
Cha Thời Gian lại nói nhỏ vào tai tôi: 
- “Tật xấu duy nhất của ông ta đấy. Hằng bao thế kỷ nay ông ấy đã quen nhấm nháp “schnapps”. Bạn có thì rót cho ông ta một tí đi.” 
- “Dạ, thưa Cha, tôi có giữ trong nhà một chai để phòng hờ khi đau yếu.” 
Cha Thời Gian không giấu được một nụ cười. Ông nói: 
- “Phòng hờ khi đau yếu... Cái câu này tôi nghe người ta hay dùng từ thời Babylon xa xưa rồi đấy.”
Tôi đến tủ thuốc lấy chai “schnapps”, một thứ rượu ngọt chế xuất từ trái cây lẫn gia vị thảo mộc. Tôi đưa nó và một cái ly nhỏ cho Cha Thời Gian; Cha rót đầy và đưa ly rượu ngọt cho Cha Giáng Sinh: 
- “Schnapps đây, ông bạn tôi. Uống đi cho ấm người.”
Thật kỳ diệu khi thấy Ông già Noel cắn môi uống ly rượu một cách gọn gàng đúng theo kiểu cách của người Na Uy ngày xưa. 
 Cũng thật là kỳ diệu để thấy với sự ấm áp của ngọn lửa, khuôn mặt ông thay đổi và sáng hẳn lên cho đến khi nét vui tươi hồn nhiên cố hữu hoàn hoàn rạng rỡ trở lại. Ông nhìn quanh, quan sát căn phòng với một sự quan tâm thích thú mới. Ông nói tự nhiên hơn:
- "Ồ, căn phòng này thật dễ chịu hết sức, thưa ông. Tuyệt vời hơn nữa là bên ngoài thì có tiếng gió thổi, bên trong nhà thì có ánh lửa lò sưởi ấm cúng.” 
Quan sát căn phòng, ông dừng mắt trên bệ lò sưởi, nơi có để một vài quyển sách bên cạnh một con ngựa đồ chơi. Ông thích thú reo lên: 
- “À... Trong nhà có các trẻ em.”
Tôi đáp: 
- “Chỉ có một đứa thôi, thưa Cha. Một bé trai dễ thương nhất thế giới. 
 Nghĩ đến trẻ con, Cha Giáng Sinh vui lên ngay. Ông cười khoái trá, tiếng cười khiến cho ai nghe cũng vui lây. Ông nói: 
- “Trẻ con thì đứa nào cũng dễ thương cả. Chúa ban phước cho tôi! Tất cả những đứa trẻ mà tôi từng gặp đều là những đứa trẻ dễ thương nhất thế giới.”
Ông đang ở trong một tâm thái phấn khích. Ông cười hô hô khiến cho mớ râu trắng như tuyết của ông cũng rung theo. Bỗng ông chợt nhớ đến con ngựa đồ chơi: 
- “À mà này, con ngựa bị gãy; một chân sau của nó lặt lìa gần rơi ra rồi. Không được.”
Ngay tức khắc, ông đặt con ngựa trên đùi để “vá” lại cái chân gãy. Thật tuyệt vời khi nhìn thấy ông dù ở từng ấy tuổi, những ngón tay ông vẫn cử động thoăn thoắt điệu nghệ.
- “Ông Thời Gian giúp tôi một tay với. Ông đưa giùm tôi đoạn dây đó. Đúng rồi. Đây này, giữ chặt ngón tay của ông trên cái nút thắt này nhé. Đó đó! Chủ nhà ơi, có sáp ong không? Không có sáp ong à? Trời! Sửa đồ chơi mà không có sáp ong thì làm sao mà sửa? Nhưng thôi. Con ngựa rồi sẽ đứng lên ngay bây giờ."
Tôi thật vui mừng lẫn ngạc nhiên để ý thấy Cha Giáng Sinh đã hồi phục phong độ và nói huyên thuyên. Chẳng những gọng nói của ông sang sảng khỏe mạnh mà còn đầy nét oai quyền chỉ huy nữa. Ông sai nhờ tôi đã đành, ông còn ra lệnh cho Cha Thời Gian cứ như pha. Tôi rối rít cảm ơn ông.
 Ông khoác tay nói: 
- “Có gì đâu! Chuyện nhỏ! Ông đừng để ý! Đó là cuộc sống của tôi mà. Có lẽ cậu bé trong nhà này cũng muốn có một cuốn sách. Tôi có đem theo một mớ sách đây. Nè, cuốn “Jack and the Bean Stalk” này sâu sắc lắm đó ông ạ. Chính tôi cũng thường hay đọc quyển này. Ô, nó hơi bị ẩm. Thưa ông, ông cho phép tôi phơi mấy quyển sách bị ẩm này trước lò sưởi của ông được không?" 
- “Dạ, Cha cứ tự nhiên cho ạ.”
Cha Giáng Sinh lục bao quà lôi ra mấy quyển sách thiếu nhi bèo nhèo ẩm ướt. Ông lại có vẻ buồn trở lại và phân trần: 
- “"Tôi mang chúng theo tôi từ ba năm nay rồi. Đây là quà cho những đứa trẻ ở Bỉ và ở Serbia, bây giờ ông nghĩ làm sao tôi có thể giao những món quà này đây?"
 Cha Thời Gian lắc đầu. Cha Giáng Sinh nói: 
- “Dù sao tôi cũng phải phơi cho chúng khô và “vá” lành những chỗ rách hay hư hỏng đã rồi tính sao. Xem, cuốn này còn có lời ghi nhắn của người gửi nữa này: ‘Tặng con yêu quý của Ba’. Tội cho đứa con đang mong đợi quà của cha không. Tại sao nó vẫn còn nằm ở đây chứ.”
Ông già Noel cúi đầu nhìn những quyển sách thiếu nhi ẩm ướt, tay run run lật giở từng trang. Rồi ông ngước nhìn lên với nét sợ sệt như khi vừa bước vào nhà tôi. Ông nói: 
- “Tiếng súng! Ông nghe không? Tôi nghe có tiếng súng!” 
Tôi nói: 
- “Dạ không. Không có gì đâu thưa Cha. Chỉ là tiếng xe chạy ngang qua ngoài phố.” 
- “Nghe kìa! Có tiếng người khóc nữa.” 
- “Dạ không. Đó chỉ là tiếng gió đêm thổi qua hàng cây thưa Cha.”
- "Giọng của các con tôi! Tôi nghe tiếng họ gọi ở khắp mọi nơi – họ đến với tôi trong mỗi cơn gió - và tôi thấy họ khi tôi lang thang trong đêm bão – các con tôi - bị rách da thịt và chết trong các chiến hào - bị chôn vùi xuống đất - tôi nghe họ khóc từ các bệnh viện - tôi quen biết họ tất cả, tôi gặp họ ít nhất một lần, tôi xem và thương mến mỗi người trong số họ như một đứa bé con. Ông Thời Gian! Ông Thời Gian ơi! Hãy trả những đứa con của tôi lại cho tôi!”
Cha Giáng Sinh khóc nức nở. Cha Thời Gian an ủi: 
- “Họ không chết vô ích đâu ông ạ." 
Nhưng Cha Giáng Sinh rên rỉ lập lại yếu ớt câu “Hãy trả những đứa con của tôi lại cho tôi!” Ông gục đầu trên đống sách và quà đồ chơi lỉnh kỉnh như thiếp đi.
 Cha Thời Gian nói với tôi: 
- "Thế giới mà một thời bạn biết có vẻ như đã bị phá vỡ và hủy hoại. Sự tàn ác kinh dị và sự căm thù làm hỏng thế giới ngày nay. Một ngày nào đó Ông Giáng Sinh sẽ biết tại sao những đứa con của ông không thể trở lại. Họ ra đi nhưng họ không chết một cách vô ích. Từ sự hy sinh của họ tạo thành một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người sống, một thế giới mà vô số đứa trẻ hạnh phúc sẽ giữ trí nhớ của chúng tươi sáng mãi mãi.. Nhưng đối với những đứa trẻ ngày nay, đừng phơi bày cho chúng sự căm thù và kinh dị xấu xa của chiến tranh; tự chúng khi lớn lên sẽ biết và hiểu. Hãy trả cho họ Giáng sinh vui tươi với ý tưởng ái hòa, từ thiện cho đến khi sau này một lần nữa sẽ có Hòa Bình trên Trần Thế.”
Tiếng nói của ông tan loãng và biến mất trong tiếng gió thổi.. Tôi nhìn lại trong phòng thì Cha Thời Gian và Cha Giáng Sinh đều đã biến mất.
Ngọn lửa trong lò sưởi đã tắt ngấm tự lúc nào. Len vào qua các cửa sổ có rèm che là những tia ánh sáng dìu dịu đầu tiên của buổi bình minh.

Phan Hạnh. Toronto 12/2018.

Không có nhận xét nào: