Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Vương Đình Huệ phải từ chức
Sau cuộc họp bất thường ngày 26/04/2024 Trung Ương đồng ý thôi chức vụ chủ tịch Quốc Hội Việt Nam của ông Vương Đình Huệ. Quyết định được đưa ra 4 ngày sau khi trợ lý chủ tịch Quốc Hội Việt Nam ông Phạm Thái Hà bị bắt và bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ để trục lợi. Ông Vương Đình Huệ phát biểu trong khóa họp Quốc Hội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/10/2023. AFP - STR - Thanh Hà Quyết định này được đưa ra 4 ngày sau khi trợ lý chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, ông Phạm Thái Hà, bị bắt và bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ để trục lợi.
<!>
Theo thông cáo của Văn Phòng Trung Ương Đảng Cộng Sản, được truyền thông trong nước loan tải, Ban Chấp Hành Trung Ương đánh giá ông Vương Đình Huệ, 67 tuổi, « đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước ». Những vi phạm và khuyết điểm nói trên « đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân »
Trước cuộc họp của Ban Chấp Hành Trung Ương, ông Huệ đã có đơn xin « thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác ».
Hôm 22/04/2024 ông Phạm Thái Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội kiêm trợ lý chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, đã bị bắt trong khuôn khổ mở rộng điều tra vụ tham nhũng tại tập đoàn Thuận An.
Hãng tin Anh Reuters cho rằng việc chủ tịch Quốc Hội Việt Nam phải từ chức lại càng làm dấy lên nhiều nghi vấn về ổn định chính trị tại Việt Nam nhất là sau vụ chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhanh chóng bị cho thôi các chức vụ hồi tháng 3/2024. Ông Thưởng là chủ tịch nước thứ nhì bị cách chức trong vòng một năm, sau ông Nguyễn Xuân Phúc.
Theo một thăm dò do các phòng thương mại nước ngoài tại Việt Nam thực hiện, hơn 650 doanh nhân được hỏi cho biết ổn định chính trị là một lá chủ bài « hấp dẫn » thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.
Trung Quốc cảnh báo sức ép của Mỹ có thể làm quan hệ song phương "xấu đi"
Trung Quốc và Hoa Kỳ nên là « đối tác, chứ không phải là đối thủ » và Washington nên « nhìn tích cực về sự phát triển của Trung Quốc ». Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh như trên, khi tiếp ngoại trưởng Mỹ ngày 26/04/2024. Trước đó, ông Antony Blinken đã có cuộc hội đàm hơn 5 tiếng với đồng nhiệm Vương Nghị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/04/2024. AP - Mark Schiefelbein
Thu Hằng
Ông Antony Blinken khẳng định đã có cuộc trao đổi « sâu sắc, mang tính xây dựng » với đồng nhiệm Trung Quốc về những bất đồng, như chủ đề Nga, hồ sơ Đài Loan và thương mại. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng hai nước cần phải « rõ ràng nhất có thể trong những lĩnh vực bất đồng, ít nhất là tránh để hiểu lầm và tính toán sai ».
Theo người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Mathew Miller, được AFP trích dẫn, ông Blinken đã bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc hỗ trợ cho « cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga », thông qua việc cung cấp thiết bị và công nghệ lưỡng dụng. Ngoại trưởng Mỹ cũng tìm cách xoa dịu Trung Quốc về vấn đề Đài Loan trong bối cảnh ngày 20/05, ông Lại Thanh Đức sẽ nhậm chức tổng thống và Quốc Hội Mỹ vừa thông qua khoản viện trợ quân sự cho hòn đảo tự trị. Về Trung Cận Đông, ông Blinken đề nghị Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng để khuyến khích Iran kiềm chế với Israel.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại cảnh báo rằng việc Hoa Kỳ liên tục gây sức ép có thể khiến mối quan hệ song phương « xấu đi ». Bắc Kinh chỉ trích Washington gia tăng sức ép, trong đó có các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ tiên tiến (kinh kiện bán dẫn) sang Trung Quốc. Một chủ đề gây bất đồng khác là khả năng mạng xã hội TikTok, bị cáo buộc được sử dụng để do thám người dân Mỹ, bị cấm tại Hoa Kỳ nếu không cắt đứt liên hệ với công ty mẹ ByteDance. Bất chấp tối hậu thư của Mỹ, ngày 25/04, tập đoàn Trung Quốc cho biết không có ý định bán ứng dụng.
Dù vẫn còn nhiều căng thẳng và « yếu tố tiêu cực », ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng mối quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới « bắt đầu được ổn định », nhưng không quên cảnh báo hai nước « nên tiếp tục theo hướng ổn định hay trở lại hướng xấu đi ? ».
Chuyến công du Trung Quốc lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm của ngoại trưởng Mỹ cho thấy dấu hiệu giảm bớt xung đột giữa hai đại cường, vốn lên đến đỉnh điểm dưới thời tổng thống Donald Trump. Ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa cho biết sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn với Bắc Kinh nếu ông thắng cử vào tháng 11.
Nghị Viện Châu Âu thông qua nghị quyết chống « can thiệp của nước ngoài »
Ngày 25/04/2024 Nghị Viện Châu Âu đã biểu quyết với 429 phiếu thuận, 29 phiếu chống, thông qua một nghị quyết khuyến cáo 27 nước thành viên Liên Âu « đề cao cảnh giác và cứng rắn trước các hình thức can thiệp của nước ngoài », sau khi một số nghị viên bị điều tra vì bị nghi ngờ nhận tiền của Qatar, Nga hay Trung Quốc. Nghị quyết này không mang tính ràng buộc.
Các thành viên của Nghị Viện Châu Âu tham gia vào một cuộc biểu quyết tại trụ sở ở Strasbourg, Pháp, 13/03/2024. © AFP - Frederick Florin
Thanh Hà
Vài tuần lễ trước bầu cử châu Âu, cuộc bỏ phiếu hôm qua diễn ra trong bối cảnh, trợ lý của nghị viên người Đức Maximilian Krah, đứng dầu danh sách ra tranh cử của đảng cực hữu AfD(Alternative for Germany), bị bắt hôm 23/04/2024 vì bị tình nghi cung cấp cho Trung Quốc các thông tin về Nghị Viện Châu Âu và liên quan đến các nhà đối lập Trung Quốc sống lưu vong tại Đức.
Bản nghị quyết vừa được thông qua yêu cầu đảng AfD minh bạch về « những mối liên hệ tài chính của đảng với điện Kremlin », đề nghị mở một cuộc « điều tra nội bộ để thẩm định về khả năng Nga và một số quốc gia khác đã can thiệp vào Nghị Viện Châu Âu ».
Văn bản lưu ý châu Âu cần « cứng rắn », các nghị viên cần ý thức được rằng, họ là những « mục tiêu tiềm tàng » mà các đối thủ của Liên Âu có thể nhắm tới. Theo lời nghị viên Hà Lan đại diện cho đảng Xanh Châu Âu, Bas Eichkhout được AFP trích dẫn, các công dân trong khối châu Âu cần được bảo đảm rằng « các nghị viên họ bầu ra là để phục vụ lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu chứ không vì quyền lợi của Trung Quốc, Nga hay bất kỳ một chế độ chuyên chế nào khác ».
Cuối tháng 3/2024 Cộng Hòa Séc và Bỉ tiết lộ cả một « hệ thống điệp viên Nga liên lạc và dùng tiền mua chuộc nhiều nghị viên châu Âu » với mục đích « tuyên truyền cho chính sách của Matxcơva, làm phương hại đến toàn vẹn lãnh thổ của Liên Âu, đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina ».
Tháng 12/2022 vụ tai tiếng Qatargate bị phơi bày ra ánh sáng : nhiều nghị viên trong đó có phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu bị phát hiện nhận tiền của Qatar, Maroc để im lặng về những vi phạm nhân quyền của Qatar trước Cúp Bóng đá Thế giới, hay để bảo vệ quyền lợi của Maroc trong vùng sa mạc Tây Sahara.
Pháp - Đức đạt được thoả thuận về phân chia công đoạn chế tạo xe tăng thế hệ mới
Sau bảy năm đàm phán, Đức và Pháp hôm 26/04/2024, đã ký kết một biên bản ghi nhớ về việc phân bổ trách nhiệm cho các tập đoàn công nghiệp của hai nước trong dự án hợp tác chế tạo xe tăng tương lai. Dự án mang tên Hệ thống chiến đấu chủ đạo trên bộ (Main Ground Combat System - MGCS) được coi là biểu tượng cho hợp tác quốc phòng giữa Paris và Berlin.
Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Sebastien Lecornu (P), và đồng cấp Đức Boris Pistorius bắt tay sau khi ký xong thỏa thuận chế tạo loại xe tăng mới, ngày 26/04/2024. AP - Michel Euler
Minh Phương
Bộ trưởng Quân lực Pháp Sébastien Lecornu, được AFP trích dẫn, cho biết loại xe tăng mới này sẽ là "vũ khí quân sự mang tính cách mạng" với những "đột phá" đáng kể về công nghệ, như tích hợp sử dụng trí tuệ nhân tạo hay drone để bảo vệ xe tăng hoặc kết hợp với các thiết bị định hướng như tia laser hay hệ thống tác chiến điện tử.
Ông Lecornu đánh giá đây là loại xe tân tiến nhất, đặc biệt là khi mà Mỹ "vẫn chưa bắt đầu nghiên cứu" phát triển xe tăng thế hệ mới, thay thế dòng xe Abrams được sản xuât từ lâu, còn Nga thì "gặp thất bại" với loại xe tăng T-14 Armata.
Còn theo bộ trưởng Đức Boris Pistorius, thỏa thuận liên chính phủ này sẽ mở đường cho các hợp đồng "đầy tham vọng"vào năm sau.
Để sản xuất loại xe tăng này, hai bên đã xác định tám trụ cột cũng như các nhà công nghiệp sẽ chịu trách nhiệm cho mỗi trụ cột đó. Trên thực tế, một số trụ cột đã được đồng chỉ đạo bởi các nhà công nghiệp của hai nước. Trụ cột đầu tiên liên quan đến việc phát triển và sản xuất các nền tảng khác nhau cho hệ thống của xe tăng này bởi so với các loại xe tăng truyền thống, MGCS còn bao gồm nhiều phương tiện và trang thiết bị đi kèm. Trụ cột thứ hai và ba về sản xuất súng, tên lửa và thiết bị định hướng. Các trụ cột khác liên quan đến hệ thống thông tin liên lạc, mô phỏng, cảm biến, bảo vệ xe tăng cùng việc xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết để đáp ứng loại xe này.
Drone Nga đe dọa chiến xa Abrams mà Mỹ cung cấp cho Ukraina
Theo nhiều nguồn tin quân sự Mỹ được hãng tin AP ngày 26/04/2024 trích dẫn, Ukraina tạm ngừng huy động loại xe tăng "đắt tiền" Abrams M1A1 ra mặt trận, đề phòng trước các đợt Nga dồn dập tấn công bằng drone.
Một chiếc xe tăng M1A2 Abrams của quân đội Hoa Kỳ được chụp tại cảng Baltic Container Terminal ở Gdynia, Ba Lan, ngày 03/12/2022. © Mateusz Slodkowski / AFP via Getty Images
Thanh Hà
Hãng tin Mỹ nhắc lại từ tháng 1/2023 Hoa Kỳ đã đồng ý gửi 31 chiến xa Abrams cho UK, trị giá mỗi chiếc khoảng 10 triệu đô la. Loại chiến xa đời mới này của Mỹ được cho là có khả năng chọc thủng các chiến tuyến của quân Nga. Nhưng theo các giới chức quân sự, bối cảnh chiến tranh từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi. Chủ yếu là do Nga huy động drone quan sát phát hiện xe tăng của Mỹ. Nga cũng sử dụng nhiều hơn các loại drone tự sát để nhắm trúng mục tiêu. Phía Ukraina khó để bảo đảm an toàn cho các loại chiến xa đắt tiền của Mỹ. Theo thống kê của AP đến nay 5 trong số 31 chiếc Abrams quân đội Ukraina sử dụng đã bị hư hại sau nhiều đợt tấn công của Nga.
Nhiều nguồn tin quân sự của Hoa Kỳ đã cho biết những thông tin nói trên trong khuôn khổ một trao đổi với các đối tác Ukraina trước thềm cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraina dự trù diễn ra vào ngày hôm nay 26/04/2024 tại Berlin. Phó chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, đô đôc Christopher Grady xác nhận, chiến xa của Mỹ tạm thời được rút ra khỏi các chiến tuyến, và công nhận drone là một mối đe dọa đối với loại chiến xa này.
Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraina quy tụ khoảng 50 quốc gia, hoạt động từ 2 năm nay và hàng tháng vẫn họp lại để thẩm định về tình hình trên trận địa, về nhu cầu của Ukraina về đạn dược, trang thiết bị quân sự … trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trước các lực lượng quân sự Nga.
Sau quyết định cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS với tầm bắn 300 km cho Kiev chính quyền Biden kỳ vọng Đức sẽ không còn do dự để cung cấp cho Ukraina tên lửa Taurus. Anh và Pháp đã trang bị tên lửa Storm Shadow và Scalp với tầm bắn 250 km cho quân đội Ukraina. Riêng Berlin thận trọng. Cho đến tận ngày 25/04/2024 chính phủ Đức vẫn muốn tránh để « chiến tranh leo thang » với loại vũ khí có tầm bắn đến 500 km.
Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Jens Stoltenberg trên đường đến dự cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraina lên án Trung Quốc yểm trợ Nga về công nghệ chế tạo vũ khí, đồng thời ông cho rằng nếu phương Tây giữ lời hứa cung cấp thêm vũ khí cho Ukraina, « vẫn chưa quá trễ để Kiev giành được chiến thắng »trong cuộc đối đầu với nước Nga.
Hàn Quốc bán thêm cho Ba Lan 72 hệ thống phóng tên lửa Chunmoo
Ngày 25/04/2024, tập đoàn vũ khí Hàn Quốc Hanwha Aerospace thông báo đạt được thỏa thuận bán thêm một lô 72 hệ thống phóng tên lửa đa năng (LRM) Chunmoo cho Ba Lan, trị giá 2.300 tỉ won (khoảng 1,67 tỉ đô la). Đây là lô còn lại trong thỏa thuận cung cấp 290 hệ thống Chunmoo được ký với Ba Lan vào tháng 12/2022.
Cơ sở sản xuất vũ khí của tập đoàn Hanwha Aerospace ở Changwon, Hàn Quốc, ngày 15/09/2023. AFP - JUNG YEON-JE
Thu Hằng
Theo tập đoàn Hàn Quốc, được Yonhap trích dẫn, các hợp đồng tài chính liên quan đến các khoản vay công sẽ còn chờ được đúc kết ở hai nước từ nay đến cuối tháng 11/2024 để kí hợp đồng. Theo dự kiến, số vũ khí này sẽ được giao từ nay đến năm 2029.
Trước khi ký hợp đồng, một phái đoàn Ba Lan do thứ trưởng Quốc Phòng Pawel Beja đã chứng kiến vụ thử hôm 23/04 tại bãi thử Anheyng của Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc. Tập đoàn Hanwha Aerospace đã điều chỉnh hệ thống LRM K239 Chunmoo để có thể lắp trên xe quân sự của Ba Lan.
Vào tháng 11/2022, Ba Lan và Hàn Quốc đã ký hợp đồng cung cấp 218 hệ thống, dự kiến được giao hết vào năm 2026. Vacxava đã nhận được lô đầu tiên vào tháng 08/2023. Ngoài hệ thống phóng tên lửa Chunmoo, hai nước còn ký một thỏa thuận khung trị giá khoảng 17.000 tỉ won mua xe tăng K2, pháo tự hành, chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-90. Vẫn theo Yonhap, phái đoàn của bộ Quốc Phòng Ba Lan thăm các nhà máy sản xuất các loại vũ khí này trong thời gian lưu lại Hàn Quốc cho đến ngày 27/04.
Ba Lan hiện là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Hàn Quốc. Chính quyền Vacxava muốn tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh nước láng giềng Ukraina bị Nga gây chiến.
Theo một phóng sự của AFP tháng 09/2023, kể từ khi Nga phát động chiến tranh ở Ukraina, nhà máy của Hanwha Aerospace, nằm ở tỉnh Changwon miền đông Hàn Quốc, đã tăng gấp ba năng suất và « có thể giao hàng trong thời hạn rất ngắn », theo phát biểu của một nhà phụ trách của tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất Hàn Quốc.
Mỹ bắt đầu xây dựng cầu cảng tạm thời tại Gaza để chuyển hàng viện trợ nhân ̣đạo
Hôm qua, 25/04/2024, Hoa Kỳ tuyên bố đã bắt đầu xây dựng một cảng nổi tạm thời và cầu cảng ở Gaza nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine. Hồi đầu tháng 3, tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo dự án này để đối phó với việc Israel phong toả viện trợ đường bộ tới Gaza.
Người Palestine nhận các túi hỗ trợ lương thực tại một trung tâm cứu trợ do Liên Hiệp Quốc quản lý ở Deir al-Balah, Gaza, ngày 28/10/2024. AFP - MOHAMMED ABED
Minh Phương
AFP trích lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder , cho biết cầu cảng sẽ được đưa vào hoạt động từ đầu tháng 5 và tính tới thời điểm hiện tại việc xây dựng “vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch”. Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết, viện trợ trước tiên sẽ đến CH Síp. Tại đây, hàng viện trợ sẽ được kiểm tra trước khi được vận chuyển bằng tàu thương mại đến một dàn nổi ngoài khơi Gaza. Sau đó, các tàu nhỏ chuyển hàng viện trợ đến cầu cảng.
Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ lại cho rằng sáng kiến này vẫn không thể thay thế việc viện trợ nhân đạo bằng đường bộ cho người dân Palestine, vốn đang phải chịu cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.
Hôm nay, một phái đoàn Ai Cập cũng sẽ tới Israel để cố gắng khởi động lại các cuộc đàm phán đang bị đình trệ về hưu chiến cũng như trả tự do cho các con tin đang bị lực lượng Palestine Hamas giam giữ ở Gaza. Trong khi đó, Israel đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào thành phố Rafah. Theo phát ngôn viên của chính phủ Israel, nội các chiến tranh của nước này đã họp "để thảo luận về cách tiêu diệt các tiểu đoàn cuối cùng của Hamas" tại đây. Về phần mình, một quan chức của Hamas khẳng định với AFP rằng một cuộc tấn công vào Rafah sẽ không cho phép Israel đạt được “điều họ muốn”, dù là “loại bỏ Hamas hay giải cứu các con tin.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét