Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Sinh hoạt đôc lạ, gần hàng trăm Khách Không Nhà (Homeless) đủ mọi sắc tộc, cùng tham gia giây phút Tưởng Niệm Tháng Tư Đen 2024! và Kính chuyển tin thế giới đó đây, theo dòng thời sự - Lê Văn Hải


Sinh hoạt độc lạ nhất trong tháng tư năm nay: gần hàng trăm Khách Không Nhà (Homeless) đủ mọi sắc tộc, cùng tham gia giây phút Tưởng Niệm Tháng Tư Đen! với Nhóm Mõ Nhân Ái. -Trong bữa cơm nóng hổi, mà Nhóm Mõ Nhân Ái, phục vụ bền bỉ hàng tuần bao nhiêu năm qua. Hôm nay, Thứ Năm, ngày 25 tháng 4, năm 2024, tại trước sân Thư viện Tully, San Jose. Khách không nhà rất ngạc nhiên, khi thấy khung cảnh chung quanh có nhiều thay đổi, bàn để thực phẩm, cũng được trải bằng khăn mầu đen, một bàn nhỏ khác, cũng mầu đen, trên đó có 2 bình hoa trắng, và tấm bảng hiệu đen ghi số trắng lớn 30.4 và những lá cờ lớn, nhỏ, Vàng Ba Sọc Đỏ.
<!>

Nhiều người không biết hỏi Ngày Gì Đây? Anh Chị Em trong Nhóm, đã giải thích, đó là ngày tưởng niệm Sài Gòn thất thủ, bị Cộng Sản cưỡng chiếm.
Ngược lại, nhiều người thì biết, có ông già Mỹ còn khoe: “Vì Tôi là một Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ, đóng ở Đà Nẵng, sau năm 1972, chúng tôi rút, và sau đó vài năm, xảy ra biến cố đau thương này. Chia Buồn với Các Bạn!”


Một Ông Đại Hàn khác, trong ban nhạc, khá trẻ, tâm sự: “Ba tôi trong quân đội mà, có tham gia chiến đấu ở Việt Nam, có kể cho tôi về ngày 30 tháng Tư này, nên tôi biết. Xin chia buồn với quý vị. Quê hương của quý vị, cũng giống Đại Hàn chúng tôi, cũng chia đôi Bắc Nam, nhưng chúng tôi may mắn không bị xâm chiếm. Còn quý vị, kẻ ác đã thắng cuộc chiến! Quý vị buồn là phải”
Tổ chức giây phút Tưởng Niệm Quốc Hận, đây chỉ là mục tiêu sinh hoạt của Nhóm, cha ông mình có câu “của cho, không bằng cách cho!” Nhóm Mõ Nhân Ái, coi Khách Không Nhà, như người trong Gia Đình, ngoài phục vụ, giúp đỡ nhu cầu ăn uống, vật dụng cần thiết, còn cố gắng, mang không khí vui, buồn của những ngày đặc biệt đến với họ. Đây là món quà Tinh Thần an ủi quý báu, không vật chất, tiền bạc gì có thể so sánh! Nhiều người không nhà ôm chúng tôi nói: “Chỉ có Nhóm Mõ Nhân Ái, chia sẻ với chúng tôi, chuyện vui buồn, đầy tình Gia Đình, Tình Người như thế!” Cái hay không phải một năm, mà bền bỉ đã qua đoạn đường 30 năm qua. Riêng với thành viên trong Nhóm Mõ Nhân Ái đều nhớ, Bữa Cơm phục vụ lần thứ 2 trong tuần, khai trương đúng Ngày 30 tháng Tư trước đó 10 Năm! Trước 10 năm, chỉ một tuần môt lần. Sau đó một tuần phục vụ 2 lần.

Sau đây là một vài hình ảnh buổi sinh hoạt Tưởng Niệm Tháng Tư Đen sáng nay:


-Anh Trưởng Nhóm, chụp hình trước ban nhạc. Đặc biệt, trong khi khách ăn uống, khách còn được nghe ban nhạc sống, với gần 10 nhạc công, đờn ca hát giải trí.


-Khách Không Nhà, được mời ngồi ăn trên bàn ghế, như ở nhà hàng.


-Sau bữa ăn, ê hề nhận thực phẩm khô, mang về để dùng trong tuần. Chưa kể vật dụng, quần áo.


- Và còn được tặng phong bì, có chút tiền mặt, để chi tiêu.



Nhân Mùa Tưởng Niệm, xin giới thiệu ít dòng về Anh Trưởng Nhóm Mõ Nhân Ái, cũng là Trưởng Nhóm Vận Động và Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân, được cắt băng khánh thành vào Thứ Bảy tuần này.


-Anh Lê Văn Hải, là một trong những khuôn mặt hoạt động cộng đồng, trên nhiều lãnh vực, nhất là nổi bật các công tác xã hội, cần giúp đỡ quen thuộc, (Như Nhóm Mõ Nhân Ái, Phục vụ những bữa ăn hàng tuần, giúp đỡ Người không nhà, Homeless, gần 30 năm qua.)
-Anh là khuôn mặt bền bỉ nhất trong các công tác nhân đạo của miền Bắc Cali, trên 40 năm qua. Vì anh là trường hợp khá đặc biệt, được đào tạo từ một Dòng Xitô khổ tu nổi tiếng Châu Sơn của Công Giáo, tại Đà Lạt, còn là một Người Lính, và là một Hướng Đạo sinh, nên cả đời anh, chỉ biết hy sinh, say mê theo lý tưởng, mang hết khả năng của mình, để Phục Vụ Tha Nhân.
-Anh là cựu Thuyền nhân, tại trại tị nạn Hồng kông. Gia đình có 2 em gái vượt biển, nhưng đã không may mắn đến được bến bờ tự do! Rất nhiều bạn bè, người thân của anh đã bỏ mình, trên đường vượt biển. Chính vì lý do này, anh đã dấn thân cho mọi công tác Cứu Người Vượt biển, mong sao các gia đình khác, không lâm vào hoàn cảnh bi thương như gia đình anh.

-Định cư tại San Jose từ năm 1980, với những hoạt động: Cộng tác, như một thành viên với Ủy Ban Báo Nguy Cứu Người Vượt Biển, chọn những Nhà Báo đi theo những con tầu Tình thương ra khơi để loan tin, trong đó có phóng viên Trần Minh Tài của Tuần báo TM. San Jose còn có Bác Sĩ Nguyễn Thượng Vũ, cũng đi theo con tầu. Phát động 6 chiến dịch “Tình Thương Dưới Ánh Mặt Trời”, tổ chức các Đại Nhạc Hội quyên góp trên một triệu đô la, yểm trợ những con tầu “Tình Thương” ra khơi, cứu vớt trên 3 ngàn Thuyền nhân đến bến bờ tự do. (1981-1990)
-Sở dĩ anh dụng đến tiền bạc, lên đến số triệu! mà chưa bao giờ bị mang tiếng, vì công thức tổ chức của anh vô cùng độc đáo. Tiền thu góp được của đồng hương, được đếm ngay trên sân khấu, trao trực tiếp đến mục đích muốn giúp đỡ! Còn chi phí tổ chức, thì anh…gánh hết! Nên luôn luôn có số thu là 100%, tiền chi là…0! (số không!) Theo công thức này, thì không còn cách gì lời ong, tiếng ve cả! (BTC phải bỏ công lẫn của!)

-Tổ chức 2 lần Đại Hội Thuyền Nhân trên toàn Thế Giới, tại Fairground, với gần 20 ngàn người tham dự. Tổ chức 3 lần (tại Nhà hàng Phú Lâm) các ngày lễ đánh dấu Ngày Thuyền Nhân Thế Giới. Anh có công rất lớn, để San Jose có mỹ danh là Thung Lũng Tình Thương của Người Vượt Biển!
-Anh cũng là Chủ tịch ủy ban “Bảo Vệ Quyền Tị Nạn” chống cưỡng bách hồi hương, tổ chức nhiều cuộc biểu tình nhiều lần trước Sứ Quán Anh Quốc tại San Francisco. Giúp đỡ các trẻ em tị nạn một mình, không thân nhân (Tìm người bảo trợ, để có cơ hội định cư, cung cấp nhiều phương tiện vật chất, trong thời gian các em còn trong trại ..vv..) Quyên góp trên 400 ngàn đô la, xây dựng Làng Việt Nam tại Phi Luật Tân.


Và lần này, cộng tác với nhiều trái tim thiện chí, trong đó có các Linh Mục để hoàn thành Tượng Đài Thuyền nhân tại San Jose, và Buổi Lễ Khánh Thành:
Tuần này, Lúc 4 Giờ Chiều Thứ Bảy, Ngày 27 Tháng 4 Năm 2024
Tại Đền Thánh Tử Đạo Việt Nam
Mong Quý Đồng Hương Tham Dự Thật Đông Buổi Lễ Đặc Biệt Này.



Tin Quốc Tế Đó Đây

Ân Xá Quốc Tế: 2023 Là Năm Thụt Lùi Về Nhân Quyền, Trật Tự Quốc Tế Bên Bờ Sụp Đổ


(Hình: Bà Agnes Callamard, Tổng Thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế, trong một cuộc họp báo ở thủ đô Luân Đôn của Anh, ngày 24/4/2024.)
-Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) báo động, năm 2023 là năm thụt lùi về nhân quyền và “hệ thống quốc tế đang bên bờ sụp đổ”.
Báo cáo của Amnesty International, được công bố hôm 24/4/2024, nhấn mạnh là các cuộc xung đột xảy ra khắp nơi trên thế giới trong năm 2023, từ Trung Đông, Ukraine, đến Miến Điện, Sudan, Ethiopia…. Kéo theo đó là tình trạng vi phạm nhân quyền ồ ạt, cho thấy trật tự thế giới được thiết lập sau năm 1945, khi Ðệ nhị Thế chiến kết thúc, đang bên bờ sụp đổ. Trả lời thông tấn xã AFP, Ân xá Quốc tế khuyến cáo cần “hồi sinh và đổi mới các định chế quốc tế”. Đặc biệt phải “khẩn trương cải tổ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và quyền phủ quyết của Hội Đồng, để quyền này không thể được sử dụng trong các tình huống xảy ra sự vi phạm nhân quyền ồ ạt”.

Liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), tổ chức Ân Xá Quốc Tế đặc biệt lo ngại sự bùng nổ kỹ thuật AI có thể đẩy nhanh việc truyền bá thông tin sai lệch hoặc duy trì những thành kiến phân biệt chủng tộc. Tổ chức nhân quyền Amnesty International cáo buộc các công ty kỹ thuật lớn phớt lờ hoặc giảm thiểu những mối đe dọa nói trên, “kể cả trong bối cảnh xung đột vũ trang”.
Năm 2024 là năm diễn ra nhiều cuộc bầu cử quan trọng trên thế giới, như tại Mỹ, Ấn Độ, Liên Hiệp Âu Châu. Sự phát triển “ngoài vòng pháp luật” và không thể kiểm soát được của các kỹ thuật và những công cụ độc hại, như nhận diện khuôn mặt, nhu liệu điện toán gián điệp... có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng vi phạm nhân quyền. Vì thế, Amnesty International kêu gọi chính phủ các nước thông qua các bộ luật về trí tuệ nhân tạo và quản lý chặt chẽ kỹ thuật AI.


Liên Hiệp Quốc Muốn Một Cuộc Điều Tra Quốc Tế Về Các Hố Chôn Tập Thể Tại Một Bệnh Viện ở Gaza


(Hình: Lực lượng cấp cứu và y tế tìm kiếm thi thể bên trong bệnh viện Al Shifa bị hư hại sau khi lực lượng Do Thái rút khỏi bệnh viện và khu vực xung quanh sau chiến dịch quân sự kéo dài 2 tuần tại dải Gaza, ngày 8/4/2024.)
-Liên Hiệp Quốc hôm 23/4/2024 yêu cầu mở một cuộc điều tra quốc tế về những hố chôn tập thể bị phát giác gần hai bệnh viện chính ở dải Gaza sau khi quân đội Do Thái rút khỏi những nơi này.
Trong một thông cáo, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, Volker Turk, cho biết ông bàng hoàng khi thấy bệnh viện Al Shifa, bệnh viện lớn nhất ở dải Gaza, và bệnh viện Nesser ở Khan Younes, bệnh viện lớn thứ hai trên lãnh thổ Palestine, bị tàn phá. Nhưng gây sốc nhất là những hố chôn tập thể được phát giác gần những nơi này.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, Volker Turk, yêu cầu là “các cuộc điều tra độc lập, hiệu quả và minh bạch” phải được tiến hành, với sự tham gia của các nhà điều tra quốc tế. Ông nhấn mạnh là việc cố ý giết thường dân, người bị giam giữ và những người được xem là “ngoài vòng chiến đấu”, là tội ác chiến tranh.
Trước đó, trong cuộc họp báo, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Ravina Shamdasani, tuyên bố là các nạn nhân, trong đó có người cao tuổi và trẻ em, “bị chôn sâu dưới đất, phía trên phủ đầy rác”, một số “bị trói tay và trên người không có quần áo”.
Một chỉ huy lực lượng Phòng vệ dân sự ở dải Gaza hôm qua khẳng định với thông tấn xã AFP là từ thứ Bảy (20/4), họ đã phát giác khoảng 340 thi thể trong những hố chôn tập thể quanh bệnh viện Nasser. Liên quan đến bệnh viện Al Shifa, thông tấn xã AFP nhắc lại là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi đầu tháng Tư tố cáo bệnh viện chỉ còn là “cái vỏ rỗng” rải đầy xác chết sau chiến dịch tấn công của quân đội Do Thái nhắm vào nơi mà họ xem là chỗ ẩn náu của lực lượng Hamas.
Về phía Do Thái, quân đội cho rằng việc khẳng định binh sĩ Do Thái đã chôn tập thể các nạn nhân người Palestine là vô căn cứ.


Thứ Trưởng Quốc Phòng Nga Bị Bắt Với Cáo Buộc Nhận Hối Lộ


(Hình: Ông Timur Ivanov, Thứ trưởng Quốc phòng Nga.)
-Hôm 23/4/2024, thông tấn xã Reuters dẫn thông tin từ cơ quan điều tra hàng đầu của Nga cho biết một Thứ trưởng Quốc phòng Nga, người giữ chức vụ này 8 năm qua, đã bị bắt giữ vì bị tình nghi nhận hối lộ.
Một tuyên bố ngắn trên mạng Telegram của Ủy ban Điều tra Nga cho hay ông Timur Ivanov đã bị bắt giam và đang diễn ra cuộc điều tra về vụ án liên quan đến ông ta.
Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov được các hãng thông tấn Nga dẫn lời nói rằng một báo cáo về việc giam giữ ông Ivanov đã được trình lên Tổng thống Vladimir Putin. Ông cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu được thông báo trước về việc bắt giữ này.
Báo chí Nga đưa tin ông Ivanov (48 tuổi) có thể phải đối mặt với án tù lên tới 15 năm.
Tạp chí Forbes của Mỹ xếp ông Ivanov, một chuyên gia về điều khiển học và công nghiệp nguyên tử, là một trong những người giàu nhất trong cơ quan an ninh của Nga.

Các bản tin của Nga nói rằng ông Ivanov có thể là viên chức cấp cao nhất của Nga phải đối mặt với cáo buộc nhận hối lộ kể từ khi Mạc Tư Khoa phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.
Ông làm việc trong các công ty kinh doanh nhiên liệu và năng lượng cũng như tại chính quyền khu vực Mạc Tư Khoa trước khi gia nhập Bộ Quốc phòng vào năm 2010. Ông trở thành Thứ trưởng vào năm 2016.


Ukraine Dùng Drone Tấn Công Các Cơ Sở Năng Lượng và Nhà Máy Luyện Kim Trên Lãnh Thổ Nga


(Ảnh: Binh sĩ Ukraine chuẩn bị phóng drone Poseidon H10 tầm trung gần Bakhmut, Donetsk, miền Đông Ukraine ngày 26/3/2024.)
-Hôm 24/4/2024, Ukraine đã dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng tại vùng Smolensk, miền Tây nước Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 400 cây số.
Một nguồn tin quốc phòng Ukraine hôm 24/4 xác nhận thông tin này với hãng tin Pháp AFP và nhấn mạnh, đó là những mục tiêu tấn công “hợp pháp” của Ukraine. Theo nguồn tin này, các drone của Ukraine đã oanh kích vào “hai kho chứa dầu”, vốn là nơi “trữ 26.000 mét khối chất đốt”. Các vụ tấn công do Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) tổ chức.

Thông tin được đưa ra sau khi Thống đốc vùng Smolensk của Nga, Vassili Anokhine cho biết trên Telegram là hỏa hoạn đã xảy ra tại một số cơ sở năng lượng do các vụ tấn công của Ukraine.
Cũng hôm 24/4, Ukraine dùng drone tấn công nhà máy luyện kim NovoLipetsk, tại thành phố Lipetsk, cách biên giới Ukraine 400 cây số. Đây là nhà máy của hãng NLMK, hãng luyện kim lớn nhất nước Nga năm 2022, và xếp hạng 23 thế giới, theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới.
Trong khi đó, hôm 23/4, trước khi Thượng viện Mỹ biểu quyết khoản viện trợ 61 tỉ Mỹ kim cho Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Choigu, dọa gia tăng các vụ tấn công các cơ sở hậu cần và cơ sở trữ vũ khí của phương Tây tại Ukraine.


Tổng Thống Mỹ Biden Tuyên Bố Gởi Vũ Khí Cho Ukraine “Ngay Từ Tuần Này”


(Ảnh: Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và đồng nhiệm Ukraine, Volodymyr Zelensky, trong một cuộc họp báo chung tại Tòa Bạch Ốc ngày 12/12/2023.)
-Trong một thông cáo của Tòa Bạch Ốc được công bố hôm 23/4/2024, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Hoa Kỳ sẽ bắt đầu gởi các vũ khí và thiết bị cho Ukraine “ngay từ tuần này” sau khi cả hai viện của Quốc hội thông qua kế hoạch viện trợ quân sự mới cho Kyiv. Trước đó, theo các viên chức Mỹ được hãng tin AP trích dẫn, Ngũ Giác Đài sẽ tháo khoán ngay khoản viện trợ quân sự đầu tiên 1 tỉ Mỹ kim cho Ukraine.
Sau Hạ viện, hôm 23/4, đến lượt Thượng viện Hoa Kỳ, với đa số phiếu áp đảo, thông qua kế hoạch viện trợ tổng cộng 95 tỉ Mỹ kim cho Ukraine, Do Thái và Đài Loan, trong đó có đến 61 tỉ Mỹ kim sẽ để giúp Kyiv chống trả quân Nga. Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
“Tôi sẽ ký phê chuẩn và sẽ ngỏ lời với người dân Mỹ ngay sau khi văn bản này được chuyển đến văn phòng của tôi”. Sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng chúc mừng việc thông qua viện trợ quân sự cho Ukraine, văn bản mà ông sẽ phê chuẩn ngay từ hôm nay.

Hệ quả ngay lập tức đó là viện trợ của Mỹ cho Ukraine, bị chặn lại từ đầu năm đến nay, sẽ có thể nhanh chóng được tái lập. Trong 60 tỉ Mỹ kim được dự trù, 1 tỉ Mỹ kim thiết bị quân sự sẽ được gởi đi trong những ngày tới, thậm chí từ đây đến cuối tuần đối với những thiết bị cấp thiết nhất.
Quân đội Mỹ đã chuẩn bị từ lâu và rất có thể họ chỉ cần chất đầy các phương tiện vận chuyển để gởi sang Ukraine đạn dược, nhất là đạn pháo mà lực lượng của Kyiv không còn được cung cấp từ đầu năm đến nay.
Các thiết bị này sẽ được lấy từ các kho vũ khí của quân đội Mỹ. Trong khoản viện trợ quân sự mới đã được thảo luận với chính quyền Ukraine, cũng có các vũ khí phòng không để chống trả các cuộc oanh tạc của quân Nga.
Điểm mới trong kế hoạch vừa được thông qua, đó là sẽ gồm cả các phi đạn có tầm bắn xa hơn, mà cho tới nay quân đội Mỹ không muốn cung cấp cho Ukraine vì ngại phản ứng của Nga. Nhưng tình hình trên chiến trường nay khó khăn đối với quân đội Ukraine đến mức mà Hoa Kỳ bắt buộc phải làm như thế.


Quốc Tế Chỉ Trích Anh Thông Qua Luật Trục Xuất Di Dân Sang Rwanda


(Hình: Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu trong buổi họp báo tại Downing Street, Luân Đôn, ngày 22/4/2024.)
-Ngày 23/4/2024, từ Liên Hiệp Quốc đến các Giáo hội Công giáo đều lên tiếng kêu gọi Anh từ bỏ việc trục xuất người xin tị nạn sang Rwanda. Văn bản mà Thủ tướng Anh Rishi Sunak đánh giá là “lịch sử” được Nghị viện Anh thông qua trong đêm 22 rạng sáng 23/4. Chính phủ hy vọng có thể bắt đầu đợt trục xuất đầu tiên “từ nay đến 10-12 tuần nữa”.
Theo thông tín viên Sidonie Gaucher của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Luân Đôn, đây là bước đầu cho chiến lược chuẩn bị tranh cử vào mùa Thu tới trong bối cảnh đảng Bảo Thủ có nguy cơ thất thế sau 14 năm cầm quyền.
Thủ tướng Anh đã giữ lời. Ông Rishi Sunak có thể tự khen vì đã cho thông qua được văn bản mà người tiền nhiệm Boris Johnson phác thảo, sau đó trở thành ngọn cờ trong nhiệm kỳ Thủ tướng của ông.

Nếu như ông Sunak có thể ca ngợi “thắng lợi” về mặt luật pháp thì về lý thuyết, các chuyến bay thuê bao đưa di dân sang Rwanda sẽ không giải quyết được vấn đề vượt biên bất hợp pháp qua biển Manche, theo như giải thích của Luật sư Nicholas Hugues, chuyên về về nhập cư, với đài BBC:
“Người ta chưa từng đọc được bất kỳ báo cáo nào nói rằng chính sách này làm giảm các chuyến vượt biển. Không có bất kỳ bằng chứng nào về điểm này. Mọi thứ mà đang họ cố làm chỉ là ngăn việc trục xuất những người dễ bị tổn thương đến một quốc gia có thể gây tổn hại cho họ”.
Vài tiếng đồng hồ sau khi luật được thông qua, 5 người đã bị thiệt mạng khi đang cố vượt biển Manche. Thảm kịch này đã được ông Rishi Sunak bình luận cho động cơ của đạo luật nhằm “ngăn chặn những con thuyền”. Trong suốt hai năm chuẩn bị văn bản này, hơn 76.000 người đã tới được Anh trên những con thuyền nhỏ.
“Thỏa thuận Rwanda” cũng là một trong những hy vọng cuối cùng trong chiến lược bầu cử để bắt kịp Công Đảng, hiện đang vượt đảng Bảo Thủ khoảng 20 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận. Bởi vì đợt tổng tuyển cử có thể diễn ra vào mùa Thu tới và vấn đề di dân vẫn là trọng tâm các cuộc tranh luận”.
Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Luân Đôn “cân nhắc lại kế hoạch” đồng thời lên án Anh “càng ngày càng thặt chặt luật pháp hạn chế quyền được bảo vệ đối với người tị nạn” từ năm 2022. Ủy viên Hội Đồng Toàn Âu Châu về nhân quyền Michael O’Flaherty lên án luật mới của Anh “vi phạm sự độc lập của Tư pháp”. Anh là thành viên của Hội Đồng Toàn Âu Châu.


Chuyến Thăm Hiếm Hoi của Một Phái Đoàn Bắc Hàn Tại Iran


(Hình: Bộ trưởng Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Bắc Hàn Yun Jong Ho (phải) trong một cuộc hội đàm với phái đoàn Nga, tại Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Hàn, ngày 12/12/2023.)-Theo thông tấn xã nhà nước Bắc Hàn KCNA, được hãng tin AFP trích dẫn hôm 24/4/2024, một phái đoàn chính thức của Cộng sản Bắc Hàn đã lên đường đi Iran, một chuyến thăm hiếm hoi gây thêm quan ngại về việc Bình Nhưỡng và Tehran tăng cường hợp tác song phương.
KNCA chỉ thông báo ngắn ngọn, dẫn đầu phái đoàn Bắc Hàn đi thăm Iran là Bộ trưởng Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Yun Jong Ho, nhưng không cho biết chi tiết về chuyến đi này.

Trả lời hãng tin AFP, ông Hong Min, nhà phân tích tại Viện Nam Hàn vì Thống nhất Đất nước, nhận định chuyến thăm Iran của phái đoàn nói trên thể hiện ý định của Bình Nhưỡng mở rộng và tăng cường quan hệ với Tehran, có thể là qua việc cung cấp cho Iran các vũ khí để trợ giúp nước này trong cuộc đối đầu với Do Thái.
Nhà phân tích này nhắc lại, Bắc Hàn và Iran là những đồng minh lâu năm, đã từng hợp tác về các chương trình phát triển vũ khí trong thập niên 1980. Theo ông Hong Min, cũng giống như với Mạc Tư Khoa, Bình Nhưỡng có thể cung cấp vũ khí cho Tehran đổi lấy dầu hỏa và trợ giúp tài chánh.
Chuyến đi Iran của phái đoàn Bắc Hàn diễn ra vào lúc Bình Nhưỡng trong những tháng qua đã tăng cường quan hệ với Mạc Tư Khoa. Theo Nam Hàn, Bắc Hàn đã gởi khoảng 7.000 kiện vũ khí cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine, có thể là đổi lại trợ giúp kỹ thuật cho chương trình phát triển các vệ tinh do thám.
Iran và Nga cũng là những đồng minh thân cận về quân sự và chính trị. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, quân Nga được cho là thường xuyên sử dụng các drone do Iran sản xuất.


Liên Hiệp Âu Châu Cấm Sản Phẩm Từ Lao Động Cưỡng Bách, Trung Quốc Trong Tầm Ngắm


(Hình: Nghi viện Âu Châu trong một cuộc bỏ phiếu, Strasbourg, ngày 23/4/2024.)
-Ngày 23/4/2024, với đa số phiếu áp đảo, Nghị viện Âu Châu (EP) đã thông qua văn bản cấm các sản phẩm có nguồn gốc từ lao động cưỡng bách. Một văn bản khác, liên quan đến “bổn phận cảnh giác” của các doanh nghiệp nhằm bảo vệ môi trường và nhân quyền trong chuỗi sản xuất, được đưa ra bỏ phiếu ngày 24/4. Dù tách biệt, nhưng hai văn bản này liên kết chặt chẽ với nhau.
Theo thông tấn xã AFP, đầu tháng 3/2024, Nghị viện Âu Châu và các nhà đàm phán của các nước thành viên đã nhất trí về một đạo luật cấm kinh doanh trong Liên Hiệp Âu Châu các sản phẩm có nguồn gốc từ lao động cưỡng bách. Văn bản này có thể liên quan đến đến hàng hóa từ vùng Tân Cương, Trung Quốc. Nhiều nước phương Tây đã lên án tình trạng cưỡng bách lao động trên diện rộng do chính phủ Trung Quốc áp đặt đối với người thiểu số theo Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ. Bắc Kinh luôn bác bỏ cáo buộc này.

Đối với một số mặt hàng có nguy cơ (bị nghi ngờ là sản phẩm của lao động cưỡng bách), các nhà nhập cảng sẽ phải cung cấp thông tin chi tiết về nhà sản xuất. Brussels muốn lập một cơ sở dữ liệu được cập nhật và danh sách các lĩnh vực bị tác động vì tình trạng lao động cưỡng bách do chính quyền nước xuất xứ khai triển tại một số vùng cụ thể. Đây là tiêu chí quan trọng để Ủy Ban Âu Châu mở điều tra trong trường hợp nghi ngờ chuỗi cung ứng ở các nước thứ ba. Trong trường hợp vi phạm, hàng hóa sẽ bị tịch thu ở biên giới và sẽ bị rút khỏi thị trường Âu Châu cũng như trên các nền tảng bán hàng trực tuyến.
Ngày 24/4, các Nghị sĩ Âu Châu bỏ phiếu về một văn bản khác, buộc các doanh nghiệp phải “cảnh giác”. Các doanh nghiệp liên quan sẽ phải dự báo, xác định và sửa chữa những vi phạm về nhân quyền, xã hội (sử dụng trẻ em, lao động cưỡng bách, an toàn lao động...) và tác động đến môi trường (phá rừng, gây ô nhiễm...) trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng 27,6 triệu người bị cưỡng bách lao động trên thế giới trong năm 2021, trong đó có khoảng 3,3 triệu trẻ em.


Ngoại Trưởng Mỹ Đến Gây Sức Ép Với Trung Quốc Nhưng Vẫn Cố Giữ Ổn Định Song Phương


(Ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken (trái) trong lần hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh ngày 19/6/2023.)
-Lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 năm, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du Trung Quốc. Ông đến Thượng Hải ngày 24/4/2024, sau đó sẽ có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 26/4 để gây sức ép về nhiều hồ sơ nhưng vẫn tìm kiếm sự ổn định lớn hơn giữa hai nước. Chuyến công du được cho sẽ gặp nhiều khó khăn vì Trung Quốc không có chung quan điểm về mọi chủ đề.
Theo thông tấn xã AFP, Ngoại trưởng Mỹ bắt đầu chuyến công du với các cuộc gặp gỡ sinh viên và giới chủ doanh nghiệp tại Thượng Hải ngày 24/4. Ông chọn Thượng Hải là chặng dừng đầu tiên nhằm thể hiện mối quan hệ nồng ấm giữa Mỹ và Trung Quốc vì Thượng Hải từng đón một Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên vào năm 2010, lúc đó là bà Hillary Clinton.

Đến ngày 26/4, ông Antony Blinken làm việc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh để đề nghị Trung Quốc “kiềm chế” trong bối cảnh Tổng thống tân cử Đài Loan chuẩn bị nhậm chức và đề cập đến nhiều chủ đề bất đồng khác. Trước khi lên đường đến Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại cáo buộc Bắc Kinh tiến hành “diệt chủng” đối với tộc người thiểu số theo Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không có ý định để Mỹ đe dọa, thông tín viên Florence de Changy của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Hồng Kông ghi nhận:
Trong bài xã luận được Tân Hoa Xã đăng sáng nay (24/4), chỉ ít tiếng đồng hồ trước khi ông Antony Blinken tới, giọng điệu rất nghiêm khắc. Cơ quan thông tấn Nhà nước Trung Quốc cho rằng dù gần đây, mối quan hệ song phương được bình ổn, kể từ sau cuộc họp thượng đỉnh tại San Francisco giữa hai nguyên thủ và quân đội hai nước đã nối lại đối thoại, thì “vẫn còn có sự thù nghịch lớn”, chủ yếu là do Hoa Kỳ coi Trung Quốc là một mối đe dọa và đây là nhận thức sai lệch sâu sắc.
Ba chủ đề bất đồng được đề cập. Trước tiên, về khúc mắc liên quan đến xuất cảng của Trung Quốc, Tân Hoa Xã cho rằng lo sợ của Washisngton là phi lý và lên án những luận điệu ngày càng đối địch của Mỹ. Trung Quốc mong muốn có sự cạnh tranh lành mạnh tạo thuận lợi cho cải thiện song phương, chứ không phải là cạnh tranh nhằm triệt hạ nhau. Tân Hoa Xã cảnh báo rằng đơn phương “lên lớp” hoặc lợi dụng thế mạnh để thao túng sẽ không dẫn đến đối thoại mang tính xây dựng với Trung Quốc.
Chủ đề gây đồng thứ hai là Đài Loan và Biển Đông. Bài xã luận nhắc lại nguyên tắc một nước Trung Hoa, được coi là nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời lên án Hoa Kỳ can thiệp vào Biển Đông, “gây bất hòa giữa Trung Quốc và các nước láng giềng”. Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Phi Luật Tân bị coi là “phô trương sức mạnh quân sự khiêu khích một cách vô ích và chỉ làm gia tăng căng thẳng trong vùng”.

Cuối cùng về vấn đề Ukraine, Hoa Kỳ muốn Trung Quốc đóng vai trò rõ ràng hơn đối với Tổng thống Nga và không nuôi dưỡng nỗ lực chiến tranh của ông Putin. Ngược lại, bài xã luận của Tân Hoa Xã lại kêu gọi Hoa Thịnh Ðốn thừa nhận vai trò của Mỹ trong việc làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng và ngừng liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc”.
Chỉ chừng đó đã cho thấy hai nước không có chung quan điểm về bất kề chủ đề gì.
Cùng ngày với chuyến công du Trung Quốc của Ngoại trưởng Antony Blinken, Tổng thống Mỹ ký ban hành các chương trình viện trợ của Mỹ trị giá 95 tỉ Mỹ kim, trong đó có 8,12 tỉ Mỹ kim dành cho Đài Loan. Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) bày tỏ vui mừng, trong khi Văn phòng Sự vụ Đài Loan ở Bắc Kinh “tức giận”. Trả lời báo giới ngày 24/4, phát ngôn viên Chu Phượng Liên (Zhu Feng Lian) nhấn mạnh chương trình hỗ trợ đó “gửi một tín hiệu xấu, khuyến khích xu hướng đòi độc lập của Đài Loan”. Theo thông tấn xã Reuters, Trung Quốc coi Đài Loan là vấn đề nội bộ và là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Trung.


Thượng viện Mỹ Thông Qua Dự luật Buộc TikTok Thoái Vốn Hoặc Bị Cấm


(Ảnh: Logo TikTok.)
-Vào tối 23/4/2024, Thượng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu với tỷ lệ chênh lệch lớn để chuyển văn bản luật tới Tổng thống Joe Biden, theo đó yêu cầu chủ sở hữu Trung Quốc ByteDance phải thoái vốn khỏi việc vận hành TikTok ở Hoa Kỳ trong vòng khoảng 9 tháng, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm, theo thông tấn xã Reuters.
Dự luật này được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua hôm 20/4. Điều thúc ép Dự luật là những mối lo ngại rằng Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của người Mỹ hoặc theo dõi họ bằng ứng dụng này. Tổng thống Biden nói ông sẽ ký thành luật vào ngày 24/4.
Trong nhiều năm, chúng ta đã cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát một trong những ứng dụng phổ biến nhất ở Mỹ, đó là điều thiển cận một cách nguy hiểm”, Thượng Nghị sĩ Marco Rubio, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Tình báo, nói. “Dự luật mới này sẽ yêu cầu chủ sở hữu Trung Quốc phải bán ứng dụng này. Đây là một động thái tốt cho nước Mỹ”.

TikTok nói họ chưa chia sẻ và sẽ không chia sẻ dữ liệu người dùng Hoa Kỳ với chính phủ Trung Quốc. Họ lập luận rằng Dự luật này sẽ đi tới một lệnh cấm vi phạm quyền tự do ngôn luận của Hoa Kỳ đối với người dùng.
Công ty ByteDance không bình luận ngay lập tức, nhưng vào cuối tuần qua họ nói với nhân viên của mình rằng họ sẽ nhanh chóng ra tòa để cố gắng ngăn chặn Dự luật này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh, vì luật này vi phạm rõ ràng các quyền của Tu chính án thứ nhất của 170 triệu người Mỹ trên TikTok... Đây là sự khởi đầu chứ không phải kết thúc của một quá trình kéo dài”, TikTok nói với các nhân viên hôm 20/4 trong một email mà thông tấn xã Reuters xem được.
Đạo luật yêu cầu ByteDance trong vòng 270 ngày phải thoái vốn khỏi ứng dụng TikTok và có thể gia hạn thêm ba tháng.


FDA Mỹ Nói Sữa Thương Mại An Toàn Dù Có Dấu Hiệu của Virus Cúm Gia Cầm



(Hình: Một trang trại nuôi bò ở Mỹ.)
-Thông tấn xã Reuters đưa tin hôm 23/4/2024 cho hay Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết họ phát giác thành phần virus cúm gia cầm trong một số mẫu sữa tiệt trùng, nhưng họ nói rằng nguồn cung cấp sữa thương mại vẫn an toàn.
Theo FDA, do sữa đã được tiệt trùng nên vẫn an toàn cho người tiêu dùng vì quá trình này tiêu diệt vi khuẩn và virus có hại bằng cách đun nóng sữa đến một nhiệt độ nhất định.
FDA nói: “Dựa trên thông tin hiện có, quá trình thanh trùng có khả năng làm bất hoạt virus cúm này, tuy nhiên quá trình này dự kiến sẽ không loại bỏ được sự hiện diện của các thành phần virus”.

Cơ quan này nói họ đã xét nghiệm mẫu sữa từ động vật bị ảnh hưởng trong hệ thống chế biến và trên kệ bán hàng. FDA cho hay họ đang hoàn thành một tập hợp mẫu lớn trên cả quốc gia, mang tính đại diện để hiểu tường tận về những phát giác này.
FDA cho biết họ sẽ đánh giá thêm khi có bất kỳ kết quả dương tính nào thông qua các xét nghiệm cấy vào trứng, được mô tả là tiêu chuẩn vàng để xác định virus còn sống không.
Cơ quan này nói họ thấy không có gì có thể thay đổi đánh giá của mình rằng nguồn cung cấp sữa thương mại vẫn an toàn, đồng thời nói thêm rằng kết quả từ nhiều nghiên cứu sẽ được công bố trong vài ngày đến vài tuần tới.
Cơ quan này nói: “Khoa học chính xác đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho các quyết định về sức khỏe cộng đồng như những quyết định do FDA đưa ra liên quan đến an toàn thực phẩm và chúng tôi rất coi trọng tình hình hiện tại cũng như sự an toàn của nguồn cung cấp sữa”.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, đã có những trường hợp nhiễm cúm gia cầm ở bò sữa được xác nhận tại 8 tiểu bang của nước này.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết có một trường hợp cúm gia cầm trên người có liên quan đến đợt dịch ở bò sữa. Sự việc được báo cáo ở tiểu bang Texas vào ngày 1/4.

Không có nhận xét nào: