Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Mỡ máu không gây ra bệnh tim - Joseph Mercola & Thu Anh

Một tổng quan ba nghiên cứu lớn do ngành công nghiệp dược phẩm tài trợ đã phát hiện ra các vấn đề với kết luận của nghiên cứu. Tôi sẽ chia sẻ cách đánh giá hiệu quả nguy cơ bị bệnh tim và giảm thiểu nguy cơ một cách an toàn trong bài viết này.
Nội dung tóm lược:
Cholesterol từ lâu bị coi là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch. Cholesterol là thành phần quan trọng đối với hầu hết mọi tế bào trong cơ thể bạn trong việc xây dựng màng tế bào, điều hòa tín hiệu tế bào và sức khỏe thần kinh.
<!>
Một nghiên cứu tổng quan ba nghiên cứu lớn do ngành công nghiệp tài trợ cho thấy cholesterol không thể là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim, vì những người có mức cholesterol thấp có mức độ xơ cứng động mạch tương tự như những người có mức cholesterol cao.


Nghiên cứu tương tự cho thấy rằng các lợi ích của statin mà những người ủng hộ thuốc này tuyên bố là không hiệu quả và không an toàn, vì các tuyên bố không hợp lệ, bị ảnh hưởng bởi các số liệu thống kê sai lệch và loại trừ thông tin khỏi các thử nghiệm không thành công.

Bệnh tim được thúc đẩy bởi phản ứng viêm mạn tính trong cơ thể có thể giảm thiểu bằng việc bổ sung đủ magnesium, giảm tiết insulin, cân bằng tỷ lệ chất béo omega-3 và omega-6, đồng thời duy trì hàm lượng sắt ở giới hạn an toàn.

Cholesterol là một chất sáp được tìm thấy trong hầu hết mọi tế bào của cơ thể. Cholesterol rất quan trọng để cơ thể hoạt động tối ưu. Ví dụ, cơ thể bạn sử dụng cholesterol trong việc xây dựng màng tế bào và điều chỉnh các con đường protein cần thiết cho tín hiệu tế bào. Nếu không có đủ lượng cholesterol trong cơ thể, bạn có thể gặp vấn đề về sức khỏe trí não, nồng độ hormone và nguy cơ bị bệnh tim.

Cơ thể bạn cũng sử dụng cholesterol để sản xuất vitamin D sau khi bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Hầu hết cholesterol trong cơ thể được sản xuất ở gan bằng cách sử dụng các chất dinh dưỡng chiết xuất từ thực phẩm. Động vật sử dụng cholesterol theo cách tương tự, có nghĩa là thịt bò, thịt heo hoặc thịt gà cũng có lượng cholesterol.

Cơ thể hấp thụ cholesterol từ thực phẩm dao động từ 20% đến 60%, tùy thuộc vào cơ địa. Thật không may, mặc dù rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn nhưng chất béo bão hòa và cholesterol đã bị coi là thủ phạm gây ra bệnh tim trong hơn sáu thập niên vừa qua.
Bằng chứng khoa học đầu tiên liên quan đến chất béo chuyển hóa với bệnh tim và việc loại trừ chất béo bão hòa được nhà hóa sinh quá cố Fred Kummerow công bố vào năm 1957. Thật không may, nghiên cứu của ông đã bị làm cho lu mờ bởi Nghiên cứu Ancel Keys’ Seven Countries Study nhấn mạnh vào mối liên quan giữa chất béo bão hòa với bệnh tim.

Sau đó, một nghiên cứu phân tích lại nghiên cứu của Keys cho thấy dữ liệu đã được chọn lọc một cách có chủ ý nhằm biên tạo ra mối liên hệ này, nhưng đến lúc đó, lầm tưởng về chất béo bão hòa đã cố thủ vững chắc. Trong nhiều thập niên qua, các nghiên cứu khác đã làm rõ quan niệm sai lầm về chất béo bão hòa.


Gần đây nhất, một đánh giá khoa học đã xác định những sai sót đáng kể trong ba nghiên cứu do ngành tài trợ và đưa ra bằng chứng khá mạnh mẽ rằng mức cholesterol toàn phần và cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) không phải là dấu hiệu chỉ điểm của nguy cơ bị bệnh tim.

Nhưng lại có một nghiên cứu khác phá vỡ lầm tưởng về cholesterol

Các hướng dẫn được công bố về việc ăn chất béo tiếp tục gây nhầm lẫn vì tiền đề cơ bản đã sai. Chất béo trong bữa ăn có liên quan đến bệnh tim, nhưng chính dầu thực vật đã qua chế biến chứa nhiều chất béo chuyển hóa và chất béo omega-6 bị hỏng mới là nguyên nhân gây ra vấn đề chứ không phải chất béo bão hòa.

Một nhóm quốc tế gồm 17 chuyên gia đã phân tích kết quả từ ba đánh giá lớn do những người ủng hộ statin công bố. Ba nghiên cứu đã cố gắng xác nhận niềm tin hiện tại rằng điều trị bằng statin giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Nhóm nghiên cứu quốc tế không thể tìm ra mối quan hệ nhân quả và đã tìm thấy sai sót trong các kết luận mà ba nghiên cứu đưa ra.

Nhóm này viết rằng có thể có mối liên hệ giữa những người trẻ và trung niên với lượng cholesterol toàn phần hoặc LDL cao có khả năng làm tăng nguy cơ bị bệnh tim.


Tuy nhiên, họ nói rằng mối liên hệ không giống như nguyên nhân và một số nghiên cứu trước đây đã điều chỉnh các yếu tố khác liên quan đến bệnh tim, chẳng hạn như đông máu, viêm, nhiễm trùng và độ nhạy cảm nội mô. Cụ thể, các tác giả tìm thấy:
· Không có mối liên quan giữa cholesterol toàn phần và mức độ nghiêm trọng của chứng xơ vữa động mạch.

· Mức cholesterol toàn phần thường không dự đoán được nguy cơ bị bệnh tim và có thể không có hoặc nghịch đảo trong nhiều nghiên cứu.

· Trong nhiều nghiên cứu, LDL không liên quan đến chứng xơ vữa động mạch và trong một nghiên cứu lớn ở Mỹ với gần 140,000 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp tính, nồng độ LDL tại thời điểm nhập viện thấp hơn bình thường.

· Người lớn trên 60 tuổi có mức LDL cao hơn thường sống lâu hơn.

· Rất ít người trưởng thành bị tăng cholesterol máu mang tính chất gia đình lại chết sớm.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng mức cholesterol cao không thể là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim, vì những người có mức cholesterol thấp có mức độ xơ cứng động mạch gần như tương đương với những người có mức cholesterol cao và nguy cơ bị đau tim là tương đương hoặc cao hơn.

Họ tin rằng giả thuyết này đã được các nhà nghiên cứu kiên trì bảo vệ bằng cách sử dụng số liệu thống kê sai lệch và loại trừ kết quả từ các thử nghiệm không thành công trong khi bỏ qua nhiều quan sát trái ngược nhau.

Thuốc hạ mỡ máu statin làm tăng nguy cơ mà không mang lại lợi ích


Trong những trường hợp bệnh nặng, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc có tác dụng phụ đáng kể khi lợi ích tiềm năng lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra, chẳng hạn như một loại kháng sinh mạnh được biết là có khả năng gây tổn thương thận khi bệnh nhân bị nhiễm trùng đe dọa tính mạng. Trong trường hợp này, mặc dù bệnh nhân có rủi ro đáng kể với thuốc kháng sinh nhưng nếu không được chỉ định kháng sinh thì bệnh nhân có thể sẽ tử vong.

Tuy nhiên, vì thuốc statin được thiết kế để giảm mức cholesterol và cholesterol không gây ra bệnh tim nên mọi rủi ro liên quan đến thuốc đều không có lợi cho sức khỏe của bạn. Xu hướng kê đơn thuốc statin đang được quan tâm và đặc biệt liên quan đến bệnh nhân tiểu đường có bệnh lý nền làm tăng nguy cơ bị bệnh tim.


Các khuyến nghị gợi ý rằng statin liều cao nên được tự động kê toa cho bất kỳ bệnh nhân tiểu đường từ 40 đến 75 tuổi không có yếu tố nguy cơ nào khác đối với bệnh tim; mặc dù thực tế là statin đã được chứng minh là làm tăng mức đường huyết lúc đói ở bệnh nhân tiểu đường. Trong khi những người ủng hộ statin cho rằng loại thuốc này an toàn và hiệu quả thì nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều tác dụng phụ, một số trong đó gây tử vong.

· Tổng quát: nhiễm trùng đường tiết niệu, chóng mặt, mất một phần nhạy cảm với các kích thích cảm giác, rối loạn vị giác, mất trí nhớ và đau đầu.

· Tiêu hóa: tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn, đầy hơi, táo bón, khó chịu ở bụng, đau bụng, nôn mửa và viêm tuyến tụy.
· Chuyển hóa: xét nghiệm chức năng gan bất thường, tăng đường huyết, viêm gan, chán ăn, hạ đường huyết và tăng cân.

· Cơ xương: đau khớp, đau tứ chi, đau cơ xương, co thắt cơ, đau cơ, sưng khớp, đau lưng, tăng creatine phosphokinase, đau cổ và mỏi cơ, teo cơ và xơ cứng teo cơ cột bên (ALS).

· Tim mạch: tỷ lệ tử vong lên tới 10% số bệnh nhân, góp phần gây ra bệnh tim.
Điều đáng chú ý là các chuyên gia đánh giá trong nghiên cứu nổi bật đã lưu ý rằng những tuyên bố về việc điều trị hiệu quả và an toàn bằng thuốc statin là không hợp lệ, cho biết:

“Trong phân tích của chúng tôi về ba đánh giá chính, khẳng định giả thuyết về cholesterol là không thể chối cãi và điều trị bằng statin là một cách hiệu quả và an toàn để giảm nguy cơ mắc bệnh CVD bệnh tim mạch, chúng tôi nhận thấy rằng các tuyên bố của họ không hợp lệ, bị tổn hại bởi các số liệu thống kê sai lệch bằng cách loại trừ các thử nghiệm không thành công, bằng cách giảm thiểu tác dụng phụ của việc giảm cholesterol và bằng cách bỏ qua những quan sát trái ngược nhau từ các nhà điều tra độc lập.”

Chứng viêm dẫn đến bệnh tim mạch


Nghiên cứu thiên vị đã đưa ra một lầm tưởng về hàm lượng chất béo thấp và đã định hình lại ngành công nghiệp thực phẩm trong nhiều thập niên sắp tới. Khi chất béo bão hòa và cholesterol bị loại bỏ, các nhà sản xuất chuyển sang sử dụng chất béo chuyển hóa và đường để tăng thêm hương vị cho thực phẩm chế biến sẵn. Những thay đổi này làm tăng mức độ viêm và dẫn đến làn sóng bệnh tật mới.

Một nghiên cứu từ Bệnh viện Brigham and Women’s là đỉnh cao của công trình nghiên cứu tim mạch kéo dài gần 25 năm được thiết kế để kiểm tra xem liệu việc giảm viêm có làm giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ tái phát hay không. Nghiên cứu bao gồm 10,000 người có tiền sử đau tim và mức protein phản ứng C tăng cao liên tục, một dấu hiệu sinh học mạnh mẽ của tình trạng viêm.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc sử dụng thuốc để giảm viêm cũng làm giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch, ung thư phổi và tử vong. Tuy nhiên, các loại thuốc được sử dụng trong nghiên cứu đều có những tác dụng phụ đáng kể. Ngược lại với tình trạng viêm cấp tính sau chấn thương, tình trạng viêm mạn tính không gây ra các triệu chứng ngay lập tức.

Trong một thời gian dài, tình trạng viêm mạn tính sẽ âm thầm làm tổn thương các mô và thành động mạch mà cơ thể bạn cố gắng sửa chữa. Những sửa chữa này có thể tích tụ theo thời gian và tạo ra mảng bám, có khả năng vỡ ra và chặn các động mạch nhỏ hơn trong tim hoặc não, gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Quá trình này có thể diễn ra trong nhiều năm mà không được chú ý vì chứng viêm mạn tính có ít triệu chứng rõ ràng. Nghiên cứu đã chứng minh sự thiếu hụt và dư thừa một số vi chất dinh dưỡng nhất định, chẳng hạn như folate, vitamin E và kẽm, có thể dẫn đến phản ứng viêm không hiệu quả hoặc quá mức. Các nhà nghiên cứu lưu ý:

“Viêm đóng vai trò vừa là ‘bạn vừa là thù’: nó là một thành phần thiết yếu của giám sát miễn dịch và bảo vệ vật chủ, tuy nhiên tình trạng viêm mạn tính ở mức độ thấp là một đặc điểm bệnh lý của một loạt các tình trạng mạn tính, chẳng hạn như hội chứng chuyển hóa, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch.”
Các xét nghiệm đánh giá nguy cơ bị bệnh tim hiệu quả hơn mỡ máu và cholesterol


Các tỷ lệ cụ thể và giá trị nồng độ trong máu cho bạn biết nhiều về nguy cơ bị bệnh tim hơn là chỉ số cholesterol toàn phần. Ví dụ: kích thước của cholesterol LDL và số lượng hạt LDL
Các hạt LDL lớn không gây hại cho sức khỏe của bạn, trong khi các hạt LDL nhỏ, dày đặc có thể gây tổn thương khi xuyên qua niêm mạc động mạch, oxy hóa và gây viêm.

Xét nghiệm NMR LipoProfile (cộng hưởng từ hạt nhân nghiên cứu cấu trúc phân tử) định lượng số hạt LDL dùng để đánh giá nguy cơ bệnh tim thì tốt hơn so với mức cholesterol LDL toàn phần.

Các xét nghiệm sau đây cũng có thể giúp bạn đánh giá nguy cơ bị bệnh tim mạch tốt hơn:
· Protein phản ứng C có độ nhạy cao (HS-CRP): Đây là một trong những xét nghiệm tốt nhất về tình trạng viêm và nguy cơ bị bệnh tim của bạn. Lý tưởng nhất là dưới 0,7 và càng thấp thì càng tốt.

· Tỷ lệ cholesterol: Tỷ lệ HDL/cholesterol và tỷ lệ triglyceride/HDL đều là những chỉ số mạnh mẽ về nguy cơ của bạn. Đối với tỷ lệ HDL/cholesterol của bạn, hãy chia HDL cho tổng lượng cholesterol và nhân với 100. Tỷ lệ phần trăm lý tưởng nhất là trên 24%. Để biết tỷ lệ triglyceride/HDL, hãy chia triglyceride cho HDL. Tỷ lệ lý tưởng là dưới 2%.

· Mức insulin lúc đói: Khi đường và carbohydrate được chuyển hóa sẽ kích hoạt tuyến tụy tiết ra insulin, tạo ra triglycerid và thúc đẩy sự tích tụ chất béo. Quá trình này làm tăng tình trạng viêm và khiến việc giảm hoặc duy trì cân nặng lý tưởng trở nên khó khăn hơn. Mỡ thừa quanh vùng bụng là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tim.

Mức insulin lúc đói của bạn có thể được xác định bằng xét nghiệm máu đơn giản, không tốn kém. Mức insulin trong máu lúc đói bình thường là dưới 5 microunits trên mililit (mcU/ml), nhưng lý tưởng nhất là bạn sẽ muốn nó dưới 3 mcU/ml. Nếu mức insulin của bạn cao hơn 3 đến 5, cách hiệu quả nhất là giảm lượng carb ròng.

 Mức đường huyết lúc đói: Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những người có lượng đường trong máu lúc đói cao hơn có nguy cơ bị bệnh tim mạch vành cao hơn. Khi lượng đường trong máu lúc đói của bạn ở mức từ 100 đến 125 mg/dl, nguy cơ bị bệnh động mạch vành của bạn sẽ tăng 30% so với mức dưới 79 mg/dl.

· Mức độ sắt: Sắt tạo ra môi trường cho stress oxy hóa, vì vậy lượng sắt dư thừa có thể làm tăng tình trạng viêm và tăng nguy cơ bị bệnh tim. Mức sắt lý tưởng cho nam giới trưởng thành và phụ nữ không có kinh nguyệt là từ 40 đến 60 nanogram/ml (ng/ml). Bạn không muốn dưới 20 ng/ml hoặc trên 80 ng/ml.

Quản lý nguy cơ bị bệnh tim bằng những lựa chọn hiệu quả

Để quản lý hiệu quả nguy cơ tim mạch, điều quan trọng là phải giảm tình trạng viêm mạn tính. Magnesium đóng một vai trò quan trọng trong chức năng sinh học và sức khỏe của ty thể và là thủ phạm gây ra tình trạng viêm khi mức độ magnesium thấp. Magnesium cũng có thể ức chế sự lắng đọng lipid trên thành động mạch và hình thành mảng bám.

Trong một thử nghiệm lâm sàng mù đôi, có đối chứng giả dược, những bệnh nhân được truyền tĩnh mạch magnesium trong vòng 24 giờ sau cơn đau tim có tỷ lệ tử vong thấp hơn 24% trong vòng 5 năm sau đó. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng lợi ích của việc bổ sung magnesium đối với bệnh mạn tính có thể được giải thích bằng tác dụng ức chế viêm.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình viêm trong cơ thể bạn, trong đó bạn có thể kiểm soát các yếu tố sau:

· Tình trạng tăng insulin máu: Đây là tình trạng dư thừa insulin trong máu do bữa ăn nhiều carbohydrate. Những gì bạn ăn có xu hướng quyết định lượng insulin mà cơ thể bạn tiết ra. Tuy nhiên, có những yếu tố khác góp phần vào mức insulin của bạn, chẳng hạn như hút thuốc, chất lượng giấc ngủ, tập thể dục và mức vitamin D.

· Acid béo không cân bằng: Cơ thể bạn cần sự cân bằng giữa chất béo omega-3 và omega-6. Thật không may, hầu hết các bữa ăn của chúng ta hiện nay chứa quá nhiều chất béo omega-6 dẫn đến tình trạng viêm cao hơn. Hãy cố gắng duy trì tỉ lệ 1:1 chất béo omega-3 và omega-6 để giảm viêm và nguy cơ bị bệnh tim.

· Lượng sắt dự trữ cao: Bảo đảm nồng độ ferritin trong máu của bạn dưới 80 ng/ml. Nếu tăng cao, cách đơn giản và hiệu quả nhất để giảm lượng sắt trong cơ thể bạn là hiến máu. Nếu bạn không thể hiến máu thì liệu pháp phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch sẽ loại bỏ lượng sắt dư thừa một cách hiệu quả.

· Rò rỉ ruột: Các hạt thức ăn và vi khuẩn rò rỉ từ ruột làm tăng mức độ viêm và nguy cơ bệnh tim. Bằng cách loại bỏ ngũ cốc, đường và các loại đậu giàu lectin, đồng thời bổ sung thực phẩm lên men, bạn có thể chữa lành đường ruột và giảm mức độ viêm.

· Thiếu magnesium: Một thế kỷ trước, bữa ăn sẽ cung cấp gần 500mg magnesium mỗi ngày. Ngày nay, do đất đai nghèo nàn dinh dưỡng, bạn có thể chỉ nhận được 150mg mỗi ngày. Cơ thể bạn thải magnesium dư thừa qua phân, vì vậy, khi sử dụng magnesium citrate và theo dõi độ đặc của phân, bạn hãy cân nhắc bắt đầu với 200mg magnesium citrate đường uống và tăng dần cho đến khi bạn đi tiêu hơi lỏng.

Cá nhân tôi thích dùng magnesium threonate khi bổ sung magnesium, vì có vẻ dạng magnesium này thâm nhập vào màng tế bào và ty thể hiệu quả hơn. Magnesium threonate xuyên qua hàng rào máu não và có thể giúp cải thiện trí nhớ, cũng có thể là một giải pháp thay thế tốt để giảm chứng đau nửa đầu.

Joseph Mercola & Thu Anh

Không có nhận xét nào: