Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2023

Vài Tin Đáng Chú Ý và Kính Chuyển Tin Nóng Thế Giới Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Khủng hoảng Biên Giới Mỹ! Di dân hàng hàng lớp lớp, tràn vào Texas như Sóng Thần đổ vào bờ! bất chấp, trèo qua hàng rào dây kẽm gai và quy định mới! (Hình: Di dân, chủ yếu đến từ Venezuela, đã lội qua sông Rio Grande gần một cây cầu đường sắt ở Eagle Pass, Texas.) -Trong vài ngày qua, nhiều nhóm di dân, chủ yếu đến từ Venezuela, đã lội qua sông Rio Grande gần một cây cầu đường sắt ở Eagle Pass, Texas, mà không hề nao núng trước những cuộn dây kẽm gai giăng dọc bờ sông.
<!>

Reuters chứng kiến cảnh các di dân băng qua sông, đôi khi hàng chục người cùng lúc và đôi khi mang theo trẻ nhỏ, lội qua dòng nước mạnh rồi vượt qua hàng rào kẽm gai nhọn do lực lượng vệ binh quốc gia Texas dựng lên. Khi đặt chân lên đất Mỹ, họ đợi dưới nắng nóng để trình diện các quan chức biên giới Hoa Kỳ để được xử lý.


Theo quy định mới được chính quyền của Tổng thống Joe Biden đưa ra vào tháng 5 này, những di dân không đặt lịch hẹn qua ứng dụng điện thoại di động do chính phủ điều hành có tên là CBP One để qua cửa khẩu hợp pháp có thể phải đối mặt với rào cản cao hơn để xin tị nạn và có khả năng bị trục xuất nhanh chóng.


Số lượng di dân ban đầu giảm mạnh sau thông báo, nhưng trong những tuần gần đây bắt đầu tăng trở lại khi hàng nghìn di dân - nhiều người chạy trốn khỏi Venezuela - vượt qua miền nam và miền trung Mỹ đặt chân đến biên giới Mỹ.


Lượng người đến tăng lên đã tạo ra một làn sóng tấn công chính trị mới nhắm vào ông Biden, người đang vận động tái tranh cử vào năm tới. Cựu Tổng thống Donald Trump, người đặt chính sách di dân cứng rắn làm trọng tâm trong nhiệm kỳ của mình, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò của Đảng Cộng hòa với tư cách là đối thủ có khả năng thách thức ông Biden vào năm 2024.


Thống đốc Texas, Greg Abbott, một đảng viên Cộng hòa, đã nhiều lần chỉ trích ông Biden, một đảng viên Dân chủ, vì đã không nỗ lực đủ để hạn chế tình trạng nhập cư bất hợp pháp tại biên giới Mỹ-Mexico, khi số lượng di dân vượt biên đang trên đà đạt mức cao kỷ lục trong tháng 9.

Chính quyền Texas đã đặt những chiếc phao nổi khổng lồ ở giữa sông Rio Grande trong nỗ lực ngăn chặn di dân, nhưng đầu tháng này, một thẩm phán liên bang Hoa Kỳ đã ra lệnh cho tiểu bang chuyển chúng ra bờ kè. Texas đang kháng cáo phán quyết đó.


Ông Abbott nói các thị trấn biên giới nhỏ đã bị quá tải và ông lên mạng xã hội hôm 20/9 chỉ trích các nhân viên tuần tra biên phòng vì đã cắt dây do tiểu bang lắp đặt.

Trưởng Biên phòng Jason Owens trong một tuyên bố với các phóng viên ở Eagle Pass hôm 26/9 cho biết biên giới giữa Mỹ và Mexico bắt đầu ở giữa sông, có nghĩa là những ai đến được bờ sông đã ở Hoa Kỳ.



“Nếu họ bị dòng nước cuốn đi, nếu họ bắt đầu không chịu nổi môi trường, nhiệt độ khắc nghiệt, độ ẩm mà tất cả các bạn đều cảm thấy lúc này, và những người đàn ông và phụ nữ của chúng tôi thấy điều đó, họ sẽ không để ai đó chết hoặc rơi vào tình trạng nguy hiểm,” ông Owens nói. “Đó là lý do tại sao họ hành động.”

Đầu tháng này, 9 di dân đã thiệt mạng khi họ cố gắng vượt sông vào Eagle Pass.

Những rào cản vật lý do Texas dựng lên cũng như thông điệp của chính quyền Biden rằng việc vượt biên bất hợp pháp có thể gây ra những hậu quả khó khăn hơn cho việc nhập cư dường như không cản chân hàng trăm di dân vào Eagle Pass từ thành phố biên giới Piedras Negras của Mexico. Nhiều người đến sau một hành trình dài trên những chuyến tàu chở hàng.


Sự xuất hiện của các nhóm di dân trong suốt tuần cũng diễn ra bất chấp nỗ lực của chính quyền Mexico nhằm ngăn chặn họ đi về phía bắc.

Bộ An ninh Nội địa và các quan chức tiểu bang Texas không trả lời yêu cầu bình luận về các vụ vượt biên giới ở Eagle Pass. Các quan chức di trú Mexico không hồi đáp yêu cầu bình luận.


“Chúng tôi muốn có một tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình mình”, di dân người Venezuela Johendry Chourio nói hôm 28/9 sau khi đến Piedras Negras bằng tàu hỏa. “Chúng tôi muốn tiến thân và chúng tôi sẵn sàng làm việc.”


Phút cuối! Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật lưỡng đảng tránh đóng cửa chính phủ


(Hình: Mái vòm Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ)

-Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật tài trợ tạm thời vào ngày thứ Bảy với sự ủng hộ áp đảo của phe Dân chủ sau khi Chủ tịch Hạ viện thuộc phe Cộng hòa Kevin McCarthy từ bỏ đòi hỏi trước đó của những nghị sĩ theo đường lối cứng rắn trong nội bộ đảng.

Thời gian không còn nhiều để tránh việc chính phủ liên bang đóng cửa một phần lần thứ tư trong vòng một thập niên, sẽ bắt đầu vào lúc 12 giờ 01 phút sáng theo giờ miền đông của Mỹ vào Chủ nhật trừ phi Thượng viện do phe Dân chủ chiếm đa số thông qua dự luật và Tổng thống Joe Biden kí ban hành kịp thời.

Hạ viện biểu quyết với tỉ lệ 335-91 tài trợ hoạt động của chính phủ thêm 45 ngày nữa, với số lượng nghị sĩ phe Dân chủ ủng hộ nhiều hơn phe Cộng hòa.

Bước đi này đánh dấu một sự thay đổi to lớn so với đầu tuần, khi việc đóng cửa có vẻ như không thể tránh khỏi. Đóng cửa có nghĩa là hầu hết trong số 4 triệu công chức chính phủ sẽ không được trả lương - dù họ có làm việc hay không - và cũng sẽ đóng cửa một loạt các dịch vụ liên bang, từ các công viên quốc gia đến các cơ quan quản lý tài chính.

Các cơ quan liên bang đã lập kế hoạch chi tiết trong đó nêu rõ những dịch vụ nào sẽ tiếp tục như rà soát an ninh sân bay và tuần tra biên giới, và những dịch vụ nào sẽ đình chỉ, như nghiên cứu khoa học và hỗ trợ dinh dưỡng cho 7 triệu bà mẹ nghèo.

Quốc hội thường thông qua các dự luật chi tiêu tạm thời để có thêm thời gian đàm phán luật chi tiết quy định nguồn tài trợ cho các chương trình liên bang.

Năm nay, một nhóm nghị sĩ Cộng hòa đã ngăn chặn hành động của Hạ viện khi họ làm áp lực đòi thắt chặt nhập cư và cắt giảm chi tiêu dưới mức đã nhất trí trong vụ đối đầu về trần nợ vào mùa xuân vừa rồi.

Cuộc chiến tài trợ tập trung vào một phần tương đối nhỏ trong ngân sách 6,4 ngàn tỉ đôla của Mỹ cho năm tài chính này. Các nhà lập pháp không xem xét cắt giảm các chương trình phúc lợi phổ biến như An sinh xã hội và Medicare.


Báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác định đích danh Trung Cộng là mối đe dọa vũ khí sinh học chính!

(Nathan Su-Cẩm An biên dịch)


(Ảnh: Nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân đã qua đời đến một chiếc xe tải đông lạnh dùng làm nhà xác tạm thời, tại Trung tâm Bệnh viện Brooklyn ở thành phố New York, vào ngày 09/04/2020.)

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng về chiến tranh sinh học nói Trung Quốc là ‘một thách thức đáng gờm” đối với Hoa Kỳ, sau nhiều thập niên tồn tại các mối đe dọa của ĐCSTQ.

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã phác thảo chiến lược quốc gia để đáp ứng những thách thức do các mối đe dọa sinh học gây ra.

Tuần trước (18-24/09), Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) đã đưa ra một thông báo cấm Viện Virus học Vũ Hán (WIV) nhận tài trợ liên bang trong 10 năm vì các thí nghiệm tăng chức năng của viện này.

Thông báo đó được đưa ra khi các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện thúc giục Bộ trưởng HHS Xavier Becerra tuân thủ một cuộc điều tra của Quốc hội về nguồn gốc của Covid-19. Trong khi đó, hôm thứ Hai (25/09), Vương quốc Anh xác nhận rằng hội nghị thượng đỉnh toàn cầu sắp tới về trí tuệ nhân tạo sẽ tập trung vào tiền năng mà AI có thể tạo ra vũ khí sinh học, khi Thủ tướng Rishi Sunk cảnh báo về một “cơ hội mong manh” để giải quyết mối đe dọa này.

Các nhà phân tích quốc phòng tiếp tục thảo luận về Đánh giá Tình hình Phòng thủ sinh học năm 2023 (pdf), được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố hồi tháng trước (tháng Tám). Báo cáo này là một tài liệu toàn diện phác thảo sự sẵn sàng chiến lược của quốc gia trước các mối đe dọa an ninh sinh học tiềm ẩn.

Báo cáo được công bố sau hơn hai thập niên với các mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên quan đến tiềm năng sử dụng công nghệ sinh học như một hình thức “chiến tranh không giới hạn” chống lại các quốc gia phương Tây. Báo cáo đề cập đến hậu quả tàn khốc của đại dịch COVID-19, khiến hàng triệu người tử vong trên toàn cầu.

Chỉ vài tuần trước khi báo cáo được công bố hôm 17/08, Bộ Quốc phòng tuyên bố sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD mỗi năm trong 5 năm tới để đề phòng các mối đe dọa sinh học đã biết và đang phát sinh. Theo một bài báo trên tạp chí Quốc phòng Quốc gia, khoản đầu tư đó tiếp thêm tối đa khoảng 1.4 tỷ USD được phân bổ trong năm 2022 cho các hoạt động phòng thủ hóa học, sinh học, phóng xạ, và hạt nhân.

Hôm 28/07, bà Deb Rosenblum, trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách các chương trình hạt nhân, hóa học, và sinh học, đã đưa ra thông báo cảnh báo về “sự hội tụ sinh học” — sự kết hợp giữa khoa học sinh học với các công nghệ mới nổi.

Trung Quốc: Một ‘thách thức đáng gờm’

Đánh giá Tình hình Phòng thủ sinh học gọi Trung Quốc, kế tiếp là Nga, Bắc Hàn, Iran, và các “tổ chức cực đoan bạo lực” không được nhắc tên, là “thách thức đáng gờm” đối với Bộ Quốc phòng.

Bản đánh giá lưu ý rằng Chiến lược Quốc phòng Quốc gia, được ban hành năm 2022, “mang đến một tầm nhìn để Bộ Quốc phòng tập trung giải quyết thách thức đáng gờm của chúng ta” — cụ thể là, một đối thủ cạnh tranh đang đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thách thức khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ — “ngay cả khi chúng ta kiểm soát các mối đe dọa còn lại của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.”

Đánh giá Tình hình Phòng thủ sinh học đã nêu rõ bốn mục tiêu mà Bộ Quốc phòng phải ưu tiên trước năm 2035 để chống lại các mối đe dọa sinh học:

1. Bảo vệ quốc gia trước mối đe dọa đa lĩnh vực ngày càng tăng do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) gây ra;

2. Ngăn chặn các cuộc tấn công chiến lược chống lại Hoa Kỳ cũng như các đồng minh và đối tác của mình;

3. Ngăn chặn sự xâm lược, đồng thời sẵn sàng chiếm thế thượng phong trong xung đột khi cần thiết — ưu tiên thách thức của CHND Trung Hoa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sau đó là thách thức của Nga ở châu Âu;

4. Xây dựng một Lực lượng Liên hợp và hệ sinh thái quốc phòng kiên cường.

Trong bốn mục tiêu ưu tiên này, thì các mối đe dọa chủ yếu đến từ hai chế độ: ĐCSTQ và Nga, trong đó ĐCSTQ hai lần được nêu tên còn Nga thì một lần.

Nhiệt tình ủng hộ chiến tranh không giới hạn

Báo cáo lưu ý rằng các ấn phẩm của Trung Quốc “đã gọi sinh học là một lĩnh vực chiến tranh mới.”

Vào những năm 1990, quân đội Trung Quốc đưa ra khái niệm chiến tranh không giới hạn, một hình thức chiến tranh tổng lực vượt qua ranh giới quân sự và sẵn sàng sử dụng mọi công nghệ sẵn có.

Hai đại tá Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), Kiều Lương (Qiao Liang) và Vương Tương Tuệ (Wang Xiangsui), đã đặt ra khuôn khổ và các chiến thuật cho cách tiếp cận này trong cuốn sách xuất bản năm 1999 có nhan đề “Unrestricted Warfare” (“Siêu Hạn Chiến”) của họ. Họ đưa vũ khí sinh hóa vào như một phần trong chiến lược tiến tới một “cuộc cách mạng trong chiến tranh.”

Chiến tranh sinh học, về bản chất, thể hiện tất cả đặc điểm của chiến tranh không giới hạn, trong đó quy tắc đầu tiên là “không có luật lệ, không có gì cấm đoán.”

Hơn một thập niên sau khi cuốn sách đó được xuất bản, một cuốn sách của tác giả Quách Kế Vệ (Guo Jiwei), được xuất bản năm 2010, có nhan đề “War for Biological Dominance” (“Chiến tranh Giành Thống trị Sinh học”) đã nhấn mạnh tác động của sinh học đối với chiến tranh trong tương lai. Ông Quách Kế Vệ là một giáo sư kiêm bác sĩ trưởng tại Đại học Quân y số 3 của PLA, đồng thời là tác giả của một bài báo năm 2006 trên Tạp chí Quân y PLA có tiêu đề “Quyền chỉ huy của công nghệ sinh học và cuộc chinh phục nhân từ trong phe đối lập quân sự.”

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục nhiệt tình ủng hộ chiến tranh không giới hạn trong thập niên tới.

Ngày 23/01/2014, tờ Tin tức Quốc phòng Trung Quốc đã phát hành một bài báo có tiêu đề “Chiến tranh di truyền sẽ làm biến đổi một cách căn bản chiến tranh của nhân loại.”

“Vũ khí di truyền có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau,” bài báo này viết. “Thông qua con người, phi cơ, phi đạn, hoặc pháo binh, người ta có thể đưa vi khuẩn bị biến đổi gen, côn trùng mang vi khuẩn, và vi sinh vật có gen gây bệnh vào các con sông lớn, các thành phố, hoặc các trục giao thông chính của các quốc gia khác, để những vi sinh vật như virus có thể lây lan và nhân lên một cách tự nhiên, do đó khiến con người và động vật, trong thời gian ngắn, mắc phải một căn bệnh nan y nào đó.”

Đối với tác giả của bài báo này, thì việc sát hại hàng loạt hoặc làm bị thương những thường dân vô tội rõ ràng không phải là vấn đề đáng lo ngại.

“Ngoài ra, vũ khí di truyền có thể sử dụng các kỹ thuật chỉnh sửa gene tùy theo nhu cầu cụ thể. Chẳng hạn, chúng ta có thể chèn các gene gây tổn hại tinh thần con người vào một số sinh vật. Nếu người thuộc một nhóm dân tộc nào đó bị nhiễm các gene làm suy giảm trí thông minh này, thì họ sẽ mất đi năng lực trí tuệ bình thường,” ông này viết.

Chiến trường vô hình

Ngày 10/11/2017, Nhật báo PLA đã xuất bản một bài xã luận có tiêu đề “Vũ khí di truyền sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chiến tranh trong tương lai,” mô tả “chiến trường vô hình” trong tương lai này như sau:

“Một bên có thể sử dụng vũ khí di truyền trước cuộc chiến tranh, gây ra sự tàn phá về nhân lực và môi trường sống của bên kia, dẫn đến sự diệt vong của một quốc gia, vì cả quốc gia mất đi hiệu quả chiến đấu và bị chinh phục mà không đổ máu … Chiến trường tương lai sẽ trở thành một chiến trường vô hình.”

Năm sau đó, các tác giả của một bài báo đăng trên trang China Military — trang tin tức Anh ngữ của PLA — giải thích rằng bằng cách lợi dụng sự khác biệt về di truyền giữa các chủng tộc khác nhau, vũ khí di truyền có thể sát hại hoặc vô hiệu hóa một nhóm người bị nhắm mục tiêu, trong khi cứu một nhóm người không xác định khỏi bị tổn hại.

“Các nghiên cứu đã cho thấy rằng 99.7% đến 99.9% DNA của con người là giống nhau, và những khác biệt nhỏ là chìa khóa để phân biệt các chủng tộc khác nhau. Do đó, mỗi quốc gia và chủng tộc có một bộ di truyền riêng, dựa vào đó, về mặt lý thuyết, vũ khí di truyền có thể được phát triển để nhắm mục tiêu có chọn lọc các gene chủng tộc cụ thể, từ đó sát hại hoặc làm bị thương một chủng tộc cụ thể nào đó,” bài báo viết.

Bài báo này chỉ ra phương diện thực tế của việc “sử dụng 50 triệu USD để xây dựng một kho vũ khí di truyền” mà “sẽ có khả năng sát thương cao hơn nhiều so với một kho vũ khí hạt nhân tốn 100 tỷ USD để xây dựng.”

Năm 2020, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có câu nói nổi tiếng: “Phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy tàn.” Câu nói này đã trở thành cơ sở cho một kiểu “ngoại giao chiến lang” gây hấn và đối đầu mới. Phản ánh kiểu ngoại giao này là các cuộc thảo luận chủ chiến về chiến tranh sinh học trên truyền thông nhà nước và ấn phẩm quân sự của Trung Quốc, làm dấy lên những lo ngại trong chính phủ Hoa Kỳ.

Mối quan hệ của Viện Virus học Vũ Hán với quân đội Trung Quốc

Đánh giá Tình hình Phòng thủ sinh học liên tục trích dẫn bản chất sử dụng kép của công nghệ sinh học — tiềm năng cho cả mục đích hợp pháp và bất hợp pháp — cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự.

Đáng chú ý, Viện Virus học Vũ Hán (WIV), có thể là một đầu mối của virus corona mới, là một viện nghiên cứu kết hợp quân sự-dân sự điển hình.

Một tài liệu ngày 15/01/2021 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố cho biết: “Mặc dù WIV tự cho thấy họ là một tổ chức dân sự, nhưng Hoa Kỳ xác định rằng WIV cộng tác trong các ấn phẩm và các dự án bí mật với quân đội Trung Quốc. WIV đã tham gia vào nghiên cứu bí mật, bao gồm các thí nghiệm trên động vật trong phòng thí nghiệm, thay mặt cho quân đội Trung Quốc ít nhất kể từ năm 2017.”

Tháng 05/2021, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn với Fox News rằng viện này đã tiến hành công trình nghiên cứu quân sự cùng với nghiên cứu dân sự của mình.

Ông nói: “Điều tôi có thể nói chắc chắn là thế này: chúng tôi biết rằng họ đã tham gia vào các nỗ lực có liên quan đến Quân Giải phóng Nhân dân bên trong phòng thí nghiệm đó, vì vậy công trình nghiên cứu quân sự được thực hiện cùng với những gì họ tuyên bố chỉ là nghiên cứu dân sự thông thường.”

Xem xét lại thời kỳ ban đầu của đại dịch là rất quan trọng. Ngày 25/01/2020, chưa đầy hai ngày sau khi Vũ Hán bị phong tỏa, một chuyên gia về chiến tranh sinh học của PLA, Thiếu tướng Trần Vi (Chen Wei), đã dẫn đầu một nhóm đến Vũ Hán để phụ trách viện này. Về mặt chính thức, Tướng Trần được phái đến Vũ Hán để tạo ra một loại vaccine chống lại virus COVID-19, điều mà nhóm của bà đã làm được — với tốc độ vượt trội.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự hiện diện của Tướng Trần tại Viện Vũ Hán xác nhận mối liên hệ giữa phòng thí nghiệm Vũ Hán và quân đội Trung Quốc.

Một báo cáo điều tra chung của tạp chí Pro-Publica và Vanity Fair, xuất bản hồi tháng 10/2022, dẫn lời các chuyên gia cho biết tốc độ mà nhóm của Tướng Trần phát triển một loại vaccine là “không thực tế, nếu không muốn nói là bất khả thi.”

Các chuyên gia giấu tên cho biết phòng thí nghiệm này “chắc hẳn đã có quyền truy cập vào trình tự bộ gene của virus trước tháng 11/2019, vài tuần trước khi Trung Quốc chính thức thừa nhận rằng virus đang lây lan.”

Hồi tháng 05/2023, một người trong cuộc giấu tên nói với The Epoch Times rằng sự hiện diện của chuyên gia chiến tranh sinh học này tại WIV là bằng chứng rõ ràng cho một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Ông nói rằng vị tướng này rất có thể được cử đến Vũ Hán để “dọn dẹp mớ hỗn độn.”


Công ty Mỹ bị phạt hàng trăm triệu đô! vì tội hối lộ ở Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam


(Hình: Một công nhân chuyển các bao hoá chất lithium carbonate tại một cơ sở của công ty sản xuất hóa chất Mỹ Albemarle Corporation, ngày 6/10/2022, tại Silver Peak, Nevada.)

-Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ngày 29/9 loan báo rằng nhà sản xuất hóa chất Mỹ Albemarle Corporation đã đồng ý trả hơn 218 triệu đô la để dàn xếp các cáo buộc hối lộ các quan chức tại các nhà máy lọc dầu quốc doanh ở ba quốc gia châu Á.

Bộ cho biết, công ty North Carolina thừa nhận sử dụng “đại lý bán hàng bên thứ ba” và nhân viên nước ngoài để hối lộ các quan chức hầu giành được hợp đồng với các nhà máy lọc dầu của nhà nước ở Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết công ty Albemarle đã nhận được gần 100 triệu đô la lợi nhuận từ kế hoạch hối lộ-tham nhũng này.

Theo Đạo luật Về Tham nhũng ở Nước ngoài FCPA của Hoa Kỳ, hối lộ bất kỳ quan chức nước ngoài nào để đổi lấy việc có được hoặc duy trì hoạt động kinh doanh là bất hợp pháp. FCPA là công cụ chính mà các cơ quan thực thi sử dụng để kiểm tra hối lộ ở nước ngoài.

Cả Bộ Tư pháp và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, cơ quan giám sát tài chính, đều đang điều tra công ty này về các vi phạm FCPA liên quan đến kế hoạch hối lộ.

Bà Dena J. King, chưởng lý của Quận Tây bang North Carolina nói trong một tuyên bố: “Tham nhũng không có biên giới, nhưng công lý cũng vậy”. “Các công ty phải tuân thủ cùng một tiêu cuẩn đạo đức và pháp lý dù họ kinh doanh trên đất Mỹ hoặc ở nước ngoài.”

Bộ Tư pháp cho biết đã ký một thỏa thuận không truy tố kéo dài 3 năm với Albemarle sau khi công ty tự nguyện khai báo với các công tố viên Hoa Kỳ.

Theo thỏa thuận không truy tố, Bộ Tư pháp đồng ý không truy tố một công ty để đổi lấy sự hợp tác, nộp phạt và tuân thủ các yêu cầu khác.

Phát ngôn viên của Albemarle đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Theo thừa nhận của công ty liên quan đến vụ dàn xếp, cáo buộc hối lộ diễn ra từ năm 2009 đến năm 2017, Bộ Tư pháp cho biết.

Tại Ấn Độ, Albemarle đã sử dụng bên trung gian thứ ba để kinh doanh với công ty dầu mỏ quốc doanh của nước này bằng cách tránh bị đưa vào danh sách đen.

Tại Indonesia, công ty đã nhờ một người trung gian khác làm ăn với nhà máy lọc dầu quốc doanh ngay cả sau khi được thông báo rằng phải hối lộ các quan chức Indonesia.

Và tại Việt Nam, Albemarle đã giành được hợp đồng tại hai nhà máy lọc dầu quốc doanh thông qua một đại lý bán hàng trung gian, vốn đòi tăng hoa hồng để hối lộ các quan chức.

Là một phần của thỏa thuận không truy tố với Bộ Tư pháp, Albemarle đồng ý nộp phạt khoảng 98 triệu đô la và bị tịch thu hành chính khoảng 99 triệu đô la. Bộ Tư pháp cho biết họ sẽ chuyển khoảng 82 triệu đô la tiền tịch thu cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch SEC.

Bà King nói thỏa thuận với Albemarle “nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc chống tham nhũng ảnh hưởng đến Hoa Kỳ bất kể nó xảy ra ở đâu”.

Dưới thời chính quyền Biden, Bộ Tư pháp đã ưu tiên chống tham nhũng trong doanh nghiệp, công bố một số thay đổi lớn nhằm tăng cường các chính sách và hành động thực tiễn.


Bé gái 2 tuổi đi lạc, chú chó nhỏ làm gối đầu cho cô bé ngủ trong rừng!


(Hình: Một cô bé 2 tuổi ở tiểu bang Michigan, Hoa Kỳ, bị lạc trong rừng, được phát hiện đang nằm ngủ gối đầu lên người chú chó nhỏ. Hình ảnh một cô bé dựa sát vào một chú chó nhỏ. Đây là hình ảnh minh họa, không phải nhân vật được viết trong bài)

-Mới đây, hôm 20/09, một cô bé 2 tuổi ở tiểu bang Michigan, Hoa Kỳ, đã đi ra ngoài cùng hai con chó nhỏ nuôi trong nhà, sau đó bị lạc ở trong rừng. Khi nhân viên đội tìm kiếm cứu nạn tìm thấy cô bé vào lúc nửa đêm, cô bé đang nằm ngủ gối đầu lên một con chó nhỏ, trong khi một con chó nhỏ khác đang ở gần đó để bảo vệ cô bé.

Cảnh sát tiểu bang Michigan cho biết, cô bé có tên Thea Chase sống ở thị trấn Faithorn hẻo lánh thuộc quận Menominee. Khu vực xung quanh nhà cô bé đều là rừng cây rậm rạp.

Hôm 20/09, Thea Chase đã đi chân trần ra khỏi nhà, nhưng bị lạc đường. Cuối cùng, mọi người tìm thấy cô bé trong khu rừng cách ngôi nhà khoảng 3 dặm Anh (khoảng 4.8km). Khi được tìm thấy, cô bé đang nằm ngủ và gối đầu lên một trong hai con chó nhỏ đi cùng cô bé.

Ông Mark Giannunzio, Phó Giám đốc Cảnh sát Tiểu bang Michigan nói với CNN rằng, hôm đó cô bé Thea Chase đi chân trần chơi đùa trong sân nhà. Chú của cô bé đã gọi cô bé đi vào nhà, nhưng sau đó thì không thấy cô bé đâu nữa.

Mẹ và chú của Thea Chase đã tìm cô bé trong 20 phút nhưng không thấy. Vì vậy, họ gọi điện cho cha cô bé và báo cảnh sát. Khoảng 8 giờ tối, cảnh sát tiểu bang nhận được thông báo về sự việc, và lập tức tìm kiếm cứu nạn.

Ông Giannunzio cho biết, cảnh sát tiểu bang đã cử nhân viên, chó nghiệp vụ và phi cơ không người lái để tìm kiếm. Chính quyền địa phương cũng tổ chức một đội hỗ trợ tìm tung tích của Thea Chase. Họ cho rằng cô bé có thể ở trong khu rừng gần nhà.

Đến nửa đêm, khi một người bạn của gia đình Thea Chase lái chiếc xe địa hình tham gia cuộc tìm kiếm, thì gặp được con chó Buddy đi cùng cô bé. Chú chó Buddy bắt đầu sủa inh ỏi khi chiếc xe đến gần.

Sau đó, người bạn này nhìn thấy cô bé Thea Chase đang nằm ngủ bên cạnh lối mòn trong khu rừng, đầu cô bé gối lên người một con chó nhỏ khác tên là Hartley. Khi anh muốn đi đến gần để gọi Thea Chase dậy, thì chú chó Hartley liên tục gầm gừ sủa to.

Mẹ của Thea Chase nói: “Những con chó này đều nghe lời cô bé.”

Trong suốt 4 giờ cô bé Thea Chase bị lạc, mẹ của cô bé ở nhà để chăm sóc cậu con trai còn nhỏ. Cảnh sát địa phương đã cử nhân viên đến nhà cô bé nhiều lần, đồng thời động viên người mẹ không nên quá lo lắng.

Sau đó, Thea Chase được người bạn của gia đình cô bé đưa trở về nhà. Khi nhìn thấy mẹ, cô bé vẫn hồn nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Cô bé mỉm cười và nói: “Con chào mẹ.”

Ông Giannunzio cho biết khi Thea Chase được tìm thấy, nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 60 độ F (khoảng 15.6 độ C). Các nhân viên y tế đã kiểm tra sức khỏe cho Thea Chase, và xác nhận cô bé vẫn khỏe mạnh bình thường.


Tiệm vàng ở Phước Lộc Thọ ‘bị cướp 2,500 cây vàng’?


-Nhiều người trong thương xá Phước Lộc Thọ bàn tán sau khi vụ cướp xảy ra

“Thời buổi nào cũng vậy, tiệm vàng nào cũng bán tới đâu thì lấy ra tới đó, không ai dại mà đem trưng bày hết ra như vậy,” bà cười. “Chị biết 2,500 lượng vàng nặng cỡ nào không? Gần 100 kg đó. Ai mà cầm gần một tạ trên một tay rồi chạy ầm ầm như hôm qua được?”

Một ngày sau vụ cướp tiệm vàng Ngọc Quang, số 144, sát cửa sau thương xá Phước Lộc Thọ, xảy ra lúc 2:30 chiều Thứ Ba, 26 Tháng Chín, cửa tiệm này đang phải tạm thời đóng cửa.

Trưa 27 Tháng Chín, những người làm việc tại các tiệm chung quanh tiệm vàng Ngọc Quang đã lấy lại bình tĩnh so với hôm qua và dần dần hồi tưởng lại những gì đã xảy ra.

Kể lại vụ cướp với phóng viên, nhưng tất cả đều không muốn nêu tên vì không có sự đồng ý của chủ nhân nơi họ làm việc.

Một người nhớ lại: “Tôi đang ăn trưa thì nghe tiếng chuông báo động. Còn chưa hiểu chuyện gì thì tôi nghe nhiều tiếng la lớn ‘Cướp! Cướp!’. Nhìn qua (tiệm) Ngọc Quang thì tôi thấy có mấy người mặc đồ đen, cái gì cũng màu đen hết, đang chạy ra, khuất tầm mắt tôi. Có mấy người đuổi theo nhưng tôi thực sự không thấy kịp.”

Người này cho hay, anh chỉ biết chạy ra kéo cửa xuống rồi chạy vô sau quầy.

Anh suy nghĩ rồi tiếp: “Người ta nói có bốn người da đen vô tiệm cướp nhưng mọi chuyện xảy ra có một nhoáng, ai mà có thể quả quyết là da trắng hay đen. Tôi có thấy họ chạy nhưng tôi không thể nói họ da gì, trắng hay đen, đàn ông hay đàn bà, người lớn tuổi hay thanh niên.”

“Trong lúc đang hoang mang, thực ra không ai nhớ được gì chính xác đâu,” anh khẳng định.

Một “người quen của một người quen với nhân viên tiệm Ngọc Quang” nói: “Đám đó có cả thảy bốn người, hai nam, hai nữ, cùng đeo khẩu trang. Hai người đòi coi một món chừng hai cây rưỡi vàng. Rồi thình lình, tất cả cùng lấy búa trong bao ra rồi đập tủ rất nhanh chóng. Nhân viên bấm chuông báo động thì cả bọn bỏ chạy.”

Cô tiếp: “Nhân viên trong tiệm Ngọc Quang nói thường thì có một nhân viên bảo vệ ngồi gần cửa sau nhưng khi xảy ra sự việc thì không có ai ở đó. Có lẽ bọn cướp canh ông vừa đi là hành động ngay.”

Một người khác góp chuyện: “Tôi thì thấy bốn người chạy ra, một người chạy trước, ba người sau. Trên tay một người chạy trước có cái bao lủng lẳng, không biết bao ny-lông hay bao vải. Vừa thấy là tôi hụp xuống kệ bày đồ liền. Rủi họ bắn nhau, tôi chết oan mạng sao.”

Một nhóm ba người phụ nữ ở Riverside xuống theo dõi sự việc. Một người nói bà đọc trên Facebook nói “bọn cướp lấy được 2,500 lượng vàng” làm mọi người cười ngất.

Một nhân viên tiệm vàng gần đó nói: “Tôi làm cho tiệm vàng gần 20 năm rồi. Theo kinh nghiệm của tôi thì hôm qua, họ chỉ lấy được $40,000 đổ lại thôi.”

Lý do của bà là bây giờ tiệm vàng nào cũng dùng kính dầy và chắc mà vụ cướp hôm qua chỉ xảy ra trong vòng 15 tới 20 giây thôi nên bọn cướp không có thì giờ mà vơ vét.

“Thời buổi nào cũng vậy, tiệm vàng nào cũng bán tới đâu thì lấy ra tới đó, không ai dại mà đem trưng bày hết ra như vậy,” bà cười. “Chị biết 2,500 lượng vàng nặng cỡ nào không? Gần 100 kg đó. Ai mà cầm gần một tạ trên một tay rồi chạy ầm ầm như hôm qua được?”

Nhìn người phụ nữ ở Riverside còn lúng túng, bà tiếp: “Em nói thiệt với chị, cháy nhà mà người mẹ ẵm đứa con gần một tạ còn chạy không nổi chứ nói chi đi ăn cướp. Không có chuyện đó đâu chị ơi.”

Ngọc Quang có bốn tiệm trong thương xá Phước Lộc Thọ nhưng nhân viên tại cả ba tiệm có mở cửa hôm nay đều “không biết gì cả về vụ cướp hôm qua.”

Đây không phải là lần đầu thương xá Phước Lộc Thọ bị cướp.

Tháng Bảy, 2012, hai người đàn ông da đen, một người đi lại bình thường, một người ngồi xe lăn có súng đã vào cướp tiệm đồng hồ Tik Tock nhưng một người bị bắn và cả hai đã bị nhân viên bảo vệ bắt giữ.

Tháng Mười Hai, 2018, theo lời kể của những nhân viên chung quanh, có bốn tên cướp da đen xông vào tiệm vàng Jean’s Jewelry (cũng nằm gần cửa sau thương xá Phước Lộc Thọ nhưng hơi xa hơn tiệm Ngọc Quang), cũng dùng búa đập tủ trưng bày, gom vàng rồi tẩu thoát.

Tổng giá trị tài sản bị mất trong vụ cướp năm 2018 vẫn còn chưa rõ.
(Theo NV)


Tàu thăm dò của Ấn Độ không thể khởi động lại, có thể phải ở lại mặt trăng

(Thiên Thanh)

-“Chandrayaan-3” của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã hạ cánh thành công xuống mặt trăng, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hạ cánh mềm ở cực nam mặt trăng. Sau một thời gian ngủ đông, khả năng tàu đổ bộ mặt trăng Vikram và tàu thám hiểm mặt trăng Pragyan khôi phục lại trạng thái hoạt động bình thường là rất mong manh.

Theo The Indian Express đưa tin, hy vọng về sứ mệnh thám hiểm mặt trăng “Chandrayaan-3” của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ đang mờ dần vì tàu đổ bộ mặt trăng Vikram và xe thăm dò mặt trăng Pragyan không thể khôi phục lại trạng thái hoạt động bình thường.

Sau khi hoàn thành một số nhiệm vụ thám hiểm mặt trăng của “Chandrayaan-3”, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ đã đóng cửa mọi quy trình vận hành của tàu đổ bộ mặt trăng Vikram và xe thăm dò mặt trăng Pragyan trước khi mặt trời lặn và đặt chúng ở “chế độ ngủ” để kéo dài thời hạn của nhiệm vụ thám hiểm mặt trăng. Bởi vì thiết bị điện tử của tàu Vikram và xe thăm dò Pragyan không thể hoạt động bình thường trong điều kiện ban đêm khắc nghiệt của mặt trăng. Đêm trên mặt trăng tối đen như mực và các thiết bị năng lượng mặt trời không thể có đủ ánh sáng mặt trời để tạo ra điện.

Ngoài ra, nhiệt độ ban đêm của mặt trăng thấp hơn -200 độ C, điều đó có nghĩa là thiết bị điện tử của tàu Vikram và xe thám hiểm Pragyan có thể bị đóng băng do nhiệt độ cực thấp, cuối cùng bị phá hủy và không thể hoạt động trở lại. Do đó, khi mặt trời mọc trở lại gần cực nam của mặt trăng, tàu đổ bộ mặt trăng Vikram và xe hiểm mặt trăng Pragyan có thể hoạt động bình thường trở lại sau khi nhận đủ ánh sáng mặt trời.

Tuy nhiên, sau hai tuần đêm trăng lạnh, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ đã cố gắng đánh thức tàu đổ bộ mặt trăng đang ngủ yên Vikram và xe thăm dò mặt trăng Pragyan vào ngày 22/9 nhưng kết quả không thành công. Giờ đây, khi thời gian trôi qua, cơ hội để Vikram và Pragyan trở lại hoạt động bình thường là rất mong manh.

Ông AS Kiran Kumar, cựu chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông: “Cơ hội (Vikram và Pragyan) trở lại điều kiện làm việc bình thường sẽ theo thời gian ngày càng trở lên mỏng manh hơn.” Bởi vì nhiều bộ phận cơ khí có thể không thể trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong điều kiện khắc nghiệt của mặt trăng.

Mặc dù sứ mệnh thám hiểm mặt trăng “Chandrayaan-3” không khôi phục lại hoạt động bình thường, nhưng nó vẫn đạt được thành công đáng kể. Mục tiêu chính của sứ mệnh thám hiểm mặt trăng này là chứng minh khả năng hạ cánh mềm trên mặt trăng của Ấn Độ. Ấn Độ cũng cùng với Mỹ, Liên Xô cũ và Trung Quốc vào hàng ngũ số ít quốc gia trên thế giới đã hạ cánh mềm trên mặt trăng.

Ngoài ra, xe thăm dò mặt trăng Pragyan đã đi được quãng đường khoảng 100 mét và phát hiện sự hiện diện của nhiều nguyên tố khác nhau trên mặt trăng. Đáng chú ý nhất, xe thăm dò đã tìm thấy bằng chứng về lưu huỳnh trên mặt trăng, điều mà chưa một sứ mệnh mặt trăng nào từng làm được trước đây.

Loạt tàu vũ trụ Chandrayaan của Ấn Độ đang tham gia vào cuộc chạy đua không gian với Nga để có cơ hội trở thành người đầu tiên hạ cánh xuống cực nam của mặt trăng. Bởi vì các miệng hố bóng tối ở phần phía nam của mặt trăng được cho là chứa nước đá nên chúng có thể cung cấp nhiên liệu, oxy và nước uống cho các sứ mệnh mặt trăng trong tương lai, đồng thời cũng có thể hỗ trợ việc định cư của con người trên mặt trăng trong tương lai.


Chú ý! iPhone 15 Pro có thể bị đổi màu nếu không dùng “ốp” bảo vệ

(Phan Anh)


(Ảnh: Hai sản phẩm iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max.)

-Nếu bạn có ý định mua điện thoại iPhone 15 Pro hoặc iPhone 15 Pro Max mới của Apple, hãy mua thêm một chiếc ốp lưng, theo tờ Daily Mail.

Mặc dù những chiếc điện thoại này mới chỉ được bán ra thị trường vài ngày nhưng trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin rằng chỉ cần cầm điện thoại lên đã có thể khiến vỏ kim loại bị đổi màu. Những hình ảnh cho thấy nhiều chiếc 15 Pro và Pro Max bị biến đổi màu sắc đáng kể sau khi viền kim loại bị bám dấu vân tay và dầu từ tay người dùng.

Phía Apple đã chính thức xác nhận thông tin này, thừa nhận rằng phần viền titan của dòng điện thoại mới nhất này có thể tạm thời bị đổi màu nếu như không có ốp bảo vệ.

Một người dùng mạng xã hội X đã bày tỏ thất vọng khi một chiếc điện thoại có giá đắt như vậy lại gặp phải sự cố biến dạng màu sắc. Một người khác lại e ngại không muốn mua iPhone 15 nữa vì sợ nó sẽ đổi màu.

Trong phần phụ lục hỗ trợ dành dòng iPhone 15 mới, Apple lưu ý đối với iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max, dầu trên da của bạn có thể tạm thời làm thay đổi màu của dải kim loại bên ngoài.

Nguyên nhân của vấn đề này là do dòng Pro đắt tiền hơn sử dụng chất titan nhẹ thay vì thép không gỉ như mẫu iPhone 15 và 15 Plus rẻ hơn.

Mặc dù vật liệu này có thể siêu bền và siêu nhẹ nhưng lại có nguy cơ bị biến màu khi sử dụng thường xuyên. Titan có đặc trưng thú vị là thể hiện “màu sắc giao thoa”. Bề mặt kim loại này có thể trông giống như cầu vồng khi được nung nóng.

Thông qua quá trình được gọi là a-nốt hóa, bề mặt của titan phản ứng với không khí và tạo ra các lớp oxit rất mỏng làm tán xạ ánh sáng và khiến bề mặt đổi màu sắc đáng kinh ngạc.

Tuy nhiên, khi bạn chạm vào một miếng titan bằng tay trần, lớp dầu mỏng từ ngón tay của bạn sẽ dính vào bề mặt và gây ra hiệu ứng tương tự.

Theo Phó giáo sư Walter Navarrini tại Đại học Bách khoa Milan, một trong những nhược điểm lớn của việc sử dụng titan là sự thay đổi màu sắc mà các vết nhờn gây ra trên bề mặt.

Tuy nhiên, nếu bạn đã mua một chiếc điện thoại đắt tiền thì cũng không cần phải quá lo lắng. Vì lớp vỏ kim loại không bị đổi màu vĩnh viễn. Theo Apple, điện thoại sẽ khôi phục lại màu sắc sau khi được lau bằng một miếng vải mềm và hơi ẩm.

Giữ cho bề mặt titan luôn sạch bóng là một vấn đề mà hãng Apple đã phải đau đầu khắc phục nhiều năm nay. Ngay từ năm 2021, công ty này đã nhận được bằng sáng chế về phương pháp xử lý chuyên dụng đối với hợp kim titan để tạo ra các lớp vỏ mới cho iPhone, MacBook, iWatch và iPad.

Đầu năm nay, Apple cũng đã nộp bằng sáng chế cho lớp phủ oxit che giấu dấu vân tay, nhằm làm giảm sự xuất hiện khó coi của vết dầu tay bám trên các sản phẩm mới.

Tuy nhiên, vấn đề này rõ ràng vẫn chưa được khắc phục vì sản phẩm titan trước đó của Apple là Apple Watch Ultra cũng gặp phải vấn đề về màu sắc.

Bất chấp nhược điểm trên, khung titan vẫn mang lại những lợi thế đáng kể về việc giảm trọng lượng. iPhone 15 Pro 5,8 inch chỉ nặng 187 gram, nhẹ hơn 9% so với iPhone 14 Pro 206g có kích thước tương tự năm ngoái.

Trong khi đó, iPhone 15 Pro Max nhẹ hơn gần 20g so với phiên bản trước đó là iPhone 14 Pro Max, đồng thời cũng dày hơn một chút.

Với mức giá từ 999 USD trở lên đối với iPhone 15 Pro và từ 1.199 USD trở lên đối với Pro Max, các sản phẩm mới nhất của Apple được đánh giá là sở hữu cấu trúc công nghệ cao tương xứng. Các mẫu máy mới cũng được nâng cấp như camera tiên tiến hơn và chip xử lý mạnh hơn.

Tin Quốc Tế Đó Đây

**
Ukraine Bắn Hạ 34 Drone của Nga Phóng Đến Miền Nam


(Hình: Defence Forces Southern Ukraine: Một tòa nhà bị hư hại sau vụ tấn công của Nga ở Odessa, Ukraine, ngày 25/9/2023.)

-Hôm 28/9/2023, Không quân Ukraine cho biết hệ thống phòng không đã bắn hạ 34 trong số 44 drone Shahed mà Nga phóng đi trong đêm 27 rạng sáng 28/9. Chính quyền Kyiv không ghi nhận thiệt hại nhân mạng nào.

Trên mạng Telegram, quân đội Ukraine tuyên bố: "Các máy bay chiến đấu, các đơn vị phi đạn phòng không và các nhóm bắn tỉa cơ động đã tham gia đẩy lùi đợt tấn công" của Nga. Theo thông tấn xã Reuters, mục tiêu oanh kích chính của các lực lượng Nga trong đêm qua là 3 vùng ở miền Nam Ukraine: Odessa, Kirovohrad và khu vực phía Nam Mykolaiv.

Về khả năng Nga tiến hành một cuộc tấn công mới quy mô lớn, báo Pháp Le Monde cho biết hôm 27/9, trong cuộc họp thường nhật, tình báo quân đội Anh nhận định là trước mắt, trong những tuần tới, một cuộc tấn công như vậy khó có thể xảy ra, cho dù rất có thể là quân đội Nga lần đầu tiên đưa vào sử dụng các thành phần của đội quân thứ 25 (sa 25e armée) mới được thành lập và được khai triển ở Ukraine từ cuối tháng 8.

Cũng trong ngày hôm qua, Nghị Viện Bảo Gia Lợi quyết định tặng cho Ukraine nhiều phi đạn chế tạo từ thời Liên Xô. Theo AFP, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Ukraine giải thích đó là những phi đạn địa đối không S-300 đã hỏng, Bảo Gia Lợi không thể sửa chữa nhưng chúng có thể có ích cho quân đội Ukraine.

Về phía Pháp, hôm 28/9, Bộ trưởng Quân lực Sébastien Lecornu đã đến Kyiv, cùng với đại diện của 20 công ty quốc phòng, chuyên về chế tạo xe bọc thép, đạn pháo, drone, rà phá bom mìn. Bộ trưởng Quân lực Pháp thảo luận với đồng nhiệm Ukraine Rustem Oumerov và Bộ trưởng Các ngành Công nghiệp Chiến lược Oleksandr Kamychine về viện trợ của Pháp cho Ukraine, và về quan hệ đối tác công nghiệp trong bối cảnh chiến tranh được dự báo sẽ kéo dài.


Nga Cáo Buộc Mỹ, Anh Giúp Ukraine Tấn Công Trụ Sở Hạm Đội Biển Đen ở Crimea


(Hình: Ảnh vệ tinh do Planet Labs PBC công bố vào ngày 23/9/2023 cho thấy hình ảnh từ trên không của thành phố Sevastopol sau một cuộc tấn công phi đạn nhằm vào trụ sở của hạm đội Biển Đen của Mạc Tư Khoa ở Crimea.)

-Hôm 27/9/2023, Nga cáo buộc Hoa Kỳ và Anh giúp Ukraine thực hiện một cuộc tấn công vào tuần trước nhắm vào trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga tại Crimea mà Nga đang chiếm đóng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tố cáo rằng cuộc tấn công đã được lên kế hoạch trước bằng cách sử dụng các phương tiện tình báo phương Tây, tài sản vệ tinh của Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) và máy bay do thám.

Bà Zakharova cũng tố cáo rằng tình báo Mỹ và Anh đã giúp điều phối cuộc tấn công này.

Dù Mỹ và các đối tác phương Tây khác đã cung cấp thiết bị quân sự và huấn luyện cho Ukraine, nhưng các viên chức Mỹ phủ nhận việc đóng vai trò trực tiếp trong chiến dịch phòng vệ của Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga.

Khi Nga cáo buộc Mỹ có liên quan đến vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Ðiện Cẩm Linh hồi tháng 5, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói tuyên bố đó là 'lố bịch'.

Một kênh truyền hình do Bộ Quốc phòng Nga điều hành hôm 27/9 phát sóng đoạn video không ghi ngày tháng cho thấy Đô đốc Viktor Sokolov, chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga, khẳng định rằng hạm đội này vẫn đang hoạt động thành công.

Đây là ngày thứ nhì liên tiếp video về ông Sokolov xuất hiện trên truyền hình Nga, sau tuyên bố của Ukraine rằng đã hạ sát ông trong cuộc tấn công phi đạn vào Crimea.


Tổng Thống Nga Ký Sắc Lệnh Về Nghĩa Vụ Quân Sự Trong Mùa Thu


(Hình: Sĩ quan Nga (phải) làm việc với tân binh tại một văn phòng tuyển quân ở Mạc Tư Khoa, 22/5/2020.)

-Tổng thống Nga Vladimir Putin mới ký Sắc lệnh đề ra chương trình gọi người nhập ngũ định kỳ vào mùa Thu, yêu cầu 130.000 công dân đi nghĩa vụ quân sự theo luật định, một tài liệu đăng trên trang web của chính phủ cho thấy hôm thứ Sáu (29/9/2023).

Tất cả đàn ông ở Nga đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự kéo dài 1 năm trong độ tuổi từ 18 đến 27, hoặc được đào tạo tương đương khi đang học Đại học.

Động thái của ông Putin xuất hiện trong bối cảnh các lực lượng vũ trang Nga đang tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ 20.

Tổng thống, người đã ký lệnh hồi tháng 3 yêu cầu 147.000 người nhập ngũ vào mùa xuân, nói trong tháng này rằng ông chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine.

Vào tháng 7, Hạ viện Nga bỏ phiếu nâng độ tuổi tối đa mà nam giới có thể bị gọi nhập ngũ từ 27 lên 30. Luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Năm 2022, Nga đã công bố kế hoạch tăng hơn 30% lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp và lính nghĩa vụ lên 1,5 triệu người, một nhiệm vụ đầy tham vọng đã trở nên khó khăn hơn do thương vong nặng nề ở Ukraine, nhưng con số cụ thể không được Nga tiết lộ.

Ukraine khẳng định họ sẽ không ngơi nghỉ cho đến khi người lính Nga cuối cùng bị đánh đuổi ra khỏi lãnh thổ của mình. Phương Tây nói rằng họ muốn giúp Ukraine đánh bại Nga - một mục tiêu mà các quan chức Ðiện Cẩm Linh cho là viển vông phi thực tế.


Đức Ký Thỏa Thuận "Lịch Sử" Mua Lá Chắn Phi đạn Arrow-3 của Do Thái


(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius (T) và đồng nhiệm Do Thái Yoav Gallant ngày 28/9/2023 tại Berlin, Đức, trong cuộc họp báo sau khi ký thỏa thuận mua bán lá chắn phi đạn Arrow-3.)

-Một thỏa thuận bán vũ khí lớn chưa từng có đối với Do Thái đã được ký với Đức, ngày 28/9/2023.

Berlin quyết định mua hệ thống chống phi đạn tối tân Arrow-3 có khả năng bắn chặn các vật thể bay ở độ cao 2.400 cây số. Đây là thương vụ mua vũ khí đầu tiên trong dự án lá chắn chống phi đạn do Đức khởi xướng và đã được đa số các nước trong Liên Âu tham gia. Thông tín viên Pascal Thibault của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Berlin cho biết thêm chi tiết:

"Đây là thỏa thuận gây xúc động cho mỗi người Do Thái, 80 năm sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới Thứ 2 và thảm họa lò thiêu" người Do Thái. Bộ trưởng Quốc phòng Do Thái Joav Galant muốn cho thấy một tín hiệu mạnh trong thỏa thuận đồng thời cũng là hợp đồng vũ khí lớn nhất trong lịch sử Nhà nước Do Thái, trị giá tới 4 tỉ Euro. Đồng nhiệm Đức, Boris Pistorius cũng không kém khi gọi đó là "một ngày lịch sử đối với 2 dân tộc chúng ta".

Hợp đồng này là một phản ứng của Đức đối với cuộc chiến tranh tại Ukraine và cho thấy điều cấp thiết đối với Berlin phải tăng cường bảo vệ mình khỏi bị tấn công bằng phi đạn. Ngân quỹ đặc biệt 100 tỉ Euro của Bộ Quốc phòng Đức được thông qua hồi năm 2022 cho phép chi phí các thương vụ đã được Quốc hội phê chuẩn này.

Berlin muốn bổ sung thiết bị có khả năng đánh chặn các phi đạn ở độ cao tầng khí quyển này thêm vào hệ thống phòng không Patriot của Mỹ và hệ thống Iris-T sản xuất tại Đức. Đây là bộ ba cấu thành dự án lá chắn chống tến lửa Âu Châu đã được Berlin trình bày năm 2022. 19 nước đã tham gia vào dự án mà nước Pháp chỉ trích này.


Ý Ðại Lợi Thắt Chặt Chính Sách Di Dân, Xét Nghiệm Để Xác Định Những Người Dưới 18 Tuổi


(Hình: Tàu tuần duyên Ý Ðại Lợi chở di dân đi qua một tàu du lịch gần đảo Lampelusa, miền Nam Ý Ðại Lợi, ngày 18/9/2023.)

-Trong bối cảnh di dân từ Bắc Phi ồ ạt đến đảo Lampedusa ở vùng Địa Trung Hải, chính phủ Ý Ðại Lợi hôm 27/9/2023 thông qua Sắc lệnh thắt chặt các biện pháp kiểm soát di dân, đặc biệt là trục xuất những người trẻ không khai tuổi thực khi đến Ý Ðại Lợi.

Hiện nay, tại Ý Ðại Lợi có khoảng 21.000 di dân là trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm, và con số này ngày càng tăng, trong số đó có 85% là nam giới. Từ Roma, thông tín viên Anne Tréca của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích thêm về các biện pháp mới của chính quyền Roma:

"Chính phủ chọn giải pháp chống lại điều mà họ xem là sự lạm dụng quyền lợi. Từ nay trở đi, tại Ý Ðại Lợi, những người ngoại quốc trẻ tuổi, không đi cùng cha mẹ và không thể chứng minh được tuổi thật của họ, sẽ phải thực hiện các xét nghiệm y tế và nhân chủng học. Nếu những xét nghiệm này không xác nhận là họ dưới 18 tuổi, thì họ sẽ bị trục xuất.

Trong trường hợp di dân đến ồ ạt như trong những tuần gần đây, nếu các trung tâm tiếp nhận trẻ vị thành niên đã kín chỗ, thì những người trong độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi có thể sẽ được đưa đến các trung tâm dành cho người trưởng thành, trong thời gian tối đa là 3 tháng. Đây là biện pháp trước đây Ý Ðại Lợi từng áp dụng nhưng bị Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu lên án.

Một điểm mới khác là những người ngoại quốc bị xem là quá nguy hiểm đối với trật tự công cộng có thể bị trục xuất ngay cả khi họ đã có thẻ cư trú.

Điểm nương nhẹ duy nhất lần này là Ý Ðại Lợi mở rộng đối tượng ưu tiên cho phụ nữ nói chung, chứ không chỉ là những phụ nữ đang mang thai".


Úc Ðại Lợi Cải Tổ Quân Đội, Tăng Cường Năng Lực Tấn Công Tầm Xa


(Ảnh: Caroline Chia, tư liệu: Bộ trưởng Quốc phòng Úc Ðại Lợi Richard Marles trả lời báo chí tại Đối thoại Shangri-La, Tân Gia Ba, ngày 12/6/2022.)

-Hôm 27/9/2023, chính quyền Canberra công bố kế hoạch cải tổ quân đội Úc Ðại Lợi, phát triển năng lực mới về tấn công tầm xa, trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc ở Á Châu-Thái Bình Dương ngày càng tăng.

Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles nói với báo giới ở Townsville, miền đông bắc Úc Ðại Lợi: "Đây là một bước quan trọng đối với quân đội của chúng ta, nhằm xây dựng một đội quân có năng lực tấn công ngoài lãnh thổ. Bộ trưởng Richard Marlesxem công cuộc tái cơ cấu lần này là "nền tảng" để "xây dựng một quân đội cần thiết cho tương lai của Úc Ðại Lợi".

Theo AFP, cuộc cải cách lực lượng vũ trang của Úc Ðại Lợi được thông báo sau khi bản Đánh giá chiến lược hồi tháng 7/2023 kêu gọi chính quyền Canberra thông qua biện pháp răn đe tầm xa với các phi đạn, tàu ngầm và các phương tiện mạng, nhằm ngăn chặn kẻ thù từ xa. Thông báo hôm qua của Bộ trưởng Richard Marles nêu tên Trung Quốc, nhưng Đánh giá chiến lược hồi tháng 7 của Úc Ðại Lợi xem kế hoạch củng cố năng lực quân sự của Trung Quốc thời gian qua là kế hoạch tham vọng nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến, khiến cho "nguy cơ leo thang quân sự gia tăng".

Theo kế hoạch dự trù, quân đội Úc Ðại Lợi sẽ lập các lữ đoàn chiến đấu chuyên biệt tại ba căn cứ: lực lượng chiến đấu hạng nhẹ, có thể khai triển nhanh chóng ở Darwin (miền bắc), lực lượng hạng nặng hơn được trang bị xe tăng bọc thép ở Townsville (miền đông bắc) và một đơn vị phối hợp cả hai lực lượng tại Brisbane (miền đông).

Quân đội Úc Ðại Lợi sẽ phát triển khả năng tấn công từ trên không, trên bộ hoặc trên biển, củng cố các căn cứ ở miền bắc và tuyển thêm quân. Hàng ngàn binh sĩ sẽ được tái bố trí trong vòng 5-6 năm tới. Một lữ đoàn mới sẽ được thành lập ở Adelaide (miền Nam), được trang bị phi đạn tấn công tầm xa và hệ thống phòng không và chống phi đạn.

Xin nhắc lại là hồi năm 2021, Canberra công bố kế hoạch phát triển tàu ngầm nguyên tử tàng hình tầm xa, có khả năng mang phi đạn liên lục địa, trong khuôn khổ liên minh quân sự Aukus với Luân Đôn và Hoa Thịnh Ðốn. Hồi tháng 8/2023, Úc Ðại Lợi cũng đã ký thỏa thuận mua hơn 200 phi đạn liên lục địa tầm xa Tomahawk của Mỹ, trị giá tổng cộng 830 triệu Mỹ kim.


Bắc Hàn Đưa Quy Chế "Cường Quốc Nguyên tử" Vào Hiến pháp


(Hình: Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un dự lễ hạ thủy tàu ngầm tấn công nguyên tử mới "Anh hùng Kim Kun Ok" tại một địa điểm không xác định ở Bắc Hàn vào ngày 6/9/2023.)

-Hãng tin Bắc Hàn KCNA, hôm 28/9/2023, trích dẫn lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Quốc hội nước này đã quyết định là chính sách phát triển vũ khí nguyên tử được ghi vào Hiến pháp và Bình Nhưỡng sẽ đẩy mạnh phát triển vũ khí nguyên tử nhằm chống lại mối đe dọa từ Hoa Kỳ.

Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế do chương trình phát triển vũ khí nguyên tử, phớt lờ những cảnh báo từ Mỹ, Nam Hàn và các đồng minh, Bắc Hàn vẫn tiến hành số vụ thử phi đạn kỷ lục trong năm nay. Những nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng nguyên tử đã thất bại. Việc sửa đổi Hiến pháp được thực hiện sau tuyên bố của ông Kim Jong-un vào năm 2022, khẳng định Bắc Hàn là một quốc gia nguyên tử "không thể đảo ngược".

Từ Hán Thành, thông tín viên Célio Fioretti của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:

"Tăng cường kho vũ khí nguyên tử theo cấp số nhân", đó là tuyên bố của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un. Với việc sửa đổi Hiến pháp này, Bắc Hàn gạt bỏ ý định ngừng phát triển kho vũ khí nguyên tử. Đó là thông điệp gửi tới Hoa Kỳ và Nam Hàn, những quốc gia vẫn mong muốn phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên.

Việc sửa đổi Hiến pháp này mang tính biểu tượng, nhưng đã chính thức phê chuẩn chính sách nguyên tử của Bắc Hàn. Bình Nhưỡng có kế hoạch khai triển kho vũ khí này với các thiết bị mới như tàu ngầm và chiến hạm. Do đó, rất có khả năng chế độ Bắc Hàn sẽ tăng cường các vụ thử phi đạn trong những tháng tới.

Quyết định này làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khi cả Hán Thành và Bình Nhưỡng đều có lập trường cứng rắn hơn. Tại Nam Hàn, ứng viên tranh chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhiều lần kêu gọi Hán Thành rút khỏi Hiệp ước liên Triều năm 2018. Hiệp ước này nhằm giải giới khu vực biên giới hai miền vào lúc hai nước đang tìm cách xoa dịu quan hệ. Thời kỳ đó kể từ nay có vẻ như đã thuộc về quá khứ.


Trung Quốc Tố Đài Loan Lợi Dụng Các Vấn Đề Kinh Tế-Thương Mại Để Mưu Tìm Độc Lập


(Hình: Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tiếp đón đoàn đại biểu Úc Ðại Lợi.)

-Hôm 27/9/2023, chính phủ Trung Quốc cáo buộc đảng cầm quyền Đài Loan đang mưu tìm độc lập, một ngày sau khi Tổng thống của hòn đảo tự trị vận động để được Úc Ðại Lợi hỗ trợ gia nhập Hiệp định Thương mại Khu vực.

Bà Chu Phượng Liên, phát ngôn viên Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Trung Quốc, còn nhấn mạnh rằng các cuộc tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc quanh Đài Loan được tổ chức hầu chống lại "sự ngạo mạn của lực lượng ly khai đòi độc lập cho Đài Loan".

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan, một hòn đảo cách bờ biển phía đông của Trung Quốc khoảng 160 cây số, là lãnh thổ của mình. Hai bên tách ra trong cuộc nội chiến đưa Đảng Cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 1949, và những người bên Quốc Dân Đảng thua cuộc đã thành lập chính phủ riêng ở Đài Loan.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, tiếp đón 6 nhà Lập pháp Úc Ðại Lợi sang thăm và tìm kiếm sự ủng hộ của Úc Ðại Lợi đối với nỗ lực của Đài Loan tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, một Hiệp định Thương mại Tự do gồm 11 quốc gia.

Phái đoàn Quốc hội Úc Ðại Lợi đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác kinh tế với Đài Loan, đặc biệt là về năng lượng sạch và bày tỏ sự quan tâm đến ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan.

Bà Chu nói bất kỳ sự tham gia nào của Đài Loan vào một nhóm kinh tế khu vực đều phải được giải quyết theo 'nguyên tắc một Trung Quốc', vốn quy định rằng Đảng Cộng sản là chính phủ Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Bà Chu cảnh báo: "Nỗ lực của Đảng Dân tiến nhằm tìm kiếm sự độc lập nhân danh kinh tế và thương mại sẽ thất bại".

Bà Chu cũng ra hiệu rằng Trung Quốc sẽ không giảm bớt hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan.

"Chừng nào các hành động khiêu khích đòi độc lập của Đài Loan còn tiếp diễn thì chừng đó các hành động của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ sẽ không dừng lại".


Mỹ Tố Trung Quốc Thao Túng Truyền Thông Toàn Cầu


(Hình: Một trang phúc trình của Trung tâm Tương tác Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trung tâm nói Bắc Kinh thu hút giới tinh hoa chính trị và các nhà báo nước ngoài để thao túng các phương tiện truyền thông toàn cầu.)

-Trung Quốc đang thao túng các phương tiện truyền thông toàn cầu thông qua kiểm duyệt, thu thập dữ liệu và âm thầm mua các hãng tin nước ngoài, Hoa Kỳ tố cáo ngày 28/9/2023 và cảnh báo xu hướng này có thể dẫn đến "sự thu hẹp mạnh mẽ" quyền tự do ngôn luận toàn cầu.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo rằng Bắc Kinh đã chi hàng tỉ Mỹ kim hàng năm cho các nỗ lực thao túng thông tin, bao gồm cả việc mua cổ phần của các phương tiện truyền thông nước ngoài thông qua "các phương tiện công cộng và phi công cộng", tài trợ cho những người có ảnh hưởng trực tuyến và thủ đắc các thỏa thuận phân phối mà qua đó quảng bá nội dung cho chính phủ Trung Quốc.

Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Hoa Thịnh Ðốn không hồi đáp yêu cầu bình luận. Vào tháng 7 năm nay, Bắc Kinh phản ứng với thông cáo của Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) cáo buộc nước này thực hiện các chính sách cưỡng ép và truyền bá thông tin sai lệch khi nói rằng thông cáo của NATO coi thường sự thật cơ bản, cố tình làm mất uy tín của Trung Quốc và bóp méo chính sách của nước này.

Phúc trình của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh đang có tranh cãi về những nỗ lực của Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của các phương tiện truyền thông do chính phủ nước này kiểm soát, đặc biệt là khi cạnh tranh địa chính trị giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Ðốn ngày càng gia tăng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách chống lại những hình ảnh tiêu cực về Trung Quốc mà họ cảm thấy đang được truyền thông thế giới lan truyền.

Trích dẫn các báo cáo công khai và "thông tin chính phủ mới thu được", Trung tâm Tương tác Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Bắc Kinh đã tạo ra hệ sinh thái thông tin của riêng mình bằng cách thu hút giới tinh hoa chính trị nước ngoài và các nhà báo nước ngoài. Trung Quốc cũng đã đầu tư vào mạng vệ tinh và dịch vụ truyền hình kỹ thuật số ở các khu vực đang phát triển nào ưu tiên nội dung truyền thông do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.

Trung tâm này cho biết việc thu thập dữ liệu của Trung Quốc ở nước ngoài "đã cho phép Bắc Kinh tinh chỉnh việc kiểm duyệt toàn cầu bằng cách nhắm mục tiêu vào các cá nhân và tổ chức cụ thể".

Phúc trình nói: "Nếu cứ để như vậy, những nỗ lực của Bắc Kinh có thể dẫn đến .... sự thu hẹp mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận toàn cầu".

Theo phúc trình, bất chấp nguồn lực chưa từng có dành cho chiến dịch này, Bắc Kinh đã gặp phải "những thất bại lớn" khi nhắm mục tiêu vào các nước dân chủ vì bị truyền thông địa phương và xã hội dân sự đẩy lùi.


Chính Phủ Mỹ Tiệm Cận Nguy Cơ Đóng Cửa Khi Lưỡng Viện Mâu Thuẫn Về Ngân Sách


(Hình: Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy trả lời phóng viên tại Quốc hội ở Hoa Thịnh Ðốn vào ngày 28/9/2023, khi thời hạn ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa một phần sắp hết.)

-Hôm thứ Năm (28/9/2023), Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ dự kiến sẽ thúc đẩy các kế hoạch tài trợ mâu thuẫn của chính phủ, làm tăng khả năng chính phủ liên bang phải đóng cửa một phần sau 3 ngày nữa, và nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lần thứ tư chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong vòng một thập niên.

Thượng viện đã lên kế hoạch bỏ phiếu theo thủ tục về Dự luật tài trợ tạm thời có sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng, trong khi Hạ viện chuẩn bị bỏ phiếu vào đêm khuya về bốn Dự luật phân bổ ngân sách không có cơ hội trở thành luật và cũng sẽ không ngăn chặn được việc chính phủ phải đóng cửa.

Quốc hội phải thông qua đạo luật mà Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden có thể ký thành luật trước nửa đêm thứ Bảy để tránh việc hàng trăm ngàn công chức liên bang phải ngưng làm việc và tạm dừng một loạt dịch vụ, từ công bố dữ liệu kinh tế đến phúc lợi dinh dưỡng, cho nền kinh tế, lần thứ tư trong thập niên qua.

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, dẫn đầu bởi một nhóm nhỏ gồm những người bảo thủ theo đường lối cứng rắn trong viện mà họ kiểm soát với tỷ lệ 221-212, đã bác bỏ mức chi tiêu cho năm tài chánh 2024 được đặt ra trong một thỏa thuận mà Chủ tịch Kevin McCarthy đã đàm phán với Tổng thống Biden vào tháng 5.

Thỏa thuận này bao gồm 1,59 ngàn tỉ Mỹ kim chi tiêu tùy ý trong năm tài chánh 2024. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang yêu cầu cắt giảm thêm 120 tỉ Mỹ kim, cộng với luật pháp cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư tại biên giới phía nam Hoa Kỳ với Mễ Tây Cơ.

Cuộc chiến tài trợ tập trung vào một phần tương đối nhỏ trong ngân sách 6,4 ngàn tỉ Mỹ kim của Mỹ cho năm tài chánh này. Các nhà Lập pháp không xem xét cắt giảm các chương trình phúc lợi phổ biến như An sinh xã hội và Medicare.

Không có nhận xét nào: