Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Khi ông tòa phân trần cùng công luận. - Giao Chỉ, San Jose.


Tôi vô cùng xúc động khi đọc bản lên tiếng của bác Phan Quang Tuệ giãi bày về trường hợp thân phụ Phan Quang Đán ra tòa thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Thời đệ nhất cộng hòa bác sĩ Phan Quang Đán là một nhà chính trị đối lập. Hết sức hoạt động công khai với nhiều thành tích nhưng bị chính quyền đàn áp thẳng tay. Khi cuộc binh biến đầu tiên bất thành, cụ Đán đã bị bắt ra tòa và nhận án tù. Sau cuộc đảo chính thành công lần thứ hai các tù nhân trở thành những nhân vật chính trị quan trọng của đệ nhị cộng hòa. Bác sĩ Đán trở thành Phó thủ tướng Quốc Vụ Khanh đã hoạt động hết sức cho đến ngày cuối cùng của Miền Nam. Trưởng nam của cụ Đán là ông Phan Quang Tuệ cùng di tản với các giới chức trong chính phủ đã kể rằng mọi người đều im lặng, hết sức buồn bã và cay đắng. Ông Tuệ kể lại cảnh đào thoát giờ chót với lời kết luận một chữ: Nhục.
<!>
Qua nước Mỹ, vị trung úy quân pháp của QLVNCH vẫn còn mang nặng hình ảnh của người em phi công đã hy sinh trên trời Cam Lộ trong trận Quảng Trị năm 1972. Ông Tuệ cố gắng làm lại từ đầu và trở thành luật sư được bổ nhiệm thẩm phán tòa di trú San Francisco cho đến khi về hưu. Năm nay ông tòa Mỹ gốc Việt đã 80 tuổi. Thân phụ bác sĩ Phan Quang Đán qua đời hơn 20 năm. Sao ngày nay vẫn còn những tay vô thức vẫn loan truyền tin tức sai lầm bệnh hoạn từ thời ông Diệm về phiên tòa chính trị kỳ đảo chính bất thành năm xưa. Bác Tuệ bèn bất đắc dĩ phải lên tiếng để kể lại một lần sự thực. Nếu ông không nói, ai nói. Nếu bây giờ không nói, bao giờ. Tôi đọc lời phân trần của bác Tuệ mà hết sức thông cảm. Không phải lời tranh luận. Không mở đầu bút chiến. Không trách móc hay chê bai. Chỉ đơn giản là phân trần cùng công luận. Trong cuộc đời này, tai nghe mắt thấy cũng chưa hẳn là sự thực. Tin tức đọc được hay nghe nói cũng chẳng phải là chính xác. Xin đừng loan tin mang danh búa rìu dư luận và xin đừng vội tin những chuyện xấu xa. Nhưng bọn cố tình thì là chuyện khác. Xin bằng hữu đọc bài của bác Phan Quang Tuệ. Có thêm một vài dẫn chứng tin tức về thời đệ nhất Cộng Hòa. Đọc để biết và tùy nghi nhận định. Không phải để nuôi oán thù vì thực sự gia đình họ Ngô Đình và gia đình họ Trần của bà Nhu cũng đã chịu biết bao đau thương vì lạc đường vào chính trị.

Phỉ Báng, Mạ Lỵ Kéo Dài Hơn Nửa Thế Kỷ -
Phan Quang Tuệ .


(Một thân hữu chuyển đến tôi một bài đề ngày 19 tháng 6, 2023, ký tên Bằng Phong Đặng Văn Âu, trong đó có đề cập đến Bác sĩ Phan Quang Đán “ dù không bị Công an đánh đập, đã khóc sướt mướt” trong phiên xử của Tòa Quân Sự Đặc Biệt tháng 7, 1963. Theo bài viết, sự việc này đã được thâu băng nhưng bị Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu gạt đi không cho sử dụng vì “không muốn hạ nhục giới trí thức” như những người Cộng sản. Bài viết còn thêm là Bác sĩ Phan Quang Đán từng là “chủ tịch của Hội sinh viên công giáo Việt Nam thời học ở Mỹ.” 

Nhận thấy sự phỉ báng bỉ ổi này kéo dài đã quá lâu nên tôi buộc lòng viết vài dòng để tránh rơi vào tình trạng rằng im lặng là công nhận và đồng tình với sự bịa đặt.)Tôi là trưởng nam của Bác sĩ Phan Quang Đán. Kế tôi là một người em, cố Đại Uý Không Quân Phan Quang Tuấn đã bỏ mình trên không phận Cam Lộ, Quảng Trị trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Đây là một mất mát đau đớn cho gia đình họ Phan chúng tôi. Thân phụ của hai anh em tôi đã qua đời gần 20 năm. Năm nay 81 tuổi, tôi là một thẩm phán về hưu thuộc Toà Án Di Trú Liên Bang tại San Francisco. Tuy đối tượng trực tiếp của sự phỉ báng ở đây là thân phụ tôi, thanh danh của anh em chúng tôi, và con cháu, lại là nạn nhân gián tiếp.Hệ thống luật pháp Anh-Mỹ La Tinh có một thủ tục tố tụng thông dụng gọi là “Voir Dire”. Tạm dịch là phối kiểm tư cách nhân chứng. Thủ tục này giúp toà án phối kiểm tính cách vô tư và khách quan của những người được đề cử vào bồi thẩm đoàn. Toà án cũng xử dụng thủ tục này như một cán cân hay thước đo mức độ khả tín của các nhân chứng. Đặc biệt trong lãnh vực lượng giá một nhân chứng chuyên môn, tòa sẽ dựa vào tiểu sử, lời khai, trước khi quyết định mức độ khả tín, thẩm quyền về nội dung, và tư cách của một nhân chứng chuyên môn (expert witness). Một cách tổng quát, một nhân chứng có lời khai dựa trên những điều trực tiếp tai nghe, mắt thấy, sẽ được đánh giá cao hơn một nhân chứng chỉ dựa theo những gì được nghe kể lại (hearsay evidence). Một thí dụ khác là trường hợp một người thất nghiệp lâu năm lại được gọi làm nhân chứng để khai về tính cách siêng năng cần có trong công ăn việc làm. Lời khai của nhân chứng này hẳn nhiên sẽ không được xem là khả tín.“Voir Dire” đã là đề tài của phim “My Cousin Vinny”, một phim ra đời từ năm 1992 với tài tử nổi tiếng Joe Pesci. Vai chính trong phim, Luật sư mới hành nghề Vinny Gambini, đã lần lượt loại bỏ 4 nhân chứng với kỹ thuật cross-exam từ thủ tục voir dire và thắng một vụ án hình tại một tòa án nhỏ ở tiểu bang Alabama.Toà Án Quân Sự Đặc Biệt xử vụ 11-11-60 từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 7, 1963. Tổng cộng 35 bị can dân sự bị truy tố. Nhưng vì Nhà Văn Nguyễn Tường Tam đã tự sát nên số bị can dân sự còn lại 34 người. Sau hơn 2 ngày xét xử, Toà tuyên án 8 năm cấm cố cho Ông Phan Khắc Sửu, 7 năm cấm cố với Ông Phan Quang Đán. Hai ông Vũ Hồng Khanh và Bùi Lượng mỗi người bị 6 năm. Số còn lại bị án từ 5 năm cấm cố trở xuống và 14 người được trả tự do. 

Trước đó 19 sĩ quan và binh sĩ đã bị xét xử trong một phiên toà riêng biệt.Phiên toà xử các bị can dân sự được nhóm công khai mặc dù sự ra vào được kiểm soát an ninh gắt gao hơn ngày thường. Lúc ấy tôi là sinh viên Luật năm thứ hai và tham dự ngay từ đầu.Phòng xử luôn luôn chật ních. Ngoài 34 bị can còn có gia đình thân nhân. Thêm vào đó, hầu như tất cả luật sư chính thức, tập sự thuộc Luật Sư Đoàn Sài Gòn đều có mặt. Nhân viên Tòa Thượng Thẩm, Sơ Thẩm trong Pháp Đình đều tìm cách có mặt để quan sát vì tò mò và vì tính cách đặc biệt của phiên toà. Và quan trọng hơn cả là sự có mặt của rất đông phóng viên báo chí trong nước và quốc tế. Hầu như tất cả mọi người đều phải đứng. Và theo như quan sát và tường thuật của tất cả mọi người hiện diện, không có ai trong các bị can đã “khóc lóc sướt mướt” trong suốt phiên tòa hơn hai ngày. Trước khi Tòa tuyên án, các bị can được phép nói lời cuối. Chỉ có 4 bị can nói lời cuối cùng và xin khoan hồng. Trong số 4 người này không có Bác sĩ Phan Quang Đán.Sự việc chỉ có như vậy, và đã xẩy ra vào tháng 7 năm 1963, gần như đúng 60 năm. 

Đi vào thêm chi tiết về việc có khóc hay không có khóc trở thành câu chuyện buồn cười , vốn đã không đúng đắn ngay từ đầu. Nhưng thản nhiên ghi lại và phổ biến một cách tuỳ tiện một sự việc bịa đặt trong khi chính bản thân mình không có mặt rõ ràng là hành vi ác ý, bất xứng, đáng phỉ nhổ. Ở phần trên tôi có nhắc đến đoạn người viết ghi thêm là Bác sĩ Phan Quang Đán là “chủ tịch Hội sinh viên công giáo Việt Nam thời học ở Mỹ”. Thân phụ tôi theo Phật giáo và không hề làm chủ tịch hội sinh viên công giáo nào cả.Tôi viết bài này không phải để biện hộ cho lý lịch hay biện minh cho khí tiết của thân sinh. Cuộc đời của ông là bản tự truyện hùng hồn nhất. Tốt nghiệp y khoa tại Hà Nội, Sorbonne, Harvard, ông có thể hành nghề tại Pháp, Hoa Kỳ, Phần Lan, và nhiều nơi khác. Ông đã chọn Khánh Hội, và Bà Chiểu để mở phòng mạch. Từ thuở còn là sinh viên y khoa, ông đã tổ chức Đoàn Khất Thực thời nạn đói Ất Dậu, lãnh đạo Phong Trào Ngũ Xã chống cộng sản Việt Minh, chủ biên báo Thiết Thực, Bình Minh. Ông từng là Cố Vấn cho Cựu Hoàng Bảo Đại, Bộ Trưởng Thông Tin thời Chính Phủ Nguyễn Văn Xuân. Ứng cử Dân Biểu, Hội Đồng Tỉnh, Phó Tổng Thống liên danh Phan Khắc Sửu. Quốc Vụ Khanh, Tổng Trưởng Xã Hội, Phó Thủ Tướng Khẩn Hoang Lập Ấp kiêm Tổng Trưởng Xã Hội. Thời Đệ Nhất Cộng Hoà, đắc cử dân biểu với số phiếu cao nhất trên toàn quốc nhưng bị huỷ bỏ. Viết báo đối lập, nhà cửa và phòng mạch bị đập phá. Bị bắt, tra tấn và giam cầm, tuyên án 7 năm cấm cố. Từ Đoàn Khất Thực năm 1945 đến năm 1975, Ông đã điều khiển các chương trình cứu trợ tỵ nạn trong nước cũng như hồi hương từ Cam Bốt. Chức vụ sau cùng của Ông sau 1975 là Giám Đốc Bệnh Viện tại St. Thomas, Virgin Islands.

Có 3 lý do khiến tôi gióng lên tiếng chuông này. Trước tiên, như đã nói, im lặng có thể bị xem là chấp nhận. Thứ hai, nếu tôi không nói thì ai nói. Và sau cùng, nếu không nói bây giờ, biết đến bao giờ.

Danville, California Ngày 22 tháng 6, 2023 - 
Phan Quang Tuệ.

Ba nhà báo tên tuổi là Từ Chung (báo Chính Luận), Hiếu Chân (tên thật llà Nguyễn Hoạt làm báo Tự Do) và Chu Tử (tên thật là Chu Văn Bình làm báo Sống), ngay sau khi chế độ Diệm sụp đổ, trong “Lời Hiệu triệu các Nhà Văn Nhà Báo” đăng trên báo Ngôn Luận số ra ngày 4/11/1963, đã hối hận thú nhận rằng:

Mang danh là những người cầm bút chiến đấu cho Tự Do, Dân Chủ, giải phóng con người vậy mà trong thời gian vừa qua, vì cơm áo, khiếp nhược, đớn hèn, chúng ta đã nhắm mắt ăn dơ, đánh đĩ tâm hồn, phản bội sự thật, phản bội dân tộc, cam tâm làm gia nô cho bè lũ họ Ngô. Dù chúng ta có viện bất cứ lẽ gì để bào chữa, chúng ta cũng không thể chối cãi được tội lỗi của chúng ta đối với đồng bào, lịch sử...

Cách mạng 1/11/1963 là cơ hội duy nhất để chúng ta thoát khỏi cảnh huống bồi bút phi cầm phi thú, cơ hội duy nhất để chúng ta trở lại làm người đã tới... Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi văn nghệ sĩ, bằng máu và nước mắt, mồ hôi mà trong chín năm qua bè lũ họ Ngô đã làm hoen ố ...

Ông Cao Thế Dung, đảng viên VNQDĐ viết :
Gia đình trị Ngô Đình Diệm sát hại Miền Nam Việt Nam khi đem đảng Cần Lao Công Giáo vào Quân Đội VNCH .

Trích trong " Việt Nam Ba Mươi Năm Máu Lửa " của GS. Cao Thế Dung xuất bản tại Hoa Kỳ 1991.
Các Chúa Nguyễn trước năm 1760 đều là bậc hiền lương minh quân theo binh thư Đào Duy Từ, lấy dân làm chỗ thủ hiểm, đó là thượng sách để giữ Miền Nam chống lại Miền Bắc của chúa Trịnh, không bao giờ tách rời dân tộc, một sở cứ an toàn cho nên Chúa Nguyễn vẫn giữ quốc hiệu Đại Việt, vẫn tôn đế quyền của nhà Lê.

Song từ đời Trương Phước Loan, một quyền thần hung hiểm tham lam tàn ngược, tự xưng là Quốc Phó, song điều Loan làm cho vương nghiệp nhà Nguyễn sụp đổ là Loan đã chạy theo Mãn Thanh tách rời sở cứ dân tộc, bỏ cái tâm dân tộc, thay đổi cả cơ cấu toàn quân. Và đó là lý do đem đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

Bài học chiến tranh khởi nghĩa của Tây Sơn buổi đầu. Cộng sản Việt Nam áp dụng y như thế ở Bến Tre và ở Bình Định vào năm 1960, 1961 ... rồi lan rộng khắp Miền Nam. Điều này không lấy làm lạ, từ Học Viện Quân Sự Cao Cấp của Cộng Sản Bắc Việt đến các trường sĩ quan của Quân đội Cộng Sản, các tạp chí về chiến tranh, Bộ Quốc Phòng và Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị của Cộng Sản Việt Nam đã tập trung vào các chủ điểm qua binh thư, binh thuyết của tổ phụ Việt Nam, nhất là các trận đánh lớn, các vụ nông dân nổi loạn.

Đó là kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú và thực tiễn nhất mà các tướng lãnh và cán bộ của quân đội Cộng Sản Bắc Việt đã học được từ tổ phụ Việt Nam trong khi ở Miền Nam thì bỏ hẳn kho tàng mênh mông vô giá này về kinh nghiệm và trí tuệ quân sự.

Về Quân đội, một sai lầm khác của chế độ Miền Nam là đã đem đảng Cần Lao vào Quân Đội.

Cộng sản làm được điều này vì họ là Cộng Sản. Trung Hoa Quốc Gia làm được điều này vì Trung Hoa Quốc Dân Đảng là độc đảng và là đảng đã đẻ ra chính quyền Trung Hoa Quốc Gia và là đảng đã làm nên cuộc cách mạng Tân Hợi 1911. Đảng Cần Lao không phải là một đảng như vậy. Khi một cấp ủy Hạ sĩ quan Đảng ủy trong đơn vị chỉ đạo cấp Tá thì quân đội tất bị xáo trộn, mất tôn thống quân giai. Hơn nữa, đảng chỉ là đảng chính quyền nên đảng trở thành nấc thang công danh cho một số thành phần cơ hội.

Từ đầu năm 1957, đã có bất mãn trong quân đội, một phần lớn do sự hiện diện của đảng Cần Lao với một Quân Ủy gồm 6 người mà cả 6 người đều không có kinh nghiệm trong quân đội và quá nửa có quá trình " khố xanh khố đỏ " thời thuộc địa.

Tuy nhiên, một số sĩ quan, nhất là cấp Tá muốn tiến thân đã vào đảng tạo nên tình trạng kéo bè kéo cánh trong quân đội, kết quả lại thành thứ " gian nhân hiệp đảng " dưới thời Nguyễn Văn Châu làm Giám Đốc Tâm Lý Chiến, cấp Trung Tá làm Quân Ủy Trưởng ( sau 1963, Châu theo Cộng Sản hoạt động trong Hội Việt Kiều yêu nước ở Paris ). Bắt buộc phải tổ chức đảng trong một thể chế dân chủ và ở hoàn cảnh như Việt Nam Cộng Hòa sau 1954 song tổ chức đảng trong quân đội lúc ấy vốn vẫn còn đầy dẫy tướng tá xuất thân từ khố xanh khố đỏ và đội thông ngôn Phòng Nhì Pháp là một sai lầm tai hại. Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Đặng Văn Quang, Trần Thiện Khiêm......đều xuất thân từ đảng Cần Lao.

Gia nhập đảng Cần Lao dưới chế độ như Việt Nam Cộng Hòa không có gì đáng trách hay là điều đáng hổ thẹn hoặc là điều không tốt song, cái cung cách và ý đồ của người gia nhập đảng như Nguyễn Văn Thiệu hoặc Đặng Văn Quang và Trần Thiện Khiêm mới là điều đáng xấu hổ.

Lê Quang Tung xuất thân khóa 4 Thủ Đức, đầu năm 1963 đã lên Đại tá, 8 năm lên 6 cấp. Tuy nhiên, Tung là người có khả năng, còn Trần Ngọc Tám, đầu năm 1954 là Đại úy, đầu năm 1958 đã là Thiếu tướng chỉ nhờ có chân trong đảng và là con tinh thần của Giám mục Ngô Đình Thục.

Trong khi Đại tá Linh Quang Viên, cựu đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, giáo quan trường Lục Quân Yên Bái ( 1945-1946 ), Đại tá từ đầu năm 1954, Tư lệnh Đệ IV Quân Khu, đeo lon Đại tá cho đến sau đảo chính 1963. Nhiều người bạn cùng khóa với tác giả đeo lon Trung úy 9 năm ; Đại tá Nguyễn văn Thành, khóa I Nam Định, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6 - Sư đoàn 2 từ năm 1959, không vào đảng Cần Lao nên đeo lon Đại úy 9 năm, 7 năm làm Trung đoàn trưởng và kể cả thành phần ưu tú nhiệt tình ủng hộ chế độ như Đại úy Khiếu Hữu Diêu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù ... trong khi chỉ một thiểu số ( rất ít ) thăng cấp quá nhanh dù không bao giờ đi đánh trận hoặc lại là sĩ quan thiếu khả năng.

Hậu quả là đã xảy ra cuộc đảo chính 11.11.1960. Khác với cuộc đảo chính 1963, cuộc đảo chính năm 1960 hầu hết do thành phần sĩ quan ưu tú và thế hệ trẻ chủ trương. Họ đã nối kết được một số nhân sĩ và đảng phái, chủ yếu là Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Chủ lực của quân đảo chính là Lữ đoàn Nhảy Dù do Đại tá Nguyễn Chánh Thi làm tư lệnh. Cùng với Thi là Trung tá Vương Văn Đông, Trung tá Nguyễn Triệu Hồng và một số sĩ quan trẻ ưu tú vào lúc bây giờ như Phạm Văn Liễu, Phan Trọng Chinh. Lực lượng dân sự đứng sau yểm trợ gồm Mặt Trận Quốc Gia Đoàn Kết do nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam ( Việt Nam Quốc Dân Đảng ) lãnh đạo, Liên Minh Dân Chủ của nhóm Bác sĩ Phan Quang Đán và Hoàng Cơ Thụy, Lực lượng Thợ Thuyền của Bùi Lượng, cùng một số nhân vật tên tuổi như Vũ Hồng Khanh ( Việt Nam Quốc Dân Đảng ) ..............

Tiếng súng đảo chính 11.11.1960 vừa nổ thì cột trụ của chế độ đã bỏ trốn như trường hợp Nguyễn Văn Châu, Quân ủy Trưởng Đảng Cần Lao trong Quân Đội chạy trốn vào nhà dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Đồng. Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Công An, tướng Nguyễn Văn Là bỏ trốn sớm nhất đến trưa 12.11.60 mới vào Dinh trình diện Tổng Thống. Võ Văn Hải là người can đảm tìm đến Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông thuyết phục hai lãnh tụ đảo chính. Hải đưa ra một giải pháp :

" Giữ ông Diệm ở lại làm đại diện quốc gia, không quyền hành pháp, gạt bỏ gia đình Ngô Đình Nhu và Cẩn ra khỏi chính trường Việt Nam và cải tổ chính phủ ".

Cuộc đảo chính 11.11.60, xét theo binh thư thì đó là lỗi của ông Tổng Thống, Tổng Tư Lệnh, ông coi tướng tá như " con cháu trong nhà " thời xa xưa như Đỗ Mậu. Tuy ông rất có uy, có đức, song làm Tổng Tư Lệnh ông đi ngược lại binh pháp của tổ phụ :

" Công lao không việc nhỏ nào mà không chép để thưởng. Trị quân không theo lễ thì tướng nhỏ có thể lấn tướng súy, tướng súy có thể lấn thiên tử, họa loạn do đó mà sinh ra . "

Lễ đây là phải trọng binh cách của tướng tá vì lễ của võ quan, tiền nhân qui định khi võ quan "ngồi trên xe không phải chào ai" tức là uy quyền của binh cách.

Từ lúc tổ chức đảng Cần Lao trong quân đội, cái lễ binh cách đã mất. Một Nguyễn Văn Châu, cấp Trung tá, môt con người rất tầm thường mà làm đến Quân Ủy Trưởng Quân Ủy Trung Ương trong Quân Đội thì đây là nghịch thường trong khi quân đội Cộng Sản Bắc Việt, Quân Ủy Trưởng là một Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị là một Thượng tướng, cả hai đều là Ủy viên Bộ Chính Trị. Còn ở Nam Việt Nam, Đại tướng như ông Lê Văn Tỵ đều gọi sĩ quan mọi cấp bằng "mày", xưng " tao ", lại dùng cả ngôn ngữ tục tằn trước cả một Tư Lệnh Lữ Đoàn, bởi đó cũng chỉ là thừa kế " truyền thống " của Binh Đoàn Thuộc Địa Khố Đỏ Khố Xanh, mà ông Tỵ lại là ông tướng được coi là tướng có tư cách nhất trong hàng tướng lãnh Miền Nam.

" Mày, tao, y, mi " và chửi thề trở thành nếp sống trong Quân Đội

Miền Nam từ cấp tướng cho đến hàng binh, một quân đội cho đến năm 1963, vẫn chưa hiểu rõ bản chất của chiến tranh du kích mà tự nó đã là bản chất Việt Nam.

CAO THẾ DUNG
Năm 1952, ông Nguyễn Tôn Hoàn đã liên kết với một số đoàn thể như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và một cố nhân vật chính trị quốc gia như các ông Nguyễn Xuân Chữ, Lê Toàn, Ngô Đình Nhu thành lập Phong Trào Đoàn Kết Hòa Bình.

Phong Trào này một mặt đòi Pháp phải trả độc lập cho Việt Nam, một mặt đòi Quốc Trưởng Bảo Đại phải dân chủ hóa chế độ để đi đến một chánh phủ đoàn kết quốc gia chống lại cộng sản.

Với hiệp định Geneva 1954 cắt đôi đất nước, ông Ngô Đình Diệm được đưa về nước làm Thủ Tướng, ông Ngô Đình Nhu thấy cơ hội tốt đến với gia đình ông nên đã không giữ lời cam kết với các đoàn thể và nhân vật khác trong PTĐKHB là phải dân chủ hóa chế độ và thực hiện sự đoàn kết giữa người quốc gia.

Đại Việt Quốc Dân Đảng đã đứng lên chống lại xu hướng độc tài của gia đình họ Ngô. Ông Nguyễn Tôn Hoàn đã xuất ngoại để mở cuộc vận động ngoại giao. Trong khi đó, xứ bộ Trung Việt tổ chức chiến khu Ba Lòng, còn xứ bộ Nam Việt thì hợp tác với anh em Phật Giáo Hòa Hảo tổ chức một chiến khu ở Châu Đốc. Nhưng các chiến khu này đều đã bị tan vỡ trước sự tấn công của Quân Đội Quốc Gia. Ông Hà Thúc Ký xứ trưởng Trung Việt bị bắt cầm tù, một số anh em trong xứ bộ Nam Việt phải trốn sang Căm-pu-chia và Lào. Riêng ông Hùng Nguyên ( Nguyễn Ngọc Huy ) được gửi sang Pháp để phụ giúp ông Nguyễn Tôn Hoàn trong cuộc hoạt động bên ngoài nước. Các anh em còn lại trong nước đều lặn vào bí mật để hoạt động. Các anh em quân nhân thuộc xứ bộ Nam Việt ĐVQDĐ đã tham dự cuộc đảo chánh bất thành năm 1960 và đã đóng một vai tuồng tích cực trong cuộc đảo chánh lật đổ chánh quyền Ngô Đình Diệm vào tháng 11 năm 1963.

Bài Nói Chuyện Của Bà Quả Phụ Trịnh Minh Thế

Ngày 3 tháng 5 năm 1955, ngày chồng tôi mất, Ông trung tá tham mưu trưởng Trương Lương Thiện có về Tây Ninh báo tin và chở tôi và mẹ chồng tôi về Sài Gòn. Về đến nơi, lúc thấy xác chồng tôi là 1 giờ khuya. Khi ngồi bên xác chồng tôi, tôi mới phát hiện chồng tôi chết vì 2 viên đạn. Viên đạn thứ 1 từ ót trổ ra miệng, miệng còn ám khói đạn. Viên đạn thứ 2 từ lỗ tai phải trổ ra mắt trái, tròng mắt bay mất, mí mắt lõm xuống và còn nguyên vẹn không rách, lỗ tai còn ám khói đạn. Tôi có lấy khăn ướt lau chùi nhưng không sạch được! Nhìn 2 vết đạn này, tôi nghĩ là chồng tôi bị ám sát chứ không chết trận được vì 2 lỗ đạn rất nhỏ, nhỏ như đầu chiếc đũa và không phá rộng. Từ lúc đó tôi luôn luôn ở bên xác chồng tôi, tôi không ngủ, không ăn uống gì được cho đến trưa ngày hôm sau là liệm xác. Sáng hôm sau thì ông Ngô Đình Diệm cùng phái đoàn đến. Tôi có nhìn thấy ông Diệm té xỉu trước mặt tôi. Sau khi ông Diệm về, có mấy người em chồng tôi và các anh em trong đoàn thể Liên Minh đến thăm xác. Tôi có chỉ cho tất cả mọi người thấy là chồng tôi chết vì hai viên đạn. Khi chết chồng tôi mặc quân phục kaki vàng và bộ đồ đẫm máu đỏ; người em gái thứ 5 của chồng tôi đã đem về Tây Ninh đốt. Chính quyền Ngô Đình Diệm không giải thích gì về cái chết của Tướng Thế mà trái lại khi chôn cất chồng tôi xong thì có mấy người lạ mặt hăm he tôi không cho tôi nói là chồng tôi chết vì hai viên đạn, không cho nói gì về cái vụ của chồng tôi chết hết. Cho tới bây giờ thì cũng không có cái giấy xác nhận về cái chết của của chồng tôi, cái giấy khai tử tới nay bây giờ tôi cũng không có.

Ông Tạ Thành Long nói là chồng tôi chết khi đi khám mặt trận, nhưng theo 2 viên đạn bắn vào đầu đó thì tôi nghĩ chồng tôi bị ám sát bằng súng kề vô đầu bắn chứ khôngphảii là tử trận.

Nhắc đến ông Văn Thành Cao, cựu Thiếu Tướng và ông Tạ Thành Long, cựu đại tá của QLVNCH thì bà Trịnh Minh Thế cho biết, bà đối với 2 vị sĩ quan cao cấp đó như là tất cả các anh em trong đoàn thể Liên Minh mà thôi. Mãi đến năm 1993, khi anh em cựu chiến binh trong đoàn thể Cao Đài Liên Minh tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập quân đội Cao Đài, Ban Tổ Chức gởi vé máy bay mời tôi qua tham dư…Trong Đại Hội, tôi có gặp các ông Văn Thành cao và Tạ Thành Long. Riêng ông Tạ Thành Long thì đó là lần đầu tiên từ lúc chồng tôi chết tôi mới gặp lại. Chú Long có mời tôi tôi về nhà vợ chồng chú tá túc trong những ngày đại hội. Thật ra tôi có nghi ngờ là những người này có dính líu vào cái chết của chồng tôi, tôi nghi từ lâu rồi, nhưng chưa có bằng cớ rõ rệt nên tôi đối đãi mọi người như nhau. Từ khi nghe tin tức và tài liệu những người đó có dính líu đến cái chết của chồng tôi, thì tôi cắt đứt không liên lạc với những người đó nữa…

Bất đắc dĩ khơi lại đống tro tàn - Lê Nguyên Long

LTS: Tác giả bài này là một nhân sĩ miền Trung, lãnh tụ Việt Quốc vùng Nam Ngãi.
Trưởng thành qua những thời đại Phong kiến, Độc tài, Cộng Sản. Ông đã là chứng nhân của lịch sử cận và hiện đạiBài viết của ông sau đây, dù thuộc về một đề tài vốn đã được nói nhiều nhưng vì tính cách chứng nhân đó của tác giả mà nó vẫn có cái giá trị riêng biệt của nó - cần thiết cho một cái nhìn đúng đắn về lịch sử. – KP, 1981

Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm bị hạ sát cách đây đã gần hai thập niên, sự việc đã chìm vào quên lãng, đáng lẽ những ân oán xa xưa chẳng nên đề cập, nhưng hơn vài năm nay nơi hải ngoại, một vài tổ chức đã phát động phong trào suy tôn ông Diệm.!!!

Một vài tờ báo đã đề cao ông Diệm như: "Lịch sử đã ghi tên Ngô Đình Diệm là một vĩ nhân cận đại, lịch sử đã ghi nhận Ngô Đình Diệm là một nhà đại ái quốc, một người Việt Nam kiêu hùng, một cứu tinh của dân tộc v.v... .." và đã có nhiều kẻ từng thừa hưởng đỉnh chung củanhà Ngô đã lập luận: "Nếu ông Diệm không chết thì chúng ta đã không mất nước!".

Kẻ viết bài này thật sự luôn luôn thiết tha với tình tự đoàn kết quốc gia dân tộc, không muốn khơi lại đống tro tàn ô uế dĩ vãng...

Đã bỏ nước đau khổ lưu vong thôi thì tất cả ai cũng chống Cộng là đồng chí, là anh em... nhưng thiết nghĩ Sự Thật chẳng thể bẻ cong, nhất là sự thật lịch sử phải trả cho lịch sử.

Lịch sử Việt Nam không thể gọi vua Long Đỉnh Ngọa Triều là anh quân, Mạc Đăng Dung là ông vua anh hùng, Lê Chiêu Thống là ông vua cứu nước.

Vậy thì sự thật như thế nào về thời Ngô Đình Diệm phải được minh định để trả sự thật về cho lịch sử.

Từ ngày được Hồng Y Spellman đỡ đầu, được Chính phủ Eisenhower ủng hộ, được Quốc trưởng Bảo Đại chấp nhận, ông Ngô Đình Diệm từ Hoa Kỳ về chấp chánh ở Việt Nam năm 1954, trong khi Hiệp định Genève sắp kết thúc, (tháng 7-1954).

Lúc đó, lòng dân thật tình hướng về ông Ngô Đình Diệm. Người ta đã nghĩ ông Diệm sau khi từ quan, chu du ngoại quốc, chắc hẳn là một nhà lãnh đạo quốc gia xứng đáng.

Hầu hết các phe phái và các nhân vật quốc gia đã nồng nhiệt tin tưởng và kỳ vọng ở ông Diệm. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn cầm quyền, chủ trương độc tôn, độc tài, phản bội, lật lọng, phong kiến, thối nát, bất lực,kỳ thị của nhà Ngô đã lần lượt thể hiện...khiến những người vốn tích cực ủng hộ ông Diệm, đến những người vô tư khách quan với ông Diệm lần lượt đứng lên chống đối và nhà Ngô đã dùng thủ đoạn sắt máu đàn áp để củng cố địa vị suốt 9 năm cầm quyền.

Có thể nói trừ chế độ Cộng Sản ra, chưa có một chế độ nào ở Việt Nam đã đàn áp, thủ tiêu, ám sát, bắt cóc, tra tấn, cầm tù hàng vạn người quốc gia cũng như các tu sĩ các tôn giáo như thời Diệm.

Trừ Cộng Sản ra, chưa có một chế độ nào đã thẳng tay đàn áp đối lập để củng cố địa vị như chế độ ông Diệm.

Chưa có một chế độ nào phản dân chủ và khinh thị lợi dụng nhân dân làm cái bung xung để hợp thức hóa các chức vụ theo ý muốn của mình bằng cách tổ chức những cuộc bầu cử gian lận như chế độ ông Diệm.

Tất cả những ai chỉ ở thủ đô hoặc các thành phố lớn khó lòng thấy rõ chánh sách gian ác, hành động bất nhân, phản dân hại nước của chế độ Diệm, mà phải quan sát ở các tỉnh, quận, nông thôn (90% lãnh thổ toàn quốc) mới thấy rõ tội ác của tay chân nhà Ngô một thời... mà có người đã nói: Trúc Nam Sơn không thể chép hết tội, nước muôn sông không thể nào rửa hết nhơ!

Rõ ràng ông Diệm đã có một cái may mắn mà chưa có một nhân vật lãnh đạo quốc gia nào sau 1945 được cái may mắn như ông kể từ Chính phủ Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm đến Bửu Lộc là:

Đất nước đã tạm chấm dứt chiến tranh, dân tình phấn khởi bồng bột ủng hộ người lãnh đạo và được ngoại viện dồi dào như ông Diệm.
Ông Diệm cầm quyền sau Hiệp định Genève, khoảng 6 năm trời từ 1954 đến 1959 miền Nam không có chiến tranh và chưa có Cộng Sản hoạt động đáng kể.

Từ thành thị đến thôn quê quốc gia có thể kiểm soát chặt chẽ khắp hang cùng ngõ hẻm. Đại đa số dân chúng nông thôn ở các vùng Cộng Sản chiếm từ trước như Nam, Ngãi, Bình, Phú chẳng hạn, đã chán ngấy thù ghét Cộng Sản và đều ngã về Quốc gia.

Ông Diệm còn có một kho cán bộ kinh nghiệm chống Cộng, vốn mắc kẹt trong vùng Cộng Sản hoặc một số lớn thị thành, vì mặc cảm làm việc cho Pháp, đã "trùm chăn",nay vươn mình đứng lên tích cực ủng hộ cho Ngô Thủ tướng. Lúc ấy ở miền Trung có hàng nghìn cán bộ không cần làm việc có lương nhiều, chỉ sao đủ sống đạm bạc để hoạt động chống Cộng là họ thỏa chí.

Bao năm khổ đau sống trong tăm tối của Cộng Sản, nay ánh sáng quốc gia rọi về, họ hứng khởi đứng dậy, lửa chống Cộng bừng bừng, khí thế Cộng Sản lụi tàn.

Nhưng ngay lúc đó, ông Diệm và tay chân của ông lo diệt người Quốc gia hơn là Cộng Sản, một thời cơ thuận lợi để nắm dân ông Diệm đã đánh mất!

Những cuộc bầu cử như Trưng Cầu Dân Ý truất phế Bảo Đại, bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, Lập Pháp, Tổng thống đều hoàn toàn gian lận vi luật trắng trợn.

Ông Diệm đã hạ lệnh cho quân đội tấn công Hòa Hảo, Cao Đài vốn là những lực lượng chống Cộng, hữu hiệu từ 1945 đến bây giờ và nếu ông Diệm không độc tôn đã có thể đoàn kết thu hút họ.
Ông đã lường gạt tướng Lê Quang Vinh, người hùng Nam Bộ, từng lập chiến khu chống cả Pháp lẫn Cộng về hợp tác, rồi bắt chặt đầu.

Cái chết bí mật của tướng Cao Đài Trình Minh Thế cũng trong nghi vấn là ông Diệm đã giết.Và, ác nghiệt hơn cả, nhà Ngô đã tuyển chọn quân đội người Nùng - một binh chủng thiện chiến say máu - thời bấy giờ, và các chỉ huy trưởng có đảng tịch Cần Lao cầm quân vào các chiến khu Quốc Dân Đảng ở miền Trung với ác lệnh: giết sạch. Sự tấn công vào các chiến khu Quốc Dân Đảng còn tàn độc hơn hồi giặc Pháp đi "càn quét" nhiều.

Đốt thực phẩm đốt nhà, tra tấn giết người một cách tàn ác đã xảy ra ở Quế Sơn, Tiên Phước, Duy Xuyên v.v... vào những năm 1955-1956.Với lối tấn công ấy, nhà Ngô đã phá vỡ được chiến khu Ba Lòng của Đại Việt, nhưng không thể tiêu diệt các chiến khu Quốc Dân Đảng.

Thuở đó quân du kích Quốc Dân Đảng Nam Ngãi đã giáng cho chính quyền địa phương Diệm nhiều đòn chí tử. Biết rõ không thể tấn công để thủ thắng, cuối cùng Ngô Đình Cẩn, bào đệ ông Diệm, lập kế mời về hợp tác. Làm kế phỉnh gạt, hơn 2000 nghĩa binh Quốc Dân Đảng kéo về với đầy đủ vũ khí và làm lễ hợp tác tại Hội An cuối năm 1956.Nhưng sau đó bọn họ đều bị thủ tiêu và lần lượt bị bắt đi mất tích. (Khi ông Diệm đổ, một số trong bọn họ đã được thả ra, nhưng đều thân tàn ma dại).
Thiết tưởng kẻ viết cần trình bày rõ là Quốc Dân Đảng miền Trung lúc đầu ủng hộ ông Diệm tích cực.

Họ đã lên án Nguyễn Văn Hinh và ủng hộ ông Diệm để chống Cộng. Họ đã có cán bộ giữ chức vị Tỉnh trưởng và Quận trưởng ở hai tỉnh lớn Nam Ngãi (Quảng Nam Tỉnh trưởng Lê Trung Chi, Quảng Ngãi Phạm Đình Nghị).

Phong trào tố Cộng ly khai Cộng Sản, xé đảng kỳ Cộng Sản, bắt đầu tháng 10-1954 do họ tiên khởi phát động ở Quảng Nam rồi sau mới lan ra toàn quốc, nhưng tay chân nhà Ngô nhận định:

Nếu để uy thế Quốc Dân Đảng miền Trung lan tràn thì Phong trào Cách mạng Quốc gia và đảng Cần Lao Nhân Vị do nhà Ngô đẻ ra sẽ tuyệt địa.

Nên ông Diệm bất thần giải chức các Tỉnh trưởng và bắt giam hàng loạt các Quận trưởng Quốc Dân Đảng ở hai tỉnh Nam Ngãi và mật lệnh triệt hạ toàn bộ Quốc Dân Đảng (lại vu cáo Quốc Dân Đảng theo Pháp).

Và, vì cớ ấy, khoảng tháng 3-1955 Quốc Dân Đảng miền Trung lập chiến khu để tự vệ và để quật khởi chống Diệm.

Trong suốt 9 năm ông Diệm cầm quyền, thời gian đó ở nông thôn cơ quan nào cũng có thể bắt người. Công an bắt người, Xã trưởng bắt người, Cách Mạng Quốc Gia (phong trào đẻ ra từ nhà Ngô) cũng bắt người rồi giao cho Công an trừng trị.
Nhưng ghê tởm nhất là đoàn "Mật Vụ Miền Trung" do Ngô Đình Cẩn đỡ đầu.
Đó là đoàn hung thần toàn quyền sinh sát.

Đoàn có quyền đi khắp nơi, đến đâu địa phương phải tiếp rước chu đáo. Đoàn cần bắt ai thì giao cho Công an đi bắt bất kỳ đêm ngày.

Nếu tra tấn chết thì Quận trưởng và Công an phải lập biên bản hợp thức hóa sự chết và bị bắt không cần phải có chứng cớ chỉ bị nghi chống Chính phủ là bị bắt.

(Tại Long Beach, California có một đồng hương từ ngày vào đất Mỹ đến nay, vẫn nằm bẹp ở nhà, vì bệnh cũ tái phát, hậu quả của sự tra tấn tàn độc của mật vụ Diệm). Hầu hết viên chức chính quyền từ Quận trưởng, Ty trưởng, Tỉnh trưởng ở miền Trung được bổ dụng thời đó, không phải vì khả năng chuyên môn hay tài đức, mà vì lòng trung thành hay mức quỳ lụy cao thấp đối với gia đình nhà Ngô thôi.

Phần lớn viên chức chỉ huy cấp Tỉnh, Quận được bổ dụng do một người ở hậu trường định đoạt. Đó là ông Ngô Đình Cẩn, bào đệ ông Diệm, với chức vụ "Cố vấn Chỉ đạo" Phong trào Cách mạng Quốc gia (chức vụ này trên danh nghĩa là một tổ chức nhân dân, nhưng trên thực tế là quyền quyết định tối hậu) cũng như ở miền Nam thì do vợ chồng ông Nhu định đoạt.

Cũng vì lối bổ dụng đặc biệt này mới có tên Nguyễn Văn Tất nguyên là hương bộ thôn thời Pháp thuộc, nghiễm nhiên thành Tỉnh trưởng Quảng Ngãi; Lê Gia Quyến, cán bộ phù động hạng chót, bỗng nhiên là Quận trưởng Trà Bồng. (Hai tên này khi Diệm đổ thì bị bắt) và còn hàng chục hàng trăm trường hợp bổ dụng tương tự kể sao cho xiết. Cũng vì lối bổ dụng này mới có tên Thái, Quận trưởng Điện Bàn, mỗi khi đi hành hạt có điều phật ý là cầm "ba tông" đánh xả lên đầu viên chức xã. Cũng vì lối bổ dụng này mà các Tỉnh, Quận trưởng mỗi khi về chầu hầu ông Cố vấn chỉ đạo, ông đều xem như tôi tớ, xưng hô "mày tao" nhưng bọn vô liêm sỉ này vẫn gật đầu vâng dạ và xem sự điếu đóm chầu hầu "cậu" là một diễm phúc có hy vọng thăng quan tiến chức hoặc giữ vững địa vị.

Trước 1954 các Xã trưởng đều được dân bầu, nhưng thời Diệm đã bãi bỏ bầu cử các viên chức Xã. Lại cho quyền Quận trưởng đề nghị lên Tỉnh trưởng bổ dụng hoặc cách chức viên chức xã, ấp. Vì thế các Xã trưởng, ấp trưởng là những tôi tớ của Quận, Tỉnh hoàn toàn không phải của dân.

(Điểm này phải khen ông Diệm thành thật. Tuy phản bội nguyên tắc dân chủ trắng trợn, nhưng lại có minh văn. Nghị định bãi bỏ bầu cử xã 1956). Vì bộ máy chính quyền gồm toàn tay sai, tổ chức theo lối gia nô hóa cho nhà Ngô như vậy,cho nên đã gây ra bao nhiêu tham nhũng bất công, tang tóc, tù đày cho lương dân vô tội nơi nông thôn. Mỗi một chính sách của nhà Ngô đưa ra là dân chúng kinh hoàng.

Quốc sách Dinh Điền nghe thuyết trình thì thật hay nhưng thi hành thì lệch lạc sai quấy. Cán bộ Xã, Ấp cứ nhằm những người mình thù ghét hoặc cần làm tiền thì ép buộc phải đi dinh điền. Thế cho nên ở một vài tỉnh đã có người tự tử vì bị ép buộc.

Còn những người chịu đi Dinh Điền, khi đến nơi lại bị cán bộ dinh điền hành hạ, đối xử bất công, ăn chận của cấp phát v.v... nhiều sự không tốt xảy ra khiến họ chán nản trốn về, vì vậy tỉnh nào cũng có người ở tù vì chống phá quốc sách dinh điền.

Quốc sách Dinh Điền của nhà Ngô trừ một vài vùng tương đối thành công, còn phần lớn, hàng chục vùng Dinh Điền khác đều thất bại hoàn toàn. Dân chúng lũ lượt trốn về quê, rồi bị bắt bớ đánh đập đã tổn phí tiêu hao không biết bao nhiêu công quỹ!

Nhà "lãnh đạo anh minh" có lần đi kinh lý một vùng dinh điền nhìn thấy những cây ăn trái được trồng trọt tốt tươi, ngay thẳng, ông ta ban khen, nhưng chính đó là những nhánh cây vừa được chặt cắm xuống đất trong ban đêm, do sáng kiến của khu trưởng Dinh Điền chào mừng Tổng thống.

Về Quốc sách Ấp Chiến Lược là một quốc sách vô hiệu, nhưng đã làm phiền nhiễu hành hạ dân chúng không thể kể xiết. Ấp Chiến Lược trước hết là phải rào làng-Xã, Ấp bằng nhằm vào những nhà có của khá giả trong làng đe dọa sẽ bỏ ra ngoài vòng rào vì những lý do "tiện" hoặc "bất tiện" theo ý của họ.

Thế là màn trà nước van xin được diễn ra (vì bỏ ra ngoài rào là chết). Rồi đến khi rào làng, thì dân chúng phải tự nai lưng ra tìm kiếm vật liệu như tre, gai, cọc gỗ v.v...và bỏ công đi rào ngày này qua ngày nọ. Còn quỹ Ấp Chiến Lược do Mỹ viện trợ phần nhiều do Tỉnh trưởng, Quận trưởng chia nhau bỏ túi hoặc làm kinh tài cho "Cậu".

Sự rào các Xã cho đúng tiêu chuẩn là một điều kiện khó khăn mà dân làng không đủ sức vì quá tốn kém. Vì vậy Ấp Chiến Lược chỉ được rào kỹ một vài đoạn bề mặt để trình diện và để báo cáo.Còn lại, thì chỉ rào sơ sài, ai ra vào cũng được. Nhưng mỗi tháng một lần, Xã, Ấp lại đốc xuất dân kiếm vật liệu như tre, gai đi tu bổ. Người dân biết rõ ràng rào Xã, Ấp như kiểu họ đang làm là một điều vô ích, chẳng ngăn ngừa gì được Cộng Sản, nhưng phải bỏ công đi rào vì không thể không tuân lệnh.

Trên đây là một vài nét điển hình về những quốc sách kỳ công của ông Diệm. Thời Ngô, những sự xây dựng cơ cấu dân chủ như bầu cử Quốc hội, Tổng thống là những Trò Hề. Khi chưa bỏ phiếu người dân đã biết rõ ai trúng ai trật một cách chắc chắn.

Một Dân biểu thời Ngô, người Thừa Thiên, được chỉ định ra ứng cử tại Quận Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam có cái tên mà dân chúng địa phương không biết y là đàn ông hay đàn bà vẫn đắc cử với số 99% với số phiếu.
Đó là ông Lâm My Bạch Tuyết. (Dân biểu này có liên quan trong một vụ buôn gạo của Ngô Đình Cẩn cho Cộng Sản Bắc Việt, bị bắt quả tang, nhưng Tòa án không giám xử).

Dân chúng Ninh Thuận vẫn còn nhớ trong năm 1956, ứng cử viên Dân biểu đơn vị Ninh Thuận là ông Trần Trung Dung, cháu rể ông Diệm, từ chức Thứ trưởng Quốc phòng để ra ứng cử.Khi ra Ninh Thuận "tranh cử", ứng cử viên Trần Trung Dung đã được Tỉnh trưởng Ninh Thuận Hồ Trần Chánh tổ chức một cuộc tiếp rước linh đình trọng thể. Dân chúng và học sinh đứng hai bên đường từng đoàn từng đoàn từ ga Tháp Chàm về đến tỉnh lỵ Phan Rang để hoan hô ứng cử viên Khi ông Dung bước lên diễn đàn để tuyên bố: "Ngày trước Ngô Tổng thống cai trị ở đây, ngài biết rõ dân tình ở đây nên nhờ tôi ra ứng cử ở địa phương này để có thể đạo đạt nguyện vọng nhân dân lên Tổng thống v.v..."

Rồi sau đó ứng cử viên Dung được tiếp rước về nhà Công quán của Tòa Hành Chánh Ninh Thuận có lính hầu hạ canh gác trước sau. Chưa bỏ phiếu, dân Ninh Thuận đã biết chắc ông Dung sẽ đắc cử 99% số phiếu.

Ai cũng chửi ông Thiệu độc diễn. Nhưng sự độc diễn của ông Thiệu còn thật thà hơn ông Diệm, là khi ông Diệm ứng cử nhiệm kỳ 2 (1961) có các ông Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Đình Quát dàn cảnh. Mỗi lần ông Quát, ông Truyền đọc diễn văn tranh cử trên đài không có ai nghe được gì hết vì đài bị phá.

Cán bộ các ông ấy đi về các tỉnh vận động liền bị Công an tổ chức những nhóm anh chị du côn hăm dọa họ xin tý huyết. Khắp nơi, ngày bỏ phiếu họ trốn về không dám ở lại các tỉnh. Vậy mà sau khi kiểm phiếu Quận trưởng, Xã trưởng phải... chịu khó tráo sửa biên bản để Ngô Tổng thống được 95% số phiếu.

Về kinh tế, tất cả tài nguyên từ trên núi xuống bể, mọi dịch vụ tài chánh từ Quảng Trị đến Cà Mau, thượng vàng hạ cám, đều do tay chân quyến thuộc nhà Ngô bao thầu, thao túng, chiếm đoạt khai thác. Người viết không muốn bẩn bút nhắc đến những ai trong thân tộc hoặc tay chân Ngô triều vốn là Tay trắng chỉ trong vài năm "làm kinh tài cho đoàn thể" đã trở nên triệu phú kếch xù! Ông Diệm nói chống Cộng nhưng tất cả việc làm của Ngô triều đều bắt chước Cộng Sản. Cộng Sản bắt dân suy tôn Hồ Chí Minh thì ông Diệm cũng bắt dân suy tôn mình. Cộng Sản có Quốc Hội bù nhìn, thì ông Diệm cũng tổ chức một cái Quốc Hội nghị gật tay sai.

(Quốc Hội gì mà cả một khóa họp chỉ ê a thảo luận các luật gia đình để có lợi cho bà "Đệ Nhất Phu Nhân"?)

Cộng Sản có cái đảng Lao Động làm nòng cốt, Mặt Trận Cứu Quốc Liên Việt làm ngoại vi, thì ông Diệm cũng có cái Đảng Cần Lao làm cốt và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, Tập Đoàn Công Dân, Phụ Nữ Liên Đới làm ngoại vi. Nhưng có một điều khác là Cộng Sản, từ Đảng đẻ ra chính quyền, còn ông Diệm thì có chính quyền rồi mới dùng nhân sự, phương tiện của chính quyền đẻ ra Đảng. Nên tất cả tổ chức của ông Diệm chỉ là bèo bọt, chính quyền đổ thì đảng đổ theo. Cộng Sản độc quyền ái quốc, ai khác mình là phản động Việt gian, thì ông Diệm cũng độc quyền chống Cộng, ai khác mình là Cộng Sản phải giết! (Đã biết bao người chống Cộng, từng bị Cộng Sản giam cầm, đến khi ông Diệm cầm quyền thì hồ sơ của họ trở thành là những người hoạt động cho Cộng Sản!

Biết bao đảng viên Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân một sớm một chiều hồ sơ của họ biến thành Cộng Sản di hại cho họ mãi sau khi ông Diệm đổ).Cộng Sản có chủ thuyết Mác Xít, giai cấp đấu tranh thì ông Diệm cũng ráng nặn ra cái chủ nghĩa nhân vị nhưng hoàn toàn vô vị... (vô vị vì ngoài tay chân ông Diệm ra toàn dân có ai để ý hoặc tìm hiểu các thuyết nhân vị là gì đâu?).

Cộng Sản có hiến pháp nhưng không bao giờ thực thi, thì ông Diệm cũng bắt chước mà dẫm nát lên Hiến Pháp của mình.

Tự do đi lại, hội họp, ngôn luận v.v... những quyền tối thiểu ấy có ghi trong Hiến Pháp, nhưng suốt 9 năm ông Diệm cầm quyền có bao giờ thực thi đâu?.

Báo chí thời Diệm trừ tờ Thời Luận của ông Nghiêm Xuân Thiện bị đóng cửa đưa ra Tòa và tờ Tân Dân của Cụ Lộc phải đình bản, còn tất cả đều nói theo luận điệu của đài Sài Gòn. Thế cho nên bao nhiêu hành vi gian ác bất lương,tham nhũng của tay chân cán bộ nhà Ngô có bao giờ được công khai phanh phui như trong các Chính phủ khác?.

Từ xưa đến nay chưa có một vị lãnh đạo quốc gia nào làm phiền nhiễu dân chúng như ông Diệm. Mỗi lần ông Diệm đi kinh lý một tỉnh nào thì toàn dân tỉnh ấy phải chuẩn bị cơm nước từ khuya, quần áo tươm tất, đi bộ lên tỉnh để cầm cờ tung hô ông Diệm.

(Gia đình nào không có lý do chính đáng mà vắng mặt sẽ bị Xã, Ấp ghi vào sổ đen rất nguy hiểm).

Còn các cơ quan Hành chánh, Quân sự Tỉnh, Quận được huy động tối đa trong việc đón tiếp. Phải bố trí công an chìm nổi, phải tổ chức huấn luyện cho những người đứng gần ông Diệm thưa bẩm những gì... phải dàn cảnh sao cho xôm tụ, cho Tổng thống hài lòng.Thành thử dù nghìn lần đi kinh lý, ông Diệm chỉ thấy cái giả dối, hào nhoáng bề ngoài, làm gì biết được ẩn tình dân chúng bên trong..Thời gian ông Diệm cầm quyền ở nhiệm kỳ I, trong nước chưa có chiến tranh nhưng mọi tự do đều bị bóp nghẹt:không có giấy chứng nhận đi bầu cử thì không được ra khỏi làng để đi chợ..

Có một điều kỳ lạ tại sao ông Diệm lại bãi bỏ Lễ Tổ Hùng Vương? nhưng có người mách: điều kỳ lạ này có thể hỏi Đức Cha Cố Vấn cho ông Diệm..

Về việc kỳ thị tôn giáo, bản thân kẻ viết không muốn nhắc đến. Chỉ mong sao các tôn giáo hiện tại tâm thành Đoàn Kết trước quốc thù Cộng Sản vì tất cả các tôn giáo đều đã bị đại khủng bố ở quê nhà.. Nhưng vì có kẻ biện hộ ông Diệm đã nói:

Họ chưa thấy ông Diệm ký một sắc lệnh nào nâng đỡ ưu tiên cho Công giáo hay bóp nghẹt Phật giáo mà gọi là kỳ thị?.

Vụ tranh đấu Phật giáo đâu phải bất thần nổ ra từ Phật Đản 1963 mà nó đã tiềm tàng âm ỉ từ nhiều năm về trước.

Thời ông Diệm tại miền Trung, mỗi tỉnh có một vị Linh mục hầu như cố vấn và giám sát Tỉnh trưởng. Những Tỉnh trưởng nào dù lương hay giáo, nếu có hành vi trái ý vị Linh mục thì rất khó tại vị.

Vị linh mục sẽ đề nghị lên ông Cố vấn chỉ đạo Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia (ông Ngô Đình Cẩn) có biện pháp (hoặc thuyên chuyển hoặc cách chức)..

Vì cảm thông uy quyền ngầm của các vị Linh mục, nên các Tỉnh, Quận trưởng thời nhà Ngô không có ai gan làm trái ý những yêu cầu, đề nghị của các vị Linh mục.

Nhiều vùng Linh mục đi giảng đạo nơi nào, có thể yêu cầu Xã trưởng cho mượn Trụ Sở Xã, triệu tập dân xã v.v...

Trong khi đó các tôn giáo khác muốn hội họp phải xin phép khó khăn. Nhiều Linh mục còn lộng hành hơn nữa là nhận đơn kiện cáo hoặc thỉnh nguyện của các con chiên, rồi phê vào đơn, đưa đến Quận trưởng bảo xử theo ý của Linh mục..

Người ta rỉ tai nhau cho biết các Cha rất có thế lực. Cứ vào Công giáo sẽ như ưu dân, sẽ được đề bạt v.v...

Có nhiều Linh mục tổ chức Hội chợ, tổ chức sổ số Tombola không cần giấy phép Bộ Nội Vụ. Khi tiêu thụ Tombola, các Linh mục đã nhờ các Quận trưởng gởi cho các xã bán. Nhiều xã đã xuất công quỹ để mua Tombola ủng hộ các Cha.

Người viết biết rất rõ có một nhà thờ ở một tỉnh miền Trung, do Tỉnh trưởng dùng uy quyền chiếm trên 2 mẫu đất công, ở một địa điểm tốt đẹp và lươn lẹo dùng phương tiện công quỹ của tỉnh để xây cất tòa nhà thờ đồ sộ ấy.

Công việc nửa chừng thì ông Diệm đổ, viên Tỉnh trưởng bị bắt và nhà thờ xây cất nửa chừng phải bỏ dở.

Còn biết bao nhiêu tranh chấp lặt vặt phi lý như những thắng cảnh từ lâu vốn là của Phật giáo như Núi Bút Quảng Ngãi, Ngũ Hành Sơn Quảng Nam, chính quyền địa phương đã muốn giúp các linh mục thiết lập nhà thờ ở những nơi ấy nhưng đã bị Phật tử phản ứng quyết liệt.

Thời gian thuận lợi 1954-1958 bất kỳ ai cũng có thể cầm quyền làm bằng hoặc hơn ông Diệm. Không cần ông Diệm chống Pháp, Pháp cũng rút, vì Hiệp định Genève đã quy định, và vì Pháp đã ký kết với chính phủ Bảo Đại giao trả độc lập cho Việt Nam.

Trước khi ông Diệm về chấp chánh đã có gần 40 nước trong thế giới Tự Do công nhận và bang giao với Việt Nam kể cả Anh, Mỹ và Tòa Thánh Vatican. Nếu nói những khó khăn của ông Diệm thời đó,thì cũng phải nói đến những thuận lợi, tiện nghi của ông Diệm trong việc tiếp thu một chính quyền có sẵn tất cả và Đất Nước Đã Chấm Dứt Chiến Tranh.

Đến đây kẻ viết muốn hỏi nhỏ quý vị đang suy tôn ông Diệm: Ông Diệm từ một đường quan Tri Huyện, lần lượt lên Quản Đạo, Tuần Vũ rồi Thượng thư Bộ Lại, nếu thật sự chống Pháp, sao đường công danh của lãnh tụ quý vị lại hanh thông như vậy?(trong thời Pháp thuộc muốn xin một chân giáo viên mà có thành tích chống Pháp bị ty Liêm Phóng (Service de Sureté phê "Avis défavorable" vào hồ sơ là đương sự xem như... "lúa", chỉ có về nhà... xua gà cho vợ). Vậy tại sao đường công danh của "chí sĩ" Ngô Đình Diệm lại lên vùn vụt?.

Việc từ quan của ông Diệm chỉ vì chống nhau với ông Phạm Quỳnh đương triều, nhưng ở đây người viết không đề cập đến vấn đề đó.

Ông Diệm tự phong mình là người thành tín quân tử, nhưng việc truất phế Bảo Đại là Đại Phản Phúc. Nếu nói chống ông Bảo Đại, thì ai cũng có quyền chống, nhưng trừ ông Diệm. Vì cha, anh ông Diệm và cả ông Diệm vốn là tôi con nhà Nguyễn.

Ông Bảo Đại trên nguyên tắc đã tín nhiệm ông Diệm, đã phú thác việc nước cho ông Diệm và ông Diệm đã phục mệnh. Trước và sau khi truất phế ông Bảo Đại, ông Diệm, (qua Bộ Thông Tin) đã thuê bọn bồi bút (hầu hết báo chí thời Diệm) mở một chiến dịch dài hạn đả kích, bêu xấu, vu cáo nhục mạ ông Bảo Đại một cách tàn tệ.

Thiết nghĩ một người có lương tâm tối thiểu, không ai nỡ hành xử như thế!

Cũng phải khen việc "Trưng cầu dân ý" tổ chức thật chu đáo. Đến Bà Từ Cung mà cũng bỏ phiếu truất phế ông Bảo Đại!.

Tóm lại: Ông Diệm Đã Làm Hỏng Đại Cuộc, đã sát hại nhiều phần tử quốc gia, đã tự tâm thiên vị làm hư Công giáo, đã kỳ thị khủng bố Phật giáo đã Lường Gạt Phản Bội Và Vô Cùng Tham Quyền Cố Vị. (Ông đã vận động Quốc Hội thông qua đạo luật cho ông ứng cử lần thứ 3).

Do những hành động tham nhũng, đàn áp, khủng bố đại thất nhân tâm như đã kể trên, của bộ máy chính quyền gia nô, do ông lãnh đạo, đã xô đẩy hàng hàng lớp lớp thanh niên, phụ lão, những người vốn không phải Cộng Sản đã ngã về Cộng Sản.

Ông Diệm hô hào chống Cộng, độc quyền chống Cộng, cho đến đầu năm 1963 thì toàn quốc ở trong cái thế cài răng lược với Cộng Sản và ông đã tuyên bố trước đó: "Tổ Quốc Lâm Nguy!".

Sau khi ông chết, thì tay chân tôi tớ ông vẫn cầm quyền. Hậu quả của Ngô Đình Diệm để lại sau 63 là một ngôi nhà mục nát sửa sang gì cũng khó lòng đứng vững. Bàn cờ nhà Ngô đã đi bậy bạ...

Khi sang tay khác đánh cờ, nếu gặp phải tay cao thủ thì còn có thể gỡ gạt..., nhưng không may, bàn cờ lại rơi vào các tay thấp như vịt, cho nên họ chỉ loay hoay lên Tướng, xuống Sĩ và giục Tốt mà thôi!

Trách Mỹ lật đổ nhà Ngô ư?

Mỹ bồng nhà Ngô lên thì Mỹ lại hạ nhà Ngô xuống,có gì mà đáng trách.

Sau khi ông Diệm chết, tay chân nhà Ngô còn trong quân đội, trong chính quyền đã âm mưu phá nát thêm Quốc gia, bí mật mở cửa cho Cộng Sản thao túng vì muốn chứng tỏ:

Không có "Cụ" của chúng thì tai hại thế đó. (Đây là một hiện tượng nguy hiểm cho quốc gia sau ngày Diệm đổ mà ít ai để ý).

Chỉ tiếc Dương Văn Minh nhu nhược, đã lật Diệm mà chỉ lật nửa chừng, chỉ hạ cái chóp bu còn tay chân vẫn để y nguyên như cũ, sau Diệm có thể gọi là "Diemist sans Diem".

Cuộc lật đổ nhà Ngô năm 1963 đáng lý là một cuộc cách mạng vì đã nối tiếp tinh thần quật khởi chống bạo quyền của dân Việt, nối tiếp những hành động đại nghĩa hy sinh liên tục của các chiến sĩ quốc gia dưới thời Diệm trị.

Ta có nên kể lại từ một thanh niên Cao Đài hành động như một Kinh Kha tại Ban Mê Thuột năm 1955,từ các sĩ quan Nhảy Dù bao vây dinh Độc Lập 1960, từ 2 phi công ưu tú Phạm Phú Quốc, Nguyễn Văn Cử bắn phá dinh Độc Lập 1962 và biết bao nhiệm vụ mưu sát bạo chúa bất thành, mà chỉ có mật vụ nhà Ngô mới biết rõ, cho đến khi Đại úy Nhung và Thiếu tá Nghĩa căm phẫn trả thù cho các đồng chí của họ.

Lật Diệm năm 1963 đáng lý là một cuộc cách mạng vì đã giải thoát hàng vạn người quốc gia trong các ngục tù trên toàn quốc, giải thoát hàng triệu nhân dân đang nghẹt thở dưới một chế độ thối nát học thói độc tài. Toàn dân đã bừng bừng phấn khởi...

Nhưng hỡi ơi hương lửa cách mạng chỉ bừng lên vài ba tuần đầu rồi dần dần tắt ngủm, chỉ vì người cầm đầu Dương Văn Minh nhu nhược chỉ muốn cuộc cách mạng ấy là một binh biến hay chỉnh lý thôi.

Nhiều người bào chữa cho ông Diệm: Ông Diệm rất tốt chỉ vì tay chân ông làm sai. Lối bào chữa này e giống Cộng Sản: Hồ Chủ tịch luôn luôn sáng suốt chỉ có cấp dưới làm bậy!

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hỉ xả, uất hận bao nhiêu nhưng khi đối phương đã xuống ngựa thì sẵn sàng làm lành với nhau quên đi hết mọi lỗi lầm thù xưa oán cũ. Nhưng cây muốn lặng gió mà gió chẳng đừng, ta bất đắc dĩ khơi lại đống tro tàn để phơi bày sự thật.

Vì là chứng nhân nên chẳng muốn ẩn danh.

Lê Nguyên Long

ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM – CHÍ SĨ VÀ TỔNG THỐNG

Nguyễn Văn Trần

Năm nay, 2011, Cộng đồng Người Việt nam Hải ngoại có nhiều nơi tổ chức lễ tưởng niệm Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu. Các năm trước, ở Âu châu , chỉ có Paris tổ chức lễ tưởng niệm vì nhờ có Cựu Bộ trưởng Trương Công Cừu (người có thành tích từ giã TT Diệm, đi thụt lùi làm bể chậu kiểng – nhiều người biết chuyện kể lại ), và tiếp theo, Cựu Bộ trưởng Huỳnh Hữu Nghĩa, (người duy nhứt thân cận Cố vần Ngô Đình Nhu nhờ tài tiêm thuốc phiện cho ông Cố vấn – chính ông khoe một cách hãnh diện với nhiều người quen biết, nhứt là ông NVT, người giúp chở ông đi khám bịnh). Những người này đã lần lượt ra đi nên ở Paris, từ mấy năm nay, không còn người thân cận với gia đình Ngô Đình đứng ra tổ chức lễ. Tuy nhiên, ở giáo xứ Paris, tới ngày 1-11, vẫn có lễ cầu hồn cho người quá cố.

Đặc biệt năm nay, Giáo sư Hồ Nam Trân, quê Quảng Bình (dạy Hóa học tại Đại Học Thụy sĩ) dựng tượng Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm trong vườn nhà ở Thụy sĩ, cạnh Hòn non bộ, và tổ chức lễ tưởng niệm với lối ba bốn mươi người từ nhiều nơi tới tham dự vào buổi trưa.

Hằng năm, trước và sau tháng 11, nhiều phát biểu về Cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu dưới những cái nhìn khác nhau, có khi mâu thuẫn nhau gay gắt tuy sự việc đã xảy ra từ nửa thế kỷ qua.

Hôm nay, nhơn dịp cuối năm, rảnh rang để nhắc lại chuyện xưa, chúng tôi nhắc lại vài chuyện về Cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm với ý chí làm Tổng thống, chín năm cai trị Miền nam, không với lòng riêng tư thương ghét. Và cũng không nhằm phản bác những ý kiến suy tôn vì trong những người suy tôn, có khá nhiều những bạn vong niên mà chúng tôi hằng kính trọng.

Ai bao năm từng lê gót …

Việc trao quyền cai trị Việt nam từ Cựu Hoàng Bảo Đại qua ông Ngô Đình Diệm là điều dễ dàng vì áp lực chánh trị của Huê kỳ ở Sài Gòn lúc bấy giờ khá mạnh . Cưụ Hoàng Bảo Đại đã thấy quyền lực quốc gia ngày càng rời khỏi tay ông theo đà Pháp bị mất ảnh hưởng. Nhiều lần, Cựu Hoàng muốn về Sài Gòn nhưng mỗi lần như thế, ông đều bị ngăn cản, có khi ông bị ngăn cản ngay tại phi trường Orly của Paris.
Tình hình Việt nam đã biến chuyển sâu xa theo chìêu hướng mới. Sau khi Điện Biên Phủ thất thủ tháng 6/54, TT Eisenhower lên tiếng cảnh giác hiểm họa cộng sản nhuộm đỏ Á châu bằng thuyết ”Domino”. Vatican thấy ngăn chặn Hà Nội với sự ủng hộ hùng mạnh của khối cộng sản quốc tế không có ai bằng Huê kỳ. Ở ngay tại chỗ, Hồng Y Francis Spellman vận động cho ông Kennedy, người công giáo, đắc cử Tổng thống Mỹ và ủng hộ ông Ngô Đình Diệm về cầm quyền ở Việt Nam để giữ Việt Nam không rơi vào tay cộng sản. Hồng Y Spellman chọn ông Ngô Đình Diệm vì ông Diệm là người công giáo, mê say quyền lực và chống cộng quyết liệt để trả thù nhà. Vatican lo sợ mất Việt Nam vào tay cộng sản là mất đi bao nhiêu công lao truyền giáo từ thời Alexandre de Rhode.

Ông Ngô Đình Diệm được Hồng Y Spellman chọn cầm quyền ở Việt Nam còn vì một lý do tình cảm sâu xa. Năm 1948, nhân dịp ghé qua Sài gòn trên đường về Mỹ, Hồng Y Spellman được Giám mục người Pháp Cassaigne cùng với Giám mục Ngô Đình Thục đón tiếp niềm nở. Năm 1951, đang ở New York, Lm Trần Văn Kiệm, được điện tín từ Âu châu ra đón Tổng giám mục Ngô Đình Thục và em là Ngô Đình Diệm taị phi trường Idlewild (phi trường Kennedy bây giờ). Sau đó Hồng Y Spellman gởi ông Diệm ngụ taị nhà dòng các linh mục Maryknoll, New Jersey. Tuy đuợc Hồng Y Spellman bảo trợ, ông Diệm chỉ được Lm. Trần văn Kiệm thăm viếng, đài thọ mọi chi phí cá nhơn, từ việc di chuyển, kể cả thuê khách sạn cho ông tiếp khách vì biết ông rất thanh bạch.

Cho đến tháng 6/1953, ông từ giã Hoa Kỳ qua Pháp gặp Cựu Hoàng Bảo Đại nhận lãnh chức vụ Thủ tướng và về Việt Nam lập Chánh phủ thay thế Chánh phủ Bữu Lộc. Ngoài ra, ông Diệm còn là con nuôi của Hồng Y Spellman cùng với hai Linh mục Trần văn Kiệm và Nguyễn Đức Quý.

Lúc bấy giờ, nhiều người Mỹ cho rằng nếu không có Hồng Y Spellman nhiệt tình ủng hộ ông Ngô Đình Diệm thì đã không có chánh phủ Miền nam Việt Nam (John Cooney, The American Pope; The Life and Times of Francis Cardinal Spellman, Times Book, New York 1984).

Về phía Pháp, Tướng Paul Ély, có tiếng là thân Mỹ, sau khi ông Diệm về Sài Gòn, hợp tác với Tướng Lawton Collins của Mỹ yểm trợ ông Diệm tại chức và cả về vật chất. Sự yểm trợ quân sự của Pháp chấm dứt tháng 6/1955. Vậy mà dư luận ở Việt Nam lúc bấy giờ không ngớt công kích “thực dân cấu kết với cộng sản ” chống lại Chánh phủ Quốc gia Việt Nam. Sự công kích này kéo dài dẫn tới cắt đứt bang giao giữa Sài gòn và Paris (Bernard Fall, Les Deux Vietnam, Payot, Paris, 1967, tg.295).

Riêng Cựu Hoàng Bảo Đại chẳng những đề cử ông Diệm làm Thủ tướng với toàn quyền, tức cả về quân sự, điều mà xưa nay Cựu Hoàng chưa từng làm, ông còn chấp thuận yêu cầu của ông Diệm được quyền sử dụng ba Tiểu đoàn ưu tú của Ngự Lâm Quân để thanh toán lực lượng võ trang của “Giáo phái”. Báo chí cũng không ngớt công kích Cựu Hoàng dung túng Giáo phái để có tiền bạc tiêu xài hoang phí và dựa vào đó giữ chiếc ghế Quốc trưởng. Ông chấp thuận lời yêu cầu của ông Diệm bị các công sự viên của ông phản đối, ông giải thích bằng mấy dòng ngắn tự tay viết gởi cho một vị phụ tá: “Tôi không muốn sau này người ta nói Bảo Đại đã chọn quyền lợi riêng tư trước quyền lợi đất nước” (Bernard Fall, sđd, tg 294) .
Tổng thống bằng suy tôn

Các lực lượng võ trang của Giáo phái Miền Nam chống Tây và cộng sản từ 1945, giữ được Miền Đông và Miền Tây yên ổn, nay bị ông Diệm thanh toán bằng giải pháp quân sự thay vì hòa giải như đã thỏa thuận (Cụ Trần văn Ân kể). Ông Ngô Đình Diệm bắt đầu chuẩn bị thế cầm quyền tương lai, tổ chức như một phong trào quần chúng chống Cựu Hoàng Bảo Đại. Ngày 30 – 04 – 1955, một “Ủy Ban Cách mạng” được thành lập tập họp đông đảo Đại biểu của 18 đảng phái và nhiều phe nhóm nhỏ họp Đại hội. Trong số Đại biểu, nổi bật hai Tướng Cao Đài, Nguyễn Thành Phương và Trình Minh Thế, đưọc chuộc với giá khá đắt, hai cựu cán bộ cộng sản của Mặt trận Việt minh, hai nguời thuộc phe Đệ tam và Đệ tứ và hai người Bắc Quốc gia cực đoan (Le Monde, 4/5/1955, Bernard Fall trich dẫn, sđd, tg 295 – trong 2 người Bắc quốc gia cực đoan, có lẽ 1 người là ông Nguyễn Bảo Toàn, chú thích riêng của NVT). Nhiệm vụ của Ủy Ban rất rõ ràng chỉ nhằm thuyết phục Đại hội truất phế Cựu Hoàng Bảo Đại, đưa ông Ngô Đình Diệm lên thay thế và đuổi Tây rút hết về xứ.

Năm 1945, Hồ Chí Minh yêu cầu Bảo Đại thoái vị với nghi lễ để chấm dứt thật sự chế độ Nhà Nguyễn. Nay ông Ngô Đình Diệm cũng muốn Cựu Hoàng bị truất phế với đầy đủ tính chánh thống, nên ở Huế ông Ngô Đình Cẩn, em của ông Diệm, triệu tập cánh Hoàng thân tuyên bố bất tín nhiệm Cựu hoàng trong vai trò Quốc trưởng ngày 15/06/1955 và đồng thời tuyên bố ông Ngô Đình Diệm mới là người “Thề tranh đấu cho tự do”. Giờ chót có nhắc lại lời hứa giử ngôi Hoàng tử Bảo Long để duy trì nguyên tắc quân chủ nhưng bị bác bỏ mặc dầu đó là lời hứa của Ông Diệm với Bảo Đại trước Thánh giá (G. Nguyễn Cao Đức, JJRS 65, Impératrice Nam Phương, Internet).

Con đường dẫn Việt Nam tới một Chính thể Cộng Hòa như vậy đã được vạch rõ.

Ngày 7/7/1955 kỷ niệm một năm ông Ngô Đình Diệm chấp chánh, Chánh phủ loan báo sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/10 để toàn dân quyết định số phận Việt nam theo chế độ Quân chủ hay chế độ Cộng hòa.

Trong lúc động viên dân chúng Miền nam tham gia bỏ phiếu trưng cầu dân ý, Cựu Hoàng chẳng những không được có tiếng nói với cử tri mà còn bị bộ máy thông tin tuyên truyền của Chánh phủ cực lực “đấu tố”. Ông Donald Lancaster, Cố vấn Chánh trị của Tòa Đại sứ Anh ở Sài Gòn, phải lên tiếng phê phán “Cuộc vận động trưng cầu dân ý diển ra quá coi thường những nguyên tắc lương thiện và dân chủ đến nỗi Việt Minh còn phải lấy làm khó chịu khi theo dõi ” (Donald Lancaster, Giải phóng Đông Dương Pháp, Oxford University Press, 1961, tg 398). Việt Minh thấy bị “khó chịu” phải chăng vì ông Diệm đã áp dụng rập khuôn phương pháp tuyên truyền áp đảo đối phương của họ để đạt được kết quả như họ?

Kết quả trưng cầu dân ý dĩ nhiên đã biết trước :ông Ngô Đình Diệm nhận được gần như trọn vẹn số phiếu của cử tri, 98,2%, Cựu Hoàng chỉ có 1,1% số phiếu. Miền Nam Việt Nam trở thành Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1946, Chánh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa của ông Hồ Chí Minh tổ chức bầu cử Quốc Hội đầu tiên và ông Hồ chí Minh thắng cử Dân biểu với 98% số phiếu. Cố vần Mỹ, trước khi bỏ phiếu, nghĩ ông Diệm có được 60% số phiếu bầu đã quá đủ để chánh thức xác định tư cách cai trị Miền Nam nhưng ông Diệm không đồng ý, mà muốn phải được 98%. Trong các cuộc bầu cử, kết quả trên 90% thường chỉ có ở chế độ độc tài mà thôi.

Một Chánh phủ được 60 % dân chúng tín nhiệm là Chánh phủ bình thường, Dân chủ vì được bầu hợp pháp, lương thiện. Còn Chính phủ được bầu với 90% cử tri phải là Chánh phủ “Cách mạng”!

Huy động bộ máy chính quyền để bôi nhọ đối thủ, và bằng gian lận trong thủ tục bầu cử, ông Diệm đã truất phế Bảo Đại và suy tôn mình lên làm Tổng Thống Đệ nhứt Cọng hoà với … 98,2% số phiếu !!!

Nhưng trong quan hệ quốc tế, Chánh phủ có đắc cử với 100% số phiếu cũng không phải là một trở ngại và bị LHQ tẩy chay vì ngay trong tổ chức quốc tế này, có không ít chánh phủ thành viên đắc cử nhờ gian lận không thua Chánh phủ Ngô Đình Diệm. Chỉ có điều, khi nhận lãnh trách nhiệm, ông Ngô Đình Diệm luôn luôn hô hào là người giữ “tiết trực tâm hư” và lấy quốc hiệu là cây trúc! Cái khó là mình phản bội chính con tim của mình. Thế mà con người ta vẫn làm được!

Hoàn thành nhiệm vụ công cụ, “Ủy Ban Cách mạng” được giải tán ngày 15/01/56. Một số lớn thành viên lần lượt bị “vắng mặt”. Một số ít thoát ra được ngoại quốc và tố cáo những bí ẩn của biến cố trong năm 55-56 (Le Monde, 17/01/56 ).

Chánh phủ tổ chức Quốc Hội Lập hiến với 123 vị Dân biểu của 5 “đảng phái” và vài người độc lập. Dĩ nhiên không thể có Dân biểu thật sự đối lập. Ở những đơn vị di cư, các linh mục hướng dẫn cử tri đi bầu và giới thiệu ứng cử viên với cử tri.

Sau 75, ở Việt Nam, Việt cộng bắt chước cách hướng dẫn bầu cử này áp dụng thành chánh sách “đảng cử, dân bầu” rất thành công. Bà Ngô Đình Nhu đắc cử trong trường hợp này.

Nhắc lại để nhớ một số ứng cử viên Đại Việt, đắc cử, nhưng sau đó bị loại với lý do “gian lận bầu cử”. Năm 1959, Bác sĩ Phan Quang Đán đắc cử tại Sài Gòn với 35 000 phiều hơn ứng cử viên của Chánh phủ, bị an ninh võ trang kè theo sát ngăn cản không cho ông tới Quốc Hội tham dự lễ khai mạc. Sau đó, ông bị loại và bị truy tố về tội “gian lận bầu cử”.

Giáo sư Nguyễn văn Tương, nguyên Tổng Thư ký Quốc Hội, có nhận xét về Quốc Hội thời Đệ I Cộng Hòa: “Ra phiên họp khoáng đại, Dân biểu ta chia làm hai khối: khối đa số và khối thiểu số, như tiêu biểu cho chế độ lưỡng đảng của Anh quốc. Nhưng đó chỉ là trò ảo thuật của cấp lãnh đạo, vì ở cấp cao còn có vai trò của Đảng Cần lao Nhân vị hoạt động trong vòng bí mật. Người ngoại cuộc nói Quốc Hội lúc ấy là một cửa sổ giả, nghĩa là khi xây nhà, thì cũng phải có cửa cái, cửa sổ cho đủ bộ dễ coi, mặc dầu có những cái không cần thiết. Thay vì chú tâm trang bị cho nước nhà những bộ luật mới thống nhứt và tiến bộ, Quốc Hội chuyên ra các Quyết nghị ủng hộ Ngô Tổng thống …” ( Nguyễn Văn Tương, Nước Non Xa, Huê kỳ, 2000,tg 113) .

Nếu so sánh cách bầu Quốc Hội các khóa 1946, 1960 và 1965 của Miền Bắc với cách bầu Quốc Hội của Chánh phủ Ngô Đình Diệm ở Miền Nam các năm 1956, 1959 và 1963, chúng ta sẽ thấy hiện rõ đặc tính đồng dạng và thuần nhứt.

Về truờng hợp ông Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống thì cũng không gì khác hơn ý nghĩa của đảng cộng sản dựng lên để cầm quyền “đảng cộng sản nắm quyền vì có vai trò lịch sử lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tây, chống Mỹ”, còn ông Ngô Đình Diệm có “công kết thúc chế độ quân chủ lâu đời, khai sanh ra nền Cộng Hòa”. Nên sau Hiến Ước Tạm thời 26-10-1955 truất phế Cựu Hoàng Bảo Đại, lẽ ra Chánh phủ đã phải tổ chức tổng tuyển cử chọn vị lãnh đạo nền Cộng Hòa mới, Hiến Pháp 26/10/1956 lại ngang nhiên suy tôn ông Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống.

Ngày 15/10/1961, TT Ngô Đình Diệm bằng Sắc luật 209TP, tuyên bố tình trạng khẩn trương trên toàn lãnh thổ, điều này đã không tránh khỏi dẫn Việt Nam Cộng Hòa trở thành một thứ chế độ “độc tài hiến định”.“Bao công lao hồn sông núi ghi muôn đời”

Tới tháng 12 năm 1960, Chánh phủ Sài Gòn giữ được 216,4 triêu mỹ kim. Người Mỹ cho rằng viện trợ Mỹ quá thặng dư và về phía Chánh phủ Sài Gòn không sử dụng đúng mức viện trợ Mỹ vì các Kế hoặch phát triển, từ Kế hoặch ngũ niên đầu tiên, không có kế hoặch nào hoàn tất. Khối lượng trữ kim lớn như vậy là điều bất thường cho một nước còn kém mở mang, chỉ thuận lợi cho tham nhũng và âm mưu chánh trị đen tối. Tờ Observer ở Luân-đôn có một bài chỉ trích Huê kỳ tại sao để cho Chánh phủ Sài Gòn dành một trữ kim lớn như vậy bằng viện trợ phát triển mà không chịu dùng tiền đó xây trường học, bịnh viện đáp ứng cho nhu cầu học hỏi và sức khỏe khẩn trương của dân chúng? Đại sứ Ngô Đình Luyện, em út của TT Diệm, trả lời ngay trên cùng tờ báo ấy “Chánh phủ của tôi dành ngoại tệ thay vì dùng để mở thêm trường học và bịnh viện. Phải chăng chánh sách của bất kỳ Chánh phủ nào cũng đều lo bảo vệ nền độc lập tiền tệ bằng chính những phương tiện của mình?” (Observer, 8 và 22 – 62, Bernard Fall, trích dẫn, sđd,tg 351) .

Theo Giáo sư Nguyễn Hữu Châu, Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng rồi Phủ Tổng thống cho tới năm 1958 (cũng là chồng cũ của bà Lệ Chi, chị ruột bà Nhu), trong những buổi nói chuyện nhắc lại chuyện xưa tại nhà riêng ở đường Faisanderie, Paris XVI, cho biết Chánh phủ Ngô Đình Diệm giữ tiền riêng là do ý của ông Ngô Đình Nhu để làm quĩ đen nuôi và phát triển lực lượng an ninh nhằm củng cố chế độ. Vì nhiều lần phản đối việc này mà ông Châu đã phải bỏ trốn qua Miên, rồi qua Paris tỵ nạn chánh trị.

Về mặt kinh tế xã hội, tuy không sử dụng đúng mức viện trợ Mỹ cho các Kế hoặch Phát triển, Chánh phủ Ngô Đình Diệm cũng đạt được nhiều thành quả khả quan hơn so với Hà Nội về mặt xây dựng vật chất hạ tầng. Theo những số liệu do Phái bộ Viện trợ Mỹ ở Sài Gòn công bố, vào những năm đầu khi ông Ngô Đình Diệm mới về, tình hình ở Miền Nam hoàn toàn an ninh vì Miền Bắc chưa đứng dậy được sau những nỗ lực chiến tranh kéo dài và nhứt là đất nước tang hoang do hậu quả cải cách ruộng đất, cán bộ gài lại bám trụ trong Nam tìm lại được đời sống an bình, chưa nghĩ tới cầm súng lại. Trong số bám trụ, có nhiều người đi đánh Tây chỉ vì lòng yêu nước thuần túy. Nay đất nước thanh bình, họ an phận hưởng hạnh phúc gia đình. Đó là những năm từ 57 tới 60. Trong thời gian này, Chánh phủ xây đưọc 47 000 m2 Rạp Chiếu bóng và vũ trường, 6500 m2 Bịnh viện, 3500 m2 Nhà máy xay lúa, 56 000 m2 Nhà thờ và Chùa, 86 000 m2 Trường học, nhưng cũng được thêm 425 000 m2 Biệt thự và nhà ở đắt tiền (USOM, số 4, tg 105, do B.Fall trích dẫn, sđd, tg 361)

Những cái chết dưới thời TT. Ngô Đình Diệm

Theo Linh mục Trần văn Kiệm ở Nữu-Ước, sống bên cạnh ông Ngô Đình Diệm suốt thời gian ông Diệm ở Mỹ, cho tới năm 1953, người Mỹ mới bắt đầu biết ông Diệm nhờ sự giới thiệu của Hồng Y Spellman. Khi ông Diệm về nước, ở Miền Nam chẳng có mấy người biết ông Diệm vì ông Diệm chỉ làm quan trong Triều đình ở Huế, chưa bao giờ đứng bên cạnh quần chúng và cùng quần chúng tranh đấu chống thực dân Pháp. Mà ông Diệm làm sao chống thực dân khi Giám mục Ngô Đình Thục kể công với Pháp là phụ thân đã suốt đời phục vụ Pháp, dẹp phiến loạn Phan Đình Phùng:“ …với tư cách của một Giám mục, của một người An-nam, và với tư cách là người con của một gia đình mà thân phụ tôi đã phục vụ nước Pháp ngay từ khi Pháp mới đến An-nam, và đã nhiều lần đưa mạng sống cho nước Pháp trong các cuộc hành quân mà cha tôi cầm đầu, dưới quyền Nguyễn Thân, chống lại các kẻ nổi loạn do Phan Đình Phùng chỉ huy, tại Nghệ-an và Hà-tĩnh …” (Thư của Giám mục Ngô Đình Thục gởi Toàn Quyền Decoux, 21 – 08 – 1944) .

Thư của Giám mục Ngô Đình Thục gửi Toàn quyền Decoux có đoạn: « … comme évêque, comme annamite, et comme membre d’une famille dont le père a servi la France dès sa première venue en Annam et a exposé maintes fois sa vie pour elle dans les expéditions memées, comme lieutenant de Nguyễn Thân, contre les rebelles commandés par Phan Đình Phùng Nghệ An et Hà Tinh. »

Nhưng những người tranh đấu, đảng phái trong Nam, đã nhiệt tình đón tiếp ông Diệm và hợp tác với ông tổ chức Chánh quyền mới. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, những người từng hợp tác, giúp đỡ ông đều lần lượt bị biến mất, đi ra nước ngoài, vào tù hoặc bị ám sát, … như các ông Nguyễn Bảo Toàn, Nhị Lang, Hồ Hán Sơn, Trần Văn Ân, Nguyễn Long, Nguyễn Phan Châu, Vũ Tam Anh… và 18 vị của nhóm Caravelle, …chỉ vì phê phán hoặc đề nghị cải thiện đường lối cai trị một cách hoàn toàn ôn hòa .

Đặc biệt ông Nguyễn Bảo Toàn là một nhà ái quốc đã từng bôn ba tranh đấu thời thực dân Pháp, tuy ông không phải là người địa phương (ông là người Bắc), cũng không phải tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nhưng đã được Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ tín nhiệm làm Tổng Bí Thư đầu tiên của Dân Xã Đảng.

Khi Bảo Đại từ Cannes gởi liên tiếp hai công điện ngày 28-4 và 30-4-1955 để triệu hồi Ngô Đình Diệm, ông Diệm không tuân hành nhờ sự ủng hộ của Hội nghị các Chánh đảng và Nhân sĩ miền Nam ngày 30-4-1955 do Nguyễn Bảo Toàn chủ tọa, đưa đến Quyết định truất phế Cựu Hoàng Bảo Đại, giải tán Chánh phủ do Cựu Hoàng bổ nhiệm, ủy nhiệm ông Ngô Đình Diệm thành lập Chánh phủ Cách mạng, tổ chức bầu cử Quốc Hội, …Chế độ Cộng Hòa ra đời,ông Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống, phần lớn là do Hội nghị này ủng hộ ông Diệm và do Nguyễn Bảo Toàn chủ tọa. Nhưng sau đó chẳng bao lâu,Mật vụ của ông Ngô Đình Nhu bắt cóc ông Nguyễn Bảo Toàn, bỏ vào bao bố cột với trụ xi-măng, liệng xuống sông Nhà Bè thủ tiêu.

Cùng bị thủ tiêu bằng cách này, có ông Nguyễn Phan Châu, tức Tạ Chí Diệp, người từng ủng hộ ông Diệm trong những ngày đầu tiên về nước lập Chánh phủ. Còn ông Vũ Tam Anh, người lúc bấy giờ chỉ có những hoạt động với một nhóm bạn tại tư gia ở đường Cao Thắng, gần Chùa Tam Tông Miếu, trao đổi quan điểm, phê phán đường lối Chánh phủ, hoàn toàn không có hành động bạo động, cũng bị Mật vụ bắt cóc và thủ tiêu mất tích.

Cũng tại khúc sông Nhà Bè này, vào khoảng tháng 10 năm 1962, các thủ hạ thân tín của ông Ngô Đình Nhu như Đại tá Đào Quang Hiển (bị mù, còn sống tại vùng Hoa-thạnh-đốn?), cũng đã lập lại việc thủ tiêu tàn ác tương tự. Bốn tín đồ chức sắc cao cấp Phật Giáo Hòa Hảo được phái lên Sài Gòn để tham dự một phiên họp. Phái đoàn cùng đi chung trong một xe Ford Vedette số NBI-010 của Đức Ông Huỳnh Công Bộ và đã bị mất tích. Bà dân biểu Hòa Hảo Long Xuyên lúc bấy giờ là Nguyễn Kim Anh đã đến gặp Ngô Đình Nhu để nhờ điều tra tông tích các cán bộ Hòa Hảo mất tích, không đến Sài Gòn họp. Ông Ngô Đình Nhu đã ỡm ờ hứa sẽ chỉ thị cho điều tra sự việc. Bà Kim Anh sau đó đã đến gặp cấp Chỉ huy Tổng Nha Cảnh Sát ở đường Nguyễn Trãi. Nơi đây cũng cho biết là việc điều tra chưa đưa đến kết quả nào. Khi ra về, đứng chờ xe trước cửa Tổng Nha, tình cờ bà chợt nhận dạng ra chiếc xe Vedette của phái đoàn Hòa Hảo đã dùng, đang chở nhân viên cảnh sát ra cổng, có lẽ là để đi ăn trưa! Việc phát giác này về sau đã đưa đến phiên xử trước tòa án Đại hình Sài Gòn các tay sát nhân, sau khi chế độ Đệ I Công Hòa sụp đổ. Các thủ phạm này thú nhận đã thi hành chỉ thị của ông Ngô Đình Nhu. Khưu Văn Hai và các bị can đã khai là Đào Quang Hiển đã ra lịnh cho họ thủ tiêu các cán bộ Hòa Hảo. Họ đã siết cổ, cột xác vào trụ xi măng và quăng giữa sông Nhà Bè. Đại tá Tổng Giám đốc Cảnh sát Nguyễn Văn Y đã vào tù trong vụ án này (Bs Trần Nguơn Phiêu thuật theo nhơn chứng, Bà Nguyễn Kim Anh trong Lê Quang Vinh, Loạn Tướng hay Anh Hùng, trên Net).

Mục tiêu kế tiếp là Tướng Lê Quang Vinh, tự Ba Cụt của Lực lượng võ trang Phật Giáo Hòa Hảo. Ông Diệm phải triêu hồi ông Nguyễn Ngọc Thơ đang làm Đại sứ ở Nhựt về nhờ ông Huỳnh Kim Hoành là cậu của Tướng Ba Cụt chiêu dụ Tướng Ba Cụt ra về với Chánh phủ Quốc gia. Nhưng khi ra về, Tướng ba Cụt bị bắt và đưa ra Tòa Đại hình ở Cần Thơ xét xử về tội tống tiền và giết người mà chính ông không hề nhúng tay vào. Thủ phạm không có, nhưng Tướng Ba Cụt vẫn bị kết án tối đa ở phiên Tòa ngày 11-06-1956 tại Cần thơ.

Tướng Ba Cụt chống án. Ngày 16-06-1956, Chánh phủ cho triêu tập phiên Tòa Đại Hình để xử Tướng Ba Cụt. Tổng thống Ngô Đình Diệm ký Dụ số 33 ngày 14-06-1956 để Tòa được tổ chức ngoài Sài Gòn. Bản văn chưa kịp đăng lên Công Báo, ông Tổng trưởng Tư Pháp đã sửa đổi thành phần Tòa án nên bị Ls Vương Quang Nhường tuyên bố phiên Tòa bất hợp pháp. Nhưng phiên Tòa vẫn tiến hành và xử y án tử hình cho Tướng Ba Cụt.

Bảy ngày sau, ngày 03-07-1956, Tòa án Quân sự Đặc biệt họp xử tiếp Ba Cụt với tư cách Trung tá trừ bị. Bản án tử hình của Tòa án Quân sự sẽ được thi hành ngay. Ba phiên Tòa liên tiếp nhóm trong vòng chỉ có 23 ngày, dồn dập, gấp rút tuyên hai án tử hình cho một tội nhân, bất chấp những lời phản kháng của các luật sư, đã nói lên chủ tâm của chánh quyền Ngô Đình Diệm muốn giết Ba Cụt càng nhanh càng tốt. Giết thiếu lương thiện.vừa “thiếu lương thiện” vừa “trái với đạo lý Việt Nam”

Tổng thống là người sau cùng có thẩm quyền khoan hồng tha chết cho người bị kết án tử hình. Nhưng đơn xin của Tướng Ba Cụt bị Tổng thống Ngô Đình Diệm bác bằng sắc lịnh số 98 –Tp ngày 08-07-1956. Tướng Ba Cụt là Trung tá trừ bị nên xin được xử bắn nhưng cũng bị ông Tổng thống Diệm từ chối. Sau khi bị chặt đầu, thi thể của Tướng ba Cụt không được trao trả cho thân nhơn chôn cất, mà hình như còn bị chặt ra làm nhiều khúc và đem vứt đi ở nhiều nơi để dân Miền Tây gốc Phật Giáo Hòa Hảo không thể làm lễ tưởng niệm Tướng Ba Cụt. Một việc làm trái với Đạo lý Việt Nam.

Chí sĩ
Lúc làm Tổng thống, ông Diệm có nói một câu rất thời danh để phát tâm cương quyết chết sống trong sứ mạng “Thề tranh đấu cho tự do” là “Tôi tiến, tiến theo tôi. Tôi lui, giết tôi. Ai giết tôi, hãy trả thù cho tôi”.

Sau khi ông Diêm bị giết trong cuộc đảo chánh ngày 01-11-1963, không thấy những người thân cận với chế độ, có ai có phản ứng để bênh vực chủ và chánh nghĩa của chế độ. Chúng tôi không có ý muốn họ trả thù cho chủ như lời của ông Diệm trong câu nói kia. Trái lại, lần lượt, họ về theo với những người đã đảo chánh làm thiệt mạng chủ của họ.

Ngày nay, những người này đều sanh sống ở các nước Âu Mỹ, tức các nước Dân chủ Tự do. Hơn nữa, trước kia, họ cũng đã từng du học ở các nước này hay theo học chương trình khai phóng nhân bản tại Việt Nam. Tôi tự hỏi nếu tại quốc gia nơi họ đang sanh sống, chánh phủ lên nắm chánh quyền và cai trị như ông Ngô Đình Diệm đã làm ở Việt Nam không biết họ sẽ phản ứng như thế nào? Họ phản đối hay thỏa thuận như đã làm trước kia? Điều thấy rõ là họ đang chống cộng sản Hà Nội quyết liệt vì cộng sản độc tài, cai trị bằng công an chớ không bằng luật pháp, Quốc Hội bù nhìn đảng cử, dân bầu, bắt bỏ tù, tra tấn dã man những người biểu tình ôn hòa vì lòng yêu nước chân chánh, …

Họ nhận thấy vai trò của ông Ngô Đình Nhu có ổn không? Cố vấn của Tổng thống mà hành xử đủ các quyền sanh sát. Ông Ngô Đình Cẩn, Cố vấn Miền Trung, có riêng lực lượng an ninh võ trang với rộng quyền hành pháp và tư pháp. Còn Bà Ngô Đình Nhu, chỉ là Dân biểu, có quyền tham dự Hội đồng Quốc gia và có tiếng nói đầy trọng lượng. Ba hiện tượng này, liệu họ có thể chấp nhận xảy ra ở nước nơi họ đang cư ngụ được không?

Ngày nay, tất cả đều đã già, rất tiếc chưa thấy có vị nào nói lên tiếng nói của lương tâm! Vẫn còn tiếng nói suy tôn! Thật tội nghiệp.

Tưởng niệm là Đạo nghĩa truyền thống Việt Nam. Những người được ơn sủng của Chế độ Tổng thống Diệm có bổn phận tri ơn. Không tưởng niệm, không tri ơn mới là người xấu. Nhưng nếu chọn cách tri ơn, tưởng niệm như trong phạm vi riêng tư, tới ngày 01-11, cùng nhau hát “Ngô Tổng thống muôn năm, Ngô Tổng thống muôn năm” thì chắc chắn quí vị đó sẽ được nhiều người tỏ lòng kính trọng.

Cái chết bi thảm của hai ông Tổng thống và Cố vấn – dù sao vẫn còn có phước hơn Tướng Ba Cụt, ông Nguyễn Bảo Toàn, ông Nguyễn Phan Châu, và nhiều nạn nhơn khác nữa, vì còn xác chết để chôn cất, có mồ mả – do thủ hạ gây ra có đáng lấy làm bài học về lòng Bác ái Thiên Chúa giáo và thuyết nhơn quả của Phật giáo không?

-
Giao Chi San Jose.
giaochi12@gmail.com 
(408) 316 8393

1 nhận xét:

ddphan nói...

Bài viết tuy một chiều nhưng lỗi làm mất nuớc là do đệ nhị Cộng Hoà bất tài và giao phó vận mạng quốc gia cho Mỹ. Theo luật thì "tuớng phải chết theo thành", những kẻ làm mất nuớc phải bị xử tội.
Khi Duơng Văn Minh chuẩn bị đảo chánh năm 1963, ông hỏi tất cả các sĩ quan cao cấp là có ủng hộ cách mạng không, ai trả lời không là bị dem xử tử. Ðây là hành vi của bạo chuá vì nếu phía Cộng Sản bắt đuợc các sĩ quan VNCH năm 1975 cũng hỏi có ủng hộ cách mạng không rồi đem xử tử thì CS đã không phải mất công lập trại cải tạo nuôi tù 17 năm. Sau khi hai anh em ông Diệm ra hàng hai ông bị đưa vào Tổng Nha Cảnh Sát tra tấn để điều tra tài sản chôn giấu, nhưng bi. tra tấn quá tay mà không tìm đuợc tài sản thi hai ông Diệm Nhu chết . Như vậy thì hai ông Diệm Nhu chết khổ sở hơn các tù chánh trị khác. Phạm Phú Quốc và Phan Quang Ðán không bị tra tấn đến chết như hai ông Diệm Nhu. Giết và tra tấn tù hàng binh là hành động của bạo chúa, mà Mỹ lại dung duỡng. Ðến khi bị Mỹ phản bội thì dệ nhị CH sa lầy trên cái đống bùn do mình tạo ra mất nuớc, nhưng các ông bạo chúa làm mất nuớc cao bay xa chạy không chịu chết theo thành.