Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

Tin Buồn Hôm Nay: Danh Hài Nổi Tiếng Nhất Việt Nam, Nghệ Sĩ Tùng Lâm Vừa Qua Đời! và Kính Chuyển Tin Việt Nam Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Một Trong Những Danh Hài Nổi Tiếng Nhất Việt Nam, Nghệ Sĩ Tùng Lâm, Vừa Mang Theo Tiếng Cười Ra Đi! -Người thân danh hài Tùng Lâm thông báo ông vừa trút hơi thở cuối cùng vào sáng sớm hôm nay, ngày 15/10/2023 ở tuổi 89. Sự ra đi của Tùng Lâm khiến nhiều người tiếc nuối. Tin buồn này, khiến khán giả từ trong nước, ra đến hải ngoại vô cùng tiếc nuối, thương tiếc! Tin cho biết vào lúc 5 giờ sáng, ngày 15/10/2023, danh hài Tùng Lâm đã trút hơi thở cuối cùng và ra đi ở tuổi 89 vì tuổi cao sức yếu.
<!>
Bà Thạch Thị Thu - vợ của nam nghệ sĩ kỳ cựu Tùng Lâm chia sẻ thêm, ông qua đời ở nhà riêng tại quận Bình Thạnh (TP.Sài Gòn): "Nghệ sĩ ra đi bình an, nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ".

Vài hàng về nghệ sĩ Tùng Lâm


Được biết, hồi đầu năm 2023, nghệ sĩ Tùng Lâm đã trải qua một ca phẫu thuật, từ đó sức khỏe của ông bị ảnh hưởng và yếu hẳn so với trước kia. Gần đây, nghệ sĩ Tùng Lâm không thể tự mình đi lại, mà phải nhờ sự chăm sóc của vợ và người thân.

Nghệ sĩ Tùng Lâm tên thật là Lâm Ngươn Phẩm, sinh năm 1934 tại Sài Gòn. Từ nhỏ, nam nghệ sĩ đã theo bạn bè đàn hát để kiếm tiền. Năm 1948, ông đoạt giải nhất cuộc thi tuyển chọn giọng ca nhí. Những năm sau đó, nghệ sĩ Tùng Lâm tiếp tục nhận được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ca nhạc.

Thời trẻ ông tùng đi hát với Lam Phương và Vân Hùng

Một thời gian ông đi hát với tên gọi Văn Tâm, nhưng vì bị bạn bè trêu chọc nên sau này ông lấy tên Tùng Lâm và hoạt động lâu dài. Những năm 1950, Tùng Lâm cùng nhạc sĩ Lam Phương và Vân Hùng tạo thành bộ ba đi hát chung ở các buổi phát thanh và ghi dấu ấn với nhiều ca khúc như "Ô mê ly", "Thiên thai", "Khúc nhạc dưới trăng"...

Sau khi bộ ba Tùng Lâm - Lam Phương - Vân Hùng tan rã, ông lấn sân sang lĩnh vực sân khấu hài kịch. Thành công trên cương vị một diễn viên hài, Tùng Lâm được mọi người gọi bằng biệt danh "quái kiệt".

Về già Tùng Lâm bị đột quỵ và sức khỏe kém hơn

Những năm 1960, ông thành lập ban Tạp lục Tùng Lâm biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật. Ông còn đào tạo nên không ít các tên tuổi nổi tiếng như Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Trang Kim Yến, Phượng Mai, Kim Tuyến... Khiếu hài hước của ông được mọi người yêu thích và mở rộng lên màn ảnh rộng, nội bật nhất như phim "Tứ quái Sài Gòn".

Năm 1975, ông trở thành phó đoàn ca múa nhạc Hậu Giang. Đến năm 1922, ông chính thức nghỉ hưu. Từ năm 2005 đến nay, nghệ sĩ Tùng Lâm trải qua 4 lần đột quỵ nên sức khỏe trở nên sa sút, ông dần hạn chế tham gia các hoạt động nghệ thuật sân khấu.

Nhiều năm nay, ông ít giao thiệp với bên ngoài do sức yếu, nên việc ra đi của ông khiến nhiều người bất ngờ và thương tiếc khi nghe tin. Tùng Lâm được coi là biểu tượng cuối cùng cho thời đại danh hài đầu tiên của Việt Nam, tung hoành trên sân khấu và điện ảnh, được biết tới ở nước nhiều nước Đông Nam Á lúc bấy giờ, và cũng là biểu tượng ghi dấu đến tận hôm nay ở trong nước.

Nghệ sĩ Kim Tuyến, định cư ở California, người được coi là thân thiết và gần gũi với nghệ sĩ Tùng Lâm trước năm 1975, nói: “Lâu nay biết chú bệnh nhiều, đoán là rồi cũng sẽ tới ngày này, nhưng sao nghe tin, tôi chỉ biết khóc”.


(Ảnh: Nghệ sĩ Tùng Lâm, những ngày cuối đời)

Có những điều mà khi nghệ sĩ Tùng Lâm còn sống, không thể nói nhiều vì ngại gây khó cho ông. Trong bài phỏng vấn nghệ sĩ Kim Tuyến về sinh hoạt văn nghệ của nghệ sĩ miền Nam sau 1975, bà có thoáng nói tới nghệ sĩ Tùng Lâm với bộ mặt lặng buồn khi nghe những mệnh lệnh của nghệ sĩ Kim Cương, lúc chính thức tuyên bố là người của “cách mạng”.

Một đời là danh hài, sống và làm việc với tiếng cười, nhưng điều bàng hoàng của nghệ sĩ Tùng Lâm là trong những ngày đầu “học tập văn hóa” với cán bộ miền Bắc, ông bị một vị cán bộ chỉ mặt và nói “ông không được diễn hài nữa”. Tuyên bố đó không nói lý do, nhưng cũng dễ hiểu vì trong chiến tranh, hài xã hội là một loại hình không có ở miền Bắc, và sau khi chấm dứt tiếng súng, hài có thể bị coi là ám chỉ điều gì đó với những ngôn từ biểu diễn bình thường. Sau khi nghe thuyết giảng về văn hóa giải trí “độc hại” và “nhảm nhí” của chế độ Mỹ – Ngụy, vị cán bộ đó còn lấy hình quảng bá chương trình biểu diễn của ông Tùng Lâm tổ chức, chỉ vào hai cái tên được viết lớn nhất, là Tùng Lâm và Kim Tuyến, nói là cấm tiệt “Chúng tôi không có cái loại văn hóa cá nhân như thế này”. Lúc đó cả hội trường chết lặng. “Tôi còn nhớ lúc đó, là Tháng Năm 1975”, nghệ sĩ Kim Tuyến kể lại.

Phần lớn đối với các nghệ sĩ hài, khán giả chỉ nhìn thấy sự vui nhộn và những biểu hiện bề ngoài. Nhưng với nghệ sĩ Tùng Lâm, dường như ông giữ lại cho mình nhiều suy nghĩ đời thường bên ngoài nụ cười. “Thưa, chị có nghĩ là nghệ sĩ Tùng Lâm là một người im lặng chịu đựng với những đổi thay không thích hợp với mình, và cô đơn không thể bày tỏ điều mình nghĩ không?”. Câu hỏi như vậy trước đây với nghệ sĩ Kim Tuyến.

“Có lẽ vậy đó”, nghệ sĩ Kim Tuyến nói. Trong lần cuối cùng bà gọi về hỏi thăm nghệ sĩ Tùng Lâm, bà thấy ông nhắc nhiều kỷ niệm xưa, ông nói nhiều và mệt nhưng nhắc rõ từng chuyện. Thậm chí ông xài nhiều lần những chữ cấm kỵ của thời hôm nay tại Việt Nam. “Con có nhớ chương trình cuối cùng mình tổ chức, trước khi mất nước không?”, câu hỏi và cách nói của ông Tùng Lâm với nghệ sĩ Kim Tuyến làm người nghe ngạc nhiên. Những ngôn ngữ đó, dường như chôn chặt trong người, và chỉ được nói khi ông thấy đời mình đang ngắn lại.

Những người hâm mộ ngả nón từ biệt nghệ sĩ Tùng Lâm, nhưng với những người cùng thời với ông, cũng là ngả nón từ biệt những ký ức đẹp nhất của thời đại mình đã có.






Tin Việt Nam Hôm Nay

Các Tổ Chức Quốc Tế Đệ Trình Liên Hiệp Quốc Về Những Vi Phạm của Hà Nội Cho Kỳ UPR 2024

-Một số tổ chức quốc tế vào ngày 11/10 cho biết cùng nhau đệ trình đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc văn bản về những vi phạm quyền con người của chính phủ Việt Nam.

Văn bản được đệ trình cho Kỳ Kiểm điểm Định Kỳ Phổ quát (UPR) đối với Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào tháng tư năm tới tại Geneva.

Các tổ chức vừa nêu gồm Văn bút (PEN) Hoa Kỳ, cùng với Văn bút Quốc tế và Trung tâm Văn bút Việt Nam Hải ngoại cùng đệ trình một văn bản; Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) cùng Ủy Ban Quyền làm người Việt Nam (VCHR) cùng đệ trình một văn bản.

FIDH và VCHR từ Pháp đưa ra trong văn bản đệ trình mọi chi tiết về việc Việt Nam không thực hiện những khuyến nghị chính yếu mà Hà Nội chấp nhận tại kỳ UPR hồi năm 2019. Đó là những vi phạm thuộc các lĩnh vực bảo vệ nhân quyền, xã hội dân sự; phê chuẩn một số thỏa ước quốc tế nhân quyền; xử án công bằng và Tư pháp; án tử hình; bảo vệ quyền tự do biểu đạt (gồm cả trên mạng); quyền tự do hội họp ôn hòa, quyền lập hội, và quyền tự do tín ngưỡng- tôn giáo.

Tài liệu của PEN cũng nêu ra những vi phạm quyền tự do biểu đạt, quyền văn hóa, quyền riêng tư, quy trình tố tụng, và tình trạng bắt giữ tùy tiện.

Thông cáo phát đi từ New York của ba nhóm Văn bút vừa nêu cho biết thông qua cơ chế UPR, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) và các quốc gia thành viên nên xem xét chặt chẽ hành xử gần đây của Hà Nội đối với quyền tự do biểu đạt và đưa ra những khuyến nghị cụ thể có thể dẫn đến cải thiện đáng kể cho đời sống của người dân trong nước Việt Nam.

Điều phối viên phụ trách nghiên cứu và chiến dịch của Văn bút Hoa Kỳ, bà Võ Anh Thư, trong thông cáo nêu rõ: "Trên trường quốc tế, Chính phủ Việt Nam phô diễn hoàn hảo nghệ thuật đãi bôi về quyền tự do biểu đạt và nhân quyền qua tuyên bố ủng hộ những khuyến nghị của kỳ UPR trước. Nhưng trong thực tế, Việt Nam vẫn duy trì một thành tích tồi tệ liên quan đến quyền tự do ngôn luận; như trong Chỉ số Tự do Sáng tác của Văn bút Hoa Kỳ năm 2022 cho thấy Việt Nam là đất nước giam cầm nhà văn nhiều thứ tư trên thế giới".

Còn ông Lloyd Duong thuộc Văn bút Việt Nam Hải ngoại thì nhận định rằng thực tế nhân quyền tại Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam suy thoái đáng kể qua hai Điều luật Hình sự 117 và 331, làm co hẹp không gian dân sự và kết tội việc bình luận về những vấn đề đất nước.

Trưởng khu vực Á Châu-Thái Bình Dương của Văn bút Quốc tế thì cho rằng một phần nỗ lực của Chính phủ Hà Nội trong việc kiểm soát bình luận xã hội và dập tắt tiếng nói đối lập là không ngừng vũ khí hóa hệ thống luật pháp chống lại giới văn sĩ, nhà báo và những người khác dám chỉ trích chính phủ hay thách thức chủ trương, đường lối của Nhà nước.


Facebooker Phuong Ngo, Hay Lên Tiếng Phản Biện và Chống Tiêu Cực, Bị Cấm Xuất Cảnh


(Hình: Biên bản của công an tại phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, về cấm bà Ngô Thi Oanh Phương xuất cảnh, 5/10/2023.)

-Nhà chức trách Cộng sản Việt Nam mới đây ngăn chặn bà Ngô Thị Oanh Phương xuất cảnh. Bà được biết đến rộng rãi trên mạng xã hội qua tài khoản Facebook mang tên Phuong Ngo do bà thường lên tiếng phản biện về nhiều vấn đề trong xã hội và nhiệt tình chống tiêu cực trong nhiều năm qua.

Theo nguồn tin riêng của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), Công an Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không cho bà Phương xuất cảnh vào sáng sớm hôm 5/10/2023, sau khi bà đã có thẻ lên máy bay để bay từ Sài Gòn tới phi trường Narita của thủ đô Nhật Bản.

Hai đại diện của công an cửa khẩu và một đại diện hãng hàng không Japan Airlines đã lập biên bản về "tạm hoãn xuất cảnh" đối với bà Phương, nguồn tin cho biết. Tờ biên bản mà VOA xem được có đoạn viết rằng bà không được rời khỏi Việt Nam "vì lý do quốc phòng, an ninh" căn cứ theo một điều trong luật về việc xuất-nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành năm 2019.

Biên bản không nói chi tiết hơn vì sao bà Phương không được xuất cảnh. VOA cố gắng liên lạc với bà Phương và cơ quan công an liên quan để tìm hiểu thêm nhưng không kết nối được.

Bà Phương, 42 tuổi, thường trú ở Tp.HCM, nổi tiếng trên mạng xã hội nhiều năm nay do tích cực phản biện, chống bất công và có nhiều hoạt động thiện nguyện, trong đó đặc biệt nổi bật là việc bà đấu tranh chống các trạm thu lệ phí đường bộ đặt ở các vị trí bất hợp lý và cứu trợ những người nguy khốn vì đại dịch COVID-19.

Theo tìm hiểu của VOA, điều số 36 trong luật về xuất-nhập cảnh năm 2019 của Việt Nam đặt ra quy định về 9 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, bao gồm "người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh" được nêu ra trong mục số 9.

Những trường hợp khác bị cấm xuất cảnh tạm thời là các bị can, bị cáo; người có liên quan đến án phạt tù đang trong thời gian thử thách; người có nghĩa vụ về án dân sự; người phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế, v.v…

Trước trường hợp bà Ngô Thị Oanh Phương, chính quyền Việt Nam đã cấm xuất cảnh đối với nhiều nhà hoạt động, nhà tranh đấu, nhà bất đồng chính kiến và nhà phản biện khác như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Luật sư Võ An Đôn, tín hữu Cao Đài Nguyễn Xuân Mai, tín đồ Tin Lành Y Sĩ Êban, linh mục Trương Hoàng Vũ….


Công An Đề Nghị Truy Tố Bà Hàn Ni và Ông Trần Văn Sỹ Tội Lợi Dụng Quyền Tự Do Dân Chủ


Đặng Thị Hàn Ni thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam.)

-Theo nội dung trong kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an Tp. HCM vừa ban hành và được truyền thông nhà nước loan trong ngày 12/10/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đề nghị truy tố bà Đặng Thị Hàn Ni (cựu Luật sư, nhà báo) và ông Trần Văn Sỹ (cựu Luật sư) về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ.

Theo kết luận điều tra bổ sung, bà Đặng Thị Hàn Ni khai nguyên nhân có những phát ngôn liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng là vì bà Hằng đã có những lời lẽ xúc phạm đến bà Hàn Ni khi phát trực tiếp trên mạng xã hội trong ngày 3/9/2021.

Ông Trần Văn Sỹ thì khai nguyên nhân có những phát ngôn liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng là vì bà Hằng đã có những phát ngôn nhục mạ nghệ sĩ, báo chí, đòi phong sát giới nghệ sĩ, có những lời lẽ trái với thuần phong mỹ tục.

Kết luận điều tra thể hiện từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022, ông Trần Văn Sỹ đã dùng tài khoản Youtube "Luật sư Trần Văn Sỹ" và bà Hàn Ni sử dụng Facebook, Youtube "Nhà Báo Hàn Ni" để đăng bài, ghi hình phát trên các nền tảng mạng xã hội này.

Các bài đăng, clip được xác định là sai sự thật, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín của ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "Lò vôi") và vợ là Nguyễn Phương Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty cổ phần Đại Nam (Bình Dương) và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát Điều tra-Công an Tp. HCM khẳng định đã có đủ cơ sở kết luận hành vi của ông Sỹ và bà Hàn Ni đã phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định tại điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Công an Tp. HCM cũng lấy lời khai của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng. Theo đó, ông Dũng yêu cầu cơ quan điều tra giải quyết theo đúng quy định của pháp luật đối với hành vi của bà Đặng Thị Hàn Ni đã đưa ra những nội dung bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của bản thân ông Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng và hành vi của Trần Văn Sỹ đã đưa ra những nội dung gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân ông Dũng, bà Hằng, Công ty cổ phần Đại Nam và quỹ từ thiện Hằng Hữu.

Bà Phương Hằng cho rằng do hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bà Ni và ông Sỹ với vợ chồng bà, đã gây thiệt hại kinh tế Công ty cổ phần Đại Nam và gây mất uy tín quỹ từ thiện Hằng Hữu rất nặng nề. Do đó, bà Hằng yêu cầu cả hai phải bồi thường thiệt hại số tiền 300-500 tỉ đồng để sung vào công quỹ của Nhà nước.

Hiện bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ vẫn đang bị tạm giam.


Việt Nam Sẽ Chích Thử Nghiệm Vắc-Xin Sốt Xuất Huyết của Nhật Bản

-Việt Nam sẽ chích thử nghiệm vắc-xin phòng sốt xuất huyết của Nhật Bản nhằm tạo miễn dịch cho người dân vào khi số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết đang gia tăng.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết tin trên bền lề Hội nghị khoa học nghiên cứu và ứng dụng trong y học vào sáng 12/10/2023 và được truyền thông loan tải.

Ông Kính được truyền thông dẫn lời nói rằng, gần đây, một loại vắc-xin ngừa sốt xuất huyết của Nhật Bản đang được thử nghiệm, bước đầu có hiệu quả phòng bệnh đối với cả 4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết. Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tham gia thử nghiệm vắc-xin này.

Ông Kính xác nhận biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đối với các bệnh truyền nhiễm là chích vắc-xin. Tuy nhiên, với loại vắc-xin cùng 1 liều chích cho cả người lớn và trẻ nhỏ, cần phải thử nghiệm nhiều pha, từ đó đánh giá kỹ tác động của chúng với sức khỏe con người, trước khi áp dụng rộng rãi trên cộng đồng.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 90.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 26 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, gần 2 tháng qua, số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh, mỗi tuần ghi nhận từ hơn 2.000 đến gần 3.000 bệnh nhân, ghi nhận 4 trường hợp tử vong. Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm nay chủ yếu là DEN-1, DEN-2 và không có sự khác biệt với những năm gần đây.

Cục Y tế Dự phòng dự báo tình hình biến đổi khí hậu với hiện tượng El Nino kéo dài trong năm 2023-2024 là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản. Đây là cơ hội để các bệnh truyền nhiễm do muỗi, đặc biệt là sốt xuất huyết, lây lan.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết được xếp vào 10 thách thức y tế toàn cầu, có đến 40% dân số trên thế giới sống trong vùng nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết Dengue. Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về số ca mắc với ước tính hơn 200.000 trường hợp mỗi năm.


Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng CSVN Đang Kiểm Tra 2 Ngành Điện và Xăng-Dầu


(Hình: Một công nhân sửa lưới điện ở Cần Thơ.)

-Vào ngày 12/10/2023, Đại diện Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đang họp nhóm tại Hà Nội biết cơ quan này đang kiểm tra hai lĩnh vực quan yếu điện và xăng dầu.

Mạng báo Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, về chương trình kiểm tra vừa nêu mà theo ông này là vấn đề rất lớn, rất quan trọng, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong năm 2021, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đưa ra Kết luận 142 và cùng Bộ Công thương khắc phục các vi phạm, tồn tại trong hai lĩnh vực điện và xăng dầu.

Lần này Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cũng đang trong quá trình thẩm định, xác minh và sẽ có báo cáo liên quan trong thời gian tới.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Lê Sỹ Bảy, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/10 cũng thừa nhận những sai phạm, bất cập trong hai lĩnh vực điện và xăng-dầu khiến người dân bất bình.

Theo ông Lê Sỹ Bảy, từ năm 2016 đến 2021, Thanh tra Chính phủ tiến hành 10 cuộc thanh tra liên quan đến lĩnh vực năng lượng và phát giác vi phạm về kinh tế hơn 15.000 tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra xem xét hơn 20 vụ vi phạm.


Mỏ Đất Hiếm ở Yên Bái Bị Bộ Công An Phong Tỏa


(Hình: Bên trong khu mỏ đất hiếm Yên Phú (tỉnh Yên Bái) của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương.)

-Mỏ đất hiếm do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương đang khai thác tại tỉnh Yên Bái đang bị Bộ Công an phong tỏa vì có nghi vấn vi phạm pháp luật Việt Nam.

Truyền thông nhà nước dẫn lời lãnh đạo Công an huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) cho biết việc phong tỏa được thực hiện bởi Cục Cảnh sát điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu thuộc Bộ Công an vào ngày 9/10/2023. Cục này đã làm việc với Ban Giám đốc và một số người trong công ty này để điều tra về dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tin không nói rõ dấu hiệu về vi phạm là gì.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương được cấp phép thăm dò đất hiếm tại mỏ ở địa bàn xã Yên Phú, huyện Văn Phú, tỉnh Yên Bái từ tháng 6/2013. Diện tích được khai thác là 6,24 ha, mức khai thác sâu +35 mét và thời gian khai thác tám năm.

Vào tháng 5 vừa qua, thông tấn xã Reuters loan tin sản lượng đất hiếm khai thác của Việt Nam trong năm 2022 tăng 10 lần so với năm trước đó, khi mà nhiều khách hàng trên thế giới tìm đến mua nhằm giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.

Hoa Lục được đánh giá là nước có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, gấp đôi Việt Nam, đứng thứ nhì với chừng 22 triệu tấn.

Đất hiếm là nhóm nguyên tố hiếm có hàm lượng ít trong vỏ Trái Đất và rất khó tách ra từng nguyên tố riêng biệt. Đất hiếm được dùng trong sản xuất các loại thiết bị, linh kiện cho kỹ thuật thông tin, y khoa, giao thông, lọc hóa dầu, luyện kim, quân sự và một số lĩnh vực khác.


Bộ Quốc Phòng Giải quyết Vụ Giao Đất Phi Pháp Phi Trường Nha Trang Cũ


(Hình: Khu đất Phi trường Nha Trang cũ.)

-Vào ngày 11/10/2023, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Lương Đức Hải cho mạng báo Tiền Phong biết vụ giao đất phi pháp Phi trường Nha Trang cũ được chuyển cho Cơ quan Điều tra Hình sự thuộc Bộ Quốc phòng giải quyết.

Ông Hải nêu rằng sự việc sai phạm trong giao đất Phi trường Nha Trang cũ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng-chống Tham nhũng, Tiêu cực và Ban Chỉ đạo về Phòng-chống Tham nhũng, Tiêu cực tỉnh Khánh Hòa theo dõi, chỉ đạo.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Khánh Hòa, sau khi thu thập tài liệu, chứng cứ, xác định sự việc thuộc thẩm quyền của Cơ quan Điều tra Hình sự thuộc Bộ Quốc phòng nên đã chuyển cho Bộ này theo thẩm quyền giải quyết. Tuy vậy sự việc vẫn thuộc diện theo dõi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng-chống Tham nhũng, Tiêu cực.

Theo kết luận hồi tháng 6/2021 của Thanh tra Chính Phủ Hà Nội, Tỉnh Khánh Hòa giao hơn 62 hecta đất Phi trường Nha Trang cũ cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án Trung tâm Đô Thị mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất và không phù hợp với chủ trương sử dụng quỹ đất tại Phi trường Nha Trang cũ để hoàn vốn xây dựng-chuyển giao.

Đến giữa năm 2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa ra quyết định điều chỉnh, chuyển đất đã giao cho Tập đoàn Phúc Sơn trước đó để hoàn vốn cho ba dự án xây dựng-chuyển giao về giao thông. Quyết định này bị cho không phù hợp quy định.

Trong khi đó Tập đoàn Phúc Sơn lại phân lô, bán nền phần lớn đất Phi trường Nha Trang cũ được giao.


Cựu Chủ Tịch Tỉnh Khánh Hòa và 8 Cán Bộ Tiếp Tục Bị Khởi Tố


(Hình: Cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Chiến Thắng (phải) tại phiên tòa.)

-Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Chiến Thắng, và tám thuộc cấp bị khởi tố trong vụ án khác là dự án Oceanus của Tập đoàn Mường Thanh tại tỉnh này.

Công an tỉnh Khánh Hòa vào ngày 12/10/2023 cho Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) biết tin Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh này trước đó vào ngày 9/10 ra quyết định khởi tố vụ án vừa nêu.

Đây là vụ án hình sự về vi phạm các quy định trong quản lý đất đai xảy ra tại Dự án Khách sạn & Căn nhà Cao cấp Oceanus tại khu Bãi Dương, phường Vĩnh Phước, Thành phố Nha Trang.

Trong vụ này, ngoài ông cựu Chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng, những người bị khởi tố khác gồm các ông Đào Công Thiên- cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Võ Tấn Thái - cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Ngọc Tâm - cựu Phó Giám đốc Sở Tài chánh; Vũ Xuân Thiềng - cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Trần Sĩ Quân- cựu Cục phó Cục Thuế; Lê Huy Toàn - cựu Phó Chủ Ủy ban Nhân dân thành phố Nha Trang; Lê Quang Bửu - cựu Phó Giám đốc Sở Xây dựng; Nguyễn Văn Nhựt - cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Chín người bị khởi tố bị can về hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng gây thất thoát tài sản nhà nước theo điều 219 Bộ luật Hình sự.

Vào tháng 1 vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt ông Nguyễn Chiến Thắng, 67 tuổi, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh 6 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Mức án này thấp hơn Viện kiểm sát đề nghị trước đó gần 2 năm (tức 7 đến 8 năm tù).

Các ông Lê Đức Vinh (cựu Chủ tịch nhiệm kỳ sau ông Thắng) và Đào Công Thiên (cựu Phó Chủ tịch) lĩnh 5 năm 6 tháng tù.

Mười bị cáo còn lại nguyên là lãnh đạo các sở ngành bị tuyên từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù về cùng tội danh. Tại phiên xử này, ông Vinh và một nguyên lãnh đạo sở xin xét xử vắng mặt.

Đó là bản án thứ hai đối với hai cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa. Hồi tháng 4/2022, ông Thắng đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa phạt 5 năm 6 tháng tù, ông Vinh và Thiên lĩnh 4 năm 6 tháng tù do sai phạm khi thực hiện dự án sinh thái Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung, phá vỡ quy hoạch trên núi Chín Khúc. Như vậy, hợp hình phạt chung ông Thắng lĩnh án 12 năm tù và ông Vinh 10 năm tù.

Hội đồng Xét xử xác định ông Thắng với vai trò là người đứng đầu đã chỉ đạo bằng nhiều văn bản sai quy định trong việc đầu tư và khai triển dự án tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang, tức trụ sở cũ của Trường Chính trị Khánh Hòa, gây thất thoát hơn 60 tỉ đồng tài sản nhà nước, bất bình trong dư luận.


Đường Dây Lừa Du Lịch VIP và Vé Máy Bay Bị Phá


(Hình: Bà Trần Hà Mi tại cơ quan công an.)

-Cục Cảnh sát Hình sự thuộc Bộ Công an CSVN cho biết đơn vị này vừa phá được một đường dây lừa đảo mua tour du lịch VIP, vé máy bay. Đường dây này đã thu được hàng tỉ đồng của nhiều người trên cả nước.

Ba chủ mưu đường dây đã bị khởi tố về tội "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản". Một người bị công khai tên là Trần Hà Mi (27 tuổi); hai người kia là T.T.N (26 tuổi) và N.T.H. (27 tuổi).

Cơ quan Cảnh sát Hình sự cho biết vào tháng Tư vừa qua, 3 người vừa nêu nói chuyện với một người chưa rõ lai lịch tên "Sam" qua ứng dụng Telegram. Cả bốn người bàn bạc, thỏa thuận cách lừa đảo qua hình thức quảng cáo nhận đặt tour du lịch, vé máy bay, phòng khách sạn tại những khu nghỉ dưỡng cao cấp….

"Sam" cung cấp các tài khoản với hàng ngàn người theo dõi để ba người kia đăng quảng cáo, tài khoản ngân hàng không chính chủ để nhận tiền. Nhóm này lợi dụng chính sách trong 24 tiếng chưa phải thanh toán tiền đặt phòng của mạng Booking.com để lừa đảo. Sau khi nhận được tiến, mọi phương thức liên lạc với người đặt tour đều bị chặn.

Khoản tiền lừa được chia cho "Sam" 25%, số còn lại chia cho 3 người vừa nêu.


Tàu Hải Quân Hoàng Gia Úc Ðại Lợi HMAS Toowoomba Thăm Việt Nam


(Hình: Tàu HMAS Toowoomba cập bến cảng Sài Gòn.)

-Tàu Hải quân Hoàng gia Úc Ðại Lợi HMAS Toowoomba đã cập bến cảng Sài Gòn, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Việt Nam trong 6 ngày.

Truyền thông nhà nước loan tin trong ngày 12/10/2023, nêu rõ, tàu do Trung tá Darin MacDonald làm thuyền trưởng cùng thủy thủ đoàn gồm 200 người.

Chuẩn tướng Tony McCormack, Chỉ huy chương trình Nỗ lực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Úc Ðại Lợi (IPE) cho biết, chuyến thăm của tàu Hải quân Hoàng gia Úc Ðại Lợi đến Việt Nam nằm trong khuôn khổ chương trình hoạt động hợp tác khu vực IPE nhằm thúc đẩy tình hữu nghị và hiểu biết giữa hai bên, góp phần tăng cường hơn nữa hợp tác giữa lực lượng Hải quân hai nước. Chuyến thăm cũng thể hiện quan hệ đối tác chiến lược bền chặt giữa Việt Nam và Úc Ðại Lợi nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).

"Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực của Úc Ðại Lợi và tình hữu nghị giữa hai quốc gia chưa bao giờ bền chặt đến vậy. Việt Nam và Úc Ðại Lợi cùng mong muốn đóng góp, duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, an ninh và thịnh vượng; ở đó ASEAN đóng vai trò trung tâm. Quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam-Úc Ðại Lợi, đặc biệt trong lĩnh vực huấn luyện và đào tạo, gìn giữ hòa bình rất vững mạnh và cả hai nước đều mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác dựa trên những thành công đã có", Chuẩn tướng Tony McCormack được truyền thông dẫn lời, nhấn mạnh.

Trong thời gian sáu ngày ở Sài Gòn, thủy thủ đoàn sẽ gặp gỡ, giao lưu với các sĩ quan và chiến sĩ của Hải quân nhân dân Việt Nam; thăm xã giao lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Tp. HCM; Bộ Tư lệnh Quân khu 7; Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân; đặt hoa tưởng niệm tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham gia giao hữu thể thao với học viên của Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân….

Tàu HMAS Toowoomba là khu trục hạm trực thăng lớp ANZAC có khả năng phòng không, chống ngầm, tác chiến mặt nước, tuần tra, đánh chặn và trinh sát. Tàu HMAS Toowoomba trọng tải 3.600 tấn và dài 118 mét, tốc độ tối đa 27 hải lý/giờ và tầm hoạt động 6.000 hải lý....


Hai Gia Đình H’Mong ở Điện Biên Đến Hoa Kỳ Tị Nạn


(Hình: Gia đình ông Vàng Đức Sơn đến phi trường quốc tế ở Minnesota, Hoa Kỳ, ngày 14/9/2023.)

-Hai gia đình lánh nạn vì lý do tôn giáo và sắc tộc ở Việt Nam vừa đến Hoa Kỳ, sau thời gian dài ở Thái Lan chờ tái định cư.

Ông Vàng Đức Sơn, một thầy truyền đạo người H’Mong thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), bày tỏ niềm vui khi ông và gia đình gồm tất cả 8 người đến tiểu bang Minnesota, Mỹ, vào tháng 9/2023.

Ông kể lại lý do khiến ông và gia đình rời khỏi Việt Nam năm 2012, đầu tiên sang Lào và sau đó đến Thái Lan:

"Tôi là một thầy truyền đạo trong một hội thánh và bị đàn áp vì lý do tôn giáo, cấm không cho hoạt động, họ cấm không cho đi học kinh thánh, còn tước đoạt chứng minh thư…. Ở Việt Nam từ trước đến giờ vẫn chưa có tự do tôn giáo".

Được biết, ông Vàng Đức Sơn, là trưởng ban chấp sự một hội thánh ở tỉnh miền núi Điện Biên, từng tranh đấu cho tự do tôn giáo và chịu sự đàn áp của chính quyền địa phương.

Ông Sơn cho biết rằng gia đình ông bị chính quyền địa phương gây khó khăn vì theo đạo Tin Lành, dù thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), là hội thánh được nhà nước công nhận, nhưng chính quyền không cấp hộ khẩu khi gia đình chuyển tới Điện Biên, và họ bị tước đi giấy tờ tùy thân.

Ông Giàng A Di, con trai của thầy truyền đạo Giàng A Páo, cùng vợ sang Mỹ vào cuối tháng 9 vừa qua, chia sẻ về lý do cha mẹ ông lánh nạn sang Thái Lan năm 2016:

"Ở trong bản, bố tôi bị đàn áp tôn giáo, bố không ở được nên bố sang Thái Lan. Ở Việt Nam, tôi cũng đã hơn 18 tuổi, bị công an, cảnh sát, bộ đội đến nhà hỏi xem bố đi đâu, dọa nếu không khai bố đi đâu thì sẽ bắt đi tù…. Không ở được ở Việt Nam là do theo tôn giáo của mình. Vì vậy đã sang Thái Lan xin tị nạn".


(Hình: Mục sư Vàng Chí Mình (phải) và thân hữu đón vợ chồng ông Giàng A Di (giữa) tại phi trường ở Minnesota, ngày 26/9/2023.)

Từ tiểu bang Minnesota, Mục sư Vàng Chí Mình, đại diện tổ chức Người H’Mong Đoàn Kết vì Công Lý (H’Mong United for Justice), đồng thời là người từng tị nạn ở Thái Lan sau nhiều năm bị chính quyền Việt Nam giam cầm, cho VOA biết về sự vận động quốc tế cho hai gia đình này đến Mỹ:

"Vàng Đức Sơn đã tị nạn ở Thái Lan vì lý do tôn giáo trong 11 năm. Chúng tôi vận động trong nhiều năm để Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn để cấp quy chế tị nạn…. Chúng tôi cùng với tổ chức BPSOS vận động với quốc tế và năm nay Hoa Kỳ chấp nhận cho Vàng Đức Sơn.

"Gia đình thứ hai là Giàng A Di, vừa sang Hoa Kỳ vào ngày 26/9. Chúng tôi rất cảm ơn các tổ chức nhân quyền và đặc biệt là chính phủ Hoa Kỳ đã tạo điều kiện và giúp đỡ chúng tôi vì lý do tôn giáo".

"Bây giờ còn bố mẹ của Giàng A Di đang còn ở Thái Lan, họ đã có tên sang Hoa Kỳ, nhưng mà chưa có chuyến bay. Còn em rể của Vàng Đức Sơn đã có chuyến bay sang Hoa Kỳ vào ngày 25/10, có hai gia đình đến Hoa Kỳ nữa", mục sư Mình cho biết thêm.

Ông Hoàng Văn Pá, một người H’Mong đến Hoa Kỳ tị nạn trước đây, nói trong một video được trang YouTube Người H’Mong Đoàn Kết vì Công Lý đăng tải khi đón gia đình ông Vàng Đức Sơn tại phi trường:

"Tôi chào đón người bạn của tôi là Vàng Đức Sơn đã thoát khỏi chế độ đàn áp tôn giáo tại Việt Nam".

Theo tổ chức BPSOS có trụ sở tại Mỹ, từ năm 1986 đến khoảng năm 2012, chính quyền Việt Nam dùng bạo lực tấn công trực diện nhằm không cho người H’Mong được quyền tiếp cận niềm tin tôn giáo mà họ mong muốn.

Những người theo đạo bị đốt nhà, tịch thu giấy tờ tuỳ thân, bị đuổi ra khỏi làng bản; các nhà nguyện cũng bị đốt phá. Hậu quả hàng chục ngàn người H’Mong phải di cư khỏi nơi cư trú trong tình trạng không giấy tờ tuỳ thân (vô quốc tịch) trong nhiều thập niên. Nổi bật nhất là vụ đàn áp đẫm máu và chết người tại Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tháng 5/2011, vẫn theo BPSOS.

Điện Biên là một trong những tỉnh miền núi nghèo nhất của Việt Nam giáp với Lào và Trung Quốc, với 170 ngàn người H’Mong sinh sống tại đây, chiếm khoảng 35% dân số trong vùng.

Chính quyền Việt Nam tố cáo những người H’Mong ở ngoại quốc chủ mưu cuộc tụ họp của hàng ngàn người Mông ở Mường Nhé hồi cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 năm 2011 đòi thành lập "Vương quốc tự trị H’Mong". Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam khẳng định không dùng võ lực giải tán cuộc tụ tập của người H’Mong và đã tống giam hàng chục người tham gia vào cuộc biểu tình này.

Gần đây, vào tháng 3/2020, một tòa án ở tỉnh Điện Biên tuyên phạt 14 người vì có các hoạt động "nhằm lật đổ chính quyền", với hai người bị kết án chung thân trong khi 12 người còn lại bị tuyên từ 24 tháng đến 20 năm tù. Những người là được cho là các tín đồ của các nhóm tôn giáo "Giê Sùa", "Bà cô Dợ"… mà cơ quan chức năng cho "tà đạo" và cáo buộc họ đã "lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước".

Trong khi các tổ chức nhân quyền quốc tế cáo buộc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, đàn áp và xóa sổ các nhóm tôn giáo không được công nhận, Hà Nội luôn cho rằng các quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo "được bảo đảm bình đẳng".

Không có nhận xét nào: