“Để gió cuốn đi” là quyển tự truyện của nghệ sĩ hải ngoại gốc Hà Nội Ái Vân do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành năm 2016 phác họa đôi nét lịch sử về nghệ thuật Việt Nam nói chung, nhạc nhẹ Việt Nam nói riêng, và của các nghệ sĩ trong những phút giao thời. Một gia đình nghệ sĩ Ái Vân sinh ra và lớn lên trong gia đình nghệ sĩ, với người mẹ tài năng là “chim họa mi đất Bắc” - nghệ sĩ cải lương Ái Liên - một người được đào tạo cổ nhạc nhưng cũng thành danh ở tân nhạc. Ái Liên thủ vai trong vở “Kịch trường vạn tuế”, một trong những vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam. Bà cũng chính là người tiên phong trong dòng nhạc nhẹ Việt Nam, mà chủ yếu là các ca khúc lời ta nhạc Tây.
Dù tiếng tăm lừng lẫy khắp Đông Dương, nhưng gánh hát Ái Liên không thể tồn tại mãi trước cuộc cạnh tranh khốc liệt vì miếng cơm manh áo những năm 1950. Điện ảnh Đông Dương khai sinh năm 1923 với phim truyện “Kim Vân Kiều” do Công ty chiếu Bóng Đông Dương sản xuất, nhưng suy thoái khi quân Nhật tiến vào năm 1940.
Vợ chồng nghệ sĩ Ái Liên - Hà Quang Định thành lập Hãng Vietfilm năm 1952 tạo nên một bước ngoặt cho điện ảnh nước nhà với bộ phim “Nghệ thuật và Hạnh phúc” thành công vang dội cả về danh tiếng lẫn doanh thu. Nhưng dù vậy, đó cũng chỉ là vang bóng cuối cùng của họ. Gia đình cặp trai tài gái sắc đó đóng vai trò quan trọng làm nên thời hoàng kim của sân khấu Việt Nam. Họ đã mang các tác phẩm thế giới đến với Việt Nam, thổi hồn chất dân tộc vào những vở diễn sân khấu có kịch bản của nước ngoài.
Hiệp định Genève được ký kết năm 1954 cho phép công dân hai miền chọn nơi sinh sống. Nhiều nghệ sĩ Nam tiến để tồn tại vì Sài Gòn là mảnh đất màu mỡ cho nghệ thuật giải trí.
Ái Vân sinh ra “trong nỗi đắng cay khủng khiếp”, khi bức tường chia Bắc - Nam dựng lên chắn ngang ở vĩ tuyến 17, cũng là lúc dòng người ồ ạt từ Bắc vào Nam. Đây cũng là lúc người cha Hà Quang Định, nhà kinh doanh xe hơi, ông chủ hãng phim trở thành một gánh nặng cho người vợ do mọi thứ đều bị công hữu hóa ở miền Bắc. Một thành viên của đoàn tàu 14 toa, như cách nói của tác giả để chỉ gia đình 14 con, phải lưu lại ở Hà Nội.
Ái Vân lớn lên trong ngày “suy thoái”, khi công tử Hà thành thất nghiệp, và người mẹ Ái Liên trở thành trụ cột kinh tế. Bà kể qua các câu văn như “Con cái công tử Hà Thành cũng rách rưới hệt con cái dân nghèo thành phố. Cái đói trùm khắp tuổi thơ tôi” hay “Chơi để quên đói, chơi để quên buồn, chơi để quên khổ”.
Ban nhạc gia đình có sẵn nhạc công, nhạc sĩ, đạo diễn, ca sĩ, vào thời khắc lịch sử vẫn không quên nuôi dưỡng tâm hồn. “Cho dù đói kém nhưng đến đâu ba má vẫn không bỏ những buổi sinh hoạt âm nhạc”. Người cha ủng hộ chị em Ái Vân học đàn dân tộc. Không có tiền, cha mẹ đã tự làm đàn bầu với những vật dụng đi xin, với dây đàn là phanh xe đạp cũ, hộp đàn bằng gỗ ngô đồng, bầu đàn bằng vỏ bầu khô - và đó cũng là cây đàn quý giá nhất với Ái Vân.
Chiến tranh từ tiếng loa đài
Câu nói của nhân viên phát thanh “Đồng bào chú ý” là dấu chỉ của chiến tranh đối với Ái Vân. Gia đình nghệ sĩ phải chạy sơ tán tránh bom giai đoạn từ năm 1964 đến năm 1972, càng ngày càng kiệt quệ tài chính. Tuy vậy, đây là lúc những người con thành thị tiếp xúc với nông thôn và cảm nhận rõ rệt tình cảm hồn hậu của những người miền quê. Ái Vân từ nay biết được thế nào là bắt cá mương, lên đồi trồng sắn, những đêm trăng đập lúa, những buổi chiều nhảy ùm xuống ao bơi, rồi những bữa tiệc thôn quê có đặc sản nước mắm cua đồng.
Chiến tranh ly tán là lúc những tư tưởng chính trị gây hệ lụy đến gia đình và tình cảm con người. Cha của Ái Vân phản đối mối tình của chị gái với một người xuất thân từ gia đình “nhà văn phản động” (tham gia Nhân Văn - Giai Phẩm), bởi họ lo ngại khó sống sau này, khi bản thân gia đình bà đã mang “lý lịch xấu” là tư sản. Người anh rể hụt phải đi bộ đội để đổi lý lịch, vết thương lòng của tình yêu dang dở không thể chữa lành.
Lời thú nhận của ngôi sao
Những trang viết cay đắng về số phận ngôi nhà số 36 - 38 Phố Huế ở Hà Nội, hương hỏa của dòng họ bên nội nghệ sĩ, tài sản mà nhiều thế hệ thành viên gia đình, đặc biệt là người cha đã nỗ lực để có được, nhưng bỗng dưng bị nhà nước trưng dụng làm nơi làm việc của Bộ Văn hóa, và đến bây giờ nỗi oan ức ấy vẫn chưa được lời giải đáp thỏa đáng. Bà đã viết về ngôi nhà “bị cướp mất” và tất cả những gì gia đình nhận được qua rất nhiều lần hỏi Bộ Văn hóa là “một sự im lặng đáng sợ”.
Mọi quan hệ cá nhân cũng là do “phía trên” định đoạt. Ngay cả trong khối các nước chủ nghĩa xã hội, nhà nước chỉ muốn quan hệ ngoại giao chính thống và ngoại giao giữa các đảng, còn những mối quan hệ giữa người và người, giữa các nghệ sĩ đầu đàn khi ra nước ngoài với những người bạn quốc tế luôn trong tình trạng bị giám sát, cản trở. Ái Vân từng bị cấp trên cáo buộc tội nhảy với Tây. Chính bà cũng từng viết chua xót rằng “những sự vô lý ấy bà không thể bảo vệ bản thân, chỉ biết lặng khóc”.
Bà viết về những điều bất ngờ khi người anh cùng cha khác mẹ là Hà Quang Hiến đi làm cách mạng, bị bỏ tù ở Hoả Lò. Nhưng khi hòa bình lập lại thì bị nghi làm gián điệp, rồi bỗng dưng thành giảng viên Nông Lâm nhờ trước đó làm phiên dịch.
Ái Vân khéo léo mô tả mình là nạn nhân của tuyên truyền từ chính quyền miền Bắc bằng câu chuyện “tiến về Sài Gòn” nhân ngày “giải phóng”, rằng “Cứ hình dung ngày ‘giải phóng’ là cờ hoa, ca hát, là từng dòng người mặc đẹp đón chào, nào ngờ tuyệt nhiên không thấy. Chỉ thấy sự tàn khốc của chiến tranh, sự hoảng loạn, nỗi kinh hoàng sợ hãi của người dân”.
Trái ngược với những thứ bà được nghe rằng đồng bào miền Nam “bị Mỹ Ngụy kìm kẹp, khổ lắm”, bà tâm sự “Chỉ cần nhìn cách ăn mặc, trang điểm, đi lại, ăn nói nhẹ nhàng, chỉ cần ra chợ mua gì cũng có câu cảm ơn và túi nilon đựng đồ đủ biết mình không cùng đẳng cấp văn minh với người ta rồi. Biết mình bị ngộ nhận với thông tin lệch lạc”.
Thế rồi, khi Ái Vân kết bạn với những người Sài Gòn và được họ đưa tới chợ Bến Thành chọn vải, may áo theo phong cách nơi đây, bà bị lãnh đạo phê bình, bị coi là “biến chất”. Và chính bà cũng chứng kiến một sự kiện đau lòng: đổi tiền. Lúc ấy, 500 đồng tiền chính quyền cũ đổi được 1 đồng tiền mới của đất nước thống nhất, khiến không biết bao gia đình tan tác vì tài sản mất giá sau một đêm.
Sau thống nhất, trường nhạc miền Nam cũng chứng kiến sự thay máu khi có nhiều giảng viên từ miền Bắc “Nam tiến”. Với Ái Vân, chữ nhạc nhẹ sinh ra trong thời buổi bài Tây là một cách gọi đầy sáng tạo. Đó là cách Việt hóa nhạc pop, thâu tóm cả thứ nhạc vàng và nhạc xanh đều bị tẩy chay bởi chính quyền cộng sản. Cho dù bị cấm đoán, nhạc nhẹ vẫn chưa bao giờ biến mất. “Dòng nhạc nhẹ vẫn âm thầm chảy giữa lòng chế độ với cái áo khoác che chắn của nhạc đỏ” hay “nhạc đệm cho lên sân khấu cũng là bước ngoặt”.
Trong tiếng cười luôn có vị đắng
Những nghệ sĩ, những người hiếm hoi được ra nước ngoài cũng vừa đi hát (chủ yếu hát khoán) vừa đi buôn - họ là cán bộ trong nước, con buôn ngoài nước. Nghệ sĩ đi buôn để đủ sống và xa hơn là vì muốn làm giàu. Những đoạn chân thực mà cũng chan chứa sự xót xa về chuyện ca hát thời bao cấp, khi những ngôi sao hàng đầu phải đi hát chui, vì “đói thì đầu gối phải bò”. Những ngôi sao như Ái Vân luôn có cơ hội ra nước ngoài và trở thành những con buôn chính hiệu.
Chính vì được sang Đông Đức biểu diễn khi bức tường Berlin chưa đổ mà không ít nghệ sĩ tranh thủ vượt biên đổi đời. Đó là một bức tường chia rẽ hai thế giới: áp bức và tự do. Những người ca sĩ chia sẻ với nhau các mẹo vượt biên ly kỳ từ Đông Đức sang Tây Đức để tìm đến vùng trời tự do, mà Ái Vân cũng là một người chọn con đường đó để chấm dứt những chuỗi ngày đau khổ của mình.
Nhưng nghệ thuật bị chính trị hoá cả trên quê lẫn trên đất khách quê người. Khi đang thành công ở chương trình Paris by Night của Trung tâm Thúy Nga, bà cũng bị một vài đồng nghiệp từ chối hợp tác chỉ vì bà là người Bắc, nói giọng thuần Bắc và họ đều vu bà là Việt Cộng, thậm chí còn căng biểu ngữ “Đả đảo Việt Cộng Ái Vân”.
Cuốn sách được viết bằng giọng văn chân tình và đượm buồn. Câu chuyện vang bóng một thời của người cha người mẹ hết lòng vì nghệ thuật nhưng bị nhà nước phụ bạc, chuyện bà cố ý không cho in 8.808 từ về người chồng thứ hai, để người con chung của bà và ông không bị tổn thương, hay câu chuyện “con buôn” thời bao cấp gây ám ảnh cho người đọc.
Nhưng cái kết của cuốn sách là những trang viết yêu thương, khi người phụ nữ ấy đã sang Tây Đức, hành nghề ca hát trên đất châu Âu, tìm được bến đỗ mới của cuộc đời sau hai lần đổ vỡ hôn nhân và đón được người con trai sang. Đó cũng là chuyện trở về nước để được hát cho khán giả Việt. Dù những nghệ sĩ một thời bị rẻ rúng coi là “xướng ca vô loài”, nhưng lịch sử sẽ không bao giờ quên họ.
Bảo La
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét