Tấm hình này được đăng trên tuần báo Ngày Nay (tiền thân là báo Phong Hóa) của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, số đầu tiên ra ngày 30/1/1935, với lời chú thích: “Cô Nguyễn Thị Hậu – người thiếu nữ đầu tiên mặc quần áo lối mới kiểu Lemur”. Nhân vật chính trong ảnh này, “cô Nguyễn Thị Hậu” là một cô gái Hà Nội sinh năm 1919, khi đó mới 16 tuổi, là người đầu tiên mặc áo dài “lối mới” của họa sĩ – nhà thiết kế Nguyễn Cát Tường, chính là tiền thân của áo dài Việt Nam hiện nay. Một điều đặc biệt hơn nữa, bà Nguyễn Thị Hậu sau này trở thành một luật sư, và là thị trưởng Đà Lạt nhiệm kỳ 1966-1968, là nữ thị trưởng duy nhất của Việt Nam cho đến nay.
Bà Hậu khi là thị trưởng Đà Lạt
Bà Hậu làm thị trưởng trong khoảng thời gian thị xã Đà Lạt có nhiều biến động, vừa phát triển nhưng cũng lại vừa chịu nhiều đau thương. Bà là người đã cho xuất tiền mua hạt giống hoa rải khắp hai bên đồi thông của dinh thị trưởng, nên suốt một thời gian dài vài chục năm sau đó, ngọn đồi này lúc nào cũng đầy hoa: cúc dại, glaieul, bồ công anh, xen lẫn mùi hoa thông, trắc bách diệp, mimosa…
Bà Nguyễn Thị Hậu tại văn phòng thị trưởng Đà Lạt năm 1967
Trong tất cả các hình ảnh còn lưu lại của bà Nguyễn Thị Hậu, từ khi còn trẻ cho đến khi là thị trưởng, bà luôn luôn trong trang phục áo dài Việt Nam.
Cho đến nay, thông tin về nữ thị trưởng Nguyễn Thị Hậu không có nhiều, chỉ biết là bà xuất thân từ gia đình khá giả ở Hà Nội, từng theo học sư phạm, sau đó lầy bằng luật sư rồi dấn thân vào chốn quan trường. Bà được bổ nhiệm làm thị trưởng Đà Lạt năm 1966, khi đó bà 47 tuổi, kế nhiệm đại tá Trần Văn Phấn. Trước đó ông Phấn là tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức (nay là tỉnh Lâm Đồng), kiêm thị trưởng Đà Lạt vào năm 1965-1966. Tuy nhiên từ thời của bà Nguyễn Thị Hậu thì hai chức này không còn kiêm nhiệm nữa mà tách hẳn ra.
Luật sư Nguyễn Thị Hậu năm 1966, khi được bổ nhiệm thành thị trưởng Đà Lạt. Bà là nữ thị trưởng duy nhất của Việt Nam cho đến nay
Từ khi mới 15 tuổi, cô nữ sinh Nguyễn Thị Hậu đã là người mẫu ảnh xuất hiện trên các tạp chí chữ quốc ngữ thời thập niên 1930, trong đó bà vinh dự trở thành người phụ nữ đầu tiên mặc áo dài theo kiểu mới (còn gọi là áo dài Lemur) do họa sĩ Cát Tường thiết kế để chụp hình đăng trên báo. Áo dài của ông Cát Tường thiết kế từ thập niên 1930 này được xem là “thủy tổ” của áo dài Việt Nam hiện đại.
Ngoài Nguyễn Thị Hậu, còn có Nam Phương hoàng hậu, thứ phi Mộng Điệp hay nghệ sĩ Phùng Há… là những người đầu tiên mặc áo dài Lemur của Nguyễn Cát Tường (Lemur là một bút danh của ông, tiếng Pháp nghĩa là bức tường).
Nguyễn Cát Tường (1912-1946) vốn là một họa sĩ cộng tác vẽ tranh biếm hoạ (ký tên: A. S. Lemur) cho tuần báo Phong Hóa (vào thời điểm trước khi Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam làm chủ bút). Khi chuyên mục “Vẻ Đẹp Riêng Tặng Các Bà Các Cô” được Nhất Linh mở ra trên tuần báo Phong Hóa số 85 (ngày 11/2/1934 – Xuân Giáp Tuất), Nguyễn Cát Tường trở thành nhà mỹ thuật vừa viết bài, vừa nghiên cứu y phục, vừa chế kiểu và còn chụp ảnh, vẽ minh hoạ ‘thời trang’ cho các ấn phẩm mà nhóm Tự Lực Văn Đoàn xuất bản, và ông được xem là người đặt nền móng cho áo dài hiện đại, với kiểu dáng gần nhất với hiện nay.
Trước thập niên 1930, y phục của phụ nữ Việt có màu u tối, chỉ có mầu nâu hay màu đen. Áo lùng thùng, ba bốn tà, quần thì rộng. Ngoài Bắc thì hay mặc mầu nâu, màu đen, trong Nam thì có những lối mặc khác, áo thì màu khác, nhưng thường thường thì màu vẫn không được tươi.
Vào đầu thập niên 1930, chiếc áo dài thuần tuý của Việt Nam bắt đầu thay đổi, giới phụ nữ bắt đầu mặc áo nhiều màu sắc, và từ năm 1934 thì hoạ sĩ Cát Tường đã tung ra một loạt các loại mẫu áo dài tân thời dưới cái tên “Lemur”.
Thông qua tập san Đẹp, tuần báo Phong Hóa, sau đó là Ngày Nay, hoạ sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường đã có nhiều hoạt động đa dạng khác giới thiệu y phục lối mới đến công chúng, đặc biệt là các quý bà quý cô thành thị khắp cả nước, như hợp tác với nhà may, hiệu vải, sáng tạo kiểu với các họa sĩ khác…
Trên tờ Phong Hóa số 86, ông nêu quan điểm: “Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân thể, song, nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ tri thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của người nước họ, ta cũng đủ hiểu”
Ông Cát Tường đã nói rất chi tiết, cặn kẽ về vấn đề này, từ việc phụ nữ Việt Nam phải có một vẻ riêng không nhầm lẫn với Tây, Tàu hay Nhật, đến việc sửa sang cách ăn mặc từ tốn từng bước sao cho phù hợp với vóc dáng riêng, cải thiện những chi tiết không cần thiết, và quan trọng là “gác bỏ ra ngoài những điều bình-phẩm vô giá-trị”, “miễn là ta không làm gì quá lạm, rởm đời, có thể tổn đến hạnh phúc, hại đến danh-dự của ta và của nước”.
Qua phân tích của hoạ sĩ Lemur đã phần nào thể hiện tư duy thẩm mỹ và sáng tạo của ông, cũng như ý chí cải cách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn thông qua báo chí. Rằng trang phục lối mới “cũng phải có tính cách riêng của nước nhà”, sự canh tân cần phù hợp với những đặc tính bản địa như khí hậu, văn hoá và hình thể cá nhân của mỗi người, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, khi phong trào cải cách y phục nổi lên, không ít phụ nữ khước từ, không thiếu những nhà trí thức phê phán gay gắt, trong đó có nhà văn Vũ Trọng Phụng, cho rằng đó là lối sống học đòi, lệch lạc thuần phong mỹ tục, không thể hiện được “tính cách Việt-Nam”.
Dù vậy, các mẫu y phục do hoạ sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu đã thổi một luồng gió đổi mới vào xã hội miền Bắc lúc bấy giờ, từ đó lan tỏa sức ảnh hưởng đến miền Trung và Nam Kỳ. Được các quý bà quý cô hoan nghênh nhất chính là những kiểu cách tân từ y phục phụ nữ 5 thân truyền thống, sáng chế dựa theo kiểu dáng và chi tiết âu phục của các “bà đầm” Pháp. Y phục lối mới dưới bút hoạ kiểu Lemur không chỉ làm dấy lên xu hướng “áo dài thời trang” thời bấy giờ, mà còn khởi xướng cuộc cải cách y phục phụ nữ táo bạo, có sức ảnh hưởng và được thán phục bởi nhiều thế hệ cho đến tận ngày nay.
Để chiếc áo dài Lemur bước từ trang báo ra cuộc đời, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã hợp tác với hiệu may Cử Chung ở số 100 phố Hàng Bông – Hà Nội và hiệu may Phạm Tá ở số 23 phố Bờ Hồ – Hà Nội. Đích thân họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã đi tìm những phụ liệu nhằm làm tăng thêm sức hấp dẫn cho chiếc áo dài.
Ông Cát Tường còn nói về phần chính và cốt yếu trong bộ y phục như sau: “Nói ra sợ không ai tin, điều quan trọng nhất của y phục phụ nữ là chiếc quần. […] Từ cạp đến đầu gối nên thu hẹp bớt để vừa khít với thân hình, như thế những vẻ đẹp thiên nhiên của từng người mới lộ ra được. Còn từ đầu gối trở xuống đến chân, hai ống quần lại phải may rộng dần ra để khi đi đứng cái dáng điệu của các bạn được tăng thêm vẻ nhẹ nhàng”. (báo Phong Hóa số 89 – 16/3/1934).
Chính Lemur Cát Tường đã cải biến khiến cho cái quần trở nên thon gọn và khoe được phần bụng phụ nữ hấp dẫn hơn, gợi mở hơn so với loại quần ngày trước.
Không dừng lại ở việc tạo kiểu cách tân cho áo dài truyền thống, hoạ sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường còn sáng chế và hiện đại hoá các mẫu áo cánh mặc trong nhà. Ông cũng chế kiểu áo pyjama mặc đi biển, áo mặc mùa nực, áo cánh, áo yếm, giày cao gót và hợp tác với hiệu dệt để cho ra đời quần áo tắm, đồ mặc lót.
Tháng 9/1934, hoạ sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường và các đồng môn cùng thời gồm hoạ sĩ Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Trần Quang Trân cho ra đời đặc san “Đẹp”, do NXB Đời Nay (do nhóm Tự Lực Văn Đoàn thành lập) phát hành. Trong phần quảng cáo phát hành số đầu tiên, báo Đẹp có nhắc đến cô Nguyễn Thị Hậu – người mặc bộ áo mới đầu tiên. Vì vậy có thể thấy Nguyễn Thị Hậu đã trở thành người mẫu cho Lemur từ năm 15 tuổi.
Vài tháng sau đặc san Đẹp ra đời, đến lượt tuần báo Ngày Nay xuất bản số đầu tiên, Lemur Cát Tường tiếp tục công cuộc cải cách y phục phụ nữ. Số báo Ngày Nay đầu tiên được ra vào dịp Tết, các bản tin xoay quanh chủ đề y phục tân thời khắp Bắc Trung Nam xuất hiện ở những vị trí tốt nhất, hình ảnh các thiếu nữ mặc y phục lối mới kiểu Lemur và chụp bởi Lemur được dùng làm ảnh bìa hoặc minh hoạ cho các trang tin nói về mùa hội hè, Lễ Tết, chợ phiên.
Những cuộc tranh luận về cải cách y phục phụ nữ trong giới truyền thông đã không xuất hiện nữa, thay vào đó là đầy ắp những thông tin, kiến thức về thế giới lớn giữa một thời đại mới, xã hội mới. “Ngày Nay” cho thấy phụ nữ tân thời không chỉ mặc vào bộ y phục lối mới mà còn ‘cải cách tri thức’ của mình thêm nữa. Y phục tân thời đã đi vào đời sống, ‘phong cách’ ăn mặc giữa lối mới và lối cũ được dung hoà, thị trường nội hoá thời “áo dài Le Mur” bắt đầu thích ứng khi các cửa hiệu, nhà may, xưởng dệt tích cực mang đến nhiều kiểu quần áo, vải vóc, giày dép, mũ nón, nữ trang phù hợp và bổ trợ cho thị hiếu tân thời.
Báo Ngày Nay không có chuyên mục “Vẻ Đẹp Riêng Tặng Các Bà Các Cô”, mà thay vào đó là chuyên mục “Phụ Nữ”, bắt đầu từ số 17 ngày 19 tháng 7 năm 1936. Hoạ sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường cùng nhiều tác giả khác phát động lối sống hiện đại “khoẻ và đẹp”, bày cách đánh phấn tô son, dưỡng nhan, chăm sóc da móng tóc, luyện tập thể thao, nâng cao hiểu biết và bàn về cách đối nhân xử thế của phụ nữ.
Báo Ngày Nay đăng thông tin về “Bảng đo những bộ phận của người khuôn mẫu (girl standard) năm 1935 và 1936 ở Mỹ”, trên số 28 ngày 4 tháng 10 năm 1936
Giai đoạn giữa thập niên 30, sau cơn chấn động của ý tưởng cải cách y phục phụ nữ bởi Le Mur và tuần báo Phong Hóa, sự cởi mở trong việc ăn mặc ‘hợp mốt’ và trang điểm làm đẹp đối với các bạn trẻ, đã giúp nữ giới học cách quý trọng bản thân và nhận thức được giá trị xứng đáng của mình. Những năm 1934 – 1936 không chỉ là phong trào đổi mới y phục phụ nữ sôi nổi mà còn đánh dấu sự hình thành tư duy về “nữ quyền” trong đại chúng thành thị thời bấy giờ. Tháng 10/1936, tại Hà Nội đã diễn ra một cuộc hội họp nhỏ của chị em phụ nữ miền Bắc, tuy nhỏ nhưng là cuộc hội họp đầu tiên ghi nhận ý nguyện khẳng định bản thân của phụ nữ Việt Nam.
Cuối năm 1936, sau khi kết hôn với con gái của một chủ xưởng dệt ren ở Bắc Ninh, hoạ sĩ Cát Tường và vợ là Nguyễn Thị Nội, cùng phát triển tên tuổi của ‘nhà tạo mẫu Le Mur’ và khai trương cửa hiệu y phục phụ nữ tân thời ở số 16, phố Lê Lợi vào ngày 9 tháng 7 năm 1937. Được sự giúp sức và quán xuyến của vợ, việc kinh doanh của Lemur rất phát đạt. Tuy nhiên cuộc đời và sự nghiệp của ông bị dừng lại vĩnh viễn một cách đáng tiếc vào cuối năm 1946. Khi đó tình hình ở Hà Nội rối ren khi quân Pháp đang trở lại miền Bắc, dân Hà Nội được lệnh tản cư. Gia đình Lemur Cát Tường dời về làng Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Ðông.
Ngày 17 tháng 12 năm 1946, khi ông Cát Tường trở về nhà để lấy thuốc men, quần áo cho các con và người vợ sắp tới ngày sinh. ông đã bị dân quân bắt tại Hà Nội và đưa đi biệt tích. Gia đình lấy ngày 17/12 năm đó làm ngày giỗ của ông.
Còn lại một mình, vợ của Lemur Cát Tường là bà Nguyễn Thị Nội tần tảo nuôi năm con thơ trong thời biến loạn, có lúc phải lưu lạc tận đất Lào sinh sống. Sau năm 1954, bà nán đợi tin tức chồng trong tuyệt vọng, rồi di cư vào Nam trên chuyến máy bay cuối cùng. Sau 1975, bốn con qua Mỹ, bà ở lại Việt Nam với con gái út và mất ngày 21-12-1979, thọ 67 tuổi.
Đông Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét