Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023

Kính Chuyển Tin Thế Giới, Với Nhiều Biến Chuyển Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Kỷ Lục! Chưa Bao Giờ Thấy Một Số Đông Như Thế! 1,5 Triệu (Một Triệu, Năm Trăm Ngàn) Thanh Niên Công Giáo Tham Gia Buổi Canh Thức Cùng Đức Giáo Hoàng! (Hình: Đức Giáo hoàng Francis đến tham dự buổi Canh Thức cùng với giới trẻ tại Parque Tejo, ở Lisbon (Bồ Đào Nha), ngày 5/8/2023.) -Đức Giáo hoàng cử hành thánh lễ cuối cùng, kết thúc Đại hội Thanh niên Công giáo Thế giới 2023 tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha sáng 6/8/2023. Đêm 5/8, một triệu rưỡi thanh niên Công giáo đã cùng lãnh đạo Vatican dự lễ Canh Thức trong bầu không khí lễ hội.
<!>
Trước khi rời khỏi Bồ Đào Nha vào chiều tối 6/8, Giáo hoàng Francis chủ trì thánh lễ ngoài trời, trước khoảng từ 1 triệu đến 1 triệu rưỡi bạn trẻ tại khu công viên Parc Tejo. Hầu hết trong số này đã thức thâu đêm và cắm trại ở khu vực này trước khi chia tay, kết thúc Đại hội.

Khoảng 10.000 tu sĩ, 700 Giám mục và 30 Đức Hồng y cùng với Đức Giáo hoàng cử hành thánh lễ. Sự kiện được phát trực tiếp trên rất nhiều màn ảnh lớn. Khởi đầu, ban tổ chức chờ đợi có khoảng 1 triệu thanh niên Công giáo tham gia nhưng cả trong buổi lễ Canh Thức đêm qua lẫn thánh lễ sáng nay, số người tham dự vượt ngoài mong đợi.

Đặc phái viên Anna Kurian của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ thủ đô Lisbon của Bồ Ðào Nha tường thuật về không khí lễ hội và sự hào hứng của giới trẻ Công giáo thế giới trong sự kiện trọng đại này.

“Một triệu rưỡi thanh niên giương cao những lá cờ khắp mọi miền trên trái đất, tràn ngập công viên Parc Tejo bên bờ sông Tage ở Lisbon tối 5/8. Vì sao? Bởi vì tất cả muốn được hội ngộ với Giáo hoàng trong khuôn khổ Đại hội Thanh niên Công giáo Thế giới, một trong những sự kiện trọng đại nhất của Giáo hội.

Trong khi chờ đợi Đức Giáo hoàng đến, suốt cả ngày 5/8, trên một mảnh đất rộng 90 hecta, dọc hai bên cây cầu vĩ đại Vasco de Gama, giới trẻ ca hát, nhảy múa, reo hò trên nền nhạc rất lớn. Khi Đức Giáo hoàng xuất hiện trong chiếc xe hơi đặc biệt của ngài, thì cũng là thời điểm niềm vui và hạnh phúc vỡ òa.

Màn đêm buông xuống, đức Thánh Cha và giới trẻ cùng thưởng thức những màn trình diễn nghệ thuật trên sân khấu sáng ngời: Nào là những tiết mục múa, nào là những màn drone bay lượn chiếu sáng nền trời tối thẫm. Trên khán đài màu trắng, Giáo hoàng kêu gọi thanh niên thế giới hãy không nản lòng, tiếp bước theo dấu chân đức Chúa Giêsu. Ngài nói ‘điều quan trọng không phải là chúng ta chẳng bao giờ vấp ngã, mà khi đã ngã rồi thì chúng ta vẫn vươn dậy được’.

Sáng 6/8, Giáo hoàng sẽ gặp lại các bạn trẻ trong một buổi thánh lễ, kết thúc Đại Hội thanh niên Công giáo toàn cầu”.

Đại hội Thanh niên Công giáo Thế giới 2027 sẽ được tổ chức tại Hán Thành, thủ đô của Nam Hàn.


Kỷ Niệm 78 Năm Hiroshima Bị Bom Nguyên Tử, Nhật Bản Lên Án Nga Đe Dọa Nguy Cơ Nguyên tử!


(Hình: Người Nhật cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima vào năm 1945, trước đài tưởng niệm tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima, miền Tây Nhật Bản, ngày 6/8/2023.)

-Nhân dịp Nhật Bản tưởng niệm 78 năm ngày thành phố Hiroshima bị Mỹ ném bom nguyên tử, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 6/8/2023 lên án việc Nga đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử.

Tham dự lễ tưởng niệm tại Hiroshima cầu nguyện cho các nạn nhân và kêu gọi hòa bình cho thế giới, có hàng người, trong đó có những nạn nhân còn may mắn sống sót, thân nhân các nạn nhân và đại diện đến từ 111 quốc gia (con số nhiều chưa từng có). Do chiến tranh Ukraine, năm nay là năm thứ hai liên tiếp Hiroshima không mời Nga hay Belarus dự lễ.

Thủ tướng Fumio Kishida phát biểu: “Sự tàn phá do vũ khí nguyên tử gây ra ở Hiroshima và Nagasaki không bao giờ được tiếp diễn”. Ông Kishida, gia đình xuất thân từ Hiroshima, khẳng định: “Nhật Bản, nước duy nhất phải hứng chịu các vụ ném bom nguyên tử trong chiến tranh, sẽ tiếp tục nỗ lực vì một thế giới phi nguyên tử hóa”, nhưng cũng lưu ý “Con đường dẫn đến mục tiêu này ngày càng trở nên khó khăn do sự chia rẽ ngày càng lớn trong cộng đồng quốc tế về giải trừ vũ khí nguyên tử và do mối đe dọa nguyên tử từ Nga”.

Theo Thủ tướng Nhật, trong bối cảnh này, điều quan trọng nhất là quốc tế phải tạo một đà tiến mới để hướng tới một thế giới không có vũ khí nguyên tử.

Cũng nhân dịp tưởng niệm này, trong thông cáo, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteress, lấy làm tiếc là một số nước đang khuấy động trở lại mối nguy nguyên tử một cách thiếu thận trọng, đe dọa sử dụng những công cụ hủy diệt. Ông Guteress đề nghị quốc tế đồng lòng chống việc sử dụng vũ khí nguyên tử, bởi vì theo ông “sử dụng bất kỳ vũ khí nguyên tử nào cũng là điều không thể chấp nhận được”.

Thông tấn xã AFP nhắc lại là vào cuối Đệ nhị Thế chiến, khoảng 140.000 người đã chết trong vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản hôm 6/8/1945 và 74.000 người thiệt mạng trong vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki 3 ngày sau đó.


Hiểm Họa Trước Mắt! Hàng Trăm Tạp Chí Y Khoa Hàng Đầu Thế Giới Cảnh Báo Nguy Cơ Hạt Nhân!


-Khoảng 100 tạp chí y khoa, trong đó có nhiều tạp chí hàng đầu thế giới, kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp để loại trừ vũ khí hạt nhân, với cảnh báo nguy cơ một thảm họa hạt nhân ‘‘đang ngày càng trở nên nhãn tiền’’. Tuyên bố chung hiếm hoi của giới y khoa được đưa ra trong bối cảnh điện Kremlin một lần nữa tung ra các lời lẽ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, và Bắc Triều Tiên liên tiếp có các vũ thử tên lửa.

Bản tuyên bố chung hôm nay, 03/08/2023 nhấn mạnh: ‘‘Cho dù chỉ là một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế, với khoảng 250 vũ khí hạt nhân được sử dụng trên tổng số 13.000 vũ khí hiện có, đã có thể giết hại 120 triệu người, làm rối loạn khí hậu toàn cầu, gây nạn đói toàn cầu, đe dọa tính mạng của khoảng 2 tỉ người’’, và ‘‘mọi hành động sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ đều là một thảm họa với nhân loại’’.

Ông Chris Zielinski, Hiệp hội thế giới các nhà xuất bản y khoa, lưu ý : ‘‘việc tất cả các tạp chí y khoa hàng đầu thông nhất về lời kêu gọi này cho thấy tính chất hết sức cấp bách của cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện tại’’. Trong số các tạp chí y khoa hàng đầu tham gia có, BMJ, The Lancet, JAMA, New England Journal of Medicine.

Theo AFP, tuyên bố của giới y khoa cũng được công bố đúng vào lúc đại diện 191 quốc gia, tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP), họp tại Vienna, từ ngày 31/07 dến 11/08. Đây là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế nhóm họp để chuẩn bị cho Hội nghị thứ 11, bàn về việc thực thi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP), dự kiến tổ chức năm 2026.

Theo Yonhap, ngoại trưởng Pháp và Hàn Quốc phối hợp tổ chức một sự kiện bên lề cuộc họp nói trên hôm nay, để đánh động quốc tế về nguy cơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc dự kiến cùng Pháp và một số đồng minh, như Mỹ, Nhật, ra một tuyên bố chung về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

TNP bế tắc, đầu tư cho vũ khí hạt nhân gia tăng

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, ra đời năm 1968, được coi là là một trụ cột của an ninh thế giới, có mục tiêu ‘‘hướng đến giải trừ vũ khí hạt nhân’’. Hiệp định TNP được toàn bộ cộng đồng quốc tế tham gia, trừ Ấn Độ, Pakistan, Israel và Sudan. Bắc Triều Tiên rút khỏi TNP hồi năm 2003.

Hiệp định đang rơi vào bế tắc. Năm 2022, tại Hội nghị thứ 10 xem xét các biện pháp thực thi TNP, họp ở New York, cộng đồng quốc tế đã không ra được tuyên bố chung, do sự phản đối của Nga.

Trên thực tế, 9 quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử tiếp tục gia tăng đầu tư cho vũ khí hủy diệt này. Theo ICAN (tức Phong trào quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân), chi phí cho vũ khí hạt nhân tăng liên tiếp trong 3 năm gần đây, với tổng số hơn 82 tỉ đô la. Đứng đầu là Mỹ, với 43,7 tỉ đô la, tiếp theo là Trung Quốc 11,7 tỉ và Nga 9,6 tỉ.

Phong trào ICAN là lực lượng hậu thuẫn cho ‘‘Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân’’ (TIAN) của Liên Hiệp Quốc, chính thức có hiệu lực từ năm 2021. TIAN được coi là một biện pháp bổ sung, nhằm thúc đẩy thực thi tôn chỉ giải trừ hạt nhân của TNP.


Trại Hướng Đạo Lớn Nhất Thế Giới ở Nam Hàn Có Thể Bị Đình Chỉ Do Thời Tiết Quá Nóng!


(Hình: Nhiều người tham dự Trại Họp Bạn Hướng Đạo Thế Giới xả nước để giảm nhiệt tại một địa điểm cắm trại Hướng đạo ở Buan, Nam Hàn, ngày 4/8/2023.)

-Trại Họp Bạn Hướng Đạo lớn nhất thế giới, đang diễn ra tại Nam Hàn, là nạn nhân của đợt nóng dữ dội hiếm có với quốc gia Đông Bắc Á này. Sự kiện thu hút khoảng 40.000 người từ 158 quốc gia, dự kiến diễn ra đến 12/8/2023.

Tuy nhiên, thời tiết nóng bức và sự thiếu chuẩn bị đã khiến cho sự kiện này khó có thể tiếp tục. Tính đến hôm 5/8, đã có khoảng 1.500 người đã phải nhập viện. Thông tín viên Nicolas Rocca của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn:

“Xe chở nước, xe buýt có máy lạnh, nhân viên y tế, và hơn 5 triệu Mỹ kim được giải ngân để cố gắng cứu Trại Họp Bạn Hướng Đạo (World Scout Jamboree). Hình ảnh những thanh thiếu niên phải nhập viện, hoặc nằm la liệt dưới đất, mũ trùm đầu, không có cách nào để giải nhiệt, khiến chính quyền lúng túng.

Thủ tướng Han Duck-soo nói: “Tổng thống đang liên tục được thông báo về tiến độ của Trại Họp Bạn, và yêu cầu cung cấp một khu vực đủ rộng rãi để các Hướng đạo sinh trẻ được nghỉ ngơi và thư giãn, cũng như cải thiện ngay chất lượng và số lượng các bữa ăn được cung cấp cho họ”.

Bởi thức ăn cũng từng là chủ đề bị nhiều chỉ trích, cũng như tình trạng thiếu vệ sinh, có bọ ve và muỗi, nhưng trước hết là tình trạng nắng nóng gây lo ngại. Kể từ đầu tuần, nhiệt độ dao động từ 33 đến 38 độ C ở Nam Hàn. Báo động nhiệt độ cao đã được đặt ở mức tối đa, lần đầu tiên từ 4 năm.

Thông báo về việc đoàn Mỹ cũng như 4.000 Hướng đạo sinh từ Vương quốc Anh dời sự kiện khiến việc tiếp tục tổ chức Trại Họp Bạn Hướng Đạo không còn chắc chắn. Hôm 4/8, tổ chức Hướng Đạo Thế Giới đã đề xuất tìm giải pháp thay thế, hoặc ngừng cuộc tập hợp dự kiến diễn ra đến ngày 12/8.

Tại Nam Hàn, đã bùng lên hàng loạt chỉ trích về quyết định tổ chức một sự kiện ngoài trời với 40.000 thanh niên vào giữa tháng 8, tại một trong những vùng nóng và ẩm ướt nhất đất nước”.


Thiên tai: Mưa lớn ở Bắc Kinh khiến 200 người chết, 2 ngôi làng bị xóa sổ!
(Trí Đạt)


(Ảnh: Cảnh ngập lụt tại Bắc Kinh được cư dân mạng chia sẻ ngày 1/8/2023)

-Gần đây, Bắc Kinh đã hứng chịu trận mưa lớn trong lịch sử, theo chính quyền thông báo có 11 người chết và 27 người mất tích. Tuy nhiên thông tin trên mạng cho biết, chỉ riêng ở Môn Đầu Câu (Bắc Kinh) đã tìm thấy hơn 200 thi thể, nhỏ nhất mới 4 tuổi. Tại Hà Bắc, tính đến 10h sáng ngày 3/8, khoảng 1,229 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi tránh lũ. Tuy nhiên, vào thời điểm mà các tầng lớp nhân dân đang hết sức chú ý đến tình hình thiên tai, Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc đã có phát biểu khiến dư luận phẫn nộ.

Vào ngày 3/8, bà Cao Du (Gao Yu), một phóng viên và nhà báo độc lập ở Bắc Kinh, đã tweet rằng hơn 200 người đã chết chỉ riêng ở Môn Đầu Câu do mưa lớn ở Bắc Kinh, nhỏ nhất là trẻ mới 4 tuổi. Một số nội dung trò chuyện cho thấy:

“Môn Đầu Câu đã cắt tín hiệu để ngăn phát sóng trực tiếp.”

“Nhiều người đã chết, nằm la liệt trên mặt đất, còn có đứa trẻ 4 tuổi”.

“[Thi thể] khắp nơi, hiện có hơn 200 thi thể, và tôi thấy 3 đứa trẻ… treo trên cây không có ai quan tâm.”

“Tôi muốn kéo chúng xuống và để chúng nằm phẳng và đậy lại, nhưng dòng nước chảy quá nhanh không đi qua đó được.”

Về vấn đề này, một số cư dân mạng giận dữ nói:

“Mỗi tin nhắn bình luận đều là một nỗi đau của người dân thường, số phận bi thảm của một gia đình là một tội trạng của ĐCSTQ!”

“Lúc nào cũng vậy, không thông báo trước, nửa đêm xả lũ chết cả làng.”

Chế độ ĐCSTQ gây họa loạn cả trăm năm nay, những điều này chẳng là gì cả. “

Một số cư dân mạng than thở:

“Nếu không phải vì con cái họ, thì dù có bao nhiêu cái chết cũng chỉ là một con số thống kê! Họ sẽ không để tâm đến điều đó, than ôi! Những người dân Trung Quốc cần cù xứng đáng có một chính phủ tốt hơn!”

“Mặc dù nó (ĐCSTQ) ác như vậy, vẫn có rất nhiều rau hẹ (chỉ người dân) kiên quyết ủng hộ nó, trách ai đây?”

Nghi vấn Bắc Kinh xả lũ gây ngập xung quanh, người dân Hà Bắc tháo chạy, kêu cứu

Ít nhất 2 ngôi làng ở Bắc Kinh bị xóa sổ

Một đoạn video được đăng trên Internet vào ngày 1/8 cho thấy, “Toàn bộ ngôi làng Đinh Gia Than ở Môn Đầu Câu, Bắc Kinh bị nhấn chìm!” Trong video, một ngôi làng với phạm vi rất rộng bị con sông lớn do nước lũ hình thành bao phủ, nước lũ chảy xiết đang cuồn cuộn chảy qua, trên mặt nước chỉ có một khung đình được cho là cổng làng đang dựng đứng trong nước, còn lại đều không nhìn thấy có mái nhà hoặc thậm chí là một ngọn cây lớn. Trên đoạn đường ngập một nửa, người đàn ông quay video than thở rằng nghiêm trọng quá, không có đường đi qua, ngôi làng “đã không còn” và “hoàn toàn lạnh lẽo”.


Bắc Hàn Cảnh Báo: Mỹ Viện Trợ Vũ Khí Cho Đài Loan Là Khiêu Khích ‘Nguy Hiểm’


(Hình: Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un thị sát một cuộc diễn tập Pháo binh ngày 6/10/2022.)

-Ngày 4/8/2023, Bắc Hàn chỉ trích gói viện trợ vũ khí của Hoa Kỳ cho Đài Loan, truyền thông nhà nước đưa tin cùng ngày, cáo buộc Hoa Kỳ đẩy căng thẳng trong khu vực đến “một điểm châm ngòi chiến tranh nữa”.

Hoa Kỳ tiết lộ gói viện trợ cho Đài Loan trị giá tới 345 triệu Mỹ kim vào ngày 4/8 khi Quốc hội phê duyệt vũ khí trị giá lên tới 1 tỉ Mỹ kim cho hòn đảo này như một phần của ngân sách năm 2023.

Trong một tuyên bố được hãng thông tấn chính thức KCNA của Bắc Hàn đăng tải, ông Maeng Yong Rim, Vụ trưởng Vụ Trung Quốc thuộc Bộ Ngoại giao Bắc Hàn, lên án kế hoạch này là một “sự khiêu khích chính trị và quân sự nguy hiểm” và là “sự vi phạm trắng trợn” nguyên tắc Một Trung Quốc.

Tuyên bố của Bắc Hàn nói: “Ý đồ thâm độc của Mỹ là biến Đài Loan thành một căn cứ tiên tiến không thể đánh chìm chống lại Trung Quốc và là chiến hào hàng đầu để thực hiện chiến lược ngăn chặn Trung Quốc”.

Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan dân chủ là lãnh thổ của mình và đã nhiều lần cảnh báo chống lại bất kỳ “trao đổi chính thức” nào giữa Hoa Thịnh Ðốn và Đài Bắc. Đài Loan bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ.

“Khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, bao gồm bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan, không phải là nơi diễn ra hoạt động quân sự của Mỹ cũng không phải là bãi thử chiến tranh”, tuyên bố của Bắc Hàn nói và đồng thời cảnh báo rằng Mỹ sẽ phải “trả giá đắt” vì “khiêu khích lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã gặp một phái đoàn Trung Quốc tại Bình Nhưỡng vào tuần trước và cam kết phát triển quan hệ hai nước lên một “tầm cao mới”. Trước cuộc họp, họ đã xem qua các phi đạn có khả năng nguyên tử mới nhất của ông Kim và máy bay tấn công không người lái tại một cuộc duyệt binh.

Bộ Quốc phòng Đài Loan tố cáo quân đội Trung Quốc phô trương sức mạnh xung quanh hòn đảo khi gần đây điều hàng chục máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và các loại máy bay khác, bao gồm cả máy bay không người lái, lên bầu trời phía Nam Đài Loan.


Tiếp Tục “Theo Đuổi Một ước Mơ!” Trung Cộng Công Bố Phim Tài Liệu Mới Mô Tả Sự Chuẩn Bị Của Quân Đội Để Tấn Công Đài Loan!


-Trung Quốc vừa phát hành một bộ phim tài liệu mới nói về sự chuẩn bị của quân đội để tấn công Đài Loan và trình chiếu những người lính cam kết từ bỏ mạng sống nếu cần trong lúc Bắc Kinh tiếp tục tăng cường giọng điệu chống lại hòn đảo tự trị.

“Theo đuổi Ước mơ,” một bộ phim tài liệu gồm tám phần do đài truyền hình nhà nước CCTV phát sóng vào đầu tuần này để đánh dấu kỷ niệm 96 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân, chiếu các cuộc tập trận và lời chứng thực của hàng chục binh sĩ, trong đó một số người bày tỏ sự sẵn sàng hy sinh trong một cuộc tấn công tiềm năng chống lại Đài Loan.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan, một nền dân chủ tự trị, là lãnh thổ của riêng mình và dọa sẽ chinh phạt bằng vũ lực nếu cần thiết.

Các phương tiện truyền thông nhà nước và Quân đội Giải phóng Nhân dân thường xuyên phát hành các tài liệu tuyên truyền thúc đẩy hiện đại hóa quân đội cũng như các video hấp dẫn về các cuộc tập trận.

Các tài liệu này dùng để cổ vũ chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy của Trung Quốc và thể hiện sự tự tin quân sự chống lại Đài Loan cũng như mối quan hệ của Đài Loan với Hoa Kỳ. Mặc dù Hoa Kỳ không công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền, nhưng họ đã cam kết giúp hòn đảo này tự vệ trong trường hợp bị xâm lược.

Tháng trước, Tòa Bạch Ốc đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 345 triệu đô la cho Đài Loan. Động thái mà các chuyên gia cho rằng rút ra bài học từ sự viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine, đã bị Bắc Kinh chỉ trích.

Bộ phim tài liệu “Theo đuổi Ước mơ” giới thiệu, trong số những nội dung khác, cuộc tập trận “Kiếm chung” của Quân đội Giải phóng Nhân dân, mô phỏng các cuộc tấn công chính xác nhắm vào Đài Loan. Các cuộc tập trận được tiến hành xung quanh hòn đảo tự trị vào tháng 4 sau chuyến thăm của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tới Mỹ.

Trong số những phần kịch tính hơn của chương trình là lời cam kết của các binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân từ các sư đoàn khác nhau sẽ hy sinh mạng sống trong một cuộc tấn công tiềm tàng vào Đài Loan.

“Nếu chiến tranh nổ ra và các điều kiện quá khó khăn để gỡ mìn hải quân một cách an toàn trong thực chiến, chúng tôi sẽ sử dụng chính cơ thể của mình để dọn đường an toàn cho lực lượng (đổ bộ) của chúng tôi,” ông Zuo Feng, người nhái của đơn vị quét mìn thuộc Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân, nói.

Ông Li Peng, một phi công thuộc Phi đội Wang Hai thuộc Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân, nói rằng “máy bay chiến đấu của ông sẽ là phi đạn cuối cùng lao về phía kẻ thù nếu trong một trận chiến thực sự, tôi đã sử dụng hết đạn dược của mình.”

Ông Fan Lizhong, chỉ huy đơn vị chiến thuật đặc biệt, cho biết trong phim tài liệu rằng dù mất đi đồng đội là điều đau đớn, nhưng ông phải giữ bình tĩnh để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và luôn sẵn sàng chiến đấu.

Bộ phim tài liệu cũng có cảnh Sơn Đông, một trong ba tàu sân bay của Trung Quốc, di chuyển theo đội hình với một số tàu chiến khác.

Quân đội Giải phóng Nhân dân đã nhiều lần điều động tàu Sơn Đông đến eo biển Đài Loan trong vài tháng qua như một mối đe dọa đối với Đài Loan. Các máy bay phản lực của Quân đội Giải phóng Nhân dân cũng đã vượt qua đường trung tuyến của eo biển tương đối thường xuyên trong vài năm qua, đặc biệt là để phản ứng lại các trao đổi giữa Đài Loan và Hoa Kỳ vốn khiến Bắc Kinh tức giận. Đường trung tuyến của eo biển Đài Loan là một khu vực phân định ranh giới không chính thức giữa Trung Quốc và Đài Loan.


Lo ngại Trung Cộng, Mỹ nghiên cứu thuốc nổ tăng tầm bắn phi đạn


(Hình: Phi đạn GEM-T, một biến thể của hệ thống Patriot do công ty Raytheon sản xuất dùng để ngăn chặn các phi đạn đạn đạo hay phi đạn hành trình.)

-Các quan chức Hoa Kỳ muốn sửa đổi hỗn hợp hóa chất cung cấp nhiên liệu cho phi đạn và rốc-két để giành lợi thế ở Thái Bình Dương bằng cách tăng tầm bắn của các loại vũ khí tiền tuyến để lực lượng Mỹ có thể hoạt động cách xa Trung Quốc hơn.

Ngũ Giác Đài và Quốc hội đang xem xét việc trang bị thêm để có thể mở rộng tầm bắn của một số vũ khí hiện tại tăng lên tới 20% bằng cách sử dụng các loại nhiên liệu đẩy mạnh hơn và đầu đạn nhẹ hơn, hai phụ tá quốc hội và hai quan chức Mỹ nói với điều kiện ẩn danh vì không được phép phát biểu công khai.

Tuần trước, Thượng viện tiết lộ dự luật dành ít nhất 13 triệu đô la để lập kế hoạch, mở rộng và sản xuất các hợp chất hóa học có thể được sử dụng để đẩy phi đạn hoặc thay thế vật liệu nổ trong đầu đạn.

Mặc dù một phần nhỏ của dự luật quốc phòng trị giá 886 tỷ đô la đang được Quốc hội thông qua, nhưng khoản tài trợ này bắt đầu một quá trình mà cuối cùng có thể dẫn đến hàng tỷ đô la chi tiêu mới cho đạn dược.

Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát và Hạ viện do Đảng Cộng hòa nắm giữ vẫn cần đàm phán về mức tài trợ cuối cùng cho khái niệm này, nhưng có sự nhất trí chung về nỗ lực của lưỡng đảng nhằm ngăn chặn Trung Quốc.

Dân biểu Mike Gallagher nói với Reuters: “Khoảng cách ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và quy mô lớn của Hải quân (Trung Quốc) có nghĩa là Mỹ cần nhiều phi đạn diệt hạm hơn có thể vươn tới các mục tiêu ở xa”.

Trung Quốc coi Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương là một mối đe dọa và tăng cường sự hiện diện quân sự của mình để đáp trả.

Chương trình CL-20

Trong khi chờ Quốc hội thông qua lần cuối, dự luật sẽ khởi động một chương trình của Ngũ Giác Đài để cố gắng tăng thêm tầm bắn cho các vũ khí hiện tại sử dụng các hóa chất như CL-20, các phụ tá và những người quen thuộc với kế hoạch nói với Reuters .

Được phát triển bởi một phòng thí nghiệm của chính phủ ở California vào những năm 1980, CL-20 là một trong những hợp chất hóa học được thảo luận nhiều nhất đang được xem xét, một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết. Quốc hội đã tập trung vào các nghiên cứu, chẳng hạn như một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 nói rằng việc tái trang bị lực đẩy bằng CL-20 - cùng với những thay đổi khác - có thể mở rộng tầm bắn của phi đạn thêm khoảng 20%.

Một bài báo của Trung tâm Công nghệ Năng lượng cho biết các vật liệu năng lượng mới mang lại cho một quả bom 200 ký “sức sát thương tương tự như một quả bom 500 ký hiện tại” và nói thêm rằng Trung Quốc sản xuất “CL-20 ở quy mô công nghiệp và chế tạo nó thành các hệ thống vũ khí.”

Ông Iain Overton, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Hành động về Bạo lực Vũ trang, cho biết cuộc chạy đua điều chỉnh vũ khí sát thương không là một sự tiến bộ.

Ông nói: “Lịch sử được cho là sẽ lặp lại, và theo nghĩa là các cuộc chạy đua vũ trang luôn có kết cục tồi tệ.” “Vũ khí lớn hơn, nguy hiểm hơn có giúp chúng ta an toàn hơn không? Câu trả lời rõ ràng là: Không. Trong thập niên qua, khi vũ khí nổ được sử dụng ở các khu vực đông dân cư, 90% số người được báo cáo thiệt mạng hoặc bị thương trên toàn cầu là dân thường.”

Phiên bản của dự luật quốc phòng thường niên tại Hạ viện yêu cầu Ngũ Giác Đài xúc tiến chương trình thí điểm CL-20 để thay đổi chất nổ hoặc chất đẩy trong ba loại vũ khí hiện có.

Phiên bản của Hạ viện không nêu tên bất kỳ loại vũ khí nào, nhưng ông Bob Kavetsky thuộc Trung tâm Công nghệ Năng lượng cho biết các ứng viên cho các hóa chất mới bao gồm phi đạn chống hạm tầm xa do Lockheed Martin sản xuất và tên lửa không đối đất tầm xa. Các ứng viên khác bao gồm phi đạn chống hạm Harpoon do công ty Boeing sản xuất và vũ khí chống tăng Javelin do Lockheed và Raytheon sản xuất.


Dân Cuba chật vật, khốn khổ với đồng peso mất một nửa giá trên chợ đen


-Người dân mua hàng tại một chợ bán rau và hoa quả ở Havana, Cuba. Lạm phát hàng năm ở Cuba ở mức 45% và giá mua các mặt hàng nhập khẩu bằng đô la cũng tăng vọt trong khi đồng peso thì tụt dốc.

Đồng peso của Cuba được giao dịch trên thị trường không chính thức ở mức thấp nhất từ trước tới nay là 230 peso đổi một đô la Mỹ hôm 2/8, giảm xuống còn một nửa giá trị so với một năm trước trong lúc người tiêu dùng phải vật lộn với lạm phát, giá cả tăng và hàng hóa khan hiếm, theo dữ liệu từ một hệ thống theo dõi phổ biến.

Nhà nước Cuba coi tỷ giá hối đoái không chính thức, hay giá chợ đen, được hãng tin độc lập El Toque theo dõi sát, là bất hợp pháp, nhưng họ không thể dẹp bỏ nó. Chính phủ nước này chính thức kìm giá đồng nội tệ ở mức 120 peso đổi một đô la, nhưng nhà nước có rất ít đô la dự trữ để trao đổi.

“Sự mất giá của đồng tiền Cuba phản ánh năng suất kinh tế của đảo quốc này giảm dần,” Bert Hoffman, một chuyên gia về Mỹ Latin tại Viện Nghiên cứu Khu vực và Toàn cầu của Đức ở Hamburg, nhận định.

Các nhà kinh tế Cuba cho biết sự lao dốc của đồng peso phản ánh cuộc khủng hoảng kéo dài 4 năm ở quốc gia do Đảng Cộng sản cải trị vì thiếu ngoại tệ có thể chuyển đổi và sản xuất sa sút.

Trong khi các nhà chức trách chủ yếu đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ và đại dịch COVID-19 là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng, thì các nhà phê bình chỉ ra tốc độ chậm chạp của cuộc cải cách theo định hướng thị trường.

Bộ trưởng Kinh tế Alejandro Gil hồi tháng 5 cho biết không có cách khắc phục nhanh chóng nào cho nền kinh tế của Cuba.

Hầu hết người Cuba được trả lương bằng đồng peso và đồng tiền này suy yếu đã làm giảm sức mua của mức lương vốn đã ít ỏi hiếm khi lên tới 5.000 peso một tháng, tương đương 20 đô la theo tỷ giá hiện tại. Giá mua các mặt hàng nhập khẩu bằng đô la cũng tăng vọt trong khi đồng peso thì tụt dốc.

Đồng tiền mất giá đi kèm với tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và các hàng hóa cơ bản khác. Người dân phải xếp hàng dài để có thể mua những mặt hàng này.

Các chuyên gia ước tính 40% trong số 11 triệu dân Cuba sống hoàn toàn dựa vào đồng peso và không được tiếp cận với đồng đô la. Những người có thể có được đồng bạc xanh (đô la Mỹ) chủ yếu là từ kiều hối mà người thân gửi về từ nước ngoài hoặc từ việc buôn bán cho khách du lịch.

“Đồng đô la tiếp tục tăng giá,” Sonia Nunez, giáo viên tiểu học ở Havana, nói. “Chúng tôi làm việc sống chết để kiếm được vài đồng để mua một ít bột giặt, một ít sốt cà chua, vì vậy sự tăng giá của đồng đô la là rất đáng kể, là một điều gì đó thật kinh khủng,”

Tỷ giá không chính thức suy yếu tương tự như sự sụt giảm trong giá trị đồng tiền điện tử tương đương của chính phủ, mà người dân phải sử dụng để mua hàng hóa tại các cửa hàng nhà nước, vốn có tương đối nhiều hàng hơn so với các cửa hàng được mua bán bằng đồng peso.

Mặc dù đồng tiền điện tử tương đương do nhà nước phát hành và kiểm soát, nhưng giá trị cuối cùng của chúng trên đường phố được xác định bởi cung và cầu.

Bộ trưởng Kinh tế Gil cho biết vào cuối tháng trước, tổng sản phẩm quốc nội của Cuba tăng 1,8% trong nửa đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn 8% so với mức trước đại dịch. Chính phủ nước này đã dự báo tăng trưởng 3% trong năm nay.

Ông Gil cho biết lạm phát hàng năm hiện đang ở mức khoảng 45%. Giá cả đã tăng 39% trong năm ngoái, một con số mà nhiều nhà kinh tế cho rằng không được đánh giá đúng mức vì nó không tính đến một thị trường phi chính thức đang phát triển.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Iraq Đề Nghị Interpol Phát Lệnh Truy Nã Các Cựu Viên Chức Tham Ô 2,5 Tỉ Mỹ Kim


(Ảnh: Logo Interpol.)

-Iraq có kế hoạch yêu cầu Cơ quan Hình cảnh Quốc tế (Interpol) phát lệnh truy nã quốc tế đối với các cựu viên chức cấp cao bao gồm một cựu Bộ trưởng Tài chánh và một cựu Giám đốc Tình báo về cáo buộc tham ô hơn 2,5 tỉ Mỹ kim từ Ủy ban Thuế của đất nước.

Vụ bê bối tập trung vào các khoản tiền bị nghi ngờ rút bất hợp pháp từ Ủy ban từ năm 2021 đến năm 2022 với tổng trị giá khoảng 2,5 tỉ Mỹ kim, theo các viên chức Iraq. Đây là số tiền lớn ngay cả ở một quốc gia thường xuyên được xếp vào hàng tham nhũng nhất thế giới.

Viên chức chống tham nhũng hàng đầu của Iraq, Chánh án Ủy ban Liêm chính, Thẩm phán Haider Hanoun, đã thông báo về động thái liên quan tới cái gọi là Thông báo Đỏ của Interpol hôm 6/8/2023.

Ông Hanoun cho biết, cơ quan Tư pháp cũng sẽ yêu cầu phát lệnh truy nã đối với thư ký riêng và Cố vấn chính trị của cựu Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi.

Ông Kadhimi và cựu Bộ trưởng Tài chánh Ali Allawi đều phủ nhận có liên quan đến cáo buộc tham nhũng, được đưa ra ánh sáng vào cuối năm 2022 sau khi một chính phủ mới lên nắm quyền.

Ông Allawi từ chức vào tháng 8 năm 2022 với lý do can thiệp chính trị vào công việc của chính phủ và tham nhũng. Kể từ đó, ông cho biết rằng ông đã thực hiện các bước để ngăn chặn hành vi trộm cắp xảy ra tại Ủy ban Thuế nhưng các quyết định của ông đã bị các viên chức khác phớt lờ.

Thông tấn xã Reuters không thể liên hệ ngay với các viên chức khác để yêu cầu bình luận.

Thủ tướng đương nhiệm Mohammed Shia al-Sudani cho biết rằng một trong những ưu tiên của ông là chống tham nhũng tràn lan khắp Iraq và đã dẫn đến việc ăn cắp hàng tỉ Mỹ kim tài sản dầu mỏ của đất nước trong những năm qua.


Một Nữ Nghi Phạm Âm Mưu Ám Sát Tổng Thống Zelensky Bị Bắt


(Ảnh: Bức ảnh không ghi ngày tháng do Cơ quan An ninh Ukraine công bố cho thấy một phụ nữ (ở giữa) bị bắt giữ và thẩm vấn với cáo buộc âm mưu ám sát Tổng thống Volodymyr Zelenskyy.)

-Theo ABC News, cơ quan An ninh Ukraine (SBU) hôm 7/8 thông báo đã bắt giữ một phụ nữ có liên quan tới âm mưu sát hại Tổng thống Volodymyr Zelensky khi ông đến thăm một mặt trận tiền tuyến.

Nữ nghi phạm được xác định đến từ TP Mykolaiv nhưng không nêu tên công khai và đang bị thẩm vấn. Nhà chức trách xác định nghi phạm là một mắt xích trong “âm mưu ám sát tổng thống Volodymyr Zelensky” khi ông tới thị sát mặt trận tiền tuyến Mykolaiv ở phía Đông Nam Ukraine hồi tuần trước.

Hãng CNN dẫn tin từ SBU cho biết, người phụ nữ trên đã thu thập thông tin tình báo để cố gắng tìm ra lịch trình của ông Zelensky trước khi ông tới vùng Mykolaiv ở phía nam nước này. Đối tượng bị cáo buộc quay phim vị trí hệ thống tác chiến điện tử, kho đạn dược trước khi bị nhà chức trách bắt được.

ABC News dẫn nguồn tin từ giới chức Ukraine cho rằng nhờ được cung cấp thông tin nên phía Nga sau đó đã tiến hành một cuộc không kích để “ám sát ông Volodymyr Zelensky”.

Các nhà điều tra đã nắm được ý đồ của nghi phạm trước khi tổng thống Ukraine tới thăm mặt trận Mykolaiv nên đã thực hiện “các biện pháp an ninh bổ sung” trong khu vực.

“Cơ quan An ninh Ukraine đang làm rõ liệu nghi phạm có đồng phạm hay không, các nhiệm vụ của cô ta là gì và ai là nhân vật phụ trách kế hoạch ám sát Tổng thống Volodymyr Zelensky”- giới chức Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm 7-8.

Người phụ nữ trên sống ở thị trấn Ochakiv, thuộc vùng Mykolaiv và trước đây từng làm việc tại một căn cứ quân sự ở khu vực này. Nếu bị kết án, người phụ nữ này sẽ phải đối mặt với mức án 12 năm tù giam. SBU đã công bố một bức ảnh đã được làm mờ về người phụ nữ trên cũng như một số tin nhắn điện thoại và ghi chú viết tay về các hoạt động quân sự.


Đảo chánh: Niger đóng cửa không phận, từ chối phục chức cho tổng thống


(Hình: Những người ủng hộ các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính của Niger tham gia cuộc biểu tình tại một sân vận động ở Niamey, Niger, vào ngày 6 tháng 8 năm 2023.)

-Niger đã đóng cửa không phận vào Chủ nhật cho đến khi có thông báo mới, viện dẫn mối đe dọa can thiệp quân sự từ khối khu vực Tây Phi sau khi các nhà lãnh đạo đảo chính từ chối thời hạn phục chức cho tổng thống bị lật đổ của nước này.

Trước đó, hàng nghìn người ủng hộ chính quyền quân sự đã đổ xô đến một sân vận động ở thủ đô Niamey, cổ vũ cho quyết định không khuất phục trước áp lực bên ngoài đòi chính quyền quân sự phải từ chức hạn chót là vào Chủ nhật sau cuộc cướp chính quyền của họ vào ngày 26/7.

Đây là cuộc đảo chính thứ bảy ở Tây và Trung Phi trong vòng ba năm, làm rung chuyển khu vực Sahel, một trong những vùng nghèo nhất thế giới. Với sự giàu có về uranium và dầu mỏ cũng như vai trò then chốt trong cuộc chiến với các chiến binh Hồi giáo, Niger có tầm quan trọng đối với Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc và Nga.

Các nhà lãnh đạo quốc phòng của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã đồng ý về một kế hoạch hành động quân sự khả thi, bao gồm thời điểm và địa điểm tấn công, nếu tổng thống bị giam giữ của Niger, ông Mohamed Bazoum, không được trả tự do và phục chức trước thời hạn.

“Trước mối đe dọa can thiệp ngày càng rõ ràng... Không phận Niger bị đóng cửa có hiệu lực kể từ hôm nay”, một đại diện của chính quyền cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình quốc gia vào tối Chủ nhật.

Ông cho biết đã có một cuộc triển khai trước các lực lượng ở hai quốc gia Trung Phi để chuẩn bị cho một cuộc can thiệp nhưng không đưa ra chi tiết.

ECOWAS không trả lời yêu cầu bình luận về các bước tiếp theo của họ sẽ là gì và chính xác lúc nào vào ngày Chủ nhật là hạn chót. Một phát ngôn viên trước đó cho biết họ sẽ đưa ra một tuyên bố vào cuối ngày.

Trong khi thổi kèn vuvuzela với những giai điệu quân đội, hơn 100 người ủng hộ chính quyền quân sự vào cuối tuần này đã dựng một chốt chặn gần một căn cứ không quân ở Niamey, một phần của phong trào công dân nhằm phản kháng bất bạo động để ủng hộ chính quyền quân sự nếu cần.

Khi những người tổ chức dẫn đầu những câu hô vang “Vive Niger”, với nhiều cảm xúc nhằm chống lại ECOWAS cũng như cường quốc thuộc địa cũ là Pháp, quốc gia hôm thứ Bảy nói rằng họ sẽ hỗ trợ cho các nỗ lực trong khu vực nhằm lật ngược cuộc đảo chính, mà không nói rõ liệu điều đó có bao gồm hỗ trợ quân sự hay không.

“Người dân Nigeria đã hiểu rằng những kẻ đế quốc này muốn mang đến sự sụp đổ của chúng tôi. Và nếu Chúa muốn, họ sẽ là những người phải chịu đựng điều đó”, ông Amadou Adamou, một người hưu trí nói.

Niger tuần trước đã thu hồi các thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp, quốc gia có khoảng 1.000 đến 1.500 binh sĩ tại nước này.

Các chương trình phát sóng trên truyền hình hôm Chủ nhật bao gồm một cuộc tranh luận bàn tròn về việc khuyến khích sự đoàn kết khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt của ECOWAS, vốn đã dẫn đến tình trạng cắt điện và giá lương thực tăng vọt.

Mối đe dọa quân sự của khối này đã gây ra lo ngại về xung đột tiếp theo trong khu vực đang chiến đấu với lực lượng nổi dậy Hồi giáo, tổ chức đã giết chết hàng ngàn người và buộc hàng triệu người phải chạy trốn.

Bất kỳ sự can thiệp quân sự nào cũng có thể trở nên phức tạp bởi lời hứa từ các chính quyền quân sự ở nước láng giềng Mali và Burkina Faso là sẽ đến bảo vệ Niger nếu cần.

Thủ tướng của ông Bazoum, ông Ouhoumoudou Mahamadou, hôm thứ Bảy nói tại Paris rằng chế độ bị lật đổ vẫn tin rằng có thể đạt được một thỏa thuận vào phút cuối.

Vào Chủ nhật, Ý cho biết họ đã giảm quân số ở Niger để nhường chỗ trong căn cứ quân sự cho thường dân Ý, những người có thể cần được bảo vệ nếu an ninh xấu đi.


“Cha Truyền Con Nối!” Quốc vương Campuchia phê chuẩn con trai ông Hun Sen làm thủ tướng!


(Hình: Tướng Hun Manet, con trai Thủ tướng Campuchia Hun Sen, trong chiến dịch bầu cử của Đảng CPP ở Phnom Penh, Campuchia, vào ngày 21/7/2023. Sau khi Quốc vương phê chuẩn, quốc hội Campuchia dự kiến sẽ họp vào ngày 22/8 để bỏ phiếu phê chuẩn ông Hun Manet làm thủ tướng tiếp theo.)

-Quốc vương Campuchia hôm thứ Hai (7/8) phê chuẩn đề cử người con trai được giáo dục ở phương Tây của Thủ tướng Hun Sen làm thủ tướng tiếp theo, xác nhận sự chuyển giao quyền lực được nhiều người mong đợi của một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới.

Sắc lệnh tán thành đối với vị tướng quân đội 45 tuổi, Hun Manet, cần phải chuẩn thuận bởi Quốc hội, vốn sẽ chiếm đa số bởi Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 23/7, trong đó tất cả các phe đối lập khả thi đều bị gạt sang một bên.

Sắc lệnh lần đầu tiên được đăng trên kênh Telegram của thủ tướng Hun Sen, một cựu du kích Khmer Đỏ, người đã cai trị gần bốn thập niên tại một đất nước đang thay đổi nhanh chóng và phục hồi sau nhiều thập niên chiến tranh và nghèo đói.

Các nhà phân tích từ lâu đã kỳ vọng ông Hun Sen, một người tự xưng là nhà lãnh đạo cứng rắn, vừa bước sang tuổi 71 vào thứ Bảy, sẽ đảm nhận vai trò chủ chốt của CPP để bảo vệ con trai mình khỏi sự cạnh tranh nội bộ và cho phép anh này giành được vị thế hợp pháp trong công chúng và các mạng lưới quyền lực.

Ông Hun Sen đã trình bày chi tiết thành tích phục vụ lâu dài của mình vào thứ Hai và nói rõ rằng ông sẽ gắn bó lâu hơn.

“Tôi sẽ tiếp tục phục vụ ở các vị trí khác ít nhất cho đến năm 2033”, ông nói.

“Cảm ơn vợ yêu đã nuôi nấng đứa con bất hạnh này trong những lúc khó khăn nhất để nó có thể trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước ngày hôm nay”.

Cơ quan lập pháp dự kiến sẽ họp vào ngày 22/8 để bỏ phiếu phê chuẩn ông Hun Manet, người không đưa ra manh mối nào về tầm nhìn của ông đối với Campuchia và 16 triệu dân của nước này.

Trái ngược hoàn toàn với cha mình, người không được học hành chính quy, ông Hun Manet đã học tập tại Hoa Kỳ và Anh, nơi ông lần lượt nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ, cả hai đều về kinh tế.

Ông cũng tốt nghiệp học viện quân sự West Point danh tiếng của Hoa Kỳ và từng giữ chức phó tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Campuchia, đồng thời là chỉ huy trưởng và phó chỉ huy đơn vị cận vệ của cha mình.

Quá trình chuyển đổi sẽ được theo dõi chặt chẽ để xem liệu ông Hun Manet có duy trì hiện trạng độc đoán của cha mình hay theo đuổi một nền dân chủ tự do hơn với quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây, sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của nhà đầu tư lớn nhất là Trung Quốc.

Cuộc bầu cử, trong đó ông Hun Manet giành được một ghế trong Hạ viện, đã bị các nhóm nhân quyền chế giễu là một sự ngụy tạo và bị Hoa Kỳ chỉ trích là không tự do cũng như không công bằng, sau khi một đảng đối lập bị cấm tranh cử.

Người đứng đầu một nhóm vận động hành lang cho các doanh nghiệp của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á nói với Reuters rằng họ có kế hoạch tiếp ông Hun Manet ở New York sau khi ông trở thành thủ tướng, nói rằng ông là “một người khác”.

Ông Hun Sen đã bất đồng quan điểm với các nước phương Tây và Liên Hiệp Quốc trong nhiều thập niên và đã phớt lờ những lời kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp khốc liệt kéo dài nhiều năm của ông, vốn đã tiêu diệt phe đối lập chính trị và dẫn đến những lời kêu gọi đình chỉ Facebook của ông vì đe dọa các đối thủ.

Ông từng tuyên bố sẽ lãnh đạo CPP, trở thành chủ tịch thượng viện và sẽ từ chức thủ tướng nếu con trai ông không thể hiện tốt.


Anh bày tỏ lo ngại về “xe do thám” của Trung Cộng

(Phan Anh)

Giới chức Anh nhận định rằng xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc là một rủi ro an ninh lớn, theo tờ Telegraph.


(Ảnh minh họa)

-Cụ thể, các nhà lập pháp nước này đã lên tiếng cảnh báo về việc nhập khẩu xe điện của Trung Quốc, với lý do rằng công nghệ tích hợp trong xe có thể được sử dụng để theo dõi công dân Anh.

Với việc Trung Quốc đang dẫn đầu thị trường xe điện toàn cầu, các phương tiện giá rẻ hơn của cường quốc châu Á này được dự đoán sẽ thống trị doanh số bán ô tô tại Anh. Do đó, một nhóm nghị sĩ liên đảng đã nêu lên mối lo ngại với chính phủ rằng nước Anh có thể đánh mất quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng cho Bắc Kinh với tất cả rủi ro an ninh kèm theo.

“Nếu nó được sản xuất tại một quốc gia như Trung Quốc, làm sao bạn có thể chắc chắn rằng nó sẽ không phải là phương tiện thu thập thông tin và dữ liệu? Nếu bạn có xe điện được sản xuất bởi các quốc gia đã sử dụng công nghệ để do thám, tại sao họ không làm điều tương tự ở đây?”, quan chức chính phủ cấp cao giấu tên nói với tờ Telegraph.

Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi chính phủ Anh ban hành một luật mới yêu cầu các công ty ô tô sẽ phảo chịu hạn ngạch bán xe không phát thải từ năm tới, trong bối cảnh các loại xe chạy bằng xăng và dầu diesel mới sẽ bị cấm bán từ năm 2030.

Trước đó, Anh đã hạn chế nhập khẩu sản phẩm công nghệ Trung Quốc liên quan đến những lo ngại về tính bảo mật. Năm 2020, chính phủ Anh đã cấm tập đoàn Huawei lắp đặt mạng 5G của Anh, đồng thời ra lệnh loại bỏ tất cả các thiết bị và dịch vụ của tập đoàn này vào cuối năm 2023.

Năm ngoái, những người đứng đầu cơ quan tình báo của Anh và Mỹ đều đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng chính sách gián điệp kinh tế. Phía Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc trên.


Chiến Hạm Nga Bị Hư Hại Khi Ukraine Tấn Công Vào Căn Cứ Hải quân Novorossiysk


(Hình: Chiến hạm Olenegorsky Gornyak neo đậu tại cảng Novorossiysk, Nga, vào ngày 30/7/2023.)

-Cảng dân sự, nơi giải quyết 2% nguồn cung dầu của thế giới và cũng là cảng xuất cảng ngũ cốc, đã tạm thời dừng mọi hoạt động di chuyển của tàu và sau đó đã hoạt động trở lại bình thường, theo Caspian Pipeline Consortium, công ty vận hành một cảng dầu ở đó.

Bộ Quốc phòng Nga nói trong một tuyên bố ngắn rằng cuộc tấn công của Ukraine bằng hai xuồng không người lái trên biển đã bị đẩy lùi ở vùng biển bên ngoài căn cứ và các xuồng không người lái đã bị phá hủy. Bộ này không đề cập đến bất kỳ thiệt hại nào.

Một nguồn tin tình báo Ukraine cho biết tàu đổ bộ Olenegorsky Gornyak của Hải quân Nga đã bị hỏng nghiêm trọng và mất khả năng chiến đấu sau cuộc tấn công của Hải quân Ukraine và cơ quan tình báo SBU phối hợp thực hiện.

Trên tàu có khoảng 100 thuỷ thủ khi nó bị tấn công bởi một xuồng không người lái mang theo 450 kg thuốc nổ TNT, nguồn tin cho biết nhưng không cung cấp bất kỳ thông tin nào về thương vong.

Trong một diễn biến khác, một nguồn tin am hiểu về hoạt động của cảng cho biết một tàu Hải quân lớn của Nga được kéo vào bờ vì nó không thể tự di chuyển sau khi bị hư hại.

Nguồn tin giấu tên cho biết việc vận chuyển dầu và ngũ cốc vẫn đang diễn ra tại cảng. Các hoạt động đã bình thường trở lại vài tiếng đồng hồ sau vụ tấn công.

Thông tấn xã Reuters không thể xác minh ngay lập tức và độc lập những khẳng định về thiệt hại đối với chiến hạm Olenegorsky Gornyak. Bộ Quốc phòng Nga không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Đoạn video chưa được xác minh được lan truyền trên truyền thông xã hội nhằm mục đích cho thấy thiệt hại đối với chiếc tàu. Trong một video, người ta thấy nó bị nghiêng nặng về phía cảng.

Andrei Kravchenko, một viên chức thành phố Novorossiysk, nói trên ứng dụng Telegram rằng Olenegorsky Gornyak là một trong hai chiếc tàu đã “phản ứng tức thì” để chặn cuộc tấn công của Ukraine.


Nga Nói Sẽ Trả Đũa, Sau Khi Ukraine Thực Hiện Vụ Tấn Công Thứ Hai Trên Biển


(Hình ảnh trích từ video được cung cấp vào ngày 5/8/2023 cho thấy một thiết bị drone biển chở theo chất nổ đang tiếp cận một tàu chở dầu của Nga trên Biển Đen.)

-Ngày thứ Bảy (5/8/2023), Mạc Tư Khoa tuyên bố sẽ trả đũa sau khi drone biển của Ukraine tấn công một tàu chở dầu của Nga trên Biển Đen gần bán đảo Crimea vào cuối ngày thứ Sáu. Đó là vụ tấn công trên biển thứ hai liên quan đến thiết bị tự hành trong vòng một ngày.

Ukraine tấn công một cảng lớn của Nga trước đó vào ngày thứ Sáu (4/8).

Mạc Tư Khoa lên án mạnh mẽ điều mà họ xem là “vụ tấn công khủng bố” của Ukraine nhắm vào một tàu dân sự ở Eo biển Kerch, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.

“Không thể biện minh cho những hành động man rợ như vậy, chúng sẽ bị đáp trả và tác giả cũng như thủ phạm của những hành động này chắc chắn sẽ bị trừng phạt”, bà viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Khi năng lực Hải quân của Kyiv phát triển, Biển Đen đang trở thành một chiến trường ngày càng quan trọng trong cuộc chiến.

Ba tuần trước, Mạc Tư Khoa rút khỏi một thỏa thuận xuất cảng chủ chốt cho phép Ukraine vận chuyển hàng triệu tấn ngũ cốc qua Biển Đen để bán trên thị trường thế giới. Sau khi rút đi, Nga đã liên tục oanh kích các cảng của Ukraine, bao gồm cả Odesa.

Vụ tấn công đã tạm thời đình chỉ giao thông trên Cầu Kerch, cũng như giao thông bằng phà.

Các tàu kéo đã được khai triển để hỗ trợ tàu chở dầu đang chịu chế tài của Mỹ vì giúp cung cấp nhiên liệu máy bay cho các lực lượng Nga đang chiến đấu ở Syria, theo hãng tin Tass của Nga.

Cuộc tấn công trước đó của Ukraine nhắm vào Novorossiysk đã làm ngưng trệ giao thông hàng hải trong vài tiếng đồng hồ và đánh dấu lần đầu tiên một cảng thương mại của Nga trở thành mục tiêu trong cuộc xung đột kéo dài gần 18 tháng. Cảng có một căn cứ Hải quân, xưởng đóng tàu và một kho dầu, và là nơi xuất cảng trọng yếu. Nó nằm khoảng 110 cây số về phía Đông của Crimea.


Nga Ồ Ạt Huy Động Phi Đạn Siêu Thanh, Liên Lục Địa và Drone Oanh Kích Ukraine


(Ảnh: Một chiếc drone phát nổ trên bầu trời thành phố Kyiv (Ukraine) trong một cuộc tấn công của Nga ngày 2/8/2023.)

-Một trung tâm truyền máu, một hãng chế tạo trực thăng Ukraine bị oanh kích. Trong đêm 5 rạng sáng ngày 6/8/2023 Nga tiến hành 70 đợt tấn công, sử dụng phi đạn liên lục địa, phi đạn siêu thanh và drone do Iran chế tạo. Trước đó Mạc Tư Khoa tuyên bố trả đũa đích đáng vụ tàu chở dầu của Nga ở eo biển Kertch –Biển Đen bị trúng drone.

Không quân Ukraine sáng 6/8 thông báo tiêu hủy 30 trên tổng số 40 phi đạn liên lục địa của đối phương và toàn bộ 27 drone Shahed quân đội Nga đã nhắm về phía Ukraine trong đêm qua. Nga đã sử dụng cả phi đạn siêu thanh Kinzhal trong các đợt oanh kích lần này. Hãng tin Anh Reuters chưa thể kiểm chứng các tin trên.

Theo phát ngôn viên lực lượng Không quân Ukraine, Yuriy Ihnat, hỏa lực của Nga đêm qua nhắm vào khu vực Khmelnytskyi, cách thủ đô Kyiv hơn 250 cây số về hướng Tây-Nam và quân đội Nga đang bị phi trường quân sự Starokostiantyniv cũng thuộc Khmelnytskyi “ám ảnh”. Căn cứ này từng bị tấn công hồi cuối tháng 7/2023. Tổng thống Volodymyr Zelensky trên mạng Telegram xác nhận cũng tại khu vực này, nhà máy chế tạo trực thăng và động cơ phản lực Motor Sich là mục tiêu tấn công.

Còn ở khu vực miền Đông Ukraine, một trung tâm truyền máu tại Kupiansk - trong vùng Kharkiv - đã bị oanh kích. Vẫn theo lời ông Zelensky, vụ tấn công này gây “thiệt hại nhân mạng và làm nhiều người bị thương”. Không đi sâu vào chi tiết, nguyên thủ Ukraine cho đăng một tấm ảnh với một tòa nhà bốc cháy bên cạnh hàng chữ “Tội ác chiến tranh này nói lên tất cả hành vi của Nga (…). Những con thú dữ tàn phá những gì cho phép sự sống”.

Về phía Mạc Tư Khoa, sáng 6/8 trên Telegram, Đô trưởng Donetsk, ông Alexei Kulemzin do Nga dựng lên, đăng ảnh mái trường Đại học Kinh Tế thành phố đang bốc cháy và kèm theo lời cáo buộc “Quân đội Ukraine sử dụng bom chùm”.

Cuối cùng, từ chiều qua Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã “chận” được drone Reaper của Không quân Mỹ đang tiến gần đến “biên giới Nga trong khu vực Biển Đen” và chiếc drone này “đã quay đầu trở lại” về hướng Ukraine.

Mạc Tư Khoa dọa trả đũa đích đáng vụ một tàu dầu của Nga ở eo biển Kertch sáng qua bị tấn công bằng drone Ukraine. Nga mạnh mẽ lên án quân đội Ukraine “nhắm vào một mục tiêu dân sự”.


Thị Trưởng Mạc Tư Khoa: Hệ Thống Phòng Không Bắn Hạ Máy Bay Không Người Lái


(Hình: Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergei Sobyanin.)

-Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergei Sobyanin cho biết rằng một máy bay không người lái thù địch đã bị lực lượng phòng không bắn hạ khi nó tiếp cận thành phố hôm 6/8/2023.

Trong khi đó, tin cho hay, một trong những phi trường của thủ đô đã đình chỉ các chuyến bay.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết riêng rẽ rằng máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn hạ ở quận Podolsk ở khu vực phía Nam thủ đô.

Ông Sobyanin đã viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng máy bay không người lái tiếp cận Mạc Tư Khoa vào khoảng 11 giờ sáng.

Nga cáo buộc Ukraine thực hiện hai vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào thủ đô của nước này vào tuần trước, làm hư hại một tòa cao ốc ở quận Moskva Citi.

Hôm 6/8, phi trường Vnukovo cho biết tạm dừng các chuyến bay “vì những lý do ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”.


Ả Rập Saudi: Hội Nghị Tìm Kiếm Hòa Bình Cho Ukraine Không Có Thông Cáo Chung


(Ảnh: Một bức ảnh do cơ quan báo chí Ả Rập Saudi (SPA) cung cấp ngày 19/5/2023 cho thấy Thái tử Ả Rập Saudi, ông Mohammed bin Salman gặp gỡ Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky (trái) nhân Thượng đỉnh Liên Đoàn Ả Rập ở Jeddah (Ả Rập Saudi). Ả Rập Saudi đã chủ trì một hội nghị tại Jeddah nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Ukraine ngày 5/8/2023.)

-Ả Rập Saudi chủ trì cuộc họp tại Jeddah, tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Ukraine. Đại diện của khoảng hơn 30 quốc gia bắt đầu thảo luận từ chiều 5/8/2023. Theo như ghi nhận của hãng tin Pháp AFP cuộc họp đã kết thúc sớm hơn dự kiến và các bên không ra thông cáo chung.

Đây là một cuộc họp kín, diễn ra trong 5 tiếng đồng hồ. Các phái đoàn thay phiên nhau trình bày quan điểm trong ba tiếng, hai tiếng còn lại dành cho các cuộc thảo luận trước khi các bên bắt đầu bữa tiệc tối. Hội nghị Jeddah bên bờ Hồng Hải không ra thông cáo chung. Theo một nguồn tin Âu Châu, các phái đoàn đồng ý về một số điểm then chốt, đặc biệt là trên việc “tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền” của Ukraine. Vẫn theo viên chức này, đây phải là “cốt lõi của mọi hòa ước”.

Trong cương vị chủ nhà, Ả Rập Saudi đã giữ bí mật về danh sách các thành phần tham dự hội nghị Jeddah nhưng vẫn một nguồn tin từ phái đoàn Âu Châu được thông tấn xã AFP trích dẫn “Trung Quốc đã tích cực tham gia khuyến khích sáng kiến các bên sẽ họp lại” để tiếp tục đàm phán, vãn hồi hòa bình cho Ukraine. Đặc sứ Trung Quốc về Ukraine, ông Lý Huy khẳng định “quyết tâm” đóng góp để tìm một “giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine”.

Ba Tây quan niệm “một cuộc đàm phán thực thụ bắt buộc phải có sự tham gia của tất cả các bên, kể cả của Nga”. Đại diện của Pháp nói rõ hơn “nhiều nỗ lực cùng hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi để trên cơ sở đó các bên bắt đầu đàm phán. Những điều kiện tiên quyết đó có được đưa ra nhân cuộc họp lần này hay không. Rõ ràng câu trả lời là không. Đây là một nỗ lực dài hơi”.

Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến Jeddah.


Pakistan: Xe Lửa Chở Hành Khách Trật Đường Ray, Ít Nhất 30 Người Chết!


(Hình: Hiện trường vụ trật bánh xe lửa ở Pakistan.)

-Đài truyền hình địa phương Geo đưa tin, dẫn lời một viên chức quận cho hay hôm 6/8/2023, một đoàn xe lửa chở hành khách đã bị trật đường ray ở miền Nam Pakistan, khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và hơn 80 người bị thương.

Khoảng 10 toa của một đoàn xe lửa chở khách bị trật đường ray ở quận Nawabshah thuộc tỉnh miền Nam Sindh, cách thành phố lớn nhất của đất nước Karachi khoảng 275 cây số.

Geo cho biết, một số người vẫn bị mắc kẹt bên trong toa xe lửa và những người khác đã được chuyển đến bệnh viện.

Dịch vụ xe lửa đến các quận nội đô của Sindh đã bị đình chỉ và lực lượng cấp cứu đã được cử đến khu vực này.

Tai nạn trên hệ thống đường sắt xuống cấp của Pakistan là điều phổ biến và các chính phủ liên tiếp trong nhiều năm qua đã cố gắng bảo đảm kinh phí để nâng cấp mạng lưới đường sắt trong một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Một vụ tai nạn xe lửa hỏa lớn ở Sindh vào năm 2021 đã làm 56 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.


Hai Người Chết, 57 Người Được Cứu Trong Các Vụ Đắm Tàu Chở Di Dân Ngoài Khơi Nước Ý Ðại Lợi


(Ảnh: Lực lượng Tuần duyên Ý Ðại Lợi đưa thi thể của một di dân từ tàu lên bờ trong một vụ giải cứu hồi năm 2015.)

-Hôm 6/8/2023, Lực lượng Tuần duyên Ý Ðại Lợi cho biết đã vớt được 2 thi thể và giải cứu 57 người di cư ngoài khơi đảo Lampedusa ở miền Nam nước này, trong khi khoảng 30 người mất tích sau hai vụ đắm tàu.

Lực lượng Tuần duyên cho biết rằng các hoạt động cấp cứu hôm 5/8 ở phía Nam Lampedusa là “phức tạp”, đồng thời xác nhận thông tin trên báo chí rằng hai chiếc thuyền chở di dân bị chìm có thể đã khởi hành từ Sfax, một điểm nóng về cuộc khủng hoảng di cư của Tunisia.

Trong một tuyên bố, Lực lượng Tuần duyên cho biết rằng 2 nạn nhân là một phụ nữ và một trẻ em. Hãng thông tấn Ansa của Ý Ðại Lợi trước đó đưa tin rằng họ là một bà mẹ và con 1 tuổi đến từ Bờ Biển Ngà.

Ansa, trích dẫn những người sống sót, cũng cho biết rằng một tàu chở 48 người và tàu thứ hai chở 42 người. Những người sống sót và thi thể đã được vớt ở vị trí cách Lampedusa 23 hải lý (46 cây số) về phía Tây-Nam.

Vụ đắm tàu xảy ra ở vùng biển rất động. Cảnh sát trưởng tỉnh Emanuele Ricifari được trang web tin tức địa phương Agrigento Notizie trích dẫn nói rằng bất cứ ai cho phép những người di cư đi thuyền trong thời tiết xấu như vậy “là một kẻ tội phạm điên rồ vô đạo đức”.

Hơn 2.000 người đã đến Lampedusa trong vài ngày qua, sau khi được các tàu tuần tra của Ý Ðại Lợi và các tổ chức phi chính phủ NGO giải cứu trên biển trong bối cảnh gió mạnh quanh hòn đảo này.


Đảo Chính Niger: CEDEAO Hoàn Tất Kế Hoạch Can Thiệp Quân Sự, 24 Tiếng Đồng Hồ Trước Hạn Tối Hậu Thư


(Hình: Tham mưu trưởng của các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (CEDEAO), trừ Mali, Burkina Faso, Tchad, Guinea và Niger, chụp ảnh chung sau cuộc họp bất thường về tình hình Niger, tại Abuja, Nigeria, ngày 4/8/2023.)

-Ít tiếng đồng hồ nữa là tối hậu thư của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi, đòi phe đảo chính trả tự do cho ông Tổng thống dân cử Niger, hết hạn. Tối 3/8/2023, chỉ huy quân đội các nước thành viên trở về nước sau 3 ngày họp kín tại Abuja, thủ đô Nigeria, để bàn phương án can thiệp.

Từ Benin, quốc gia thành viên CEDEAO, thông tín viên Jean-Luc Aplogan của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:

“Theo thông tin của chúng tôi, cuộc họp đã quyết định lập một lực lượng với quyền hạn lớn. Quyền hạn này cho phép lực lượng này tiến hành các hoạt động tấn công. Một số nguồn tin trong nội bộ cho biết Nigeria sẽ đóng vai trò chính trong lực lượng này. Lực lượng can thiệp có kế hoạch đi vào Niger bằng đường bộ, đường không và đường biển.

Nigeria là quốc gia đóng vai trò “bộ khung” của lực lượng quân sự Tây Phi, hay nói cách khác, đây là nước đóng góp lớn nhất. Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) và Benin sẽ tham gia, Senegal cũng sẵn sàng gửi quân. Danh sách có thể chưa khép lại. Hiện không có bất cứ thông tin nào về quân số. Chức tư lệnh của lực lượng có thể sẽ do quốc gia chủ chốt Nigeria đảm nhiệm.

Thứ Bảy này, mỗi Tổng tham mưu trưởng trở về từ Abuja sẽ trình bày kế hoạch can thiệp với Tổng thống nước mình. Lực lượng này sẽ chỉ can thiệp theo lệnh của các nguyên thủ quốc gia của khối”.

Áp lực gia tăng với phe đảo chính, hôm nay Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố ủng hộ kế hoạch can thiệp quân sự của CEDEAO, nếu Tổng thống Mohamed Bazoum không được khôi phục. Cùng ngày, Ngoại trưởng Catherine Colonna đã tiếp Thủ tướng Niger Ouhoumoudou Mahamadou tại trụ sở của bộ ở Quai d’Orsay.

Lực lượng đảo chính khẳng định sẽ “phản ứng ngay lập tức” đối với “bất kỳ hành động gây hấn nào” từ một quốc gia thành viên CEDEAO. Tchad, quốc gia láng giềng và là một thế lực quân sự tại Phi Châu, hôm qua cho biết không tham gia các hoạt động can thiệp liên quan đến Niger.


Quân Đội Nhiều Nước Tây Phi Đã Chuẩn Bị Sẵn Sàng Để Can Thiệp Vào Niger


(Ảnh: Lính Senegal thuộc lực lượng CEDEAO được chào đón tại Banjul, thủ đô Gambia, ngày 22/1/2017. Senegal là một trong những nước sẵn sàng can thiệp vào Niger để tái lập Tổng thống Bazoum bị lật đổ ngày 26/7/2023.)

-Hôm 6/8/2023 là hạn chót tối hậu thư của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (CEDEAO), đòi phe đảo chính Niger trả tự do cho Tổng thống dân cử Mohamed Bazoum.

Trong mấy ngày qua, lãnh đạo các nước Tây Phi và giới ngoại giao trong khu vực đã ráo riết trao đổi ý kiến, với tâm điểm là một chiến dịch can thiệp quân sự nhắm vào Niger nếu Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum không được trả tự do. Nhiều nước đã đặt lực lượng quân sự trong tư thế sẵn sàng hành động.

Từ Cotonou, Bénin, thông tín viên của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trong khu vực, Serge Daniel, cho biết thêm chi tiết:

“Những nguyên thủ quốc gia nào nhận được nhiều cuộc gọi điện thoại nhất? Đó là Tổng thống Côte d’Ivoire - Alassane Ouattara, Tổng thống Nigeria - Bola Tinubu và Tổng thống Senegal - Macky Sall. Trong số những nguyên thủ gọi nhiều nhất có Tổng thống Guinée-Bissau, Umaru Sissoko Emballo, người gọi các đồng nhiệm là “Anh trai thân mến”, thậm chí là “Cha yêu quý”.

Họ trao đổi với nhau những tin tức gì? Đó là thông tin về Tổng thống Niger bị lật đổ Mohamed Bazoum. Tinh thần của ông vẫn vững vàng, nhưng những người cầm giữ ông đã phá một con đường gần cửa ra vào của ngôi nhà nơi ông đang bị giam.

Bây giờ có can thiệp vào Niger hay không? Một số nguyên thủ, chẳng hạn Tổng thống Togo - Faure Gnassingbé - vẫn luôn hy vọng có một giải pháp thông qua con đường hòa giải. Nhưng với một số lãnh đạo khác, đồng hồ đếm ngược đã bắt đầu. Ở giữa hai phe là Tổng thống Benin, Patrice Talon, người thường trao đổi với đồng nhiệm nước Nigeria láng giềng.

Trên giấy tờ, kế hoạch quân sự cho khả năng can thiệp đã sẵn sàng. Nhiều quốc gia đã chuẩn bị sẵn phương tiện và các đội quân. Một số nước huy động một tiểu đoàn, một số khác thì dành hẳn nhiều tiểu đoàn để sẵn sàng cho chiến dịch. Nhưng không có hoạt động quân sự nào nếu không có thông tin tình báo. Nhân viên của Cơ quan Tình báo Quốc gia Nigeria đã tỏa ra khắp khu vực”

Theo trang mạng Africanews vào hôm 5/8, giới lãnh đạo quân sự lên cầm quyền tại Niger sau vụ đảo chính đã đề nghị đội quân đánh thuê Wagner của Nga trợ giúp. Khi sang thăm nước láng giềng Mali, tướng Salifou Mody, nhân vật số 2 trong tập đoàn quân sự mới lên chiếm quyền tại Niger đã liên hệ với một đại diện của Wagner tại Mali và đưa ra đề xuất nói trên.

Về các biện pháp trừng phạt quốc tế, thông tấn xã Reuters cho biết hôm qua 5/8, đến lượt Mỹ đình chỉ một số chương trình hỗ trợ mà chính phủ Niger được hưởng.


Tòa Ðại Sứ Trung Quốc Tại Nga Chỉ Trích Việc Đối Xử Với Công Dân Tại Biên Giới


-Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Nga chỉ trích việc 5 công dân Trung Quốc bị từ chối nhập cảnh Nga, gọi cách đối xử với họ không phù hợp với quan hệ hữu nghị tổng thể giữa hai nước.

Năm người này, định lái xe vào Nga từ Kazakhstan vào cuối tháng trước, bị từ chối nhập cảnh sau 4 tiếng đồng hồ kiểm tra và bị hủy thị thực nhập cảnh (visa), Tòa Ðại sứ cho biết trên tài khoản mạng xã hội WeChat vào ngày thứ Sáu (4/8/2023).

Tòa Ðại sứ đã gặp Bộ Ngoại giao và các cơ quan biên giới của Nga, “chỉ ra rõ ràng rằng việc chấp pháp dã man của Nga trong sự việc này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích chính đáng của công dân Trung Quốc”, Tòa Ðại sứ nói trên WeChat.

Tòa Ðại sứ dẫn ra phát biểu của các viên chức Nga nói rằng Nga hoan nghênh và không có chính sách kì thị đối với công dân Trung Quốc, và rằng điểm đến trong đơn xin thị thực của năm người Trung Quốc không khớp với điểm đến thực sự của họ.

Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa đã nhiều lần nói về mối quan hệ vững mạnh của mình kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin công bố quan hệ đối tác “không giới hạn” vào tháng 2 năm 2022, khi ông Putin đến thăm Bắc Kinh để dự lễ khai mạc Thế Vận hội mùa Đông vài ngày trước khi ông phát động cuộc xâm lược Ukraine.

Hôm thứ Sáu, Trung Quốc cho biết họ sẽ cử một viên chức cao cấp tới Ả Rập Saudi để hội đàm vào cuối tuần nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine tại một diễn đàn mà Nga không được mời tham gia - một thắng lợi ngoại giao đối với Kyiv, phương Tây và chủ nhà Ả Rập Saudi.


Mỹ: Tiểu Bang Texas Tạm Dỡ Một Phần Lệnh Cấm Phá Thai


(Ảnh: Tuần hành chống luật cấm thuốc phá thai MIFEPRISTONE, ngày 11/2/2023, Amarillo, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.)

-Tại Mỹ, hôm 4/8/2023, một tòa án tiểu bang Texas ban hành quyết định cho phép trong một số trường hợp khẩn cấp về y tế, phụ nữ được quyền phá thai. Trong trường hợp đó, giới Y sĩ thực hiện giải phẫu không bị truy tố vi phạm luật của tiểu bang.

Phán quyết chỉ có hiệu lực tạm thời nhưng theo một số nhà bảo vệ nữ quyền, đây là một bước tiến quan trọng. Trái lại, phe chống đối xem phán quyết này là một mối đe dọa dẫn tới “khủng hoảng y tế”.

Thẩm phán Jessica Mangrum của tiểu bang Texas nhận thấy hoàn cảnh của một số “phụ nữ không được phá thai” hoặc quyết định được đưa ra “chậm trễ” do các Bác sĩ sợ chịu trách nhiệm và sợ bị khởi tố trong khuôn khổ luật cấm phá thai tại tiểu bang này. Vì vậy, trong phiên tòa hôm 4/8, bà Mangrum quyết định ngừng mọi thủ tục tố tụng nhắm vào giới Y-Bác sĩ khi họ làm nhiệm vụ “một cách thành thật”. Tuy nhiên, chính quyền của tiểu bang Texas vẫn có thể can thiệp khi đệ đơn kháng cáo trong một số trường hơp cụ thể.

Tháng trước, một tòa án tại thành phố Austin đã phải xử một vụ khá phức tạp. Bên nguyên đơn đã không thể phá thai khi biết rằng bà không giữ được đứa con trong bụng. Cuối cùng, cuộc phẫu thuật chỉ diễn ra ba ngày sau đó, người mẹ đã suýt thiệt mạng.

Bang Texas cấm mọi hành vi phá thai, trừ trường hợp sinh mạng người mẹ bị đe dọa hoặc sản phụ có nguy cơ bị tàn tật. Các Bác sĩ vi phạm luật chống phá thái của tiểu bang có thể lãnh án đến 99 năm tù, bị phạt 100.000 Mỹ kim, bị rút giấy hành nghề.

Không có nhận xét nào: