Litva tuyên bố tước giấy phép cư trú của 1.000 công dân Nga và Belarus Hôm 4/8 vừa qua, Litva tuyên bố rằng hơn 1.000 công dân Nga và Belarus sống ở nước này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia đồng thời thông báo sẽ tước giấy phép cư trú của họ, theo hãng tin AP. Cụ thể, quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ Litva yêu cầu các công dân Nga và Belarus trả lời một bảng câu hỏi trong đó có câu hỏi về quan điểm của họ đối với Crimea và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Cục Di trú Litva đã thực hiện cuộc khảo sát này và câu trả lời của các công dân Nga và Belarus đã được xem xét khi quyết định cấp hoặc từ chối cấp phép cư trú.
<!>
Cục Di trú Litva tuyên bố xác định 1.164 công dân Belarus và Nga cư trú tại Litva là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, một quyết định đưa ra dựa trên đánh giá thông tin công khai và không công khai. Cục này nêu rõ 910 người trong số đó là công dân Belarus và 254 người là công dân Nga.
Những người được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia Litva chỉ là một phần nhỏ trong cộng đồng người Belarus và người Nga sống ở Litva. Hơn 58.000 công dân Belarus và 16.000 công dân Nga hiện đang cư trú tại Litva. Họ cần xin gia hạn giấy phép cư trú theo thời hạn từ 1-3 năm, tùy thuộc vào tình trạng đơn xin.
Những người bị tước giấy phép cư trú có thể kháng cáo quyết định tại tòa án. Theo Cục Di trú, những người này sẽ có tối đa một tháng để rời khỏi Litva. Hiện chính phủ Nga và Belarus chưa đưa ra phản ứng về diễn biến này.
Tại Litva cũng có dân tộc thiểu số gốc Nga, chiếm khoảng 5% dân số. Họ là công dân của Litva và không bắt buộc phải trả lời bảng câu hỏi. Hiện Litva là một thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).
Ấn Độ: Trong 3 năm hơn 1,3 triệu phụ nữ mất tích, hơn 1/5 dưới 18 tuổi
Ngày 31/7 tờ India Express đưa tin, Bộ Nội vụ Ấn Độ vừa báo cáo trước Quốc hội rằng từ năm 2019 – 2021 Ấn Độ có hơn 1,3 triệu phụ nữ mất tích, trong số họ có hơn 1/5 dưới 18 tuổi, số người được tìm thấy sau đó chỉ chiếm hơn một nửa số người mất tích.
Dữ liệu này do Cục Hồ sơ Hình sự Quốc gia của Ấn Độ tổng hợp, theo đó tình hình này tồi tệ nhất là ở các bang như Madhya Pradesh, Tây Bengal, và Maharashtra. Theo tờ Breaking News Network của Ấn Độ, do trong văn hóa và gia đình Ấn Độ không coi trọng phụ nữ dẫn đến nhiều vụ án hình sự liên quan đến phụ nữ thường kết thúc bằng kết luận “mất tích”.
Tờ India Express chỉ ra có rất nhiều trường hợp phụ nữ bị vụ án kết luận “mất tích” nhưng thực tế họ lại có một kết cục vô cùng bi thảm, một số có thể đã bị hãm hiếp và giết chết, một số có thể bị ép tham gia vào các hoạt động phi pháp phạm tội như mua bán người…
Kể từ năm 2013, Ấn Độ đã hai lần sửa đổi bộ luật hình sự để bảo vệ an toàn cho phụ nữ, quy định hình phạt cao hơn đối với các tội ác liên quan đến phụ nữ. Tuy nhiên, có quan điểm dư luận cho rằng luật pháp và các quy định rất khó phát huy vai trò thiết thực trong việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ Ấn Độ, lý do vì bối cảnh văn hóa – xã hội Ấn Độ không xem trọng họ.
Trong bộ phim hài “Quả mít” (Buoluomi) mới ra mắt của Ấn Độ, cảnh sát đã lần ra tung tích của chủ nhà liên quan đến quả mít bị mất tích, thực chất chính cô con gái út của chủ vườn đã mất tích và gia đình trình báo cảnh sát nhưng bị phớt lờ, buộc người chủ vườn phải dùng cách khai báo mất quả mít để cảnh sát tra manh mối về vụ mất tích của cô con gái.
Tờ India Express nhận xét rằng dù kịch phim vô lý, nhưng chuyện phim nhằm lên án nạn thờ ơ của cảnh sát đối với trường hợp phụ nữ mất tích, câu chuyện là sự khắc họa chân thực thân phận phụ nữ ở vùng nông thôn Ấn Độ. Cảnh sát thường cáo buộc người báo án là không “chăm sóc tốt” người phụ nữ bị mất tích đó, ngầm chỉ định rằng những người phụ nữ đó “bỏ trốn” hoặc họ không thích gia cảnh nên bỏ nhà ra đi.
Liên quan đến vấn đề xã hội này, Chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh cho cảnh sát cần đặc biệt xem trọng. Theo tin từ Hindustan Times của Ấn Độ, nhà chức trách đã áp dụng các biện pháp khuyến khích khen thưởng để tăng tỷ lệ giải quyết các trường hợp phụ nữ mất tích. Đồng thời, Bộ Nội vụ Ấn Độ cũng đã thành lập đội hành động chống buôn người, cho phép khi cần thiết đội này được vượt qua hệ thống cảnh sát địa phương để trực tiếp xử lý tội phạm này.
Tạp chí Connection của Ấn Độ nhận xét, về mặt chiến lược vận động cho cuộc tổng tuyển cử năm 2024, Đảng Bharatiya Janata chú ý đến các vấn đề mà cử tri nữ quan tâm. Hiện trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử đang đến gần, đảng cầm quyền đã sử dụng các nguồn lực của chính phủ để giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan về an toàn mà phụ nữ Ấn Độ phải đối mặt này, có thể nói đây là chiến lược chính trị điển hình vì bầu cử.
Tàu chiến Nga nghiêng nặng sau khi bị xuồng cảm tử tấn công
Vào đầu ngày 4/8, thiết bị không người lái của hải quân Ukraina đã bất ngờ tấn công một căn cứ hải quân của Nga ở thành phố cảng Novorossiysk. Cuộc tấn công đã làm một một tàu đổ bộ neo đậu chịu thiệt hại nghiêm trọng.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết: hai máy bay không người lái của hải quân Ukraina đã bị đẩy lùi tại cảng vào sáng ngày 4/8. Tuy nhiên, các bức ảnh và video nhanh chóng xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy điều khác. Tàu tấn công đổ bộ Olenegorsk Gornyak bị nghiêng nặng khi đang neo cạnh các tàu ứng phó khẩn cấp bên cạnh.
Hãng tin Ukraina Strana.ua đã đăng một đoạn video trên Telegram cho thấy, con tàu bị hư hại đang được các tàu cứu hộ kéo vào bờ.
Làn sóng thiết bị không người lái của Ukraina đã đồng loạt tấn công các mục tiêu ở Crimea. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, họ đã bắn hạ 10 thiết bị bay không người lái.
Kênh Telegram “Real War” ủng hộ Ukraina đưa tin, một tàu không người lái của hải quân chứa 450kg chất nổ đã tấn công Olenegorsk Gornyak. Vụ tấn công đã làm thủng một “lỗ nghiêm trọng” ở mạn tàu, và khiến chiếc tàu này “không thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu”. Kênh Telegram đã ghi công cho Cơ quan An ninh Ukraina (SBU) với hoạt động này.
Một video có chủ đích về vụ tấn công đã được chia sẻ trên mạng xã hội, nó được quay từ camera trên mũi thiết bị không người lái. Trong video cho thấy, thiết bị đang tiến đến phía bên trái của Olenegorsk Gornyak trước khi mất kết nối.
Người phát ngôn của chính quyền quân sự Odesa của Ukraina – ông Serhiy Bratchuk, đã đăng một bức ảnh về tàu Olenegorsk Gornyak và một video về nó trên Telegram. Ông cho biết, con tàu này thuộc một phần của Hạm đội phương Bắc của Nga. Đây là lực lượng được khai triển tới Biển Đen, để hỗ trợ các hoạt động hải quân chống lại Ukraina.
Ông Andrii Ryzhenko là thuyền trưởng hải quân Ukraina đã nghỉ hưu, và hiện là chuyên gia chiến lược tại công ty tư vấn quốc phòng và hậu cần Sonata, đã chia sẻ với Newsweek rằng, đoạn video cho thấy, “không có biện pháp phòng thủ” nào được thực hiện từ con tàu Olenegorsk Gornyak.
Ông nói: “Mọi thứ rất yên tĩnh, một số cửa sổ của con tàu thậm chí còn mở và có ánh sáng bên trong”.
Chuyên gia chiến lược cho biết: con tàu có vẻ bị hư hỏng nặng. Ông đã trích dẫn các đoạn video ghi lại cảnh nó bị kéo nghiêng sang một bên và tiếp xúc với nước. Ông nói: “Rất có thể, tất cả các cơ chế chính bên trong đều bị hư hại rất nặng”.
Cựu thuyền trưởng cho biết: “Sẽ rất khó để khôi phục lại nó. Sẽ mất nhiều thời gian và rất nhiều tiền. Tôi nghĩ rằng con tàu này thực sự có thể chìm vì ngập nước. Có lẽ sẽ dễ dàng hơn nếu tái chế nó hoặc đóng một chiếc mới”.
Kể từ khi Matxcova rút khỏi Sáng kiến Biển Đen vào tháng 7, hải quân Ukraina đã tăng cường các hoạt động của máy bay không người lái.
Theo một báo cáo gần đây của CNN thống kê, thiết bị không người lái được phát triển trong nước của Ukraina nặng tới 2.200 pound, mang theo chất nổ lên tới 661 pound và có tầm hoạt động 500 dặm, cùng với tốc độ tối đa 50 dặm/giờ. Các thiết bị này đã cho phép các lực lượng của Kyiv cạnh tranh trên Biển Đen ngay cả khi không có lực lượng hải quân thông thường.
Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, thì đây là cuộc tấn công thứ hai bằng thiết bị không người lái vào các mục tiêu ở Novorossiysk. Vào tháng 11 năm 2022, thiết bị không người lái của hải quân Ukraina đã tấn công nhà ga dầu Sheskharis ở cảng của thành phố.
Tuy nhiên, thành phố Novorossiysk vẫn được coi là một lựa chọn an toàn cho các tàu Nga. Vì nơi này cách các cảng Ukraina hơn 300 dặm.
Vào tháng 9/2022, Bộ Quốc phòng Anh báo cáo rằng: Matxcova “gần như chắc chắn” đã di dời các tàu ngầm lớp Kilo của mình từ Sevastopol đến Novorossiysk. Đây là một động thái mà Bộ này cho là “rất có thể do sự thay đổi gần đây về mức độ đe dọa an ninh cục bộ trước khả năng tấn công tầm xa ngày càng tăng của Ukraina”.
Đối thủ của Putin, Alexei Navalny bị Moscow tăng thêm án tù
Alexei Navalny, kẻ chỉ trích kịch liệt nhất chính quyền Vladimir Putin, đang thọ án chín năm tù tại khám đường bí mật Penal Colony No 6, nằm cách thủ đô Moscow 150 miles, về những tội như vi phạm án tạm tha, lừa dối và khinh miệt tòa án.
Nay thì thời gian ông Navalny phải ở tù dường như sắp sửa được gia tăng thêm nữa.
Hồi Tháng Sáu, một sảnh đường tại nhà giam đã biến thành một tòa án, và Navalny lại bị đưa ra xử tội. Lần này, đối thủ của ông Putin bị gán thêm tội lập ra một tổ chức quá khích và cung cấp tiền bạc cho những hoạt động cực đoan chống chính quyền.
Công tố viện chính phủ đã đề nghị mức án 20 năm tù cho ông Navalny và cho biệt giam tại một nhà tù còn khắc nghiệt hơn nhà tù hiện nay đang giam giữ ông này nữa, được gọi là một “lãnh địa đặc biệt.” Các “lãnh địa” như thế này chỉ được dành cho những tù nhân nguy hiểm nhất trên đời.
Trong một thông điệp được đưa lên mạng xã hội vào hôm Thứ Sáu, 4 Tháng Tám, trước khi nhận lãnh thêm án tù mới, ông Navalny cho biết ông trông đợi sẽ bị giáng cho “một hạn kỳ tù tội lâu dài” nữa.
Ông Navalny từng là lãnh tụ chống đối chính quyền Putin duy nhất có khả năng tổ chức những cuộc biểu tình phản đối Putin trên quy mô toàn quốc.
Trung Quốc: Tử Cấm Thành ngập lụt hai lần một tuần, bậc thầy phong thuỷ coi đây là điềm rất xấu của triều đại
Trong khoảng thời gian từ ngày 29/7 và đến ngày 1/8, do ảnh hưởng của cơn bão Dusurui, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã hứng chịu những trận mưa xối xả, gây ra lũ lụt nghiêm trọng. Hình ảnh đường phố ngập nước và ô tô bị lũ cuốn trôi tràn ngập mạng xã hội Trung Quốc. Ngoài ra còn có một đoạn video cho thấy ngay cả Tử Cấm Thành (hay còn gọi là Cố Cung) hơn 600 năm chưa từng bị ngập cũng bị ngập lụt, điều này đã dấy lên nhiều cuộc thảo luận sôi nổi.
Một số thầy phong thủy cho rằng việc Tử Cấm Thành, nơi được xem là biểu tượng của quyền lực hoàng gia bị ngập lụt là một điềm rất xấu, báo hiệu sự bất ổn của triều đại.
Bậc thầy phong thủy Hồng Kông “Feng Shui Hao” trong một cuộc phỏng vấn với “Khán Trung Quốc” tin rằng Tử Cấm Thành bị ngập lụt là do “sự tắc nghẽn” của Trung Nam Hải. Ông nói rằng có một con sông trong và ngoài Tử Cấm Thành, sông Kim Thủy bên trong chảy qua cổng Thái Hà và sông Kim Thủy bên ngoài chảy qua mặt trước của Quảng trường Thiên An Môn. Nước chảy từ nội Kim Thủy đến ngoại Kim Thủy, rồi đến Trung Nam Hải. Tuy nhiên, nước ở Trung Nam Hải không rút hết, nước chảy ngược khiến Tử Cấm Thành bị ngập.
Ông nói thêm rằng, việc Tử Cấm Thành, vốn là nơi đặt quyền lực của hoàng gia bị ngập lụt là một điềm báo lớn về sự bất ổn của triều đại.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Tử Cấm Thành bị ngập. Trước khi bão Dusurui đến, Tử Cấm Thành đã bị ngập lụt do mưa lớn.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc “People’s Daily”, gần đây đã đăng một bài báo nói rằng trận mưa lớn vào ngày 22 tháng 7 đã gây ra “ngập úng ngắn hạn” ở một số khu vực của Bảo tàng Cố Cung.
Bài báo dẫn lời người phụ trách bảo tàng nói rằng: nguyên nhân do trận mưa lớn bất thường, tro bụi trên mái nhà bị cuốn trôi xuống, cộng với rác và chai nhựa do du khách bỏ lại đã làm tắc nghẽn cống thoát nước.
Chính quyền quân sự Niger hủy bỏ hiệp định quân sự với Pháp
Đại tướng Abdourahamane Tchiani
Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc của Niger đã tuyên bố bãi bỏ hiệp định quân sự với Pháp, đồng thời cảnh báo các quốc gia láng giềng châu Phi không được can thiệp vào công việc nội bộ của Niger, theo AFP đưa tin.
Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc là chính phủ tạm quyền quân sự được lập ra sau cuộc đảo chính quân sự diễn ra tuần trước.
Phát biểu trên truyền hình vào tối thứ Năm(3/8, giờ địa phương), một đại diện của chính phủ quân sự tạm quyền nói rằng Niger sẽ “ngay lập tức” đình chỉ tất cả các thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp, bao gồm cả hiệp định mà theo đó Paris đã đang triển khai khoảng 1.500 binh lính tại Niger, quốc gia thuộc vùng Sahel, Tây Phi.
Chính phủ quân sự do ông Abdourahamane Tchiani đứng đầu vào sáng 3/8 đã chặn tín hiệu của đài truyền hình Pháp France 24 và Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI). 3/8 là ngày kỷ niệm 63 năm Niger giành độc lập từ Pháp.
Hội đồng Kinh tế của các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã phát đi tối hậu thư cho Niger yêu cầu phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum đã bị lật đổ vào thứ Sáu tuần trước nếu không sẽ phải đối mặt với hành động can thiệp quân sự. Nigeria, quốc gia láng giềng phía nam của Niger, đã đang bắt đầu tập hợp binh lính tại khu vực biên giới, theo truyền thông địa phương.
Một phái đoàn của Nigeria do ông Abdulsalami Abubakar dẫn đầu đã bay tới Niamey, thủ đô của Niger hôm 3/8 để hội đàm với chính quyền quân sự của ông Tchiani. Ông Abdulsalami Abubakar là đại tướng về hưu, đã từng lãnh đạo chính phủ quân sự của Nigeria trong giai đoạn 1998-1999.
Một phái đoàn khác từ Algeria và Libya cũng đã đến Niger để đàm phán. Phái đoàn này đã bắn tín hiệu ủng hộ chính quyền mới tại Niamey.
Tổng thống Nigeria Bola Tinubu tuyên bố rằng ông đã chỉ đạo các phái đoàn châu Phi phải làm “bất cứ điều gì có thể để đảm bảo chắc chắn có được một giải pháp toàn diện và hòa giải cho tình huống ở Niger”.
Hai nước Mali và Burkina Faso đã nói rằng họ sẽ coi bất kỳ hành vi xâm lược nào vào Niger là hành động chiến tranh chống lại chính họ. Tuy nhiên, Senegal hôm 3/8 loan báo họ sẽ tham gia vào hành động can thiệp quân sự của khối ECOWAS vào Niger. “Quá nhiều đảo chính”, Ngoại trưởng Aissata Tall Sall của Senegal tuyên bố.
Ông Tchiani nói trong bài phát biểu phát sóng trên truyền hình hôm thứ Tư (2/8) rằng: “Chính quyền quân sự bác bỏ tất cả các chế tài và không chấp nhận đầu hàng trước bất kỳ mối đe dọa nào, bất kể mối đe dọa đó có thể đến từ đâu. Nếu họ [ECOWAS] theo đuổi tư duy phá hủy đến cùng, có lẽ Thánh Allah bảo vệ Niger và đảm bảo chắc chắn rằng đây là trận đánh vĩ đại cuối cùng mà chúng tôi sẽ chiến đấu cùng nhau vì nền độc lập thực sự cho đất nước chúng tôi”.
Nga phạt Wikipedia và Apple vì lan truyền 'thông tin sai lệch' về xung đột Ukraine
Hôm thứ Năm (3/8), một tòa án Nga đã phạt Apple và Wikipedia vì đã không xóa nội dung được coi là ‘thông tin sai lệch’ liên quan đến các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Theo hãng thông tấn Interfax, một Tòa án quận Taganskiy ở thủ đô Moscow, nơi xử lý các vi phạm hành chính và các vụ án hình sự cấp thấp, đã phạt Công ty Wikimedia (công ty sở hữu Wikipedia) 3 triệu rúp (33.000 USD) vì không xóa các thông tin sai lệch về chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Vấn đề nằm ở chỗ các thông tin này đã vi phạm một luật của Nga là nghiêm cấm làm mất uy tín của quân đội Nga và lan truyền thông tin sai lệch về cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, Wikimedia phản bác rằng các thông tin mà chính quyền Nga phản đối là có nguồn gốc rõ ràng và phù hợp với các tiêu chuẩn của Wikipedia.
Theo Hãng thông tấn TASS của Nga, trong phiên tòa được xử kín ngày 3/8, tòa án phán quyết Công ty Apple Distribution International vi phạm luật hành chính Liên bang Nga và bị phạt 400.000 rúp (hơn 4.200 USD).
Trước đó, Cơ quan giám sát thông tin Nga gửi đến Công ty Apple Distribution International thông báo yêu cầu gỡ bỏ thông tin đăng tải trên Apple Podcasts (nền tảng phát thanh trên ứng dụng) liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cơ quan này cho rằng những nội dung đó có thể gây bất ổn chính trị tại Liên bang Nga.
Tuy nhiên, Apple đã không thực hiện yêu cầu này.
Hãng tin Interfax dẫn lời tòa án cho biết nội dung vi phạm của Apple là "lôi kéo trẻ vị thành niên vào các hoạt động bất hợp pháp nhằm gây ra tình hình bất ổn chính trị ở Liên bang Nga".
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Apple đã đình chỉ mọi hoạt động tại Nga và hạn chế dịch vụ Apple Pay tại quốc gia này. Kể từ đó, Nga đã áp dụng một loạt biện pháp để trừng phạt bất kỳ lời chỉ trích hoặc nghi ngờ nào về hoạt động quân sự đặc biệt của nước này.
Đây không phải là lần đầu tiên Apple nộp tiền phạt cho Moscow.
Hồi tháng 2, Cơ quan chống độc quyền Liên bang Nga (FAS) cho biết Apple đã nộp khoản tiền phạt 906 triệu rúp (9.585.480 USD) trong một vụ kiện chống độc quyền của Nga với cáo buộc hãng lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường ứng dụng di động.
Vào thời điểm trả khoản phạt, Apple cũng không đưa ra bình luận nào. Tuy nhiên, trước đó gã khổng lồ công nghệ đã kháng cáo với phán quyết của FAS. Apple cho rằng việc phân phối ứng dụng Apple thông qua hệ điều hành iOS đã mang lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của họ trên thị trường.
Chưa dừng lại ở đó, một số nhà phê bình cũng đã phải đối mặt với đòn trừng phạt khắc nghiệt từ Moscow.
Chính trị gia đối lập Vladimir Kara-Murza (mang hai quốc tịch Nga và Anh) ngày 17/4 đã bị kết án 25 năm tù vì tội phản quốc và phát tán “thông tin sai lệch” về cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Ngày 31/7 vừa qua, ông Kara-Murza tiếp tục thua khi kháng cáo về bản án 25 năm tù.
Chính phủ Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan đến bản án bị cáo buộc là "tồi tệ" của nhà bất đồng chính kiến, sau khi một tòa án ở Nga bác bỏ kháng cáo của ông đối với bản án 25 năm tù.
Sáu nhân vật và ba thẩm phán, hai công tố viên cùng một nhân chứng chuyên gia - sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt vì vai trò của họ trong một “bản án có động cơ chính trị”.
Theo hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti, ông Kara-Murza, đã thua sau khi kháng cáo bản án 25 năm tù hôm 31/7. Người đàn ông 41 tuổi này đã bị bỏ tù vào tháng 4 vì tội phản quốc và các tội danh khác.
Ông Kara-Murza là một trong số ít những nhân vật đối lập nổi bật ở lại Nga và tiếp tục lên tiếng chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau khi Nga đưa hàng chục nghìn quân vào Ukraine.
Ông Kara-Murza bị bắt 2 tháng sau khi Nga đưa quân vào Ukraine. Ông bị buộc tội truyền bá thông tin sai lệch về lực lượng vũ trang và tuyên bố là “đặc vụ nước ngoài”. Moscow tiến hành bắt giữ ông chỉ vài giờ sau khi đài CNN phát sóng một cuộc phỏng vấn với ông, trong đó ông nói rằng nước Nga được điều hành bởi “một chế độ của những kẻ sát nhân”.
Sau đó ông Kara-Murza bị buộc tội phản quốc vì những phát biểu về cuộc chiến, và có một bài phát biểu trước Hạ viện Arizona hồi tháng 3/2022, trong đó ông nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ném bom các ngôi nhà, bệnh viện và trường học của Ukraine.
Phản ứng trước sự việc này, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết trên Twitter rằng, điều này thật tuyệt vọng và vô căn cứ. Ông nói: “Việc từ chối kháng cáo của ông Kara-Murza là không chính đáng. Ông ấy nên được thả ra ngay lập tức”.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết trong một tuyên bố: “Ông Kara-Murza, một người mang hai quốc tịch Anh, đang bị chính quyền Nga đàn áp vì lập trường phản chiến”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét