BRICS khai mạc thượng đỉnh ở Nam Phi với tham vọng lập một trật tự thế giới mới Hôm nay, 22/08/2023, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - năm nước thành viên của nhóm BRICS họp thượng đỉnh lần thứ 15 tại Johannesburg, Nam Phi. Đây là cuộc họp đầu tiên của nhóm kể từ sau đại dịch Covid-19.Chân dung nguyên thủ các quốc gia thuộc khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). © Screengrab Brics websit - Minh Anh Kỳ họp thượng đỉnh năm nay còn có sự tham dự của nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ đến từ 40 quốc gia, chia sẻ cùng mối bận tâm với 5 nước nhóm BRICS, khi kêu gọi tái cân bằng chính trị và kinh tế trước một trật tự quốc tế mà họ đánh giá là do phương Tây thống trị.
<!>
Đặc phái viên đài RFI, Nicolas Falez, từ Johannesburg tóm tắt các mục tiêu của lãnh đạo năm nước thành viên nhóm BRICS trong kỳ thượng đỉnh 2023 :
Thông qua nhóm BRICS, Trung Quốc khẳng định tầm ảnh hưởng trong cuộc cạnh tranh căng thẳng với Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể phô trương các mối liên hệ của ông với các đối tác trong nhóm BRICS cũng như là với hàng chục nước khác, những nước mong muốn được gia nhập nhóm.
Với Nga, ngoài việc tìm kiếm nguồn hậu thuẫn, nước này muốn chứng tỏ rằng họ không bị cô lập bởi vì không nước nào trong nhóm BRICS lên án cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraina. Nhưng thượng đỉnh năm nay diễn ra không có sự hiện diện của Vladimir Putin vì ông là đối tượng truy nã của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.
Về phần Ấn Độ, cuộc họp thượng đỉnh năm nay là một minh họa rõ nét cho chính sách "đa liên kết" của mình. Thủ tướng Modi đã siết chặt hơn nữa các mối quan hệ với Mỹ và với Pháp qua các chuyến công du gần đây, và bây giờ lần này, tại Johannesburg, minh họa cho điều mà người ta gọi là phương Nam toàn cầu.
Tiếp đến là Nam Phi, nước chủ nhà tổ chức thượng đỉnh. Tổng thống Ramaphosa đã muốn biến cuộc họp này thành một điểm hẹn cho toàn châu lục khi mời hàng chục nước châu Phi.
Cuối cùng, Brazil hy vọng thấy hình thành đồng tiền của nhóm BRICS, có thể giúp các nước mới trỗi dậy bỏ qua được đồng đô la. Tổng thống Brazil Lula còn vận động cho một cuộc cải cách Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
BRICS : Thủ tướng Ấn Độ để ngỏ khả năng gặp trực tiếp chủ tịch Trung Quốc
Có mặt tại Johannesburg, Nam Phi để tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS từ ngày 22 đến 24/08/2023, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã để ngỏ khả năng gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Giới chuyên gia nhận định rằng hai lãnh đạo sẽ phải đề cập đến những thách thức mà BRICS phải đối mặt, cũng như tìm cách sưởi ấm quan hệ song phương.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (G), chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và đồng cấp Vladimir Putin tại Brazil, ngày 14/11/2019. © AP - Eraldo Peres
Phan Minh
Từ Bangalore, thông tín viên RFI Côme Bastin tường trình :
Bộ Ngoại Giao Ấn Độ cho biết lịch trình của thủ tướng Narendra Modi đang được hoàn thiện, một cách để ngỏ khả năng có cuộc gặp chủ tịch Trung Quốc.
Theo Kanti Bajpai, nhà khoa học chính trị chuyên về quan hệ Ấn – Trung, hai bên có rất nhiều chủ đề thảo luận và những bất đồng, với ba câu hỏi lớn : “Đầu tiên là 20 quốc gia ứng cử viên muốn gia nhập BRICS. Trung Quốc ủng hộ một lượng lớn quốc gia chống lại phương Tây, nhưng một số nước là kẻ thù của Ấn Độ. Thứ hai là ý tưởng về một loại đồng tiền chung cho các quốc gia thuộc nhóm BRICS, một phản ứng trước sức mạnh của đồng đô la. Cuối cùng là mối quan hệ phức tạp giữa Ấn Độ và Trung Quốc.”
Trong cuộc gặp ngắn ngủi và gần đây nhất ở Bali hồi tháng 11/2022, Narendra Modi và Tập Cận Bình đã cam kết sẽ kiểm soát những tranh chấp tại biên giới ở dãy Himalaya và khôi phục thương mại song phương. Tuy nhiên, Kanti Bajpai kêu gọi lạc quan một cách thận trọng : “Không nên mong chờ những tiến bộ lớn trong những chủ đề này. Nhưng điều quan trọng là hai nhà lãnh đạo của Nam Bán cầu phải sát cánh bên nhau và có thể đưa ra tuyên bố chung.”
Đây cũng là cơ hội để Ấn Độ mời gọi các nguyên thủ quốc gia BRICS, đặc biệt là tổng thống Nga Vladimir Putin, tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào tháng 9 tại New Delhi.
Tổng thống Zelensky công du Hy Lạp, Athens tham gia huấn luyện phi công Ukraina
Văn phòng thủ tướng Hy Lạp, hôm qua 21/08/2023, thông báo rằng tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã tới Athens thực hiện chuyến thăm chính thức và dùng bữa tối với các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) và các nước vùng Balkan.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) và thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis ký văn kiện hợp tác tại cung điện Maximus, Athens, Hy Lạp, ngày 21/08/2023. REUTERS - STELIOS MISINAS
Phan Minh
Theo AFP, tổng thống Zelensky đã cho biết trên mạng xã hội Telegram rằng ông đang tìm cách tăng cường sức mạnh cho Nhà nước Ukraina, cho binh sĩ Ukraina thông qua sự hợp tác với các đối tác.
Sau khi Hà Lan và Đan Mạch chấp nhận chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraina kể từ cuối năm nay, thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, hôm qua, thông báo rằng Athens sẽ tham gia huấn luyện các phi công Ukraina sử dụng chiến đấu cơ F-16 và hỗ trợ tái thiết Odessa. Khóa đào tạo phi công Ukraina do 11 nước đảm nhận sẽ khởi động trong tháng này và các quan chức hy vọng các phi công sẽ sẵn sàng sử dụng loại tiêm kích này vào đầu năm 2024.
Hy Lạp vốn là đồng minh lâu đời của Nga, tuy nhiên, chính quyền thủ tướng Mitsotakis đã thay đổi lập trường kể từ khi Nga xâm lược Ukraina. Năm ngoái, Hy Lạp đã trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga, đồng thời mở cửa tiếp đón hàng nghìn người Ukraina phải sơ tán. Ngoài ra, Hy Lạp còn cung cấp viện trợ nhân đạo và vũ khí cho Ukraina, bao gồm xe bọc thép, súng trường tự động Kalashnikov, bệ phóng và đạn dược.
Quốc Hội Cam Bốt chính thức phê chuẩn con trai ông Hun Sen thay cha làm thủ tướng
Đúng như dự kiến, Quốc Hội mới được bầu tại Cam Bốt vào hôm nay, 22/08/2023 đã bỏ phiếu chính thức phê chuẩn tướng Hun Manet làm tân thủ tướng, thay thế người cha là Hun Sen đã liên tục cầm quyền tại Phnom Penh trong gần bốn thập kỷ.
Hun Manet (G) tham dự một phiên họp tại Quốc Hội ở Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 22/08/2023. AP - Heng Sinith
Trọng Nghĩa
Theo hãng tin Anh Reuters, ông Hun Manet, 45 tuổi, đã có được sự ủng hộ áp đảo của Quốc Hội do Đảng Nhân Dân Cam Bốt thống trị, sau cuộc bầu cử vào tháng 7 vừa qua, một cuộc bầu cử đã bi phương Tây chỉ trích là phi dân chủ, thiếu vắng tất cả các đối lập.
Trong phát biểu hôm nay, ông Hun Manet tiếp tục khẳng định rằng cuộc bầu cử diễn ra một cách hoàn toàn tự do và công bằng, đồng thời cam kết thực hiện các chính sách của Đảng Nhân Dân Cam Bốt, đảm bảo hòa bình, tăng trưởng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn và tăng lương cho công chức và công nhân ngành may mặc.
Hun Manet cũng ca ngợi cha mình là cựu thủ tướng Hun Sen và thế hệ chính trị gia lớn tuổi, mà theo ông, đã chèo lái Cam Bốt từ những năm nội chiến tàn khốc sang một kỷ nguyên hòa bình, tăng trưởng mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Theo Reuters, cho đến bài phát biểu hôm nay trước Quốc Hội, người ta biết rất ít về tầm nhìn của Hun Manet đối với Cam Bốt.Tốt nghiệp học viện quân sự West Point nổi tiếng ở Hoa Kỳ, Hun Manet đã thăng tiến nhanh chóng trong quân đội Cam Bốt. Ông đồng thời có bằng thạc sĩ kinh tế của Đại Học New York và bằng tiến sĩ kinh tế của Đại Học Bristol Anh Quốc.
Hun Manet sẽ lãnh đạo Cam Bốt theo hướng nào ?
Đối với Reuters, những tháng đầu cầm quyền của thủ tướng Hun Manet sẽ được các cường quốc theo dõi kỹ lưỡng để xem liệu ông sẽ chủ trương một cách tiếp cận tự do hơn và cải thiện mối quan hệ căng thẳng của Cam Bốt với phương Tây hay là vẫn giữ nguyên hiện trạng chuyên chế theo kiểu cha ông và duy trì đất nước trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Theo bà Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, thách thức chính đối với với tân thủ tướng Cam Bốt là làm sao tự khẳng định mình trước người cha là Hun Sen, dù đã từ bỏ chức thủ tướng, nhưng vẫn còn rất nhiều uy lực, cũng như trước Đảng Nhân Dân Cam Bốt đầy quyền thế.
Trả lời ban tiếng Pháp RFI, nhà nghiên cứu Boisseau du Rocher phân tích:
“Nước Cam Bốt mà Hun Manet kế thừa là một đất nước trên bề mặt thì có vẻ như đang hoạt động tốt, nhưng về bề sâu thì vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề thực thụ, đặc biệt là tình trạng bè phái chính trị với tệ nạn tham nhũng tràn lan.
Điểm đầu tiên để ông Hun Manet có thể khẳng định tính chính đáng của mình sẽ là việc tái lập trật tự trong hàng ngũ Đảng Nhân Dân Cam Bốt. Chúng ta cần phải xem liệu tân thủ tướng có thể kiểm soát được các xu hướng khác nhau trong Đảng và thực sự áp đặt quyền lực của mình hay không…
Chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng rằng ông Hun Manet sẽ gần gũi hơn với người dân, ông ấy hiểu rõ nhu cầu của Cam Bốt ngày nay và áp đặt dấu ấn riêng của mình lên quyền lực. Tuy nhiên đối với tôi, có vẻ như những nhân tố cơ bản - tính cách rất mạnh mẽ của Hun Sen, sự kiện ông ấy vẫn nắm giữ quyền lực rất lớn và ảnh hưởng của Trung Quốc – (những nhân tố này) chủ yếu sẽ hạn chế khả năng hành động của ông Hun Manet. Vì vậy, giờ đây, chúng ta phải chờ xem ông ấy phản ứng như thế nào”.
Cựu thủ tướng Thaksin về nước, Thái Lan có thủ tướng mới
Một trong những nhân vật gây chia rẽ nhất trong lịch sử Thái Lan, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, hôm nay 22/08/2023, đã trở về nước sau 15 năm sống lưu vong ở nước ngoài để trốn tránh pháp luật. Ông đã bị tòa án Thái Lan kết án vì tội tham nhũng.
Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra (G) cùng hai người con, tại sân bay Don Mueang, Bangkok, Thái Lan, ngày 22/08/2023. REUTERS - ATHIT PERAWONGMETHA
Phan Minh
Từ Bangkok, thông tín viên Valentin Cebron cho biết thêm :
Những nụ cười, những điệu múa và những tiếng ca hát, không khí lễ hội tại sân bay Don Mueang ở Bangkok khi hàng trăm người trang phục màu đỏ, ủng hộ cựu thủ tướng, sáng nay đã có mặt ở sân bay để chào đón người đã lãnh đạo Thái Lan từ năm 2001 đến 2006 trước khi bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính. Một số người thậm chí còn cắm trại ở đó từ đêm qua với hy vọng được nhìn thấy cựu lãnh đạo 74 tuổi.
Khi về đến nơi, Thaksin Shinawatra đã cúi chào bức chân dung của nhà vua trước khi mỉm cười chào những người ủng hộ ông. Bị kết án vắng mặt 10 năm tù vì tội tham nhũng mà ông phủ nhận, tỷ phú gây chia rẽ sau đó đã bị cảnh sát áp giải và sẽ bị giam tại một nhà tù ở thủ đô Bangkok. Ngày ông Thaksin trở về nước trùng với thời điểm Quốc Hội chỉ định thủ tướng mới, 3 tháng sau cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 5.
Cũng trong ngày hôm nay, doanh nhân Srettha Thavisin đã được bổ nhiệm làm thủ tướng Thái Lan sau khi được Quốc Hội phê chuẩn. Ông Thavisin, 60 tuổi, thuộc đảng Pheu Thai, đã giành được hơn một nửa số phiếu bầu tại Quốc Hội.
Bị cản trở ở Trung Quốc,nhiều hãng sản xuất nam châm chuyển hướng sang Việt Nam
Hãng tin Anh Reuters, ngày 22/08/2023, dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết các công ty sản xuất nam châm Hàn Quốc và Trung Quốc, trong đó có một công ty cung ứng cho Apple, chuẩn bị mở nhà máy tại Việt Nam do những áp lực kiểm soát đất hiếm của Bắc Kinh.
Một nhà máy của doanh nghiệp Hàn Quốc Kolon Industries ở Việt Nam. © Business Wire/ Associated Press
Minh Anh
Cụ thể, hãng Star Group Industrial (SGI) của Hàn Quốc, cũng là bên cung cấp nam châm cho hãng sản xuất xe điện Vinfast của Việt Nam và Hyundai Motor của Hàn Quốc, cho biết đang đầu tư 80 triệu đô la xây dựng một nhà máy mới ở Việt Nam và dự kiến đi vào sản xuất năm 2024. SGI hy vọng tăng gấp đôi sản lượng, lên đến 5.000 tấn nam châm cao cấp vào năm 2025, đủ để cung cấp cho hai triệu xe điện, so với mức hiện tại là 3.000 tấn/năm từ các nhà máy ở Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tương tự, tập đoàn Baotou INST của Trung Quốc, chuyên sản xuất nam châm cho thiết kế mạch điện tử và cũng là nhà cung ứng linh kiện cho hãng Apple, dự trù mở rộng nhà xưởng sang Việt Nam. Tuy nhiên, theo một nguồn thạo tin, khoản đầu tư ban đầu của INST giới hạn ở mức vài triệu đô la. Mức đầu tư có thể sẽ được tăng nhiều hơn trong giai đoạn thứ hai với việc xây dựng nhà máy riêng cho hãng.
Giải thích với Reuters, SGI của Hàn Quốc cho rằng đây là một phần của « biện pháp đối phó » trước việc Trung Quốc siết chặt chính sách kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu thô và công nghệ liên quan đến đất hiếm, có nguy cơ dẫn đến tình trạng bất ổn về nguồn cung.
Về phần mình, INST nêu lên áp lực từ khách hàng, yêu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng. Reuters dẫn hai nguồn thạo tin xin ẩn danh, cho biết thêm, một hãng khác của Trung Quốc là Magsound cũng quyết định mở nhà máy tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2024.
Hãng tin Anh lưu ý, SGI và INST là những hãng mới nhất nằm trong số nhiều doanh nghiệp sản xuất nam châm khác đã mở thêm nhà xưởng ở Việt Nam.
Ngoài việc có chi phí lao động thấp, khả năng tiếp cận thị trường cao nhờ vào nhiều hiệp định tự do thương mại, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm chưa được khai thác cao chỉ sau Trung Quốc cũng như ngành công nghiệp khai thác chế biến còn non trẻ. Với những tiềm năng này, Việt Nam có thể trở thành đối thủ cạnh tranh lớn.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Adamas Intelligence được bộ Năng lượng Hoa Kỳ trích dẫn, sản xuất nam châm của Việt Nam chỉ chiếm có 1% trên thế giới, trong khi Trung Quốc là 92%.
Sản xuất nam châm có một vị trí chiến lược quan trọng vì đây là một linh kiện thiết yếu cho việc sản xuất xe điện, tua-bin gió, vũ khí và điện thoại thông minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét