Tổng thống Nga và các lãnh đạo châu Phi trong ngày bế mạc thượng đỉnh Saint Petersburg, ngày 28/07/2023. AFP - MIKHAIL TERESHCHENKO -Trọng Thành ‘‘Bức ảnh gia đình’’: Nga không bị cô lập, nhưng số khách nguyên thủ giảm mạnh, chia rẽ nổi rõ - Hội nghị thượng đỉnh Nga – Châu Phi cuối tháng 7/2023 vừa qua được nhiều nhà quan sát coi như một trắc nghiệm về chính sách đối ngoại của điện Kremlin đối với một khu vực quan trọng hàng đầu với Nga, một năm rưỡi kể từ khi Matxcơva mở màn cuộc xâm lăng Ukraina. Nga thành công hay không trong chiến dịch ngoại giao quyến rũ này? RFI tổng hợp một số thông tin ban đầu.
<!>
Hội nghị Saint Petersburg có ý nghĩa trước hết về hình ảnh ngoại giao. Tổng cộng 49 phái đoàn các nước châu Phi tham dự hội nghị hai ngày 27 – 28/07, tức gần toàn bộ các quốc gia châu Phi có đại diện tham dự hội nghị. Tuy nhiên, điều được giới quan sát ghi nhận là sự chênh lệnh lớn. Số lượng nguyên thủ quốc gia trong thượng đỉnh đầu tiên 2019 tại Sotchi là 45, năm nay chỉ còn 17. Theo nhà nghiên cứu Cyrille Bret, một chuyên gia địa-chính trị quốc tế, thách thức đầu tiên của hội nghị Nga- Châu Phi chính là Nga có ‘‘thành công trong bức ảnh gia đình’’ với châu Phi hay không (trong bài viết ''Hội nghị Saint Petersburg, một trắc nghiệm với Putin...'' trên Slate.fr). Năm 2019, với sự hiện diện của 45 nguyên thủ châu Phi và ‘‘hơn 100 ngoại trưởng các nước’’, điện Kremlin rõ ràng đã thành công trong việc tạo dựng hình ảnh về một sức mạnh đang lên của nước Nga, có thể coi là một đối trọng với phương Tây tại châu Phi. Lần này việc tự thân số lượng nguyên thủ châu Phi tham gia sụt giảm mạnh cho thấy ảnh hưởng Nga giảm.
Tuy nhiên, hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn khác. Cuộc xâm lăng chống Ukraina của Nga khiến cộng đồng quốc tế phân hóa sâu sắc. Nhiều nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án xâm lược Nga đã được đại đa số các nước ủng hộ, cho dù nhiều quốc gia không tham gia trừng phạt Matxcơva. Nga bị cô lập về nhiều mặt. Trong bối cảnh đó, việc đại đa số các nước châu Phi cử đại diện tham gia hội nghị Saint Petersburg có thể coi như một thành công nhất định của các vận động ngoại giao Nga, cho thấy phần nào điều mà tổng thống Nga gọi là tiến trình ‘‘phi Âu hóa’’ của nước Nga (hay nói cách khác thế đối đầu của Nga với châu Âu nói riêng và phương Tây nói chung) không dẫn đến sự cô lập của Nga về mặt ngoại giao.
Một nét thứ ba, được giới quan sát chú ý, trong chủ đề ‘‘bức ảnh gia đình’’ Nga - Châu Phi là sự vắng mặt của một số nguyên thủ châu Phi trong bức ảnh ngày bế mạc. Tổng thống ba nước, Senegal, CHND Congo và Guinea Bissau, cùng chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi Azali Assoumani (tổng thống Comores), không có mặt. Tổng thống bốn nước châu Phi tẩy chay sự kiện này, để thể hiện bất đồng với thủ lĩnh tập đoàn quân sự Burkina Faso, người được tổng thống Nga ưu ái. Trong bài phát biểu trước tổng thống Nga và khoảng 20 lãnh đạo châu Phi, lãnh đạo chính quyền chuyển tiếp Burkina Faso tố cáo tình trạng nghèo đói cùng cực, sự phụ thuộc của châu Phi, giới lãnh đạo châu Phi bị gọi là ‘‘những con rối’’ trong tay ‘‘các thế lực đế quốc’’. Tổng thống Senegal Macky Sall đã cực lực phản bác, với khẳng định các lãnh đạo châu Phi đến Nga không phải để ‘‘ngửa tay ăn xin’’, mà để xây dựng một ‘‘quan hệ đối tác bình đẳng’’, tương tự như với Hoa Kỳ hay các đại cường khác.
Phong tỏa ngũ cốc: Tố cáo ‘‘trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết’’
Vấn đề ngũ cốc là chủ đề nổi bật hàng đầu tại hội nghị ở Saint Petersburg. Mươi hôm trước hội nghị, Nga quyết định không triển hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu lương thực Ukraina qua ngả Biển Đen, tiếp tục khiến giá cả lương thực tăng vọt, lạm phát phi mã nhiều nơi. Nạn đói vốn đã đe dọa hàng chục triệu dân châu Phi có nguy cơ trầm trọng gấp bội. Ngay vào ngày mở đầu hội nghị, Matxcơva cam kết cung cấp miễn phí từ 25.000 đến 50.000 tấn lương thực cho 6 quốc gia châu Phi, trong đó có 3 nước đối tác truyền thống Zimbabwe, Somalia, Eritrea, và 3 nước mới xích gần lại Nga, Mali, Trung Phi và Burkina Faso.
Châu Phi không hài lòng với quyết định này. Chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi Azali Assoumani nhấn mạnh rằng món quà tặng này của Nga là không đủ, Matxcơva cần ngừng bắn với Kiev, và các nước châu Phi – nạn nhân của xung đột – sẵn sàng làm ‘‘trung gian’’ cho một giải pháp hòa bình. Cũng tại hội nghị này tổng thống Congo nhấn mạnh đến tình thế ‘‘trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết’’ mà nhiều nước châu Phi đang phải gánh chịu. Tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah al-Sissi, hối thúc Nga nối lại với Thỏa thuận ngũ cốc.
Áp lực vì hòa bình cho Ukraina từ phía châu Phi gia tăng tại dịp hội nghị Nga – Châu Phi, cho dù vẫn có gần 20 nước nước châu Phi không lên án Nga xâm lược, và một vài nước ủng hộ Nga. Ai Cập là một trong hai nước châu Phi được mời tham dự một hội nghị tìm giải pháp hòa bình cho chiến tranh Ukraina, do Ả Rập Xê Út dự kiến tổ chức vào tuần đầu tháng 8/2023 này.
Cơ hội khẳng định ‘‘mọi việc diễn ra bình thường tại Nga’’
Bất chấp các điểm ‘‘tiêu cực’’ về thành tích ngoại giao nói trên, xét theo quan điểm của Matxcơva, hội nghị thượng đỉnh này là tiếp tục là ‘‘một cơ hội cho phép Nga gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế’’, theo chuyên gia về châu Phi Joseph Siegle, giám đốc nghiên cứu tại một Trung tâm nghiên cứu Chiến lược châu Phi, ở Washington. Trong bài nhận định đăng tải trên mạng The Conversation, ngày 29/07, vị chuyên gia này khẳng định hội nghị này là dịp để Nga khẳng định ‘‘mọi việc diễn ra bình thường tại Nga, và Matxcơva không phải là một quốc gia bị ruồng bỏ’’. Ngược lại, ‘‘châu Phi là lục địa sẵn sàng mở cửa nhất cho các can dự của Nga’’.
Hội nghị Saint Petersburg diễn ra hai tháng sau cuộc ‘‘binh biến’’ bất thành của công ty lính đánh thuê Wagner, cánh tay nối dài của điện Kremlin. Cuộc ‘‘nổi dậy’’ từng đặt ra câu hỏi về tương lai của lực lượng bán vũ trang Wagner tại châu Phi, nơi công ty của Evgueny Prigozhin có mặt rộng khắp, đặc biệt tại khu vực Sahel, nam sa mạc Sahara. Trong một thời gian sau cuộc ‘‘binh biến’’, nhiều người coi Prigozhin - cựu đầu bếp của tổng thống Nga - đã bị thất sủng, thậm chí bị thanh toán.
Đảo chính Niger đúng dịp hội nghị : Sự ‘‘trở lại’’ của Wagner
Tuy nhiên, dường như hội nghị Saint Petersburg chính là dịp để Prigozhin trở lại với ‘‘châu Phi’’, và cũng là dịp để Matxcơva khẳng định uy thế với khu vực. Ngày 26/07, một ngày trước thượng đỉnh Saint Petersburg, đảo chính nổ ra tại Niger, quốc gia thân phương Tây cuối cùng còn lại ở vùng Sahel. Nhiều cuộc biểu tình ủng hộ đảo chính, chống Pháp, với cờ Nga phấp phới, ngay lập tức diễn ra tại thủ đô Niamy. Cùng lúc đó, lãnh đạo Wagner lên tiếng ủng hộ đảo chính. Ông chủ Prigozhin công bố bức ảnh chụp cùng cùng một giới chức cao cấp Trung Phi, bên lề hội nghị Saint Petersburg (được một số phương tiện truyền thông phương Tây xác nhận).
Căn cứ theo cách đánh giá của chuyên gia Cyrille Bret, với động thái này, có thể nói dường như Matxcơva đã nỗ lực ‘‘làm quên đi’’ cuộc khủng hoảng binh biến Wagner và khẳng định tiếp tục là một thế lực đáng phải kiêng dè ở châu Phi. Nếu có bàn tay của Nga sau vụ Niger, thì gần như toàn bộ khu vực Sahel chiến lược nằm dưới ảnh hướng của Nga, từ Mali, Trung Phi đến Burkina Faso, hay Sudan. Cuộc đảo chính, dù được coi là chưa hoàn tất, do áp lực quốc tế mạnh, vẫn được nhiều nhà quan sát coi là một chấn động địa - chính trị lớn tại châu Phi. Dù sao, trong giới quan sát, nhiều người tỏ ra thận trọng. Ông Thierry Vircoulon, chuyên gia về châu Phi, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), nhận định chưa thể nói rằng Nga đã thắng trong trường hợp Niger (Le Point, 01/08), và chưa đủ bằng chứng để khẳng định Nga đứng sau cú đảo chính.
Hợp tác phát triển Nga - Châu Phi: Matxcơva có đánh trống bỏ dùi ?
Tuy nhiên, hợp tác kinh tế - hợp tác phát triển có lẽ vẫn là mảng quan trọng bậc nhất trong quan hệ Nga – Châu Phi. Theo La Tribune Afrique, bất chấp hơn 120 hợp đồng và nghị định thư được ký kết trong vòng 48 giờ, các nước châu Phi vẫn chờ đợi ‘‘hợp tác nhiều hơn với Nga’’. Hội nghị lần này không cho thấy sức mạnh của Nga, và nhất là khả năng ‘‘biến tuyên bố thành hành động’’. Năm 2019, Nga từng đặt mục tiêu tăng gấp đôi các trao đổi mậu dịch với châu Phi, bốn năm sau, tăng trưởng chỉ ở tầm 7% (năm ngoái), và ảnh hưởng chủ yếu của Nga ‘‘vẫn chỉ nổi bật trên lĩnh vực quân sự, đặc biệt với vai trò của công ty Wagner, và trong cuộc chiến tuyên truyền’’, đặc biệt là tuyên truyền chống Pháp.
Với chuyên gia Charlie Robertson, cựu kinh tế gia trưởng của Renaissance Capital, thế mạnh của Nga vẫn là ‘‘lúa mỳ, dầu mỏ và vũ khí’’ – mỗi mặt hàng chiếm khoảng 20% xuất khẩu của Nga. Châu Phi vẫn cần đến Nga như một đối tác, nhưng nhiều chuyên gia cũng ghi nhận việc Nga vẫn chỉ là ‘‘chú lùn về kinh tế’’ tại châu Phi. Một bài viết trên Le Monde (hôm 27/07) dẫn lời chuyên gia Thierry Vircoulon, điểm lại việc Nga thực hiện ra sao các nghị định thư, ký ở hội nghị Sotchi, với tổng số hơn 12,5 tỉ đô la. Theo chuyên gia Viện IFRI, các cam kết này ‘‘gần như không được thực hiện’’, đơn cử như dự án cải tổ đường sắt tại CHDC Congo với trị giá 500 triệu đô la, đã hoàn toàn bị bỏ rơi.
Nhu cầu hòa bình: Một ‘‘thành công’’ của hội nghị Saint Petersburg
Tại hội nghị lần này, tổng thống Nga đề ra mục tiêu tăng cường hội nhập hai khối kinh tế Á – Âu (do Nga lãnh đạo) và châu Phi. Vấn đề là chủ trương này sẽ được thực hiện ra sao ? Báo kinh tế Pháp chuyên về châu Phi, La Tribune Afrique dẫn lời tổng thống Senegal, khẳng định ‘‘Châu Phi và Nga còn phải nỗ lực rất nhiều để mang lại một nội dung thực chất cho hợp tác kinh tế’’. Kết thúc hội nghị tại Saint Petersburg, các nước châu Phi và Nga ra một tuyên bố chung thống nhất ‘‘mở rộng hợp tác về chính trị, an ninh, thương mại, kinh tế và khí hậu’’.
Tổng thống Nga Putin cổ vũ cho việc các nước châu Phi có được nhiều tiếng nói hơn trên bình diện quốc tế. Theo La Tribune Afrique, lãnh đạo Nga có xu hướng thừa nhận hơn tiếng nói các nước châu Phi trên trường quốc tế. Mà lợi ích sống còn với nhiều nước châu Phi là thế giới ổn định, chiến tranh tại Ulkraina chấm dứt. Thừa nhận tiếng nói của châu Phi cũng có nghĩa là thừa nhận nhu cầu hòa bình cho Ukraina. Và để thúc đẩy ‘‘các hợp tác về chính trị, an ninh, thương mại, kinh tế và khí hậu’’, như tuyên bố chung Nga – Châu Phi, thế giới cần có hòa bình. Khẳng định nhu cầu tái lập hòa bình tại Ukraina phải chăng chính là một ‘‘thành công’’ đáng chú ý của hội nghị Nga – Châu Phi tại Saint Petersburg ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét