Hoàng Ngọ và Ngự Hiên cùng gặp anh ở Gia Hội. Buổi trưa. Nắng hanh vàng. Nhìn dáng anh loay hoay với chiếc máy ảnh. Hiên bấm tay Ngọ cười: "Ngó hắn là biết Việt kiều rồi.""Răng?" "Bộ dạng." Ngọ cười cười: "Hắn cũng beau trai, lịch sự lắm. Đúng là Việt kiều." Hiên nguýt Ngọ, mắt sắc như dao bổ cau: "Việt kiều cũng có đứa trông dị òm, mi nợ. Vàng vòng đeo chói con mắt." Ngọ im lặng. Cô ngắm anh chàng "Việt kiều" đang say sưa thu những góc hình ở bến đò Gia Hội. Nhìn máy ảnh với ống kính dài thòng của anh, Ngọ đoán, anh không phải là tay chụp hình tài tử.
<!>
Đến đường Chi Lăng. Tới phố cổ Gia Hội. Hoàng Ngọ lại thấy anh đang chăm chú chụp những mái nhà rêu phong, cổ kính. Những ngôi chùa Chiêu Ứng, chùa Bà, chùa Quảng Đông... mòn mỏi theo màu thời gian. Những cột ôn, cột mệ, cột mạ, cột con đứng khắn khít bên nhau trong khu phố của người Hoa từ thế kỷ thứ 19. Hiên khều khều vai Ngọ, khúc khích cười:
"Lại gặp nữa. Càng dòm, tau càng thấy anh chàng hay hay mi ơi."
Hoàng Ngọ giấu mặt trong vành nón:
"Dị òm. Con gái con đứa chi mà ngó trai không chớp mắt."
Ngự Hiên cười giòn tan:
"Mi cũng rứa. Mắt mi nhìn muốn lủng chiếc nón bài thơ."
Ngọ nghiêm mặt:
"Không giỡn nữa. Thôi về. Đứng bóng rồi."
Hiên phụ họa:
"Ừ! Về. Không mạ mi trách tau dẫn mi đi rượn."
"Nói chi gớm ghiếc rứa không biết."
Ngự Hiên leo lên ngồi yên sau. Hoàng Ngọ cho xe nổ máy, cô thả Ngự Hiên trước căn nhà ở đường Ngự Viên. Xong, vội vã về nhà.
1. Mạ
Hoàng Ngọ sống trong gian nhà cổ ở Kim Long với hàng rào bông cẩn che kín không gian. Mạ canh giữ Ngọ như canh kem. Sợ ai đó phà hơi, tan chảy. Hoàng Ngọ rón rén vào nhà. Căn nhà cũ kỹ như suy nghĩ của mạ. Chính giữa nhà là bàn thờ tổ tiên ôn mệ. Hai bên là hai cột gỗ lâu năm được treo liễn từ đời này qua đời khác. Mạ sống khắc khoải trong căn nhà cổ này từ thời lấy ba. Lúc ấy còn ôn, mệ nội. Ôn mệ cũng lần lược qui tiên. Ba vào Nam lập nghiệp. Nói khi nào công thành danh toại thì mang mạ vào. Nhưng bóng chim tăm cá. Ba đi. Đi mất. Mạ vẫn ở vậy. Trong gian nhà mà ba là con độc tôn, độc tự. Sau này Hoàng Ngọ mới biết. Ba đã có người bên ngoài. Người ba thương không phải là mạ. Mạ chỉ là một cuộc hôn nhân gượng ép "môn đăng, hộ đối". Mạ âm thầm làm dâu. Âm thầm đau khổ. Mọi cúng kiếng lễ lạc bên chồng, một mình mạ gánh vác. Mạ chỉ có mình Hoàng Ngọ ra vào hủ hỉ. Nói cho đúng. Ba ra đi, ông không mang gì cả, ngoài trái tim không có hình bóng mạ. Ba để lại tất cả tài sản, đất đai nhà cửa cho mạ. Mạ cai quản và sống trong nỗi đau không chồng. Sống trong nỗi lo của những dị nghị, "trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường" của xứ Huế.
Với Ngọ. Mạ chưa bao giờ nói một lời trách móc tới ba. Mạ coi như ba đã chết. Và mạ tôn thờ ba, tôn thờ một mối tình đầu trăm cay nghìn đắng. Mạ yêu ba như bao nhiêu cô gái cùng lớp cũng đã từng thích ba ôm đàn hát trong sân trường Văn Khoa ở Huế dạo nào. Mái tóc bồnh bềnh, đôi mắt mênh mông giấu sau giọng kính cận. Tiếng hát ba như tiếng rì rào của nước sông Hương vỗ nhẹ mạn thuyền. Ba làm chao đảo gái thuyền quyên. Nghe người mai mối dạm hỏi mạ cho ba. Mạ gật đầu không chút ốt dột lẫn ngần ngại. Bởi vì mạ quá yêu ba. Mạ không thèm biết ba có yêu mạ hay không. Chiếm hữu ba trước rồi chuyện yêu đương sẽ tới sau. Như tình duyên của ôn mệ ngoại, do ba mạ đặt đâu con ngồi đó mà cũng bền vững đá vàng. Nhưng mạ đã lầm. Ba chưa hề yêu mạ, dầu mạ đẹp, nết na. Cuộc hôn nhân tự nó đã rạn nứt ngay từ đầu.
Mạ tân học, nhưng khi bước chân về làm dâu, sống trong căn nhà cũ kỹ, bên người mẹ chồng còn mang nặng đầu óc phong kiến. Mạ thu mình lại, sống trong vỏ ốc và sự nhào nặn của mệ nội. Mạ bị mệ tẩy não, tẩy sạch sành sanh những điểu mạ học được trong trường Văn Khoa. Ngày mạ cấn thai Hoàng Ngọ, chưa kịp báo tin cho ba, là ngày ba ra đi không bao giờ trở lại.
Nghe tiếng bước chân Hoàng Ngọ. Mạ đang nằm nghỉ trưa trên trường kỷ, nói vọng ra:
"Tốt nghiệp đại học rồi, răng khôn kiếm một việc làm đàng hoàng đi con? Bộ mi định lông bông suốt ngày với con Ngự Hiên hỉ?"
2. Ngự Hiên
"Mi ở đường Ngự Viên, răng tên mi không là Ngự Viên, mà lại là Ngự Hiên?"
Có lần Hoàng Ngọ đã hỏi Hiên. Hiên cười:
"Tên do ôn mệ đặt, tau mần răng biết?"
"Ngẫm kỹ thì tau thấy tên Hiên đẹp hơn mi nờ."
"Răng?"
"Mái tây Hiên che nắng, che mưa...."
Nói xong Ngọ cười thành tiếng. Biết Ngọ có ý định chọc quê. Hiên tức:
"Tau biết mi chê hàm răng tau bị hô. Còn mi? Ngọ Môn, hay Ngựa ở cửa... Thượng Tứ? Tau thích Ngựa Thượng Tứ hơn mi nờ."
Ngọ rượt Hiên chạy trên cầu Tràng Tiền. Hai chiếc áo dài trắng bay như hai cánh bướm. Chiều chạng vạng. Ánh chiều loang loáng trên sông. Khi cả hai dừng lại thở dốc. Hoàng Ngọ giả đò nghiêm mặt:
"Ngựa Thượng Tứ là ngựa chiến, chỉ dành cho vua cưỡi thôi."
"Ừ! Thì ở đó mà chờ trẫm của ái khanh đi hỉ. Tau về. Sắp tối rồi, về nhà nằm mơ là vừa kịp đó. Con... ngựa của trẫm."
Ngự Hiên là bạn học thời tiểu học với Ngọ. Cả hai thân nhau như chị em ruột. Đi mô cũng như bóng với hình. Răng Hiên hơi hô, nhưng đều như hạt bắp bên cồn, khi cười rất có duyên. Có điều Hiên... mít ướt và... giận dai.
3. Phú
Khi bóng Hiên đã khuất sau mấy hàng nón lá nhấp nhô theo những bước chân vội vã về nhà. Ngọ thơ thẩn rãi bước qua cầu. Tà áo trắng bay bay trong chiều hấp hối. Tiếng đàn ông bên tai làm Ngọ giật mình:
"Thưa cô. Tôi có thể nói chuyện với cô được không?"
Bối rối, Ngọ quay lại. À! Thì ra anh "Việt kiều" với chiếc máy ảnh. Tim Ngọ không dưng đập lạc một nhịp:
"Thưa ông cần chi?"
Gịong người thanh niên chút Bắc, chút Nam, chút lờ lợ âm thanh của một người nói tiếng Việt không chuẩn. Nghe là lạ:
"Tôi tên Phú. Còn cô? Xin được mạo muội mong cô làm người mẫu."
Ngọ nghĩ thầm trong đầu. Người chi mô lạ đời. Mới gặp đã hỏi tên người ta rồi. Ngọ hỏi một chút tinh nghịch:
"Ông chỉ là thợ chụp hình tài tử thôi phải không?"
Phú nói khi bước song đôi với Hoàng Ngọ. Anh cũng thuộc loại cao. Cao hơn Ngọ nửa cái đầu:
"Vâng! Cứ cho là như thế. Nói ra cô đừng cười. Tôi từ Mỹ về. Tôi đang có tham vọng làm một cuốn sách giống như du ký bằng song ngữ Việt Anh, kèm theo những hình ảnh về xứ Huế."
"Tại sao anh chọn tôi để làm người mẫu?"
"Xin lỗi, tôi không quá đường đột khi mời cô một ly nước. Chúng ta nói chuyện một chút."
Ngọ nghĩ trong đầu. A! Anh chàng này nói tiếng Việt chất giọng không chuẩn, nhưng lời lẽ rất lịch sự. Ngọ cười, nói với giọng tự tin:
"Không răng mô. Anh không phải là người đầu tiên mời tôi làm người mẫu. Nhưng tôi thắc mắc mới gặp nhau lần đầu..."
Phú nhanh nhẹn lái câu chuyện, coi như Ngọ đã nhận lời đi uống nước với mình:
"Ở Huế cô có biết quán cà phê L'Ami ở đường Hùng Vương không?
"Anh rành quá hỉ?"
"Ồ không. Bác Google chỉ tôi mà thôi."
"Bác Google."
Hoàng Ngọ lập lại và bật cười. Anh chàng này cũng thật thà và có máu tiếu lâm. Khi cả hai có được chỗ ngồi ở quán cà phê L'Ami. Phú rút trong túi xách anh mang bên hông một bao thư cỡ tập vở học trò. Anh đưa cho Hoàng Ngọ:
"Mong cô thứ lỗi. Tôi nghĩ là tôi sẽ có dịp gặp cô để trao cho cô cái này."
Ngọ giơ hai tay đỡ lấy, giọng không khỏi ngạc nhiên:
"Chi rứa anh?"
Hoàng Ngọ định mở ra xem. Phú cản:
"Trước khi xem nó, cô có thể cho tôi biết qúi danh được không?"
"Dạ. Hoàng Ngọ."
"Cám ơn cô Hoàng Ngọ. Cô không giống như những cô gái Huế khác. Cô tự tin, mạnh dạn và cởi mở hơn nhiều. Xin lỗi, nói như thế không phải là tôi chê gái Huế đâu nhé."
"Dạ không phải là anh chê. Mà anh chưa hiểu nhiều về gái Huế đó thôi."
Hoàng Ngọ trách giọng nhẹ nhàng. Phú im lặng, khi người phục vụ mang nước tới. Xong ngụm nước đầu tiên. Hoàng Ngọ đặt ly xuống bàn, đổi cách xưng hô:
"Ngọ có thể coi cái chi ở trong bao thư này rồi phải không?" Ngọ đùa, để tránh sự căng thẳng "Hy vọng không phải là thư tình."
Phú ngả người ra phía sau, cười thành tiếng:
"Nói chuyện với cô thật lý thú. Xin cô Hoàng Ngọ cứ tự nhiên."
Hoàng Ngọ cẩn thận mở bao thư. Cô không khỏi xúc động khi thấy hình mình dưới lăng kính của Phú. Nửa khuôn mặt nấp sau vành nón. Thấp thoáng, ẩn hiện giữa những cột mệ, cột con ở khu phố cổ Gia Hội. Khuôn mặt sầu mộng của gái cố đô, mang vướng vất chút hiền triết cuộc đời. Bố cục chặt chẽ, màu sắc hài hòa pha chút hoài niệm. Bức ảnh mang theo nhiều điều muốn nói, từ đôi mắt nhìn của một người Việt Nam lớn lên ở một xã hội văn minh Hoa Kỳ. Ngọ choáng ngợp trước tấm ảnh, chụp chính Ngọ, mà chưa một lần cô mường tượng ra được. Không khí trong bức ảnh gợn lên nét bi thương của Hoàng triều. Vệt nắng nhạt vắt ngang qua vành nón Hoàng Ngọ, như níu lại một thời quá vãng, vàng son. Cô "nghe thấy" tiếng vó ngựa gõ trên đường đá. Tiếng ngựa bị ghìm cương. Một vùng bụi mịt mờ tung lên. Tiếng gót chân đế vương nhảy xuống từ lưng ngựa, và đang lần bước vào đời cô từ quá khứ mịt mù nào.
Phú đánh thức cô về hiện tại:
"Sao? Cô bằng lòng cộng tác với tôi chứ? Dĩ nhiên khi cô làm người mẫu. Tôi sẽ gửi cô tiền công đúng như giá trị của nó."
Anh chàng nói chuyện thẳng thừng. Đúng là Đông Tây không hợp ở điểm này. Hoàng Ngọ hơi bực mình. Cô mím chặt môi, nói giữa hai kẽ răng:
"Để Hoàng Ngọ về xin phép mạ đã, rồi trả lời anh sau hỉ?"
4. Hoàng Ngọ
Được mệnh danh là "Ngọ chân dài" hay "Ngọ Kim Long". "Kim Long con gái mỹ miều / Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi.". Câu thơ của vua Thành Thái thuở nào quả thật vẫn còn có thể áp dụng đến ngày nay. Nhìn Hoàng Ngọ, mới biết gái Kim Long mỹ miều đến dường nào. Vương phi Mai Thị Vàng của vua Duy Tân ngày xưa ở Kim Long chắc cũng chỉ đẹp cỡ Hoàng Ngọ bây giờ. Có anh còn bảo. "Con nớ chân dài như ngựa." Ngọ nghe, nhưng tảng lơ. Không biết họ khen hay chê. Tuy nhiên mấy buổi "biểu diễn" thời trang áo dài được tổ chức ở Huế. Họ hay mời Ngọ. Có người còn bảo Ngọ nên vào Sài Gòn làm người mẫu. Ngọ sẽ nổi tiếng nhanh chóng. Nhưng Ngọ từ chối. Ngọ vào Sài Gòn bỏ mạ cho ai?
Để được mạ đồng ý, Hoàng Ngọ phải rủ Ngự Hiên đi cùng. Những ngày trên đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng..., đã để lại trong Ngọ những hình ảnh thật đậm nét về Phú. Bỗng nhiên, Ngọ khám phá ra một điều, Ngự Hiên trở thành một chướng vật giữa cô và Phú. Ngự Hiên quấn quít bên Phú, như hình với bóng. Bởi Hoàng Ngọ là người mẫu, Hoàng Ngọ lúc nào cũng cách xa Phú một khoảng cách, đủ để nằm trong ống kính của Phú. Trong khi Ngự Hiên là người được xem hình Ngọ trước, trong máy ảnh của Phú khi vừa mới chụp xong. Cả hai bàn tán, trầm trồ rồi lại cười nói với nhau. Hoàng Ngọ tức lắm. Để tâm. Một hôm, Phú đề nghị cho Hoàng Ngọ nghỉ mệt, để Ngự Hiên ra chụp vài pô hình. Ngọ nói lẫy:
"Đúng rồi. Anh nhớ chụp cho Ngự Hiên vài bô cho đầy nghe anh."
Ngự Hiên giận quá, bật khóc:
"Noái chi mà vô hậu rứa khôn biết."
Rứa là Ngự Hiên giận Hoàng Ngọ. Phú cũng đã trở về Hoa Kỳ. Phú mới gặp đã như thấy quen nhau tự lúc nào. Hoàng Ngọ nhớ quá dáng gầy gầy của Phú loay hoay với cái máy chụp hình, trong khi miệng cứ không ngớt bảo Ngọ làm động tác này, động tác kia. Hoàng Ngọ khi không mất cả Phú lẫn Ngự Hiên Cô thấy hụt hẫng vô cùng.
Trời chuyển mưa dai dẳng. Mưa như muốn thúi đất, thúi đai. Mưa cầm chân Hoàng Ngọ trong nhà, với những tấm ảnh Phú chụp làm choáng ngợp nỗi nhớ. Hoàng Ngọ lại nhớ đến những giọt mưa làm áo dài Ngọ dính sát vào da thịt, mà một hôm tình cờ Phú chụp lén được trong cơn mưa rào ở lăng Tự Đức. Hoàng Ngọ coi hình xong, đỏ mặt:
"Anh chụp mà không báo trước? Tấm ảnh nom dị quá đi thôi."
"Đẹp lắm. Tự nhiên lắm. Nhưng nếu Ngọ không thích. Tôi sẽ xóa bỏ."
Hoàng Ngọ im lặng. Một chút da thịt của cánh tay và chiếc vai tròn nổi sau làn vải ướt. Cùng những giọt mưa lăn tăn trên làn má thắm, phía sau là thủy tạ mờ trong màn mưa. Tấm hình thật mỹ thuật, xóa bỏ cũng tiếc. Mần răng mà kiếm được khoảng khắc như rứa trong đời? Hoàng Ngọ tự nhủ, rồi nói:
"Thôi anh, cứ giữ để làm kỷ niệm, đừng in trong sách là được rồi."
Phú cười:
"Đúng là gái Huế."
5. Ba
Nghe tin Phú đã trở về California. Ba Phú đến chơi. Chưa ngồi xuống ghế, ông đã càu nhàu:
"Đang làm việc ngon lành lại bỏ, đi làm những chuyện tào lao."
Phú cười:
"Con bị mất việc, chứ không phải là bỏ việc ba à. Kinh tế thị trường khó khăn. Cứ coi như con đang nghỉ xả hơi mà ba."
Nói xong, Phú trình bày ý định của mình cho ba nghe. Ông lấy làm thích thú khi nghe Phú nói sẽ ra một tập du ký kèm theo tranh ảnh về xứ Huế. Phú muốn được ba cho thêm ý kiến và những hiểu biết của ba về Huế. Dầu sao, ba Phú cũng gốc Huế.
Nhìn "công trình" ba tháng ở Huế của Phú. Ông không khỏi ngạc nhiên. Con ông đã trưởng thành. Tư tưởng của nó được gói ghép trong những tấm hình nói về một cố đô, với nhiều tang thương, hoài niệm.
Ông càng giật bắn người khi nhìn thấy cô gái người mẫu thấp thoáng trong những tấm hình. Cô gái có nét đẹp sầu muộn nhưng kiêu sa. Cô gái kéo ông về thời gian còn cắp sách đến trường. Nét đẹp đó. Trời ơi! Giống một người như đúc. Một người ông đã mang nợ suốt đời. Ông hỏi Phú về người con gái trong tấm hình. Phú nói huyên thuyên. Cô gái mới gặp, mà Phú đã thấy thương mến. Ông cầm tấm hình Hoàng Ngọ bị ướt mưa trong lăng Tự Đức. Nói, sau khi thả tấm hình xuống bàn một cách bồn chồn:
"Con nói cô gái này ở Kim Long? Tụi con chưa có gì với nhau phải không?"
Phú tròn xoe mắt nhìn ba. Chưa kịp trả lời ba đã hỏi tiếp:
"Tụi con đã yêu nhau chưa?"
"Con gái Huế mà ba. Cầm tay còn chưa được nữa là."
"Giống mẹ cô ấy như từ một khuôn đúc ra. Ba nghi cô gái này là em ruột của con đó"
Phú kinh ngạc, miệng lắp bắp:
"Sao Ba lại nói thế?"
Ba Phú thở dài:
"Thật ra, ba và mẹ con gặp rồi yêu thương nhau trong một buổi trình diễn văn nghệ giữa sinh viên Văn Khoa Huế và Sài Gòn. Sau đó mẹ con đã có con với ba. Nhưng ông bà nội không chấp nhận mẹ con, cưới cho ba một người con gái khác. Khi nghe tin ba sắp làm đám cưới, mẹ con mang con ra Huế để tìm ba. Ông bà nội cho người đuổi mẹ con về lại Sài Gòn. Ba giận ông bà nội con, nên bỏ nhà vào Sài Gòn sống với gia đình bên mẹ con. Rồi ba vượt biên, đưa mẹ con con qua Mỹ, lúc đó con chỉ mới 2 tuổi mà thôi. Và ba không trở lại Huế từ dạo đó."
"Ngày xưa dì đẹp như thế mà ba vẫn bỏ dì à?"
Ba Phú chép miệng:
"Tình yêu phát xuất từ con tim, không phải là con mắt. Con à."
"Mẹ con qua đời đã lâu năm, sao ba không tìm cách về thăm lại dì ấy? Ba không biết dì đã có với ba một đứa con?""
"Sau này ba mới biết, nhưng đã quá muộn màng. Con ơi. Đừng làm điều gì kiến con phải ân hận suốt đời. Cả cuộc đời ba phải sống trong nỗi ân hận này. Bây giờ, ba không còn mặt mũi nào để quay về Huế?"
Phú nhìn ba, nói như van xin:
"Ba chuẩn bị giấy tờ. Mình về Huế sớm chừng nào hay chừng đó. Tránh gây thương tổn đến họ lần nữa. Con nghĩ cả ba lẫn con cần phải nói tiếng xin lỗi với dì ấy và em Hoàng Ngọ."
Ba Phú cúi đầu, nói nhỏ:
"Phải! Ba cần phải nói điều đó từ lâu lắm rồi. Ba còn phải về đứng trước vong linh của ông bà nội con mà xin ôn mệ tha lỗi cho ba."
Ba Phú khóc. Ngay cả lúc mẹ mất, Phú vẫn không thấy ba chảy nước mắt, ông nén giữ xúc động rất giỏi. Nhưng đây là lần đầu tiên Phú thấy ba không kềm giữ được lòng mình. Ông khóc. Những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt hạn hán lâu năm.
Việt Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét