Tôi không phải là nhà văn, dù nhiều người gọi tôi như vậy. Sáu năm qua, tôi dành nhiều thời gian để làm một việc : viết sách. Tôi đã in được năm cuốn sách, còn hai bản thảo đang trong quá trình làm tư liệu. Tôi dự định dành thêm hai năm cho công việc này. Tại sao thêm hai năm mà không phải suốt đời ? Với tôi, đây là một công việc đau khổ. Tôi trở nên trầm mặc, ít nói, ít cười, ngại những cuộc gặp gỡ vui vẻ từ khi tập trung làm các cuốn sách. Bởi vì tôi luôn sống cùng với những ký ức đau buồn của các nhân vật của mình.
<!>
Tôi sinh ra ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Từ Hà Nội đi vào thành phố Hà Tĩnh là 400 cây số, từ thành phố đi ngược lên 30 cây số, rẽ vào một ngôi làng, đi lên một con dốc – ngôi nhà tôi ở đó. Cho đến khi 18 tuổi tôi mới ra khỏi làng, ra Hà Nội học đại học và làm việc tại một nhà xuất bản với chuyên môn là biên tập sách. Làm việc được mười năm tôi bỗng thấy chán với những cuốn sách mình biên tập. Tôi không muốn tiếp tục công việc trong một tâm lý làm để chờ ngày nghỉ hưu. Tôi quyết định bỏ việc. Chưa biết rồi sẽ làm gì tiếp sau.
Tôi ở nhà làm việc tự do. Chờ đến mùa hè là đưa hai con trai đi chơi khắp đất nước.
Trong một chuyến đi đến Tây Nguyên, tôi vào thăm nhà một cô em mà tôi quen trên một diễn đàn. Em có nỗi buồn lớn, chúng tôi đã chia sẻ với nhau qua tin nhắn nhiều lần, nay có dịp đi qua gần nhà em, tôi muốn đến thăm, cũng là để các con tôi biết thêm một vùng đất.
Em đang làm việc ở Đồng Nai. Bố em ra đường đón ba mẹ con tôi, dẫn vào nhà. Đường vào nhà em ngoằn ngoèo, qua những con dốc hai bên là hàng cây dâm bụt nở hoa đỏ thắm. Chú trò chuyện vui vẻ và nấu cơm mời ba mẹ con. Ăn xong cơm, chú ra vườn trèo lên cây dừa hái dừa. Chúng tôi ngồi bên thềm uống nước dừa, nhìn ra khung trời xanh trong, nắng chang chang nhưng không hề nóng, bởi gió cao nguyên.
Đột nhiên chú chỉ vào cổ tay của chú. “ Có một mảnh bom ở đây cháu này ”.
Tôi giật mình. Sao lại có thể có một mảnh kim loại trong cơ thể con người một cách ổn thỏa như vậy được.
Thật sao chú?
Cháu sờ thử xem.
Rồi chú kéo áo lên chỉ cho tôi ba mảnh bom ở bụng, gáy và hông. Những mảnh bom chạm vào thấy lận cận.
Người ta có thể sống được với rất nhiều mảnh bom dính trong cơ thể.
Tôi thấy kinh hoàng. Hai đứa con trai tôi tò mò cũng lại sờ lên làn da của ông, bày tỏ sự đồng cảm với mẹ.
Chú nói : Gia đình chú có bảy anh chị em đi chiến trường. Hai anh bị nhiễm độc rất nặng. Một anh nằm một chỗ mười hai năm, mới mất. Một anh đang nằm như xác khô trên giường đã mười lăm năm.
Chú nói tiếp : Chú viết đơn xin đi bộ đội bằng máu.
Viết đơn bằng máu ? Tôi nhăn mặt. Tôi nghe nói nhiều về việc thanh niên viết thư, viết đơn bằng máu xin đi bộ đội nhưng tôi nghĩ rằng đó là người ta phóng đại lên để tuyên truyền. Vì lấy đâu ra nhiều máu để viết một cái đơn, và việc chích máu đó đau lắm, trông ghê nữa.
Chú chích máu viết thật cháu ạ. Chú dùng dao chích máu ở đầu các ngón tay, dùng bút tre chấm vào, viết có mấy dòng thôi. Cả bốn đứa bạn cùng lớp làm vậy. Không viết đơn bằng máu thì vẫn được đi, nhưng thích làm như vậy để thể hiện quyết tâm, thể hiện máu anh hùng, bọn chú mới học lớp 10 mà. Sáu anh chị đã đi rồi, một anh đi đã bảy năm, mình chưa đi trong lòng nôn nóng, lỡ hết chiến tranh không còn cơ hội được đi đây đi đó, thể hiện chí làm trai.
Chiến tranh trên đất nước chấm dứt, chú chưa được về nhà, đi sang Campuchia thêm ba năm. Ở đó chú đã bị thương nặng, xếp loại 3/4 và được về. Về đến gần nhà, chú lên cơn sốt rét, ngã lăn ra bên đường, qua một đêm mới tỉnh dậy. Chiếc xe đạp, một ít tiền và ba lô bị lấy mất. Chú tay không đi về nhà, không có nổi một đồng trả tiền đò.
Chú về quê đi cày ruộng. Mảnh bom ở gáy làm chú đau đầu, có lúc như phát điên. Chú không lao động nặng được. Nhà bên bờ sông La mỗi năm hai trận lụt. Ngôi nhà bị cuốn trôi trong một trận lụt. Nhà mới dựng lên, gặp trận gió Lào, sơ ý khi đi xin lửa, nhà bị cháy. Không chịu nổi cảnh các con khóc ri rỉ suốt đêm vì đói. Chú đưa vợ con vào Tây Nguyên cuốc đất làm rẫy, xây dựng cuộc sống mới.
Tôi lặng đi khi nghe câu chuyện của chú.
Con trai tôi hỏi : Ông ơi, tại sao cả nhà ông lại chọn nghề nguy hiểm như vậy.
Nước mắt chú nhạt nhòa. Những giọt nước mắt tuổi già trước mặt hai đứa trẻ.
Trời đã về chiều, tôi chào chú, chở hai con đi về khách sạn. Ra đến sân, tôi quay lại nói với chú : Cháu sẽ viết những câu chuyện như thế này làm một cuốn sách. Cháu phải chia sẻ nỗi đau này cho cả thế giới biết.
Cảm xúc mạnh nên tôi nói liều. Tôi không nghĩ mình có thể viết được một cuốn sách. Không hình dung được mình sẽ viết gì.
Ngày đi học, tôi biết về chiến tranh như là một môn học. Học để thi, thi đỗ là xong. Đi làm chục năm, chiến tranh như là một đề tài làm sách, là những sáng tác văn học nhân kỷ niệm mấy chục năm tròn chiến thắng. Con gái của một người cha bộ đội và đã từng biên tập nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết về người lính, vậy mà tôi dường như chẳng biết gì hết.
Tôi kết thúc chuyến du lịch sớm hơn dự định, đưa các con lên tàu về quê.
Bạn tôi giới thiệu tôi đi gặp người cậu của bạn. Đó là chú Ngọc. Ngôi nhà chú ở ngôi làng cách làng tôi mười hai cây số nhưng tôi chưa từng biết đến. Cho nên, dù ở trong một huyện, thì tôi cũng thấy xa lạ. Hai đứa con tôi lúc đó đang học lớp hai và lớp năm, tôi gửi con cho mẹ trông và mỗi ngày tôi đi xe máy đến ngôi làng Gia Phố gặp chú Ngọc.
Chú Ngọc...
Làng Gia Phố nhà nào cũng có người đi bộ đội. Chú Ngọc dẫn tôi đến từng ngôi nhà, gặp các chú, các ông, các bà để hỏi chuyện.
Chú Ngọc đã trải qua 5 năm ở chiến trường với hơn một trăm trận đánh lớn nhỏ. Chú giải thích cho tôi từng từ ngữ bộ đội dùng trong chiến tranh. Chú vẽ sơ đồ từng trận đánh. Đầu óc tôi mông lung, hiểu được một phần nào.
Một buổi chiều, trước lúc tôi về, chú mang thang trèo lên gác lấy xuống một túi bóng. Trong đó đựng bảy lá thư và bức ảnh một thiếu nữ. Đó là kỷ niệm của chú với một thiếu nữ Sài Gòn - là con của một đại úy quân đội Việt Nam Cộng hòa — tức là “ người của phía bên kia ”. Chú mở phong bì, lấy thư ra, nhìn từng trang giấy, nhìn chứ không đọc. Tôi thấy nước mắt chú rơi xuống má. Chú nói, chú không dám đọc, đọc rồi đêm chú không ngủ được. Chú gấp những lá thư và ảnh vào túi bóng, đưa cho tôi giữ.
Suốt quãng đường từ nhà chú về, tôi cứ tự hỏi :
Tại sao họ lại có thể giữ cho riêng mình câu chuyện dữ dội như vậy ?
Vì họ là đàn ông. Vì họ là người lính. Hay — vì họ là người Việt Nam ?
Vì không ai hỏi. Vì chúng ta đã tỏ ra không xứng đáng để được nghe ?
... và những lá thư
Biết tôi đang đi tìm những câu chuyện về chiến tranh, về người lính, mẹ tôi bảo : Sao con không viết về ông Lập, đi đâu xa làm gì.
Bác Lập là một người cày ruộng rất giỏi, trước đây bác hay đi cày giúp cha mẹ tôi. Nhà bác ở làng dưới. Mẹ kể rằng bác từng ở chiến trường 10 năm. Ngày ra đi bác sắp cưới vợ, mâm cỗ đã chuẩn bị, thì phải lên đường. Vợ sắp cưới của bác chờ đợi bác suốt chín năm, chín năm không nhận được lá thư nào của bác, nghĩ rằng bác đã hy sinh. Cô lấy chồng được hai chục ngày thì bác về.
Tôi ngạc nhiên khi biết ngay trong làng tôi, nhà nào cũng có người đi bộ đội, giống như trên làng Gia Phố của chú Ngọc. Khu vườn sát nhà tôi từng có một quả bom rơi xuống làm chết bốn người. Những cái chết hôm nay tôi mới được nghe các ông bà trong làng kể lại với những hình ảnh rất ghê rợn.
Các ông bà nhắc đến sự kiện nào, nói tới ngôi nhà ai, tôi cứ như người từ nơi xa đến tìm hiểu.
Tôi lớn lên đã thấy các chú, các bác và ông bà mình sớm trưa chiều tối trên cánh đồng. Câu chuyện họ nói với nhau là mùa vụ.
Cha tôi phải dừng việc học đại học giữa năm thứ hai để vào chiến trường. Trở về quê, sự lớn lên của các con là tất cả. Chúng tôi lớn lên, lam lũ ruộng đồng. Việc thi cử để thoát ra khỏi cánh đồng là trên hết. Chiến tranh. Biết để làm gì. Các con không cần phải biết. Chuyện đã qua. Thế hệ cha mẹ, ông bà khổ quá rồi, khổ thế đủ rồi. Các con có bao nhiêu việc khác cần quan tâm.
Chúng tôi được quyền không phải biết.
Chưa khi nào tôi nghĩ về cha như một người từng là người lính. Trong mắt tôi, cha là một ông bộ đội đã nghỉ hưu, khắc khổ, tội nghiệp, gánh phân ra đồng, vớt bèo nuôi lợn, gánh nước lên dốc về nấu rượu.
Cha tôi đã mất. Tôi không có cha nữa để hỏi. Giờ đây tôi có biết bao nhiêu điều muốn hỏi cha, về những gì đã xảy ra với cha. Tôi ân hận đã không biết một điều gì.
Những ngày tiếp theo tôi đi quanh làng, lân la hỏi chuyện các ông bà cô bác về những bom rơi xuống làng mình, về những việc họ đã làm khi đó.
Đêm xuống, tôi ngồi viết lại những gì nghe được và cảm được. Tôi hối hả viết. Chưa đến ba tháng, tôi đã viết xong bản thảo và đặt tên là Đừng kể tên tôi. Tôi lấy tên sách bằng chính câu mà tôi thường xuyên được nghe mỗi khi gặp các chú, các bác: Kể cho cháu biết vậy thôi chứ đừng viết ra làm gì, đừng viết tên chú, đừng kể tên chú, các con chú không muốn.
Tôi thấy xót xa ở lời dặn đó.
Bản thảo mang đến vài nhà xuất bản bị từ chối.
Vẫn còn một cơ hội — đó là xin giấy phép xuất bản. Nghĩa là tôi tự bỏ tiền ra in sách và bán sách.
Đây là một việc mà tôi không ngờ tới mình phải làm. Tôi rất bối rối và thấy nặng nề.
Tôi trở thành người tự in sách và bán sách vì lý do như vậy.
Không ngờ chính việc trực tiếp bán sách lại mang đến cho tôi trải nghiệm thú vị, quý giá. Được những người mua sách (bạn đọc) kể thêm cho nhiều câu chuyện của chính họ, đưa đẩy tôi làm cuốn sách tiếp theo : Tôi là con gái của cha tôi.
Con gái của một “ tay Việt cộng ” đi vào miền Nam tìm hiểu về những người trước đây là “ địch ” của cha mình. (“ tay Việt cộng ” là những từ mà một chú giới thiệu tôi với các bạn của chú : “ Con nhỏ này là con của một tay Việt cộng ngoài Bắc ”. Chú gọi một cách trìu mến).
“ Địch ” của cha tôi bây giờ là những ông già ngồi trên xe lăn bán vé số, là ông lái xe ôm khắc khổ trên phố Sài Gòn, Huế, Bình Dương, Biên Hòa, là những người bệnh nằm im lặng trong các căn nhà trọ hay trong những ngôi nhà nhỏ nép trong rừng cao su xa.
Với chú Khải (trong Tôi là con gái cha tôi)
Khóc. Gặp ai, nói chuyện một lúc, rồi cũng khóc. Nhìn những người chú, người bác nghèn nghẹn nước mắt, tôi cảm thấy bối rối, như là tại tôi. Trước mặt họ, lẽ ra là một ai đó có sức mạnh. Tôi thì chỉ có đôi tai để nghe.
Những câu chuyện có thể nhiều người đã nghe. Nhưng với tôi, câu chuyện nào cũng gây chấn động.
Đó là vợ chồng chú Châm trong cái chòi chăn vịt. Chú Châm đeo một bịch nước tiểu quanh người hơn bốn mươi năm, từ lúc bị thương ở bên sông Thạch Hãn năm 1973, khi chú là một lính nhảy dù. Vợ chú sửng sốt khi nhìn thấy chồng kéo áo lên trong đêm đầu tiên về với nhau. Cô có thể bỏ chú mà không ai chê trách, nhưng cô thương chú, ở lại với chú, chấp nhận một đời sống vợ chồng không bình thường, không có con.
Đó là bác Lý cụt hai chân, cụt một tay, mù một mắt, một mắt nhìn rất mờ. Nửa thế kỷ nằm một chỗ, không tự đi vệ sinh được. Nửa thế kỷ người vợ bác không bỏ bác một ngày nào. Nửa thế kỷ người vợ sáng đi cắt cỏ, lượm mủ cao su, để trưa về có một nắm gạo hay khoai mì nấu cho chồng, đút cho chồng ăn, và chiều lại đi đến tối, ngày qua ngày như thế, cả nửa thế kỷ như thế. Họ sống âm thầm trong rừng cao su, như ngoài lề xã hội.
Đó là bà Trí bò lại bên từng đứa con. Bà liếm máu trên từng xác con. Bảy cái xác nằm trên đất. Sáu đứa con và một đứa cháu. Một buổi trưa cuối mùa đông năm 1972 ở Hương Khê, Hà Tĩnh.
Cũng ở Hương Khê, người vợ nửa đêm ôm con chạy ra bãi tha ma trốn chồng mỗi khi chồng nổi cơn điên. Anh đã châm lửa đốt nhà rồi lăn ra bất tỉnh. Tỉnh dậy đi tìm vợ con và quỳ xuống khóc nức nở. Họ cứ sống trong hoảng loạn như thế từ khi anh từ miền Nam trở về, đầu năm 1976, với những mảnh bom trên đầu không mổ ra được. Hầm là nơi ngày xưa trốn bom và bây giờ là nơi người vợ ôm các con trốn chồng.
Đó là cô Dung và cô Bé sống trong một căn phòng trọ ở ngoại thành Sài Gòn. Cô Dung đi học tập cải tạo bốn năm trở về, mẹ mất, nhà không còn. Cô Bé chồng mất khi đi cải tạo, một mình nuôi con. Hai ngườ đàn bà tình cờ gặp nhau, sống lay lắt, việc làm mướn khi có khi không, qua ngày đoạn tháng, cứ thế, từ tuổi thanh xuân đến nay đã thành hai bà lão.
Những cảnh đời như thế.
Cô Dung và cô Bé
Tôi rất hay khóc, dễ mất kiểm soát cảm xúc.
Một lần, một người chú đang kể chuyện cho tôi nghe thì dừng lại hỏi :
– Ai cấp tiền cho cháu đi làm những việc này?
– Cháu tự bỏ tiền.
– Không ổn. Chú có quyền nghi ngờ cháu đang khai thác tin tức để cung cấp cho một thế lực nào đó. Họ đã cung cấp tiền cho cháu đi làm phải không ?
Quá bất ngờ, không kiềm chế được, tôi khóc ngay trước mặt chú. Tôi mất bình tĩnh. Buổi chiều đó tôi đi ra ngoài bờ sông ngồi một mình để lấy lại trạng thái cân bằng.
Một lần ở Huế, tôi đi cùng các con, tôi bị người vợ đuổi ra khỏi một ngôi nhà khi tôi vào nhà cô và nói chuyện với chồng cô những chuyện ngày xưa. Trên đường về, thằng con lớn đấm lưng tôi, vừa đấm vừa khóc, tại sao mẹ phải như thế, con không cần mẹ phải làm những việc đó, con không cần đọc những cuốn sách đó. Tôi vừa khóc vừa ôm con vỗ về, rối rít xin lỗi con.
Lần khác, là trong căn phòng trọ của người bán vé số : Chú Khải cụt một chân ngồi xe lăn, từng câu bật ra run rẩy, sợ hãi. Ai gieo vào chú nỗi sợ đó. Chú tự sợ. Chú cảnh giác tôi là người của tổ chức nào khi thấy tôi tìm đến căn phòng trọ của chú, cho chú một số tiền. Tôi tự ái, khoác túi xách lên, chào chú ra về. Chú níu kéo tôi đừng vội về, để chú nói hết đã. Rồi cả hai chú cháu cùng khóc.
Rất nhiều lần như thế.
Thật chẳng giống là một người đi làm tư liệu.
Tôi nhận ra sự yếu kém của mình.
Khi đi làm những cuốn sách, tôi căng thẳng với việc để hai đứa con nhỏ ở nhà. Tôi đã nghỉ việc ở nhà xuất bản để toàn tâm toàn ý lo cho các con, vậy mà giờ tôi lại bỏ các con đi xa hàng chục ngày.
Nếu là mùa hè, tôi đưa các con đi cùng. Không gì yên lòng cho bằng khi ngồi nói chuyện với nhân vật và các con ngồi bên cạnh, hoặc các con quanh quẩn trong căn phòng, ngoài sân, trong tầm nhìn của tôi.
Nhưng có những đợt đi không phải là mùa hè.
Trước mỗi chuyến đi, tôi mua sẵn thức ăn, chia thành từng phần, dặn chồng mỗi ngày nấu như thế nào. Công việc đón con ở trường về là của tôi, chồng tôi không quen, vì thế có lần hơn sáu giờ tối chồng tôi mới nhớ ra chưa đón con, tức tốc chạy xe máy từ cơ quan đến trường tìm con. Không thấy con đâu, anh gọi cho tôi, lúc đó tôi đang chạy xe máy ở một làng quê Bến Tre, tim tôi như vọt ra khỏi lồng ngực. Đắm chìm vào các chuyến đi, tôi cũng quên mất dặn chồng đi đón con. Thật hú hồn. Con tôi chờ mãi không thấy bố đến đón đã tự đi bộ năm cây số về nhà.
Đêm đó, nằm một mình trong căn phòng trọ, tôi rất dằn vặt, tại sao tôi lại phải rời xa các con để đi làm một công việc mà ngoài mình ra chẳng ai bắt, và cũng không biết có cần cho ai không.
Tại sao em lại viết ? Viết để làm gì ? Một người chị là nhà văn hỏi tôi như vậy khi biết tôi đang đi viết cuốn sách thứ hai.
Tôi lúng túng không trả lời được. Câu hỏi của chị làm tôi ngợp, cảm giác như bị tra khảo. Tôi không có sẵn trong đầu một đoạn lý luận nào để giải thích cho việc mình làm.
Tôi thực lòng nói rằng : Tại vì em thấy em viết chưa xong, em cần viết cho xong.
Tôi tưởng nói như vậy là được rồi, chị hỏi tiếp : Thế nào là chưa xong?
Tôi không nhất thiết phải trả lời câu hỏi đó, tuy vậy, tôi vẫn trả lời chị : Chưa xong, là chưa trả lời được hết các câu hỏi đặt ra trong đầu.
Tôi muốn hiểu biết đến cùng những gì đã xảy ra.
Đến nay thì tôi hiểu, việc đó không bao giờ xong được.
Tôi có một nỗi lo, là những chuyện có thật xảy ra trong những năm tháng ấy bị quên bẵng, bị biến mất, bị thêm bớt. Điều đó thôi thúc tôi đi tìm các bác, các chú, các ông bà để ghi âm, ghi chép, làm thành trang sách. Tôi làm việc này một cách gấp gáp, vì ký ức phai dần và quỹ thời gian của họ không còn nhiều.
Tôi không biết những phụ nữ khác viết sách như thế nào, tâm tư họ ra sao, riêng tôi thì như vậy. Tôi không lựa chọn công việc này, cũng không phải đam mê hay yêu thích. Tôi nghĩ rằng đó là một việc mình phải làm.
Tôi thấy có tội với thế hệ cha ông khi từ trước tới nay tôi không biết gì cả, sống như vô tri. Nay đã biết được một phần nào, tôi muốn ghi lại, cho những ai từng như tôi. Họ cần phải biết. Họ được quyền biết.
Các sự kiện đã xa nửa thế kỷ.
Tôi không biết gọi tên sách mình là gì, có lẽ đó là một sự tiếp nhận, là một sự đối mặt, một thái độ và trách nhiệm của người đời sau.
Phan Thúy Hà
NGUỒN : Tham luận tại Hội thảo “ Phụ nữ Việt Nam : Sáng tạo và Dấn thân ”
ngày 8.6.2023 tại Collège de France (Paris)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét