Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 3 tháng 5, 2023

Nóng: Putin Xém Chết! và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải

Chỉ Còn Chưa Đầy 2 Tuần Nữa Tin Thêm về Tiệc Hội Ngộ 50 Năm! Khóa KQ 73A Phi Hành Lúc: 6 Giờ Chiều Chủ Nhật Ngày 21 Tháng 5 Năm 2023 Tại: Nhà Hàng Dynasty, 1001 Story Rd, San Jose, Ca 95122 Vài điều nhắc nhở Quý Khách:Trước nhất, Xin chân thành cảm tạ Quý Niên Trưởng, Quý Chiến Hữu, Thân Hữu, đã ghi danh tham dự, số khách đã vượt khỏi sức chứa dưới lầu! nên BTC đã chuyển lên lầu trên của nhà hàng.Mong các Cựu Quân Nhân mặc quân phục, nếu có thể.Xin đừng đến trễ, vì chương trình khai mạc đúng giờ!-BTC thông báo, chỉ còn ít chỗ ngồi, quý khách muốn tham dự, xin liên lạc ngay, trước khi khóa sổ với: KQ Huỳnh Trịnh Phương (Cell) 408-799-8218

<!>


Ca Sĩ Chính Trong Tiệc Hội Ngộ: Lilian!


-Lilian, là một trong những giọng hát Kích Động Hàng Đầu của Hải Ngoại! Sân khấu nào có Lilian, sàn nhảy như Bốc Lửa!

-Cộng với những ca sĩ hay nhất, của miền Thung Lũng Hoa Vàng.


-Chưa những màn vũ độc đáo, của Đoàn Vũ, phải chứng kiến, mới thấy tài năng!

-Nhiều mục vui, có thưởng, trong giờ nghỉ giữa chương trình!

Chắc chắn phải là Đêm Hội Ngộ vui, nhớ đời!


Nóng! Vừa mới xảy ra! Điện Kremlin nói Putin sống sót sau vụ ám sát qua đêm!

-Hôm nay, Thứ tư, ngày 3 tháng 5 năm 2023 lúc 4:46 sáng theo giờ PDT

Chính quyền tổng thống Nga cho biết hôm thứ Tư rằng Điện Kremlin đã bị máy bay không người lái tấn công trong đêm nhằm ám sát Tổng thống Vladimir Putin.

Người dân Moscow cho biết đã nghe thấy hai tiếng nổ phía sau bức tường Điện Kremlin ngay sau 2 giờ sáng giờ địa phương, sau đó đèn tắt. Đoạn phim được người dân chia sẻ trên kênh Telegram địa phương đã ghi lại vụ việc, khi người ta nhìn thấy khói bao trùm bầu trời phía trên Điện Kremlin.

Bây giờ, nhà chức trách nói rằng đó là một cuộc tấn công trắng trợn của Ukraine bằng cách sử dụng hai máy bay không người lái, cả hai đều đã bị phá hủy.

Không có thương tích nào được báo cáo, theo hãng thông tấn TASS.

Điện Kremlin, mô tả vụ việc là một "cuộc tấn công khủng bố có kế hoạch" và "âm mưu ám sát tổng thống Nga", hiện đang đe dọa thực hiện "các biện pháp trả đũa".

Không rõ bằng cách nào một máy bay không người lái của Ukraine có thể vượt qua hệ thống phòng không của Nga và tiến vào trung tâm thủ đô. Thị trưởng Mátxcơva Sergei Sobyanin hôm thứ Tư đã cấm các chuyến bay không người lái trong thành phố mà không có giấy phép đặc biệt của chính phủ.

Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày trước cuộc diễn hành Ngày Chiến thắng của Nga trên Quảng trường Đỏ, một sự kiện mà các nhà chức trách lo ngại có thể bị gián đoạn bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Các phương tiện truyền thông độc lập của Nga đưa tin vào tuần trước rằng các nhân viên tiện ích đã được lệnh tuần tra trên đường phố Moscow để tìm kiếm bất kỳ quả bom hoặc máy bay không người lái nào trước sự kiện.

Chính quyền Ukraine vẫn chưa bình luận về vụ tấn công có chủ đích nhưng trước đó đã phủ nhận việc thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.


SOS! Phải hành động ngay! Mỹ có thể vỡ nợ ngày 1/6 nếu không tăng trần nợ; hai ông Biden, McCarthy sẽ gặp nhau!


 (Ảnh: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu tại Viện Johns Hopkins ở Washington)

 -Hôm thứ Hai 1/5, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mời bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội tới Nhà Trắng vào tuần tới sau khi Bộ Tài chính cảnh báo chính phủ có thể cạn tiền để thanh toán các hóa đơn vào tháng 6.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết trong một bức thư gửi Quốc hội rằng nhiều khả năng là bộ này sẽ không thể đáp ứng được tất cả các nghĩa vụ thanh toán của chính phủ Hoa Kỳ "có lẽ sớm nhất là vào ngày 1/6" nếu không có hành động của Quốc hội. Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đối đầu nhau hàng tháng nay về vấn đề ngân sách.

Lời dự báo mới nhất về tình trạng vỡ nợ cho thấy Hoa Kỳ đang đối mặt với nguy cơ cao hơn sẽ bị vỡ nợ công chưa từng có, một sự kiện sẽ làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Biden đã gọi điện cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, người thuộc đảng Cộng hòa và hiện đang công du ngoại giao ở Jerusalem, để mời ông tham gia cuộc họp tại Nhà Trắng vào ngày 9/5. Hai nhà lãnh đạo này chưa gặp nhau để thảo luận về vấn đề này kể từ tháng 2.

Ông Biden cũng gửi lời mời tới lãnh đạo khối Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries, lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo khối Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell.

Ông Biden đã nói một cách kiên định rằng ông sẽ không đàm phán về việc tăng trần nợ, nhưng sẽ thảo luận về việc cắt giảm ngân sách sau khi một mức giới hạn mới được thông qua. Quốc hội thường kết hợp việc tăng trần nợ với các biện pháp khác về chi tiêu và ngân sách.

Lời dự báo mới về ngày vỡ nợ, có tính đến các khoản thanh toán thuế của tháng 4, nhìn chung không khác mấy so với một dự báo trước đó, được đưa ra hồi tháng 1, cho rằng chính phủ Mỹ có thể cạn tiền vào khoảng ngày 5/6. Nhưng lần này, bà Yellen nói thêm rằng có thể có vài sự du di, ghi nhận rằng các khoản thu và chi của liên bang "vốn hay có những thay đổi". Ngày tháng cụ thể mà Bộ Tài chính thực sự bó tay sau khi sử dụng hết các biện pháp đặc biệt "có thể muộn hơn vài tuần so với những ước tính này", bà viết.

Bà viết: “Không thể dự đoán chính xác ngày nào Bộ Tài chính sẽ không thể thanh toán các hóa đơn của chính phủ”.

Mỹ đụng trần vay nợ là 31,4 nghìn tỷ đô la vào ngày 19/1. Bà Yellen trước đó đã nói với Quốc hội rằng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh toán nợ, trả phúc lợi liên bang và thực hiện các khoản chi tiêu khác bằng cách sử dụng các biện pháp quản lý tiền đặc biệt. Một trong nhưng bước như vậy hiện Bộ Tài chính vẫn đang thực hiện là đình chỉ việc bán chứng khoán kho bạc mà các chính quyền tiểu bang và địa phương sử dụng để tạm thời trữ tiền.

Hồi năm 2011, đã có một cuộc chiến tương tự về trần nợ công làm cho nước Mỹ rơi vào cảnh ngấp nghé bờ vực vỡ nợ và khiến mức xếp hạng tín dụng hàng đầu của đất nước đã bị hạ bậc. Lần này, các cuộc đàm phán có thể còn khó khăn hơn, những người từng trải qua cuộc đối đầu năm 2011 nói.

Nhà phân tích ngân sách Shai Akabas thuộc Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng nói rằng tình trạng chỉ còn một khoảng thời gian ngắn là đến thời hạn chót làm tăng thêm tính cấp bách cho việc phải tìm ra giải pháp cho tình trạng bế tắc nặng nề, đồng thời làm tiêu tan hy vọng rằng Quốc hội có thể đàm phán trong những tháng cuối mùa hè.

Ông nói thêm rằng tình trạng vỡ nợ có thể xảy ra trong vòng vài tuần "là điều không hề có lợi cho một quốc gia được coi là nền tảng của hệ thống tài chính và chỉ càng làm tăng thêm sự bất định đối với một nền kinh tế vốn đã lung lay".

 

Nghi can bắn chết năm người hàng xóm ở Texas từng bị trục xuất bốn lần!


(Ảnh: Cảnh sát tại hiện trường vụ xả súng.)

-Một người đàn ông ở Texas bị cáo buộc giết năm người hàng xóm sau khi được yêu cầu ngừng bắn súng trường tấn công vì tiếng ồn đã từng bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ bốn lần kể từ năm 2009, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) cho biết hôm thứ Hai.

Theo Reuters, Francisco Oropesa, 38 tuổi, người Mexico, bị trục xuất vào tháng 3 năm 2009 sau khi bị thẩm phán di trú ra lệnh trục xuất, ICE cho biết trong một tuyên bố. Anh ta bị bắt và trục xuất một lần nữa vào tháng 9 năm 2009, tháng 1 năm 2012 và tháng 7 năm 2016, ICE cho biết.

Oropesa bị kết tội lái xe trong tình trạng say rượu vào tháng 1 năm 2012 tại Quận Montgomery, Texas và bị kết án tù, ICE cho biết thêm.

Tới cuối buổi chiều thứ Hai, cơ quan thực thi pháp luật không cập nhật cho báo chí về tiến triển của việc truy lùng, nhưng nghi can dường như đã mất dạng không dấu vết hôm Chủ nhật, theo Reuters.

“Chúng tôi không biết anh ta ở đâu”, Đặc vụ FBI ở Houston James Smith nói với các phóng viên hôm Chủ Nhật. "Ngay bây giờ, chúng tôi không có manh mối nào".

Theo Reuters, cảnh sát trưởng Địa hạt San Jacinto Greg Capers cho biết rằng các cảnh sát đã đi tìm kiếm từng nhà trong một cuộc truy lùng có sự tham gia của hơn 250 nhân viên thực thi pháp luật từ hàng chục cơ quan. Các quan chức đang treo giải thưởng 80.000 đô la cho thông tin giúp bắt được nghi phạm.

Bác sĩ Chu Văn Cương, Chủ tịch Hội đồng Đại diện Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Houston, cho VOA tiếng Việt biết rằng ông “có nghe tin là kẻ thủ phạm bắn chết 5 người”.

Khi được hỏi là cộng đồng gốc Việt có lo ngại vì nghi can được coi là “nguy hiểm” vẫn chưa bị bắt hay không, ông Cương nói rằng ông “không có ghi nhận được có sự quan tâm nào đặc biệt”.

Ông cho biết: “Tuần lễ vừa qua, bên cộng đồng cũng bận rộn lo chuẩn bị tổ chức cái tưởng niệm 30/4, cái buổi lễ rất là lớn ngày hôm qua có hàng ngàn người tới dự, cho nên cũng lu bu nhiều thứ. Cũng không thấy ai nói về vấn đề này hết. Cũng không thấy ghi nhận có sự lo âu nào hết”.

Hãng tin Anh dẫn lời ông Capers cho biết hôm thứ Bảy rằng nghi phạm bước ra khỏi nhà vào tối thứ Sáu và bắt đầu xả súng bằng một khẩu súng trường kiểu AR-15 trong sân của anh ta. Và khi đó, những người hàng xóm ở Cleveland, cách Houston khoảng 72 km về phía bắc, yêu cầu anh ta dừng lại vì việc bắn đang làm một em bé tỉnh giấc.

Ông Capers cho biết rằng cảnh sát đã thu hồi vũ khí được sử dụng trong vụ nổ súng, nhưng nghi phạm có thể có một khẩu súng lục. Cảnh sát cũng đã thu hồi các khẩu súng khác trong nhà của nghi phạm cũng như một chiếc điện thoại di động.

Ông Wilson Garcia, người sống sót sau vụ xả súng, cha của em bé 1 tháng tuổi, nói với KTRT Houston, chi nhánh của ABC News rằng ông đã trốn thoát ra ngoài qua cửa sổ sau khi nhiều phát đạn súng suýt trúng người ông, theo Reuters.

“Chúng tôi yêu cầu anh ta im lặng" vì tiếng ồn khiến đứa bé sợ hãi, ông nói với KTRT.

Thay vì ngừng lại, nghi phạm xông vào nhà với khẩu súng trường và bắt đầu nổ súng.

Các nạn nhân được xác định là Sonia Argentina Guzman, 25 tuổi; Diana Velazquez Alvarado, 21 tuổi; Julisa Molina Rivera, 31 tuổi; Jose Jonathan Casarez, 18 tuổi; và Daniel Enrique Laso, 8 tuổi. Tất cả họ đều được cho là đang sống trong ngôi nhà, nhưng không phải là thành viên của một gia đình, theo FBI.

Khi được hỏi cộng đồng người gốc Việt có quan tâm về vấn đề súng ống, bác sĩ Chu Văn Cương nói với VOA tiếng Việt:

“Dạ có. Ở đây thì những cái vụ cướp bóc bây giờ xảy ra rất là nhiều. Chắc là anh cũng nghe trường hợp cô Trương Nhung bị một tên cướp hành hung cách đây vài tháng. Đồng bào ở đây cũng rất là quan tâm. Mới đây, cộng đồng có tổ chức một lớp về cách sử dụng súng ống an toàn [gun safety] thì cũng được sự hưởng ứng rất là đông. Về vấn đề súng ống, bên này cộng đồng rất là quan tâm”.

Các vụ xả súng hàng loạt đã trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ, với ít nhất 176 vụ từ đầu năm 2023 tới nay, nhiều nhất vào thời điểm này trong năm kể từ ít nhất là năm 2016, theo Gun Violence Archive. Tổ chức phi lợi nhuận này định nghĩa rằng một vụ xả súng hàng loạt là bất kỳ vụ nào có bốn người trở lên bị thương hoặc thiệt mạng, không bao gồm kẻ xả súng. 

Tin Quốc Tế Đó Đây

Phim Ảnh Giúp Ẩm Thực Nam Hàn Chinh Phục Paris

(Tuấn Thảo)

*

-Nhân sự kiện tập đoàn Netflix thông báo trong tuần qua kế hoạch đầu tư 2 tỉ rưỡi Mỹ kim vào Nam Hàn để sản xuất phim ảnh và nội dung truyền hình cũng như trực tuyến, báo Pháp 20 Minutes đăng bài viết hôm 29/4/2023 để nói về ẩm thực Nam Hàn, được tờ báo gọi là quyền lực mềm thứ nhì của Nam Hàn, sau ngành công nghiệp giải trí.

Song song với các bộ phim nhiều tập (K-Drama) và các ban nhạc Nam Hàn (K-Pop), làn sóng ẩm thực xứ bình minh yên tĩnh (K-Food) đang trở nên thịnh hành tại Pháp trong những năm gần đây. Theo báo 20 Minutes, trong nỗ lực giành một chỗ đứng trên thị trường quốc tế, ẩm thực Nam Hàn, bên cạnh các chiến dịch quảng bá của chính phủ Nam Hàn, còn nhận được sự hỗ trợ của ngành công nghiệp giải trí.

Sau các món nem rán (chả giò) và phở của Việt Nam, các món som tam và pad thai của Thái Lan, món kim chi và nhất là bibimbap của xứ Hàn, loại cơm trộn với rau xào, thịt bò và trứng, dọn trong một nồi đá nho nhỏ, đã trở nên khá quen thuộc với thực khách Pháp, nhất là giới trẻ ở độ tuổi 18-35.

Tại Âu Châu, Pháp Có Nhiều Tiệm Ăn Hàn Nhất

Các món ăn Nam Hàn (hansik) thường pha trộn nhiều hương vị, có nhiều nét gần giống ẩm thực Nhật Bản, ngày càng thu hút đông đảo khách hàng. Tại Pháp, số lượng tiệm ăn Nam Hàn nói chung vẫn ở một mức ổn định tại các tỉnh thành. Trong khi tại thủ đô Paris, số nhà hàng chuyên phục vụ các món Hàn lại tăng gấp đôi chỉ trong vòng vài năm. Theo Tổng công ty phân phối Nông thủy sản và Thực phẩm Nam Hàn (Korea Agro-Fisheries & Food Trade Corp) một tổ chức của chính phủ Nam Hàn, thủ đô Paris hiện có hơn 250 tiệm ăn Nam Hàn, so với 120 quán vào năm 2018. Về điểm này, Pháp trở thành quốc gia Âu Châu có nhiều tiệm ăn Nam Hàn nhất. Vài năm trước đây, danh hiệu này do Vương quốc Anh nắm giữ.

Còn theo tuần báo Pháp Elle, một dấu hiệu khác cho thấy trào lưu ẩm thực Nam Hàn đang trở nên thịnh hành tại các vùng đô thị lớn, trên các ứng dụng giao hàng như Deliveroo hay Uber Eats, lượng đơn đặt các món ăn Nam Hàn K-Food (cũng như các món sushi và maki của Nhật) đã tăng hơn 60% chi trong vòng một năm trở lại đây.

Giống như điện ảnh Hàn (Han Cinema), âm nhạc K-Pop hoặc phim truyền hình nhiều tập K-Drama, nghệ thuật ẩm thực xứ bofnh minh yên tĩnh tham gia vào phong trào “Hàn lưu” (Hallyu), góp phần phổ biến rộng rãi văn hóa Nam Hàn ở nuoc ngoài.

Quảng Cáo Sản Phẩm Bằng Cách Cài Đặt Vào Trong Phim Hàn

Không phải ngẫu nhiên, ẩm thực Nam Hàn thường được đề cao trong ngành giải trí, việc tô điểm hình ảnh vẫn nhằm mục đích quảng bá văn hóa, kích cầu du lịch. Theo cô Luna Kyung, tác giả quyển sách “Corée Gourmande” do nhà xuất bản Mango phát hành cuối năm 2022, trong hầu hết các bộ phim truyền hình và điện ảnh, đều có những cảnh dài dành để quay các bữa ăn, điều đó để thúc đẩy khách yêu chuộng văn hóa Hàn cũng muốn ăn thử một số món mà họ từng được xem trong phim.

Chẳng hạn như trong bộ phim “Parasite” (Ký sinh trùng), từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có 4 giải Oscar năm 2020. Trong một cảnh phim, người mẹ trộn hai loại mì ăn liền hiệu Nongshim. Chi trong một thời gian ngắn sau đó, doanh thu của công ty thực phẩm này của Nam Hàn, đã tăng mạnh tại Hoa Kỳ, theo ghi nhận của tờ báo Korea Herald.

Theo ông Benjamin Joinau, Giáo sư tại Đại học Hongik ở Nam Hàn, đây không phải là chuyện ngẫu nhiên, ngành công nghiệp giải trí thường cài đặt những sản phẩm, những nét đặc trưng của dân Hàn nhằm xuất cảng văn hóa Hàn ra thế giới. Các yếu tố này luôn được sử dụng rộng rãi trong các đoạn video ca nhạc cũng như phim truyền hình nhiều tập, hai ngành xuất cảng mũi nhọn của làng giải trí Nam Hàn.

Một trường hợp khác là bộ phim nhiều tập “Business Proposal” xoay quanh ẩm thực Nam Hàn. Phim kể lại câu chuyện của một chủ công ty nông thực phẩm với mơ ước toàn cầu hóa món kim chi và bánh mandu, món bánh gối của người Triều Tiên, tương tự món gyoza của người Nhật Bản. Trong suốt bộ phim, các nhân vật chính thường hay nêu bật các sản phẩm của công ty Bibigo. Bộ phim hài này được phát hành trực tuyến trên mạng Netflix đã giúp cho công ty thật ở ngoài đời, tăng thêm lợi nhuận trong năm 2022.

Ẩm Thực Nam Hàn Vươn Ra Biển Lớn

Việc quảng bá ẩm thực Nam Hàn (K-Food) cũng gặt hái được thành quá nhờ nỗ lực của chính phủ. Ngay từ năm 2008, Thủ tướng Nam Hàn lúc bấy giờ là ông Han Seung-soo đã ban hành chinh sách “toàn cầu hóa ẩm thực Nam Hàn”. Một năm sau, Hán Thành phát động chiến dịch “Ẩm thực Nam Hàn vươn ra thế giới”, với mục tiêu quảng bá rộng rãi các món ăn Nam Hàn, với hy vọng ẩm thực xứ Hàn sớm được thế giới công nhận.

Nhiều chương trình sinh hoat đã được thành lập trong chiếu hướng này, kể cả việc mở lớp dạy nấu các món ăn Hàn tại các trường dạy nghề hay tại các trung tâm văn hóa đặc biệt là ở Paris. Ngoài ra, còn có các liên hoan ẩm thực. Kể từ 2016, tòa thị chính quận 15 Paris tổ chức hàng năm Korea Expo (Hội chợ triển lãm Nam Hàn), nơi đề cao các đặc sản và nghệ thuật ẩm thực xứ Hàn. Nhờ vào những chương trình này, các món ăn nhu cơm trộn bibimbap hay món thịt bò nướng bulgogi của Triều Tiên, bắt đầu nổi tiếng ở ngoại quốc và trở nên tiêu biểu cho ẩm thực xứ Hàn trong mắt nhiều thành phần thực khách Pháp.

Hiện giờ tại Paris, số tiệm ăn Hàn vẫn chưa nhiều bằng các quán sushi. Tuy chưa đạt được thành tích cao như mong đợi và cũng chưa thể sánh ngang hàng với các nền ẩm thực lớn khác của Á Châu như Trung Hoa và Nhật Bản, nhưng nhìn chung, Nam Hàn đã có được nhiều bước tiến đáng kể. Theo Viện Quảng bá Thực phẩm Nam Hàn (KFPI), số lượng nhà hàng chuyên phục vu các món ăn Nam Hàn ở ngoại quốc đã tăng gấp 3 lần trong chưa đầy một thập niên, từ 10.000 tiệm ăn lên tới hơn 33.000 quán từ năm 2009 đến năm 2018. Trong đó, có các quán gà rán hiệu Bonchon của Nam Hàn đã phát triển khá nhanh với gần 400 cơ sở trên toàn thế giới. Giờ đây, ngoài hai chữ “bon appétit”, thực khách Pháp còn bắt đầu học lóm thêm câu nói “masitge deuseyo” để chúc cho nhau một bữa ăn thật ngon miệng.


Do Thái Bắn Chết Một Thiếu Niên Palestine ở Vùng Tây Ngạn


(Hình: Đám tang của thiếu niên bị Do Thái bắn chết ở Vùng Tây Ngạn hôm 1/5/2023.)

-Hôm 1/5/2023, các lực lượng Do Thái đã bắn chết một thiếu niên Palestine trong một cuộc đột kích Vùng Tây Ngạn bị chiếm đóng, Bộ Y tế Palestine cho biết, sự việc mới nhất trong làn sóng bạo lực không ngừng vốn làm rung chuyển khu vực trong năm qua.

Quân đội Do Thái chưa có bình luận ngay. Họ đã đột kích gần như hàng đêm vào các thành phố, thị trấn và làng mạc ở Vùng Tây Ngạn trong hành động mà họ nói là nỗ lực để dập tắt cuộc kháng chiến. Hàng chục người dân Palestine đã thiệt mạng do đạn pháo của Do Thái trong năm nay và 19 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Palestine nhằm vào Do Thái trong cùng thời gian.

Bộ Y tế Palestine xác định thiếu niên bị sát hại là Jibril al-Laada, 17 tuổi. Họ cho biết ba người khác bị thương nặng trong giao tranh vốn xảy ra tại trại tị nạn Aqabat Jabr gần thành phố Jericho ở Vùng Tây Ngạn. Trại này là mục tiêu bị Do Thái tấn công thường xuyên.

Do Thái đã phát động đột kích sau một loạt các cuộc tấn công của Palestine vào mùa Xuân năm 2022. Nó dẫn đến những cuộc giao tranh ác liệt nhất giữa Do Thái và Palestine ở Vùng Tây Ngạn trong nhiều năm và mặc dù Do Thái nói rằng các cuộc đột kích này nhằm chặn đứng các cuộc tấn công trong tương lai, bạo lực nhằm vào người Do Thái dường như không hề chậm lại.

Gần 150 người Palestine đã thiệt mạng ở Vùng Tây Ngạn và Đông Jerusalem hồi năm 2022, khiến 2022 trở thành năm chết chóc nhất ở những khu vực này kể từ năm 2004, theo tổ chức nhân quyền hàng đầu Do Thái B’Tselem. Thương vong đã tăng vọt trong năm nay, với 98 người Palestine thiệt mạng dưới đạn pháo Do Thái, mà chỉ chưa tới một nửa trong số đó có dính với các nhóm chiến binh, theo thống kê của hãng thông tấn AP.

Do Thái cho biết hầu hết những người thiệt mạng là các chiến binh vũ trang, nhưng các thanh niên phản đối các cuộc xâm nhập của Do Thái cũng như những người không liên quan đến cuộc đối đầu cũng đã bị giết.

Người Palestine coi các cuộc đột kích này là bằng chứng cho thấy Do Thái củng cố hơn nữa sự chiếm đóng kéo dài 56 năm của họ. Người dân Palestine hy vọng thành lập nhà nước độc lập của họ trên cơ sở Vùng Tây Ngạn, Dải Gaza và Đông Jerusalem. Do Thái đã chiếm được những vùng lãnh thổ này trong cuộc chiến tranh Trung Đông hồi năm 1967.

 

Thủ Lĩnh Nhóm Khủng Bố Nhà Nước Hồi Giáo Bị Tiêu Diệt ở Syria

-Hôm 30/4/2023, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Abu Hussein al-Qurachi, người được cho là thủ lĩnh của nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS), đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch do cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện hôm 29/4.

Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer của Đài RFI tường trình:

“Abu Hussein al-Qurachi, người được cho là thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đã bị tiêu diệt ở Syria hôm thứ Bảy”: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố như trên trong một cuộc trả lời phỏng vấn được phát trực tiếp trên truyền hình.

Ông Recep Tayyip Erdoğan không cung cấp thông tin chi tiết, đặc biệt là vị trí chính xác của chiến dịch này. Nhưng ông khẳng định rằng cơ quan mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ - MIT đã theo dõi Abu Hussein al-Qurachi trong một thời gian dài.

Một ngày trước đó, một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ nắm nhiều thông tin về Syria đã đưa tin và trích dẫn các nguồn tin địa phương đi kèm với các bức ảnh, cho biết rằng thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã “bị nổ tung” trong một chiến dịch của mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Jindires. Đây là một thành phố nằm ở khu vực Afrin, phía Tây-Bắc Syria, nằm dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới nước này vài cây số.

Thông tấn xã AFP cũng đưa tin rằng tình báo Thổ Nhĩ Kỳ và cảnh sát quân sự địa phương do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã phong tỏa một khu vực gần thị trấn Jindires vào thứ Bảy.

 

Ukraine Nói Kiểm Soát Tuyến Đường Tiếp Tế Sống Còn Vào Bakhmut


(Hình: Lính Ukraine bắn lựu pháo về các vị trí quân Nga ở Bakhmut.)

-Ukraine vẫn kiểm soát một tuyến đường tiếp tế chính vào Bakhmut, một phát ngôn viên quân đội cho biết hôm thứ Bảy (29/4/2023), trong khi người đứng đầu Tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga đe dọa sẽ rút một số binh sĩ khỏi thành phố phía Đông nếu Mạc Tư Khoa không gửi thêm đạn dược.

Các lực lượng Nga đã cố gắng trong 10 tháng qua để tìm đường vào nơi từng là một thành phố 70.000 dân nhưng nay đã bị tàn phá. Kyiv đã quyết tâm bảo vệ Bakhmut, nơi mà Nga coi là bàn đạp để tấn công các thành phố khác.

“Trong vài tuần qua, người Nga đã nói về việc chiếm giữ ‘con đường sự sống’ cũng như kiểm soát hỏa lực liên tục đối với nó”, Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của quân đội Ukraine ở phía Đông, nói trong một cuộc phỏng vấn với trang web địa phương Dzerkalo Tyzhnia.

“Vâng, ở đó thực sự khó khăn... (nhưng) lực lượng phòng thủ đã không cho phép người Nga ‘cắt đứt’ hậu cần của chúng tôi”.

“Con đường sự sống” là con đường sống còn giữa Bakhmut bị tàn phá và thị trấn Chasiv Yar gần đó ở phía Tây – với khoảng cách chỉ hơn 17 cây số.

Bộ chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine cho biết trong bản cập nhật hàng ngày vào Chủ Nhật rằng các lực lượng của họ đã đẩy lùi 58 cuộc tấn công của Nga trong ngày qua dọc theo một phần của chiến tuyến kéo dài từ Bakhmut qua Avdiivka và Maryinka xa hơn về phía Nam tại khu vực Donetsk.

Theo các nhà phân tích quân sự, nếu Bakhmut thất thủ, Chasiv Yar có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo bị Nga tấn công, mặc dù nó nằm trên vùng đất cao hơn và lực lượng Ukraine được cho là đã xây dựng các công sự phòng thủ gần đó.

 

Giáo Hoàng: Vatican Tham Gia Vào Một Nỗ Lực Vãn Hồi Hòa Bình Cho Ukraine

-Trên chuyến bay trở về Vatican sau chuyến tông du 3 ngày ở Hung Gia Lợi, Giáo hoàng Francis hôm 30/4/2023, tiết lộ là Tòa Thánh đang tham gia vào một sứ mệnh hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, Giáo hoàng từ chối cho biết chi tiết về sứ mệnh này.

Theo hãng tin Reuters, Giáo hoàng Francis đã nói với các phóng viên đi cùng với ngài trên máy bay: “Tôi sẵn sàng làm tất cả những gì cần làm. Một sứ mệnh hòa bình đang được tiến hành, nhưng chưa thể được công bố. Khi nào được phép công bố, tôi sẽ cho biết”. Giáo hoàng Francis nói thêm là trong chuyến tông du ở Hung Gia Lợi, ngài đã thảo luận về tình hình Ukraine với Thủ tướng Viktor Orban và Tổng Giám mục Chính Thống giáo Hilarion, nguyên Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, hiện sống ở Budapest.

Về chiến sự tại Ukraine, theo hãng tin AFP, trong đêm 30/4 quân Nga đã bắn một loạt phi đạn mới vào nhiều thành phố của Ukraine, nhưng lực lượng của Kyiv khẳng định đã bắn chặn được phần lớn các phi đạn này. Cụ thể, theo thông báo của Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valery Zaloujny trên mạng Telegram, quân Nga đã bắn tổng cộng 18 phi đạn liên lục địa từ máy bay, nhưng lực lượng của Kyiv đã phá hủy được 15 phi đạn.

Riêng tại vùng Kherson ở miền Nam, theo chính quyền quân sự địa phương, trong đêm qua đã có một người thiệt mạng và 3 người bị thương do các cuộc không kích của quân Nga.

Trong tuần qua, Kyiv khẳng định đã hoàn tất các bước chuẩn bị cho một cuộc phản công nhằm lấy lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. Lãnh đạo tổ chức lính đánh thuê Wagner, Evgueni Prigojine, hôm qua báo động là lực lượng của ông, nhất là lực lượng đang chiến đấu tại Bakhmut, miền đông Ukraine, đang thiếu rất nhiều đạn dược và một cuộc phản công của quân Ukraine sẽ là một “thảm kịch” đối với nước Nga. Ông Prigojine vẫn tố cáo các cấp chỉ huy quân đội Nga cố tình không cung cấp đủ đạn dược cho lực lượng Wagner và đã nhiều lần công khai chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergeï Shoïgu.


Giáo Hoàng Francis Kết Thúc Chuyến Thăm Hung Gia Lợi Với Lời Kêu Gọi Tiếp Đón Di Dân

-Kết thúc chuyến thăm Hung Gia Lợi, hôm 30/4/2023, Giáo hoàng Francis, đã có bài phát biểu kêu gọi chính phủ Thủ tướng Viktor Orban tiếp đón người di cư trong hoàn cảnh khó khăn.

Theo thống kê chính thức, khoảng 50.000 người đã tập trung ở phía sau nhà Quốc hội, trung tâm thủ đô Budapest, để tham dự thánh lễ của Giáo hoàng. Từ Budapest, thông tín viên Florence La Bruyère của Đài RFI cho biết thêm chi tiết:

“Chúng ta hãy mở cửa cho người ngoại quốc, nghèo khó hoặc khác biệt”, Giáo hoàng Francis đã nói như vậy trong một buổi thánh lễ ngoài trời ở Budapest, trước hàng chục ngàn người, trong đó có hàng ngàn người Hung Gia Lợi sống ở các nước láng giềng.

Giáo hoàng đã gặp gỡ những người vô gia cư, tàn tật, và những người tị nạn. Ngài đã có các hoạt động khác với chương trình nghị sự. Vốn không nằm trong kế hoạch ban đầu, Giáo hoàng đã hội đàm với Thị trưởng Budapest, một người đối lập với chính phủ. Giáo hoàng đã cố tình xuống xe, một chiếc Fiat nhỏ màu trắng, để chào các em học sinh đứng bên vệ đường. Giáo hoàng Francis tươi cười và rạng rỡ khi gặp những người khuyết tật hoặc trong hoàn cảnh khó khăn.

Có rất ít khả năng thông điệp kêu gọi tiếp đón người ngoại quốc của ngài lay chuyển được Thủ tướng Viktor Orban. Ngoài ra, chuyến tông du của Giáo hoàng cũng đánh bóng thêm tính chính đáng và sự tôn trọng đối với một chính phủ ngày càng độc đoán. Nhưng một số tín đồ Công giáo Hung Gia Lợi tỏ ra lạc quan. Họ hy vọng rằng chuyến đi của Giáo hoàng Francis sẽ có tác động lâu dài đến Giáo hội Công giáo Hung Gia Lợi và điều này sẽ khuyến khích Giáo hội giữ khoảng cách với chính quyền.


Các Bên Tham Chiến ở Sudan Gia Hạn Lệnh Ngừng Bắn


 (Hình: Chiến sự diễn ra ác liệt ở thủ đô Khartoum của Sudan.)

-Các bên tham chiến trong cuộc xung đột Sudan đã khuất phục áp lực quốc tế và hôm 1/5/2023 nói rằng thỏa thuận ngừng bắn hết hạn vào nửa đêm sẽ được gia hạn thêm 72 tiếng đồng hồ nữa.

Đã có một thỏa thuận ngừng bắn nhưng bị cả hai phía phớt lờ. Nó được hai phe tham chiến thiết lập để cho mọi người đi lại an toàn và tạo điều kiện cho quốc gia này được nhận viện trợ nhân đạo, nhưng bạo lực vẫn tiếp tục. Hai phía đổ lỗi cho nhau về vi phạm lệnh ngừng bắn.

Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFO) Cindy McCain trong một tuyên bố hôm 1/5 nói rằng cơ quan này ‘ngay lập tức bãi bỏ việc đình chỉ hoạt động tạm thời vốn được thông báo sau cái chết bi thảm của ba nhân viên chúng tôi vào ngày 15/4’.

Bà cho biết các tiểu bang Gedaref, Gezira, Kassala và White Nile dự kiến sẽ là những địa điểm phân phối lương thực ‘trong những ngày tới để đem đến sự hỗ trợ cứu mạng mà nhiều người rất cần ngay bây giờ’.

“Hơn 15 triệu người đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở Sudan trước cuộc xung đột này”, bà McCain nói. “Chúng tôi cho rằng con số này sẽ tăng lên đáng kể khi giao tranh tiếp diễn”.

Chính phủ Anh hôm 30/4 loan báo họ đang mở thêm một chuyến bay di tản cho công dân Anh bị kẹt trong chiến sự ở Sudan.

Xung đột giữa quân đội Sudan và một nhóm dân quân đã nổ ra vào ngày 15/4. Hàng chục ngàn người đã bỏ chạy khỏi đất nước vì giao tranh dữ dội giữa quân đội do Tướng Abdel Fattah Burhan đứng đầu và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh, một nhóm bán quân sự do Tướng Mohammed Hamdan Dagalo lãnh đạo. Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương kể từ khi giao tranh nổ ra.

Giao tranh đặc biệt dữ dội ở thủ đô Khartoum.

Tìm kiếm các nhu yếu phẩm cơ bản, như thực phẩm và nước, đã trở nên gần như không thể. Các nhân viên y tế ở lại không có nguồn cung vật tư đàng hoàng. Chuyến hàng vật tư y tế đầu tiên đã đến Khartoum, tuy nhiên, các công nhân đã không thể chuyển hàng đến các bệnh viện vì chiến sự.

 

Sudan: Lệnh Ngừng Bắn Lại Bị Vi Phạm, Liên Hiệp Quốc Lo Ngại Về Thảm Họa Nhân Đạo

-Hôm 1/5/2023, Thủ đô Khartoum của Sudan lại bị rung chuyển vì các vụ oanh kích, các vụ chạm súng và các vụ nổ, mặc dù có thông báo về một lệnh ngừng bắn mới giữa quân đội và lực lượng bán quân sự, theo lời các nhân chứng nói với hãng tin AFP. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc báo động về nguy cơ thảm họa nhân đạo tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới này.

Tổng tư lệnh quân đội Sudan, tướng Abdel Fattah al-Burhan và lãnh đạo Lực lượng yểm trợ nhanh (FSR), Tướng Mohamed Hamdan Daglo, đã chấp nhận triển hạn lệnh ngừng bắn thêm 3 ngày, kể từ nửa đêm Chủ Nhật (30/4), qua trung gian của Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi. Nhưng lệnh hưu chiến mới vừa được thông báo đã lại bị vi phạm. Theo các chuyên gia, những lệnh ngừng bắn được ban hành cho tới nay thật ra chỉ là nhằm bảo đảm an toàn cho các hành lang di tản công dân ngoại quốc khỏi Sudan và để cho các cuộc đàm phán giữa hai phe, diễn ra ở ngoại quốc, có thể tiếp tục. Cho tới nay, hai viên tướng của hai phe tham chiến vẫn từ chối nói chuyện trực tiếp với nhau.

Hôm 30/4, Liên Hiệp Quốc nhận định: “ Tầm mức và tốc độ các diễn tiến ở Sudan là chưa từng có”. Trước tình hình này, Liên Hiệp Quốc đã quyết định phái đến khu vực Giám đốc đặc trách các vấn đề nhân đạo, ông Martin Griffiths. Theo hãng tin AFP, ông Griffiths cho biết phần lớn các kho dự trữ hàng cứu trợ nhân đạo ở Sudan đã cạn kiệt do các vụ cướp bóc, trong khi ngay cả vào lúc chiến tranh chưa nổ ra, một phần ba dân số của Sudan đã bị đói. Nguy cơ thảm họa nhân đạo buộc Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) thông báo dỡ bỏ ngay lập tức lệnh đình chỉ các hoạt động của tổ chức này tại Sudan, được ban hành sau cái chết của 3 nhân viên PAM.

Hôm 30/4, một máy bay của Ủy ban Hồng thập tự Quốc tế (CICR) đã có thể đáp xuống Port-Soudan, cách thủ đô Khartoum 850 cây số về phía Đông, với 8 tấn hàng cứu trợ, chỉ đủ để chữa trị cho 1.500 người bị thương.

 

Người Lao Động Nhật Bản Mơ Ước Gác Lại Công Việc Để Thư Giãn Sau Giờ Làm

-Ngắt kết nối với công việc sau giờ làm. Đó là ước mơ của người lao động Nhật Bản.

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 mang một ý nghĩa rất đặc biệt ở xứ hoa anh đào: Mỗi năm có từ 300 đến 400 người chết kiệt sức do ngày làm việc kéo dài, ít có thời gian thư giãn. Từ thủ đô Tokyo của Nhật Bản, thông tín viên Bruno Duval của Đài RFI gửi về bài phóng sự:

Ngày làm việc của những người Tokyo này không bao giờ kết thúc.

Họ dành trung bình 10 tiếng mỗi ngày trong cơ quan và sau đó, khi trở về nhà, họ được yêu cầu sẵn sàng trả lời điện thoại nếu đồng nghiệp gọi.

Một phụ nữ cho biết: “Tôi không có cuộc sống riêng tư. Hầu như tối nào đồng nghiệp cũng gọi điện cho tôi vì họ không tìm được tài liệu hoặc cần thông tin về hồ sơ này nọ”.

Một người đàn ông nói: “Ước mơ của tôi là có thể gạt công việc sang một bên khi về đến nhà, không phải nghĩ ngợi cho đến ngày hôm sau để đầu óc hoàn toàn thoải mái. Nhưng đó chỉ là một ước mơ”.

Một phụ nữ khác cho hay: “Tôi trả lời tin nhắn của thủ trưởng kể cả lúc tôi tắm cho con. Tôi không có sự lựa chọn nào khác”.

Không thể chịu đựng một nền văn hóa doanh nghiệp như vậy, một viên chức đã quyết định rời bỏ công việc tại một tập đoàn lớn của Nhật Bản. Anh hiện đang làm việc cho một công ty của Mỹ và hàng ngày cảm thấy hài lòng.

Anh nói: “Tôi làm việc tốt hơn nhiều kể từ khi không còn nghĩ về công việc vào các buổi tối và những ngày cuối tuần, vì vậy, tôi được thư giãn. Đồng thời, tôi làm việc hiệu quả hơn, sáng tạo hơn và tập trung hơn. Không có gì là bí mật cả, đơn giản là vì tôi bớt mệt mỏi căng thẳng”.

Nhưng đa số người Nhật không được hưởng đặc quyền đó, bởi việc tạm gác công việc sau giờ làm thường không được áp dụng ở các công ty cỡ trung và nhỏ, trong khi những doanh nghiệp loại này sử dụng hơn 70% số nhân công.

 

Hoạt Động Sản Xuất của Trung Quốc Suy Giảm, Gây Lo Ngại Về Sự Phục Hồi


(Hình: Hoạt động sản xuất ở các công xưởng Trung Quốc đang chậm lại.)

-Một cuộc khảo sát chính thức hôm 1/5/2023 cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm trong tháng Tư, tín hiệu cho thấy thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt để duy trì động lực phục hồi kinh tế của quốc gia này.

Theo cục thống kê chính phủ và một hiệp hội ngành chính thức, chỉ số quản lý thu mua (PMI) hàng tháng đã giảm từ 51,9 hồi tháng 3 xuống còn 49,2 trên thang 100 điểm mà trong đó mức điểm dưới 50 cho thấy hoạt động suy giảm.

Các chỉ số đo lường sản xuất, số đơn hàng mới và việc làm đã giảm so với tháng trước, Cục Thống kê Quốc gia và Liên đoàn Hậu cần & Mua hàng Trung Quốc cho biết. Nhưng họ cho biết chỉ số sản xuất vẫn trên 50 điểm, tức là vẫn có tăng trưởng.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã tăng tốc trong quý đầu tiên của năm nay sau khi kết thúc đột ngột các biện pháp kiểm soát chống virus. Nhưng các nhà chức trách cảnh báo rằng nước này có thể sẽ phải đối mặt với áp lực xuất-nhập cảng trong những tháng tới trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn và cảnh báo về nhu cầu thị trường nội địa không đủ ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Một chuyên viên thống kê cấp cao của cục là Triệu Thanh Hà hôm 30/4 nói rằng chỉ số quản lý thu mua sản xuất sụt giảm một phần là do nhu cầu thị trường yếu và chỉ số nền tương đối cao được ghi nhận trong quý đầu tiên khi nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.

Số liệu chính thức cũng cho thấy chỉ số đo lường các hoạt động thương mại phi sản xuất đã giảm từ 58,2 điểm trong tháng 3 xuống 56,4 điểm. Chỉ số PMI tổng hợp giảm từ 57 điểm hồi tháng trước xuống còn 54,4 điểm.

Đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức ‘khoảng 5%’, mục tiêu thận trọng vốn chỉ đạt được nếu GDP tăng nhanh hơn trong những tháng tới.

Chính phủ Trung Quốc trước đó cho biết họ sẽ thực hiện các chính sách khác nhau để ‘ổn định tăng trưởng’ và kích thích nhu cầu nội địa, cũng như giúp hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi.

 

Trung Quốc Đồng Ý Thảo Luận Về Quyền Đánh Bắt Cá ở Biển Đông Với Phi Luật Tân


 (Hình: Tuần duyên Phi Luật Tân đi về hướng về phía đảo Thị Tự ở Biển Đông hôm 21/4/2023.)

-Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. mới đây cho biết Bắc Kinh đã đồng ý thảo luận với Manila về quyền đánh bắt cá ở Biển Đông vào khi Phi Luật Tân tố cáo Hải cảnh Trung Quốc sử dụng các chiến thuật gây hấn với tàu tuần duyên của Phi Luật Tân gần đây.

Tổng thống Phi Luật Tân nói với báo giới trên chuyến bay đến Hoa Thịnh Ðốn rằng một đường dây giao tiếp trực tiếp cần phải được thiết lập.

Tổng thống Marcos Jr. nói rằng Bắc Kinh đã đồng ý ngồi xuống nói chuyện với Mania về quyền đánh bắt cá. Ông cũng đã yêu cầu tuần duyên Phi Luật Tân và Bộ Ngoại giao đưa ra một bản đồ về các ngư trường này.

“Ưu tiên chung là để bảo vệ chủ quyền trên biển của chúng ta” – Tổng thống Marcos Jr. nói với phóng viên.

Tuần duyên Phi Luật Tân hôm 23/4 cho biết hai tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã đi gần sát với hai tàu tuần duyên của Phi Luật Tân đến mức nguy hiểm trong khu vực Bãi Cỏ Mây do Phi Luật Tân kiểm soát ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó đã ra thông báo kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các hành động gây hấn và nguy hiểm, đồng thời cho biết Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các hành động này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. tại Hoa Thịnh Ðốn vào ngày 1/5. Trước chuyến thăm tới Mỹ, Tổng thống Phi Luật Tân cho biết ông sẽ thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ hơn với Mỹ trên nhiều lĩnh vực.

Trước chuyến thăm, vào tuần trước, Mỹ và Phi Luật Tân vừa hoàn tất một cuộc diễn tập chiến tranh chung lớn nhất từ trước tới nay. Không quân hai nước cũng sẽ có cuộc diễn tập chung vào ngày 1/5. Đây là cuộc diễn tập máy bay chiến đấu chung giữa hai nước đầu tiên tại Phi Luật Tân kể từ năm 1990 đến nay.


Tổng Thống Phi Luật Tân Sắp Tới Hoa Kỳ, Thúc Đẩy Quan Hệ Song Phương


(Hình: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (phải) gặp Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. vào ngày 22/9/2022 tại New York.)

-Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr nói rằng cuộc gặp của ông với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào ngày 1/5/2023 là điều cần thiết để thúc đẩy lợi ích quốc gia của đất nước ông và củng cố “liên minh rất quan trọng” giữa Manila và Hoa Thịnh Ðốn.

Trước khi lên đường thực hiện chuyến thăm chính thức kéo dài 4 ngày tới Hoa Thịnh Ðốn, ông Marcos cho biết hôm Chủ Nhật rằng ông sẽ chuyển tới ông Biden quyết tâm củng cố “mối quan hệ bền chặt hơn nữa” với Hoa Kỳ để “giải quyết các mối quan tâm của thời đại chúng ta”, bao gồm các vấn đề liên quan đến kinh tế.

“Trong chuyến thăm này, chúng tôi sẽ tái khẳng định cam kết thúc đẩy liên minh lâu đời của chúng tôi như một công cụ hòa bình và là chất xúc tác cho sự phát triển ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, cũng như đối với phần còn lại của thế giới”, ông Marcos, con trai của nhà lãnh đạo quá cố Ferdinand Marcos mà Hoa Thịnh Ðốn đã giúp trốn sang sống lưu vong ở Hawaii trong cuộc nổi dậy ‘sức mạnh nhân dân’ năm 1986.

Chuyến thăm chính thức của ông Marcos tới Hoa Thịnh Ðốn là chuyến công du đầu tiên của một Tổng thống Phi Luật Tân trong hơn 10 năm qua và là cuộc gặp mới nhất trong một loạt các cuộc gặp cấp cao mà Phi Luật Tân đã tổ chức với các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai bên vốn đang tranh giành lợi thế chiến lược trong khu vực.

Một viên chức cấp cao của chính quyền Biden nói với thông tấn xã Reuters rằng ông Biden và Marcos dự kiến sẽ đạt được các thỏa thuận về cam kết thương mại lớn hơn, cũng như “cải tiến quân sự” trong bối cảnh có những lo ngại chung về Trung Quốc.

Viên chức này cho biết rằng một phần trong các động thái thúc đẩy quan hệ thương mại là việc Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo sẽ dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp của Tổng thống tới Phi Luật Tân.

Trong khi Marcos đang tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, Manila ngày càng lo ngại về chính sách ngoại giao “khiêu khích” của Bắc Kinh và tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh, ông nói.

Các chuyên gia cho rằng Hoa Thịnh Ðốn coi Phi Luật Tân là một địa điểm tiềm năng để khai triển rocket, phi đạn và hệ thống pháo nhằm chống lại cuộc xâm lược đổ bộ của Trung Quốc vào Đài Loan, nơi Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Chuyến thăm Hoa Thịnh Ðốn của ông Marcos diễn ra sau khi Phi Luật Tân hôm thứ Sáu cáo buộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc thực hiện “các hành động nguy hiểm” và “chiến thuật gây hấn” ở Biển Đông. Cuộc đối đầu trên biển giữa hai nước xảy ra bất chấp chuyến thăm Manila vào cuối tuần này của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương.


Hàng Trăm Người Nam Dương Được Di Tản Khỏi Sudan Về Tới Jakarta


(Hình: Một chiếc máy bay của hãng hàng không quốc gia Garuda Nam Dương.)

-Bộ Ngoại giao Nam Dương cho biết rằng thêm 363 công dân Nam Dương được di tản khỏi Sudan đã về nước hôm Chủ Nhật trên chuyến bay thứ hai của hãng hàng không quốc gia Garuda Nam Dương.

Xung đột giữa quân đội Sudan và một nhóm bán quân sự có tên Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đã gây ra làn sóng di tản các nhà ngoại giao và công dân ngoại quốc của một số quốc gia bao gồm Nam Dương, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức và Anh.

Một nhóm người Nam Dương được di tản đầu tiên đã về nước hôm thứ Sáu (28/4/2023) tuần trước và tính đến hôm Chủ Nhật (30/4), tổng cộng 748 công dân đã được di tản khỏi Sudan.

“Không chỉ công dân Nam Dương, chính phủ Nam Dương cũng giúp di tản một số công dân ngoại quốc”, Bộ Ngoại giao Nam Dương cho biết trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, Bộ này không cung cấp chi tiết có bao nhiêu người ngoại quốc mà Nam Dương đã di tản.


Hoa Kỳ Lần Đầu Tiến Hành Di Tản Công Dân Khỏi Cuộc Xung Đột ở Sudan


 (Hình: Khói bốc lên trong giao tranh ở thủ đô Khartoum của Sudan giữa quân đội và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh.)

-Hàng trăm người Mỹ trốn chạy khỏi 2 tuần giao tranh đẫm máu ở Sudan đã đến cảng của quốc gia Đông Phi này hôm thứ Bảy (29/4/2023) trong cuộc di tản đầu tiên do Mỹ thực hiện, kết thúc hành trình nguy hiểm trên bộ dưới sự hộ tống của máy bay không người lái có vũ trang.

Các viên chức Mỹ cho biết máy bay không người lái của Mỹ, vốn đã theo dõi các tuyến đường di tản trên bộ trong nhiều ngày, đã giám sát từ trên không cho một đoàn xe buýt chở 200 đến 300 người Mỹ đi hơn 800 cây số tới cảng có tên gọi Port Sudan, một nơi tương đối an toàn, các viên chức Mỹ cho biết.

Hoa Kỳ, vốn không có viên chức nào có mặt tại hiện trường để tiến hành di tản, đã bị gia đình của những người Mỹ bị mắc kẹt ở Sudan chỉ trích vì ban đầu loại trừ bất kỳ hoạt động di tản nào do Hoa Kỳ thực hiện cho ước tính 16.000 người Mỹ ở Sudan muốn rời đi.

Lực lượng đặc nhiệm của quân đội Hoa Kỳ đã đến thủ đô Khartoum một cách chớp nhoáng vào ngày 22 tháng 4 để di tản các nhân viên Mỹ tại Tòa Ðại sứ và các nhân viên chính phủ Mỹ khác. Hơn một chục quốc gia khác đã tiến hành di tản công dân của họ, sử dụng kết hợp máy bay quân sự, tàu Hải quân và nhân viên tại thực địa.

Một nhóm các nhà hòa giải quốc tế gồm nhiều quốc gia - bao gồm các nước Phi Châu và Ả Rập, Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ - chỉ đạt được một loạt thỏa thuận ngừng bắn tạm thời mong manh, không thể ngăn chặn các cuộc đụng độ nhưng đủ tạo ra sự tạm lắng cho hàng chục ngàn người Sudan chạy đến các khu vực an toàn hơn và các quốc gia ngoại quốc phải di tản hàng ngàn công dân của họ bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển.

Kể từ khi cuộc xung đột giữa hai tướng lĩnh đối địch nổ ra vào ngày 15 tháng 4, Hoa Kỳ đã cảnh báo công dân của mình rằng họ cần tìm đường rời khỏi Sudan, và các viên chức Hoa Kỳ đã cố gắng liên kết người Mỹ với các nỗ lực di tản của các quốc gia khác. Nhưng điều đó đã thay đổi khi các viên chức Hoa Kỳ tận dụng thời gian giao tranh tạm lắng tương đối và từ xa đã tổ chức đoàn xe di tản cho người Mỹ, các viên chức cho biết.

Vì không có các chuyến bay di tản gần thủ đô mà các quốc gia khác đã cung cấp cho công dân của họ, nhiều người Mỹ đã phải thực hiện hành trình đường bộ nguy hiểm từ Khartoum đến cảng chính ở Biển Đỏ là Port Sudan. Một gia đình người Mỹ gốc Sudan thực hiện chuyến đi trước đó đã mô tả việc đi qua nhiều trạm kiểm soát do những người đàn ông có vũ trang kiểm soát và đi qua những thi thể nằm trên đường và xe của những gia đình khác trốn chạy xung đột đã bị giết trên đường đi.

 

Chính Quyền Mỹ Bán Ngân Hàng First Republic Cho Jpmorgan Chase


(Hình: Một chi nhánh của ngân hàng First Republic ở San Francisco.)

-Hôm 1/5/2023, Sở Bảo vệ và Đổi mới Tài chánh California cho biết họ đã đóng cửa ngân hàng First Republic và đồng ý về thỏa thuận bán tài sản của ngân hàng này cho JPMorgan Chase & Co và National Association, trong lần thứ ba một ngân hàng lớn của Mỹ sụp đổ trong vòng 2 tháng.

Ngân hàng JPMorgan là một trong một số những bên muốn mua vốn cũng bao gồm PNC Financial Services Group và Citizens Financial Group Inc. Hai tổ chức tài chánh này đã gửi giá thầu cuối cùng hôm 30/4 trong một cuộc đấu giá do các nhà quản lý tổ chức, các nguồn tin nắm rõ vấn đề cho biết hồi cuối tuần qua.

Thỏa thuận mua lại First Republic, vốn có tổng tài sản 229,1 tỉ Mỹ kim tính đến ngày 13/4, diễn ra chưa đầy 2 tháng, sau khi các ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ trong bối cảnh người gửi tiền rút tiền hàng loạt, buộc Cục Dự trữ Liên bang (FED) phải vào cuộc với các biện pháp khẩn cấp để ổn định thị trường. Những vụ sụp đổ ngân hàng này xảy ra sau khi Ngân hàng Silvergate vốn tập trung vào tiền ảo tự nguyện thanh lý.


Liên Hiệp Quốc Cáo Buộc Nga Vi Phạm Nhân Quyền Nghiêm Trọng ở Ukraine


(Hình: Các tân binh Nga lên xe hỏa ở một nhà ga ở Prudboi, thuộc vùng Volgograd ở Nga.)

-Một phái đoàn hùng hậu của Nga gồm 36 chuyên gia pháp lý và nhân quyền đã không thể thuyết phục một ủy ban giám sát của Liên Hiệp Quốc rằng chính phủ của họ đã tuân thủ Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc.

Nga là một trong sáu quốc gia thành viên của công ước này vốn đang được Ủy ban về Xóa bỏ Phân biệt Chủng tộc (CERD) gồm 18 thành viên đánh giá kết quả trong phiên họp mới nhất kéo dài ba tuần vốn kết thúc vào ngày 28/4/2023.

Ủy ban này, vốn giám sát việc thực hiện công ước của các quốc gia thành viên, bày tỏ quan ngại sâu sắc về ‘những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra giữa các lực lượng quân sự của Liên bang Nga và các công ty quân sự tư nhân đối với những người được công ước bảo vệ, nhất là người Ukraine’.

Mehrdad Payandeh, thành viên ủy ban, cho biết kể từ khi Nga phát độngxâm lược Ukraine vào ngày 24/2 năm 2022, ủy ban đã nhận được báo cáo về các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng bao gồm ‘các trường hợp sử dụng vũ lực quá mức, sát hại, hành quyết tập thể và hành quyết không có tiến trình pháp lý, mất tích một cách cưỡng ép, tra tấn, hãm hiếp và các hình thức bạo lực tình dục khác’ có thể quy cho một nhà nước.

Ủy ban cũng đã nhận được trình báo về việc cưỡng ép chuyển giao và trục xuất cư dân sang Liên bang Nga, nhất là trẻ em từ các vùng lãnh thổ ở Ukraine trên thực tế bị Nga chiếm đóng.

“Chúng tôi đã giải quyết những lo ngại này”, Payandeh nói. “Một lần nữa, Liên bang Nga không bình luận về những lo ngại này hay cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào”.

“Chúng tôi đã nêu lên quan ngại của mình trong nhận định kết luận và đề nghị quốc gia thành viên này điều tra và chấm dứt các hành động này bởi vì chúng vi phạm công ước”, ông nói.

Chính phủ Ukraine vào giữa tháng 4 cho biết có hơn 19.384 trẻ em đã bị trục xuất sang Nga và số phận của hàng ngàn trẻ em khác vẫn chưa biết rõ. Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền cho biết nhiều trẻ em đã được trao làm con nuôi cho các gia đình Nga.

Trước đó vào tháng 4, Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu (OSCE) đã mở một cuộc điều tra về việc cưỡng ép chuyển giao và trục xuất trẻ em sang Liên bang Nga từ các vùng của Ukraine do Nga kiểm soát.

Cơ quan này của Liên Hiệp Quốc cho biết họ cũng đã nhận được các báo cáo đáng lo ngại về kích động hận thù chủng tộc và tuyên truyền định kiến chủng tộc đối với sắc dân Ukraine và về việc động viên và gọi nhập ngũ cưỡng ép trong phạm vi Liên bang Nga và trên các vùng lãnh thổ khác do Nga kiểm soát trên thực tế. Payandeh lưu ý rằng những cách làm này ‘ảnh hưởng rất lớn đến các dân tộc thiểu số, bao gồm cả dân bản địa gốc’.

Ủy ban này cáo buộc Nga phá hủy và làm tổn hại di sản văn hóa của người Tatar ở bán đảo Crimea, áp đặt các hạn chế đối với các quyền chính trị và dân sự của người Tatar, cũng như quấy rối, đe dọa và xúi giục các vụ ám sát các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động, Luật sư và nhà báo.

Các thành viên ủy ban đang kêu gọi Liên bang Nga tiến hành các cuộc điều tra không thiên vị về tất cả các vi phạm nhân quyền được báo cáo trong kết luận cuối cùng. Họ cũng đang tìm cách chấm dứt việc động viên và gọi nhập ngũ cưỡng ép người Tatar và người bản địa ở Crimea và trong cuộc chiến đang diễn ra với Ukraine.

Nhận Định Thời Cuộc Tại Sao Ukraine Cố Tình Thông Báo Hoàn Tất Các Chuẩn Bị Phản Công?

(Đức Tâm)

-Bí mật và bất ngờ là hai trong số nhiều yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của một hoạt động quân sự. Thế nhưng, từ nhiều tháng nay, Ukraine thường xuyên công khai khẳng định đang hoàn tất các chuẩn bị và chiến dịch phản công sẽ được tiến hành trong nay mai.

Trả lời phỏng vấn báo Pháp Le Figaro, ngày 28/4/2023, chuyên gia Edouard Jolly, thuộc viện nghiên cứu chiến lược trường Quân sự (IRSEM), cho rằng, trong thời đại chiến tranh thông tin, đây là một cách để đánh lừa kẻ thù.

Ukraine đang phải tranh thủ thời gian. Các đợt thông tin như vậy tạo nhịp độ cho các hoạt động chuẩn bị, cho phép ban tham mưu tiếp tục quy tập các loại vũ khí, phương tiện cần thiết để lên kế hoạch cho một cuộc phản công thực sự. Cơ hội đối với Ukraine rất hiếm hoi, nếu lựa chọn chiến lược phản công trực tiếp, ồ ạt thì Ukraine không được phép thất bại.

Yếu tố bất ngờ

Có thể gây bất ngờ cho kẻ thù bằng hai cách: cách thứ nhất là giữ bí mật, im lặng, không cho kẻ thù biết ý định của mình. Cách thứ hai là liên tục thông tin, làm cho kẻ thù “quen” với mối đe dọa bị phản công và phải luôn luôn trong tình trạng báo động. Đây là cách mà Trung Quốc đang làm đối với Đài Loan, đối thủ khó có thể phân biệt báo động về một cuộc tấn công thật hay giả.

Thông Tin Tác Chiến /Thông Tin Chính Trị

Từ tháng ba đến nay, chính quyền Kyiv “phong tỏa” chặt chẽ mọi thông tin về diễn tiến các chiến dịch quân sự, và thường xuyên nói về việc chuẩn bị phản công.

Theo giới chuyên gia, cần phân biệt thông tin mang tính tác chiến và thông tin với mục đích chính trị. Tại Ukraine, hai bên đều chuẩn bị tinh thần là đối phương sẽ tấn công trong dịp Xuân-hè. Chính vì vậy, mỗi bên đều giảm bớt việc loan tải các thông tin mang tính chiến thuật, qua đó, hạn chế nguy cơ thông tin bị tiết lộ, ý đồ của họ không bị phanh phui và vị trí đóng quân không bị lộ. Mặt khác, từ khi Nga xâm lược Ukraine, hai bên liên tục áp dụng chính sách thông tin mang tính chính trị.

Thông Tin Đối Nội và Đối Ngoại

Đối với Ukraine, về mặt đối nội: Đó là làm cho người dân Ukraine biết được rằng quân đội tiếp tục chiến đấu, qua đó tạo hy vọng giành lại những vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.

Đối với bên ngoài, Ukraine muốn cho phương Tây thấy là rõ ràng họ đang chuẩn bị một cuộc phản công mang tính quyết định đối với kết cục cuộc chiến và việc chuyển giao vũ khí cho Kyiv trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Cần Chuẩn Bị Kỹ Cho Cuộc Phản Công

Cả hai bên đều mơ ước có thể tiến hành một cuộc phản công, nhưng gặp nhiều khó khăn do thiệt hại nặng nề về nhân mạng và vật chất và cả hai bên đều không muốn mạo hiểm gây thêm các tổn thất. Ukraine không thể có nguồn nhân lực vô tận, còn Nga khó có thể huy động thêm binh lính nếu chế độ không áp dụng các biện pháp cứng rắn.

Trong khi chờ đợi, Nga chỉ tiến quân một cách chậm rãi tại một số điểm trên chiến trường. Phía Ukraine áp dụng chiến lược tránh trực tiếp đối đầu để tập trung tấn công một số mục tiêu ở hậu phương của đối phương, như các cơ sở hậu cần, kho dầu, súng đạn…. Đây là chiến lược của kẻ yếu chống lại kẻ mạnh chiếm đóng, với mục đích ngăn cản đối phương chiến đấu.

Hiện nay, Nga đã củng cố chiến tuyến dài 800 cây số và nếu Ukraine tiến hành một cuộc tấn công trên quy mô lớn thì phải dàn trải quân trên một diện rộng.

Có một hệ quả khác của việc Ukraine chuẩn bị tấn công: một phần vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukaina có thể rơi vào tay quân Nga. Cho tới nay, quân đội Ukraine sử dụng chủ yếu các vũ khí có từ thời Liên Xô. Nếu có được một số vũ khí hạng nhẹ do phương Tây sản xuất, Nga sẽ đem dùng trong các cuộc xung đột vũ trang ở những nơi khác nhằm thao túng thông tin, ví dụ cáo buộc Ukraine chuyển giao vũ khí đến những nơi này.

Như vậy, Ukraine lại phải đối mặt với một thách thức bổ sung: Hạn chế để cho vũ khí rơi vào tay kẻ thù, càng ít càng tốt. Vì cho đến nay, đối với cả Nga và Ukraine, một phần ba số vũ khí bỏ lại trên chiến trường rơi vào tay kẻ thù.

 

Nội Chiến Sudan: “Cuộc Chiến Ủy Nhiệm” Nga Với Ai Cập?

(Trọng Thành)

-Cuộc chiến giành quyền lực giữa hai phe trong chính quyền quân sự Sudan, miền đông Phi Châu, bùng lên từ giữa tháng 4/2023, đang ngày càng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Liên Hiệp Quốc cảnh báo “quy mô và tốc độ các diễn biến là chưa từng có”. Hiện tại Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi đang nỗ lực bảo trợ một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên viễn cảnh xung đột là đầy bất trắc. Theo nhiều nhà quan sát, đứng sau hai bên xung đột là nhiều thế lực lớn.

Đằng Sau Hai Bên Đối Địch Là Các Thế Lực Nào?

Về chủ đề này, báo Đức DW có bài “Sudan, đấu trường của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm’‘. Đứng hàng đầu trong các thế lực đằng sau là Ai Cập và Nga. Chính quyền quân sự Ai Cập công khai ủng hộ phe Quân đội Sudan, với lãnh đạo là tướng Abdel Fattah al-Burhane. Báo Đức dẫn lời chuyên gia Roland Marchal (chuyên về nội chiến ở Phi Châu, Học viện Sciences Po, Paris), cho biết hiện Ai Cập là nước can dự mạnh nhất về mặt ngoại giao và quân sự.

Theo chuyên gia Roland Marchal, “đã có bằng chứng nhiều binh sĩ Ai Cập bị bắt tại phi trường Meroe. Nhiều máy bay Ai Cập đã bị phá hủy tại chính căn cứ này. Có một số nhân chứng cho biết ít nhất một phi cơ quân sự Ai Cập đã tham gia không kích một căn cứ của Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) (tức phe đối địch) gần phi trường của cảng Sudan”. Chủ tịch Hiệp hội Diễn đàn Sudan và Nam Sudan, Marina Peter, cũng nhấn mạnh đến lập trường kiên quyết của Ai Cập ủng hộ phe Quân đội là do Ai Cập muốn một chế độ ở Sudan tương tự như ở Ai Cập, do các tướng lĩnh chỉ huy.

Trong khi đó phe của Lực lượng Phản ứng Nhanh bán vũ trang, dưới sự chỉ huy của tướng Mohamed Hamdane Daglo, biệt danh “Hemedti”, có được sự ủng hộ của các nước láng giềng như Erythee, Etiopia, Yemen, cũng như Libya, Tchad và Nga. Quan hệ giữa phe của tướng Hemedti với Nga là rất phức tạp.

Nga Tuyên Bố “Trung Lập”, Chiến Tranh “Bất Lợi” Với Mạc Tư Khoa

Theo chuyên gia Roland Marchal, Nga và một số các quốc gia khác trong khu vực như Ả Rập Saudi hay Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cho dù có quan điểm nghiêng về một bên, nhưng trong hiện tại đang thể hiện lập trường “trung lập” trong xung đột này.

Theo một số chuyên gia, cuộc chiến tranh giữa các tướng lĩnh nói trên là “một kịch bản không mấy có lợi cho Nga”. Đài Pháp France Info dẫn lời chuyên gia Igor Delanoe, Đài Quan Sát Pháp-Nga, một trung tâm nghiên cứu chính trị có trụ sở tại Mạc Tư Khoa, khẳng định Nga đang có một dự án khai triển căn cứ quân sự tại Sudan, tình trạng bất ổn chính trị tại đây bất lợi cho Mạc Tư Khoa.

Tập đoàn quân sự cầm quyền tại Sudan, trước khi xung đột bùng phát, đã là một đồng minh trung thành của Mạc Tư Khoa, khi triệt để chống lại các Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lăng Ukraine. Từ khi xung đột giữa hai phe bùng lên tại Sudan, Mạc Tư Khoa đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn.

Tuy nhiên, đối với Le Figaro, tình hình phức tạp hơn nhiều. “Về mặt chính thức”, Nga tỏ ra đứng giữa hai phe, tránh chọn bên, tránh nguy cơ có thể “đánh mất hoàn toàn” đồng minh Phi Châu này, nhưng tuy nhiên, chuyên gia Anne-Laure Mahé, Trường London School of Economics, Anh Quốc, nêu bật ảnh hưởng lớn công ty bán quân sự Nga Wagner tại Sudan. Mà Wagner có liên hệ mật thiết với phe của tướng Hemedti.

Mỏ vàng Darfour: Nguồn lợi của Nga, địa bàn của phe Hemeti

Khai thác vàng tại Sudan là một hoạt động chủ yếu của công ty này, theo chuyên gia Raphaëlle Chevrillon, Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp (IRD). Vàng được khai thác tại Darfur, một vùng đất hoang sơ, nguy hiểm, rất ít nhà đầu tư dám mạo hiểm. Mà theo một người hiểu rõ về khu vực này, được Le Figaro dẫn lời, tỉnh Darfur chính là địa bàn hoạt động của Lực lượng Bán vũ trang Phản ứng Nhanh (RSF) của tướng Hemedti. Đây chính là lý do khiến công ty bán quân sự Nga và đối thủ của Quân đội Sudan tìm đến với nhau.

Kể từ năm 2017, quan hệ hai bên được siết chặt. Có khả năng Wagner đã kiếm được hàng trăm triệu Mỹ kim để chi cho cuộc chiến tại Ukraine. Đổi lại, có khả năng Wagner đã cung cấp vũ khí và nhiều huấn luyện đặc biệt cho binh sĩ của Lực lượng Phản ứng Nhanh của tướng Hemedti. Theo Le Figaro, trong hiện tại, quan hệ giữa công ty Wagner và phe của tướng Hemedti đã quá mật thiết, rất khó dứt ra.

“Phi Đạn Vác Vai”, Tuyên Bố Đánh Ukraine của Putin ….

Hai báo New York Times và Washington Post, dẫn lại thông tin tình báo Mỹ, đã ghi nhận có nhiều chuyến bay mới đây giữa các căn cứ của Wagner ở Libya và các căn cứ của phe tướng Hemedti. Rất có thể là để cung cấp vũ khí cho phe này, đặc biệt trong đó phải kể đến phi đạn phòng không vác vai. Đây là một vũ khí rất quan trọng với Lực lượng Phản ứng Nhanh, bởi lực lượng này gần như không có phương tiện để chống lại các phi cơ của Quân đội Sudan.

Cùng hướng với Le Figaro, báo Mỹ Slate dẫn lời một chuyên gia về các tổ chức quân sự tư nhân, đại tá Peer de Jong, khẳng định “người Nga đứng sau tướng Hemedti”, chỉ huy Lực lượng Phản ứng Nhanh. Trang mạng Hoa Kỳ Slate chú ý đến quan hệ mật thiết giữa tướng Hemedti và Mạc Tư Khoa, đặc biệt với việc chỉ một ngày trước khi bắt đầu cuộc xâm lăng Ukraine cuối tháng 2 năm 2022, viên tướng này đã đến Mạc Tư Khoa. Tướng Hemedti có mặt đúng vào lúc Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở màn chiến dịch quân sự chống Ukraine.

Nga Liên Tục Chống Lưng Các Chế Độ Độc Tài ở Sudan

Về vấn đề này, Slate có bài tóm lược tình hình, cho thấy Nga đã có chiến lược gây ảnh hưởng và tiến tới bám trụ tại Sudan liên tục từ gần 20 năm nay. Chính sách nhất quán của Nga là ủng hộ mạnh mẽ các chế độ độc tài ở Sudan để chiếm lĩnh được vị trí chiến lược về Hải quân của cảng Port-Sudan, nằm bên bờ Biển Đỏ, cũng như có được một cánh cửa để thâm nhập vào lục địa Phi Châu, bên cạnh mối lợi đáng kể khác, nguồn tài nguyên vàng đứng thứ ba châu lục ở Sudan.

Năm 2005, tức hai năm kể từ khi bùng phát cuộc nổi dậy Darfour, khiến khoảng 300.000 người chết, Mạc Tư Khoa đã vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, là bên duy nhất cung cấp vũ khí cho chế độ độc tài tại Sudan. Tổng thống Sudan vào thời điểm đó, cựu sĩ quan nhảy dù Omar el-Bechir, đã được Mạc Tư Khoa bảo trợ, bất chấp lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế năm 2009. Nhờ hậu thuẫn của Nga, chế độ độc tài của Omar el-Bechir tồn tại bất chấp cấm vận quốc tế, và khi 80% ngân sách quốc gia được chi cho quân sự.

Năm 2017, Nga và Sudan ký thỏa thuận xây dựng một căn cứ Hải quân Nga ở cảng Port-Sudan. Tuy nhiên, năm 2019, sau 29 năm cầm quyền, nhà độc tài Omar el-Bechir bị một phong trào nổi dậy đòi dân chủ lật đổ. Một chính quyền chuyển tiếp được lập ra vào tháng 8/2020. Thỏa thuận về xây dựng cảng Hải quân bị đình chỉ. Song, chỉ hơn một năm sau, một cuộc đảo chính quân sự đã đưa Abdel Fattah al-Burhan và Hemedti, hai tướng lĩnh đang đối địch hiện nay, lên cầm quyền. Một tháng sau cuộc đảo chính, dự án xây dựng cảng Hải quân Nga đã được nối lại.

 

Pháp: Tiếp Tục Biểu Tình Chống Cải Tổ Hưu Trí Nhân Ngày Quốc Tế Lao Động (Thanh Phương )

-Tại Pháp, các công đoàn hy vọng sẽ huy động được đến 1,5 triệu người biểu tình trên toàn quốc hôm 1/5/2023, nhân Ngày Quốc tế Lao động, để chứng minh là cuộc đấu tranh chống cải tổ hưu trí vẫn tiếp diễn, cho dù giới công đoàn vẫn chưa thống nhất ý kiến về chiến lược tiếp theo của phong trào.

Các công đoàn khẳng định ngày 1 tháng 5 năm nay sẽ là một ngày “lịch sử” và “mang tính lễ hội”. Nhưng nhà chức trách Pháp dự báo tổng số người xuống đường hôm nay sẽ chỉ là khoảng từ 500.000 đến 650.000 người, trong đó có từ 80.000 đến 100.000 người ở Paris.

Tại thủ đô Pháp, đoàn biểu tình xuất phát lúc 2 giờ trưa từ quảng trường République để tuần hành đến quảng trường Nation, với sự tham gia của các đại diện công đoàn nhiều nước trên thế giới.

Từ quảng trường République (Cộng hòa), đặc phái viên Chi Phương của ban Việt ngữ Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) gởi về đài bài tường trình:

Tại quảng trường Cộng hòa, nhiều sạp hàng ăn được mở ra, bố trí cả ghế ngồi, ngay cạnh những sạp hàng bán hoa chuông (muguet), trong tiếng nhạc phát ra từ loa thùng, được đặt trên những chiếc xe bán tải.

 Xung quanh khu vực quảng trường và đại lộ Voltaire, cờ và băng rôn của các hiệp hội hoặc công đoàn trong các ngành khác nhau đã được treo lên từ sớm. Bà Evelyne cùng những người thuộc hiệp hội Attac đã có mặt tại đại lộ Voltaire từ 10 giờ sáng. Bằng những bìa carton, bà cùng 2 người khác hóa trang thành cận vệ của Hoàng đế La Mã, vốn là những người bảo vệ hoàng đế vào thời kỳ cuối cùng của đế quốc. Bà cho biết “đây là thông điệp để nói về một nước Pháp đang trên đường đi đến sụp đổ”. Không chỉ phản đối cải cách hưu trí, bà cùng Hiệp hội Attac có mặt tại đây để đòi công bằng xã hội, tăng lương và nhất là công bằng về thuế, tức là đánh thuế những người giàu.

Nicolas và Jean-Luc đã đến Paris từ 7 giờ sáng hôm nay, từ vùng Alsace, miền Đông-Bắc Pháp, sau một đêm trên xe buýt. Có mặt tại hầu hết các cuộc biểu tình phản đối cải cách hưu trí, Nicolas cho biết trên thực tế ông đã tham gia đấu tranh từ 5 năm qua, từ hồi phong trào Áo Vàng, đòi quyền lợi cho giới lao động.

Khoảng 12 giờ, đại diện của liên đoàn đã có mặt, đứng ở đầu đoàn tuần hành, phía đại lộ Voltaire. Cũng như các cuộc biểu tình khác, lực lượng an ninh được tăng cường, kiểm tra đột xuất túi xách của một số người biểu tình, nhưng đây là lần đầu tiên drone được khai triển để giám sát cuộc tuần hành.

Theo nguồn tin cảnh sát được hãng tin AFP trích dẫn, tham gia biểu tình hôm nay còn có từ 1.500 đến 3.000 người “Áo Vàng” và từ 1.000 đến 2.000 phần tử “nguy cơ cao”. Nhà chức trách Pháp phải huy động đến 12.000 cảnh sát và hiến binh để bảo đảm an ninh, trong đó ở Paris là 5.000.

Về tình hình đình công, các phương tiện chuyên chở công cộng hôm nay không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng về giao thông hàng không thì có từ 25% đến 30% số chuyến bay bị hủy tại các phi trường lớn của Pháp. Riêng phi trường Orly thì tình hình rối loạn sẽ kéo dài đến ngày mai.

Đây là cuộc biểu tình thứ 13 theo lời kêu gọi của các công đoàn để đòi chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron rút lại luật cải tổ hưu trí. Cuộc biểu tình hôm nay diễn ra mặc dù Hội đồng Bảo Hiến đã thông qua nội dung chủ yếu của luật và văn bản này đã được Tổng thống ký ban hành.

Với hy vọng phong trào rồi sẽ lắng dịu, Thủ tướng Elisabeth Borne sẽ gởi lời mời đến các công đoàn vào tuần tới để thảo luận với họ, theo tin của văn phòng Thủ tướng. Trước thông tin này, các công đoàn bắt đầu thể hiện sự bất đồng với nhau. Hôm qua, lãnh đạo của công đoàn CFDT Laurent Berger cho biết là công đoàn của ông sẽ thảo luận với Thủ tướng Borne nếu được mời, trong khi đó lãnh đạo của công đoàn CGT thì nhắc lại là đến sáng 2/5, các công đoàn mới ra một quyết định chung.


Tổng Thống Mỹ và Thủ Tướng Ấn Độ Sắp Gặp Lãnh Đạo Các Đảo Quốc ở Thái Bình Dương


(Hình: Thủ tướng Papua New Guinea, ông James Marape.)

-Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cho biết rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ cùng các nhà lãnh đạo các đảo quốc ở Thái Bình Dương tham gia một cuộc họp “mang tính lịch sử” hướng tới tương lai.

Ông Marape nói trong một tuyên bố: “Đây là cuộc gặp đầu tiên mang tính lịch sử và đồng thời là cuộc họp ‘hướng tới’ tương lai của các siêu cường toàn cầu, tại quốc gia lớn nhất ở Thái Bình Dương”.

Chặng dừng chân ngày 22 tháng 5 của ông Biden tại thủ đô Port Moresby sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm tới quốc gia giàu tài nguyên với 9,4 triệu dân nhưng vẫn còn chưa phát triển, nằm ở phía Bắc Úc Ðại Lợi.

Papua New Guinea (PNG) đang được Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh của họ ve vãn trong khi ông Marape tìm cách thúc đẩy ngoại quốc đầu tư. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm quốc gia này vào năm 2018.

Hoa Thịnh Ðốn đã tăng cường nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực sau khi Trung Quốc ký Hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon vào năm 2022. Trung Quốc đã thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận an ninh và thương mại rộng lớn hơn với 10 quốc đảo Thái Bình Dương.

Trung Quốc và Úc Ðại Lợi là các nước tài trợ cơ sở hạ tầng và viện trợ lớn.

Papua New Guinea đang đàm phán các Hiệp ước an ninh với Hoa Kỳ và Úc Ðại Lợi, và ông Marape đã được mời đến thăm Bắc Kinh trong năm nay.

18 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương bao phủ 30 triệu cây số vuông đại dương. Các nhà lãnh đạo khu vực nói rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh lớn nhất của họ, trong bối cảnh các cơn lốc xoáy ngày càng tồi tệ và mực nước biển dâng cao.

Ông Modi và Biden sẽ dừng chân ở Papua New Guinea trên đường tới Úc Ðại Lợi để tham dự hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ vào ngày 24 tháng 5, bao gồm cả Nhật Bản và Úc Ðại Lợi.

Ông Marape cho biết ông đã mời ông Biden khi họ gặp nhau ở Hoa Thịnh Ðốn vào năm 2022 và “rất vinh dự vì ông ấy đã thực hiện lời hứa với tôi là đến thăm đất nước chúng tôi”.


Bộ Trưởng An Ninh Nội Địa Mỹ Cam Kết Giải Quyết Nhanh Các Di Dân Không Giấy Tờ



(Hình: Bộ trưởng An ninh Nội đia Mỹ Alejandro Mayorkas.)

-Hôm 30/4/2023, người đứng đầu Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cam kết vận dụng luật nhập cư hiện hành để giải quyết hàng ngàn người di cư dự đoán sẽ vượt biên ở biên giới Tây-Nam với Mễ Tây Cơ bắt đầu từ ngày 12/5.

Ngày 12/5 là thời hạn chính quyền của Tổng thống Joe Biden chấm dứt áp dụng luật về đại dịch virus corona mà trong đó cho phép trục xuất ngay những di dân đến Mỹ không có giấy tờ vì lý do y tế.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas phát biểu trên chương trình ‘Meet the Press’ của đài NBC rằng khi các gia đình di dân đến cửa khẩu, họ ‘sẽ được xúc tiến trình tự thực thi luật nhập cư, trình tự trục xuất. Nếu họ có đơn xin miễn trục xuất, chúng tôi sẽ nhanh chóng phân xử đơn xin đó’.

Ông cho biết cơ quan ông sẽ quyết định các trường hợp di dân tìm cách ở lại Mỹ ‘trong vài ngày hay vài tuần. Sẽ không mất hàng tháng trời’, và các trường hợp này sẽ được các viên chức di dân phân xử trước 2 triệu đơn nhập cư tồn đọng hiện đang chờ được giải quyết ở Mỹ.

Ông Mayorkas nói nếu trẻ em không có người lớn đi kèm đến biên giới, ‘Chúng tôi sẽ tuân theo pháp luật và pháp luật quy định rằng chúng tôi có quyền giam giữ đứa trẻ đó và chúng tôi có 72 tiếng đồng hồ để chuyển đứa trẻ đó, đứa trẻ không có người lớn đi kèm đó, qua Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh’.

“Việc này là để cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh... xác định người thân hay người bảo trợ ở Mỹ để họ bàn giao việc chăm sóc đứa trẻ”, ông Mayorkas nói. “Theo quy định của luật pháp, chúng tôi có thể cứu giúp nhân đạo những đứa trẻ này và chúng tôi đang thực thi điều luật đó”.

Hơn 2,4 triệu di dân đã đến biên giới với Mỹ trong năm 2022, nhiều người trong số họ đến từ các quốc Trung Mỹ, nhưng cũng có người đến từ các nước Caribe, Phi Châu, Ukraine và các nơi khác. Nhiều người đã bị đuổi về, trong khi những người khác đã trốn vào trong nước Mỹ hoặc được xác định ngày ra tòa án di dân nhiều tháng hay nhiều năm sau đó và được thả ra trong nước Mỹ.

Ông Mayorkas cho thấy quy mô của vấn đề di dân mà nước Mỹ phải đối mặt khi các di dân, nhiều người tìm cách thoát nghèo và đàn áp chính trị ở trên đất nước của họ, cố gắng chạy đến quốc gia giàu có nhất thế giới để có cuộc sống tốt hơn.

“Đây là thách thức thực sự khó khăn và như tất cả chúng ta đều nhận ra, nó diễn ra trong nhiều năm”, ông Mayorkas nói.

“Chúng ta đang chứng kiến mức độ di cư không chỉ ở biên giới phía Nam của chúng ta, mà trên khắp Tây bán cầu, đó là điều chưa từng thấy”.

“Tôi nghĩ đây là cuộc di cư lớn nhất ở bán cầu của chúng ta kể từ Đệ nhị Thế chiến”, ông nói thêm.

“Cách làm của chúng tôi là xây dựng các con đường hợp pháp, loại bỏ những kẻ buôn người tàn nhẫn, đem đến các con đường hợp pháp để mọi người có thể được cứu trợ nhân đạo mà không phải thực hiện hành trình nguy hiểm ra đi từ đất nước của họ”, ông Mayorkas nói. “Và đồng thời, nếu họ đến biên giới phía Nam giữa các cửa khẩu, họ sẽ hứng chịu hậu quả”.

Nhưng ông cũng thừa nhận ‘hệ thống nhập cư vỡ nát’ ở Mỹ, với việc Quốc hội trong hàng chục năm đã không thể cải cách luật nhập cư.

“Tôi chỉ muốn nói rõ rằng chúng tôi đang làm việc với rất nhiều hạn chế”, ông nói. “Chúng tôi cần nhân lực, chúng tôi cần kỹ thuật, chúng tôi cần cơ sở vật chất, chúng tôi cần nguồn lực để vận chuyển, tất cả các yếu tố để giải quyết nhu cầu của một lượng lớn di dân đến biên giới phía Nam một cách bất thường”.

 

Thượng Đỉnh Biden-Marcos Sẽ Đánh Dấu Một Bước Ngoặt Mới Trong Quan Hệ Mỹ-Phi Luật Tân?

(Trọng Nghĩa)

*

-Ông Ferdinand Marcos Jr. sẽ là Tổng thống Phi Luật Tân đầu tiên được Tổng thống Mỹ tiếp đón tại Tòa Bạch Ốc từ hơn 10 năm nay. Theo giới quan sát, vấn đề củng cố thêm quan hệ quốc phòng đã có từ lâu đời giữa Hoa Thịnh Ðốn và Manila được cho là sẽ nổi bật trong chương trình nghị sự hôm nay, 1/5/2023, của hai lãnh đạo, với việc Phi Luật Tân ngày càng quan ngại trước các vi lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trước khi lên đường công du Hoa Kỳ, Tổng thống Phi Luật Tân đã khẳng định quyết tâm siết chặt thêm quan hệ với Mỹ về mọi mặt nhằm thúc đẩy các “lợi ích cốt lõi” của nước ông. Một trong những lợi ích đó là làm sao bảo vệ được các vùng lãnh thổ của mình tại Biển Đông hiện đang bị Trung Quốc đòi chủ quyền và đe dọa. Trên vấn đề này Phi Luật Tân hiện đang có một Hiệp ước gọi là phòng thủ chung ký kết với Mỹ từ năm 1951. Theo nhận xét của tờ báo Nhật Bản The Japan Times ngày 28/4, nhân chuyến công du Hoa Kỳ khởi sự từ hôm nay (1/5), Tổng thống Marcos sẽ yêu cầu phía Mỹ làm rõ hơn về các điều kiện kích hoạt điều 4 của Hiệp ước, theo đó Mỹ sẽ ngay lập tức giúp đỡ Phi Luật Tân trong trường hợp bị tấn công.

Trước ngày Tổng thống Marcos đến Mỹ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tranh thủ vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc gây nguy hiểm cho tàu tuần tra Phi Luật Tân ở vùng quần đảo Trường Sa để nhắc lại rằng mọi cuộc tấn công vào tàu thuyền và máy bay công vụ của Phi Luật Tân – kể cả tại Biển Đông – đều nằm trong phạm vi các hành động bị Mỹ đáp trả theo tinh thần Hiệp ước phong thủ chung năm 1951.

Theo Japan Times, chính các hành động lấn lướt liên tiếp của Trung Quốc nhắm vào Phi Luật Tân ở Biển Đông, kèm theo những tín hiệu cảnh cáo Manila về việc cho Mỹ quyền sử dụng thêm nhiều căn cứ quân sự tại Phi Luật Tân đã khiến Tổng thống Marcos yêu cầu đồng minh làm rõ hơn về các tình huống, mà theo đó Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh lâu năm của mình.

Theo ông Kei Koga, phó Giáo sư tại Đại học Kỹ thuật Nanyang của Tân Gia Ba, ông Marcos muốn nhận được sự trấn an chính trị từ phía Biden, theo đó Hoa Kỳ cam kết bảo đảm ổn định ở Biển Đông và bảo vệ Phi Luật Tân khi bị các tác nhân bên ngoài quấy rối hoặc tấn công.

Còn theo chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Hoa Thịnh Ðốn, Tổng thống Marcos muốn duy trì quan hệ ổn định với Bắc Kinh càng nhiều càng tốt, nhưng dường như đã đi đến kết luận rằng ông không thể hy sinh chủ quyền của Phi Luật Tân. Theo ông Poling, chừng nào Bắc Kinh còn “tiếp tục các hành vi bức hiếp ở Biển Đông, thì một liên minh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ là biện pháp ngăn chặn tốt nhất đối với Phi Luật Tân”.

Về phần ông Zachary Abuza, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Chiến Tranh Hoa Kỳ, việc ông Marcos cần Mỹ làm rõ hơn về các cam kết quốc phòng của mình có nghĩa là hai bên có thể là chưa hoàn toàn nhất trí với nhau: Manila vẫn muốn mọi điều dẫn đến việc kích hoạt Hiệp ước Phòng Thủ Chung được xác định rõ ràng, trong khi Hoa Kỳ muốn có nhiều khoảng trống hơn (để dễ dàng hành động)..

Theo chuyên gia này, Hoa Thịnh Ðốn cũng không hài lòng với lập trường của Manila, theo đó các căn cứ Phi Luật Tân mà Mỹ được quyền sử dụng sẽ không được dùng vào việc dự trữ đạn dược hoặc thiết bị cần thiết trong trường hợp Đài Loan gặp biến cố.

Dẫu sao thì riêng việc các vấn đề cụ thể trên đây được đưa ra thảo luận đã là bằng chứng cho thấy là quan hệ Mỹ-Phi Luật Tân đã được cải thiện đáng kể từ ngày Tổng thống Marcos Jr. lên thay thế ông Duterte, điều mà ít ai dám nghĩ tới khi ông Marcos mới nhậm chức. Thượng đỉnh Biden-Marcos có thể được coi là sự kiện đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ-Phi Luật Tân theo chiều hướng mật thiết hơn.

Không có nhận xét nào: