“Mẹ ơi thôi đừng khóc nữa
Cho lòng già nặng sầu thương
Con đi say tình viễn xứ
Đâu có quên tình cố hương”
(Lá Thư Gửi Mẹ - thơ Thái Thủy, nhạc Nguyễn Hiền)
Từ nghìn xưa cho tới nay, từ Đông sang Tây… hình bóng người mẹ vô cùng cao quý, thiêng liêng, sự hy sinh vô bờ bến trong tình mẫu tử, với trái tim đầy nhân ái, với tâm hồn cao cả đã in sâu trong lòng người con từ lúc sinh ra cho đến khi lìa đời. Hình bóng đó đã được thể hiện qua thơ, văn, nhạc và trong nhiều lãnh vực khác… không thể nào liệt kê hết trong bao nhiêu tác phẩm của nhân loại.
Sống trên xứ người, mỗi năm vào dịp Mother’s Day (Ngày Hiền Mẫu) cũng là ngày đáng quý để nhắc nhở đến bậc sinh thành đã “mang nặng đẻ đau” nuôi nấng, dạy dỗ cho con nên người. (Ở Mỹ, ngoài hai ngày Mother’s Day (Ngày Hiền Mẫu) vào Chủ Nhật, tuần lễ thứ hai của tháng 5 và Father’s Day (Ngày Hiền Phụ) vào Chủ Nhật, tuần lễ thứ ba của tháng 6. Ngoài ta có Grandparent’s Day (Ngày Ông Bà). Ngày 6/9/1979 Tổng Thống Jimmy Carter chỉ định Chủ Nhật 9/9/1979 (Chủ Nhật đầu tiên của tháng 9 là Ngày Ông Bà). Với thế hệ thứ hai của chúng ta chỉ nhớ hai ngày trên (Mother and Father’s Day) nhưng với thế hệ thứ ba thì chẳng biết gì về Grandparent’s Day.
Trải qua thời kỳ chiến tranh và giai đoạn phải gánh chịu khó khăn, khổ cực … gia đình tôi may mắn cũng được hưởng chữ “thọ” nên khi các chị mất, con cái đã trưởng thành… trọn tình hiếu nghĩa khi tang lễ, lo mồ yên mả đẹp.
Mẹ tôi mất năm 1990, hưởng đại thọ 90 tuổi. Gần ba thập niên sau, chị Hai (chị Cả) mất năm 2017, hưởng đại thọ 92 tuổi. Chị Bảy (người chị kế) mất năm 2018, hưởng thọ 78 tuổi). Chị Sáu vừa mất ngày 14/1/2023, hưởng đại thọ 87 tuổi).
Nay chỉ còn chị Bốn đã 94 tuổi ở Hội An và chị dâu (vợ anh Năm) đã 90 tuổi, ở Đà Nẵng. (Trong gia đình thường gọi ngôi thứ các anh chị em).
Với các cháu nội, ngoại đã một thời sống gần gũi với bà đã in đậm hình ảnh cao quý với bao đức tính cao cả nên sau nầy nói rằng mẹ các cháu (kể cả người chị dâu) là bản saoy hệt. Và, với truyền thống của người Việt từ thời xa xưa, hầu như con gái là bản sao chân dung của người mẹ. Qua thơ, văn, nhạc… với hình ảnh đó được đề cập rất nhiều.
Vẫn vào thời điểm nầy, năm 2020 Viết Về Mẹ Nhân Ngày Hiền Mẫu của tôi trích dẫn qua các nhạc phẩm tiêu biểu đã gắn liền theo tháng năm:
Blog Thanh Thúy
Tống Phước Hiệp
Thời học sinh nơi phố cổ Hội An, tôi đã đọc tập truyện Quê Mẹ của nhà văn Thanh Tịnh (trong tập truyện nầy có truyện ngắn Quê Mẹ và Tôi Đi Học) với Lời Tựa của Thạch Lan. Tập truyện Nhà Mẹ Lê của nhà văn Thạch Lam, ấn hành vào thời tiền chiến. Lòng Mẹ và Tôi Là Mẹ của nhà văn Lê Văn Trương… Những hình ảnh đó đã gợi lòng thương cảm trong tâm hồn tuổi thơ, vô cùng cảm động.
Nhà văn Mỹ Zora Neale Hurston vào đầu thế kỷ XX đã nói: “Mẹ là người luôn khuyến khích những đứa con của mình hãy bay thật xa. Có thể chúng ta không thành công, nhưng ít nhất bà đã khiến chúng ta nhấc đôi chân của mình lên khỏi mặt đất”. Bà là văn cũa Mỹ nhưng tâm hồn giống như những bà mẹ Việt Nam, không muốn rời nơi chốn, cố hương nhưng mong muốn “những đứa con của mình hãy bay thật xa” để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Từ hồi còn học sinh, “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” cũng nghịch ngợm, phá phách… nghe nói, có người “méc” cho biết nhưng với tấm lòng bao dung, độ lượng nên không bị quở trách mà còn cho rằng những đứa trẻ nầy lớn lên thường có hiếu. Khi dấn thân vào quân ngũ, nay đây mai đó, không có dịp sống gần gũi với mẹ, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ. Đúng vậy, nhà văn Pháp Balzac đã nói “Trái tim mẹ là vực sâu muôn trượng mà ở dưới đó bạn sẽ luôn tìm thấy sự tha thứ”. Chân dung người mẹ là biểu tượng cao quý của sự hy sinh cao cả và lòng bao dung vô bờ bến.
Như đã đề cập trước đây, sau tháng Tư năm 1975, tôi ở trong lao tù, mẹ ở nơi xa xôi, không được gặp nhau lần nào, có lẽ mẹ tôi đã khóc rất nhiều cho đứa con trong hoàn cảnh nghiệt ngã! Trong giây phút lâm chung, mẹ tôi mê mang, các anh chị bên cạnh, không có tôi, sức mạnh vô hình thiêng liêng phù hộ mẹ tôi mở mắt và nói “Nó đi Mỹ chưa?”. Anh chị đành nói dối “Nó đi rồi”, mẹ tôi nhắm mắt, yên tâm vĩnh biệt trần gian! Khi tôi về phục tang trước khi đi Mỹ, nghe những lời cuối cùng, nước mắt lưng tròng! Đây là điều bất hạnh và ân hận trong cuộc đời. Với người mẹ, không nghĩ đến sự sống, chết của bản thân mà suốt đời chỉ quan tâm đến con cái.
Còn tôi, trong tháng ngày đen tối, không có điều kiện để báo hiếu công ơn dưỡng dục với bậc sinh thành. Không có cái tội nào dày vò canh cánh trong lòng bằng cái tội nghèo cho bản thân và với những người thân! Trong hoàn cảnh đó, chỉ mong có cơ hội “cất cánh bay xa” mong có dịp đến đáp. Nhưng rồi… chỉ còn trong tâm tưởng với hình bóng cao quý nơi cõi thiên thu!
Với hàng trăm, hàng nghìn câu nói, danh ngôn về người mẹ, nếu chọn lọc và gom lại mới thể hiện được chân dung người mẹ.
Cảm ơn đất nước Hoa Kỳ với Mother’s Day, nhân đây mới có cơ hội để viết Lá Thư Gửi Mẹ nơi vĩnh hằng.
Little Saigon, Mother’s Day, 2023
Vương Trùng Dương
(Lá Thư Gửi Mẹ - thơ Thái Thủy, nhạc Nguyễn Hiền)
Tiếng hát Thái Thanh qua ca khúc Lá Thư Gửi Mẹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét