Tôi người lính già ở xa tổ quốc
Xa chiến trường lưu lạc tới đây
Nơi quê người sương pha tuyết đổ
Mang nỗi đau con ngựa lạc bầy.
Ngày tôi bỏ đi, bạn bè đồng đội
Vẫn hiên ngang cho đến phút sau cùng
Đã tự hiến thân mình cho tổ quốc
Thắng hay thua thì cũng vẫn can trường.
<!>
Không phải chỉ chịu ơn người đã chết
Tôi như còn mang món nợ nước non
Chết không nghĩa là tắt hơi thở
Sống đôi khi cũng có nghĩa chết mòn.
Khi tôi chết ván hòm xin đậy nắp
Có vui chi nhìn người lính chết già
Hổ thẹn đã không tròn ơn nước
Tiễn tôi chi, thêm phí một vòng hoa.
Hãy quên tôi người lính già lưu lạc
Đừng phủ lá cờ tổ quốc cho tôi
Anh em tôi trong những giờ tuyệt lộ
Nằm lại bờ lúc chiến hạm ra khơi.
Chiến hữu tôi chết đầu sông cuối biển
Ngày tan hàng đành nằm lại quê hương
Không ai trổi cho khúc kèn truy điệu
Không có ai phủ giúp ngọn cờ vàng.
Hãy phủ cờ lên nấm mồ tử sĩ
Xác bị xới đào trong nghĩa trang xưa
Hãy rải hoa trên con đường thấm máu
Phút lui binh phải gãy súng buông cờ.
Anh là ai mang ngọn cờ tổ quốc
Nhân danh ai, đứng phủ lá quốc kỳ.
Chúng ta là những con người bỏ ngũ
Quên anh em nằm lại để ra đi.
Ta lành lặn để bao người thương tật
Ta sum vầy đành để bạn chia phôi
Ta đến bến để bao người chết biển
Dù ấm êm cũng thương nhớ một đời.
Danh dự này dành cho người đã chết
Đã hy sinh để giữ vững ngọn cờ
Không phải tôi, người lính hèn bỏ ngũ
Để sống còn trong lúc bạn sa cơ…
Huy Phương
(1937-1921)
Huy Phương là bút danh của nhà văn Lê Nghiêm Kính cựu giáo sư Nguyễn Hoàng Quảng Trị, động viên khóa 16 Thủ Đức, phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến thuộc / Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Quân Lực VNCH.
Qua đời ngày 25 tháng Hai năm 2021 tại California.
Là một cây viết tạp ghi tài ba nhất theo như nhận xét của nhà bĩnh bút Bùi Bảo Trúc. Ông từng bị lưu đày ra tận miền cực Bắc VN sau tháng Tư 75. Ông cũng là một nhà thơ với một số bài dư âm còn mãi vang vọng, “Thưa Thầy, còn nhớ em không…” được ca nhạc sĩ Hoàng Đoàn phổ nhạc là điển hình.
Đăng lại bài thơ này như là dành một phút tưởng niệm một người thầy, một người anh, một chiến hữu, một bạn đồng cảnh… từng cùng có mặt trên mảnh đất quê hương Quảng Trị, từng cùng can qua những đoạn đường gian nan từ ngày oan nghiệt ấy.
Xin cám ơn giáo sư Trịnh Huy Trường và phu nhân là Cô Vân Anh, người bạn thân thiết của nhà văn Huy Phương đã sốt sắng giúp tôi trong khi sưu tầm.
Trân trọng,
Hạ Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét