Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2022

Chờ cha về - Ngô Đình Hải

          Nhà văn Ngô Đình Hải 
Chị có bầu. Cả Viện nghiên cứu xôn xao. Đàn bà có bầu là chuyện bình thường, mắc mớ gì xôn xao? Là vầy, ở cái Viện này toàn là trí thức, những nhà đạo đức, những giáo sư, bác sĩ, có tiếng tăm và địa vị trong xã hội. Tất nhiên là để phục vụ, cho những công trình cứu nhân độ thế của họ, còn có mấy thành phần lơm cơm khác như tài xế, lao công, nhà bếp… Hắn ở trong đám lơm cơm đó và chị cũng vậy. Chị làm lao công quét dọn, trong cái Viện này, tới nay cũng mười mấy năm chứ ít ỏi gì. Mười bẩy tuổi chị lấy chồng, một thằng chồng nông dân, thương rượu hơn thương vợ. Nó tỉnh thì không sao, mà hể xỉn là có chuyện. Ở được 2 năm, thì chị có mang đứa con đầu lòng với nó. 
<!>
Dưới quê kể lại, lỗi một phần là do chị. Nó say, nó chửi kệ nó, cự nó chi cho nó đánh, nó rượt rồi chạy. Thiếu cha gì chỗ trốn, leo lên cây trốn chi cho té sẩy thai, cho khật khà khật khùng! Người thì nói chị khùng do té đập đầu, người khác nói do chị xót con mà ra. Chỉ biết sau ngày đó, chị làm biếng nói chuyện với mọi người! Ra ruộng lầm lũi, về nhà như cái bóng. Vui buồn cất trong bụng. Được cái chị khùng mà khùng hiền. Không gây gổ, quậy phá gì ai. Chỉ lâu lâu đang làm gì đó, chị chợt ngưng ngang, lầm bầm nói một mình, rồi cười khóc một mình. Cứ tưởng chị như vậy mà sống. 

Ai ngờ, cũng không ai tin, có ngày chị nhảy lên xe đò, bỏ nhà, bỏ xứ đi mất! Thằng chồng đang chán, như thoát nợ, không thèm đi kiếm. Ở với nhau có giấy có tờ gì đâu. Hồi đi nói vợ cho nó, bất quá như sắm món đồ về làm của. Giờ chị như thứ của hư, của bể, tiếc thì cũng có, mà giữ lại cũng chẳng ích gì. Chị đi khỏi, nhẹ nhỏm cho mọi người. Không nói ra, nhưng có ai muốn ở gần đứa khùng đâu. Thấy hiền vậy chứ, lỡ nó lên cơn sảng ai mà biết…

Lên thành phố, lúc đầu chị ở đợ cho một nhà, sống cũng tạm. Nhưng rồi, gia chủ phát hiện ra, ngoài cái nhan sắc mặn mòi, dễ mến, còn thêm cái tật ngơ ngơ dễ dụ của chị. Nữ chủ nhân nào cũng e ngại. Nuôi chị trong nhà giống như treo sẵn miếng mồi ngon trước mặt tên nhậu, sớm muộn gì thằng chồng cũng đớp. Cho lên đường sớm chắc ăn. Ngặt cái, chị siêng năng lắm, cắm đầu cắm cỗ làm từ sáng tới tối, biểu gì cũng dạ, sai gì cũng làm, không than van không từ chối. Chị làm hùng hục như trâu. Nuôi chị đáng đồng tiền bát gạo. Nên nhà nọ không mướn thì chuyền tay qua cho nhà khác mướn, nhờ vậy mà chị không thất nghiệp.

Năm chị hai mươi hai tuổi. Chỗ cuối chị ở là coi em và dọn dẹp nhà cửa cho gia đình tay cán bộ tổ chức của một Viện nghiên cứu, nơi chị làm bây giờ. Chưa được năm thì bà vợ đánh hơi sao đó, đuổi! Lão chồng thương hại hay tiếc mồi chưa kịp nhai, đã xin cho chị vào làm lao công ở Viện. Chị thì trước giờ vẫn vậy. Đuổi thì đi, có thì làm. Không thắc mắc, không xin xỏ, không buồn, không vui! Đâu thì cũng phải làm mới có miếng ăn. Ở Viện chị còn có được một chỗ ở mới. Sát bên dãy nhà xe. Xe lớn, xe nhỏ của Viện đi về đậu ở đây. Tại vậy mà đám lái xe gần gũi và thân với chị hơn những người khác. Ai đâu dư hơi để ý tới con khùng. Khùng mà biết mê cải lương, mà ghét nhậu trăm tám! Bữa nào tụi hắn có độ nhậu với nhau ở nhà xe, là chị đóng chặt cửa, kêu mấy cũng không nghe, cho gì cũng không ăn. Tới chừng uống đã, Thành Mập chuyển qua ca vọng cổ. Phải công nhận, nó ca ngọt sớt. Mấy cái trích đoạn tuồng Thành thuộc làu làu, từ đoạn này nhảy qua đoạn khác, nó ca ba, bốn giọng y chang nghệ sĩ thứ thiệt! Tới chừng đó, mới thấy chị hé cửa, người quấn cái mền cứng ngắc, chỉ thò cái mặt xanh mét ra nghe và…đợi! Đợi cho tụi hắn say mèn, nằm lăn ra ngủ, chị lò mò đi dọn, dọn sạch nhách không còn chút dấu tích gì của bữa nhậu mới thôi!

Thời gian trôi. Cuộc sống của chị cũng lặng lẽ trôi. Không biết lão cán bộ tổ chức mang chị về có sơ múi gì không? Không biết ở Viện có tay nào nháp nhúa, rù quến được chị không? Mọi thứ phẳng lặng và kín như bưng trong con người của chị. Rồi thì tay Trưởng phòng tổ chức khác về thay. Tay này trẻ hơn, bảnh trai. Quê miền Trung. Vô làm trước, ở luôn trong phòng làm việc, chờ ổn định xong mang vợ con vô sau. Gã năng nổ thấy sợ, từ tổ chức, gã vói tay qua Công đoàn, qua luôn Hành chánh quản trị, tới... Nhà ăn, Bảo vệ! Chuyện gã chui đầu vô bếp coi nấu cái gì, hay tối tối, đi vòng vòng tuần tra là thường! Còn với tụi hắn và những công nhân khác, thì ai lên ai xuống, ai đi ai ở, ai làm ai ăn là chuyện của tầng lớp cao hơn, chẳng liên quan, ảnh hưởng gì tới loại quần quật với hai bữa ăn như hắn, như chị. Quan tâm chi cho mệt xác.

Tối đó, xe hắn đi tỉnh giao hàng xong, về tới Viện đã quá khuya.
Hắn de xe vô bãi, kéo vòi nước tính rửa sơ, mai đi sớm. Hồi này hắn có tài đều, đồng nghĩa với số dầu dư cũng kha khá, đỡ khổ. Đang vui, tay tổ chức ở đâu thò ra như ma trơi, cái mặt hất lên, hai con mắt trừng trừng như có ý hỏi sao trể vậy. Tự nhiên hắn khó chịu. Gã giả bộ hay thiệt tình không biết. Xe tải ban ngày cấm vô thành phố, hắn toàn chạy đêm hồi nào tới giờ. Tính im, lại thấy không nên, hắn ráng cười:
– Dạ, bình thường mà anh…
Tay tổ chức đi rồi, hắn mới chợt nghĩ, cha nội siêng thiệt chứ, giờ này còn lòng vòng kiểm với tra, chuyện này của bảo vệ, thò vô chi cho cực thân. Hay gã này thần kinh có vấn đề? Không lẽ gã khùng như chị?

Nhắc tới khùng. Y như kinh, linh như miếu! Có liền. Loay hoay rửa cái thùng xe vừa xong, nghe lục đục phía trước, ngó ra thấy chị đang đứng cheo leo trên cái bánh xe, cố vói tay lau cái kiếng trước, chắc mọi ngày thấy hắn làm giờ bắt chước. Biết là chị muốn giúp, nhưng tụi hắn quen rồi, còn chị… Hắn la hoảng:
– Xuống đi!
Chị lật đật nhảy xuống, sàn nước trơn trợt, loạng choạng. Đầu chị cúi gằm, lấm lét như đứa trẻ phạm lỗi. Chợt nhớ ra mình hơi quá, hắn chạy lại phía chị, giằng lấy cái giẻ lau trong tay chị, rồi hạ giọng:
– Ai mượn làm, lỡ té bể đầu báo hại tui nữa! Khùng quá!
Không đợi chị trả lời. Hắn lôi trong ca-bin mấy gói mì gói đưa cho chị:
– Thôi xong rồi. Cảm ơn chị. Nấu giùm tui gói mì. Nấu cho chị ăn luôn.
Hắn leo lên cái võng giăng sẵn trong nhà xe. Tính nằm chờ. Ai dè, mệt quá ngủ quên mất đất. Gần sáng, giựt mình dậy, thấy chị ngồi dựa vách tường, ngủ gà ngủ gật. Tô mì để trước mặt, chương phình, đặc cứng. Hắn gắt:
– Sao không kêu?
Nghe tiếng hắn, chị mở mắt nhìn, lắc đầu. Hắn chợt thấy mình lớn tiếng vô lý, nên nhẹ giọng lại:
– Thì bỏ đó, rồi vô ngủ đi. Ngồi chi ngoài này…
Chị lại lắc đầu:
– Sợ!…
– Sợ cái gì? Ma cỏ gì ở đây mà sợ…
Chị lắc đầu tiếp, xua xua tay:
– Không phải ma! Sợ… người!…
Hắn nhìn chung quanh, đâu có ai ngoài chị với hắn. Tới phiên hắn lắc đầu:
– Không có ai hết, vô đi, đừng sợ. Tới giờ tui đi rồi…
Hắn lên xe, đề máy. Ngó qua kiếng chiếu hậu, thấy chị còn đứng nguyên đó. Hắn cũng thấy xốn trong bụng:
– Tội nghiệp…
Chỉ có Thành Mập được đi họp vụ chị không chồng mà chửa, với các phòng ban khác, vì nó là Đội trưởng đội xe. Nó về, đám lái xe bu lại:
– Họp là sao? Mắc gì họp? Rảnh quá! Có bầu thì đẻ, đẻ thì nuôi. Có ai nuôi giùm không? Không thì mặc kệ cha người ta, lôi ra làm gì?
– Tại chị tâm trí không bình thường. Tại chị khùng! Sợ chị bị dụ dỗ, bị lừa. Là muốn hỏi coi ai là cha đứa nhỏ, mà quy trách nhiệm!
– Cái đó mới khùng chứ không phải chị. Chị là con người, chị có quyền, ngủ với ai là chuyện của chị. Ngon thử ADN biết liền!
– Có đâu mà thử!
– Là sao?
– Họp không có chị. Chị trốn mất tiêu rồi!
– Khốn nạn! Hại người ta rồi còn gì. Rốt cuộc sao?
– Thì giải tán. Hồn ai nấy giữ. Báo hại lúc trước cha nọ ngó cha kia, nghi nghi ngờ ngờ, giờ thì mừng húm. Không có chị, coi như thoát nạn…

Không nói ra, nhưng cả cái Viện đều thấy nhẹ nhỏm. Chị đi là phải. Những kẻ nhân danh đạo đức sẽ không còn cơ hội để miệt thị. Những kẻ giả nhân đạo cũng không cần tỏ ra thương cảm. Không ai phải đóng kịch nữa. Người ta rồi sẽ mau quên chị, như rủ bỏ được thứ phiền toái của họ.
Đợi anh em ra về hết, Thành Mập lôi dưới nệm xe một nắm tiền bán xăng, rồi nhìn hắn hất hàm:
– Đi!… Gấp lắm rồi!… ĐM! Thằng chó thiệt! Lơ con người ta lúc này…
Biết ngay mà, phải có ai đó giúp chứ. Hắn khoái Thành Mập quá! Chị không thể đi một mình như mười mấy năm trước. Cái bụng ì ạch, cái đầu ngu ngơ! Mà sao phải đi? Lôi cổ “thằng” đó ra, bắt nó lo! Thành mập khỏi chửi! Nó đâu có khùng. Hắn cũng không khùng. Hai đứa đều đoán được là “thằng” nào. Nhưng không phải chuyện mình, xía vô cũng kẹt. Để “thằng” đó xử sau. Giờ lo cho chị trước. Đúng là khùng thiệt!…
Ra khỏi Viện, Thành nói:
– Qua xa cảng, nhà trọ này chỗ bà con với vợ tao. Lạ, người ta kỵ, có bầu không ai dám chứa đâu. Xui lắm!…
Hai đứa đạp miết. Tới nơi, đã thấy vợ Thành đợi trước cửa. Chị lo lắng ra mặt:
– Không xong rồi. Cho vô bịnh viện gấp…
Ở bịnh viện, bác sĩ nói phải mổ liền mới cứu được. Thành Mập đi vô, rồi đi ra:
– Thua! Mổ tới mấy chục triệu!... Kiếm đâu ra!…
– Chứ tiền của chị? Làm khổ cực mười mấy năm không để dành được đồng nào sao?
– Không thấy cắc nào. Chắc thằng nào dụ lấy hết rồi! Mà có cũng không ăn thua! Số tiền lớn quá…
– Không lẻ chở về chờ chết!
– Tao không biết!
Hắn nhìn ra ngoài. Người ra vô tấp nập. Những khuôn mặt lo âu và sợ hãi. Hắn nói, giọng chắc nịch:
– Cho mổ đi. Mai đóng tiền…
Bỏ mặc chị đang nằm thiêm thiếp trong phòng cấp cứu. Bỏ mặc vợ chồng Thành mập đứng ngơ ngác, hắn lấy xe đạp dông tuốt về Viện…
Ngay trong đêm đó. Nguyên chuyến xe tải của hắn, chở 7 tấn gạo, Viện thu mua từ dưới Long An, để phục vụ cho nhà ăn, về tới nơi không còn một hột. Hôm sau, hắn bị bắt với cái xe trống rỗng. Hỏi, hắn khai thua bài, bán trả nợ hết rồi! Người ta kêu án hắn 5 năm, tội “chiếm đoạt tài sản công”.
Trong tù, Thành Mập vô cho hay, ca mổ thành công. Chị sanh con trai, mẹ con đều khỏe. Còn chút vốn, vợ chồng nó mở cho chị cái tiệm tạp hóa nhỏ trong xóm. Cũng tạm sống được.
Năm sau, hắn chuyển trại, ra lao động. Chị bồng đứa nhỏ lên thăm. Có con trong tay, cái khùng của chị trốn đâu mất. Chị rạng rỡ. Chị tươi vui. Thằng bé nhìn hắn cười miết. Ai cũng tưởng vợ con hắn. Hắn nhìn chị đăm đăm. Thấy cái duyên khùng trong mắt. Hắn hỏi:
– Sao biết tui ở đây?
– Anh Thành chỉ. Ảnh kể tui nghe hết trơn rồi…
Hắn ngó qua thằng bé:
– Coi bộ lớn bộn rồi nghen!
Tự nhiên chị hỏi:
– Thấy nó giống ai?
Hắn lom khom ngắm, bao nhiêu bực bội, chất chứa trong lòng hồi nào tới giờ tan biến! Hắn không đáp, hỏi lại:
– Thấy nó cười giống ai không?
Chị cúi đầu xuống, lí rí:
– Cười hả?… Giống anh!
Hắn cười lớn, đưa tay đón đứa bé, áp sát mặt nó, thầm thì:
– Mai mốt mãn hạn. Chờ cha về…Cha chở con đi học… Chờ cha về!…

Ngô Đình Hải

Không có nhận xét nào: