Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

Một Sớm Chớm Thu - Nguyễn Giụ Hùng


Ảnh người viết (NGH) chụp tại vườn Nhật-Portland-Origon-Hoa Kỳ
Hôm nay có phải trời như đang chớm ngả sang thu? Thời tiết hơi lành lạnh so với mấy ngày nóng bức trước đây.Sáng sớm thức dậy, tôi đứng nhìn qua cửa sổ thấy bầu trời vẫn xanh và trong vắt. Trong sân sau nhà, ở cuối bãi cỏ, những cánh hoa hồng vẫn rực rỡ khoe sắc thắm. Cây cổ thụ bên nhà hàng xóm chĩa cành sang, lá vẫn xanh tươi, không chiếc lá vàng nhưng sao tôi thấy trong lòng có chút gì vướng víu, man mác buồn vu vơ như đang chìm mình trong cái dịu dàng của mùa thu thường đem đến cho tôi. Thu đã đến với đất trời hay mới chỉ đến trong lòng tôi với cái buồn nhè nhẹ.
<!>

“Sầu thu lên vút, song song
Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu”.

(Thơ Huy Cận)

Không biết lúc này tôi có đang giống như những cô thiếu nữ của nhà thơ Xuân Diệu hay không?

“Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì”.

Tôi chợt nhớ đến những mùa thu miền Bắc. Mùa thu miền Bắc không có nhiều cây với lá mầu rực rỡ như ở đây (Mỹ), ngoại trừ thường thấy nhất ở cây bàng với lá vàng lá đỏ, còn phần lớn là những mầu héo úa để chờ đợi rơi rụng và trở thành trơ trụi vào mùa đông. Tuy không có nhiều lá thu rực rỡ, nhưng nó có gió heo may lành lạnh, không đủ lạnh để mặc áo bông, nhưng đủ lạnh để ta mặc chiếc áo len mong mỏng. Các cô thiếu nữ điểm tô cho thu bằng những chiếc khăn "san" màu theo gió nhẹ bay phủ bờ vai.


Mùa thu là mùa của sen trắng sen hồng đua nhau mọc trong hồ sen. Cô thiếu nữ với chiếc yếm hồng chèo chiếc thuyền nhỏ, lách lượn trong hồ để hái nụ hay hoa sen đem ra chợ bán. Hình ảnh này cũng là hình ảnh đẹp và phổ thông như một biểu tượng của mùa thu miền Bắc.


Mùa thu là mùa của cốm, mà cốm nổi tiếng nhất là cốm của làng Vòng thuộc ngoại ô Hà Nội, nôm na gọi là cốm Vòng, có mầu xanh biếc của ngọc lại dẻo và thơm, thơm mùi lúa non lẫn mùi lá sen dùng để gói cốm. Người ta ăn quả hồng chín đỏ mềm mại hay “chuối tiêu” với cốm. Hồng không phải ở tỉnh nào miền Bắc cũng có. Riêng hồng Bạch Hạc thuộc Việt Trì nổi tiếng ngon hơn cả, thường được mua để biếu nhau.

“Gắng công kén hộ cốm Vòng
Kén hồng Bạch Hạc cho lòng anh vui”.

Mùa thu là mùa của rươi, chúng được gánh đi bán trên đường phố. Rươi là món ăn được ưa thích thường được rán với trứng, trộn lẫn tý vỏ quýt thái nhỏ làm gia vị. Rươi có vị bùi và beo béo. Món ăn này còn được gọi là chả rươi. Mỗi năm có vài ngày có rươi. Chỉ được ăn một lần là đã hết mùa rươi. Rươi nở rộ vào vài ngày “mưa rươi” ở những vùng ven biển.

Nhưng mùa thu không phải chỉ để ăn những món ngon lạ trong mùa mà còn là mùa dành cho loài người cái êm dịu của thiên nhiên làm lòng người rất dễ dàng rung động với nó. Thu thường hay mang cho ta những nỗi buồn vu vơ, trầm trầm như những tiếng thủ thỉ của lá cây xào xạc trong cơn gió nhẹ. Chẳng thế mà bao nhiêu thi sĩ và nhạc sĩ đã trải lòng mình rung động với thu và cống hiến cho đời biết bao nhiêu tuyệt phẩm về thu, vượt cả thời gian lẫn không gian.
Trong văn chương Việt Nam, nói về thu, ta không thể không kể đến ba bài thơ của cụ Nguyễn Khuyến đó là Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh. Ba bài thơ này đã được đưa vào chương trình giáo khoa của học sinh bậc Trung Học trước đây (trước 1975).

Trong 3 bài thu trên, bài Thu Điếu (Mùa thu ngồi câu cá) là bài được nhắc nhở đến nhiều hơn cả.

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng nước theo làn hơi gợn tý,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tưạ gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

Với tôi, bài thơ này nói lên gần hết được cái cảnh, cái tình của mùa thu miền Bắc:
Trong cái không gian bao la ở phía trên với “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt, Cảnh vật bên dưới thì yên lặng buồn tênh với “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo, Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”, chiếc thuyền con chứa đựng hình ảnh của một ngư ông, “Tựa gối ôm cần lâu chẳng được”, và bên cạnh đó là cái cô quạnh của một “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”.
Mọi thứ tĩnh lặng chỉ trừ một chút lay động nho nhỏ rơi vào cái tĩnh mịch đủ để cho cảnh thu ấy không chết như với tý gió heo may tạo nên “Sóng nước theo làn hơi gợn tý”, hay của “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”, hay với “Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”.

Cái hay là ta cảm nhận ngay được hình ảnh lá vàng bay trong gió nhẹ, vì lá quá nhẹ, ắt hẳn phải là lá trúc mà cụ đã giới thiệu trong bài thơ nên mới có thể bay vèo. Và chính cái bay vèo của đám lá nhẹ được cụ Nguyễn Khuyến sử dụng làm đối trọng của sự tĩnh mịch, để cảnh vật không trở nên buồn chán. Và cũng chính những đám lá này nó tạo nên được cái âm thanh xào xạc, âm thanh quen thuộc của mùa thu. Âm thanh này lại làm tăng thêm cái yên tĩnh lên một cách linh động. Bức tranh của cụ chỉ toàn mầu xanh được điểm tô bằng những chiếc lá vàng bay, hình ảnh thật thu biết chừng nào.

Từ hình ảnh, mầu sắc đến âm thanh được cụ diễn tả thật tài tình bằng những ngôn từ giản dị, mộc mạc và khung cảnh cụ dựng nên, ta có thể gặp bất cứ ở đâu tại miền Bắc nước ta. Nếu cụ chỉ cần thêm một tý mầu xám của mây với chút mầu trắng đục của mưa phùn thì cảnh vật này sẽ trở nên u ám có khi đến thê lương của mùa đông.

Để trở về với thời gian gần gũi với chúng ta hơn, ta hãy thử đọc vài bài thơ của vài nhà thơ "tiền chiến".

Nếu nhớ đến thu mà không nhắc đến bài thơ "Tiếng thu" của thi sĩ Lưu Trong Lư (LTL) thì thật là một thiếu sót.

“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?”

So với hình ảnh "chân quê" trong thơ của cụ Nguyễn Khuyến thì hình ảnh thu của LTL có tính cách "thơ" và “ước lệ” hơn, với con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô. Hình ảnh của thơ đôi khi không nhất thiết phải là hình ảnh thực tế quanh ta. Bài thơ "Tiếng Thu" của LTL vẫn là một trong những bài thơ mà tôi thích nhất trong những bài thơ nói về thu sau này.
Nếu ta nghe thấy trong thơ LTL có tiếng lá cây xào xạc thì ta cũng thấy một buổi chiều thu hiu quạnh của Huy Cận:

“Sầu thu lên vút song song
Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu”

Trong khi thơ của Chế Lan Viên tha thiết với thu biết chừng nào:

“Chao ôi! mong nhớ, ôi mong nhớ!
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn”.

Thì "thu" trong thơ Vũ Hoàng Chương (VHC) lại tiêu cực và yếm thế làm sao:
“Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết

Một ván cờ khuya ngả bóng chiều

Ai khóc đời ai trên bấc lụi
Đây mùa thu tới lửa dần thiêu”.

Khác với VHC, thu của Xuân Diệu có vẻ êm ả, nhẹ nhàng, lộng lẫy:

“Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”.
hoặc:

“Gió thu hoa cúc vàng lưng dậu
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên”.


Nói đến Xuân Diệu ta phải nhắc thêm đến những vần thơ yêu. Những vần thơ được các cô các cậu chép đi chép lại nhiều lần ở tuổi học trò, hay mượn lời thơ để tỏ tình với cô “em” cùng lớp:

“Anh một mình nghe tất cả buổi chiều
Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh.
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh,
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! em ơi!”

(trích bài thơ “Tương tư, chiều ...” trong tập thơ Thi Nhân Việt Nam).
Thơ yêu của Xuân Diệu là như thế đấy.
Trên trời xanh, vài cụm mây trắng hờ hững bay, hờ hững bay vì cứ bay và bay mãi không ngừng. Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay (Tản Đà dịch từ bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu).

Trong cái yên tĩnh của sáng nay, tôi dường như đang nghe thấy tiếng nhạc lởn vởn đâu đây, trong đó có tiếng hát réo rắt lẫn chút ai oán của cô ca sĩ Ngọc Hạ trong bài “Buồn Tàn Thu” của cố nhạc sĩ Văn Cao mà tôi yêu thích và đang đưa tôi đi xa vào cõi không. Giọng ca và sự diễn tả của người ca sĩ này sao điêu luyện quá. Theo tôi nghĩ, nếu cụ Văn Cao còn sống hẳn sẽ hài lòng và cám ơn cô vì cô đã có thể truyền đạt được hết cái hay của bản nhạc lẫn tâm sự của mình đến người nghe. Với bài hát này, sau Ngọc Hạ còn ai nữa nhỉ?

NGUYỄN GIỤ HÙNG

Không có nhận xét nào: