Ðường trần quên lối cũ
Người đời xa cách mãi
Tình trần khôn hàn gắn thương lòng...
(Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay - Ðoàn Chuẩn-Từ Linh)
Vũ Ánh đọc Lối Cũ Chẳng Sao Quên” của Bích Huyền
Những đoản khúc của người góa phụ can đảm này được cất lên cùng với tiếng thở dài và những dòng nước mắt lặng lẽ trong những đêm thanh vắng, của những ngày tháng cũ, và của cả những ngày tháng hiện tại. Tôi đã nghe những đoản khúc nhẹ nhàng ấy nhiều lần trên làn sóng phát thanh của Đài Văn Nghệ Truyền Thanh và sau này trên các luồng sóng của một vài đài phát thanh khác. Nhưng khi đọc lại Lối Cũ Chẳng Sao Quên của Bích Huyền mới thấy trọn vẹn được bối cảnh những tùy bút mà bà mô tả.
Một điều dễ hiểu: tôi, chúng tôi, cũng như chồng bà đã trải qua, đã sống trong những bối cảnh ấy.
Bởi vậy, những ngôn ngữ mà bà sử dụng trong mẩu ký ức nhẹ nhàng về cả một quãng đời đau khổ của bà chính là một nỗi dằn vặt đối với chúng tôi. Vâng, tại sao chúng tôi lại không giữ nổi một mảnh đất đáng giữ như vậy, để cho sau khi đã hòa bình rồi còn có những người trở thành goá phụ? Không những thế, biến cố và những biển dâu mà chúng tôi góp phần tạo nên, nó đã biến những người phụ nữ như Bích Huyền, cũng như hàng triệu phụ nữ Việt Nam khác phải nối thêm cuộc đời bằng một đoạn đường long đong, cay đắng.
Phu quân của Bích Huyền là một sĩ quan cấp tá, giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng trường Đại Học CTCT Đà Lạt, ông và nhiều sĩ quan khác, dù đau khổ trong bao nhiêu năm lưu đầy, dù kẻ chiến thắng để lên vai ông cũng như trên vai chúng tôi cái gánh trĩu nặng của thù hận, nhưng ông vẫn còn được chút hạnh phúc để mà vượt lên: còn người vợ và đứa con trong bụng. Tôi không có cái may mắn như Trung tá Nguyễn Quang Hưng và nhiều sĩ quan khác. Nhưng nghĩ cho cùng, thì, cũng chính vì không có được cái hạnh phúc cần thiết ấy mà tôi hiểu được vai trò của người vợ quan trọng như thế nào trong cảnh hoạn nạn của chúng tôi. Khi còn mũ cao áo dài, có thể ít người nhìn ra những vị trí quan trọng của phụ nữ trong cuộc đời mình. Nhưng khi rơi xuống vực thẳm, mới thấy cái cần thiết của lòng chung thuỷ.
Tôi đã trải qua một câu chuyện cảm động và cho tới bây giờ tôi vẫn chưa quên được người bạn ấy. Anh là một Tiểu Đoàn Trưởng, suốt cả một đời trận mạc, không tơ hào của ai một đồng. Lương lính tháng nào xào tháng ấy, cho nên gia đình đã gần như khánh kiệt ngay sau khi Cộng quân chiếm được thành phố Huế. Tôi gặp lại anh vào năm 1985, trong một trại tù khác nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh. Người vợ lặn lội từ Huế vào để thăm chồng. Quà cáp, chỉ là một vài gói cám rang trộn gừng và đường cùng một gói thuốc. Khi gặp nhau ở nhà thăm nuôi, hai vợ chồng chỉ ngồi nhìn nhau trong nước mắt…
Tôi hỏi anh, thì được trả lời: “Tao không thể nói được gì, dù tao rất muốn nói để xin lỗi vợ tao là chúng mình chưa chiến đấu hết mình nên đến nay nàng mới khổ. Mày biết không, một nách bốn đứa con, vợ tao làm sao sống nổi trong cái thành phố ấy.”
Những lúc như thế, tôi biết rằng bạn tôi nói thật. Người bạn đời của bạn tôi, vẫn sống được để đón người lính trở về. Nhưng người phụ nữ can đảm ấy chỉ được hưởng hạnh phúc còn sót lại đúng ba tháng trời trong cơn đau đớn của chứng ung thư. Rồi qua đời, rồi đem đi trái tim đã tan vỡ trong lòng người lính già nay đang định cư tại vùng hoang dã phía Bắc Minnesota.
Tôi không biện bạch cho chúng tôi trong thời kỳ đen tối ấy, thời kỳ mà cho đến nay, 25 năm đã qua, tôi cũng muốn quên đi để làm được những chuyện khác, nhưng nó vẫn như một vết thương , lúc nào cũng chỉ chực sưng tấy lên mỗi khi nhớ tới. Bởi vậy Lối Cũ Chẳng Sao Quên của Bích Huyền, là một tập hợp của nhiều đoản khúc góp lại thành một bi hùng ca của giới phụ nữ trong những năm tháng đen tối và vỡ vụn sau 30/4. Trường ca ấy, Bích Huyền không phải chỉ viết cho riêng bà, viết cho người con gái duy nhất của bà, Nguyễn Quang Diễm Uyển, mà cho biết bao nhiêu người phụ nữ đồng cảnh với bà trong những năm tháng khốn đốn, thay chồng nuôi con, gánh bớt cho chồng bao nhiêu nhọc nhằn.
Nuôi con. Vâng, hai từ ngữ đó là một âm điệu cổ điển từ ngàn xưa, thời mà chốn nhân gian hay hát những khúc hát nhẹ nhàng và thấm đượm của lòng từ mẫu. Cái khó khăn của công việc này cũng chỉ giản dị như cách diễn tả một trạng thái tự nhiên, không nói ra, không hát lên những điệu ru bên chiếc nôi đong đưa, người ta cũng biết, cũng hiểu. Nhưng nuôi con ở giai đoạn sau 30/4/1975 đã trở thành những thử thách. Người phụ nữ có chồng bị đẩy vào những trại tập trung không những phải gánh chịu những mỉa mai, trì siết của cuộc đổi đời cay đắng, mà còn gặp phải những khó khăn sập xuống từ lòng thù hận, khi họ chưa bao giờ biết buôn chui bán lậu,phải lăn lưng xuống đường phố buôn lậu bán chui, chưa bao giờ biết nói dối cũng phải nói dối, để cố bơi qua một dòng sông đầy những rác rến của một xã hội tan hoang, dối trá và lừa đảo. Trên dòng sông ây, có người phụ nữ vượt thoát được và cũng không thiếu những người phải buông trôi …
Nhưng cũng chẳng có người phụ nữ nào đáng trách trong hoàn cảnh ấy. Bởi vì, những khúc bi hùng tráng mà họ hát lên không phải là những biến khúc của sự tuẫn tiết, cũng không phải là những ngày tháng hào hùng của những nhân vật lịch sử như Trưng Triệu, mà đó là những biến khúc của sự nhẫn nại, khôn ngoan, chịu đựng trước những sóng gió khi không còn người đàn ông trong nhà.
“Trong gió bụi, tôi vẫn nhìn thấy một đôi mắt đẹp…”. Hình như Ernest Hemingway viết câu văn này khi mô tả những phụ nữ Tây Ban Nha bị kẹt giữa cái không khí đậm đặc oán thù của thời kỳ hậu nội chiến, tôi thấy thấm hơn là câu “Thân gái dặm trường”. Cái thấm hơn đó, không phải là do hình ảnh mà Hemingway đưa ra lãng mạn hơn, mà là vì hoàn cảnh của những người phụ nữ Tây Ban Nha những năm đầu thế kỷ 20 không khác gì hoàn cảnh của Bích Huyền 50 năm sau. Mỗi một kỷ niệm có liên hệ với đời sống Bích Huyền từ thời thơ ấu ở miền Bắc cũng như những năm tháng sau này ở miền Nam đều xuất hiện trong câu chuyện, giống như nó được trao cho vai trò tạo những hình ảnh phản diện để bà có thể vẽ lên được những bức tranh của sự thay đổi về cả không gian và thời gian. Giữa những hình ảnh đối chọi đó, người ta thấy hình ảnh nhỏ bé của người đàn bà trong cơn giông bão của lịch sử. Chỉ cần một mẩu nhỏ ký ức của Bích Huyền trong Đường Ra Vĩnh Phú, chúng ta có thể có được một bản vẽ chính xác:
“Ngồi trong toa con tàu Thống Nhất, tôi vẫn chưa hoàn hồn. Tay khư khư ôm chặt túi xách trong lòng, tôi nhìn theo Nụ len lỏi tìm lối ra giữa những người đang đứng lố nhố tranh giành nhau xếp đồ đạc. Gần tới cửa, Nụ còn ngoảnh lại nhìn tôi, mắt đỏ hoe. Nước mắt tôi làm nhòa đi hình ảnh Nụ trong phút giây ngắn ngủi chia tay. Nụ như bị xô xuống khỏi tầu. Xa xa, sân ga Bình Triệu dưới những ngọn đèn không đủ sáng, cảnh tượng vô cùng hỗn độn… Tiếng còi tàu hú vang báo hiệu đến giờ khởi hành. Tiếng còi dài văng vẳng trong đêm tối. Ngày xưa, khi còn bé, tôi đã từng được học những bài văn tả cảnh sân ga. Niềm vui xum họp, nỗi buồn chia ly, tiếng còi tàu lanh lảnh âm vang trong lòng, tùy theo tâm trạng mỗi người.
“…Lòng tôi hôm nay, tiếng còi tàu nghe ghê rợn quá! Như tiếng rú, tiếng thét đe doạ con người thất thế, một thân một mình đi thăm nuôi chồng “học tập cải tạo”. Không có một bóng người đứng trên thềm ga tiễn đưa, không có một ngọn đèn vàng lẻ bóng hắt hiu, chỉ có hàng ngàn những con người lam lũ, hối hả, vội vàng trên sân ga, giành giựt từng miếng cơm thừa, từng manh áo rách…”.
Hoặc chúng ta có thể đọc một đoạn khác khi nhà văn, nhà giáo này gặp được mặt chồng:
“Bốn năm xa cách, chúng tôi nhận ra ngay những thay đổi của nhau. Thời gian và khổ cực. Cuộc sống bên ngoài cũng không mấy tự do. Khóc thì sẽ bị đuổi ra. Nhưng những giọt nước mắt vẫn lặng lẽ rơi.”
“Năm phút. Mười phút. Gần hết giờ thăm. Những câu hỏi, câu trả lời lạc lõng. Toàn những chuyện đã viết trong thư. Mấy cái gai nhọn lúc nào cũng muốn như đâm vào da thịt. Đi suốt cả chiều dài đất nước để có được mười lăm phút gặp nhau. Quà thăm được sắp lên xe trâu. Tôi nhìn theo chồng đứng vào hàng để giải về trại. Chồng tôi theo ra cổng nhà thăm nuôi, nhưng chỉ được đứng bên hàng giậu nhìn theo cho đến khi toán người đã khuất vào lùm cây …Thuở còn đi học, nghe cô giáo Tỉnh giảng Kiều say mê, nhưng lại chỉ thích Chinh Phụ Ngâm, để rồi ngày nay phải mang nỗi sầu cô phụ. Tôi nuốt nước mắt và bỗng dưng vạn vật mờ tất cả…”
Trong cái xã hội hoang nát, tiêu điều của bao nhiêu năm phải gò lưng dưới cái ách Cộng Sản, người ta vẫn có thể tìm lại được khá nhiều tấm lòng, những tấm lòng không bị chai mòn bởi hà khắc, bởi những cái đói khổ vô lý mà những người Cộng Sản mang cho họ. Điển hình của những người đó là ông Tuyển trong câu chuyện Lối Cũ Chẳng Sao Quên. Những tấm lòng ấy chẳng phải là di sản của một chủ nghĩa nào tạo nên cả. Nhưng khi đọc Lối Cũ Chẳng Sao Quên, tôi vẫn cứ tin rằng phải có điều gì linh thiêng lắm nên ở miền đất nước ấy, người ta vẫn có thể nhìn thấy những cánh hoa của tâm hồn người Việt mọc lên từ sỏi đá. Hãy nghe Bích Huyền mô tả về ông Tuyển:
“Ông Tuyển đặt ly trà thơm phức trước mặt tôi. ‘Được biết cô về đây bốc mộ chồng, chúng tôi vô cùng cảm kích. Gia đình chúng tôi sẽ hết sức giúp đỡ cô và các ông anh đây.’ Vầng trán cao, khuôn mặt chữ điền. Cách nói chuyện lưu loát cùng dáng điệu từ tốn, cử chỉ lịch sự, chứng tỏ ông Tuyển là một người có số vốn kiến thức về học vấn cũng như về xã hội. Ông cho biết có một người anh là linh mục trong một ngôi nhà thờ vùng đất đỏ Long Khánh”.
Cũng do tấm lòng này mà công cuộc bốc mộ chồng của Bích Huyền xuông sẻ vào những phút chót:
“Gỗ áo quan dầy và chắc. Khi chiếc nắp được bật lên, tôi lạnh người: chiếc chăn len màu đỏ. Suốt đêm qua, người anh lớn cứ chợp mắt là nằm mơ thấy xác chồng tôi quấn bằng mảnh vải màu đỏ. Gương mặt anh tôi xúc động.Bóc lượt chăn len ra là quần áo. Hết lớp áo này đến lớp quần khác. Bạn bè đã dồn tất cả cho người chết mang theo. Nước mắt tôi dàn dụa. Màu xanh lá cây đậm của chiếc áo len mẹ tôi mua tặng gửi trong 5 ký lô quà đầu tiên ra Bắc. Chiếc sơ mi trắng ngà, có từng sợi chỉ xanh, hồng nhạt sau chuyến du học tại Mỹ năm 1971. Chai dầu gió, đôi giày ba ta…tất cả tôi đã tự tay xếp vào chiếc ba lô trước ngày anh đi trình diện…”
Khi đọc mẩu ký ức này trong Lối Cũ Chẳng Sao Quên của Bích Huyền, hình ảnh làm tôi chú ý chính là chiếc chăn đỏ. Chiếc chăn này trại tù thường phát cho những người tù. Nó dệt bằng một loại len làm từ những mẩu vải vụn ở những đống rác, do Trung Cộng dệt và sản xuất. Chăn rất nặng nhưng không được ấm lắm. Hành trang này để người tù đắp, gối đầu hay lót sàn nằm, và khi người tù chết, các bạn bè thường dùng nó để quấn xác người đồng cảnh xấu số. Ở trại tôi, do không có áo quan, nên chỉ quấn như thế và đem chôn. Những bộ quần áo trận đã vá đùm vá chặp cũng được bạn bè mặc vào hết cho đồng đội qua đời. Và cũng chính vì thế mà khi bốc mộ chồng, Bích Huyền mới nhìn thấy chiếc chăn đỏ ấy.
Khi còn chiến trận, người nằm xuống được đồng đội quấn bằng tấm poncho. Khi thua trận, lâm vào cảnh tù đầy, bạn bè dùng tấm chăn đỏ của nhà tù để quấn cái thân xác tả tơi của người lính. Nhưng chúng tôi vẫn gọi chiếc chăn đỏ là “da xích thố”. Không biết khi còn sống, Nguyễn Quang Hưng có khi nào nói tới chữ nghĩa đau đớn và bi hùng ấy, khi gặp vợ không? Dù sao, tôi vẫn nghĩ, những hình ảnh ấn tượng và xót xa nhất trong mẩu ký ức này là tấm chăn đỏ bọc thi thể của Hưng.
Dĩ nhiên trong Lối Cũ Chẳng Sao Quên, chúng ta còn bắt gặp không thiếu những hình ảnh nhẹ nhàng, mà phần lớn còn đọng lại từ tuổi thơ của nhà văn nữ này về đời sống thực, thiếu thốn, nhếch nhác, thiếu văn minh, văn hóa của một xã hội sau mấy chục năm bị những người Cộng Sản làm cho tha hóa, mai một. Những liên tưởng của Bích Huyền được mô tả một cách tự nhiên, và cũng chính vì thế nó tạo được ảnh hưởng trên toàn bộ tác phẩm của bà. Nó chợt đến chợt đi như tương lai chẳng bao giờ chắc chắn mà người dân miền Nam Bắc dường như đã quen mòn rồi. Cái khổ đã hằn lên khuôn mặt người dân như những nhát dao chém xuống đá, và con đường mà cả dân tộc bị buộc phải bước đi trên đó sẽ chỉ là một con đường cụt. Nó giống như những con đường mà Bích Huyền đã từng bước lên để theo dấu chân chồng. Nó cũng giống như những con đường đầy lau lách mà Bích Huyền trở lại để khai quật và chuyển hài cốt của chồng vào trong Nam. Đó là hai khối màu chính của bức tranh. Những con đường ấy dẫn đến thảm kịch cho Hưng. Không những Bích Huyền chẳng bao giờ quên mà còn nhiều phụ nữ ở đây chắc cũng có những con đường không quên được của một giai đoạn buồn bã trong đời họ.
“Không gian mênh mông yên lặng. Tôi lặng lẽ theo các anh tôi cho kịp chuyến đò cuối cùng…”
Đó là câu kết của Lối Cũ Chẳng Sao Quên. Câu văn buồn man mác. Bởi vì, cũng chẳng biết cả dân tộc này rồi có kịp được chuyến đò cuối cùng hay không?
Bản tiếng Anh là của Quỳnh Diễm, một luật gia trẻ tuổi vừa mới tốt nghiệp. Quỳnh Diễm định cư tại Úc châu khi mới lên hai tuổi, nhưng tiếng Việt vẫn còn chảy mạnh trong trái tim người phụ nữ thế hệ thứ hai này. Cô đã tự nguyện dịch Lối Cũ Chẳng Sao Quên ra tiếng Anh “The Trail I Will Never Forget” để cho lớp trẻ có thể đọc được. Bản tiếng Anh khá hoàn chỉnh, nhưng tôi vẫn ngại rằng nếu không thêm phần chú thích thì các em sẽ không hiểu những từ ngữ mà chỉ có tù nhân và thân nhân mới hiểu được . Dù sao, tôi cũng vẫn nghĩ rằng, lớp trẻ sẽ rất hoan nghênh The Trail I Will Never Forget và cả người dịch nữa.
Vũ Ánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét