Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Những bí ẩn quanh 23 viên ngọc của Vua Bảo Đại - PHẠM CAO PHONG

Những báu vật của thiên nhiên như một mùa gặt không bao giờ trở lại…
Van Cleef & Arpels là một thương hiệu trang sức dành cho những cá nhân nhận được ân sủng của số phận. Những đồ trang sức chế tác bởi những bàn tay tinh tế của hãng thời trang danh giá này truyền cảm hứng và mang lại sự ngưỡng mộ không chỉ của những người sở hữu mà cả những người có cơ hội được nhìn ngắm chúng. Kim cương, ngọc bích, vàng, bạch kim, đá quý… qua tay Van Cleef & Arpels trở thành những bảo vật đánh dấu những sự kiện nổi bật.
<!>
Có thể kể đến chiếc vòng cổ tay bạch kim có gắn kim cương của minh tinh màn bạc Julia Roberts tại lễ trao Oscar 2001. Hoặc chuỗi vòng đeo cổ bằng vàng óng điểm những bông hồng bốn cánh khoe sắc đỏ, sắc xanh nước biển, chen xen với bốn đóa hồng đen, hồng bạch mà Van Cleef & Arpels chế tác cho một ca sĩ như Françoise Hardy, người bước lên sân khấu không bao giờ dùng một thỏi son mà vẫn chiếm gọn trái tim nhiều thế hệ với bài hát để đời Mon Amie La Rose.

Sau này Natacha Atlar, cô ca sĩ với giọng ca ma mị cũng hát Mon Amie La Rose với màu sắc thể hiện của Một nghìn lẻ một đêm, rất tuyệt, song cũng không ăn đứt nổi Françoise Hardy. Jacky Kennedy, người vợ của Tổng thống xấu số J. F. Kennedy trong chuyến đi thăm chính thức Ấn Độ, cũng đeo chiếc kẹp kim cương “Flammes” của Van Cleef & Arpels, với hình hai ngọn lửa song sinh trên chuỗi hạt ngọc trai ba vòng. Hoàng hậu Grace de Monaco, công nương Fawzia của Ai Cập huyền bí, giọng ca vàng opera Maria Callas đều chọn sản phẩm của Van Cleef & Arpels.

Cũng nên kể đến kỷ vật được gọi là “collier Cravate” chế tác từ rubi, kim cương, bạch kim làm năm 1936 của nữ bá tước Duchesse de Windsor, tên thật là Wallis Simpson (1896-1986), mà ngay con số năm sinh, năm mất cũng như trò nhẩy nhót của các con số. Số phận của nữ bá tước gánh một định mệnh kỳ lạ. Người phụ nữ có hai đời chồng đã làm si mê trái tim vua Anh, đồng thời là Hoàng Đế Ấn Độ Edward VIII (1894-1972). Cuộc tình hai người đã gây ra một khủng hoảng chính trị sâu sắc tại Vương quốc Anh ngay trước ngưỡng cửa Đại chiến Thế giới lần thứ hai. Lên ngôi được 326 ngày, Vua Edward VIII từ nhiệm, bỏ lại ngai vàng cho em trai, sau này là Vua George V.

Từ những năm 1990, Paris đã đoạt lại vị thế của những thành phố danh tiếng như New York, Milan, Tokyo…, trở thành trung tâm giao dịch thời trang và đồ trang sức cao cấp, danh tiếng mà Ba Lê từng có được từ thế kỷ XV… Nói vậy để các đại gia mới nổi, chữ nghĩa đọc qua loa, đừng vội thấy “Van Cleef & Arpels” như cửa hiệu bán đồ điện tử Apple, rủ chân dài đi mua sắm sẽ ngớ ngẩn thấy cặp mi xanh chiêm bao biến thành lông mày chổi xuể như Trương Phi trên cầu Tràng Bản, khí chất có hơn Hạ Hầu Kiệt thì cũng chỉ còn có nước thảng thốt: “Cưng ơi ở lại, anh về’’.

Đồ trang sức cao cấp phải hội tụ đủ các tiêu chí: Kiểu vẽ, có thợ kim hoàn khéo léo đẳng cấp, và có kinh nghiệm tinh tế trong việc chế tác đá quý, kim loại quý. Thủ đô Pháp hội tụ đủ mọi mặt cho điều đó. Giới VVIP (Very Very Important People), những cá nhân tiêu xài không dưới một triệu đôla mỗi món, thường chọn Paris là chặng nghỉ chân thường nhật. Năm 2021, Van Cleef & Arpels kết hợp với Bảo tàng quốc gia Lịch sử Thiên nhiên của Pháp tổ chức trưng bày những mẫu đá, mẫu quặng quý, những kỳ tích thiên tạo, cũng như một số đồ trang sức được thương hiệu danh giá này mới sưu tầm.

Trong các hiện vật trưng bày kể sơ sơ lần này có một chiếc khánh bằng đá mã não tuổi đời 3000 năm trước Công Nguyên. Viên kim cương blue huyền thoại có trái tim mặt trời bằng vàng ẩn bên trong, được gắn trên vương miện năm 1688 dành cho Vua Louis XIV là một trong 20 viên kim cương nổi tiếng nhất thế giới cũng có mặt. Hoàng gia Pháp đã mua với giá 147 kg vàng ròng thời điểm đó, dùng hai năm để vẽ kiểu, thiết kế và hai năm để chế tác viên kim cương 69 carat lớn nhất thế giới này. Người xem cũng được thưởng nhãn chiếc vòng cổ của Hoàng hậu Faiza Fuad Rauf Ai Cập (1923-1994) làm năm 1929…

Ngay cửa vào tầng hầm trưng bày, trong tủ kính đầu tiên, có một viên hồng ngọc Việt Nam lớn, có tuổi đời 32 triệu năm tìm thấy trong vỉa đá trắng tại Lục Ngạn (Yên Bái). Song hiện vật gây tiếng vang nhất, được thể hiện trang trọng trên trang bìa quảng cáo của bảo tàng, là chuỗi ngọc 23 viên được cho là của Hoàng đế Bảo Đại.

Theo lời giới thiệu, đây là những hạt ngọc trai của loài ốc có tên khoa học là Melo melo. Loài ốc này được ghi trong WORMS (World Register of Marine Species) là Melo melo-Lightfoot 1786, vốn chỉ sống trong các vùng biển nước ấm từ Phú Khánh của Việt Nam, qua Thái Lan, Campuchia và biển Philippines. Không có ở các thềm lục địa khác của Trái đất

Cận cảnh viên ngọc lớn nhất trong 23 viên ngọc Tuy nhiên ốc Melo melo cũng rất hãn hữu cho ngọc. Việc nuôi cấy để tạo ngọc theo cách làm với các loại trai biển khác để cho ra đời ngọc trai nhân tạo chưa bao giờ thành công. Bộ sưu tập có số lượng lớn, mỗi viên đều có màu ngà óng vàng, với kích cỡ khác nhau, từ nhỏ đến lớn như vậy, thì chưa từng thấy ở đâu trên thế giới. Các chuyên gia Pháp thẩm định rằng, đây là bộ sưu tập từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20 mà Hoàng đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn sở hữu.

Chỉ dẫn trong bảo tàng viết:

The 23 pearls of Emperor BẢO ĐẠI
Vietnam, 15th-20th century

BẢO ĐẠI (1913-1997) was the thirteenth and the last emperor of the Nguyễn dynasty of Vietnam. For centuries his ancestors created the world’s extraordinary collection of Melo melo. It is presented here for the first time.

Kiểm chứng về tuổi của 23 viên ngọc, được cho là bắt đầu từ thế kỷ thứ 15, tương đương giai đoạn nhà Trần và nhà Lê Trung Hưng, cho thấy chuỗi ngọc có tuổi đời 500 năm. Nó đã kinh qua những giai đoạn binh lửa của các cuộc chinh phạt Chiêm Thành, bắt đầu từ thời nhà Hồ, và sau đó là cuộc bình Chiêm 1446 rồi cuộc Chiêm phạt của vua Lê Thái Tông năm 1471…

Những báu vật của thiên nhiên này như một mùa gặt không bao giờ trở lại, trải qua thời gian năm thế kỷ đầy chiến tranh, máu lửa, phải chăng có lai lịch từ bảo vật Chiêm Thành của Chế Bồng Nga, sang tay Lê Thánh Tông, rồi Tây Sơn đến nhà Nguyễn? Hoàng đế Bảo Đại liên quan gì đến sự có mặt lần đầu tiên này của 23 viên ngọc quý tại Paris? Hẳn ông không phải là người tuồn bảo vật quốc gia đó ra nước ngoài. Thời thế không cho phép ông làm được việc đó. Trong sự quản lý quốc gia yếu kém và rối bời lúc đó, những kẻ nào đã nhanh chân rút ruột những bảo vật quốc gia? Kho báu tiền nhân của chế độ quân chủ Việt Nam đã vĩnh viễn sang tay những chủ nhân ông mới. Họ là ai, những kẻ lợi dụng chức quyền và tình trạng hỗn loạn của đất nước tẩu tán tài sản quốc gia, tuồn ra nước ngoài?

Từ câu chuyện trộm ấn vàng

Có một vụ án làm chúng ta phải suy nghĩ về giá trị thật của những bảo vật triều đình. Đây là trích đoạn trong bài Khám phá vụ trộm ấn vàng tại bảo tàng lịch sử năm 1962 mà tờ Công An Nhân Dân đăng ngày 5 Tháng Chín 2007:

Ngày 4/7/1961, khi kiểm tra các hiện vật trưng bày tại Phòng nhà Nguyễn thuộc Viện Bảo tàng lịch sử các nhân viên quản lý Bảo tàng phát hiện mất một ấn vàng có đôi rồng chạm nổi ở tay cầm và hàng chữ “Hoàng hậu Chi Bửu”, là ấn của Nam Phương Hoàng hậu, nặng 4,9kg và một âu đựng trầu thuốc bằng vàng nặng 0,5kg. Vụ mất báu vật quốc gia nói trên làm xôn xao dư luận. Vụ án sau nửa năm điều tra, tốn nhiều công sức vẫn bế tắc.

Đúng lúc đó thì Sở Công an Hà Nội nhận được tin báo: Hồi 3 giờ ngày 5/11/1962, kẻ gian đã lọt vào Viện Bảo tàng lịch sử, lấy đi một số hiện vật quý cũng thuộc di vật của triều đình nhà Nguyễn, gồm một ấn bạc mạ vàng khắc hàng chữ “Cao Đức Thái Hoàng Thái Hậu” và hai quyển kim sách cũng bằng bạc mạ vàng, một quyển khắc chữ “Bảo Long” và một quyển khắc chữ “Khải Định thập niên”

Vụ án sau một thời gian dài điều tra với bao nỗi gian truân, vất vả, có lúc tưởng hoàn toàn bế tắc, đã được làm sáng tỏ là chiến công xuất sắc của Công an Hà Nội với sự hỗ trợ đắc lực của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và Công an một số địa phương. Tất cả các đối tượng trộm cắp, chứa chấp và tiêu thụ của gian đều đã bị bắt. Ngày 3 và ngày 4/2/1964, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt Nguyễn Văn Thợi tù chung thân. 19 tên đồng bọn bị xử từ hai năm án treo đến 11 năm tù giam về các tội phá hoại di tích lịch sử, trộm cắp tài sản quốc gia và tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có……

Vụ án được coi là khép lại, tìm ra thủ phạm, được xử án “công minh”. Tuy nhiên, không ít câu hỏi không lời giải đáp ẩn chứa ngay trong một vụ án khác được nêu lên trước đó:

Một số người ở Viện Bảo tàng lịch sử, trong đó có ông Vũ Lai (còn có tên là Nguyễn Tiến Lợi), 59 tuổi, Trưởng phòng Bảo quản, sưu tầm và phục chế, đều cho rằng đây là vụ trộm nội bộ (vụ trộm do người trong Viện Bảo tàng gây ra)… Tất cả cán bộ nhân viên đã từng làm việc ở bảo tàng, nay nghỉ việc hoặc chuyển ngành và các cán bộ đang làm việc cũng được xem xét, nhưng vẫn không phát hiện được đối tượng nghi vấn. Nhưng rồi có lần bị gọi hỏi, ông Vũ Lai – Trưởng phòng Bảo quản sưu tầm và phục chế của Viện – đã khai nhận là tự mình gây ra vụ trộm ấn vàng và âu vàng của Triều đình nhà Nguyễn.

Bộ trưởng Công An Trần Quốc Hoàn “đau đáu” về vụ án, khi chưa tìm ra thủ phạm, lại có người đứng ra nhận là ăn trộm, vậy mà “mần thinh ra răng”? Bắt được mấy con tép riu thì lại cho lên báo ầm ĩ cả lên! Mất một lần mà không rào dậu, để mất thêm lần hai, báu vật còn lớn hơn. Chuyện cổ tích kể cho tuổi vỡ lòng? Có bao nhiêu phần trăm sự thật ở đây?

Một điều trớ trêu nữa liên quan kho báu triều Nguyễn không thể không nêu, là trong cuốn sách Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn (Royal treasures of the Nguyen dynasty) được xuất bản bằng hai thứ tiếng, in bằng giấy lụa, ảnh chụp kỹ thuật cao, chất lượng, giá bán đến hai triệu đồng Việt Nam, được áp triện quốc gia của Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, có hai trang ảnh chụp chiếc ấn “Hoàng hậu chi bảo”.

Chú thích trong sách ghi:

“Bạc mạ vàng. Đúc tháng Giêng, niên hiệu Bảo Đại thứ 9, 1934. Cạnh 8,65 x 8,65 cm; cao 8,66 cm; dày 2,28cm. Lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán: Phía trái “Xứng trọng kim ấn ngũ thập thất lượng” (Kim ấn nặng 57 lạng). Phía bên phải “Bảo Đại cửu niên chính nguyệt cát nhật tạo” (Đúc vào ngày lành tháng Giêng năm Bảo Đại thứ chín). Mặt ấn chạm nổi 4 chữ triện trong ô viên: Hoàng hậu chi bảo (Bảo của Hoàng hậu). Ấn được vua Bảo Đại cho đúc để ban cho Hoàng hậu Nam Phương nhân lễ cưới”.

Trong sách này còn có ảnh chiếc kiếm “An dân bảo kiếm” được mặc định như bảo vật hoàng triều. Tuy nhiên, đó là chiếc kiếm giả mà vua Bảo Đại dùng để lừa phái đoàn Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận. Khi mang sang triển lãm tại Pháp năm 2014, “An dân bảo kiếm” được trưng bày riêng với bao kiếm. Lúc ấy người xem mới thấy đó là vật vô giá trị. Giới sử học Việt Nam đã lờ tịt chuyện về hiện vật vớ vẩn này.

Còn nữa, nếu chiếc ấn bị lấy cắp (Hoàng hậu Nam Phương chỉ sở hữu một chiếc duy nhất) và sau khi “chặt phá thành từng thỏi nhỏ rồi đưa đi tiêu thụ ở Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội…” thì sao lại có thể mang ra trưng bày triển lãm không mảy may sứt một mảnh nhỏ? Vậy những gì còn lại trong Bảo tàng Việt Nam là đồ thật hay đồ giả? Tôi đến Huế, thấy trong tủ kính Hoàng thành chỉ trưng bày những ấn tỷ hoàng triều Nguyễn làm bằng… gốm!

Cuốn Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn (Royal treasures of the Nguyen dynasty) của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam

Bí ẩn nào mới thật sự là bí ẩn?

Trở lại với câu chuyện chuỗi ngọc Bảo Đại mà nhà Van Cleef & Arpels trưng bày tại Pháp năm 2021. Con số chính xác đồng vị C14 của mỗi viên ngọc cho phép giới sưu tầm xác định được nguồn gốc của báu vật kể trên. Việc một thương hiệu danh tiếng như Van Cleef & Arpels mua lại chuỗi ngọc được cho là của Hoàng đế Bảo Đại và thẩm định giá trị bộ sưu tập này đã chứng minh tuổi của bảo vật quốc gia Việt Nam không phải điệu hát à ơi.

Đi tìm xuất xứ 23 viên ngọc lịch sử hẳn nhiên có nhiều thú vị, đặc biệt là việc trả lời câu hỏi: Bằng cách nào báu vật kể trên xuất hiện ở Pháp? Căn cứ vào hành trình mất ngôi của ông vua cuối cùng triều Nguyễn, dễ nhận thấy Vua Bảo Đại không có cơ hội tẩu tán bất kỳ của cải nào của quốc gia Việt Nam khi ông rời ngai vàng. Sau khi thoái vị ngày 30 Tháng Tám 1945, trở thành công dân Vĩnh Thụy, nhà vua cùng gia đình rời điện Kiến Trung ra ở cung An Định (vốn là tài sản riêng do vua Khải Định mua)

.

Ấn “Hoàng hậu chi bảo” đã bị “chặt phá thành từng thỏi nhỏ rồi đưa đi tiêu thụ…” sao lại còn nguyên vẹn thế này trong hình chụp trong cuốn Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn?

10 giờ sáng ngày 31 Tháng Tám, Tôn Quang Phiệt – lãnh tụ Việt Minh tại Huế – đã đến gặp ông Phạm Khắc Hòe đang dọn dẹp rời văn phòng Ngự tiền Đổng lý, chức vụ cũ của ông dưới thời vua, và đưa ra công điện của Hà Nội: “Chính phủ lâm thời mời ông Vĩnh Thụy ra làm Tối cao cố vấn và sắp xếp đưa cố vấn ra Hà Nội càng sớm càng tốt”, rồi cùng vào gặp vua Bảo Đại để ép lên đường (Hồi ký chính trị Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc – Phạm Khắc Hòe, NXB Hà Nội, trang 80).

Tám giờ tối cùng ngày, Việt Minh ấn định cuộc hành trình sẽ có tám người, trong đó có ông Lê Văn Hiến-Bộ trưởng Lao động trong chính phủ lâm thời; hai Thanh niên tiền tuyến phía Việt Minh là Hoàng Xuân Bình và Nguyễn Thế Lương; cùng ông Phạm Khắc Hòe sau làm việc trong Bộ Nội vụ; và hai lái xe. Yêu cầu của Vua Bảo Đại được mang theo hoàng thân Vĩnh Cẩn, người gắn bó với vua, từ khi học ở Pháp, đã bị gạt đi. Chỉ thị ra Hà Nội được chính ông Hòe vào gặp và báo cho nhà vua lúc 7 giờ sáng ngày 1 Tháng Chín 1945, lúc đang dọn đồ ra nhà mẹ ở An Cựu (sđd, trang 82). Nói cách khác, nhà vua bị dồn không kịp thở ngay sau ngày thoái vị 30 Tháng Tám 1945.



Ảnh in trong sách Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn đặc tả chi tiết ấn “Hoàng hậu chi bảo”

Tóm lại, khi được “áp giải” ra Hà Nội, Vua Bảo Đại chỉ đi với hai bàn tay trắng, chẳng mang theo của cải hoàng gia nào cả, không mang được “cục vàng” hay châu báu nào hết. Xin đừng quên rằng nhà vua khi ở Hà Nội còn không đủ tiền chi tiêu cá nhân!

Nói cách khác, nhà vua hoàn toàn “rỗng túi”. Thế nhưng cùng lúc, bao nhiêu tài sản nhà vua cũng tự nhiên mọc cánh mà bay! Ai “trộm” chúng, trong đó có chuỗi ngọc? Cái gọi là “bí ẩn” của 23 viên ngọc nằm ở chỗ nào? Bí ẩn lớn nhất chính là câu hỏi lớn nhất: Chúng đã được ai mang ra nước ngoài, đến Pháp như thế nào, ai có thẩm quyền mang đi? Đường dây “bí ẩn” nào “nhét chúng vào túi” mang đi mà không bị “phát hiện”? Cùng với những viên ngọc, còn bao nhiêu cổ vật và tài sản triều đình nhà Nguyễn cũng được “bí ẩn” tuồn đi? Liệu có thể xảy ra chuyện một số cổ vật và tài sản triều đình nhà Nguyễn đã bị đánh tráo để mang ra nước ngoài một cách có hệ thống và được thay bằng hàng giả để trưng bày?“An dân bảo kiếm” (ảnh chụp từ quyển Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn)

Ai biết được giá trị những cổ vật có một không hai trên thế giới để mời chào một thương hiệu cũng độc nhất vô nhị như Van Cleef & Arpels? Những kẻ này hiển nhiên phải rất sành ngón chơi, có quyền thế mới tiếp cận và hoàn thành chuyện buôn bán với các hãng danh tiếng. Các thương hiệu kim hoàn lớn để giữ uy tín không bao giờ mua đồ không có nguồn gốc, rẻ như cho không cũng không màng, đừng nói là kẻ ất ơ xách túi đồ chôm chỉa bước vào tiệm lớn mà được trải thảm đỏ. Vậy thế lực nào đứng ra bảo kê để việc buôn bán trót lọt, để hôm nay, giữa Paris này, tôi được chiêm ngưỡng một báu vật chìm sâu trong nỗi đau đớn lưu lạc xứ người?

Làm con dân Việt Nam quá thiệt thòi. Sự thật không dành cho mọi người. Mỗi một chuyện năm 1945 nhận được những gì, làm mất những gì từ Hoàng gia nhà Nguyễn mà một danh sách cũng không lập nổi. Sự mập mờ đó phục vụ cho ai, thế lực nào? Một dân tộc có quá khứ oai hùng đang bị moi rỗng ruột và bị lừa gạt. Nói ra sự thật không bao giờ dễ dàng cả. Càng không dễ nói ra sự thật này, khi phải xới lên nặng trĩu những ngu xuẩn và tăm tối từ các cuộc bể dâu khiến nhiều bảo vật quốc gia đã và đang thất thoát một cách có hệ thống, với những chuyện lường gạt được nhào nặn ra cốt để phục vụ cho lợi ích những kẻ giấu mặt.

Bài và ảnh: Phạm Cao Phong, Paris

Không có nhận xét nào: