Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

Những bài thơ hay của Nguyễn Bính, một nhà thơ chân quê


Nguyễn Bính là nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ Mới với đặc trưng những bài thơ tình mang sắc thái mộc mạc, chân quê. Nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1996) tên thật là Nguyễn Trọng Bính, quê huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông có người anh trai Nguyễn Mạnh Phác, nhà viết kịch với bút danh Trúc Đường, dạy học tại một trường tư thục ở Hà Đông.Thời thiếu niên, Trúc Đường đón Nguyễn Bính lên và truyền đạt cho ông về văn học Pháp. Cuộc đời Nguyễn Bính gắn bó với anh trai cả về văn chương và đời sống. Bài thơ đầu tiên được đăng báo của Nguyễn Bính là Cô hái mơ. Năm 1937, ông gửi tập thơ Tâm hồn tôi tới dự thi và được giải khuyến khích của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
<!>
Chân quê nằm trong tập Tâm hồn tôi (1937), được nhiều nhà phê bình đánh giá là bài thơ tiêu biểu về hồn quê của Nguyễn Bính. Bài thơ chất chứa niềm lo âu, day dứt, dự cảm của tác giả về những đổi thay nhanh chóng, làm mất đi sắc quê hương.

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh, trong tuyển tập Thi nhân Việt Nam nhận xét về thơ Nguyễn Bính: "Giá Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô số những nhà thông thái nghiên cứu.

...Tiếc thay Nguyễn Bính lại không phải là người thời xưa! Cái đẹp kín đáo của những vần thơ Nguyễn Bính tuy cảm được một số đông công chúng mộc mạc, khó lọt vào con mắt các nhà thông thái thời nay.

Tình cờ có đọc thơ Nguyễn Bính họ sẽ bảo: Thơ như thế này thì có gì. Họ có ngờ đâu đã bỏ rơi một điều mà người ta không thể hiểu được bằng lý trí, một điều quý vô ngần: Hồn xưa của đất nước. Kể, một phần cũng là lỗi thi nhân. Ai bảo người không nhà quê hẳn? Người đã biết trách người gái quê:

Hoa chanh nở ở vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng, gió nội bay đi ít nhiều.

Thế mà chính người cũng đã "đi tỉnh" nhiều lắm. Dấu thị thành chẳng những người mang trên quần áo, nó còn in vào tận trong hồn".

Bài thơ Chân quê được nhạc sĩ Trung Đức phổ nhạc thành bài hát cùng tên, quen thuộc với nhiều thế hệ thính giả.

Từ năm 1940, Nguyễn Bính bắt đầu nổi tiếng với số lượng thơ khá dày, đề tài phong phú, trong đó chủ yếu là thơ tình. Tương tư in trong tập Lỡ bước sang ngang, xuất bản năm 1940 tại Hà Nội. Tập thơ gây tiếng vang, làm dấy lên phong trào thuộc thơ, yêu thơ Nguyễn Bính của độc giả ngày ấy.

Bài thơ là tâm trạng khắc khoải chờ mong chàng trai yêu đơn phương. Mối tương tư ấy được đặt vào khung cảnh nông thôn với dáng dấp một mối tình chân chất trong ca dao, mang hương vị đồng quê mộc mạc.

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nay đã thành cây lá vàng.

Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...

Nhà phê bình Văn Tâm trong sách Giảng văn văn học Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, 1998) cho rằng, độc giả tìm đến thơ tình Nguyễn Bính bởi tìm được những bài thơ mang tình tứ gần gũi với tâm hồn, tính cách người Việt, được thể hiện bởi một ngữ điệu thân quen: Giọng ca dao dân ca. Trong bài Tương tư, đó là thể thơ lục bát xưa dịu ngọt giàu tính nhạc, vần phong phú, lối đan chữ (chín nhớ mười mong), kiểu suy tư vật thể hóa (lá xanh nay đã thành cây lá vàng), những từ có vùng mờ ngữ nghĩa.

Những câu thơ này nằm trong bài Xuân về, trích trong tập thơ Tâm hồn tôi (1937), là một bức tranh quê vào mùa xuân. Con người và cảnh sắc nông thôn đã được thi vị hóa qua một hồn thơ lãng mạn tài hoa.

Đã thấy xuân về với gió đông,
Với trên màu má gái chưa chồng.
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời, đôi mắt trong.

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe,
Mưa tạnh giời quang, nắng mới hoe.
Lá nõn, nhành non ai tráng bạc?
Gió về từng trận, gió bay đi...

Thong thả, dân gian nghỉ việc đồng,
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng,
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.

Trên đường cát mịn, một đôi cô,
Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,
Tay lần tràng hạt miệng nam vô.

Trong bài viết "Đóng góp của thơ Nguyễn Bính" tháng 7/1989, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng: Nguyễn Bính yêu thôn quê một cách kỳ lạ, cái tình yêu làm cho thơ anh, ở những câu thơ bình dị nhất vẫn có sức lôi cuốn, cái duyên xao động lòng người.

Dưới mắt anh, những cảnh sắc thông thường ở thôn quê cũng rất gợi cảm, đâu chỉ ánh trăng mới đẹp, mà cảnh mưa phùn gió bấc, hoa xoan, đường lầy hay nắng trưa hè vẫn làm ta xúc động, nhớ thương. Đó là tài năng của anh. Giọng anh cất lên, người ta nhận ra ngay hình bóng quê hương làng mạc.


Bài thơ Người hàng xóm trích trong tập Tâm hồn tôi (1940):

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.

Giá đừng có giậu mùng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Có con bướm trắng thường sang bên này...

Bướm ơi, bướm hãy vào đây
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi
Chả bao giờ thấy nàng cười
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên

Mắt nàng đăm đắm trông lên
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi
Tôi buồn tự hỏi: hay tôi yêu nàng ?

...Bên hiên vẫn vắng bóng nàng
Rưng rưng tôi gục xuống bàn rưng rưng
Nhớ con bướm trắng lạ lùng
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng

Hỡi ơi bướm trắng tơ vàng
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi
Đêm qua nàng đã chết rồi
Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng

Hồn trinh còn ở trần gian
Nhập về bướm trắng mà sang bên này.

Bài thơ là mối tình lãng mạn, đằm thắm, xen lẫn tiếc nuối của chàng trai tuổi đôi mươi. Tác phẩm khép lại như tấm màn sân khấu kéo xuống, khép lại một vở kịch thơ với nhân vật "tôi", "nàng" và chứng nhân là "con bướm trắng". Trong đó, chỉ có nhân vật "tôi" độc thoại với chính mình, cũng là người duy nhất còn tồn tại trong một kết thúc nửa thực, nửa mơ.

Trước năm 1945, Nguyễn Bính còn có nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng như: Những bóng người trên sân ga (1937), Cô hái mơ (1939), Lỡ bước sang ngang (1940), Hương cố nhân (1941)...


Nguyễn Bính vào quân đội năm 1945 và hoạt động ở Nam Bộ. Lúc đầu ông phụ trách Đoàn Văn hóa cứu quốc của tỉnh Rạch Giá, sau chuyển về Ban Tuyên huấn Khu 8.

Bài thơ Cửu Long Giang xuất hiện lần đầu năm 1950, đăng gần hai trang báo Tổ Quốc của Khu 8 khi nhà thơ Nguyễn Bính đang là cán bộ tuyên truyền tại đơn vị này. Bài thơ nhanh chóng chiếm được cảm tình của chiến sĩ. Sau khi được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc trở thành bài hát Tiểu đoàn 307, bộ đội ở đồng bằng sông Cửu Long lấy đây làm "bài hát ruột".

Tiểu đoàn 307 là đơn vị chủ lực cơ động đầu tiên tại Nam Bộ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Tiểu đoàn được thành lập năm 1948 tại vùng căn cứ Đồng Tháp Mười gồm lực lượng của Khu 8 và một bộ phận quan trọng của Trung đoàn 99 Bến Tre hợp thành.

Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang
Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy
Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn
Tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy
Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy
Cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng:
Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi.

Năm 1954, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, về công tác tại Nhà xuất bản Văn nghệ, sau đó làm chủ bút báo Trăm hoa. Ngoài thơ, ông còn sáng tác một số vở chèo, trong đó nổi bật nhất là Cô Son (năm 1961). Nguyễn Bính mất năm 1996 tại Nam Định

Không có nhận xét nào: