Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Những lò đào tạo ca sĩ của một thời Sài Gòn đáng nhớ đáng yêu - Trúc Giang MN

Miền Nam trước năm 1975 là vùng đất màu mỡ, phì nhiêu cho cây tự do đơm hoa kết trái. Văn nghệ và âm nhạc cũng do đó là phát triển với muôn màu, muôn sắc vô cùng rực rỡ. Có thể nói nền tân nhạc Việt Nam nầy là thời kỳ cường thịnh nhất lịch sử. Môi trường văn nghệ mở rộng, là nơi để tuổi trẻ phát triển năng khiếu và tranh đua thi thố tài năng âm nhạc. Nhạc sĩ nổ lực sáng tác vì được tự do diễn đạt cảm xúc của người nghệ sĩ. Nhưng điều quan quan trọng nhất là người dân miền Nam, đủ ăn đủ mặc, sẵn còn cái tâm trạng để thưởng thức âm nhạc qua các đài phát thanh, phát hình, đại nhạc hội, phòng trà ca nhạc và vũ trường. Các trung tâm băng, dĩa cũng góp phần truyền tải âm nhạc đến quần chúng
<!>

. 
Cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ, món ăn tinh thần không thể thiếu. Âm nhạc lên ngôi.

Âm nhạc lớn mạnh kéo theo các lò đào tạo ca sĩ, các lớp nhạc, cung ứng tài năng âm nhạc cho miền Nam. Sau năm 1975 nền âm nhạc đó đã được hồi sinh tại hải ngoại với những trung tâm tổ chức trình diễn và sản xuất băng, dĩa nhạc như Trung Tâm Asia, Thúy Nga Paris, Vân Sơn và nhiều trung tâm khác.

Các lò đào tạo ca sĩ trước 1975

Trước năm 1975 các ca sĩ thành danh xuất thân từ các lò đào tạo, từ các phòng trà ca nhạc, vũ trường, phong trào văn nghệ học đường, phong trào nhạc trẻ, các đoàn văn nghệ của Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị.

Lò nhạc có nhiều môi trường để lăng xê đệ tử của mình, nổi tiếng nhất là lò Nguyễn Đức, đã đào tạo nhiều ca sĩ thành danh trong làng nhạc Việt Nam. Kế đến còn có các lò nhạc như Tùng Lâm, Duy Khánh, Bảo Thu, Hoàng Thi Thơ, Nguyễn Văn Đông…

Lò nhạc Nguyễn Đức với các ca sĩ tên Phương

Nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đào tạo nhiều ca sĩ thành danh nhất trước 1975. Một lô ca sĩ tên Phương gồm Phương Hồng Loan, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc (tức Cẩm Hồng, vợ kịch sũ Ngọc Đức) là những họ Phương trước 1975 và Phương Diễm Hạnh (1999 ở Canada). Trước đó có Hoàng Oanh, Kim Loan và Thanh Lan, hai danh hài Thanh Hoài và Trần Tỷ. Nguyễn Đức còn đào tạo xướng ngôn viên cho đài phát thanh và truyền hình gồm có Bạch Yến, Xuân Kiều, Phương Hồng Trinh.

Lò nhạc nào cũng có môi trường để lăng xê đệ tử của mình trước công chúng. Nhạc sĩ Nguyễn Đức có hai chương trình trên đài truyền hình và hai chương trình ở đài phát thanh để đánh bóng đệ tử của mình. Đài truyền hình số 9 có Ban Thiếu Nhi Sao Băng với 40 thiếu nhi, và Chương Trình Ban Gia Đình Văn Nghệ Nguyễn Đức. Ở đài phát thanh có Ban Việt Nhi và Ban ABC.

Hơn nửa thế kỷ đào tạo ca sĩ từ trong nước ra tới hải ngoại, với bàn tay phù thủy nhạc sĩ Nguyễn Đức đã biến những thiếu nhi trong ban Việt Nhi và ban Thiếu Nhi Sao Băng trở thành những ca sĩ nổi tiếng hiện nay. Ra hải ngoại năm 1991, định cư ở Toronto,
 
Canada. Về Việt Nam nhạc sĩ Nguyễn Đức mất tại Sài Gòn ngày 25/5/2015. Thọ 86 tuổi.

Lò nhạc Tùng Lâm

– Liên kết Tùng Lâm, Bảo Thu và Duy Khánh : Lò nhạc Tùng Lâm giới thiệu Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến, Trang Mỹ Dung rồi Chế Linh, Giang Tử. Riêng Trang Mỹ Dung là tên do gia đình đặt ra. Quái kiệt Tùng Lâm tuy có môi trường lăng xê ca sĩ là Đại nhạc hội và Ban Tạp Lục trên đài truyền hình, nhưng vì Tùng Lâm mù tịt về việc đào tạo thanh âm nên phải liên kêt với lớp nhạc Bảo Thu và Duy Khánh.


Việc liên kết nầy tạo ra cơn sốt đối với các lò nhạc khác vì có đầy đủ môi trường để mầm non trẻ phát triển tài năng. Tùng Lâm có chương trình đại nhạc hội, Bảo Thu có chương trình truyền hình và lớp nhạc dạy thanh âm và nghệ thuật trình diễn. Chế Linh thuộc lò Tùng Lâm nhưng được Duy Khánh đào tạo thành danh đến ngày hôm nay.

– Câu chuyện về Tùng Lâm và Chế Linh : Tác giả Nguyễn Việt kể lại. Sáng chủ nhật đại nhạc hội hôm đó tại rạp Olympic, một anh chàng da ngâm đen, tóc quăn vào tận
bên trong hậu trường gặp ông bầu Tùng Lâm để xin hát. Tùng Lâm quyết liệt từ chối. Thế rồi những chủ nhật sau đó, anh ta không bỏ cuộc. Cuối cùng Tùng Lâm phải chịu thua trước cái lì lợm của anh ta. Cho lên hát thử mà không có tiền “cát sê” (Cachet-Pháp). Được giới thiệu tên Chế Linh, hát một bản của Duy Khánh. Bài hát chấm dứt. Hoàng loạt tiếng vỗ tay nhiệt liệt không ngừng ở hàng ghế khán giả. Những tiếng hét bis, bis.
 

Sau đó mới biết khán giả đó là những người đồng hương họ Chế mà Chế Linh mua vé cho họ vào xem và chờ đúng cái dịp ngày hôm đó để vỗ tay, hô bis!, bis!. Tuy Chế Linh thuộc lò Tùng Lâm nhưng ông bầu đại nhạc hội nầy không biết về thanh âm nên mới liên kết với Duy Khánh, Bảo Thu để rèn luyện ca sĩ.

Những ca sĩ thành danh từ các phòng trà, vũ trường

– Nở rộ phòng trà ca nhạc và vũ trường : Năm 1963 phòng trà ca nhạc nở rộ ở Sài Gòn. Chỉ riêng quận 1 đã có mấy chục phòng trà và vũ trường: Maxim’s, Tự Do, Queen Bee, Đêm Màu Hồng, Orchalet, Rex, Continental, Jo Marcel, Thanh Thế, Kim Sơn, Olympia, Văn Cảnh, Tháp ngà, Ritz, Baccara, Macabane, Anh Vũ, Mỹ Phụng, Bồng Lai, Melody,…Khách đến đó vừa nghe nhạc vừa khiêu vũ.


– Những ca sĩ nổi bật của phòng trà và vũ trường : Đó là thời điểm của Lệ Thu, Elvis Phương, Nhật Trường, Thanh Lan, Carol Kim, Ngọc Minh, Lan Ngọc, Hồng Vân, Connie Kim, Cathy Huệ, Julie Quang… Phòng trà Anh Vũ ra đời khoảng năm 1957 ở đường Bùi Viện. Lớp ca sĩ đầu tiên được biết đến như danh ca Duy Khánh, Việt Ấn, Nhật Thiên Lan, Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu.
 

Ca sĩ Việt Ấn để lại trong lòng khán giả với bản Hận Đồ Bàn làm say mê người nghe.Cũng tại Anh Vũ, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lần đầu tiên đệm dương cầm cho Thanh Thúy hát bài Ướt Mi của Trịnh Công Sơn. Dấu ấn sâu đậm còn in lại trong lòng công chúng là hàng đêm Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long (Hoài Trung, Hoài Bắc) được đánh giá là “Tiếng hát vượt thời gian”.
Thời đó, ca sĩ Sài Gòn được chia làm hai nhóm : một nhóm chuyên hát phòng trà và vũ trường, nhóm kia thường xuất hiện trong các đại nhạc hội hoặc trong những chương trình lưu diễn các tỉnh như : Túy Phượng, Hùng Cường & Mai Lệ Huyền, Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Hồng Quế…


Trong tất cả các ca sĩ, Thái Thanh luôn được gọi là con chim đầu đàn, “Tiếng Hát Vượt Thời Gian”.

Những lớp nhạc đào tạo ca sĩ

– Lớp nhạc Nguyễn Văn Đông : Năm 1963, Nguyễn Văn Đông là Trưởng Ban Tiếng Thời Gian của đài phát thanh Sài Gòn. Ban nhạc gồm có: Lệ Thanh, Khánh Ngọc, Trần Văn Trạch, Minh Diệu, Mạnh Phát, Thu Hồ, Anh Ngọc…


Thành lập hãng dĩa Continental và Sơn Ca. Năm 1960, Nguyễn Văn
Đông và người bạn tên Huỳnh Văn Tứ, một doanh nhân có tiếng ở Sài Gòn, thành lập hãng dĩa chú trọng về tân nhạc và sân khấu cải lương. Sản xuất những album riêng cho từng cá nhân. Lệ Thu Sơn Ca 9. Thái Thanh và Ban Thăng Long với tên Sơn Ca 10. Tiếp theo là những dĩa Hà Thanh, Phương Dung, Thanh Tuyền, Giao Linh…

Nguyễn Văn Đông thu nhận Giao Linh, Thanh Tuyền và Sơn Tuyền (em Thanh Tuyền) làm học trò. Giao Linh nổi tiếng là “Nữ Hoàng Sầu Mộng”. Thanh Tuyền là “Nữ Hoàng Bolero”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sáng tác những ca khúc nổi tiếng như: Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ, Tình Khúc Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Lá Thư Người Lính Chiến, Phiên Gác Đêm Xuân, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giả Biệt…

Nguyễn Văn Đông mang cấp bậc đại tá phục vụ tại Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Bị tù cải tạo 10 năm. Đủ điều kiện để được thu nhận vào chương trình HO nhưng vì sức khỏe quá yếu do nhiều chứng bịnh, nên ở lại Sài Gòn chờ… thế nhưng vẫn còn sống đến hiện nay.

Những lớp nhạc Hoàng Thi Thơ, Bảo Thu và Duy Khánh

– Lớp nhạc Hoàng Thi Thơ : Hoàng Thi Thơ đào tạo ba ca sĩ nổi tiếng là Sơn Ca, Họa Mi và Bùi Thiện.

Sáng tác trên 500 bản nhạc về quê hương, dân ca nổi tiếng nhất là những bản: Chuyện Tình La Lan, Nổi Buồn Châu Pha, Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi, Rước Tình Về Quê Hương, Tà Áo Cưới, Đường Xưa Lối Cũ, Trăng Rụng Xuống Cầu, Gạo Trắng Trăng Thanh, Đám Cưới Trên Đường Quê, Duyên Quê, Ta Với Mình…

 

Năm 1957, Hoàng Thi Thơ tổ chức nhiều đại nhạc hội ở rạp Thống Nhất Năm 1961, thành lập Đoàn Văn Nghệ Việt Nam với hơn 100 nghệ sĩ có tên tuổi đi lưu diễn qua nhiều quốc gia Châu Á và nhiều thành phố lớn như : Vạn Tượng, Hồng Kong, Đài Bắc, Tokyo, Bangkok, Singapore, Sénégal, Paris, London, và nhiều nơi ở Hoa Kỳ.

Năm 1967, thành lập Đoàn Văn Nghệ Maxim gồm 70 diễn viên ca-vũ-nhạc-kịch tại nhà hàng Maxim’s.
– Lớp nhạc Duy Khánh : Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp sinh năm 1936 tại Quảng Trị. Là ca sĩ có giọng ca đặc biệt. Khi ở chung cư đường Trần Hưng Đạo, Duy Khánh mở lớp dạy thanh nhạc cho học trò 12, 13 tuổi. Duy Khánh hướng dẫn Chế Linh, Lâm Gia Minh, Trường Vũ trở thành những ca sĩ chuyên nghiệp.



Bản nhạc tiêu biểu của Duy Khánh là những bài: Xuân Nầy Con Không Về, Ai Ra Xứ Huế, Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê, và 40 bài hát: Thương Về Miền Trung, Bao Giờ Em Quên, Biết Trả Lời Sao, Đêm Bơ Vơ, Lối Về Đất Mẹ, Sao Không Thấy Anh Về, Sầu Cố Đô, Thư Về Em Gái Thành Đô… Duy Khánh mất ngày 12-2-2003 tại Quận Cam, Cali.

– Lớp nhạc Bảo Thu : Bảo Thu tên thật là Nguyễn Trung Khuyến (cũng là tên khi biêu diễn và dạy ảo thuật), sinh ngày 19/12/1944 tại Sài Gòn. Hai học trò nổi bật nhất là Thanh Tâm (vợ ông) và Thanh Mai. Ông sáng tác trên 50 bản nhạc như : Giọng Ca Dĩ Vãng, Cho Tôi Được Một Lần, Đừng Hỏi Vì Sao Tôi Buồn, Nếu Xuân Nầy Vắng Anh, Hoa Tình Thương, Em Đâu Rồi…

Bảo Thu còn là ảo thuật gia danh hiệu Nguyễn Khuyến, có bằng Tiến Sĩ Ảo Thuật do Hiệp Hội Ảo Thuật Quốc Tế trao tặng. Màn đặc biệt là hóa con thỏ thành chim bồ câu…

– Những biệt danh của các ca sĩ : “Nữ Hoàng Sầu Mộng” với Giao Linh. “Nữ Hoàng Bolero” Thanh Tuyền. “Tiếng Hát Khói Sương”, “Tiếng Hát Liêu Trai”, “Tiếng Hát Lúc Không Giờ” của Thanh Thúy. “Giọng Ca Tủ Lạnh” của Mai Lệ Huyền. Còn có biệt danh là “Cúc Lủi” vì khi hát cứ lủi ra phía trước. Tên thật của Mai Lệ Huyền là Nguyễn Thu Cúc, sinh năm 1946 tại Lào. Cô mang hai dòng máu Việt Lào. Lớn lên ở Bình Long.


Với giọng khàn khàn nhún nhẩy trong các bản nhạc Twist, Agogo gây không khí náo nhiệt mỗi khi cặp Hùng Cường & Mai Lệ Huyền đứng trên sân khấu.

Nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh, Lâm Đệ, Nhật Ngân) sáng tác một loạt các bản nhạc kích động cho cặp đôi nầy. Các bản như : Gặp Nhau Trên Phố, Vòng Hoa Yêu Thương, Hai Trái Tim Vàng, Mắt Xanh Con Gái, Làm Quen Với Lính.

Các nhạc sĩ khác gồm Khánh Băng, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Tuấn Lê, Giao Tiên,cũng viết riêng cho Mai Lệ Huyền & Hùng Cường những ca khúc : Say, Lính Dù lên điểm, Người Lính Chung Tình, Ghét Anh Lắm, Thiên Duyên Tiền Định, Túp Lều Lý Tưởng, Xây Nhà Bên Suối, Hờn Anh Giận Em

 

– Mối tình đơn phương mang xuống tuyền đài chưa tan : Chàng nhạc sĩ ở tuổi ba mươi,
dang dở mối tình đầu với cô học trò con nhà giàu có, Trúc Phương đã rời Trà Vinh lên thủ đô Sài Gòn. Một lần nữa, hình ảnh của ca sĩ Thanh Thúy đã dẫm lên con tim đau khổ của chàng nhạc sĩ đam mê sáng tác. Thanh Thúy nổi danh, được yêu thích qua những ca khúc của Trúc Phương.

Tâm trạng, nổi lòng của người mang tình yêu đơn phương vẫn còn vang vọng qua những bản nhạc: Chuyện Chúng Mình, Hai Lối Mộng, Ai Cho Tôi Tình Yêu, Chiều Cuối Tuần, Buồn Trong Kỷ Niệm, Bóng Nhỏ Đường Chiều, Tàu Đêm Năm Cũ, Hình Bóng Cũ.

Với Trúc Phương, duyên nợ bẽ bàng nhưng mối giao cảm vẫn còn cao đẹp. Hình ảnh Thanh Thúy vẫn trọn vẹn trong tim Trúc Phương. Tiếng hát Thanh Thúy chơi vơi trên đỉnh non cao, trái tim rướm máu của Trúc Phương đi dần xuống vực thẳm. Trúc Phương từ trần ngày 18-9-1995.


Được tin Trúc Phương vĩnh biệt trần gian, Thanh Thúy viết : – “Anh Trúc Phương, một ngôi sao sáng của vòm trời âm nhạc Việt Nam vừa vụt tắt. Tin anh qua đời đến với tôi quá đột ngột. Tôi đã bàng hoàng xúc động với sự mất mát lớn lao nầy. Anh và tôi không hẹn nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi anh và tôi gắn liền nhau: nhạc Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy…

“Đường đời đã chia đôi chúng tôi ra hai ngã, hai hướng đi. Tôi đã giã từ sân khấu, giã từ lời ca tiếng nhạc, theo chồng đi đến những phương trời xa. Còn anh vào quân ngũ và tiếp tục hăng say sáng tác, hầu hết những nhạc phẩm đều nói về cuộc đời người lính phong sương, xa nhà, xa thành phố, xa người em nhỏ hậu phương…

“Rồi lại thêm một lần cuộc đời lại chia đôi chúng tôi đôi ngã : Anh kẹt lại quê nhà, tôi sống đời lưu vong…” (TGNS, tháng 2-1996).

Nhận xét về Thanh Thúy, nhà văn Hồ Trường An viết: “Thanh Thúy là nghệ sĩ có tư cách, có phẩm hạnh. Cô không gây ngộ nhận nào cho nhóm ký giả ưa săn tin giật gân… Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng thuở xa xưa thì Thanh Thúy, Lệ Thanh và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền. Ở chót vót đỉnh danh vọng mà Thanh Thúy không hề nói một lời kiêu căng hay một lời làm thương tổn tha nhân, không hề bôi bẩn kẻ vắng mặt, 


không khoe khoang thành tích của mình khi tiếp xúc với báo chí”. Nhìn lại cuộc đời nghệ sĩ, Thanh Thúy được ái mộ từ nghệ thuật đến nhân cách.

Kết luận

Âm nhạc Miền Nam đã có một thời phồn thịnh. Phát triển nhanh. Sở thích của quần chúng khiến cho âm nhạc trở nên đa dạng, mang nhiều màu sắc riêng biệt cho tầng lớp khán thính giả khác nhau. “Lò nhạc” “sản xuất” ca sĩ nổi tiếng nhất là lò Nguyễn Đức với các ca sĩ tên Phương đã thành danh. Các trung tâm sản xuất băng, dĩa nhạc cũng đã góp phần phổ biến âm nhạc đến quảng đại quần chúng. (theo Trúc Giang – Minnesota 6-2-2017)

Đón xem : cùng một bài viết của Trúc Giang : nói về Thanh Thúy & Thanh Lan

Nguyễn Toàn chuyển tiếp

Không có nhận xét nào: