Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Đại Tướng Trần Thiện Khiêm. - Ngô Nhân Dụng

 

GARDEN GROVE (VB) – Cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm đã qua đời vào ngày 24 tháng 6 năm 2021 tại Miền Nam California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 95 tuổi, theo thông báo của Cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc tức nhà báo Giao Chỉ tại San Jose cho biết hôm Thứ Năm, 24 tháng 6 năm 2021.Nhà báo Giao Chỉ cho biết thêm rằng, “Tại miền Bắc California sẽ có nhiều thân hữu xuống dự đám tang. Sẽ có lễ tưởng niệm tổ chức 1 tuần lễ sau tại San Jose.” Theo tài liệu được đăng trên trang mạng https://www.wikiwand.com, Trần Thiện Khiêm (sinh năm 1925) nguyên là một tướng lĩnh Bộ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cấp bậc Đại Tướng. Ông xuất thân từ khóa đầu tiên ở Trường Võ Bị Liên Quân Viễn Đông do Quân đội Pháp mở ra tại Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam. 

<!> 

Mặc dù chuyên môn quân sự của ông là Bộ Binh, nhưng khi còn là sĩ quan trung cấp, ông ít phải chỉ huy đơn vị tác chiến mà được cử giữ những chức vụ liên quan đến lãnh vực Tham Mưu. Sau lên đến sĩ quan cao cấp, ông được cử chỉ huy đơn vị cấp Sư Đoàn một thời gian ngắn.

Ông từng là tướng lĩnh giữ vai trò quan trọng trong các cuộc Đảo chính Quân sự tại Việt Nam Cộng Hòa trong những năm 1963-1964. Sau đó ông được đảm trách những chức vụ cao trong Quân đội như: Tư Lệnh Quân Đoàn, Tham Mưu Trưởng rồi Tổng Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu.

Là một trong số ít sĩ quan được thăng cấp tướng ở thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa (Thiếu Tướng năm 1962) và là một trong 5 sĩ quan được phong cấp Đại Tướng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông còn là một chính khách và là người giữ chức vụ đứng đầu Bộ Quốc Phòng và Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa trong thời gian lâu nhất.

Hiện tại, ông là tướng lĩnh cao cấp nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn sống và cũng là tướng lĩnh có tuổi thọ cao thứ hai sau Đề Đốc Trần Văn Chơn.

Cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm đã cùng với cựu Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu rời khỏi Việt Nam vào chiều tối ngày 25 tháng 4 năm 1975 để đến Đài Loan. Sau đó ông đã được định cư tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.

*
Xem thêm tiểu sử của Trần Thiện Khiêm trong link Wikipedia sau đây:
Nhiều người nghe tin Đại tướng Trần Thiện Khiêm qua đời mới nhớ đến ông, biết ông đã sống thọ gần 100 tuổi. Cả đời ông sống đã kín đáo như vậy, mặc dù đã giữ nhiều chức vụ lãnh đạo ở miền Nam Việt Nam, từ 1963 đến 1975. Có lúc ông ngồi trong “Tam Đầu Chế” (troika) nắm quyền cao nhất nước, gồm Nguyễn Khánh, Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm. Sau lại làm thủ tướng với ông Nguyễn Văn Thiệu một thời gian rất dài. Sau 1975 ông Trần Thiện Khiêm cũng sống bình lặng, chỉ thấy ông xuất hiện một lần năm 2013, đi với Đề đốc Trần Văn Chơn và Tướng Nguyễn Khắc Bình thăm Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa ở San Jose.
 
Tình cờ tôi mới đọc mấy câu chuyện về Đại tướng Trần Thiện Khiêm trong một cuốn sách mới xuất bản viết về Việt Nam Cộng Hòa của George J. Veith, do bạn Trịnh Bình An gửi tặng. Đây là một cuốn sách ra rất trễ, nhưng có nhiều chuyện chưa ai kể về thời Đệ Nhị Cộng Hòa .
 
Chẳng hạn, về Đại tướng Trần Thiện Khiêm, George Veith cho biết ông Khiêm đã từng vào bưng theo “kháng chiến” năm 1947, với ba người bạn cùng tốt nghiệp trường huấn luyện quân sự của Pháp ở Đà Lạt. Chỉ bốn tháng sau, biết rõ Việt Minh là cộng sản, ông đã bỏ về. Ông Nguyễn Khánh đi kháng chiến lâu hơn, một năm mới từ giã cộng sản. Ông Nguyễn Văn Thiệu trải qua kinh nghiệm như ông Khiêm. George Veith kể rằng tay cán bộ cộng sản tiếp đón những nhóm Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm khi họ vào bưng, là Phạm Ngọc Thảo, một trùm gián điệp cộng sản. Theo lời Võ Văn Kiệt, năm 1954 chính Lê Duẩn ra lệnh Phạm Ngọc Thảo ở lại nằm vùng. Thảo về thành, bám áo Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục để tìm đường leo lên; từ năm 1963 đã xúi dục mấy vụ đảo chính để gây rối loạn.
 
George Veith mới xuất bản cuốn “ Drawn Swords in a Distant Land” cung cấp nhiều chuyện hậu trường thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Ông đã in cuốn “Tháng Tư Đen” về những ngày cuối cùng cùa chiến tranh Việt Nam, sau hai cuốn viết về việc tìm kiếm binh sĩ Mỹ mất tích. Phải là một người “không sợ súng,” mới viết thêm một cuốn sách về đề tài “quá cũ” đó.
George Veith không có “nợ nần” gì với Việt Nam; khi đến tuổi “quân dịch” thì cuộc chiến đã chấm dứt. Có máu một nhà báo hơn là một sử gia, Veith đã phỏng vấn rất nhiều “người trong cuộc” ngoài những tài liệu trong sách vở. Và anh thận trọng như một nhà báo; mỗi khi nói điều gì do một người tiết lộ thì anh đi hỏi người khác về cùng câu chuyện đó. Cũng nhờ dựa vào các cuộc phỏng vấn cá nhân, Veith cho người đọc nhìn lại thời Việt Nam Cộng Hòa với các chi tiết từ đó các nhân vật nổi tiếng hiện ra như những “con người thật,” không phải chỉ là các “ông tướng” hay “nhà chính trị.” Các biến cố được kể lại cũng phức tạp hơn, nhiều mâu thuẫn tế nhị hơn, không phải chỉ có bên trắng bên đen như các người trong cuộc viết hồi ký thuật chuyện về mình.
 
Trong phần Danh Mục (Index) ở cuối sách, sau hai tên Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, tên Đại tướng Trần Thiện Khiêm được nhắc tới nhiều nhất.
 
Mặc dù Trần Thiện Khiêm không ủng hộ ông Ngô Đình Diệm trong cuộc tranh chấp với Nguyễn Văn Hinh, ông được thăng cấp rất nhanh từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Sau cuộc đảo chính hụt 1960 ông Khiêm cũng như ông Thiệu đều bị điều tra. Ông Khiêm được ông Huỳnh Văn Lang, một người góp phần sáng lập đảng Cần Lao, bảo đảm, để đưa ông vào đảng. Nhưng ông không cải đạo theo Thiên Chúa Giáo, mãi đến năm 2018 ông mới rửa tội, lấy tên thánh Phao Lô. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì khác, năm 1951 ông đã cưới một cô theo Công Giáo, sau một năm “tranh đấu” để được thân sinh cho phép cải đạo. Nhưng ông không rửa tội; cũng không gia nhập đảng Cần Lao. Năm 1955 ông Thiệu mất các chức vụ chỉ huy, đưa lên “ngồi chơi xơi nước” coi trường Võ Bị Đà Lạt. Ba năm sau ông mới chịu rửa tội, do Linh mục Bửu Dưỡng, một lý thuyết gia của chủ nghĩa Nhân Vị Thiên Chúa Giáo. Có lẽ nhờ thế nên ông Thiệu được trở lại chỉ huy các đơn vị có quân sĩ, chuyển ngôi trường Võ Bị cho Lê Văn Kim, một ông tướng “gốc Tây” bị ông Diệm nghi ngờ.
 
George Veith kể một chuyện “hậu trường” về quan hệ giữa hai ông Lê Văn Kim và Ngô Đình Nhu, liên can đến nhiều gia đình nổi tiếng. Ông Kim lấy em gái Tướng Trần Văn Đôn, có lúc ở Đà Lạt trong ngôi biệt thự của song thân Tướng Đôn. Hai cụ lại quen thân với Luật sư Trần Văn Chương, mà cô con gái Trần Lệ Xuân lấy ông Ngô Đình Nhu năm 1943. Vì chỗ quen biết đó, vợ chồng ông Nhu đã có lần tạm trú ở nhà ông Lê Văn Kim trên Đà Lạt, trong cuốn sách có hình chụp cả hai gia đình năm 1947.
 
Năm 1960, nhóm đảo chính hụt công bố danh sách một chính quyền lâm thời, để tên ông Lê Văn Kim làm chức thủ tướng. Chắc vì ông Vương Văn Đông, người chủ mưu, quen ông Kim khi cùng đi Mỹ dự một khóa học tham mưu năm 1958. Sau cuộc đảo chính bất thành, ông Diệm sai Tướng Tôn Thất Đính lên Đà Lạt bắt Lê Văn Kim. Ông Kim lo sẽ bị giết, xin về nhà lấy quần áo, nhân đó gọi điện thoại cho ông Ngô Đình Nhu; phân trần mình không biết gì đến âm mưu phản loạn! Ông Nhu siêu lòng, cho một chiếc máy bay lên đón ông Kim về Sài Gòn.
 
Ông Nhu cho ông Kim làm phụ tá cho Tướng Dương Văn Minh, lúc đó đang giữ một chức vụ “ngồi chơi xơi nước” ở Bộ Tổng Tham Mưu. Ông Kim không có việc gì làm, hay đi thăm người anh vợ là Tướng Trần Văn Đôn, chỉ huy vùng I Chiến thuật. Kim thường rủ Dương Văn Minh cùng đi Huế. Ba người này, sau là nhóm tổ chức cuộc đảo chính năm 1963, hai ông Diệm, Nhu bị giết.
 
Nhưng vào tháng Mười năm 1963, ba ông tướng này không thể điều động các đơn vị quân đội mà qua mặt Chánh văn phòng Bộ Tổng Tham Mưu, lúc đó là Tướng Trần Thiện Khiêm. Dương Văn Minh đi thăm dò ông Khiêm; lúc đó mới biết Khiêm cũng đang bàn chuyện đảo chánh với Nguyễn Khánh! Năm 1960, Tướng Khánh là người đã “leo hàng rào” vào Dinh Độc Lập, rồi từ trong đó điện thoại cho các đơn vị vùng IV kêu họ về giải vây cho ông Diệm.
 
Những câu chuyện nho nhỏ trên cũng đáng đem ra kể cho mọi người biết thêm về hậu trường chính trị Việt Nam Cộng Hòa. George Veith đã phỏng vấn bao nhiêu người để cung cấp các chi tiết tỉ mẩn đó. Có lẽ nhiều năm sau khi tấn kịch đã hạ màn, các tình tự yêu ghét đã nguội bớt, những người được phỏng vấn cũng khách quan hơn. George Veith xin phỏng vấn bà Nguyễn Văn Thiệu không được, nhờ cựu bộ trưởng Cao Văn Thân năn nỉ giúp và đứng ra làm thông dịch. Ông Trần Thiện Khiêm cũng từ chối không cho George Veith phỏng vấn. Tác giả phải nhờ Luật sư Cao Lan, con Đại tướng Cao Văn Viên, đóng vai “con cháu trong nhà” đến hỏi chuyện bác Khiêm.
 
Ông Khiêm không thích chơi với các nhà báo! Trước sau năm 1975 ông luôn “thủ khẩu như bình,” Bây giờ chúng ta còn nhớ trước năm 1975 dân chúng miền Nam đã xuống đường nhiều lần, phản đối từ ông Diệm, ông Nhu, cho tới ông Minh, ông Khánh, ông Thiệu, ông Kỳ; nhưng hầu như chưa ai tổ chức biểu tình chống Trần Thiện Khiêm cả!
 
Có lẽ vì ông Khiêm bao giờ cũng chấp nhận đứng hàng thứ hai, thứ ba, không đứng đầu. Ông Nguyễn Cao Kỳ, khi đóng vai một thủ tướng, vẫn muốn mình nổi nhất trong nhóm tướng lãnh, phải chứng tỏ mình là người đóng vai quyết định, phải được báo chí nhắc tên luôn luôn. Ông Trần Thiện Khiêm thì ngược lại. Làm thủ tướng nhưng luôn luôn lánh mặt, nhường ông Thiệu đóng vai chính. Ông để các vị bộ trưởng họp báo, ra trước quốc hội và công chúng để “lãnh đạn.” Ông Hoàng Đức Nhã, người mà George Veith mô tả là đối nghịch nặng nề với ông Trần Thiện Khiêm, cho biết ông Khiêm công nhận rằng mình chỉ là “kẻ thừa hành.” Nhưng ông Nhã, phụ tá thân cận của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cũng nhận xét rằng chưa thấy ai “lẩn” giỏi như ông Khiêm.
 
Đáng lẽ không nên viết nhiều về Đại tướng Trần Thiện Khiêm như vầy, biết ông không thích người khác nói đến mình. Xin ông tha lỗi, và cầu nguyện ông về nơi an lành vĩnh cửu. 
Ngô Nhân Dụng

Không có nhận xét nào: