NGAY ấy không biết đã bao lâu rồi, tôi còn ít tuổi. Tôi rất thích
viết truyện và từ nhỏ đã mơ ước sau này
trở thành một nhà văn nổi tiếng, còn nổi tiếng để làm gì thì tôi không biết.
Lớn lên, trong khi học ĐHSP Sài Gòn, tôi viết truyện dài, kêu là viết phơi-ơ-tông
- feuilleton - cho một nhật báo và một
tuần báo ở Sài Gòn. Các “tác phẩm” của tôi có lẽ hay lắm, hoặc ít nhất đối với
tôi thì cũng hay lắm, bởi vì “văn mình vợ người”, ai chả cho rằng các tác phẩm
của mình là nhất. Nhưng khi chúng được đăng lên thì tôi thấy tôi chả là cái gì
cả, chẳng ai nói đến. Tôi vẫn là tôi không hơn không kém.
<!>
Thế rồi đùng một cái, tôi
nhận được thư của một độc giả từ Rạch Giá gửi về tòa soạn. Nét chữ đẹp như cắt đề rõ
bút hiệu của tôi và tên người gửi là Nguyễn Thị Lan Chi, cái tên thật hay, thì quý
bạn bảo tôi không sung sướng sao được.
Tôi xúc động mở ra coi, trong thư có đoạn:
“Thành thật mà nói, Chi thấy anh viết hay lắm, rất hạp với Chi.
Mỗi buổi chiều xe về tới bến, người ta
đưa báo đến các sạp, Chi phải ra mua ngay để đọc tiếp truyện của anh.
“Tuần trước lên Sài Gòn, Chi định tới tòa soạn gặp anh nhưng lại
mắc cở. Anh thấy đó, Chi nhát chứ đâu có bạo như người ta - Không hiểu tại
sao Chi thích lối viết của anh, phải
chăng vì những nhân vật hiền lành, dễ thương,
không có mưu mô thâm độc, hay tại Chi bắt gặp trong đó chính hình ảnh của
mình, chính tâm hồn mình nên dễ thông
cảm. Có điều, Chi sanh ra trong một gia đình tương đối êm ấm, chỉ
khác một chút vậy thôi”.
Và sau đó người con gái mà
ngoài phong bì đề tên là Lan Chi viết tiếp:
“Chi đánh bạo gởi thơ này tới anh với mục đích muốn khuyến khích
anh, một cây bút trẻ rất có nhiệt tình nhưng bi người đời bỏ quên không ai nhắc
đến. Anh hãy yên tâm tiếp tục sự nghiệp văn chương. Khi nào buồn vì sự thờ ơ
của người đời thì hãy nghĩ rằng ở miền sông Hậu này hiện có một người bạn, một
người con gái luôn luôn thông cảm với anh, sẵn sàng chia sẻ niềm vui nỗi buồn
với anh.
“Thôi, thư đã dài, nhận được thư này mong anh trả lời Chi bằng thư
riêng theo tên và địa chỉ của Chi đề ngoài phong bì. Chi muốn đọc thư riêng của
anh thiệt dài Chi mới bằng lòng. Anh coi Chi có “khó tánh” không? Còn bây giờ thì xin anh cho Chi được phép dừng
bút, đón xe về tỉnh để coi tiếp truyện
dài của anh. Thân ái kính chúc anh được nhiều may mắn, mạnh khỏe … như voi đặng viết tiểu thuyết cho
Chi đọc. Bao giờ anh rảnh, có dịp về Rạch Giá chơi, Chi sẵn sàng đón anh với cả
tấm lòng”.
Thương nhiều
“Một người đồng điệu”
Ng.Th. Lan Chi
Hai chữ “thương nhiều” được gạch đi, thay bằng hai
chữ “mến nhiều”. Câu cuối cùng nàng
viết: ”Bao giờ anh rảnh, có dịp về Rạch
Giá chơi, Chi sẵn sàng đón anh với cả tấm lòng”. Tại sao nàng không nói “xuống Rạch Giá chơi” mà lại nói “về Rạch Giá chơi”? Nàng coi tôi như một
người thân trong gia đình, đi xa, bây giờ trở về chăng? Có khi coi tôi như…
người yêu ở nơi xa xôi cũng chưa biết chừng!
Ôi, tôi đọc đi đọc lại bức
thư đến hàng chục lần khiến nó nhàu nát. Rồi buổi tối hôm ấy tôi thức thật
khuya, viết cho nàng một bức thư dài ba tờ giấy gấp đôi tức sáu trang giấy. Viết
xong, trang nào không vừa ý tôi xé đi, viết lại, thành thử chỉ sửa một đoạn
trong trang mà phải viết lại cả tờ hai trang, hết sức công phu. Sáng hôm sau đi
học, tôi ghé qua bưu điện gửi bảo đảm
cho nàng.
Sau khi bức thư được gửi đi,
tôi mỏi mắt trông chờ… Xin quý bạn đừng cười tôi lãng mạn hoặc đa tình đa
cảm. Tôi đã nói tôi là nhà văn hạng bét không được ai nhắc đến kia mà. Ôi, các
ông văn thi sĩ thời tiền chiến ơi, dẫu thế nào chăng nữa các ông cũng có được
một Vũ Ngọc Phan, một Hoài Thanh - Hoài Chân, một Trương Tửu nói đến, phê bình
các ông. Đằng này tôi chẳng được ai nói đến, bây giờ có một độc giả gửi thư cho
tôi, khen ngợi tôi thì tôi không cảm động sao được. Ngoài ra, tôi cũng nghĩ,
con người ta sống ở trên đời, có nhiều công việc phải làm - ví dụ…viết truyện
dài, truyện ngăn cho báo Tự Do và báo Màn Ảnh chẳng hạn - và có một chút tình
cảm để dành mà đền đáp.
Hai tuần sau thì tôi nhận
được thư hồi âm của nàng. Lần này người con gái miền Tây tên Lan Chi của tôi
viết dài hơn, tám trang, bốn tờ giấy mỏng, nét chữ vẫn đẹp như cắt, lời lẽ đậm
đà hơn, tha thiết hơn và thân mật hơn.
Cứ thế thư đi thư về đều đặn
gần hai năm trời. Tôi kể cho nàng nghe nhiều điều, nàng kể cho tôi nghe nhiều
điều. Tôi nói rằng ít tháng nữa tốt nghiệp ĐHSP, ráng đậu cho xong cái bằng cử
nhân, được bổ đi dạy tôi sẽ xin về Rạch Giá và đến thăm nàng.
Sau bức thư đó, Lan Chi im
lặng không viết cho tôi nữa. Trước khi im lặng, nàng bảo rằng tôi đang phải lo thi
cử, cả thi tốt nghiệp lẫn thi cử nhân, nên chú tâm vào việc học, đừng viết thư
nữa kẻo mất thì giờ và nàng cũng sẽ không viết thư cho tôi nữa. Thôi rồi, con
chim nhỏ bay đến nó lại bay đi, chỉ còn mình ta với ta mà thôi.
Đúng là tôi phải lo thi
thật. Nhưng vẫn phải viết tiểu thuyết cho tờ Tự Do và tờ Màn Ảnh, không phải vì
tiền lương mà vì bổn phận. Đã nhận lời viết cho người ta thì phải có lương tâm,
không thể đang tự nhiên bỏ ngang đươc. Than ôi, những lúc hơi rảnh, tôi thèm
nét chữ nghiêng nghiêng đẹp như cắt, thèm chiếc phong bì thơm thơm mùi giấy...
Hè năm đó, thi xong cả hai
thứ, tôi đánh điện tín xuống báo cho Lan Chi biết ngày tôi sẽ đi Rạch Giá, coi
như nghỉ ngơi sau khi tốt nghiệp.
Tìm đến địa chỉ ở đường Hàm Nghi, đó là một tiệm ảnh sang
trọng. Bà chị - tôi đoán là bà chị vì bà còn trẻ, khá đẹp mặc dầu hơi mập – cho
biết Lan Chi về bên quê ngoại ở Sông Ông Đốc dưới Cà Mau.
- Thưa chị làm ơn cho em
biết đường vô Sông Ông Đốc.
- Không được đâu, nó dặn vô
trỏng khó lắm, nhà ở trong đồng hổng kiếm nổi đâu. .
- Tại sao Lan Chi lại tránh
mặt em? Nếu Lan Chi cho phép, cả cái quận Sông Ông Đốc em sẽ tìm ra bằng được.
Người chị nhíu mày có vẻ
thương hại:
- Dữ vậy đó! Bộ thương con
nhỏ đó lắm hả?
- Dạ thưa em không biết
nhưng em xuống đây với mục đích gặp Lan Chi.
- Hừ, kỳ cục, chị hổng hiểu
gì hết. Tại con nhỏ đó dặn chị nó vô Sông Ông Đốc xong có thể đi Cần Thơ, lên
Cái Răng, Cái Tắc gì đó thăm mấy đứa bạn, chị không biết địa chỉ ở trển.
Năn nỉ thế nào cũng không
được mặc dầu có lẽ chị rất thành thật. Cuối cùng tôi đành trở lại khách sạn,
sáng hôm sau lên xe đò về Sài Gòn sớm. Tôi thất vọng như bị “bồ” đá. Vâng, “bồ
đá” chứ không phải “bò đá”. “Bồ đá” mới đau chứ “bò đá” có lẽ không đau, hơn
nữa một thanh niên như tôi chẳng khi nào lại dại dột đứng gần con bò để bi nó
đá. Ngoài ra tôi cũng tự hỏi hay là Lan Chi xấu ỉnh nên nàng tránh mặt để tôi
khỏi thất vọng, vẫn giữ kỷ niệm đẹp về nàng?
Hừ, xấu với đẹp thì ăn nhằm gì, tôi có công đi hơn 300 cây số từ Sài Gòn
xuống Rạch Giá, cứ để cho tôi gặp rồi sẽ tính sau có phải hơn không. Con gái
toàn nghĩ theo cách nghĩ của họ mà chẳng thèm biết đến ai!
o0o
Năm năm sau tôi xuống Rạch
Giá lần nữa. Lần này đi với mấy đứa bạn, xuống dự đám cưới một tên ngày trước
cùng học với chúng tôi trong ĐHSP. Hắn quê ở Rạch Giá nên lúc tốt nghiệp xin về
dạy ở Rạch Giá.
Chúng tôi được xếp ngồi cùng
bàn với một phụ nữ rất đẹp. Đứa con trai nhỏ của bà ta rất xinh.
Một người đàn bà đẹp thì ở tuổi
nào cũng vẫn còn đẹp. Bác Bình Nguyên Lộc, một nhà văn nổi tiếng miền Nam nói
chuyện với tôi rằng, theo ông thấy, qua các truyện cổ bên Tàu, chỉ những người
"đàn bà" đẹp như Võ Tắc Thiên, Từ Hi thái hậu mới làm nghiêng ngửa
ngai vàng của các ông vua chứ mấy cô con gái mới lớn còn kêu chíp chíp thì
không nhằm nhò gì. Theo ông, người đàn bà đẹp khi đã đứng tuổi, nhan sắc trở
thành đậm đà, ăn nói chừng mực, dễ làm say đắm lòng người hơn là mấy cô nho nhỏ.
"Thế bác bảo không có mấy cô nho nhỏ thì làm sao có các bà đứng tuổi?"
- "À, cái đó lại là chuyện khác, không ăn nhập gì tới vấn đề nầy".
Vâng, không ăn nhập gì tới
vấn đề này, nhưng quả thật tôi thấy người phụ nữ ngồi bên cạnh tôi quá đẹp. Tôi
chưa từng thấy một người nào đẹp như vậy ngoại trừ… trong các phim ảnh!
- Thưa bà cháu bé xinh quá.
Cháu tên gì cơ ạ?
- Dạ, cháu tên Hoài Giang.
Lê Nguyễn Hoài Giang. Tại vì ba cháu họ Lê, tôi họ Nguyễn.
Tôi thắt ruột lại. Thiếu phụ
họ Nguyễn, quê ở Rạch Giá? Cháu bé tên Hoài Giang? Trời đất ơi, hồi viết cho
báo Tự Do và báo Màn Ảnh, kể cả báo Văn Nghệ Tiền Phong do Lý Thụy Ý trông coi
mục truyện dài truyện ngắn, tôi ký bút hiệu là “Hoài Giang”.
Tôi tái mặt nhưng cố gượng
cười:
- Ông bà đặt tên cháu bé
khéo quá. Ngày trước tôi cũng có một người bạn làm nghề viết văn, bút hiệu Hoài
Giang.
Thiếu phụ nhíu mày suy
nghĩ:
- Thưa dường như ông ở Sài
Gòn xuống dự đám cưới cậu Ba?
- Vâng.
- Chắc ông cũng làm nghề dạy
học, bạn với cậu Ba?
- Vâng. Chúng tôi với
"chú rể" ngày trước là bạn học cùng lớp trong Đại học Sư phạm.
Người phụ nữ mỉm cười, ánh
mắt thoáng long lanh như có điều gì bí ẩn:
- Cậu Ba tức cậu Lộc là cậu
ruột tôi. Hồi nọ thỉnh thoảng cậu vẫn nói chuyện với tôi về ông.
"Nói chuyện với tôi về
ông"? Vậy thì còn xa lạ gì nữa. Cái thằng “cậu Ba” chết toi, tại sao nó im
như hột thóc, hồi còn đi học không nói cho tôi biết nó là cậu ruột của cô cháu
gái xinh đẹp này?
- Thưa có phải hồi trước người
bạn của ông viết tiểu thuyết đăng hàng ngày cho tờ Tự Do và hàng tuần cho tờ
Màn Ảnh?
Tôi cay cú, làm mặt
lạ:
- Dạ không, tôi không hiểu
nó viết cho các báo nào nhưng biết nó là một kẻ bất hạnh, đến trước mà chẳng
được gì cả. Lỗi đâu phải tại nó? Nếu nó có lỗi tôi sẽ bảo nó nhẩy xuống sông chết
quách đi cho rồi, không nên sống làm gì nữa.
Thiếu phụ cúi mặt, đôi mắt
đẹp chớp nhanh, giọng nói nhẹ như cơn gió thoảng:
- Dạ, lỗi tại tôi chớ không
phải tại ảnh.
Tôi cáu:
- Tại bà quá đi mất chứ còn gì
nữa! Hồi đó nó đã xuống đây nhưng không được gặp bà.
- Dạ, tôi hiểu.
- Tại sao bà lại tránh mặt nó
như vậy?
- Ông thử nghĩ coi, ảnh là sinh
viên cử nhơn sắp tốt nghiệp Đại học Sư phạm, còn tôi là cô giáo làng, ảnh người
Bắc, tôi người Nam…
- Hừ, Bắc với Nam thì ăn
nhằm gì! Bà không biết lợi thế của mình. Nói xin lỗi, nếu bà biết rằng một
người đẹp như bà, nó không đáng xách dép cho bà!
- Ông dạy quá lời. Tôi chỉ
là một cô giáo tỉnh nhỏ.....
- Trời đất ơi, cái tỉnh Kiên
Giang này mà bà bảo là nhỏ? Bà nên nhớ ngày trước cụ Nguyễn Đình Chiểu đã có những câu thơ danh
tiếng vang lừng thiên hạ: "Hỏa hồng
Nhật Tảo oanh thiên địa. Kiếm bạc Kiên Giang khốc quỷ thần", vậy mà bà
bảo nhỏ là nhỏ sao được!
Thiếu phụ bật cười:
- Khẩu khí của ông lớn lắm,
tôi cãi không nổi. Hồi đó nhận được điện tín của ảnh cho biết sắp xuống thăm,
tôi trốn về Sông Ông Đốc...
- Tại sao bà làm như
vậy?
- Tôi đã giải thích với ông
rồi, tôi bị mặc cảm.
- Bà thật ngốc nghếch, điên
khùng! Đáng nhốt bà vào nhà thương điên Biên Hòa!...
- Ông chửi tôi đấy à? Thế
sao ông nói ông tôn trọng tôi?
Tôi giật mình, ngạc nhiên, hối
hận:
- Ấy chết, xin lỗi, tôi
không có ý như thế.
- Được, không sao. Ông cứ
chửi nữa đi, tôi đang muốn nghe.
Và bà ta thở dài, giọng nói vẫn
êm như cơn gió:
- Nghe nhiều cho đỡ ân hận.
Tôi rất thương ảnh.
- Một người đẹp như bà mà
biết thương ai bao giờ. Nếu thương đã chẳng tránh mặt.
- Có đấy, ít nhứt cũng
thương một người. Nhưng thôi, chuyện đã lỡ. Bây giờ tôi đã là vợ, là mẹ, đã có
bổn phận của mính, ân hận đến mấy cũng không được nữa. Tôi chỉ mong một điều
rằng ảnh hiểu lòng tôi, đặng trả cái ơn ảnh xuống mà không gặp. Ông về Sài Gòn
muốn nói lại với ảnh cũng được, không nói cũng được. Tôi thố lộ với ông như vậy
là yên tâm lắm rồi. Xin ông hiểu cho, tôi … tôi vẫn thương ảnh như hồi còn con
gái!
"Tôi vẫn thương ảnh như
hồi còn con gái!". Người đàn bà này biết tôi là ai ư? Nàng linh cảm thấy
điều đó hay do thằng cậu ruột chó chết tiết lộ? Trời ơi, tôi nhìn nàng, nhìn gương mặt dịu dàng mà
ngày xưa nàng viết thư cho tôi với nét chữ đẹp như cắt và... và tôi tiếc! Vâng, tôi tiếc ngơ tiếc ngẩn
bởi vì đã bao lâu nay đời tôi trôi theo cơm áo, không nghĩ tới việc lập gia
đình. Bây giờ gặp lại nhau đây thì đã muộn. Đã quá muộn màng…
Bữa tiệc dần tàn, thiếu phụ đứng dậy, nàng dặn
tôi lần chót:
- Ông về trển nhớ nói với
ảnh rằng tôi dặn ảnh lập gia đình đi, đừng nghĩ tới “người cũ” làm gì. Cuộc đời
còn dài, không phải chỉ có người con gái đó biết thương yêu ảnh.
Tôi im lặng và ngửng lên nhìn
vào đôi mắt nàng. Tự nhiên tôi thấy nàng đẹp nhất trên đời. Vâng, đối với kẻ
khốn khổ này, nàng đẹp nhất trên đời mặc dầu đã có chồng con.
o0o
Đêm ấy tôi ngồi một mình
trên chiếc băng đá trong ngôi nhà thủy tạ làm chìa ra bên cạnh dòng sông lớn
chảy qua thị xã Rạch Giá. Lòng tôi hóa đá. Hơi nước từ mặt sông đưa lên lạnh
ngắt. Trên bầu trời, tôi thấy có những vì sao mờ nhạt, cô đơn. Tôi muốn nhảy
xuống sông chết quách cho rồi. Tôi có lỗi gì đâu kia chứ? Tại sao lại tránh mặt
tôi? Tại sao lại bị mặc cảm mà đi lấy chồng một cách lãng xẹt như vậy?
Một chiếc vespa chiếu ánh
đèn chói chang chạy vô, dừng lại, tắt máy. Một người thanh niên khoá xe đi vào,
trên tay lúc lắc chùm chìa khoá cố ý cho tôi nghe tiếng. Đó là thằng Lộc, cái
thằng “chú rể” im như hột thóc tôi chẳng nhờ vả được việc gì.
Nó đến chỗ tôi đang ngồi:
- Ê, thằng chó con! Tao
tưởng mầy nhảy xuống sông rồi chớ?
- Chưa, tao chưa nhảy, hãy
còn sống.
- Sống mà cái mặt mầy chầm
bầm như đồ tể đánh chết trâu. Lại còn bày đặt hút thuốc lá nữa! Cái gói của mày
hết nhiêu điếu rồi?
- Chứ mày bảo tao phải làm
sao? Chẳng lẽ tao nhảy xuống sông?
Hắn ngồi xuống cạnh
tôi:
- Tao có nghe con Lan Chi
nhà tao nói chuyện. Lỗi tại nó. Tao vội vàng chạy ra khách sạn. Tụi nó nói mày buồn
lắm, đi lang thang có lẽ ra đây. Tao bèn tới đây kiếm mày.
- Kiếm làm gì?
-Thôi mày à, chuyện đã lỡ, đừng
thèm buồn nữa. Con Lan Chi nó nói tụi mày liên lạc với nhau, thơ từ qua lại từ mấy
năm trước. Nhưng tụi bay không có duyên số với nhau…
- Mày khuyên tao như khuyên
đứa con nít. Nên nhớ mày không phải cậu ruột tao!...
- Ủa, tao đã nói gì đâu mà
mày nổi sùng? Tao không thèm khuyên mà muốn nói với mày rằng bà chị tao không phải
chỉ có một mình con Lan Chi. Còn con em nó nữa, xinh hơn con Lan Chi, tánh tình
vui vẻ, mau mắn dễ thương hơn con Lan Chi. Nếu mày muốn làm rể Rạch Giá thì tao
sẵn sàng “bồi thường” cho mày. Cái đó kêu là “tình chị duyên em” giống y hệt
trong tuồng cải lương. Tao cư xử như vậy là “người lớn” quá rồi, đúng không? Chính con Lan
Chi biểu tao ra đây nói chuyện với mày….
Thôi thì đóa hoa đã rụng,
mình níu lấy cành để giữ lấy hương. Tôi hơi lưỡng lự:
- Nhưng biết có được như Lan
Chi không?
- Tại sao lại không? Mày ngu
lắm, khi người đàn bà đã đổ chiếc bánh cùng một cái khuôn lần thứ ba thì nhất
định cái bánh thứ ba phải hoàn bị hơn hai cái bánh trước. Tao sợ mày buồn sáng
mai tụi bây dông sớm nên phải ra đây báo cho mầy biết. Rồi, xong, nhiệm vụ của
tao hoàn tất, tao “dìa” còn lo mần…chuyện khác. Nếu muốn thì ngày mai tụi bay khoan
về, ở lại tới tao ăn bữa cơm gia đình do chính tay con cháu út tao làm. Tụi bây
thích ăn cá bông lau nấu canh chua, Rạch Giá quê tao không thiếu gì cá.
- Được, tao sẽ năn nỉ tụi nó
ở lại!
-Tao năn nỉ rồi, tụi nó chịu
rồi. Khoảng chín giờ sáng mai đến chơi, trưa mai ăn cơm.
- Ừa.
Hôm sau chúng tôi đến. Quả
đúng như lời thằng cậu ruột đã nói, “chiếc bánh thứ ba” rất đẹp. Cũng giọng nói
tiếng cười cởi mở và thích liến thoắng chuyện trò về những tác phẩm đã xuất bản
của tôi. Ôi, cách ngôn phương Tây có câu: “Homer
sometimes nods”, “Homer đôi khi cũng ngủ gật”. Nhưng trong trường hợp này Homer
không ngủ gật. Ông ta ra sức “chế tạo” chiếc bánh thứ ba xinh đẹp tuyệt vời.
Lan Chi vui vẻ hỏi
nhỏ:
-Sao, thấy em “tui” đẹp
không?
Tôi mỉm cười gật đầu:
- Đẹp. Rất đẹp. Lại tự nhiên
nữa. Tui hy vọng hè này xuống, người ta sẽ không trốn về … Sông Ông Đốc như bà
chị ruột!
- Chắc chắn như vậy. Có đứa
em nào lại ngu ngốc không tránh vết xe đổ của chị nó? Em tui ít tuổi, “hiện
đại”, nhứt định phải khôn hơn tui.
Hôm sau chúng tôi ra về, “người
ta” đưa tiễn. Ngồi trên xe đò, tôi sung sướng nghĩ thầm rằng đến hè chắc chắn
tôi sẽ xuống. Từ Sài Gòn đi Rạch Giá có hơn 300 cây số, “tình chị duyên em”,
tôi biết là tôi sẽ xuống.
Đoàn Dự
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét