Ảnh do Lực lượng hải cảnh Philippines công bố về sự hiện diện của đội tàu của Trung Quốc ở khu vực Đá Ba Đầu vào ngày 21/3/2021. Hôm 23/3, Hoa Kỳ cho biết họ ủng hộ Philippines trong cuộc đối đầu mới với Bắc Kinh ở Biển Đông, nơi Manila yêu cầu một đội đánh cá Trung Quốc phải rời khỏi khu vực Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Trung Quốc phớt lờ lời kêu gọi của Philippines và khẳng định họ sở hữu khu vực này, theo AP
<!>
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói họ chia sẻ mối quan ngại của Philippines và cáo buộc Trung Quốc sử dụng “lực lượng dân quân hàng hải để dọa nạt, khiêu khích và đe dọa các quốc gia khác, điều này làm suy yếu hòa bình và an ninh trong khu vực”.
“Chúng tôi sát cánh với Philippines, đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của chúng tôi ở châu Á”, AP dẫn tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm Chủ nhật yêu cầu khoảng 200 tàu Trung Quốc mà ông nói là tàu dân quân rời khỏi Đá Ba Đầu, cách thị trấn Bataraza ở tỉnh Palawan, miền Tây Philippines, khoảng 175 hải lý (324 km) về phía tây.
Các giới chức Philippines nói Đá Ba Đầu, mà nước này gọi là Julian Felipe, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế công nhận của họ, nơi Philippines “được hưởng độc quyền khai thác hoặc bảo tồn bất kỳ tài nguyên nào”.
Trước đó, hôm 7/3, lực lượng hải cảnh Philippines phát hiện khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm mà cả Bắc Kinh và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền.
Hôm 22/3, Trung tướng Cirilito Sobejana của quân đội Philippines cho biết một máy bay giám sát của nước này đã phát hiện 183 tàu Trung Quốc vẫn đang ở bãi đá ngầm. Giới chức Philippines cũng công bố hình ảnh trên không về các tàu Trung Quốc đang có mặt trong khu vực này.
Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin Jr. cho biết Philippines đã gửi kháng thư ngoại giao về sự hiện diện của Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định họ sở hữu bãi đá ngầm mà họ gọi là Niue Jiao, và cho biết các tàu Trung Quốc tập trung ở khu vực này là để tránh biển động.
Bắc Kinh cũng phủ nhận các tàu này là của lực lượng dân quân hàng hải. Đại sứ quán Trung Quốc trong một tuyên bố hôm 22/3 nói rằng: “Bất kỳ sự suy đoán nào như vậy đều không giúp ích gì ngoài việc gây ra những khó chịu không cần thiết” và “Hy vọng tình huống có thể được xử lý một cách khách quan và hợp lý”.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết “Tàu thuyền Trung Quốc đã neo đậu ở khu vực này trong nhiều tháng với số lượng ngày càng tăng, bất kể thời tiết như thế nào”.
Phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết trong một cuộc họp báo rằng Tổng thống Philippines sẽ nói chuyện với đại sứ Trung Quốc tại Manila về vấn đề này.
Ông Duterte đã nuôi dưỡng mối quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016. Ông cũng bị chỉ trích vì không lập tức yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của toà trọng tài quốc tế đã vô hiệu các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông.
Ông Duterte mong muốn có được ngân quỹ cho các cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã tài trợ và cam kết cung cấp nhiều vắc-xin COVID-19 hơn cho Philippines khi nước này đang đối mặt với tình trạng nhiễm virus corona tăng lên đột biến đến mức đáng báo động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét