Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

Quán Cơm Bà Cả Đọi - Trường Kỳ

Bộ ba bầu show nhạc trẻ nổi tiếng Saigon một thời: Trường Kỳ, Tùng Giang, Nam Lộc. 2 đã qua phà, giờ chỉ còn Nam Lộc. “Bà cả Đọi” là tên một quán cơm bình dân trên lầu, nó như quán cơm gia đình trong hẻm số 53 đường Nguyễn Huệ, ngay trung tâm Saigon mà nhiều người cố cựu từng gắn bó và có những kỷ niệm khó quên.  Bài viết của Trường Kỳ để nhớ lại một trong những điều “dễ yêu” Saigon ngày nào đã trở thành hoài niệm. Saigon ngày xưa, từng góc phố, từng cái tên, dù nhỏ, đều ít nhiều gắn liền kỷ niệm người xưa. Buồn và tiếc, giá như những người lạ mặt ở đâu đó đừng đặt chân tới đây, giờ cỡ Bangkok, Kuala Lumpur, S’pore, Jakarta… có lẽ chẳng ai nghĩ tới để so sánh.

<!>

“Bà cả Đọi” trong hình cũng đã là người thiên cổ vài năm trước, tên bà do Trường Kỳ đặt, “Đọi” ví von là đói, mà túi tiền không rủng rỉnh nên giới công chức, văn nghệ sĩ hay tìm tới một quán cơm có bà chủ người bắc di cư tốt bụng với mọi người, tiền ít mà cơm vẫn ngon.  Bài chia sẻ của Trường Kỳ để biết thêm một thế giới thu nhỏ văn, nghệ sĩ Saigon. 
Tôi là người đã phổ biến ngay cái tên hấp dẫn và rất kêu do mình đặt ra này, đến các anh em ban nhạc thường tụ họp ở Jo Marcel. Ngay ngày hôm sau, quán Bà Cả Đọi đã bị xâm lấn bởi một đội quân gồm những anh chàng tóc dài, áo quần đủ kiểu, và các nàng choai choai với những chiếc mini jupe, chị em dần trở nên quen thuộc như ở nhà, cứ đến giờ cơm là ào tới ăn uống linh đình, trong khi chỉ chi một số tiền rất khiêm nhượng nhưng được no nê căn rốn.

Bà Cả Đọi trở nên nổi tiếng ngay tức thì sau khi được các anh chị em nhạc trẻ phổ biến bằng cách vô tuyến truyền tai tùm lum tà la, để trở thành một quy luật là, không biết quán Bà Cả Đọi không phải là tay chơi.  Thoạt đầu, là những anh em trong ban nhạc THE PAPAS, THE SHAKERS. Sau, đến ông ca sĩ tóc dài đen thui KASIM, và mười ngón tay vàng TRUNG NGHĨA của ban THE ENTERPRISE, cùng cô ca sĩ THANH TUYỀN con gái tài tử Đoàn Châu Mậu. Kế đó là TRUNG HÀNH, CAO GIẢNG, TUẤN DŨNG, TỨ ĐỆ, ĐỨC VƯỢNG, PHÙNG THUẬN …của những ban THE NEW FLINTSTONES, THE FORTY SIX, MÂY TRẮNG. Những năm sau đó, có mặt LÊ HỰU HÀ, NGUYỄN TRUNG CANG, ELVIS PHUONG, VINH, HIỂN của ban PHƯỢNG HOÀNG. Rồi thì The BLACKSTONES, THE JETSET, THE BLUE JET, THE UPTIGHT, KHÁNH HÀ, TUẤN NGỌC, ANH TÚ, CANDY XUÂN … 
Tóm lại, gần như không thiếu một mống nào trong làng nhạc trẻ mà không từng nhận quán Bà Cả Đọi là quê hương một thời gian. 
Ngay cả những ông bạn tôi là JO MARCEL, TÙNG GIANG cũng rất thiết tha với Bà Cả Đọi. Không có Bà ấy thì đọi chỏng gọng cả lủ, khi túi tiền xẹp lép không còn đủ khả năng mua vài ổ bánh mì Ba Lẹ hay Sáu Voi để cầm hơi chờ ngày huy hoàng hơn. 

Những BA CON MÈO với UYÊN LY, KIM ANH, MỸ HÒA , hay BA TRÁI TÁO TUYẾT HƯƠNG, TUYẾT DUNG, VY VÂN… ai nấy đều đã say sưa với món ăn Bà Cả Đọi.  KHÁNH LY, NGỌC MINH chắc cũng khó quên được những bữa cơm rau đay và cà pháo. Sau khi tôi phổ biến tên quán Bà Cả Đọi trên báo chí, thì nơi đây bắt đầu có mặt những tay viết báo như NGỌC HOÀI PHƯƠNG, HUYỀN ANH, TRẦN QUÂN, NGUYỄN TOÀN… rồi các tài tử điện ảnh cũng như các diễn viên kịch cũng kéo đến đây nườm nượp nào TRẦN QUANG, HUY CƯỜNG, NHƯ LOAN, MINH LÝ, TÚ TRINH… cứ như là một đại hội nghệ sĩ và báo chí diễn ra thường xuyên tại quán Bà Cả Đọi. 
Những khách khứa cũng như những người con của Bà Cả Đọi, tha hồ ngắm nghía và xuýt xoa khen ngợi những khuôn mặt trước đó chỉ được nghe nhắc nhở tới trên báo chí hay trên truyền hình hoặc màn bạc. 

Con đường hẻm dẫn lên quán Bà Cả Đọi trở nên tấp nập lạ thường, và nó đã trở nên nơi dừng chân của giới văn nghệ sĩ Saigon. Bà Cả bận rộn hơn xưa và tỏ ra rất hài lòng với số khách đông đảo này đã mang lại cho quán Bà nhiều màu sắc tươi trẻ và một bầu không khí sống động hơn nhiều.  Nếu Givral, La Pagode, hay Brodard là nơi phát xuất nhiều nguồn tin tức liên quan đến thời sự và chính trị, thì quán Bà Cả Đọi phải được coi là một đài phát thanh văn nghệ, qua những mẫu chuyện được loan truyền từ nơi đây, qua sự phát ngôn của các anh hào thuộc các giới nhạc trẻ, tân nhạc, điện ảnh, kịch nghệ, văn chương và báo chí. Chỉ cần đến đúng giờ phát thanh vào buổi trưa, là có thể biết được rất nhiều tin tức đủ loại. 

-Trường Kỳ

**************

Chuyện "quán cơm Bà Cả Đọi" và tôi:
Hoè Trịnh

Cuối năm 2001 sang đầu năm 2002, con trai đầu lòng tốt nghiệp đại học, con trai Út của gia đình  đủ lớn, vợ tôi bảo tụi tui nên dẫn con về thăm nhà cho tụi nhỏ và nàng biết "cái root, nguồn cội của tui, vả cũng giới thiệu nàng và các con với gia đình bên nội.

Đó là lần đầu tiên tui về thăm quê sau khi rời VN chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975 tại Sài Gòn.

Về Sài Gòn, nhờ anh bạn giữ phòng tại khạch sạn "Hữu Nghị" hay La Palace củ ở đường Nguyễn Huệ, ngó qua bên kia là quán cơm Bà Cả Đọi củ, rồi bay về Đà Nẵng, thăm quê.
  
Sau 4 tuần, bay vào lại SaiGòn, còn thêm một tuàn nữa mới về Sài Gòn. Tôi tìm quán cơm Bà Cả Đọi trên con hẻm ở Đường Nguyễn Huệ
mà ngày xưa tôi hay đến đây ăn cơm trưa khi tàu ngỉ bến ở Sài Gòn.
Được biết quán Bà ở trên hẽm đã đóng cửa nhưng mở ba quán khác, có một quán ở góc đường gần khu tiệm sách Khai Trí củ. Chắc bây giờ có tên tiệm Đồng Nhân.

Sau khi tôi dẫn gia đình đến ăn, không ngờ vợ và hai con tôi đều thích. Trong tuần lễ chót ở Sài Gòn, trúng dịp chạp mã ở quê tôi ờ Tam Kỳ, Quảng Nam. Tôi nói  với vợ tôi để tôi bay về Tam Kỳ ăn chạp mã, cũng là dịp tôi chạp mã mộ Cha mẹ tôi, Ông Bà và mộ trong gia đình. Vợ tôi và hai con tôi vẫn không thích cái nóng ở Sài Gòn lắm.
Và ba mẹ con đợi khoảng 4:30 hay 5 giờ chiều là dẫn nhau đến quán "Bà Cả Đọi" ăn. Ba Mẹ con rất thích các món ăn ở quán này, vừa nóng, tươi, và có thể thay đổi món ăn mỗi ngày, tùy mình chọn.

Ngày xưa khi tàu về nghỉ bến ở Sài Gòn, khi thèm ăn cơm trưa "dân sự" bạn tôi Lê Đình Đức hay chở tôi ra quán Bà Cả trên con hẻm ở đường Nguyễn Huệ, rồi đi bộ lên cầu thang cement cao, ăn .. mổ hôi nhễ nhại .... nhưng món ăn ngon, ăn riết rồi mê, và ghiền.

Cả nửa thế kỷ trôi qua, Bà Cả đã qua bên kia thế giới, bạn tôi cũng đã ra người thiên cổ nhưng Quán cơm của Bà không những "nằm trong đáy lòng tôi" như tác gỉa bài viết dưới đây, nó còn nằm sâu trong bộ não của tôi, hằn sâu trong ký ức. May mắn gặp lại Bà đầu năm 2002 ở quán cơm Bà ở Sài Gòn.
Kỷ niệm với bạn tôi Lê Đình Đức cũng vậy, luôn hiện hữu trong tôi. 

Các món ăn của Quán Bà Cả Đọi không phải là sơn hào hải vị, không biết tại sao ngày xưa tôi thích, tôi ghiền, sau này không những tôi mà cả vợ và hai con tôi cũng thích và ghiền.

Chắc món ăn tươi, nóng, sạch sẽ, hợp khẩu vị, hợp túi tiền và quan trọng nhất sự tiếp đón, đối xử đầy tình người của Bà Cả và con cháu gia đình Bà chăng?
   
TH,

**********

Việt Nam trong đáy lòng tôi
Nguyễn Bá Trạc


Tiệm cơm Đồng Nhân, địa chỉ số 42 đường Trương Định gần chợ Bến Thành. (Hình: Nguyễn Bá Trạc)

Trước 1975 ở Sài Gòn bọn chúng tôi thường đến ăn ở quán cơm “bà cả Đọi”, là tên bà cả Đại, người Bắc di cư vào Nam năm 54. Cái quán nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Huệ gần bờ sông. Cuối hẻm, bước vài bước lên cái cầu thang xi măng là căn phòng nhỏ, chật ních khách hàng đủ loại.

Đa số là nhà dzeng, nhà báo, ca sĩ, nghệ sĩ… mà cũng đầy những sinh viên, quân nhân, công chức. Nói chung là loại khách ít tiền mà lại muốn ăn ngon: Cà pháo, thịt luộc, mắm tôm, canh rau đay, canh mùng tơi, mướp, lòng heo… cơm Bắc Kỳ hảo hạng.

Bà Cả thường mặc cái áo nâu, đầu quấn khăn vành dây, vừa dọn cơm vừa chuyện trò đon đả. Bà là người đẫy đà, vui vẻ, lại rộng rãi, tin người. Tôi là một trong những người khách ăn chịu, ăn xong thì cứ ghi nợ vào một quyển sổ dầy cộm, đầy tên những người khác cũng ăn chịu như tôi. Vậy mà có lần túng tiền, gãi đầu hỏi vay thì bà Cả cũng vui vẻ mở cái kim băng, lấy tiền trong túi áo cánh cho tôi vay một số tiền không nhỏ.

Nhớ có lần khách đã vãn, bà Cả ngồi chuyện trò với bà thông gia, cũng là người Bắc. Hai bà kể lể toàn những chuyện nhớ nhung đất Bắc. Cái gì ở ngoài Bắc cũng hơn. Thức ăn ngon hơn. “Nước mưa ở Sài Gòn uống vào đắng cả mồm.” Lời bình phẩm này tôi đã chôm lấy mà viết thành chuyện “Ông Khó Tính” trong cuốn Ngọn Cỏ Bồng: “Nước mưa ở Mỹ uống đắng cả mồm.”

Năm 2013, sau 39 năm rời VN tôi về thăm Sài Gòn. Hỏi, mới biết cô con gái bà Cả là cô Hường, nay đã mở tiệm riêng. Là tiệm cơm Đồng Nhân, địa chỉ số 42 đường Trương Định gần chợ Bến Thành.


cô Hường mừng lắm, nhất định không lấy tiền cơm. Nói thế nào cũng không nhận. (Hình: Nguyễn Bá Trạc)

Tìm đến, thấy trên bàn cũng đủ những món ăn của bà Cả ngày xưa. Những đĩa lòng heo, dồi trường trắng trẻo. Đĩa cà pháo, canh cua rau đay… hệt như xưa. Nhận ra tôi, chỉ là một người khách cũ đời xưa, mà cô Hường cũng nhớ tên ngay. “Ông Trạc!”, cô Hường mừng lắm, nhất định không lấy tiền cơm.

Nói thế nào cũng không nhận. Lại gọi con trai ra chào. Rồi lấy cái xe honda bảo tôi ngồi lên, cô Hường chở tôi về cái hẻm ở đường Nguyễn Huệ cho tôi thăm bà Cả. Năm ấy đã yếu rồi. Chẳng biết hôm nay ra sao.

Hôm ăn ở quán Đồng Nhân hình như có một ông bạn đi cùng. Nên mới có mấy tấm ảnh kèm đây. Những tấm ảnh này tôi cất giữ trong một hồ sơ với cái tên: “Việt Nam Trong Đáy Lòng Tôi.”

Không có nhận xét nào: